Nhìn lại những tháng ngày đã qua, niềm hạnh phúc lớn nhất mà tôi có được không phải là con đã vượt cấp hay là xuất bản sách mà là vì có tôi bên cạnh, nên con có trái tim tràn ngập niềm vui vô bờ bến và nụ cười rạng rỡ. Thông qua những trò chơi vui vẻ, con đã học được vô số những kiến thức mà sách vở không thể nào dạy được.
Con tôi không học trường điểm
Tôi đã từng may mắn được ra nước ngoài khảo sát giáo dục, mỗi quốc gia do tình hình đất nước, thể chế xã hội và văn hóa khác nhau mà phương thức giáo dục có sự khác biệt, nhưng có một điểm chung lớn ở những nền giáo dục này đó là giáo dục phục vụ con người và giáo dục khiến người học cảm thấy vui vẻ.
Đã từ rất lâu, ở Trung Quốc phân thành trường bình thường và trường điểm, nhưng tôi vốn không tán đồng với cách làm này, con người ai cũng bình đẳng, tại sao phải phân chia các trường, sự bất bình đẳng này do con người tạo ra. Điều đáng buồn nữa là tại một số trường điểm còn phân ra lớp chọn, lớp thực nghiệm, lớp A1, lớp A, rồi lớp AA…
Có trường điểm tiểu học, trường điểm trung học và tất nhiên có trường điểm đại học.
Trường đại học mà con gái tôi đang học xét tuyển căn cứ vào kết quả thi, còn trường tiểu học và trung học thì không cần điểm số, vì thế khi học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, con gái tôi đều không học ở trường điểm mà học tại những ngôi trường bình thường, hoàn thành những môn học văn hóa cơ bản.
Ở phần trước tôi đã nói, để giải quyết vấn đề vui chơi và giao lưu với những bạn cùng trang lứa, tôi gửi con đến trường học, nhưng trường học này có rất nhiều điều khác biệt. Chính vì điều khác biệt này mà đến tháng năm, tháng sáu hàng năm lại có những cuộc chiến nảy lửa về vấn đề lên lớp.
Nhìn tổng thể tình hình cả nước, các bậc phụ huynh giống như chuẩn bị ra trận, dốc toàn bộ sức lực để có thể cho con vào học trường tốt nhất: Con vừa học xong mẫu giáo, muốn con học trường tiểu học điểm, con học xong tiểu học muốn học trường điểm trung học cơ sở, những đứa sắp vào trung học phổ thông hay đại học thì cũng phải học trường điểm…
Trong mắt phụ huynh, ở tiểu học chỉ có học trường điểm thì lên trung học cơ sở mới được học trường điểm, học trường điểm ở trung học phổ thông mới có thể thi vào trường điểm đại học, như vậy con mới có thể thành công, thành tài. Như vậy cha mẹ mới an tâm, mới có thể thở phào nhẹ nhõm, mới được nở mày nở mặt. Vì muốn cho con được học ở những trường như vậy mà các bậc phụ huynh phải suy nghĩ nát óc, thậm chí không từ thủ đoạn, dồn hết tiền bạc, tìm các mối quan hệ…
Mười năm trước khi con gái học xong mẫu giáo, tôi cũng phải đối mặt với vấn đề như vậy. Gần nhà tôi có hai ngôi trường tiểu học trọng điểm nổi tiếng cả tỉnh là trường Thực nghiệm số 2 tỉnh Cát Lâm và trường Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc, và cũng có trường học rất đỗi bình thường là trường Tiểu học Các con em xưởng 228 và trường Tiểu học Các con em Quang Cơ. Trong khi một số phụ huynh tốn tiền của để con mình được học ở trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc thì tôi không ngần ngại ghi tên cho con học trường Tiểu học Các con em xưởng 228.
Một ngày nọ con gái sau khi tan học ở trường mẫu giáo về nhà, con nói với tôi: “Cha ơi, con không muốn học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228, con muốn học ở trường Thực nghiệm số 2”. “Tại sao?”. “Rất nhiều bạn lớp con sẽ học ở trường Thực nghiệm số 2, cô giáo bảo trường này tốt”.
Ngày hôm sau khi đưa con đến trường mẫu giáo, cô giáo của con vừa nhìn thấy tôi đã hỏi: “Thầy Đông Tử, Y Y nói là sẽ học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228, có thật vậy không ạ?”. “Đúng rồi”. “Tại sao thầy không cho cháu học ở trường thực nghiệm? Rất nhiều phụ huynh của các bé ở khu vực trái tuyến với trường Thực nghiệm số 2 phải bỏ ra hàng vạn nhân dân tệ để nộp phí chọn trường, nhiều gia đình công nhân không có nhiều tiền như vậy đều nhờ người giúp hoặc vay tiền để có thể cho con vào học ở đó. Ngay cả công nhân ở xưởng 228 đều tìm cách cho con chuyển đến trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc. Tại sao Y Y lại học ở trường Tiểu học Các con em xưởng 228?”. Rất nhiều phụ huynh đưa con đến trường khi nghe thấy cuộc trò chuyện của tôi và cô giáo nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu. Qua tìm hiểu tôi được biết, phần lớn các bạn trong lớp Y Y sẽ học ở trường Thực nghiệm số 2 hoặc trường Tiểu học thuộc Đại học Sư phạm Đông Bắc, chỉ có con gái tôi và một số con em của công nhân đã nghỉ việc là học ở trường Các con em xưởng 228.
Vậy tại sao tôi không cho con học ở trường điểm trong khi có đầy đủ điều kiện? Thứ nhất, thu nhập của gia đình có thể nộp các loại học phí; thứ hai trong mắt người khác, dù thế nào tôi cũng là một trí thức nổi tiếng, con của người nổi tiếng thì phải học ở trường điểm; thứ ba, nhiều năm nay tôi nghiên cứu giáo dục tâm lý cho thanh thiếu niên, vợ là giáo viên, những gia đình trí thức như gia đình chúng tôi đặc biệt coi trọng vấn đề giáo dục con cái, đã coi trọng việc giáo dục con cái, tại sao không cho con cái học trường điểm? Sau một hồi suy nghĩ, tôi đã hiểu tại sao mọi người lại không hiểu tôi. Nhưng tôi buộc phải giải thích cho họ tại sao tôi không cho con học ở trường điểm mà lại cho con học ở một trường bình thường.
Trước hết, tôi không tán thành việc chọn trường, quan điểm nhất quán của tôi là học những trường gần nhà, như vậy có thể tránh được việc phụ huynh và con em phải đi lại vất vả, lại tiết kiệm được phí chọn trường, phí giao thông và rất nhiều khoản chi khác. Thứ hai, tôi tin vào một điều: Một con người có thể thành công hoặc có tiền đồ hay không, phần lớn là do nhân tố chủ quan quyết định, môi trường khách quan chỉ là một trong rất nhiều những nhân tố khác. Còn một điểm nữa đó là: Các trường bình thường thì có môi trường học tập tương đối nhẹ nhàng, vui vẻ, có lợi cho sự trưởng thành của con.
Nghĩ lại hồi chúng tôi đi học, vì xuất thân là nông dân, tôi chỉ học tại ngôi trường cũ nát trong thôn, tôi tự thấy rằng mình đã cố gắng không ít để có được ngày hôm nay. Vì thế, những học sinh học ở trường điểm không nhất định đều là nhân tài và những ngôi trường bình thường không có nghĩa không thể bồi dưỡng ra nhân tài. Huống chi, các bậc phụ huynh đều quên mất rằng, bất luận là học ở trường điểm hay là trường thường thì nội dung học tập đều giống nhau, sách giáo khoa giống nhau, các tiết học giống nhau, hơn nữa giáo viên và chất lượng dạy học cũng không khác xa nhau là mấy. Tôi tin rằng dù Y Y học ở trường điểm hay là học ở trường dành cho con em công nhân thì con vẫn là con, không phải vì học trường điểm thì con sẽ trở thành thần đồng hay học ở trường thường thì con sẽ trở thành một đứa trẻ vô dụng.
Tôi không để cho con học ở trường điểm chỉ để con hiểu rằng: Sự thành công của con trong tương lai hoàn toàn là do chủ quan cá nhân con có nỗ lực hay không, không được có bất cứ tư tưởng ỷ lại nào vào điều kiện ngoại cảnh; cha mẹ mặc dù mong con sau này thành tài, có tiền đồ nhưng quan trọng hơn cha mẹ mong con được vui vẻ. Tránh xa trường điểm nơi có sự cạnh tranh khốc liệt do con người gây ra, cho con học ở môi trường học tập thoải mái, đó chính là tâm nguyện của chúng tôi…
Như vậy, con gái năm tuổi rưỡi nắm tay tôi đến trường tiểu học 228, trở thành một học sinh tiểu học bình thường của một ngôi trường bình thường. Trên đường đến trường, tôi nói với con: “Hoa trong trường 228 với hoa trong trường thực nghiệm đều đẹp như nhau, nụ cười của các thầy cô ở trường 228 và nụ cười của các thầy cô ở trường thực nghiệm đều rạng rỡ như nhau. Trường 228 không kém bất cứ một ngôi trường nào, các trường khác có gì thì trường 228 cũng có cái đó”.
Cho đến bây giờ, mọi thứ đều nằm trong ký ức của con gái.
Con gái và các bạn của con
Cổ nhân nói, con người sinh ra không thể không có tập thể. Con người có thuộc tính xã hội, ai cũng cần phải có bạn bè, không có các mối quan hệ con người sẽ trở nên cô độc, yếu ớt.
Cũng giống như người lớn, trẻ con cũng cần có bạn, giao lưu cùng các bạn đồng trang lứa là một nhu cầu xã hội của trẻ. Nghiên cứu cho thấy đối với trẻ em quan hệ xã hội với những bạn đồng trang lứa là mối quan hệ không thể thay thế bởi những quan hệ khác. Xét từ góc độ tâm lý, khi học tập, sinh hoạt, vui chơi cùng các bạn đồng trang lứa có thể bồi dưỡng năng lực giao tiếp xã hội của trẻ, bồi dưỡng nhân cách toàn diện, giúp trẻ dễ dàng hòa mình vào tập thể. Xét về phương diện phát triển tình cảm, có quan hệ tốt với những bạn cùng trang lứa, trẻ sẽ nhận được nhiều sự chăm sóc, cổ vũ, giúp đỡ, từ đó trẻ càng tích cực tham gia vào các hoạt động tập thể. Hơn nữa chơi cùng các bạn đồng trang lứa, trẻ sẽ học được cách hợp tác, bao dung và trong quá trình đó nâng cao năng lực thích ứng với người khác và với xã hội ở một mức độ nào đó.
Điều quan trọng nhất là có bạn sẽ mang đến niềm vui cho trẻ, từ đó trẻ sẽ không cảm thấy cô độc, có cảm giác an toàn và biết mình thuộc về đâu.
Nói tóm lại, trong quá trình phát triển trẻ cần một người thầy tốt và quan trọng hơn nữa là người bạn tốt, không có bạn bè, trẻ sẽ cảm thấy cô độc và buồn tủi, như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, cá tính cũng như tình cảm của trẻ.
Nhưng hãy nhìn mà xem, bọn trẻ bây giờ đang lún sâu vào “khủng hoảng bạn bè”, lún sâu vào sự cô độc khi không có bạn bè. Nguyên nhân khách quan chủ yếu là do chúng đều là con một, chúng không có anh chị em, ở nhà là “mặt trời nhỏ”, là duy nhất; ra đường thì toàn thấy các tòa nhà mọc cao san sát, nhà nào nhà nấy đóng cửa im lìm, không qua lại, vì thế mà “khó gặp tri âm”.
Nguyên nhân chủ quan khiến trẻ rơi vào trạng thái cô độc lại chính là do sự lo lắng của phụ huynh. Thứ nhất, hàng ngày khi tan học, trẻ có một đống bài vở chồng chất cần hoàn thành, cho dù có hai ngày nghỉ cuối tuần nhưng vẫn phải đi học các lớp phụ đạo. Thứ hai, cho con ra ngoài tìm các bạn chơi thì cha mẹ lại không yên tâm. Thứ ba, có bậc phụ huynh cho rằng mặc dù con họ không có bạn, nhưng cha mẹ có thể chơi cùng con, và hơn nữa con lại có rất nhiều đồ chơi. Vì thế, nếu có thể chơi ở nhà vui vẻ thì không cần thiết phải ra ngoài chơi cùng bạn bè.
Để con gái có thể được chơi vui vẻ với các bạn bè cùng trang lứa, tôi tìm đủ mọi cách để giúp con có điều kiện giao lưu cùng các bạn, ủng hộ con có thêm nhiều bạn bè.
Tôi để con có nhiều thời gian chơi cùng với bạn bè. Tính cách Y Y rất chan hòa, thích kết bạn, điểm này con rất giống tôi. Khi con mới lẫm chẫm học đi, chỉ cần đưa con xuống lầu chơi tôi luôn có ý thức mang con đến những nơi có nhiều trẻ con chơi, sau đó nhìn con và những đứa trẻ khác vui vẻ chơi đồ chơi của nhau và cùng chơi các trò chơi.
Khi lớn hơn một chút, con đã có ý thức tìm các bạn nhỏ để chơi cùng, con thường đến khu tập thể dục dưới lầu, chả mấy chốc con đã “nhập hội” chơi cùng các bạn.
Khi được ba tuổi, Y Y đã hiểu ý nghĩa của từ “bạn bè”. Lúc đó con đang học mẫu giáo. Ở lớp mẫu giáo có một bạn nhỏ tên là Hàn Tử Nghi, chơi rất thân với Y Y, hai đứa không chỉ chơi cùng nhau mà Y Y còn có trách nhiệm chăm sóc Hàn Tử Nghi nữa. Mặc dù Hàn Tử Nghi là một cậu con trai, lại còn hơn Y Y nửa tuổi nhưng cậu bé lại không “dạn dĩ” như Y Y, cậu bé thường hay ỷ lại vào cha mẹ. Một lần khi tan học về nhà, Y Y đột nhiên rút từ trong túi ra một chiếc tất. Vợ tôi hỏi con là tất ở đâu ra, con nói là của bạn, lúc ngồi trên xe bị rơi ra, con giúp bạn ấy nhặt, ngày mai khi đến lớp gặp bạn ấy thì sẽ đưa lại. Vợ tôi hiếu kỳ hỏi thêm: “Ai là bạn con vậy?”. Y Y trả lời rõ ràng: “Bạn Hàn Tử Nghi mẹ ạ!”.
Sau đó, con thường xuyên nói từ “bạn con”. Khi lên năm tuổi, một hôm khi con đang chơi dưới lầu, bà cụ hàng xóm hỏi con tại sao lại đứng im trước cổng mà không đi, con trả lời bà với vẻ mặt rất nghiêm túc: “Cháu đang đợi bạn cháu ạ”. Câu trả lời của con khiến bà cụ không thể không cười. Bà cụ nói một đứa trẻ mới năm tuổi mà có thể nói như vậy thật khiến bà bất ngờ và thú vị. Nhưng Y Y rất nghiêm túc, trong suy nghĩ của con, trẻ con hay người lớn cũng đều được có bạn, cho dù con chỉ là một đứa bé nhưng con cũng giống như người lớn, cũng có những người bạn của mình.
Từ trước tới nay tôi không bao giờ phản đối Y Y đưa bạn về nhà chơi. Y Y rất nhiệt tình và mến khách, thích mời các bạn đến nhà chơi. Nhiều lúc đưa đến năm, sáu bạn nhỏ về, mấy đứa chạy nhảy trên sàn nhà, nô đùa ầm ĩ, lăn lộn trên giường, thậm chí còn chơi trò trốn tìm trong nhà… Đợi khi các bạn nhỏ đã ra về hết, nhìn lại căn nhà: khắp nơi đồ chơi vứt lung tung, chăn trên giường bị “giẫm đạp” đến nỗi không còn nhận ra nó là cái chăn nữa, khi chơi trốn tìm có bạn trốn trong tủ khiến tủ lộn xộn, hoa quả mua cho con ăn thì đã “sạch sành sanh”, vỏ hoa quả thì vứt lung tung trên sàn… Kết quả là tôi và vợ cùng với con phải thu dọn mất rất nhiều thời gian.
Theo tôi được biết thì rất nhiều phụ huynh không thích điều này. Rủ nhiều bạn về nhà chơi như vậy, làm bẩn nhà, đồ đạc vứt lung tung, thu dọn mới phiền phức làm sao… Nhưng so với niềm vui mà con có được khi chơi cùng các bạn, những phiền phức này đều không đáng gì cả.
Chủ nhật đầu tiên khi Y Y vào tiểu học, con hẹn các bạn cùng lớp là Vương Trung Huy, Vương Tử Dương cùng chơi dưới lầu. Hình như là các cô cậu chơi chán rồi nên Y Y mời các bạn về nhà chơi. Hai bạn nhỏ kia đồng ý ngay, đi cùng Y Y lên trên lầu. Ba đứa ở trong phòng Y Y đọc sách, chơi đồ chơi, và chơi cả trốn tìm nữa, tủ, sau cánh cửa, ban công, thậm chí là gầm giường đều trở thành nơi để chúng trốn. Trong phòng thi thoảng lại vọng ra tiếng cười vui vẻ của mấy đứa nhỏ. Khi đã thấm mệt, Y Y mời mọi người ăn trái cây, uống nước, rất ra dáng của một người chủ nhỏ.
Chả mấy chốc đến giờ ăn cơm trưa, cha mẹ của Vương Trung Huy, Vương Tử Dương đến nhà tìm con về ăn cơm, nhưng mấy đứa đang chơi hăng say, chẳng đứa nào chịu về nhà. Y Y lại rất nhiệt tình mời các bạn ở lại, con lại xin cha mẹ hai bạn để hai bạn ở lại nhà mình ăn cơm. Khi được cho phép Y Y mừng rỡ nhảy cẫng lên, nắm lấy tay của hai bạn như sợ hai bạn sẽ đi mất, rồi dắt hai bạn quay lại phòng mình. Sau đó con ngoái đầu lại nói với mẹ là Vương Trung Huy thích ăn mỳ còn Vương Tử Dương thì thích ăn cơm rang trứng.
Sau một hồi bận rộn, mấy đứa nhỏ đã ăn cơm trưa xong, chúng lại chơi một lúc, sau đó hai đứa trẻ lần lượt được gia đình đón về. Khi tạm biệt các bạn, Y Y không quên nhắc các bạn cuối tuần sau lại đến chơi. Đây là lần đầu tiên con đưa bạn về nhà chơi. Sau đó, con thường xuyên đưa các bạn về chơi, lúc đông nhất là một lúc đưa cả năm bạn về nhà chơi. Cho dù là bạn nào đến, con đều mang đồ chơi hay nhất ra để mọi người cùng chơi, mang đồ ăn ngon nhất mà cha mẹ mua cho con ra tiếp đãi các bạn.
