Nặng chữ tình thuyền quyên thất tiết
Nghiêm gia phong nghịch tử ly hương
Ông thầy thuốc Lê Hiển Vinh từ biệt vợ con xuống tàu sang Pháp quốc đây là con của ông cựu Hội đồng Lê Hiển Đạt ở Nha Mân thuộc tỉnh Sa Đéc.
Ông Lê Hiển Đạt là người tánh tình chơn chánh, cư xử nghiêm nghị, bình sanh ông làm việc gì thì ông suy xét chính chắn rồi ông mới làm, mà hễ ông làm thì phải thành tựu được ông mới nghe, chớ ông không chịu vụt chạt, vui đâu chúc đó như thiên hạ. Khi còn trai, ông hay kén vợ, mà thiệt ông kén cũng giỏi, nên vợ chồng về ở với nhau tâm đầu ý hiệp, chẳng có đôi lứa nào bằng.
Ông cưới vợ năm năm sau mới sanh Lê Hiển Vinh rồi thôi, chớ không đẻ thêm lần nào nữa. Khi Hiển Vinh được 8 tuổi, bà đau sơ sài ít ngày rồi chết thình lình. Ông lẻ bạn buồn não vô cùng, mà sợ chắp nối không bằng người xưa, nên ông ở một mình nuôi con, không thèm cưới vợ khác.
Ông có một đứa con, nên ông cưng lắm, nhưng cách cưng con của ông chẳng phải ông muốn vật gì ông cho vật ấy, con muốn nói sao ông nghe theo vậy như thiên hạ. Ông cưng con mà lại nghiêm nghị với con, đêm ngày ông chỉ biểu đường ngay nẻo phải cho con, ông khuyên con phải ráng học cho giỏi đặng làm vinh hiển tông môn. Bữa nào con nói tiếng chi sai hay là con học bài quên, thì ông căng nằm dài mà đánh đòn, dầu ai năn nỉ xin cho mấy đi nữa ông cũng không dung thứ. Nhờ ông nghiêm trị như vậy, nên Lê Hiển Vinh mới 14 tuổi mà thi đậu vào trường lớn Mỹ Tho. Học ở Mỹ Tho mãn hai năm rồi chàng mới lên trường Chasseloup Laubat. Ở Sài Gòn ông có quen ông Phán Nguyễn Văn Kim, gốc ở Nha Mân, nên ông gởi gắm Hiển Vinh cho ông Phán đặng mấy bữa chúa nhựt Hiển Vinh ra chơi có chỗ ăn chỗ nghỉ.
Ông Phán Kinh lại còn quen một thầy cựu thông ngôn toà án Trà Vinh tên là Đoàn Thanh Bạch cũng có gởi ông một đứa cháu gái tên là Đoàn Thu Vân, tuổi cũng xấp xỉ với Lê Hiển Vinh đang học tại Nhà trắng[1]; chúa nhựt ông Phán Kim cũng rước ra chơi cho thong thả.
Vợ chồng ông phán Kim không có con, nên ông thấy Hiển Vinh tánh tình mềm mỏng ông thương. Còn bà thấy Thu Vân dung hạnh đoan trang bà mến.
Bởi vậy hễ chúa nhựt có hai trẻ ra trường thì ông thường hay dắt Hiển Vinh đi chơi. Còn bà ở nhà dạy Thu Vân hoặc vá may, hoặc làm bánh. Hiển Vinh với Thu Vân gặp nhau tại nhà ông Phán trong mấy tháng đầu thì hơi bợ ngợ bởi vậy tuy đến bữa cơm ngồi ăn chung với nhau một mâm, song ai giữ phận nấy, chẳng hề nói chuyện với nhau mà cũng chẳng hề dám ngó nhau cho chán chường.
