Chút phận linh đinh

Chương 3

Nghe chồng mất, vợ hiền lo đáp nghĩa

Thương con thơ, mẹ yếu phải hồi hương

Trời chưa tối, nhưng vì mưa tuôn lác đác, gió thổi lao xao, khí trời lạnh lẽo, nên Đoàn Thu Vân biểu vú già đóng cửa rồi nhúm một lò lửa để cho ấm trong nhà.

Thu Cúc vặn đèn lên rồi lại ngồi học nơi bàn viết của cha. Thu Vân nằm trên ván gần đó, tai nghe con học mà trí lại nhớ chồng.

Cách một hồi lâu Thu Vân nghe có tiếng giầy bước vô cửa, kế nghe tiếng gõ cửa lộp cộp. Nàng hỏi:

- Ai đó?

- Ở ngoài có tiếng trả lời: "Thơ".

Thu Cúc lật đật chạy lại mở cửa. Có một người thò tay vô mà đưa một phong thơ rồi bỏ đi liền. Thu Cúc một tay khép cửa, còn một tay đưa thơ lên coi và nói rằng:

- Úy! Thơ của ba gởi về má à! Chữ của ba đây, mà con dấu đóng ở Sài Gòn.

Thu Vân lồm cồm ngồi dậy đưa tay ra, có ý biểu con trao thơ cho mình coi.

Nàng xem ngoài bao, thiệt quả chữ của chồng. Nàng chúm chím cười rồi xé bao rất kỹ lưỡng và rút thơ ra xem.

"Trên tàu Hải Phòng, ngày 30-12-1917

Em ôi!

Hồi sớm mai nầy tàu vô Sài Gòn. Kỳ tàu trước qua đã có viết thơ cho cha mà tỏ việc qua đi Tây, và xin cha lên đón đặng cho qua thăm một chút, vì tàu không đậu lâu nên qua về Nha Mân không kịp. Qua chờ đến trưa mà không thấy cha xuống tàu. Buổi chiều nay đi coi sổ mấy nhà khách sạn hết thảy, cũng không thấy chỗ nào có biên tên họ của cha. Ấy vậy thì đủ biết đến ngày nay cha cũng chưa hết giận.

Em ôi! Qua xét phận qua, thiệt qua mang chữ bất hiếu oan lắm. Qua giữ cho trọn cái danh dự của nam nhi của qua, chớ qua có làm nhục nhã tông môn chỗ nào đâu mà cha giận nên cha đành bỏ qua. Cha với qua mà xa nhau, ấy là tại mỗi người hiểu nghĩa danh dự một cách riêng. Theo ý cha thì phận làm trai chừng tính lập gia thất, phải chờ cha mẹ kiếm chỗ rồi cậy mai đến nói mà cưới cho đủ lễ, nếu chẳng làm như vậy thì xấu hổ cho cha mẹ. Còn theo qua thì phận làm trai nếu rủi bị tơ tình vương vấn, mà làm cho hư danh tiết một người đàn bà, thì dầu thế nào cũng phải đền lại cái danh tiết của người ta, nếu không làm như vậy thì mình là bợm bãi chớ không phải học trò. Tuy qua không dám nghị luận tánh ý của cha, song trong trí qua đoán chắc rằng qua không có lỗi.

Ví dầu đôi ta ân ái với nhau một giây lát, không có thai nghén chi, rồi qua bỏ em, qua cũng còn mất danh dự thay, huống chi em đã lỡ có con, nếu qua bỏ em thì qua phải mang tội làm cho nhơ danh một người đàn bà, rồi lại mang tội làm cho đứa nhỏ không có cha nữa thế thì qua làm sao đặng.

Ôi thôi, vì qua buồn nên qua nhắc chuyện cũ cho hả hơi một chút, chớ không phải qua ăn năn việc của qua đã làm đâu. Cái tội thất hiếu của qua thì qua xin cậy Phật Trời soi xét. Dầu cha không thương đi nữa, đôi ta cứ giữ một lòng kính trọng cha luôn. Qua chắc một ngày kia Phật Trời cũng xui khiến lòng cha tự hối mà hết giận đôi ta nữa.

Em ôi! Vì qua xét lời em khuyên phải, nên qua mới ra đi đây. Vậy em ở nhà em phải thề cho qua, coi chừng cho con nó học. Mỗi tháng qua gởi cho em phân nửa số lương để tiêu dùng, còn vốn của em thì em để hậu thân, đừng có ham lời cho vay cho nợ mà khó lòng. Em cứ ở đấy chờ qua, chớ đừng về Sài Gòn. Ở nhà nếu có chuyện chi bối rối thì em cậy thầy ba Thiện tính giùm cho. Qua đi đến đâu sẽ gởi thơ đến đấy cho em hay.