Ngoài việc mời các bạn ở lại ăn cơm, Y Y còn mời bạn ngủ lại nhà. Ngày 13 tháng 6 năm 2003, lúc đó con vừa thi hết kỳ, được nghỉ hai ngày. Buổi tối khi ở nhà chơi không thấy vui, con đề nghị mẹ đưa đến nhà bạn Triệu Duyệt chơi. Lúc đó trời vẫn chưa tối nên mẹ con đồng ý với điều kiện là nửa tiếng sau con phải về nhà. Quả nhiên nửa tiếng sau con về nhà đúng giờ, nhưng theo sau con là bạn Triệu Duyệt. Thì ra thấy trời càng lúc càng tối, nhưng hai đứa trẻ lại không muốn chia tay. Không biết ai đã nghĩ ra nhưng hai đứa nhất định là phải ngủ chung với nhau. Nhưng rốt cuộc là ngủ lại nhà ai đây? Y Y nhiệt tình: “Về nhà tớ đi, cậu với tớ sẽ ngủ chung giường”. Sau đó thì lại ra sức xin phép cha mẹ của Triệu Duyệt, khi cha mẹ Triệu Duyệt đồng ý, con mừng như ăn Tết, vui vẻ đưa Triệu Duyệt về nhà mình.
Buổi tối hôm đó hai đứa trẻ rất hào hứng, hai đứa nói không hết chuyện, chơi không hết trò. Đến nửa đêm hai đứa trẻ vẫn vui chơi cười đùa, không có động tĩnh gì là muốn đi ngủ. Mấy lần tôi nhẹ nhàng ra khỏi giường, quan sát hai đứa qua khe cửa, giục hai đứa đi ngủ sớm nhưng nhìn nụ cười tươi trên khuôn mặt chúng, tôi không nhẫn tâm làm gián đoạn niềm vui của chúng.
Buổi tối hôm đó tôi không tài nào ngủ yên được, lòng dạ bồn chồn nghĩ đến Y Y và cô bạn nhỏ của con. Mờ sáng tôi rón rén đến phòng Y Y để quan sát tình hình, nhìn thấy hai đứa mỗi đứa ôm một con búp bê vải ngủ ngon lành. Tối qua hai đứa đều chơi hết mình nên mới mệt như vậy. Vốn định gọi chúng dậy nhưng thôi, lại để chúng ngủ thêm chút nữa. Tôi vừa quay người đóng cửa phòng lại thì Y Y tỉnh giấc, con khẽ ra khỏi giường, chạy đến phòng tôi, muốn tôi rót cho con một cốc nước mát. Tôi hỏi con muốn làm gì, con nói đợi lát nữa Triệu Duyệt thức dậy để bạn ấy uống.
Hai đứa lại chơi cả một ngày như hình với bóng, chả mấy chốc lại đến tối, lần này thì Triệu Duyệt nhất quyết muốn Y Y đến nhà cô bé ngủ, coi như là “đáp lễ”. Buổi tối hôm ở nhà Triệu Duyệt hai đứa đã chơi như thế nào, tôi không thể biết được. Mới sáng ra Y Y đã cùng Triệu Duyệt về nhà, tinh thần rất phấn chấn. Tôi hỏi con rằng ở nhà bạn ngủ mà không nhớ cha mẹ hay sao, con nói là không kịp nhớ. Tôi hỏi con ngủ ở nhà bạn có lạ nhà không? Con lém lỉnh nói: “Thật là tuyệt cha ạ!”.
Vì con đối xử với các bạn rất nhiệt tình, nên bạn bè của con ngày càng nhiều. Lần đầu khi vượt lớp, con lo lắng khi vào lớp mới các bạn ở lớp mới sẽ không thích con, nhưng chẳng bao lâu sau rất nhiều bạn trong lớp đã trở thành bạn của con.
Tôi rất ủng hộ việc Y Y liên lạc với các bạn. Bất luận là ở lớp mẫu giáo hay là đã lên tiểu học, bất luận là ở thành phố hay nông thôn, ở đâu Y Y cũng có những người bạn rất thân. Tôi cổ vũ con cho các bạn số điện thoại nhà và thường xuyên liên lạc với các bạn.
Từ khi Y Y đi học, tôi còn làm cầu nối giúp con kết bạn qua thư. Mặc dù những người bạn qua thư thì không thể cùng chơi đùa nhưng quá trình trao đổi thư từ với các bạn cũng là quá trình giao lưu với những người bạn cùng trang lứa, điều này giúp ích rất nhiều đối với quá trình phát triển tâm lý, cá tính, xã hội hóa của trẻ. Sau khi cuốn Chơi qua tiểu học được xuất bản, Y Y đã có thêm rất nhiều “những người bạn nhỏ vui vẻ”, dù cách xa hàng ngàn cây số nhưng chúng thường xuyên gọi điện cho nhau, viết thư điện tử hoặc là trao đổi thông qua QQ.
Con gái nhẹ nhàng vượt lớp
Chuyện con gái vượt lớp, khi ra sách, báo chí đưa tin, rất nhiều người đều biết, một số phụ huynh không ngừng hỏi: “Tại sao phải vượt lớp?”, “Vượt lớp liệu con có học kịp các bạn khác không?”, “Có phải vì vượt lớp mà con bé đã phải vất vả lắm đúng không?”, “Liệu con của chúng tôi có thể vượt lớp không?”… Trong quá trình học, trẻ chịu ảnh hưởng của rất nhiều nhân tố, chủ quan có, khách quan có, những đứa trẻ có thể học vượt lớp không nhiều, vì thế việc con gái tôi vượt lớp đã khiến nhiều người chú ý.
Thực ra, trong kế hoạch giáo dục con, tôi đã có kế hoạch cho con vượt lớp hai lần. Từ trước tới giờ tôi luôn cho rằng, chế độ giáo dục của Trung Quốc bố trí không hợp lý, có đến tận 12 năm học phổ thông, học cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ 10 năm, một người nếu học hết tiến sĩ thì đã gần ba mươi tuổi, như vậy vô cùng lãng phí thời gian. Đặc biệt là thời gian học tiểu học, giáo trình đơn giản, nếu trẻ có hứng thú học, vui vẻ học, thì chỉ trong bốn năm là có thể nhẹ nhàng hoàn thành chương trình học ở bậc tiểu học.
Tôi không có khả năng để thay đổi chế độ giáo dục của quốc gia, nhưng tôi có thể giúp con tôi học vượt lớp để rút ngắn thời gian học, để con có thể giữ lại cho mình vài năm tuổi trẻ quý giá. Theo kế hoạch của tôi thì Y Y tốt nghiệp đại học khi chưa tròn hai mươi tuổi, nếu con học đến tiến sĩ, thì lúc tốt nghiệp cũng chỉ khoảng hai mươi lăm tuổi, độ tuổi này hợp lý hơn.
Hai lần vượt lớp vốn định ở thời gian học tiểu học, còn cụ thể vượt từ lớp nào lên lớp nào thì không có kế hoạch cụ thể, điều này phải căn cứ vào tình hình thực tế của con, nhưng không thể một lần mà vượt đến hai lớp. Lớp một nhất định là không vượt, bởi vì đây là năm học cơ bản của bậc tiểu học, là quãng thời gian vô cùng quan trọng để hình thành những thói quen hành vi, vì thế mà không nên có ý định cho con vượt lớp. Nhưng lên lớp hai, khi con đã ra dáng là học sinh, nên xem xét đến vấn đề cho con vượt lớp.
Khi Y Y bắt đầu học tiểu học con mới năm tuổi rưỡi, là học sinh nhỏ nhất trong lớp. Mỗi khi có người hỏi cháu học lớp mẫu giáo nhỡ hay học lớp lớn, Y Y thường trả lời dõng dạc: “Cháu đã đi học lớp một rồi ạ”. Người hỏi thường kinh ngạc: “Nhỏ như vậy mà đã đi học rồi?”. Nhưng nhỏ như vậy mà Y Y lại còn vượt lớp, vì thế mà mọi người càng kinh ngạc hơn.
Hai kỳ của lớp một, hầu như Y Y chơi mà học, con thường đứng đầu lớp về thành tích học tập. Ngày thường khi trên lớp, cô giáo giảng câu trước, con có thể nói câu sau, cô muốn nói gì con đều biết, những kiến thức cô giảng con đều hiểu hết. Thi cuối kỳ học kỳ I, điểm thi của con đứng đầu lớp, thi cuối kỳ học kỳ II con tiếp tục xếp thứ nhất vì điểm ngữ văn, toán và tiếng Anh đều đạt điểm tối đa. Lúc này tôi và vợ bắt đầu kế hoạch để con vượt lớp.
Lúc đó mới là suy nghĩ ban đầu, chưa có kế hoạch từng bước cụ thể. Hơn nữa lúc đó tôi đang công tác ở Đại Liên, không có nhiều thời gian để suy nghĩ về vấn đề này. Chẳng mấy chốc đã đến cuối tháng 10 năm 2003, con gái lên lớp hai đã được hơn một tháng, vợ tôi gọi điện nói với tôi căn cứ vào tình hình hiện nay của con, liệu có thể nghiên cứu việc vượt lớp của con hay chưa. Tôi bảo với vợ tôi nói chuyện với Y Y trước, nếu con không có gì khác biệt thì nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm của con. Buổi tối hôm đó vợ tôi hỏi con có muốn vượt lớp hay không. Lúc đầu con không hiểu “vượt lớp” nghĩa là gì, sau khi nghe mẹ giải thích cặn kẽ con đã hiểu ra, con rất hào hứng, lý do là vì nếu vượt lớp, con sẽ học cao hơn các bạn bây giờ một lớp. Không những thế con còn không ngừng hối thúc mẹ mau giúp con thực hiện kế hoạch vượt lớp. Thấy con rất hứng thú với việc vượt lớp, tôi với vợ tôi đều cho rằng việc vượt lớp rất khả thi.
Ngày hôm sau, vợ tôi gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm của Y Y, cho cô biết về kế hoạch của chúng tôi và phản ứng của con, sau đó xin ý kiến của cô về vấn đề này. Sau khi nghe vợ tôi trình bày cô giáo nói Y Y rất thông minh, phản ứng nhanh, tiếp thu nhanh, những kiến thức mà hiện giờ đang học đối với con mà nói thì “đơn giản quá”. Nếu năng lực đã có thừa như vậy, có thể xem xét vượt lớp. Nhưng từ trước tới nay trường chưa có tiền lệ vượt lớp.
Được cô giáo ủng hộ như vậy, vợ tôi rất tự tin về khả năng thành công và tự mình bắt tay lên kế hoạch học tập cho con. Muốn vượt lớp mà không học phụ đạo thì không được, dù sao thì kiến thức giữa các khối lớp cũng liên quan tới nhau, dù có thông minh đến thế nào, dù có tài năng thiên phú thế nào, những kiến thức chưa học cũng không thể không có thầy dạy mà tự biết được.
Vợ tôi làm kế hoạch học tập rất rõ ràng và gửi mail cho tôi. Sau khi xem xong tôi nói với cô ấy không nên vội vã thực hiện, đợi tôi về bàn bạc thêm. Đầu tháng 11 tôi từ Đại Liên quay về Trường Xuân, cả nhà vì việc học vượt lớp của Y Y nên đã đặc biệt mở một cuộc họp gia đình. Tôi trưng cầu ý kiến của Y Y, con vô cùng hào hứng và đầy tự tin. Sau đó tôi và vợ thảo luận về kế hoạch học tập, phân tích bàn luận về tính khoa học và tính khả thi của kế hoạch đó. Cuối cùng cũng thông qua quyết định vượt lớp và kế hoạch học tập trước khi vượt lớp.
Theo kế hoạch, đến Tết năm 2004 Y Y phải tự học để hoàn thành tất cả các kiến thức của lớp hai, đến tháng 5 năm 2004 con phải học xong chương trình học của kỳ I lớp ba, đến tháng 8 con hoàn thành tiếp chương trình của học kỳ tiếp theo, đến tháng 9 con lên học lớp bốn.
Y Y xung phong tìm các anh chị lớp trên mượn sách giáo khoa của học kỳ II lớp hai và sách giáo khoa của lớp ba. Bắt đầu từ ngày 7 tháng 11 năm 2003 dưới sự phụ đạo của vợ tôi, Y Y bắt đầu học ngữ văn, toán, ngoại ngữ và các môn khác theo chương trình. Theo như kế hoạch, hai mẹ con sẽ học với nhau mỗi tối thứ hai, thứ tư, thứ sáu, mỗi tối một tiếng, buổi sáng thứ bảy học những nội dung liên quan, còn ngày chủ nhật thì cho con nghỉ ngơi. Sau kỳ nghỉ đông thì tiếp tục thực hiện mỗi ngày học bốn tiếng. Hai mẹ con ngày nào cũng bận rộn, ngày nào cũng căng thẳng vội vàng nhưng lại cảm thấy rất ý nghĩa.
Mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch, Y Y tiếp thu kiến thức mới rất nhanh, tháng đầu tiên tiến độ rất nhanh, chưa đến cuối tháng con đã học xong toàn bộ chương trình của lớp hai. Đến tháng thứ hai con đã hầu như nắm hết được các kiến thức trong chương trình học của học kỳ I lớp ba. Cứ như vậy, sau kỳ nghỉ đông con hoàn toàn có thể vào học lớp ba. Vì thế tôi bàn với vợ, thay đổi kế hoạch ban đầu, quyết định sau kỳ nghỉ đông cho con vượt lớp luôn, không cần đợi đến năm học mới.
Để đảm bảo kế hoạch mới có thể tiến hành thuận lợi, vợ tôi bắt đầu tăng tốc độ học. Nhưng sau khi bước vào kỳ nghỉ đông, có một quãng thời gian phát sinh vấn đề, Y Y bỗng có thái độ chán học, con thì không muốn học, mà mẹ thì lại nóng vội muốn hoàn thành ngay, hai mẹ con bắt đầu có mâu thuẫn. Vợ tôi thấp thỏm lo âu, lúc nào cũng giục con, thậm chí khi con làm sai bài hoặc là không tập trung học, vợ tôi lại mắng con. Kết quả là Y Y “đình công”, thái độ rất kiên quyết: “Con không vượt lớp nữa!”.
Tôi hỏi Y Y tại sao con không muốn vượt lớp nữa thì con trả lời không nghĩ rằng việc vượt lớp lại phiền phức như vậy, lại mệt như vậy, sớm biết thế con đã không vượt lớp. Tôi nói với con: “Nếu việc vượt lớp dễ dàng thì chẳng phải tất cả các bạn đều có thể vượt lớp hay sao? Nếu thế thì việc vượt lớp chẳng có gì là hay cả. Chính vì việc vượt lớp không dễ dàng nên cả nhà chúng ta mới làm, như vậy mới thấy được thực lực của con!”.
Nghe tôi nói khuôn mặt của con đã bớt phần căng thẳng, nhưng con không nói gì.
Tôi nói tiếp: “Cô giáo và một số bạn đã biết chuyện con muốn vượt lớp, nếu con không vượt lớp, con phải giải thích thế nào với họ? Nói là con không muốn chịu khổ, nói là con đầu hàng khó khăn?”. Y Y lắc đầu, “Ai nói là con đầu hàng khó khăn? Con chỉ nghĩ là vượt lớp cũng chẳng có gì hay thôi…”.
Tôi biết thực ra con cũng có áp lực, gần đây con có quá nhiều bài vở cần làm. Vì thế mà tôi phải làm công tác tư tưởng với con và với vợ, để vợ tôi điều chỉnh kế hoạch, không để Y Y cảm thấy áp lực.
Sau đó, tôi giúp Y Y cân bằng trạng thái, dần dần con không nhắc đến việc vượt lớp nữa. Tôi cũng phải giúp vợ thay đổi, thay đổi phương thức phụ đạo hà khắc của cô ấy, như vậy hai mẹ con dần dần lấy lại được trạng thái tốt nhất, Y Y lại lấy lại sự hăng hái vốn có.
Trong quá trình học, sau khi so sánh thì thấy rằng Y Y thích học môn toán hơn, bởi con nghĩ học toán mang lại cảm giác mình đạt được thành tích gì đó, chỉ cần hiểu được một ví dụ là những bài tương tự chỉ một chốc là làm được hết. Con không mặn mà với ngữ văn, vì khi làm bài tập con không muốn cầm bút viết, nhưng con lại thích đọc, chỉ cần đọc những bài văn là con lại vô cùng hào hứng.
Thời gian trôi qua thật nhanh, chớp mắt đã hết kỳ nghỉ đông và bước vào học kỳ mới.
Khi những bạn cùng lớp hai của con vẫn tiếp tục học kỳ II của lớp hai, thì Y Y đeo cặp sách mới vào học lớp 3.
Trong thời gian này còn có rất nhiều chuyện xảy ra, vì thế tôi lại viết thêm vài dòng ở đây.
Trước khi kỳ học mới bắt đầu, tôi gọi điện cho thầy hiệu trưởng của con, thông báo với thầy về việc vượt lớp, hiệu trưởng phản ứng rất kịch liệt: “Vượt lớp, anh đã được phê chuẩn hay chưa?”. “Không phải là tôi đang xin phép thầy hay sao?”. Tôi cảm thấy có điều gì đó không hay.
“Ở trường này chỉ có lưu ban hoặc xuống học lớp dưới chứ từ trước tới giờ chưa có chuyện vượt lớp”. “Nếu Phạm Khương Quốc Nhất vượt lớp, không phải là sẽ có người vượt lớp hay sao?”. Tôi đáp lại sắc bén. Hai người nói chuyện không hợp, vì thế mà nói được mấy câu, chúng tôi đã kết thúc cuộc nói chuyện không mấy vui vẻ này.
Sau khi gác máy, kết thúc cuộc trò chuyện với hiệu trưởng, tôi vẫn không cam tâm, tôi vội chạy đến trường, đến phòng hiệu trưởng, trực tiếp nói chuyện. Tôi xin lỗi vì chuyện vượt lớp không hề thông báo với hiệu trưởng, không khí cuộc nói chuyện vì thế mà bớt căng thẳng đi rất nhiều. Cuối cùng thầy hiệu trưởng nói: “Nếu con của anh có thể theo được, và Phòng Giáo dục cũng đồng ý thì tôi cũng không có ý kiến gì”.
Sau đó tôi lại tìm đến trưởng ban phụ trách giáo dục tiểu học của Phòng Giáo dục, sau khi nghe tôi trình bày, người phụ trách cũng nói y như thầy hiệu trưởng, theo như tôi nghĩ thì bà ấy cũng không có ý kiến gì, không ngăn cản mà cũng không đồng ý, tôi lại báo cáo ý kiến của Phòng Giáo dục với thầy hiệu trưởng, thầy hiệu trưởng không còn cách nào khác, bèn nói: “Để cô bé làm một số bài kiểm tra xem sao”. Tôi cười cảm ơn thầy hiệu trưởng: “Vâng, cảm ơn thầy!”.