Vợ chồng ông Phán Kim thấy hai trẻ nhỏ đứa nào tánh nết cũng khít khao nên hai ông bà chẳng nghi ngại chi hết. Mỗi bữa chúa nhựt hai trẻ gặp nhau hoài, cho đến bãi trường đứa nào về xứ nấy mà cũng chưa quen với nhau. Chẳng hiểu trong lúc bãi trường ở nhà hai đứa nó đổi trí thế nào, mà đến chừng khai trường chúng nó trở lên Sài Gòn gặp nhau lần đầu, thì Thu Vân lại chào Hiển Vinh và hỏi thăm bác dưới nhà mạnh giỏi hay không, còn Hiển Vinh mừng rỡ, thuật chuyện đi đường thấy tàu đụng ghe chìm cho Thu Vân nghe, hai đằng không bợ ngợ kiêng dè như trước.
Từ đó về sau, Hiển Vinh và Thu Vân quen với nhau rồi mỗi bữa chúa nhựt gặp nhau khi thì Thu Vân cậy Hiển Vinh cắt nghĩa bài giùm cho cô làm, khi thì Hiển Vinh cậy Thu Vân kết nút áo của chàng, song hai đàng cũng giữ gìn nghiêm nghị, đáng việc nói mới nói, phải chỗ cười mới cười, chớ chẳng bao giờ có tiếng lả lơi, hoặc có mòi bất chánh.
Nhưng nếu ai để ý rình coi, thì ắt sẽ thấy bữa nào Hiển Vinh ra nhà ông Phán trước, mà Thu Vân chưa ra, thì chàng không chịu thay đổi quần áo. Chàng cứ ra ở trước cửa dòm chừng hễ thấy dạng Thu Vân ngồi xe kéo gần tới, thì mặt mày chàng tươi rói. Có khi ở nhà ông Phán, chàng nằm dưới ghế đọc sách, nàng ngồi trên ván thêu khăn, một lát chàng che sách rồi liếc ngó trộm nàng, một lát nàng ngước mắt ngó ra đường, mà mỗi lần ngó ra đường thì nàng đều ngó chàng. Nhiều lúc hai mắt gặp nhau, thì cả hai đều day chỗ khác, coi có mòi thẹn thùa e lệ. Người thông hiểu tâm lý ái tình thấy cử chỉ của hai trẻ như vậy thì biết ngay rõ ràng lòng dạ của chúng.
Nhưng vì vợ chồng ông Phán già cả lại vô ý, nên không dè việc chi hết. Tuy vậy hai trẻ dầu thương nhau thì thương trộm, dầu nhớ nhau thì nhớ thầm, chớ cũng chưa tỏ tình với nhau bao giờ.
Hiển Vinh học trường Chasseloup Laubat đã hai năm rồi thi đậu lãnh bằng tốt nghiệp. Chàng chở rương ra nhà ông Phán Kim sửa soạn mà về, lại gặp Thu Vân cũng đem rương ra đó. Vợ chồng ông Phán nghe Hiển Vinh thi đậu mừng rỡ lăng xăng. Thu Vân nghe tin nàng cũng vui mừng. Song nàng ngồi mà ngó Hiển Vinh chớ nàng không nói chi hết.
Ông Phán hỏi Hiển Vinh thi đậu rồi tính đi làm thông ngôn, ký lục hay làm thầy giáo? Chàng tỏ rằng cha của chàng đã nhứt định hễ chàng thi đậu rồi thì phải ra Hà Nội học trường thuốc thêm 4 năm nữa, chớ không chịu cho làm việc liền. Thu Vân nghe nói như vậy chúm chím cười, coi bộ nàng đắc ý lắm. Sáng bữa sau, Hiển Vinh chở rương ra xe lửa mà về. Thu Vân cũng về cùng một ngày, song nàng để chàng đi rồi nàng mới đi sau.
Ra tới nhà ga hai đàng gặp nhau, tuy không hẹn trước mà Hiển Vinh cũng không lấy làm lạ. Thu Vân mượn Hiển Vinh mua giấy xe lửa giùm, rồi hai trẻ mới dắt lên xe, mỗi người ngồi một cái băng đâu mặt với nhau. Từ khi lên xe cho tới lúc xe lửa chạy, hai trẻ ít nói chuyện với nhau. Mà có nói thì nói chuyện qua loa, chớ không nói chuyện cao xa.