Thu Cúc con ôi! Con phải ráng học nghe hôn, nhứt là con phải làm vui lòng má con luôn luôn, nếu ba hay con trái ý má con thì ba buồn lắm đa.

Ba gởi hun con một ngàn cái.

LÊ HIỂN VINH"

Thu Vân đọc thơ chồng thì ứa nước mắt, nhưng vì có con đứng gần đó nên nàng phải gượng làm khuây, không nỡ khóc. Con Thu Cúc đợi mẹ đọc thơ rồi nó mới lấy mà đọc. Chừng đọc rồi nó đút vô bao tử tế trả lại cho mẹ, rồi đi lại bàn viết ngồi chống tay lên trán, mắt ngó trong sách mà trí lại nghĩ đến chuyện của cha.

Thu Vân kéo gối mà nằm, tay cầm phong thơ, tay gác qua trán suy nghĩ. Trong nhà im lìm, duy có đồng hồ treo trên vách tiếng nghe lắc cắc mà thôi. Thình lình con Thu Cúc hỏi mẹ rằng:

- Sao mà ông nội giận ba hoài vậy má?

- Con hỏi làm chi?

- Thấy ba viết thơ nên con hỏi cho biết.

Thu Vân thở ra đáp rằng:

- Tại ba con... ở với má, nên ông nội con giận.

- Ông nội có giận má không?

- Giận chớ.

- Từ hồi trước tới bây giờ má có gặp ông nội lần nào không?

- Không.

- Không có gặp mà sao ông nội giận?

- Tại ba con ở với má, mà ông nội con không có cưới, ông nội con nói má là đồ hư, nên ông nội con giận.

- Hư giống gì! Tại má không về cho ông nội ngó thấy nên ông nội giận chớ gì. Ông nội già không má?

- Năm nay đã sáu mươi mốt hay là sáu mươi hai tuổi gì đó rồi.

- Phải mà ba má dắt con về ông nội, con ngoáy trầu cho ông nội ăn, con bưng nước cho ông uống, trong ít bữa thì chắc ông nội hết giận. Má biết nhà ông nội hôn?

- Không.

- Để chừng ba về con nói với ba dắt con về ông nội, đặng thăm ông nội cho biết.

Thu Vân nghe con nói như vậy thì tức cười nên day qua ngó con rồi nói rằng:

- Con léo về đó ông nội đánh nứt đít chớ; rất đỗi ba con kia còn phải đòn hết dám về nữa thay.

- Không đánh đâu, ông nội thương con lắm. Lâu lâu con thấy ba viết thơ gởi cho ông Lê Hiển Đạt ở Nha Mân, Sa Đéc, phải ông nội đó hôn má?

- Phải.

- Sao ba viết thơ thăm ông nội hoài, mà không viết thơ cho bà nội?

- Bà nội con còn đâu mà viết.

- Chết rồi hả má?

- Ừ.

- Một lần má nói ông ngoại, bà ngoại chết hết, té ra bà nội chết nữa.

- Thôi, con lo học bài rồi ngủ đặng sáng đi học.

Thu Cúc nghe mẹ biểu liền cúi xuống học bài.

Thu Vân giở bức thơ của chồng ra xem nữa.

Ðồng hồ gõ 8 tiếng. Thu cúc xếp sách vở rồi vô mùng ngủ. Thu Vân xếp bức thơ bỏ vào túi rồi cũng tắt đèn đi ngủ với con. Con mới vô mùng một lát thì đã ngủ khò, còn mẹ nằm lim dim tính việc nầy, nhớ chuyện nọ, nên ngủ không được.

Đến 11 giờ, Thu Vân ngồi dậy, rồi bước ra ngoài. Nàng vặn đèn lên đọc thơ nữa; đọc một hồi rồi nàng lấy giấy viết thơ cho chồng:

"Hải Phòng ngày 6 tháng giêng năm 1918.

Anh ôi!

Em mới tiếp được thơ của anh, em hay tin anh đi đường bình an em mừng lắm. Từ ngày anh xuống tàu đi rồi mẹ con em ở nhà cũng vô sự; con Thu Cúc tuy nhắc anh hoài, song nó cũng siêng học như thường.

Em xin anh để trí thong thả lo lập chút công danh đặng cha vui lòng hoặc may hết giận đôi ta nữa. Anh chẳng nên buồn về tánh ý của cha mà thêm lỗi, mà cũng chẳng nên lo cho thân phận của em mà nhọc lòng.