Ngày hôm sau tôi đưa con đến trường để các cô giáo cũng như chủ nhiệm kiểm tra năng lực của con, thực ra là chỉ hỏi con vài câu hỏi, sau đó trực tiếp cho con vào danh sách lớp 3.1.
Tháng 8 năm 2005, sau khi con hoàn thành chương trình học của lớp bốn, sau một năm tự học ở nhà, ngoài việc hoàn thành cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học, con còn hoàn thành chương trình học của lớp năm, lớp sáu (Ở Trung Quốc, lớp sáu vẫn thuộc chương trình giáo dục tiểu học), vì vậy mà đến đầu năm 2006, con bước vào học trung học cơ sở tại trường Trung học cơ sở số 77 thành phố Đại Liên, con học lớp 7.11.
Đến lúc đó thì kế hoạch “vượt hai lớp” ở tiểu học đã hoàn thành thuận lợi.
Chúng ta thường cho rằng, chỉ có những đứa trẻ có IQ cao mới có thể vượt lớp. Sau khi con gái vượt lớp thành công, phản ứng đầu tiên của mọi người đều là: Đứa bé này thật giỏi, học giỏi quá, thông minh quá.
Tôi lắc đầu: Không, thực ra thì con gái tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Việc vượt lớp chẳng có bí quyết gì cả, chỉ cần có phương pháp dạy hiệu quả, hướng dẫn hợp lý, đa số học sinh đều có thể vượt lớp. Bởi thứ nhất nếu so sánh nội dung dạy học theo tiêu chuẩn quy định thì nội dung học của học sinh ở bậc tiểu học không nhiều, hoàn toàn có thể rút ngắn thời gian một đến hai năm so với thời gian học trong quy định hiện hành. Hiện nay học sinh có nhiều bài vở nguyên nhân chủ yếu là do kho đề thi trùng lặp, dập khuôn và áp lực do chính con người tạo ra.
Thứ hai, khi ở trường, hàng ngày giáo viên phải tiếp xúc với những học sinh có tư chất không giống nhau nhưng giáo viên lại chỉ sử dụng một phương pháp giáo dục duy nhất, vì thế không thể căn cứ vào từng đối tượng người học để đưa ra được phương pháp thích hợp. Thậm chí để đảm bảo toàn bộ học sinh đều hiểu bài, giáo viên phải giảng đi giảng lại một số kiến thức, giao nhiều bài tập, những học sinh chậm tiếp thu hiểu được nhưng những học sinh tiếp thu nhanh phải chịu áp lực của việc học đi học lại nhiều lần. Để đạt được điểm số cao, giáo viên sẽ dành phần lớn thời gian cho học sinh làm đề, những bài cùng một dạng được làm lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần, học sinh vừa phí thời gian, vừa mất sự nhanh nhạy khi phải ôn luyện theo kiểu dập khuôn máy móc như vậy.
Vì thế mà nếu như các bậc phụ huynh có đủ sức lực, điều kiện thì hãy làm trong khả năng của bản thân, giúp con vượt lớp, như thế không những có thể giảm bớt thời gian con phải đối mặt với nền giáo dục đối phó mà còn giúp con có nhiều thời gian hơn nữa để học những thứ khác. Tất nhiên là cho con vượt lớp nhưng đừng ép buộc hay gây áp lực cho con về chuyện này.
Tôi tổng kết một cách ngắn gọn và đơn giản tại sao con gái lại có thể vượt lớp nhưng vẫn giữ được thành tích học tập xuất sắc trong mấy điểm như sau:
Thứ nhất, tôi căn cứ vào đối tượng học cụ thể; thứ hai là cho con học mà như chơi, giúp con vui học và có hứng thú với việc học; thứ ba là bồi dưỡng cho con những thói quen học tốt, bỗi dưỡng khả năng tự học của con. Tóm lại là: hứng thú tràn trề, tinh thần tốt, hiệu quả tốt, phương pháp tốt. Những điều cơ bản này, bất kỳ phụ huynh nào cũng có thế giúp con thực hiện, vì thế mà vượt lớp là một điều rất đơn giản, nhẹ nhàng.
Sự đả kích lớn nhất
Mười sáu năm nay, con phải chịu không ít sự đả kích. Những sự đả kích này phần lớn là do nguyên nhân khách quan, nhưng cũng có cái là do tôi tạo ra. Bởi vì tôi biết cuộc đời không thể thập toàn thập mỹ, một người muốn có được tố chất tâm lý tốt thì bắt buộc người đó phải có khả năng chịu đựng những khó khăn.
Vì thế mà mỗi khi nhìn thấy con khóc lóc thất vọng khi không hoàn thành được một mục tiêu nào đó, tôi thấy thương con nhưng không dang tay ra giúp đỡ con hoàn thành ước nguyện. Đối với trẻ con mà nói, đạt được một điều gì đó một cách dễ dàng chưa hẳn đã là điều hạnh phúc. Hãy cho con bạn cơ hội được thất vọng hoặc thất bại, cho con nếm trải thế nào là thất vọng, hiểu được cảm giác thất bại, như thế con mới có một chút kiên cường, một chút tự tin, một chút lạc quan để tiếp tục phấn đấu.
Một niềm hy vọng của con bị dập tắt thì sẽ có vô số niềm hy vọng mới được thắp lên.
Từ khi kênh truyền hình thiếu nhi của Đài Truyền hình Trung ương lên sóng, con gái trở thành một khán giả trung thành của kênh này, hàng ngày con không những chỉ xem chương trình mà còn tích cực tham gia nữa.
Một ngày đầu tháng 5 năm 2004, lúc đó con gái bảy tuổi rưỡi, chúng tôi phát hiện Y Y bò ra bàn ghi ghi chép chép tô tô vẽ vẽ gì đó, bận đến nỗi khi đến giờ cơm gọi con ăn cơm con cũng không ăn. Hỏi con bận làm gì, con trả lời con đang viết thư cho chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm. Nghe vậy tôi rất hiếu kỳ, tiếp tục hỏi con viết thư cho họ làm gì? “Cha mẹ không xem chương trình thiếu nhi ạ? Chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm là người dẫn chương trình ạ, hàng ngày hai người đó sẽ đọc thư của một khán giả may mắn, còn đăng ảnh của bạn nhỏ đó nữa ạ. Con cũng phải gửi thư cho họ, hy vọng sẽ trở thành khán giả nhỏ may mắn đó, lúc đó họ sẽ đăng cả ảnh của con, như vậy các bạn nhỏ trên cả nước đều biết đến con ạ”. Con nói rất hào hứng, cảm giác như con đã trở thành vị khán giả nhỏ may mắn đó.
Tôi rất ủng hộ cách làm của con, biểu dương tinh thần tích cực tham gia, dám nghĩ dám làm của con. Nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, bức thư của con khả năng đến tám, chín mươi phần trăm là sẽ không được đọc. Tôi vốn là người làm trong ngành truyền thông lâu năm, tôi hiểu rất rõ trong hàng trăm hàng ngàn bức thư của độc giả, khán giả, nếu được bốc trúng thì đó quả là một may mắn rất lớn. Vợ tôi nhìn vẻ mặt vui vẻ và tràn đầy niềm hy vọng như vậy của con thì thấy không nỡ. Hy vọng càng lớn thì thất vọng càng nhiều, liệu chúng tôi có nên tìm một lý do nào đó để con gái từ bỏ điều này không?
Vợ tôi nói với tôi suy nghĩ của cô ấy. Tôi trầm ngâm một lúc rồi quyết định hãy cứ để con gái làm theo những gì mà con thích, một là cho con cơ hội tham gia, hai là cho con cơ hội đối mặt với thất bại. Điều này không hẳn là không tốt với con.
Con tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành bức thư gửi chị Cúc Bình và bạn Nghịch ngợm, con còn vẽ một bức tranh về bạn Nghịch ngợm nữa. Khi hoàn thành “tác phẩm” của mình con đưa cho chúng tôi xem. Mặc dù chữ con viết hơi xấu nhưng câu chữ lại rất trôi chảy, hình bạn Nghịch ngợm vẽ cũng không tồi. Chúng tôi khen con, vợ tôi tìm cho con một phong bì và tem thư. Con gái bỏ bức thư và bức vẽ, thêm cả một bức ảnh con vừa ý nhất bỏ vào phong bì, dán cẩn thận xong con mới đi ăn cơm.
Ngày hôm sau mới sáng sớm con đã xuống dưới lầu, trên đường đi học con bỏ bức thư vào hòm thư. Và những ngày sau đó là một chuỗi ngày dài chờ đợi. Ngày nào con cũng ngồi ngay ngắn trước tivi, đón xem chương trình “Thế giới hoạt hình” do chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm dẫn chương trình, khi chương trình sắp đến hồi kết con thường rất căng thẳng và nghiêm túc “nhắc nhở” chúng tôi: “Cha mẹ đừng nói gì, chú ý nghe, xem hôm nay có đọc thư của con không!”.
Mỗi khi tấm ảnh xuất hiện trên màn hình không phải là con, con thường thất vọng và nói: “Tại sao vẫn chưa đọc thư của con nhỉ?”, sau đó thì thất thần buồn bã, không còn hứng thú xem những chương trình khác nữa. Thấy con như vậy trong lòng tôi cũng không vui, tôi an ủi con là không nên quá coi trọng việc này, cả nước có biết bao nhiêu bạn nhỏ viết thư cho chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm, không bốc trúng thư con cũng là điều bình thường. Cũng giống như việc ngày nào cha cũng đọc rất nhiều thư của độc giả gửi đến nhưng có rất nhiều độc giả không nhận được thư hồi âm của cha. Con gật gật đầu nhưng ngày nào cũng mong chị Cúc Bình và bạn Nghịch Ngợm đọc đến tên mình.
Hai mươi ngày trôi qua mà không thấy thư của con được đọc, con đã hoàn toàn thất vọng, nghe thấy chị Cúc Bình và Nghịch Ngợm đọc tên của bạn nhỏ khác, con chợt khóc òa lên. Cha mẹ dỗ con đừng khóc nữa, con buồn bã nói: “Đây là sự đả kích lớn nhất mà con phải trải qua, con không khóc làm sao được?”. Nghe con nói vậy, tôi và vợ đều thấy rất buồn.
Vợ tôi ôm con vào lòng, vừa an ủi vừa nhìn tôi với ánh mắt trách móc. Vợ tôi trách tôi cũng đúng, lúc đầu nếu tôi tìm cách thuyết phục con từ bỏ ý định viết thư thì hôm nay con đã không đau lòng như vậy. Nhưng tôi không hề hối hận về quyết định của mình, trong quãng đường đời sau này, con gái không biết sẽ phải chịu biết bao nhiêu sự đả kích nữa, liệu chúng tôi có thể giúp con tránh né những sự đả kích đó mãi được hay không? Chỉ có dũng cảm đối mặt với nó, chúng ta mới có thể trở thành người mạnh mẽ!
Thử nghĩ mà xem, có đứa trẻ nào lại không muốn thành công? Nhưng thành công và thất bại cũng giống như là cặp song sinh, luôn tồn tại song song với nhau, như vậy chúng ta cần có tâm lý cân bằng “thắng không kiêu, bại không nản”, hãy để cho con học cách kháng cự những chèn ép, thản nhiên đối mặt với thất bại, bước chân của con sẽ càng vững chắc, đường đời càng rộng lớn hơn.
Một mình đi xe bus
Khi con có thể tự mình quyết định mặc đồ gì, mẹ vẫn ngày ngày đặt quần áo mẹ chọn ở đầu giường con; khi con có thể tự mình ra phố mua đồ dùng học tập, cha vẫn kiên trì mua giúp con những đồ đó; khi con đã có thể tự đến trường và tự về nhà sau khi tan học, cha mẹ vẫn thay nhau đưa đón con; khi con đã có thể tự mình đưa ra quyết định, cha mẹ vẫn một tay làm tất cả, cha mẹ áp đặt ý kiến của bản thân lên con cái mình…
Tất cả những điều này đều là vì tình yêu dành cho con, nhưng tình yêu đó thiếu đi lý tính, chỉ làm hại con cái của mình chứ không mang lại điều có lợi cho con. Chúng ta đem con đến với thế giới này, có nghĩa vụ chăm sóc và dưỡng dục con, chúng ta có thể truyền dạy cho con kinh nghiệm sống của chúng ta, nhưng nhất định không nên làm thay con những việc mà bản thân con vốn phải làm, chúng ta làm như vậy là hạn chế sự trưởng thành của con, hạn chế không gian phát triển của con.
Tôi đến thăm một nhà trẻ ở Jerusalem đúng lúc bọn trẻ tan học, ở Trung Quốc việc đón trẻ là nghĩa vụ của cha mẹ hoặc người giúp việc, nhưng ở đây người đến đón trẻ cũng lại là một đứa trẻ. Chính sách kế hoạch hóa gia đình ở Trung Quốc hạn chế mỗi gia đình chỉ có một con, và tất nhiên sẽ không có chuyện trẻ con đi đón trẻ con, nhưng ở đây mỗi gia đình thông thường có từ ba đến năm con, như vậy việc đón em đương nhiên trở thành nhiệm vụ của những anh chị lớn. Tôi nhìn thấy một bé gái khoảng chừng sáu, bảy tuổi đến đón em gái hai tuổi của mình, cô bé bế em đi loạng choạng, vì không với tới khóa cửa, nên cô bé cứ bế em như vậy cho đến khi có người đến giúp mở cửa, sau đó đi ra bến chờ xe bus…
Hãy để con học cách tự chăm sóc bản thân và học cách chăm sóc những em bé hơn mình, sống độc lập, tự mình đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, đó chính là tình yêu lý trí mà bạn dành cho con. Đạo lý này rất đơn giản, chúng ta không thể theo con, chăm sóc con cả đời, sẽ có một ngày con phải rời xa chúng ta và tự bước đi trên con đường đời của chính mình.
Vì thế mà mặc dù rất yêu con, nhưng tôi tuyệt đối không giống với phụ huynh ở trên. Để bồi dưỡng cho con khả năng độc lập, tôi thường chủ động tạo cho con những cơ hội để con thể hiện khả năng độc lập của bản thân, thậm chí có lúc tôi còn “bỏ mặc” con, khiến bạn bè nói tôi quá “mạo hiểm”. Có thể lấy việc Y Y “du lịch một mình” để làm ví dụ.
Y Y được di truyền từ tôi chí lớn “một mình đi khắp thiên hạ”. Để tạo cơ hội cho con rèn luyện, đồng thời cũng thử khả năng độc lập của con, khi con bảy tuổi rưỡi, tôi lên lịch một chuyến du lịch đặc biệt cho con: một mình bắt xe đến ga xe lửa, cho con cảm nhận cảm giác “đi xa” một mình là như thế nào.
Khi được biết mình sẽ được một mình ra ngoài, con rất hào hứng. Vì vậy, chúng tôi đã bố trí tất cả những nhiệm vụ mà con phải hoàn thành trong chuyến “du lịch” lần này: ngồi tuyến xe bus số 6 đến ga Trường Xuân, sau đó xuống xe tìm một bốt điện thoại công cộng gọi điện về nhà, sau đó đi xung quanh thăm thú, mua một ít đồ, cuối cùng thì đi xe bus số 6 về nhà. Tại sao lại sắp xếp con gọi điện về nhà và mua đồ, một là tiện cho chúng tôi nắm được hành trình của con, hai là con có thể rèn luyện một cách thật nhất. Nếu để Y Y đến bến cuối, không xuống xe mà ngồi luôn xe đó về nhà thì chuyến du lịch sẽ không còn ý nghĩa gì hết.
Y Y càng nghe càng hào hứng, bởi vì trong suy nghĩ của con, đây chính là cơ hội để con chứng tỏ sự độc lập của mình. Con đã bắt đầu coi đây như là một lần thách thức bản thân mình. Nhìn thấy con hào hứng như muốn đi ngay, vợ tôi cảnh báo con: “Con đừng đánh giá quá cao bản thân mình, trên đường đi không biết sẽ gặp những chuyện gì, con đều có thể ứng phó được chứ?”. Con nghi hoặc nhìn cha mẹ và chờ đợi những lời tiếp theo.
Tôi và vợ đã cùng giảng giải cho con biết những điều cần chú ý khi đi “du lịch”, những việc bất ngờ có thể xảy ra mà chúng tôi nghĩ đến, chúng tôi đều nói cho con biết, hỏi con sẽ xử trí thế nào với từng trường hợp cụ thể. Phần lớn các tình huống, Y Y đều có thể đưa ra những biện pháp giải quyết tích cực, ví dụ khi xuống nhầm trạm xe bus thì tiếp tục đi xe số sáu đến ga xe lửa; nếu lên nhầm xe, đi xa với tuyến đường xe số sáu chạy thì sẽ gọi điện cho cha mẹ; nếu người lạ bắt chuyện thì sẽ vờ như không nghe thấy, lập tức rời đi; nếu có ai đó cứ đi theo mình, thì sẽ chạy đến chỗ có đông người, giả vở như là có cha mẹ ở gần ngay bên cạnh, chạy đến chỗ những người có tuổi gần như cha mẹ mình và nói lớn: “Chờ con với!”…
Hầu như việc gì cần dặn dò chúng tôi đều dặn hết cả, dặn xong cũng đến giờ trưa. Sau khi ăn cơm xong, Y Y chào chúng tôi: “Con đi đây ạ!”. Mặc dù trời đang có mưa nhỏ, tôi vẫn đồng ý để con đi, để con bắt đầu chuyến hành trình của mình trong mưa.
12:40 ngày 22 tháng 5 năm 2004, Y Y mang theo năm nhân dân tệ và quyển sách Cẩm nang dành cho học sinh tiểu học bắt đầu cuộc hành trình. Trước khi đi, vợ tôi nhét vào tay con tờ giấy có ghi số điện thoại nhà và số di động của chúng tôi, dặn con lần nữa khi gặp những vấn đề mà bản thân không thể giải quyết, phải gọi điện cho cha mẹ xin trợ giúp. Nhưng Y Y nhất quyết không mang theo tờ giấy, con nói chắc như đinh đóng cột: “Những số này con đều đã thuộc lòng rồi, con không cần đến tờ giấy này nữa!”.
Ngoài trời mưa vẫn rơi, Y Y che ô và bước ra khỏi nhà. Khi con đóng cửa lại thì tôi và vợ bắt đầu hồi hộp và lo lắng. Hai vợ chồng đều đi ra ban công và nhìn theo bóng của con, nhìn chăm chú con đường không có mấy người qua lại, chờ đợi con xuất hiện. Ít phút sau, quả nhiên chúng tôi đã nhìn thấy con, bóng con nhỏ bé dưới chiếc ô, chúng tôi không nhìn thấy đầu và mặt con, chỉ nhìn thấy đôi chân nhỏ bé đang cẩn thận bước từng bước tránh những vũng nước đọng trên đường, lúc thì nhảy lúc thì nhón chân, chiếc ô to giống như được con cõng trên lưng vậỵ
Chẳng mấy chốc Y Y đã đến được bến xe bus có tuyến số 6, nhà chờ chẳng có ai, một mình con đứng ở đó, trông rất cô đơn. Vợ tôi bắt đầu lo lắng, cô ấy kéo tay tôi nói: “Cho con về đi anh, mưa to như vậy, lại là cuối tuần, người lớn còn không muốn ra ngoài, mình lại để con ra ngoài chịu khổ”. Tôi không nói gì, không rời mắt khỏi bóng con.
Lác đác có hai người cũng đến trạm xe bus đợi xe, Y Y lùi lại đứng ở phía sau, rất khó nhìn. Kết quả hai người lớn che mất con, chúng tôi rất khó để nhìn được con. Lúc này một chiếc xe bus tuyến số 6 đã dừng lại ở trạm xe, tầm nhìn của tôi hoàn toàn bị che lấp. Một phút sau thì xe chạy, không còn ai đứng ở trạm xe nữa, và cũng không nhìn thấy Y Y nữa. Lúc này tôi đột nhiên cảm thấy hoảng loạn, giống như trái tim đã bị ai đó cướp mất. Con gái Y Y đâu rồi? Đã lên xe chưa? Rõ ràng là lên xe rồi, nhưng tại sao tôi lại thấy lo lắng thế này? Vợ tôi cũng không yên tâm, kiễng chân nhìn một lượt xung quanh trạm xe, cảm giác như con đứng đâu đó và đột nhiên sẽ xuất hiện trở lại. Tìm một lúc, cô ấy cũng thất vọng, lại vừa khóc vừa nói với tôi: “Nếu Y Y mà có mệnh hệ nào, thì anh chết với em!”.
Tôi tự nhủ sẽ không có chuyện gì xảy ra cả, tôi rất hiểu con gái Y Y của tôi! Nhưng tôi vẫn an ủi vợ cho cô ấy yên tâm: “Nếu quá một tiếng đồng hồ (thời gian cả chặng của tuyến số 6 là 45 phút) mà Y Y không gọi điện về nhà thì chúng ta sẽ báo cảnh sát!”.
Khoảng thời gian sau đó tôi và vợ ngồi canh bên chiếc điện thoại, chúng tôi vẫn có thói quen ngủ trưa nhiều năm nay nhưng hôm nay thói quen đó cũng bị gạt qua một bên, đừng nói đến buồn ngủ, ngay cả chợp mắt thôi chúng tôi cũng không dám, sợ sẽ lỡ mất cuộc gọi của con. Buổi trưa hôm đó tôi cảm giác thời gian trôi chậm hơn so với ngày thường, chậm giống như một con kiến sắp chết đang bò ở chân tường. Vợ tôi chốc chốc lại đứng lên đi đi lại lại trong phòng khách, bồn chồn lo lắng nhìn chiếc đồng hồ trên tường hoặc là nhìn tôi với ánh mắt vô vọng khiến tôi cũng lo lắng theo.
Hay là xem tivi một lúc, như vậy cảm giác thời gian sẽ trôi nhanh hơn một chút. Tôi đứng dậy bật tivi lên, chưa kịp chuyển sang kênh yêu thích thì chuông điện thoại reo. Là Y Y! Nhanh như cắt tôi chạy về phía điện thoại, số hiện lên trên màn hình là điểm ở ga xe lửa! Đúng là Y Y thật! Không ngờ xe bus lại chạy nhanh như thế, chưa đến bốn mươi phút con đã đến được ga xe lửa một cách an toàn. Trong điện thoại con tuyên bố như một anh hùng vừa thắng trận: “Con đã đến đích thuận lợi ạ!”.
Vợ tôi xúc động nghe điện thoại của con: “Con mua chút đồ rồi mau về nhà, đừng lang thang ở đó lâu nhé!”. Y Y nói rành mạch với mẹ: “Mẹ yên tâm, con mua xong sẽ về nhà ngay ạ!”. Đặt điện thoại xuống, chúng tôi tạm thời yên tâm. Sau đó là một quãng thời gian dài chờ đợi. Tôi không thể ngồi im được nữa, tôi nói với vợ xuống lầu đến trạm xe đợi Y Y. Lúc này vợ tôi không còn lo lắng nữa, mà ngược lại rất yên tâm về con, vợ tôi nói nếu đã để con rèn luyện thì hãy rèn luyện “triệt để”, để con tự mình xuống xe, tự mình về nhà, để chuyến du lịch lần này là chuyến du lịch “một mình” đến cùng. Tôi thấy vợ tôi nói cũng có lý, mà cũng không cần thiết phải lo lắng quá mức đến vậy. Nhưng tôi vẫn thấy không yên, tôi nói với vợ tôi cứ xuống dưới nhà đợi, nhưng khi con xuống xe, tôi vẫn không xuất hiện, mà chỉ theo sau con về nhà. Vợ tôi chỉ còn cách gật đầu đồng ý.
Có cảm giác như đang nóng ruột gặp anh hùng mà mình đã ngưỡng mộ từ lâu, tôi vội vã xuống dưới lầu, chạy đến điểm cuối của tuyến xe bus số 6, nhìn về hướng xe sẽ đi đến, chờ đợi và chờ đợi. Nhìn từ xa thấy xe đang chạy đến, tôi kiễng chân nhìn theo, hy vọng sớm nhìn thấy Y Y. Nhưng khoảng năm, sáu lượt xe đi qua mà vẫn chưa thấy con xuống xe thì tôi hơi lo lắng. Đúng lúc tôi đang hoảng loạn thì lại một chiếc xe tuyến số 6 dừng lại trước mặt tôi, tôi chưa kịp phản ứng gì thì Y Y đã vui mừng nhảy từ trên xe xuống.
Tôi chạy ra ôm lấy con, quên mất lời hứa ban nãy với vợ là chỉ âm thầm theo sau con thôi.
Vợ tôi đã chờ sẵn ở cửa chào đón Y Y giống như chào đón một anh hùng, lúc này là 14 giờ 21 phút, Y Y đã hoàn thành chuyến “du lịch” hết một tiếng bốn mươi mốt phút. Y Y cho chúng tôi xem những thứ mà con đã mua ở ga xe lửa: một bắp ngô luộc, đã ăn hết chỉ còn lõi không và một gói kẹo cao su.
Sau này Y Y đã viết cảm nhận và những điều mắt thấy tai nghe trong chuyến du lịch một mình như thế này:
Mình đi theo sau hai người lớn lên xe bus, nhét một đồng xu vào hộp, sau đó tìm một chỗ ngồi gần cửa sổ. Xe bắt đầu chạy, mình cảm thấy có chút lo lắng, và cũng thấy hơi lạnh, không có cha mẹ ở bên cạnh, một mình thực sự không quen. Mình cầm quyển sách mang từ nhà đi và bắt đầu đọc, như thế mình cảm thấy bình tĩnh hơn. Nhưng một bác ngồi bên cạnh đã nói với mình: “Cháu bé, ngồi trên xe bus đọc sách không tốt cho mắt đâu”. Nếu như bình thường, mình sẽ cảm ơn bác ấy nhưng hôm nay mẹ đã dặn mình là không được nói chuyện với người lạ, vì thế mình đã không nói gì cả, cũng không dám nhìn bác ấy, mình vẫn tiếp tục đọc sách.
Một lát sau xe đã đến ga xe lửa, mình xuống xe, đứng đó một lúc lâu, không biết phải đi về hướng nào. Sờ vào tiền trong túi mình mới sực nhớ ra là phải gọi điện về nhà trước tiên. Mình đến bốt điện thoại công cộng và nói to: “Cháu muốn gọi điện thoại!”. Cô trực ban ở đó đưa điện thoại cho mình, mình đưa cho cô ấy một nhân dân tệ, sau đó bấm số điện thoại ở nhà. Bình thường mình cũng hay gọi điện thoại nhưng đây là lần đầu tiên mình gọi bằng điện thoại công cộng, cảm giác rất mới lạ. Gọi xong điện thoại, mình đi xung quanh xem một chút, thật là náo nhiệt, có rất nhiều người đang rao bán đồ, mình thật sự muốn chơi ở đây lâu một chút nhưng sợ đi xa rồi không tìm được đường, càng sợ cha mẹ ở nhà lo lắng. Vì thế sau khi mua xong một gói kẹo cao su và một bắp ngô, mình lại đứng đúng chỗ vừa xuống xe để đợi xe bus số 6. Vì lo lắng sẽ bắt nhầm xe, nên mình nhìn đi nhìn lại biển chỉ dẫn. Cho đến khi nhìn thấy xe số 6 chạy đến mình mới thở phào nhẹ nhõm.
Xe chạy rồi, mình lấy bắp ngô vừa mua ra ăn, thật là ngon! Chẳng mấy chốc bắp ngô chỉ còn trơ mỗi lõi không. Mình lại ăn tiếp kẹo cao su, và còn đọc sách nữa, rất nhanh xe đã đến trạm. Khi trên xe vang lên tiếng: “Điểm cuối xưởng 228” mình nhìn ra ngoài, tất cả đều quen thuộc. Ôi, về đến nhà rồi! Mình đã đi du lịch về rồi!
Trẻ cần được chăm sóc và bảo vệ đến khi có thể độc lập, quá trình này vô cùng dài. Trong quá trình này, người làm cha mẹ nhất định phải biết “yêu con” như thế nào, không chăm sóc, quan tâm con quá mức mà phải có ý thức tạo cho con cơ hội để con rèn luyện tính độc lập tự chủ. Chỉ có cách là để con tự làm, tự nghĩ, tự mình nỗ lực, có như vậy dần dần con sẽ hình thành quan niệm độc lập, và có kinh nghiệm phong phú cũng như ý chí kiên cường để đối mặt với những thách thức.
Ở đây tôi muốn nhấn mạnh rằng, dù muốn tạo cơ hội rèn luyện cho con nhưng tiền đề là phải đảm bảo được sự an toàn của con. Phạm Khương Quốc Nhất, bảy tuổi rưỡi thành công trong chuyến “du lịch” lần này không có nghĩa là tất cả những bạn nhỏ cùng tuổi đều có thể làm theo, từ nhỏ tôi đã rèn luyện cho con ý thức về việc này, hơn nữa phải không ngừng rèn luyện thì mới có lần “mạo hiểm” thành công này, vì vậy không có được những tiền đề trên thì nhất định không được tùy tiện cho con bạn thử sức.
Thả diều ở Thiên An Môn
Hai tháng sau khi hoàn thành chuyến “du lịch” một mình, chúng tôi bắt đầu những hoạt động của cả gia đình trong kỳ nghỉ hè, và trạm dừng chân đầu tiên là thủ đô Bắc Kinh.
Đối với rất nhiều người Trung Quốc, được đến Bắc Kinh, đứng trước quảng trường Thiên An Môn là một tâm nguyện thần thánh, vợ và con gái tôi cũng thuộc số đông ấy. Đặc biệt là con gái Y Y, từ khi biết đến “Bắc Kinh”, con đã đòi tôi đưa con đi Bắc Kinh để xem Thiên An Môn. Vì đã thấu hiểu những vất vả, khổ sở khi đưa con đi trong những chuyến đi dài lúc con còn nhỏ, và để con vượt lớp thuận lợi, tôi hứa với con, khi con lớn hơn, sau khi hoàn thành việc vượt lớp, tôi sẽ cho con đi. Để thỏa ước mơ của hai mẹ con, cả nhà chúng tôi đến Bắc Kinh.
Tôi đưa hai mẹ con lần lượt tham quan Tiền Môn, Đại Sách Lan( ), các ngõ xung quanh đó, tứ hợp viện, Đàn Thế Kỷ Trung Hoa( ). Chúng tôi còn tham quan Đại lễ đường Nhân Dân, Bảo tàng quân sự Nhân dân Trung Quốc; xem lễ kéo cờ ở quảng trường Thiên An Môn và vào nhà tưởng niệm viếng chủ tịch Mao.
Còn một hoạt động không có trong kế hoạch, đó là thả diều.
Trong cuốn sách “Chơi cũng là một cách để trưởng thành” con gái tôi đã viết như thế này:
Rất nhiều người hồi nhỏ đều đã từng chơi thả diều, cũng rất nhiều người đến Thiên An Môn, nhưng những người đã từng thả diều ở Thiên An Môn thì không có nhiều. Trong số ít người đó có mình.
Từ khi mình bắt đầu nhớ được sự vật sự việc, cha thường đưa mình ra công viên hoặc quảng trường để thả diều. Từ xa có thể nhìn thấy những con diều nhiều màu sắc bay lượn trong không trung, có con diều hình máy bay, có con diều hình chim ưng, có cả con diều hình con bướm…
Dưới sự chỉ bảo tận tình của mẹ, mình đã vượt lớp thành công, để cổ vũ động viên mình, cha đã đưa mình đi tham quan Bắc Kinh.
Mùa hè năm 2004, mình cùng với cha mẹ thẳng tiến “thánh địa” Bắc Kinh.
Ở Bắc Kinh có rất nhiều nơi để thăm thú, trước tiên là xem lễ kéo cờ ở quảng trường Thiên An Môn. Để xem được lễ kéo cờ, cả nhà mình phải dậy từ rất sớm, trời vẫn chưa sáng cả nhà đã đến quảng trường Thiên An Môn rồi.
Khi trời sáng, mình phát hiện có rất nhiều con diều xinh xắn đang bay lượn trên không trung, nhìn thấy vậy mình bắt đầu thấy “ngứa tay”, vì thế mình xin mẹ tiền, mua một con diều lớn được làm từ mười con diều nhỏ có in hình chim én.
Khi đã có diều trong tay mình không chần chừ, lập tức chạy lấy đà cho diều bay lên, nhưng thử vài lần đều không thành công, cuối cùng cha phải giúp mình thả cho diều bay lên, gió càng lớn diều bay càng cao, trái tim mình cũng như đang bay nhảy cùng cánh diều.
Sau đó mình cầm dây diều, chạy một vòng trên quảng trường, mười con diều theo sự điều khiển của mình lượn đi lượn lại, mình nghiễm nhiên trở thành một vị chỉ huy và những chú chim én nhỏ kia chính là binh sĩ của mình…
Tôi không muốn con gái tôi có một tuổi thơ trống rỗng, vì thế tôi luôn cố gắng hết sức có thể để cho tuổi thơ của Y Y luôn phong phú đầy màu sắc, đây là nhiệm vụ mà tôi đặt ra cho mình. Có thể tôi không có đủ khả năng để mang lại cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng ngược lại tôi có thể mang lại cho con niềm vui và niềm hạnh phúc lớn nhất, để con gái sau này trưởng thành mỗi khi nghĩ lại tuổi thơ của mình đều cảm thấy vui vẻ. Sau này khi con gái lớn lên, trong ký ức của con vẫn lưu giữ hình ảnh thả diều ở Thiên An Môn, điều này thật là vui biết bao.
Khi tôi tiếp tục viết đoạn này thì con gái đang đi tập quân sự gọi điện về nhà, con kể cho tôi nghe những chuyện trong đợt tập quân sự, khi tôi nhắc đến chuyện thả diều ở Thiên An Môn, con nói với tôi con còn nhớ như in, hai cha con vui vẻ cùng hồi tưởng lại khung cảnh lúc đó và con nói đến kỳ nghỉ lễ Quốc khánh con về, cả nhà sẽ lại đi thả diều nhưng không phải ở Thiên An Môn mà là ở quê Đông Bắc.
Không làm bài tập, chơi nhiệt tình
Tôi từng xem ở đâu đó một bức tranh như thế này: Một cô bé thân hình gầy guộc đang ra sức chạy, mồ hôi lã chã, đuổi theo cô bé là một con hổ với đôi mắt trừng trừng, miệng há to, trên mình con hổ có ghi hai chữ “bài tập”. Tiêu đề của bức tranh là “Bài tập còn dữ hơn cả hổ”. Từ bức tranh này chúng ta có thể thấy rằng trong mắt trẻ, bài tập nhiều còn đáng sợ hơn một con hổ dữ.
Hơn nữa rất nhiều đứa trẻ phải thức đến tận hơn mười một giờ đêm để làm hết bài tập và ngày hôm sau chưa đến sáu giờ sáng đã lại phải dậy, không được ngủ đủ giấc, dẫn đến sức khỏe ngày một xấu đi. Một số trẻ ngoài việc phải hoàn thành bài tập thầy cô giao còn phải làm thêm bài tập phụ huynh giao. Một số phụ huynh thấy lượng bài tập ở trường của con không nhiều, lại đâm ra lo lắng, nếu cứ thế này thì con sẽ học được cái gì? Nếu cứ như vậy con có theo được các bạn hay không? Vì thế họ lại giao cho con bài tập để con làm, những đứa con của chúng ta lại phải bơi trong đống bài tập ở trường và ở nhà.
Tại sao các giáo viên lại giao nhiều bài tập đến như vậy? Tất nhiên là do nền giáo dục đối phó rồi. Mặc dù ngành giáo dục luôn nhấn mạnh là không nên cho học sinh luyện tập quá nhiều, nhưng dù sao thì “quen tay hay việc” sẽ có thể đối phó với những kỳ thi một cách hiệu quả, việc luyện tập nhiều lần, luyện đi luyện lại là một trong những cách để nâng cao thành tích của học sinh, vì thế trong tình trạng giáo dục không đáp ứng được điều kiện đặt ra của giáo dục tố chất như hiện nay, việc giáo viên và phụ huynh giao nhiều bài tập cho con trẻ đã trở thành một lựa chọn bắt buộc, không còn lựa chọn nào khác.
Thực tế, việc học đi học lại không nhất định sẽ tăng cường khả năng ghi nhớ của học sinh, bài tập về nhà quá nhiều, kết quả học tập cũng rất có khả năng sẽ giảm sút. Vì vậy, không nên mù quáng đi theo những lối mòn, khi thành tích học tập của con không tốt thì chỉ đơn giản tăng lượng bài tập để con cái làm mà không hề chú ý đến trẻ có hứng thú hay không và học có hiệu quả hay không.
Tôi luôn cho rằng để nâng cao được thành tích học tập của trẻ cần phải chú ý đến chất lượng học tập, giờ học trên lớp phải có hiệu quả chứ không nên dành quá nhiều thời gian làm bài tập. Nếu như trẻ được gợi mở để phát huy tính tích cực trong giờ học, sử dụng hiệu quả thời gian trên lớp thì không cần thiết phải giao quá nhiều bài tập cho trẻ, không cần bắt trẻ phải học đi học lại.