Em đã nói với anh rằng, anh đã lấy tư cách quân tử mà cứu danh dự cho em thì tự nhiên em phải lo làm cho tròn đạo vợ. Xin anh đừng lo chi hết.

Kính chúc anh lộ trình êm sóng, đáo xứ bình an.

Thu Vân"

Thu Vân viết thơ rồi không biết chàng đi tới đâu mà gởi thơ theo, bởi vậy nàng ngồi bàng hoàng một hồi rồi xếp bức thơ mới viết đó mà đút chung với bức thơ của chồng.

Cách chừng 10 bữa nữa nàng tiếp được một tấm "Carte postale" (bưu thiếp) của Hiển Vinh gởi về. Coi con dấu thì biết gởi tại Singapour.

Nửa tháng sau, nàng lại tiếp được một tấm "Carte postale" khác gởi tại Colombo. Nàng được tấm "Carte postale" sau nầy hồi 10 giờ sớm mai, nàng còn ngồi xem hình và nhìn chữ của chồng, thình lình có một cái xe ngừng ngay cửa, nàng vừa ngước mặt ngó ra thấy thầy Ba Thiện là người bạn thân thiết của chồng ở trên xe nhảy xuống, rồi xăm xăm đi vô nhà.

Thu Vân được tin của chồng đương mừng, kế thấy người bạn của chồng tới nhà, có ý muốn đem tin lành ấy mà khoe, nên thầy Ba vừa bước vô cửa thì nàng liền nói rằng:

- Thầy Ba, tôi mới được "Carte postale" của ông thầy thuốc đây, ổng gởi tại Colombo. Chắc bữa nay ông khỏi Port Said rồi.

Thầy ba Thiện đứng khựng tại cửa châu mày mà hỏi rằng:

- Từ hồi sớm mai tới giờ chị có nghe việc chi không?

- Việc chi? Tôi có nghe việc chi đâu!

- Chiếc tàu "Hải Phòng" đi qua Địa Trung Hải bị tàu lặn Đức bắn chìm rồi.

- Úy! Trời ơi! Thiệt như vậy hay sao? Ai nói với thầy đó?

- Có dây thép đánh cho Chánh phủ hồi hôm. Từ hồi sớm mai cho tới bây giờ ai cũng đều hay biết, ông chủ tôi nói lại cho tôi hay, nên tôi lật đật chạy lại đây.

- Nếu vậy chồng tôi chết rồi còn gì!

Thu Vân ngồi khoanh tay trên ván mà khóc dầm.

Thầy ba Thiện kéo ghế mà ngồi, mặt có vẻ buồn, song không nói chi hết.

Thu Vân khóc một hồi rồi hỏi rằng:

- Tàu chìm nhưng thầy có nghe nói có chiếc tàu vớt giùm hành khách hay không?

Thầy ba Thiện nhăn mặt lắc đầu đáp rằng:

- Dây thép nói rõ lắm, nói chiếc "Hải Phòng" bị bắn trong lúc ban đêm, mà lại trời dông mưa, bởi vậy không có tàu nào cứu kịp. Chiếc "Hải Phòng" chìm, mất tích từ bạn tàu tới hành khách cộng hơn 500 người, đều chết ráo, không sót một người nào.

Thu Vân than khóc nữa. Con Thu Cúc đi học về, vừa bước vô cửa, thấy mẹ ngồi khóc kể rấm ra rấm rít nó không hiểu có việc chi, nên đứng khựng lại mà ngó, Thu Vân kéo con lại ôm trong lòng rồi khóc và nói rằng:

Cha con chết rồi, con ơi! Tàu lặn Đức bắn chiếc "Hải Phòng" chìm, nên cha con chết rồi. Thôi mẹ cũng chết cho rảnh, chớ sống mà làm gì!

Thu Cúc thấy mẹ khóc cũng khóc theo, song thầy ba Thiện liếc ngó nó thì thấy mặt nó không buồn lắm, dường như nó không tin lời mẹ nó vừa nói.

Thầy ba Thiện muốn an ủi Thu Vân nên kiếm lời nói rằng:

- Tuy dây thép nói như vậy, song mình cũng chẳng vội tin lắm. Vậy xin chị hãy bớt buồn rầu, để chờ ít ngày nghe lại cho rõ rồi mới dám chắc. Không biết chừng ở bển họ mới nghe thấp thố, rồi họ đánh dây thép nói bướng như vậy; tàu nào bị bắn cũng có vớt được hành khách, có lý nào chiếc "Hải Phòng" chìm mà người dưới tàu lại chết hết đi.

Thầy nói như vậy rồi từ giã mà về.