Con gái Y Y sau khi đi học cũng không tránh khỏi sự truy sát của “mãnh hổ bài tập”. Khi con học lớp ba, lớp bốn, ngoài bài tập buổi tối, bài tập buổi trưa, nhà trường còn bố trí thêm cả “bài tập buổi sáng”, vì thế mà thời gian biểu hàng ngày của con như sau: buổi sáng sáu giờ dậy, vội vàng vệ sinh cá nhân, ăn cơm, đến trường, vào phòng học thì trên bảng đã viết kín mít bài tập, đây chính là “bài tập buổi sáng” mà học sinh phải làm. Cắm cúi làm xong bài tập thì cũng đúng 8 giờ, bắt đầu giờ học buổi sáng; buổi trưa 11 giờ 20 phút tan học, vội vàng về nhà ăn cơm trưa, không dám nghỉ ngơi một chút nào, lập tức quay lại trường học, trên bảng lại chi chít những câu hỏi và bài tập, đây chính là “bài tập buổi trưa”. Sau đó con lại ngồi làm bài hùng hục, làm xong thì chuông báo giờ vào lớp cũng vang lên; buổi chiều tối khi tan học, các thầy cô lại lần lượt quay trở lại phòng học như đèn kéo quân, giao bài tập về nhà của từng môn…
Vì thế mà công việc của con hàng ngày chỉ có làm bài tập. Tôi cảm thấy rất phiền lòng, ở đâu ra mà lắm bài tập đến vậy? Hỏi ra mới biết không phải chỉ có bài tập trong sách giáo khoa, trong sách bài tập mà còn có các đề thi, làm đi làm lại các bài tập này. Môn ngữ văn thì là chép đi chép lại bài khóa và từ mới…
Điều khiến tôi ngạc nhiên đến sợ hãi đó là có giáo viên bắt học sinh chép năm mươi lần từ mới! Tôi không biết chép nhiều lần như vậy thì có ý nghĩa gì. Con gái nói với tôi bởi vì rất nhiều các bạn nhỏ đều biết một “tuyệt chiêu”, dùng một tay cầm nhiều bút, viết một chữ, viết một lần bằng mấy lần. Giáo viên vốn chỉ giao cho học sinh chép mười lần, nhưng khi phát hiện ra “tuyệt chiêu” này thì giáo viên tăng lên năm mươi lần.
Y Y nói những bài tập trong sách giáo khoa, ở trên lớp phải làm, sau giờ học cũng vẫn phải làm, làm ở vở luyện tập một lần, lại phải làm một lần nữa vào vở bài tập, mấy ngày sau lại phải làm ra giấy kiểm tra một lần nữa, có những bài làm nhiều lần quá các con đều quen thuộc đến nỗi chỉ nhìn đề cũng có thể nói đáp án. Theo như tôi hiểu, bọn trẻ khi phải làm đi làm lại một bài tập thì chúng sẽ cảm thấy chán nản vô cùng. Nhiệm vụ học tập càng nhiều thì thời gian học càng nhiều, mà những kiến thức học được thì không hề tăng lên, ngày hôm sau lặp đi lặp lại những công việc của ngày hôm trước, ngay cả Y Y từ nhỏ vốn được rèn luyện thói quen chăm chỉ học tập cũng vì thế mà mất đi hứng thú học tập.
Tôi nhận thấy đây là một tín hiệu xấu khi nhìn thấy con sáng đi sớm tối về muộn, phải giải quyết một đống bài tập đến gần mười giờ đêm. Nhìn khuôn mặt ngây thơ trong sáng của con lúc nào cũng căng thẳng, tôi cảm thấy rất khó chịu trong lòng, và tôi thấy đây là một cách học, cách rèn luyện đơn điệu, cứng nhắc, nó sẽ giảm bớt niềm vui trong khi học, tăng thêm áp lực học tập và gánh nặng bài tập cho con. Vì thế tôi quyết định Y Y không làm bài tập ở nhà nữa, cho con được giải thoát khỏi đống bài tập hỗn độn, lặp đi lặp lại một cách máy móc kia.
Tôi nói với Y Y: “Từ nay về sau chúng ta sẽ không làm bài tập về nhà nữa được không?”. Nghe không phải làm bài tập, con gái đã sung sướng vô cùng, nhảy cẫng lên nhưng rồi lại lập tức lo lắng: “Cha ơi, như vậy thì cô giáo có phạt con không ạ?”. Tôi trả lời con: “Không sao con ạ, nhưng con phải hứa với cha trên lớp phải chú ý nghe giảng, hiểu được bài ngay trên lớp, cô giáo hỏi con phải trả lời được, thi phải đạt kết quả tốt”. Con bé chớp chớp mắt suy nghĩ một lúc rồi ra sức gật đầu tỏ vẻ đồng ý, sau đó hai cha con đập tay một cái (Hồi nhỏ tôi và con khi hứa với nhau điều gì đó thường ngoắc tay, sau này khi con đi học thì đổi thành đập tay).
Ngày hôm sau tôi đến trường để gặp cô giáo của con. Chưa đợi tôi nói hết, cô giáo chủ nhiệm đã ngắt lời: “Học sinh làm bài tập mà khi kiểm tra còn làm bài không tốt, huống hồ là không làm bài tập. Hơn nữa để học sinh làm bài tập là tốt cho các em, không có gì hại cả. Làm gì có chuyện học sinh đi học lại không làm bài tập? Các phụ huynh khác đều đến gặp tôi vì giao ít bài tập cho các em, đằng này anh lại…”.
Tôi nhẫn nại giải thích: “Làm bài tập là để củng cố những kiến thức đã học, nếu như đã nắm được hết những kiến thức đã học thì không cần thiết phải làm bài tập. Kiến thức không chỉ ở sách giáo khoa hay sách bài tập, bọn trẻ cần có nhiều thời gian để khám phá thế giới ngoài sách vở. Khả năng tiếp thu của Y Y tương đối nhanh, cháu hoàn toàn có thể không làm bài tập nhưng vẫn học tốt, hơn nữa có thể đảm bảo thành tích của cháu sẽ không thấp hơn điểm bình quân của cả lớp”. Nhưng nói thế nào thì cô giáo chủ nhiệm cũng không đồng ý, cô còn nói từ trước đến giờ chưa từng gặp một phụ huynh nào cổ quái như tôi. Có thể là do tôi nói có lý, hoặc là khả năng diễn đạt của tôi tốt mà cuối cùng cô giáo chủ nhiệm chỉ chốt lại vỏn vẹn một câu: “Việc này tôi không thể quyết định được, anh cứ đi tìm thầy hiệu trưởng, nếu thầy hiệu trưởng đồng ý thì tôi cũng không có ý kiến gì”.
Sau khi từ biệt cô chủ nhiệm tôi lại đến văn phòng của thầy hiệu trưởng, ý kiến của thầy về cơ bản là thống nhất với ý kiến của cô chủ nhiệm, nhưng thầy cũng không nỡ để tôi phải tìm đến Phòng Giáo dục, thầy lại miễn cưỡng nói: “Như thế này đi, cứ thử xem sao, nếu con anh học không tốt thì lại phải làm bài tập như bình thường”. Tôi đã hiểu được ý của thầy, thầy không đồng ý mà chỉ cho tôi cơ hội để thử, vì thầy không tin vào cái lý luận kỳ quái của tôi: “Không làm bài tập vẫn có thể nâng cao thành tích học tập”.
Theo sự hiểu biết của tôi về tâm lý học trẻ nhỏ và tình hình của con gái, tôi vô cùng tin tưởng là con gái dù không làm bài tập về nhà thì việc học cũng không bị ảnh hưởng gì, hơn nữa lại có thể khuyến khích con tích cực học tập, nâng cao thành tích học tập. Vì thế nhìn thấy việc tốt, sao lại không làm, tôi rối rít cảm ơn thầy hiệu trưởng.
Khi cô giáo chủ nhiệm biết rằng thầy hiệu trưởng miễn cưỡng đồng ý cho Y Y không phải làm bài tập về nhà, cô còn thiện ý cảnh báo tôi: “Dù sao cũng là con anh, anh muốn làm thế nào thì làm, nhưng nếu thành tích học tập của con anh không tốt, đừng trách cô giáo”. Tôi nói với cô: “Cô giáo cứ yên tâm, sẽ không có chuyện như vậy đâu”.
Cô giáo và thầy hiệu trường thường lấy suy nghĩ của mình để áp đặt cho người khác, vì thế họ khó mà chấp nhận được những quan niệm giáo dục khác với quan niệm của mình, trừ phi đó là chỉ thị của Bộ Giáo dục, nhưng tôi cũng chỉ là một phụ huynh học sinh bình thường, muốn thay đổi quan niệm cũ của họ cũng không phải chuyện dễ dàng gì.
Khi tôi tổ chức những buổi thuyết trình về giáo dục, thường có phụ huynh hỏi tôi: “Khi tiến hành phương pháp giáo dục vui vẻ với con gái thì trở ngại lớn nhất là gì? Mẹ của bé và các thầy cô có đồng ý hay không?”. Tôi trả lời họ: “Trở ngại lớn nhất lại chính là mẹ của bé, cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng. Họ không những không tán thành mà còn kịch liệt phản đối cách làm của tôi, họ cho rằng tôi đang mạo hiểm với tương lai của con bé, nhưng tôi không dễ dàng gì mà thỏa hiệp với họ, vì thế đầu tiên tôi phải ‘lên lớp’ cho ba người này, thuyết phục được họ có nghĩa là tôi đã dẹp được trở ngại, và tư tưởng giáo dục của tôi được thực thi một cách thuận lợi”.
Sau đó nghe Y Y kể, khi kiểm tra bài tập, thỉnh thoảng cô giáo lại nói với con: “Tốt nhất là em nên làm một ít bài tập, đừng nghe lời của cha, như thế sẽ không tốt cho em”. Tôi rất hiểu cô giáo, đứng ở góc độ không giống nhau tất nhiên suy nghĩ về một vấn đề cũng khác nhau. Cô giáo đứng ở góc độ yêu cầu về điểm số, học sinh làm nhiều bài tập, khi kiểm tra mới có thể đạt điểm cao, điểm thấp thì là “học sinh kém”; nhưng tôi lại đứng ở góc độ phát triển cá tính để nhìn nhận vấn đề, bài tập biết làm rồi thì không cần thiết phải làm lại nữa. Mục đích của việc học là nắm được kiến thức, không phải là đối phó với thi cử. Tôi không muốn nhìn thấy tư duy sáng tạo đáng quý của con, sự hiếu kỳ mạnh mẽ và tâm lý vui vẻ khi học của con bị những bài tập lặp đi lặp lại một cách máy móc phá hủy, vì thế tôi không để con làm bài tập về nhà.
“Không làm bài tập thì sau khi tan học con bé làm gì?”. Nghe nói con gái tôi không làm bài tập về nhà, một số phụ huynh trợn tròn mắt ngạc nhiên hỏi tôi.
Con có rất nhiều việc cần làm như ra ngoài chơi, xem tivi, lên mạng chơi trò chơi, xem sách tham khảo, làm việc nhà… tôi thấy những việc này đều có ý nghĩa hơn là việc làm bài tập. Vui chơi như vậy không những khiến con linh hoạt hơn, nâng cao trí lực mà còn nâng cao hiệu quả học tập, khiến con có được niềm vui trong học tập.
Vì thế mà việc học của Y Y không những không bị ảnh hưởng mà ngược lại con càng có hứng thú học, năng lực học tập cũng được cải thiện, thành tích không ngừng nâng cao. Khi con phải làm bài tập về nhà, thành tích của con chỉ đứng giữa lớp, nhưng sau đó con nằm trong tốp đầu, và cuối cùng là vượt lớp.
Sau khi vượt hai lớp, chưa đến mười tuổi con đã học trung học cơ sở. Ở bậc học mới, lượng bài tập lại tăng lên gấp nhiều lần so với bậc tiểu học. Trong những tuần đầu tiên ngày nào Y Y cũng cố gắng làm hết tất cả các bài tập mà cô giáo giao, kết quả là ngày nào sau khi tan học con cũng bò ra bàn để làm bài tập, ngoài thời gian ăn cơm ra thì con không dám lãng phí thời gian, không thể xem sách tham khảo, không thể xem tivi, càng không thể chơi, cho dù là như vậy hôm nào cũng phải đến hơn chín giờ tối con mới làm xong bài. Sau đó là bận vệ sinh cá nhân, rồi lên giường đi ngủ, không thì ngay cả đến thời gian ngủ cũng bị rút ngắn.
Tôi nhớ có hai lần Y Y làm bài tập đến hơn mười giờ tối, mấy lần tôi giục con đi ngủ, con đều nói: “Đợi một lát nữa ạ, con làm sắp xong rồi ạ”. Kết quả là “đợi một lát”, “đợi một lát” đến khi quá thời gian đi ngủ bình thường. Thấy vậy tôi lo lắng: “Không được, những bài tập này không làm nữa, không ngủ đủ thì không có sức khỏe, làm sao mà học tốt được”.
Vì thế, lại giống như hồi học tiểu học, tôi lại tìm đến cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng để đề xuất ý kiến, có khác là do khi học tiểu học con đã vượt lớp thành công, nên hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đều rất hiểu suy nghĩ của tôi, hai người đồng ý để Y Y “rút ngắn” thời gian làm bài tập về nhà giống như hồi học tiểu học. Đảm bảo thời gian ngủ của con là việc ưu tiên hàng đầu, thứ hai là để con có tâm lý học thoải mái vui vẻ, sau đó mới là thành tích học tập của con. Cả thầy hiệu trưởng lẫn cô giáo chủ nhiệm đều đồng ý với quan điểm này của tôi.
Lại một lần nữa Y Y được giải thoát khỏi “núi bài tập”, mỗi ngày con lại có thời gian để vui chơi. Khi đã quen với cuộc sống ở trường trung học cơ sở, hiệu quả học tập cũng dần được nâng cao, cho dù con được hưởng “đãi ngộ” là không phải làm nhiều bài tập nhưng nếu đã chơi đủ rồi thì thời gian còn lại thi thoảng con vẫn làm bài tập, nhưng lúc đó tâm lý hoàn toàn khác với tâm lý khi bị bắt ép phải làm.
Mục đích của việc làm bài tập là gì? Tất nhiên là củng cố kiến thức đã học chứ không phải là rèn luyện việc tính toán máy móc, năng lực chép bài. Nếu con đã nắm được kiến thức học ngay ở trên lớp thì không cần thiết sau khi tan học lại phải làm bài tập. Vì vậy, giải thoát con khỏi việc học máy móc, trùng lặp, cho con nhiều thời gian chơi và làm những việc giúp ích cho sự phát triển bản thân có ích hơn nhiều là vùi đầu vào học.
Chơi từ thành thị đến nông thôn
Đối với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở thành phố, nông thôn là một vùng đất diệu kỳ. Tôi luôn cho rằng nếu chỉ sống ở nông thôn hoặc chỉ sống ở thành phố thì đó là cuộc sống không trọn vẹn. Người chưa từng sống ở thành phố, tầm nhìn hẹp, tư duy đơn giản, người chưa từng sống ở nông thôn thì ngày nào cũng chỉ đối mặt với bốn bức tường hoặc là đi lại giữa một rừng xi măng cốt thép, không nhìn thấy niềm vui, ánh sáng bên ngoài khung cửa sổ.
Ở nông thôn có những con suối chảy róc rách, những cánh đồng hoa bạt ngàn, có tiếng chim hót, có cá lội, ở nông thôn có những đứa trẻ chất phác, khi chơi không bị cha mẹ mắng vì làm bẩn quần áo, không cần phải vội đi đánh đàn, học vẽ… Về vùng nông thôn, trời rộng mây xanh thoáng đãng, tâm hồn bạn cũng sẽ không còn bị bó buộc… tất cả sẽ làm bạn cảm thấy thoải mái và giàu cảm xúc hơn, sự chất phác đôn hậu của người nông thôn khiến bạn cảm thấy tâm hồn yên tĩnh hơn, cởi mở hơn.
Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn vì thế mà tôi luôn tràn đầy tình yêu với vùng đất ấy. Sống ở thành phố đã hơn hai mươi năm nhưng sự phồn hoa ở đô thị không đọng lại trong tim tôi, tại sao tôi lại yêu từng cây hoa ngọn cỏ ở nông thôn như thế? Bởi vì nông thôn đã cho tôi một tuổi thơ hạnh phúc, tôi biết mảnh đất đó đã ươm đắp niềm hạnh phúc cho tôi như thế nào. Vì thế mà sau khi con gái chào đời, tôi nghĩ tuổi thơ của con không thể thiếu những ký ức khi sống ở nông thôn, tôi sẽ không để cho con mất đi niềm vui được sống ở nông thôn.
Thông thường, tôi sẽ cố gắng hết sức dành thời gian đưa con về quê thăm ông bà nội. Mỗi khi con bé về đến nhà, sau khi vội vàng chào hỏi ông bà, ngay lập tức lại chạy đi chơi, bởi vì có rất nhiều bạn nhỏ đang chờ con, còn bao nhiêu trò chơi đang mời gọi con.
Ở quê, Y Y rất thích được cùng cha đi bắt tôm bắt cá ở trong ao. Một hôm vào mùa hè ở quê nội, tôi đưa Y Y và đứa cháu đến cái ao nhỏ ngoài đồng bắt cá, chúng tôi đã bắt được khá nhiều nhưng trên đường về thì trời mưa, ai cũng bị ướt, lạnh run bần bật. Y Y đi chân đất, mặc quần áo của anh, mặt đầy bùn đất, nhìn giống như một đứa trẻ ở trại tị nạn. Nhưng có điều khác là, mặc dù con rất lạnh nhưng luôn mỉm cười, mắt sáng lấp lánh vì hào hứng. Con hét vang “Mưa rồi, mưa rồi…”, khỏi phải nói lúc đó con vui đến cỡ nào.
Để con gái chơi vui hơn, để con gần với thiên nhiên hơn, tháng 12 năm 2004 tôi quyết định đưa con về trường ở nông thôn học, để con có thể vui chơi thoải mái.
Tháng 8 năm 2004, vợ tôi được phân công dạy học ở một thôn ở bán đảo Giao Đông tỉnh Sơn Đông. Tôi nảy ra ý định đưa Y Y đến đó học, con gái tất nhiên rất là vui, thứ nhất là có thể gặp được mẹ, người mà con hằng ngày mong nhớ, thứ hai là con có thể chơi một cách thoải mái ở nông thôn.
Lần đầu học ở một trường ở nông thôn, Y Y đã cảm nhận được sự mới lạ khi “được bắt về lớp mới”. Hôm đó đến trường tập trung, để công bằng, thầy hiệu trưởng có ý kiến việc chọn lớp sẽ thông qua việc bốc thăm để chọn. Không những Y Y cảm thấy mới lạ mà ngay cả tôi cũng cảm thấy cách làm này rất đặc biệt. Hai giáo viên chủ nhiệm dưới sự chủ trì của hiệu phó, bốc tờ giấy đã được chuẩn bị từ trước, cô giáo bốc được tờ giấy bên trong có viết tên của Y Y mừng rỡ nói: “Tay tôi thật là may mắn, em Phạm Khương Quốc Nhất đã thuộc về tôi!”. Như vậy, con gái được “bắt” về lớp mới. Mỗi khi nhớ lại câu chuyện này con gái lại không nhịn được cười, “Là con được cô giáo Ôn ‘bắt’ về!”.
Sau đó Y Y lại được hưởng niềm vui khi cùng với các bạn “góp vốn”. Những đứa trẻ ở nông thôn thường không có nhiều tiền tiêu vặt, nhiều lúc muốn mua một món đồ gì đó nhưng lại không có đủ tiền. Làm thế nào bây giờ? Bọn trẻ nghĩ ra một tuyệt chiêu: “góp vốn”. Khi đó nếu như ruột bút chì hết rồi, hai đứa trẻ có thể góp lại cậu năm hào, tớ sáu hào, cậu đưa ít tiền hơn thì cậu đi mua, mua về rồi thì chia đều, mỗi người một nửa, vấn đề đã được giải quyết; muốn ăn bim bim thì mỗi người góp một nửa, mua về cậu một miếng, tớ một miếng ăn ngon lành.
Trong cuốn sách Chơi cũng là một cách để trưởng thành của con, con dùng ngòi bút dí dỏm kể lại câu chuyện “góp vốn” với bạn cùng bàn mua bút chì, cho dù trong túi con có đủ tiền để mua những thứ con muốn nhưng con rất vui khi được tham gia. Nghĩ ra mới hiểu, ở thành phô,́ những “tiểu hoàng đế”, “tiểu công chúa” trong túi lúc nào cũng có đến mấy chục tệ hoặc hàng trăm tệ, đưa tiền thuê người làm bài tập, đi học thì đi taxi… mức tiêu pha đến người lớn còn không bằng thì chúng liệu có đồng ý bỏ ra mấy hào lẻ để “góp vốn” cùng người khác mua đồ dùng học tập hoặc mua đồ ăn vặt không? Và tất nhiên chúng sẽ mãi mãi không thể cảm nhận được niềm vui của sự hợp tác như thế, không cảm nhận được niềm vui khi chia sẻ, càng không thể cảm nhận được tình bạn thuần khiết và trách nhiệm chân thành trong quá trình hợp tác.
Trong những ngày học ở nông thôn, Y Y còn học được tiếng địa phương. Từ lúc nghe người khác nói nhưng không hiểu, phải “thuê” mẹ và các bạn học làm phiên dịch đến lúc tự con có thể “thể hiện” mấy câu bằng tiếng địa phương chính hiệu, Y Y thuận lợi vượt qua rào cản ngôn ngữ. Trẻ không thể cứ sống mãi ở một điểm cố định, trẻ phải lớn lên và trưởng thành, ra khỏi nhà và ra ngoài xã hội, phải thích ứng với sự biến đổi của cuộc sống, hòa mình vào tập thể mới, như vậy trẻ sẽ không lo lắng, bất an khi đối mặt với những sự thay đổi, trẻ có thể vì thế mà có sự phát triển tốt hơn. Việc Y Y “vượt qua” rào cản ngôn ngữ đã thể hiện con có một năng lực thích ứng vô cùng tốt, điều này khiến tôi cảm thấy rất vui, Y Y cũng nhận được niềm vui từ việc đó.
Viết đến đây tôi mới lại nhớ đến mấy ngày trước khi đưa con đến nhập học ở trường đại học, lãnh đạo của trường đã lo lắng về việc con còn ít tuổi, chỉ là một sinh viên thiếu niên, liệu con có thích ứng được với môi trường mới hay không. Khi tôi nói với họ rằng năng lực thích ứng của con rất tốt, họ bán tín bán nghi. Thực ra người mà họ cần lo lắng không phải là Y Y mà là những sinh viên dù lớn tuổi hơn Y Y nhưng lại thiếu sự bồi dưỡng và rèn luyện về phương diện này.
Những ngày ở nông thôn, Y Y còn học được ở các bạn học rất nhiều trò chơi mà khi ở thành phố con không biết chơi, con và các bạn ở nông thôn đã có tình bạn vô cùng sâu sắc. Nếu như không có quãng thời gian sống ở nông thôn, ký ức tuổi thơ của Y Y sẽ thiếu đi biết bao nhiêu màu sắc. Vì thế, tôi luôn luôn rất tự hào về quyết định “đưa con về nông thôn học” của mình.
Trẻ em như một cốc nước trắng, bạn muốn cho nó thành vị gì thì hãy thêm vào đó gia vị mà bạn muốn. Việc giáo dục trẻ cũng như vậy, bạn muốn cuộc sống của trẻ có màu sắc như thế nào thì hãy cố gắng tạo cho trẻ niềm vui trong cuộc sống như thế. Chỉ cần bạn thực sự yêu con mình, thực sự mong con vui vẻ, lúc đó sự việc sẽ trở nên đơn giản.
Những ngày học ở nhà
Ờ phần trước tôi đã nói qua chuyện không muốn cho con gái đến trường học. Mặc dù tôi không phủ nhận những nỗ lực của các thầy cô giáo trong việc giúp trẻ trưởng thành và phát triển, nhưng giáo dục trong trường học rất khó có thể làm được việc giáo dục theo đối tượng. Hơn nữa dưới sự ảnh hưởng của nền giáo dục để thi cử, nhà trường là một trong những “sát thủ” giết chết cá tính của học sinh. Nhưng vì con gái cần có cuộc sống tập thể, cần bạn cùng chơi nên tôi đành chấp nhận để con đến trường học.
Con gái đến trường để học còn tôi theo đuổi “cuộc chiến tranh giành con với trường học”. Chiến đấu mệt mỏi rồi thì về nhà học. Ở lớp học đặc biệt này, con có bao nhiêu tiềm lực thì chúng tôi cho con một không gian tương ứng, dạy học theo đối tượng, tùy từng đối tượng mà chọn học cái gì, đi theo con đường cá tính hóa việc học. Chỉ sau vài tháng học, con đã học hết chương trình của cả một năm học, lại có rất nhiều thời gian để vui chơi giải trí.
Ngày 10 tháng 7 năm 2005, bởi vì ngày hôm sau con phải thi cuối kỳ, buổi chiều cô giáo yêu cầu học sinh phải đến trường để chuẩn bị cho kỳ thi. Sau bữa trưa, một mình Y Y bắt xe đến trường, 17 giờ 30 phút mà con vẫn chưa về. Vợ tôi gọi điện đến trường, nhà trường cho biết vẫn chưa tan học, vì thế vợ tôi nhờ cô giáo chuyển lời đến Y Y, nhắc con gọi điện về nhà, Y Y gọi về nói ngày mai cô giáo yêu cầu 6 giờ sáng phải có mặt ở trường.
Tôi vừa nghe đã nổi cáu: “8 giờ mới thi, 6 giờ đã đến trường, đến trước hai tiếng đồng hồ để làm gì? Vô lý hết mức”. Thời điểm đó chúng tôi sống ở căn nhà thuê ở nội thành, từ trường đến nhà phải mất mấy chục cây số, chưa nói đến việc sớm vậy chưa có xe bus, nếu có thì muốn bắt chuyến xe sớm nhất cũng phải dậy từ hơn bốn giờ sáng. Chẳng biết phải làm thế nào, buổi tối hôm đó phải để con bé ngủ lại nhà một cô giáo, ngày hôm sau cùng cô giáo đến trường.
Sự việc này khiến tôi quyết định chuyển nhà đến Yên Đài, để con tránh xa môi trường học tập như vậy, tôi cũng quyết định sau khi chuyển đến Yên Đài thì để con học ở nhà một năm, tôi và vợ sẽ thay nhau kèm cho con.
“Mặt trời chiếu sáng muôn nơi, hoa cỏ cười với tôi. Chim nhỏ cất tiếng hót chào buổi sáng hỏi tôi tại sao bạn lại đeo chiếc ba lô nhỏ xinh? Mình đang đến trường, đến trường đúng giờ không được đến muộn…”. Con gái Y Y đã từng hát bài hát này mỗi buổi sáng đi học, nhưng bây giờ con học tại nhà, không cần “đeo chiếc ba lô nhỏ xinh”, cũng không cần “đến trường”, cũng chẳng cần phải lo lắng chuyện “muộn hay không muộn học”.
Trong cuốn sách Chơi cũng là một cách để trưởng thành, con đã viết thế này:
Học ở ngôi trường này hơn nửa năm, các khớp của ngón giữa tay phải cầm bút đã có những nốt chai sần dầy, thi thoảng mắt cũng nhìn không rõ mọi vật. Mẹ đưa mình đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ nói mình bị mỏi mắt, cần được nghỉ ngơi nếu không thì mình sẽ bị cận thị. Nhưng mà lấy đâu ra thời gian nghỉ ngơi, đến cả thời gian ngủ cũng sắp bị cướp mất rồi.
Đặc biệt là quãng thời gian gần thi cuối kỳ, cô giáo lại yêu cầu chúng mình đến trường sớm để học, đến tối muộn mới tan học, thời gian ở trường càng ngày càng nhiều. Cho đến ngày thi cuối kỳ, tám giờ mới bắt đầu thi nhưng cô giáo yêu cầu chúng mình sáu giờ sáng phải đến trường để cô tranh thủ phụ đạo trước khi thi cho chúng mình. Cha mình giận lắm, cha nói: “Bình thường cô dạy cái gì? Đến kỳ thi vốn phải để cho học sinh nghỉ ngơi! Được rồi, chúng ta không học ở trường này nữa!”.
Vì thế mình đã nghỉ học, trở thành một học sinh tiểu học không đến trường. Cha và mẹ lên kế hoạch học tập cho mình, thay nhau kèm mình văn hóa và bồi dưỡng cho mình những năng lực tổng thể. Ở ngôi trường “mini” này, cha chính là hiệu trưởng kiêm chủ nhiệm hậu cần, mẹ là cô giáo chủ nhiệm đồng thời cũng là cô giáo bộ môn, và mình vừa là lớp trưởng, vừa là lớp phó học tập, vừa là cán sự môn… Một chương trình học đặc biệt hàng ngày được tiến hành theo kế hoạch nhưng lại rất thú vị, mình có thể cùng mẹ tranh luận, có thể thi cùng với cha; giờ học tự nhiên có thể được đến vùng núi, giờ lịch sử có thể xem phim… không có núi bài tập cũng chẳng phải ngủ muộn dậy sớm, càng không cần xếp thứ hạng, phạt làm bài…
Ngoài việc học, mình còn rất nhiều thời gian để chơi và xem sách tham khảo, còn nhiều thời gian để xem tivi nữa. Mặc dù mỗi ngày chỉ có năm tiếng học những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, nhưng hiệu quả học tập của mình rất cao, tiến độ cũng rất nhanh, chưa đến nửa năm mình đã học xong tất cả những kiến thức của chương trình học lớp năm. Thời gian còn lại, cha dạy thêm cho mình về viết, mẹ thì bồi dưỡng năng lực lý giải, phân tích, cha mẹ còn cho mình tham gia rất nhiều những hoạt động xã hội nữa…
Với kinh nghiệm dạy con ở nhà, tôi cảm thấy cho dù nhiều phụ huynh không có điều kiện lẫn khả năng dạy con học ở nhà thì cũng không nên hoàn toàn phó mặc con cho nhà trường. Thiết nghĩ, giáo viên chỉ dùng một phương pháp giáo dục duy nhất để dạy mấy chục học sinh có cá tính khác nhau, bất luận thế nào đi chăng nữa thì không thể thực hiện được việc dạy học theo đối tượng với từng học sinh.
Đối với giáo viên, con bạn chỉ là một trong mấy chục học sinh, nhưng đối với phụ huynh thì con cái là tất cả, vì thế mà phụ huynh phải có sự nhìn nhận chính xác về con mình, sau đó trong khả năng của bản thân, cố gắng tìm ra một phương pháp giáo dục thích hợp để con phát triển, từ đó giúp con vừa tiếp thu nền giáo dục ở trường, vừa được nhận sự giáo dục thích hợp từ gia đình.
Vừa chơi vừa xuất bản một cuốn sách được yêu thích
Một năm con vui chơi, tự học ở nhà, ngoài việc học chương trình học lớp năm, lớp sáu, con vừa chơi vừa cho xuất bản một cuốn sách mà các bạn nhỏ rất yêu thích: Chơi qua tiểu học.
Năm 2006, tôi từ biệt vợ và con gái, đến thành phố Trùng Khánh làm việc. Tất nhiên tôi vẫn theo nghề cũ: viết lách và thuyết trình. Lúc đó ngoài việc đến thuyết trình cho học sinh, sinh viên, tôi còn tích cực tham gia viết sách cho Nhà xuất bản Nhân dân Nội Mông Cổ: Series sách của Đông Tử. Trong thời gian này cuốn Chơi qua tiểu học của con gái cũng đã sắp xong phần bản thảo.
Chơi qua tiểu học là cuốn sách ghi lại những câu chuyện trưởng thành cũng như câu chuyện về học tập ở trường tiểu học của con bằng ngòi bút ngây thơ, trong sáng. Qua bảy mươi tám mẩu chuyện nhỏ, có thể thấy con gái đã trải qua cuộc sống ở giai đoạn tiểu học vui vẻ như thế nào, làm thế nào mà học như chơi, vượt liền hai lớp, tốt nghiệp tiểu học trước thời hạn hai năm, làm thế nào để trí tuệ, tình cảm và năng lực đều được phát triển toàn diện khi vừa chơi vừa học. Sau khi nhận lời mời của nhà xuất bản, tôi đã thêm mục “lời của cha” sau mỗi câu chuyện của con.
Cuối tháng 3 năm đó, chúng tôi ký kết hợp đồng xuất bản cuốn sách “Chơi qua tiểu học” với Trung tâm Thiếu niên nhi đồng Tập đoàn xuất bản Trùng Khánh.
Ngay sau đó báo chí ở Trùng Khánh đã đưa tin về việc Nhà xuất bản Trùng Khánh đã mua bản quyền xuất bản cuốn Chơi qua tiểu học, sau đó cả báo giấy lẫn báo mạng trên toàn quốc đều tranh nhau đưa tin. Ngày 1 tháng 4, trong chương trình “Báo chí Trung Quốc” do Bạch Nham Tùng dẫn, (người dẫn chương trình nổi tiếng của Trung Quốc) kênh tin tức của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã đưa tin về Y Y như là một nhân vật nổi bật trong tuần đó, chương trình phát sóng có tên là “Phạm Khương Quốc Nhất: Chơi qua tiểu học”. Trong chương trình đó Bạch Nham Tùng đã nói: “Vừa tròn chín tuổi, ba năm rưỡi đã học xong chương trình tiểu học, vượt hai lớp liên tục, viết một cuốn sách, còn nói là chơi mà được như vậy, những phụ huynh như chúng ta cũng phải học hỏi, hy vọng con cái chúng ta cũng có tuổi thơ vui vẻ như Phạm Khương Quốc Nhất”.
Vài ngày sau đó, do có sự cố từ phía Nhà xuất bản Trùng Khánh, quyền xuất bản cuốn sách Chơi qua tiểu học được chuyển qua cho Nhà xuất bản Thiếu niên nhi đồng Hồ Nam. Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Truyền thông nhà xuất bản này đã kêu gọi cả nhà xuất bản dốc toàn lực quảng bá cho cuốn sách.
Sáng ngày 8 tháng 5, tôi cùng Y Y bay từ Thượng Hải đến Thủ phủ tỉnh Hồ Nam, bắt đầu chuỗi bốn mươi ngày hoạt động quảng bá và ký tặng sách, chúng tôi lần lượt đến các thành phố của Hồ Nam gồm Cốt La, Chu Châu, Thiệu Dương...; các thành phố ở Quảng Đông bao gồm Quảng Châu, Chu Hải, Đông Quản, Giang Môn; các thành phố ở Liêu Ninh có Thẩm Dương, Đại Liên; ở Cát Lâm chúng tôi đến Trường Xuân, Tống Nguyên và huyện Phù Dư; ở Giang Tô chúng tôi đến Nam Kinh, và đến cả Bắc Kinh. Là người phụ trách biên tập, phó tổng biên tập Tạ Thanh Phong cùng đi với chúng tôi, và ông cũng đảm trách dẫn chương trình, trước tiên ông giới thiệu hai cha con tôi, sau đó Y Y kể những câu chuyện vui trong quá trình trưởng thành của con, cuối cùng thì tôi kể những câu chuyện đằng sau câu chuyện đó.
Trong thời gian tuyên truyền, quảng bá cho cuốn sách hai cha con tôi đã nhận được rất nhiều lời mời phỏng vấn của báo chí, phát thanh, truyền hình. Khi ở Bắc Kinh hai cha con tôi còn đến thăm diễn giả nổi tiếng - thầy Lý Yến Kiệt; ở Thẩm Dương chúng tôi đến trường Tiểu học trực thuộc Đại học Sư phạm Thẩm Dương thăm Chu Hạo Diểu - bạn qua thư của Y Y; ở Trường Xuân, Y Y trở lại trường Con em xưởng 228 thăm thầy cô và bạn bè; ở Tống Nguyên, Y Y đã dùng tiền nhuận bút để giúp đỡ bạn nhỏ cùng tuổi - Trương Hâm Duyệt.
Khi tôi viết đến đây có lẽ rất nhiều độc giả muốn biết, một cuốn sách như vậy đã được ấp ủ như thế nào? Thực sự mà nói cuốn sách ra đời, nói là có chủ đích cũng đúng mà không có chủ đích cũng đúng, chủ đích là để con kiên trì việc viết lách, không có chủ đích là việc cuốn sách xuất bản chỉ là một sự ngẫu nhiên.
Trong quãng thời gian con gái tự học ở nhà, bài tập của môn ngữ văn thường là đọc và viết, đọc để mở rộng tầm mắt của trẻ, tăng cường kiến thức, nâng cao nhận thức lý tính về sự vật của trẻ, và cũng là cơ sở để học viết. Theo kế hoạch học tập, mỗi tuần Y Y phải viết hai bài văn, đề tài và nội dung không giới hạn, đa số những bài con viết đều là những chuyện con đã nghe, đã gặp và cảm nhận, phần lớn các câu chuyện là những chuyện vui về sự trưởng thành. Chẳng mấy chốc mà con đã viết được tới ba mươi bài, trong đó có một số bài con viết rất tốt, có thể kể như “Ngủ một mình cũng có thể ngủ ngon”, “Táo ngon nhưng khó hái quả”, vì thế tôi khuyên con gửi bài tới một số báo dành cho học sinh tiểu học.
Sau đó tôi nghĩ với tốc độ viết như vậy, đến cuối năm con sẽ viết được khoảng bảy mươi đến tám mươi bài, tổng hợp lại cũng được một cuốn sách, có thể chia sẻ niềm vui của con tới nhiều bạn nhỏ hơn nữa. Trước tiên tôi nói ý tưởng này với vợ tôi, cô ấy cho rằng cách viết của con gái quá trẻ con, chưa thành thục, nên lo lắng không có nhà xuất bản nào đồng ý xuất bản một cuốn sách do một đứa trẻ viết. Nhưng với một tác giả nghiệp dư xuất thân từ phóng viên như tôi, tôi cho rằng cuốn sách của con vẫn sẽ có thị trường, hơn nữa con gái có rất nhiều điểm để truyền thông khai thác: những đứa trẻ vượt lớp không nhiều, những đứa trẻ viết sách lại càng ít, những đứa trẻ được lớn lên trong niềm vui cũng có hạn, nếu ba điều này lại cùng có ở một đứa trẻ, thì đó là một đề tài không tồi.