Thu Vân biết lời thầy ba Thiện luận đó là hữu lý, nhưng nàng cũng không bớt buồn rầu được. Nàng cứ nằm khóc hoài, buổi chiều biểu con ở nhà, không cho đi học nữa. Sáng bữa sau nàng sai thằng Bảy đi mua các thứ nhựt báo Tây, Nam mới xuất bản đem về cho nàng đọc. Tờ báo nào cũng đều nói chiếc "Hải Phòng" bị tàu lặn bắn chìm trong Địa Trung Hải, hết thảy người trong tàu đều chết chìm không còn sống sót một người nào.

Tuy Thu Vân chắc chồng đã chết chìm rồi song đêm nào nàng cũng vái thầm trời đất phò hộ cho tánh mạng chồng nàng được vững vàng, khiến xui trong đêm bi thảm giữa biển ấy có một chiếc tàu vớt chồng nàng, chớ nếu chồng nàng chết thì chẳng những là mẹ con nàng bơ vơ, mà bên chồng nàng lại phải tuyệt hậu nữa.

Nàng van vái rồi trông đợi tin chồng. Nàng trông cho đến một tháng rưỡi mà không tiếp được thơ của chồng, lại có ông quan năm mời nàng đến mà cho hay rằng thầy thuốc Lê Hiển Vinh tháp tùng chiếc tàu "Hải Phòng" bị tàu lặn bắn chìm, nên biệt tin. Nàng hết trông đợi được nữa. Nàng bèn nấu một mâm cơm cúng chồng, rồi mẹ con xé vải may tang phục mà mặc.

Cách vài bữa có thầy ba Thiện đến thăm. Thầy thấy nàng buồn thì kiếm lời khuyên giải, rồi hỏi nàng bây giờ nàng tính về xứ hay là ở đây kiếm phương thế làm ăn. Thu Vân đáp rằng:

- Khi ông thầy thuốc ra đi ổng căn dặn tôi phải nương náu ở đây mà chờ ổng. Ngày nay chẳng may ông đã khuất rồi, tôi chẳng còn trông mong chi nữa. Nhưng trước khi tôi theo chồng tôi xuống cửu tuyền tôi phải đáp nghĩa cho chồng tôi xong rồi mới chết. Thầy là bạn thiết của chồng tôi chắc thầy cũng đã rõ biết chồng tôi vì tôi mà nghịch ý cha. Cũng vì chuyện ấy nên chồng tôi mới đi Tây mà bỏ mạng đây. Vậy bây giờ tôi phải làm thế nào cho con nhỏ của tôi nó được gần ông nội nó, làm thế nào cho ông nội nó bớt giận cha nó và đem lòng thương nó rồi tôi sẽ chết.

Thầy ba Thiện gật đầu mà nói rằng:

- Mấy lời chị nói, tôi kính phục lắm. Song tôi xin chị đừng có chết theo chồng. Chết chi vậy? Bây giờ anh đã khuất rồi chị phải sống mà nuôi con chớ.

Thu Vân đáp rằng:

- Nếu ông nội nó chịu nuôi rồi, thì có tôi nữa cũng không ích gì.

- Dầu không ích, chớ cũng không hại.

- Hại lắm chớ! Nếu có tôi thì ông nội nó nhớ việc xưa hoài, làm sao cho ông nguôi cái giận của ông được.

- Theo ý tôi, hễ chị chết thì chị có lỗi với ảnh lắm.

- Lỗi chỗ nào? Chồng tôi vì danh dự của tôi mà phải lỗi đạo cha con rồi đến đỗi phải táng mạng nữa. Bây giờ tôi đành tham sống mà không lo trả nghĩa cho chồng tôi hay sao?

Thầy ba Thiện thấy Thu Vân đã quyết chí, thầy không dám cãi nữa, nên thầy lắc đầu chịu thua.

Thu Vân có cho vay tiền ngày tiền tháng nên nàng phải ở nán lại mà đòi, nhưng vì nàng buồn rầu quá nên đòi tiền chưa rồi mà nàng đã nhuốm bịnh, da mặt vàng ẻo, hình dạng ốm nhách. Nàng sợ chết ở xứ người, con không thể gặp mặt ông nội được, nên nàng bươn bả bán đồ đạc, tom góp tiền bạc được một ngàn rưỡi đồng rồi định tháp tùng chiếc tàu "Orénoque" mà về Sài Gòn.

Thầy ba Thiện thấy nàng bịnh nhiều, sợ đi đường sá không kham, nên thầy theo can gián xin nàng ở nán lại uống thuốc cho mạnh rồi sẽ đi. Nàng vì sợ chết nên không chịu nghe, túng thế thầy phải chiều lòng mua giấy tàu giùm rồi đưa mẹ con nàng xuống tàu.