Sau đó chúng tôi bàn chuyện ra sách với con gái, con gái mới nghe đến chuyện xuất bản sách đã rất ngạc nhiên: “Á, trẻ con cũng có thể xuất bản sách hả cha?”.
“Đúng vậy, rất nhiều bạn nhỏ bằng tuổi con đã xuất bản sách rồi”.
“Vậy ai sẽ đọc nó ạ?” .
“Tất nhiên là những bạn nhỏ trạc tuổi con rồi, con nghĩ mà xem, nếu một bạn nhỏ bằng tuổi con kể những câu chuyện vui về sự trưởng thành của bạn ấy, liệu con có muốn đọc không?”.
“Tất nhiên là có ạ”. Y Y vừa chơi trò yoyo vừa trả lời.
Ngay ngày hôm đó tôi bắt tay vào việc lên kế hoạch ra bản thảo, thông qua việc chỉnh sửa của vợ tôi và Y Y, bản thảo chính thức được thông qua. Nhưng về tên sách, cả nhà thảo luận rất lâu, mỗi người một ý kiến, cuối cùng tôi đưa ra ý kiến lấy tên Chơi qua tiểu học, và Y Y đã đồng ý với ý kiến của tôi. “Tên sách được đó cha, con đúng là đã chơi qua tiểu học mà”. Cả nhà đều thấy tên sách như vậy rất gần gũi với nội dung, hơn nữa tên cũng rất kêu.
Sau đó mỗi giờ học ngữ văn thì vẫn là bài tập viết văn, nhưng mục đích thì rõ ràng hơn, tốc độ viết như vậy rất nhanh, đến mùa xuân năm 2006, Y Y đã viết được hơn bảy mươi bài. Cứ như vậy đến đầu hè năm 2006, Phạm Khương Quốc Nhất, chín tuổi rưỡi đã xuất bản cuốn sách đầu tiên của mình - Chơi qua tiểu học.
Mở cánh cửa thế giới đọc cho con
Chúng ta đều biết đọc sách có ảnh hưởng đến cuộc đời của mỗi con người, có thể thay đổi vận mệnh của một con người. Nhưng với lượng bài tập quá nhiều, trẻ không còn thời gian để đọc tài liệu ngoài sách giáo khoa, một số phụ huynh còn cảnh báo con em mình: “Xem những cuốn sách vớ vẩn đó thì có thể thi được điểm cao không?”.
Đọc sách có thể thay đổi cuộc đời.
Đọc sách đã mở ra cho tôi cánh cửa thế giới, nâng cao năng lực lĩnh hội văn tự, dẫn đường cho tôi bước vào thế giới kỳ diệu của chữ viết, từ đó tôi không thể thoát khỏi thế giới đó. Thật sự, tôi trở thành một người hâm mộ sách đúng nghĩa.
Sau khi có con gái, mỗi lần đi đến nhà sách tôi thường mang con đi theo. Xem nhiều thành quen, con gái cũng trở thành “tín đồ của sách”, nhìn thấy cuốn sách mà mình thích thì sẽ không bao giờ đặt nó lại giá.
Y Y chịu sự ảnh hưởng của hai vợ chồng tôi, đầu giường lúc nào cũng phải có sách, tủ sách phía đầu giường để đầy những cuốn sách cần xem, nhìn là thấy, với tay là lấy được.
Đã có sách thì còn phải đọc, nếu không thì sách sẽ mất đi giá trị tồn tại của nó. Tôi và con đều có một thói quen: dành ba mươi phút trước khi đi ngủ để đọc sách. Cuối tuần, chúng tôi có thời gian dành riêng cho việc đọc sách, trong quãng thời gian này, người nào người nấy cầm cuốn sách mà mình thích, rồi cùng ngồi đọc. Có những lúc Y Y sẽ đọc to cho tôi nghe những đoạn mà con thấy hay, khi tôi đọc được những nội dung phù hợp với con, tôi cũng sẽ giới thiệu để con đọc.
Thời đại ngày nay rất nhiều người dùng tiền vào những trò tiêu khiển, tiêu tiền vào việc trang điểm, ăn uống nhậu nhẹt, cũng có người dành thời gian để xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử. Vậy tại sao không dành tiền bạc đó, thời gian đó để gần hơn với sách? Mua sách nhiều hơn, đọc nhiều sách hơn, tạo ra một không gian để tâm hồn nghỉ ngơi thư giãn, và cũng tạo cho con cái một môi trường giàu văn hóa đọc.
Mở ra cho con cánh cửa thế giới đọc, và phải hướng dẫn con học được cách đọc sách. Tổng kết một số kinh nghiệm dạy con đọc sách trong nhiều năm qua, tôi nghĩ các bậc phụ huynh có thể làm theo những điều sau:
Thứ nhất, đảm bảo thời gian đọc sách của con. Cái quý của việc đọc sách là ở tính kiên trì, nếu mỗi ngày bạn dành cho con một quãng thời gian cố định để đọc sách, cho dù một ngày chỉ có mười phút, cứ thế mỗi ngày mỗi tháng, thời gian đó là một con số khiến bạn phải kinh ngạc. Sau khi bàn bạc thương thảo, tôi và Y Y quyết định thời gian sinh hoạt, xem tivi và đọc sách đều cố định, để Y Y có nhiều thời gian đọc những cuốn sách ngoài chương trình học.
Thứ hai, tạo bầu không khí đọc tốt. Đọc sách rất cần một bầu không khí tốt, như vậy mới có thể đảm bảo trẻ vui vẻ, chú ý tập trung đọc sách. Tại sao nhà dòng dõi thư hương con cháu đều tài giỏi, bởi vì gia đình họ có bầu không khí đọc tốt. Nếu cha mẹ đều là phần tử trí thức, bản thân lại có thói quen đọc sách, cha mẹ dùng lời nói, hành động để truyền dạy cho con, tự nhiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến con cái. “Bầu không khí” mà tôi nói đến ở đây bao gồm hai yếu tố: Thứ nhất, có nơi để đọc sách, ví dụ một căn phòng yên tĩnh, một chiếc bàn đọc, một cây đèn; thứ hai, phải có môi trường yên tĩnh cần thiết cho việc đọc sách, không thể muốn con đọc sách nhưng cha mẹ lại bật tivi với âm lượng quá lớn, hoặc túm năm tụm ba ăn uống nhậu nhẹt đánh bài.
Tiếp đó, cần chú trọng việc cùng con đọc sách. Tốt nhất các thành viên trong nhà đều nên có thói quen đọc, hàng ngày phải có thời gian cùng nhau đọc sách và cùng thảo luận nội dung trong sách. Có như thế, trẻ sẽ rất dễ bị cuốn hút vào thế giới của sách. Trẻ con rất dễ uốn nắn, dễ chịu sự ảnh hưởng của môi trường xung quanh, muốn trẻ chăm đọc sách, bản thân phụ huynh cũng phải yêu sách.
Điều cuối cùng là, để trẻ cảm nhận được niềm vui khi đọc sách. Trẻ thích chơi trò chơi bởi vì chơi trò chơi khiến trẻ cảm thấy vui. Như vậy thì muốn trẻ thích đọc sách cũng phải cho trẻ cảm thấy niềm vui khi đọc sách. Khi Y Y học lớp hai, báo Ngữ văn có tổ chức cuộc thi “Trả lời kiến thức trên báo”. Dưới sự cổ vũ của tôi, con gái tích cực tham gia và cuối cùng con đạt giải ba, khi nhận được giấy chứng nhận và phần thưởng do tòa soạn gửi đến, Y Y vui mừng nhảy cẫng lên. Và từ đó con ngày càng yêu thích việc đọc sách báo.
Biển kiến thức là vô cùng vô tận nhưng mỗi con người chỉ có một cuộc đời. “Đọc những gì nên đọc, đáng đọc” là thể hiện sự tôn trọng bản thân mình, tôn trọng thời gian. Hãy cho con bạn tận hưởng niềm vui trong thế giới sách đầy trí tuệ và tư tưởng sâu sắc.
Internet có thế giới của riêng con
Bước vào thế kỷ XXI chúng ta chào đón một thời đại mới, thời đại của internet.
Thời đại ngày nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, và đã xâm nhập vào mọi phương diện của xã hội và cuộc sống của con người. Sự ra đời của internet đã mang đến cho nhân loại rất nhiều tiện ích, có thể kể đến như: mua đồ không cần phải đến bách hóa; đọc sách không cần phải đến thư viện; thậm chí đi học không cần phải đến trường; làm việc trên mạng, tất cả giao dịch đều thông qua thương mại điện tử, rất nhiều bạn nhỏ cũng có được niềm vui vô bờ bến từ những thứ trên internet.
Vì thế phụ huynh cần phải hướng dẫn con sử dụng internet một cách khoa học, cùng con chia sẻ những niềm vui mà internet mang lại, cần phải trao đổi với con những suy nghĩ, cảm nhận khi sử dụng internet. Nếu như tôi lên internet, đọc được những tin mà tôi cho rằng con sẽ rất hứng thú, tôi sẽ gọi con đến cho con xem, và con cũng vậy. Như vậy vừa có thể học được từ mạng internet, vừa có thể giải trí, lại tăng thêm tình cảm giữa hai cha con.
Internet là công cụ học tập tốt nhất dành cho trẻ, lên mạng ngoài việc chơi trò chơi, Y Y còn trò chuyện với các bạn, xem tin tức, và việc con hay làm nhất đó là học từ trên Baidu (trang tìm kiếm lớn nhất ở Trung Quốc). Một lần, khi Y Y đang đọc sách thì bắt gặp cụm từ “Trí nhược võng văn”, con không hiểu ý nghĩa của cụm này nên lập tức tìm kiếm trên Baidu, chỉ một cú click chuột, phần giải thích ý nghĩa cho cụm từ hiện ra ngay trước mắt: “Nghĩa là bỏ mặc một bên, làm như không nghe thấy. Chỉ nghe xong nhưng không thèm để ý”. Con rất hưng phấn với việc từ nay có thể tra từ rất nhanh và thuận lợi. Từ đó về sau, nếu gặp chữ nào từ nào khó hiểu, Y Y thường nhờ sự trợ giúp của “Baidu”, và “Baidu” chưa bao giờ làm con thất vọng, nó giống như một đại dương thông tin, nói theo cách của Y Y thì là “một bụng học vấn”.
Từ nhỏ con gái đã được tiếp xúc với internet, lúc mới bắt đầu tôi đã nói với con, tô tranh trên máy tính, chơi trò chơi trên mạng đều chỉ là một phần trong những gì con cần chơi, không được dành quá nhiều thời gian cho những việc này. Sau đó con gái lớn dần, con có thể dùng máy tính và internet để phục vụ việc học, tôi vẫn nói với con, đây chỉ là phương pháp hỗ trợ việc học tập, nhất định phải khống chế thời gian, tốt nhất là trong khoảng một tiếng. Về việc này tôi không quản con mà để cho con tự quản lý thời gian của mình, việc tôi tin tưởng vào con, để con toàn quyền quyết định đã được con đền đáp bằng việc tuân thủ lời hứa.
Nhiều năm nay, mỗi ngày tôi đều sắp xếp thời gian nhường con sử dụng máy tính. Trong khoảng thời gian này Y Y có thể tự do sử dụng máy tính, con có thể lên mạng chơi trò chơi, gửi email, làm thiệp điện tử, chat QQ với bạn học, bạn trên mạng, đọc những tin tức mà con hứng thú, làm những việc mà con thích… Khi hết thời gian, con sẽ tự giác rời khỏi máy tính. Vì thế, cho dù ngày nào Y Y cũng tiếp xúc với internet nhưng con không hề chịu ảnh hưởng xấu mà ngược lại con còn biết sử dụng công cụ internet một cách hiệu quả để vừa học vừa giải trí.
Thời đại ngày nay, mỗi khi nhắc đến trò chơi trên mạng (game online), phụ huynh nào nghe thấy cũng đều sợ, cảm tưởng trò chơi trên mạng giống như một loại thuốc độc vậy, con cái hễ dính đến nó là bị sa ngã, bị hủy hoại. Nhưng thực tế, nếu biết hướng dẫn con một cách đúng đắn, trò chơi trên mạng lại là một trò chơi trí tuệ bổ ích, không những mang lại niềm vui cho trẻ mà còn có thể phát triển năng lực tổng thể của trẻ.
Từ khi ba tuổi, Y Y đã bắt đầu tiếp xúc với trò chơi trên mạng, từ trò đơn giản là “đẩy xe ô tô” đến trò chơi phức tạp hơn một chút là “ông già qua sông”, hay đến trò chơi phức tạp mà ngay cả tôi và vợ “nghiên cứu” mãi cũng không hiểu là “Super Mario”; con học từ cách sử dụng chuột đến cách làm thế nào sử dụng bàn phím nhanh để khống chế các nhân vật trong trò chơi, từ đơn giản mò mẫm tìm hiểu đến phán đoán có phương hướng, cộng với sức tưởng tượng phong phú, dần dần Y Y đã trở thành một cao thủ game online.
Có những lúc cả ba người chúng tôi cùng chơi trò chơi. Tôi vừa để cho con tự do tiếp cận với trò chơi trên mạng, vừa vui vẻ làm bạn cùng chơi với con. Bởi điều làm Y Y vui không chỉ có trò chơi trên mạng, mà còn là những trò chơi phong phú nhiều màu sắc khác. Vì thế, trò chơi trên mạng đối với Y Y chỉ là để tăng thêm một cách chơi mà thôi. Điều quan trọng hơn cả là qua chơi trò chơi trên mạng, con được tiếp xúc với internet, con học được cách sử dụng mạng, học được cách làm thế nào để trở thành chủ nhân của internet…
Chúng ta đều biết internet là con dao hai lưỡi, nếu cứ chìm đắm trong những trò chơi trên mạng, kết bạn, hoặc xem những trang mạng không lành mạnh thì internet trở thành cái có hại; nhưng nếu dùng internet để xem tin tức, tìm tài liệu, gửi email, chơi trò chơi đúng mức, và giao lưu với một vài người bạn thì internet lại trở thành cái có lợi. Nó cũng giống như một con dao, nếu trong nhà bếp thì nó là công cụ nấu ăn, nhưng nếu dùng nó để chém giết, thì nó lại trở thành hung khí.
Khích lệ con cái sử dụng internet không có nghĩa là bỏ mặc không quản lý, thời gian sử dụng internet và nội dung đều phải được giới hạn. Thông thường trẻ con sử dụng internet nhằm ba mục đích chủ yếu: chơi trò chơi, trò chuyện và học tập (bao gồm việc tìm kiếm tài liệu). Về mặt thời gian, bao nhiêu thời gian dành cho những hoạt động này là hợp lý thì phải căn cứ vào mỗi trẻ, thời gian của Y Y được chia ra làm ba giai đoạn: lúc còn đi mẫu giáo thì chỉ chơi trò chơi, chơi những trò chơi đơn giản có lợi cho sự phát triển trí tuệ; lúc học tiểu học thì chủ yếu là chơi trò chơi, còn lại là nói chuyện, tiếp đó mới là học; nhưng đến khi học trung học thì lại ngược lại, học là chính, chơi và nói chuyện là phụ.
Có sự phân chia như vậy vì khi trẻ học mẫu giáo, hoạt động chính của trẻ là chơi, vì thế mà chơi trò chơi là chủ yếu, trong thời gian này trẻ vẫn chưa cần thực sự có sự giao lưu tiếp xúc xã hội, chưa cần phải học tập, vì thế không cần phải nói chuyện hay học tập; đến giai đoạn tiểu học, ngoài việc chơi đùa thì cuộc sống của trẻ thêm một phần mới đó là giao lưu với những bạn nhỏ cùng trang lứa, và hơn thế còn bước vào giai đoạn học tập, vì thế nói chuyện với các bạn trên mạng và học tập là một trong những nội dung được thêm vào khi trẻ sử dụng internet; và khi trẻ bước vào giai đoạn trung học, trẻ lớn lên, mở mang thêm nhiều kiến thức, nhiệm vụ học tập cũng nhiều lên, chơi đùa không hoàn toàn thu hút được chúng nữa mà việc tìm hiểu kiến thức lại trở thành lựa chọn hàng đầu của trẻ, vì thế thời gian này trẻ sử dụng internet chủ yếu với mục đích học tập, còn chơi trò chơi và nói chuyện với các bạn trên mạng là phụ.
Y Y đã sử dụng nternet như vậy, con vừa có được niềm vui, vừa có thêm kiến thức và có thêm những người bạn.
Tivi trở thành trò vui của con
Trong tuổi thơ của Đông Tử không có “đồ chơi” nào gọi là “tivi”. Mãi đến khi hai mươi tuổi, tôi mới được tiếp xúc với tivi. Vì thế, tôi thường nghĩ trẻ con thời nay thật là hạnh phúc, khi vừa mới sinh ra đã được thưởng thức những chương trình truyền hình rồi.
Nghe nói tôi để cho con gái chơi đùa thoải mái, còn cho con xem tivi nhiều, rất nhiều phụ huynh đều vô cùng ngạc nhiên: “Làm sao có thể thế được, chúng tôi cấm mà còn chẳng được đây”.
Lý do các bậc phụ huynh không cho con xem tivi có rất nhiều: Thứ nhất, xem tivi sẽ bỏ bê việc học; thứ hai, một số chương trình truyền hình có ảnh hưởng xấu đến trẻ; thứ ba, xem tivi nhiều thị lực sẽ giảm sút…
Đối mặt với nhiều vấn đề như vậy, các bậc phụ huynh đã xếp tivi vào dạng “hạt giống” mang lại tai họa, do đó hạn chế cho con cái xem tivi. Theo ý kiến của tôi, cốt lõi của vấn đề không phải là lỗi của tivi, chúng ta không những không nên để trẻ tránh xa tivi mà ngược lại phải để trẻ “gần gũi” với nó. Do đó, từ khi Y Y biết xem tivi, tôi luôn giữ vững quan điểm tích cực xem truyền hình. Đương nhiên, tôi phải đảm bảo cho con về thời gian và nội dung xem.
Theo kinh nghiệm của tôi về việc hướng dẫn con xem tivi, khi con học mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, mỗi ngày thời gian xem tivi lần lượt không quá ba tiếng, hai tiếng, một tiếng và nửa tiếng là tốt nhất, tất nhiên là không bao gồm thứ bảy, chủ nhật và nghỉ đông, nghỉ hè. Ngày nghỉ lễ tết thời gian xem có thể dài hơn một chút nhưng không thể không hạn chế. Ngoài ra, khi học mẫu giáo vì không phải học nên có thể xem nhiều một chút, nhưng không được xem liên tục hai tiếng đồng hồ, nếu không thì cần phải chia thời gian xem, ví dụ buổi sáng, buổi chiều, buổi tối. Còn một vấn đề nữa là trẻ đang ở thời điểm phát triển cơ thể, buổi tối không được xem tivi quá khuya, phải đảm bảo thời gian ngủ nghỉ.
Cũng giống như những đứa trẻ khác, Y Y rất thích xem phim hoạt hình, nhìn con cười vui vẻ, nhảy nhót, tận hưởng những niềm vui mà tivi mang lại, tôi vô cùng biết ơn “món đồ chơi lớn” là truyền hình. Nhiều lúc, tôi và con cùng xem, tôi còn mua DVD những bộ phim hoạt hình về xem, cùng con tận hưởng niềm vui mà “Tom and Jerry” mang tới.
Ngoài những chương trình phim hoạt hình, Y Y còn hứng thú với những chương trình khoa học kỹ thuật. Con thích xem nhất là chương trình “Triển lãm khoa học kỹ thuật”, “Khám phá”. Hơn nữa, sau khi xem xong, con còn tìm cách tự mình “khám phá”. Tôi nhớ có một lần chương trình “Khám phá” nói về lịch sử khảo cổ, Y Y rất thích, và đột nhiên chạy xuống dưới lầu, cầm cái xẻng nhỏ đào bới đất ở bồn hoa. Tôi hỏi con làm gì thì con nói con đang “khảo cổ”. Con khiến tôi phải bật cười, con nhìn tôi không vừa lòng: “Có khi ở dưới đất lại có đồ gì quý hiếm đấy cha ạ!”.
Không chỉ có những chương trình này, yêu thích động vật là bản tính của trẻ, vì thế mà Y Y vô cùng yêu thích chương trình “Thế giới động vật” và “Con người và tự nhiên”. Mỗi khi trên tivi xuất hiện hình ảnh của các con vật, con không ngừng vỗ tay, lúc thì kiễng chân lắc mông, lúc thì vẻ mặt nghiêm túc, mắt không rời khỏi màn hình… Thông qua trò chơi lớn là tivi, Y Y càng ngày càng yêu thiên nhiên và động vật, “Động vật là bạn của con người, không có động vật, con người chúng ta sẽ rất cô đơn!”. Con đã viết như vậy trong nhật ký.
Trẻ lớn lên không thể tách khỏi tivi. Nhưng để có thể làm chủ được nó, xem tivi một cách khoa học, lớn lên mạnh khỏe thì cha mẹ phải là người hướng dẫn trẻ. Trước khi để Y Y tự do xem tivi, trước tiên tôi phải dạy con xem tivi như thế nào.
Trước tiên, tôi giúp con lập thời gian biểu xem tivi. Cùng con xem giới thiệu các tiết mục trên tạp chí truyền hình hoặc trên mạng internet, căn cứ vào thời gian phát sóng của các chương trình mà con thích xem, sắp xếp thời gian xem tivi. Sau đó lập thời gian biểu, dán ở trước bàn học của con. Con tự giác chấp hành theo thời gian biểu đó, lâu dần trở thành thói quen xem tivi đúng giờ, như vậy có thể tránh được việc xem tivi một cách vô tổ chức, hơn nữa việc xem tivi trở thành có mục đích.
Tất nhiên thời gian biểu này phải linh hoạt, chỉ cần tổng thời gian không thay đổi, thời gian cụ thể có thể thay đổi theo tình hình thực tế. Ví dụ, khi kênh thiếu nhi chiếu chương trình mà Y Y thích vào buổi trưa, thì trên thời gian biểu, thời gian xem tivi phải chuyển thành buổi trưa; nếu buổi tối có chương trình mà Y Y muốn xem, thì thời gian xem tivi chuyển thành buổi tối. Hơn thế nữa xem tivi không nhất định là phải sau khi làm hết bài tập thì mới được xem. Nếu sau khi tan học đã có chương trình hay, tôi vẫn để con xem. Sau khi con vui vẻ thưởng thức xong, sẽ tự giác tập trung học. Sau khi đã trở thành thói quen, Y Y trở nên tự giác, lúc nào xem tivi, lúc nào xem sách, lúc nào chơi, tự con sẽ sắp xếp hợp lý, ít khi cần đến sự đốc thúc của tôi. Sau khi con được miễn làm bài tập trên lớp, thời gian rỗi không dành hết cho việc xem tivi mà chia thời gian vừa chơi đùa, vừa xem sách tham khảo, làm việc nhà và xem tivi.
Để tự do không có nghĩa là “bỏ mặc”, âm thầm quan sát là cần thiết. Phải thường xuyên nói chuyện với con, tìm hiểu xem gần đây con xem những chương trình gì, có nhận xét, đánh giá như thế nào về chương trình; cần kịp thời đưa ra ý kiến của mình, đặc biệt khi con có những đánh giá sai lệch, cần phải nói chuyện thẳng thắn với con bằng thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng giúp con thay đổi quan điểm, cách nhìn sai lệch; cách một khoảng thời gian lại cùng con xem chương tình con yêu thích để tăng thêm tình cảm, như vậy không những con vui mà bản thân cha mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc…
Cũng giống như việc dạy con qua đường, dạy con cách thắt dây an toàn như thế nào để tránh nguy hiểm, dạy con biết chọn một chương trình truyền hình, thưởng thức nó ra sao để có thể tránh được những “nguy hiểm” mà tivi có thể mang lại, hơn nữa lại có thể phát huy được công năng giáo dục giải trí của tivi. Như vậy con bạn sẽ phát triển khỏe mạnh, vui vẻ cùng với sự đồng hành của tivi.
Tôi là bạn chơi tốt của con gái
Chơi là quyền lợi cơ bản của trẻ. Đối với trẻ nhỏ, chơi đùa là tất cả đối với chúng, đối với học sinh tiểu học, chơi đùa là nội dung quan trọng nhất trong cuộc sống học tập; đối với học sinh trung học chơi đùa vẫn là một điều không thể thiếu trong cuộc sống học tập của chúng. Vì thế có thể nói, chơi đùa đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Việc chơi đùa của trẻ ngoài tự mình chơi hoặc chơi với đồ chơi, chơi với các bạn nhỏ khi còn học mẫu giáo ra, thì không thể coi nhẹ một hình thức chơi đùa nữa, đó là: chơi đùa cùng cha mẹ. Điều này yêu cầu các bậc cha mẹ không những phải đáp ứng nhu cầu về ăn, mặc của trẻ mà còn phải trở thành bạn chơi của con.
Nhưng hãy thử nhìn những bậc phụ huynh xung quanh chúng ta, liệu họ có thể bỏ ra bao nhiêu thời gian để chơi cùng con? Tôi đã từng tiến hành điều tra về vấn đề này, câu trả lời thường là: “Công việc quá bận, ngày nào cũng nghĩ đến việc kiếm tiền nuôi gia đình, thời gian đâu mà chơi cùng với con?”. Hoặc là: “Chơi cùng trẻ nhỏ rất bực bội, mua cho chúng ít đồ chơi, để chúng tự chơi một mình”. Và còn một câu trả lời nữa: “Mình là người lớn thế này, làm sao mà chơi cùng với bọn trẻ đây?”.
Dù là câu trả lời nào cũng đều cho thấy: Phụ huynh chúng ta đã coi nhẹ việc chơi cùng con cái. Trong mắt phụ huynh bất kỳ thứ gì cũng quan trọng hơn việc chơi với con. Thậm chí có nhiều người còn cho rằng, nếu đã đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu về vật chất, lại thực sự yêu con cái, nhưng bản thân không có thời gian để chơi cùng con, điều này chẳng có ảnh hưởng gì không tốt đến sự phát triển của trẻ cả. Nhưng thực tế cho thấy nếu chỉ chú trọng nhu cầu về vật chất mà coi nhẹ nhu cầu về tinh thần thì đó là cách làm vô cùng phiến diện, xa lánh về mặt tình cảm sẽ làm cho trẻ cảm thấy cô độc và thiếu cảm giác an toàn.
Là phụ huynh, không nên chỉ đưa con đến nhà trẻ, trường học, mua cho con một đống đồ chơi hoặc là thuê bảo mẫu chăm sóc con rồi để mặc không quản. Đã là phụ huynh thì bất luận công việc bận đến đâu cũng cần phải dành thời gian bên con cái, chơi cùng con, làm người bạn chơi tốt nhất của chúng.
Cho dù sự nghiệp của bạn có thành công đến đâu, bạn có nhiều tài sản đến như thế nào, bạn làm chức quan to đến cỡ nào, nhưng là một người cha, không ở bên cạnh con, bạn đã không xứng đáng làm cha, bạn đã làm mất đi sự thiêng liêng của tiếng gọi “cha”.
Tôi bận rộn hơn những công nhân viên chức bình thường rất nhiều. Bởi vì hàng ngày ngoài công việc viết bản thảo, tôi còn phải nhận những cuộc gọi từ đường dây tư vấn tâm lý, phỏng vấn người khác hoặc nhận phỏng vấn, đến đài truyền hình, đến đài phát thanh để dẫn chương trình, cách một khoảng thời gian lại phải đi công tác các tỉnh để thuyết trình, báo cáo, hội nghị… Ở ngoài bận rộn như thế, về đến nhà lại phải đọc sách, tìm tài liệu.
Thế nào gọi là có thời gian, thế nào gọi là không có thời gian? Nếu bạn cho rằng tiền là quan trọng, công việc là quan trọng thì tất nhiên bạn sẽ không có thời gian ở bên cạnh con cái. Nhưng nếu bạn cho rằng niềm vui của con cái mới là điều quan trọng thì bạn sẽ có thời gian để ở bên cạnh chúng. Dù có bận đến như thế nào, chỉ cần ở nhà, bất luận thế nào tôi cũng phải dành thời gian để chơi cùng con. Từ cuốn Chơi qua tiểu học đến Thời trung học vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, hay Chơi cũng là một cách để trưởng thành đều có thể thấy tôi đã dạy cho Y Y biết cách chơi những trò chơi liên quan đến cờ và bài, hơn nữa tôi còn trở thành cạ cứng của con trong những trò này; mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi luôn dành ba mươi phút để kể chuyện cho con. Tôi kể cho con nghe chuyện ngẫu hứng “Vịt Donald đẻ trứng”, con gái thì “đuôi cáo nối đuôi chồn” kể tiếp câu chuyện đó; cuối tuần hay những dịp nghỉ lễ tôi thường đưa con đi du lịch, khi lên núi, lúc thì xuống biển…
Khi đi chơi cùng con, tôi tự biến mình thành một “đứa trẻ lớn”, không những dạy cho con những trò chơi tôi thường chơi khi nhỏ, mà còn cố gắng học những trò chơi mà tụi trẻ bây giờ hay chơi và sau đó thì hoàn toàn hòa mình vào trò chơi đó.
Nhiều lúc tôi dành cả nửa ngày để chơi cùng con. Mà nửa ngày đó tôi có thể viết được một bản thảo, hoặc làm một buổi thuyết trình, kiếm được một khoản thù lao; tôi cũng có thể dùng thời gian đó để chơi bowling, đánh mạt chược, xem sách báo, thậm chí là ngủ một giấc. Nhưng tôi lại đưa con ra ngoại ô, đi khu vui chơi giải trí, đưa con đi những nơi mà con muốn đi, chỉ cần con vui là tôi đã cảm thấy hạnh phúc rồi.
Giờ nhìn Y Y ngày một lớn, không cần cha cùng chơi nữa, đột nhiên tôi cảm thấy mất đi một điều gì đó rất khó diễn tả, mỗi lần nhớ lại những lúc chơi cùng con, tôi lại cảm thấy hạnh phúc vô bờ bến…
Bắn hột hạnh nhân và bắn bi là hai trò mà tôi và Y Y thường hay chơi, từ lúc Y Y mới được ba tuổi chúng tôi đã bắt đầu chơi, đến nay đã được hơn mười năm rồi.
Khi lớn hơn một chút, con bé đã chơi được những trò liên quan đến chữ, ví dụ như tôi và vợ thường cùng con chơi trò “đặt câu”. Người chơi có thể tùy ý nói ra ba chữ hoặc từ không liên quan tới nhau, sau đó yêu cầu đối phương đặt câu, trong câu bắt buộc phải có ba từ hoặc ba chữ đó. Khi không đặt được câu thì bị phạt biểu diễn một tiết mục nào đó. Y Y rất thích trò chơi này, có lúc chơi đến rất muộn, chúng tôi muốn nghỉ, nói với con đến giờ đi ngủ nhưng con vẫn không chịu đi ngủ, vẫn níu kéo: “Chơi thêm một lần nữa, một lần nữa thôi…”.
Qua những trò chơi con hiểu được thắng không kiêu, bại không nản, phải luôn giữ trạng thái cân bằng. Như thế những gì thu hoạch được ngoài trò chơi là những tài sản quý báu không đo đếm được.
Nhìn lại những tháng ngày hạnh phúc được làm cha vừa qua, tôi cảm giác niềm hạnh phúc lớn nhất không phải là con gái đã vượt lớp, ra sách mà là vì có sự đồng hành của tôi, con có được niềm hạnh phúc vô vờ bến và nụ cười rạng rỡ.
Tôi mang con đến với thiên nhiên
Chơi cùng con, không thể chỉ chơi trong nhà được, vì dù sao không gian trong nhà cũng có hạn, các trò chơi sẽ đơn điệu, để con gái chơi vui hơn, tôi đưa con ra ngoài chơi, đến gần với thiên nhiên.
Thiên nhiên vốn là nơi mà trẻ muốn hướng tới nhất, cũng là lớp học lớn làm phong phú vốn tri thức của trẻ. Vì thế chỉ cần có thời gian, tôi đều đưa con ra ngoài chơi, hòa mình vào thiên nhiên. Cứ đến cuối tuần tôi lại đưa con đi leo núi, nhìn ngắm núi non sông nước, tìm hiểu về các loài chim, loài thú, cỏ cây hoa lá. Trong khung cảnh sông nước, con nhìn ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, tìm hiểu sự kỳ diệu của thiên nhiên. Hòa mình vào đó, con tự do, vui vẻ như một chú chim vậy.
Tôi cũng hay cho con đi biển, nếm trải tận hưởng những con sóng đại dương, lắng nghe tiếng chim hải âu, xắn quần rồi vui đùa với nước biển, chạy theo những con sóng nhảy nhót trên bờ cát… Mỗi lần như vậy Y Y đều vui tới mức không muốn về. Đến với biển, hãy để tâm hồn của con được bay nhảy, để con tự do vui chơi, nhảy múa hát ca.
Nơi mà con gái thích đi nhất vẫn là những vùng nông thôn. Từ sau khi Y Y ra đời, cho dù quê có xa thế nào mỗi năm tôi vẫn đều cho con về quê.
Sau kỳ thi đại học năm 2013, con gái về quê ở gần hai tháng, trong khoảng thời gian này ngoài việc viết lách và đọc sách, con còn đi làm đồng nữa. Trong tác phẩm “Chơi cũng là một cách để trưởng thành” của con, có vài câu chuyện con viết về cuộc sống trong hai tháng này như “Khế ngọt như mật”, “Vị ngô trên đầu lưỡi” kể về chuyện vui đi hái khế và nướng ngô ở ruộng, hay “Sự tĩnh lặng của bầu trời” viết về cảm nhận sau khi ngắm hoàng hôn và sao sớm.
Thiên nhiên thần bí và đẹp như vậy, thiên nhiên cất giữ trong mình những kiến thức vô cùng vô tận, có thể nói trên thế giới này không có người thầy nào tốt hơn thiên nhiên. Chúng ta không nên để trẻ rời xa thiên nhiên. Cuối tuần hãy cho con bạn đến với thiên nhiên. Khi trẻ hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận sự kỳ diệu của thiên nhiên, năng lực quan sát của trẻ sẽ ngày một nhạy bén, sức tưởng tượng ngày một phong phú, kiến thức về thiên nhiên, sự am hiểu về các loài sinh vật sẽ ngày một phong phú, hơn nữa năng lực cảm nhận cái đẹp của trẻ cũng ngày một cao lên.
Thiên nhiên tươi đẹp sẽ để lại những hồi ức đẹp đẽ trong cuộc đời của trẻ, đây là tài sản lớn không gì đong đếm được. Vì thế cuối tuần, chỉ cần thời tiết ủng hộ, tôi liền mang Y Y ra ngoại ô chơi. Hoặc là đi bộ, hoặc là đạp xe đạp (xe đạp điện) hoặc tôi lái xe đưa con đi, khi mùa hoa nở, tôi cùng con lên núi hái hoa dại, kết những vòng hoa xinh đẹp. Tôi cùng con đến những cánh đồng đón gió xuân cùng thả diều, vừa thả diều vừa hát; vào những ngày hè trời râm mát tôi đưa con ra biển, nhặt vỏ ốc, bắt cua…
Ngoài lên núi, xuống biển tôi còn đưa Y Y đi công viên, vườn thú… Những năm trở lại đây, trong mười mấy thành phố nơi tôi sống, làm việc gần như không một công viên nào, vườn thú nào mà tôi không đưa con đến chơi, không lưu lại bước chân, tiếng cười của con.
Thế giới bên ngoài muôn hình muôn vẻ, thế giới bên ngoài có sức hút vô cùng lớn đối với trẻ, vì thế cho dù có bận thế nào, tôi vẫn cố gắng thu xếp thời gian đưa con đi chơi, đi xem. Mặc dù như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến công việc, nhưng so với những gì con gái thu hoạch được thì không đáng là gì. Được hay mất, cũng là do cách nhìn nhận của mỗi chúng ta.
Tôi luôn luôn tin vào đạo lý “đọc vạn cuốn sách, đi vạn dặm đường”, để cho con gái thấy thế giới bên ngoài rộng lớn như thế nào, kỳ diệu như thế nào. Đến kỳ nghỉ đông, nghỉ hè, khi những đứa trẻ khác phải chạy theo những lớp học thêm, tôi lại đưa con đến Bắc Kinh thăm Cố Cung, đến Đại Liên thăm bến Hổ, đến Tây An xem lăng mộ Tần Thủy Hoàng, đi Nội Mông Cổ để dạo chơi trên thảo nguyên…
Mười mấy năm nay tôi đã lần lượt đưa con đi Cát Lâm, Hắc Long Giang, Liêu Ninh, Sơn Đông, Tô Châu, Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Đông, Thiểm Tây, Nội Mông Cổ, Bắc Kinh, Thiên Tân… hơn tám mươi thôn, trấn của hơn mười tỉnh trên cả nước, con vừa chơi vui lại vừa học được rất nhiều những kiến thức không thể tìm được trong sách vở. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, khi Y Y nói chuyện với người khác con sẽ có nhiều chủ đề để nói, khi viết văn nội dung cũng sẽ phong phú hơn, tư duy của con về một vấn đề cũng được mở rộng hơn rất nhiều. Và quan trọng hơn nữa là con được vui vẻ.