Xe chạy xuống tới Bến Lức rồi liệt máy không chạy được nữa. Thầy xếp ga phải đánh dây thép về Sài Gòn đặng kêu đầu máy khác xuống kéo.
Trong lúc xe nằm chờ, hành khách ngồi gần hai trẻ đều xuống đất đi chơi. Hiển Vinh với Thu Vân ngồi trên xe mới hỏi thăm việc nhà nhau. Chừng ấy Thu Vân mới hay Hiển Vinh là con của ông Lê Hiển Đạt, lúc đó đương làm nghị viên Hội đồng quản hạt, nhà ở Nha Mân, có một cái lò gạch lớn, bán gạch ngói mỗi năm lời ba bốn ngàn đồng lại có ruộng đất nhiều, mỗi năm huê lợi tới năm sáu ngàn giạ lúa. Mà cũng chừng ấy Hiển Vinh mới hay Thu Vân là con ông Đoàn Thu Long ở Tiểu Cần, thuộc tỉnh Trà Vinh, cha mẹ nàng đã khuất sớm, có để lại cho nàng hai ngàn đồng bạc.
Chú của nàng là Đoàn Thanh Bạch, cựu thông ngôn toà án, ở tại Ba Se, lãnh bạc giữ giùm và đem nàng về nuôi. Vả chú của nàng giàu lớn, có 5 người con trai mà không con gái, nên vợ chồng ông cưng nàng, nuôi nàng làm con cho nàng đi học, thường nói ngày sau cũng chia cho nàng một phần ăn như mấy đứa con trai vậy.
Xe lửa ráp đầu khác chạy xuống tới Mỹ Tho, thì 10 giờ 30 rồi, tàu Sa Đéc còn đậu chờ hành khách, còn tàu Trà Vinh thì đã chạy trước từ bao giờ rồi... Thu Vân lấy làm bối rối không biết liệu lẽ nào. Hiển Vinh nghĩ nàng là phận gái, để nàng bơ vơ một mình tại Mỹ Tho tội nghiệp, nên chàng còn bần dùng thì tàu Sa Đéc mở dây chạy tuốt. Hai trẻ cùng thế phải vô khách sạn mướn mỗi đứa một căn phòng mà nghỉ chờ sáng bữa sau rồi sẽ hay.
Hiển Vinh là trai có tài, Thu Vân là gái có sắc. Hai đàng gần hai năm tuy không nói ra, song đã vấn vít mối tình trong lòng rồi. Hôm nay gần gũi nhau nơi xứ lạ, không ai biết mình là ai, ăn chung với nhau, không dễ giữ nết dằn lòng cho đặng, bởi vậy nhơn cái cảnh ngộ ấy mà bày tỏ ý với nhau, rồi trong khoảng đêm vắng canh khuya, mới chỉ non thề biển, đón gió rước mưa, đến sáng bữa sau, lúc dắt nhau xuống tàu kẻ đi Sa Đéc, kẻ về Trà Vinh, thì cả hai đều bịn rịn bâng khuâng, dường như không muốn chia lìa nhau vậy.
Đến lúc khai trường, Hiển Vinh lên Sài Gòn trước đặng lấy giấy tàu ra Hà Nội học trường thuốc. Bởi vậy chàng không gặp mặt Thu Vân được, chừng Thu Vân lên tới nhà ông Phán, nghe bà Phán nói Hiển Vinh đã đi Hà Nội cách nữa tháng trước rồi, thì nàng buồn dàu dàu. Hiển Vinh ra Bắc Việt mà học, hễ trí rảnh rang thì thường nhớ gương mặt, bàn tay, giọng cười, tiếng nói, bộ đứng tướng đi của Thu Vân hoài. Chàng thường ước nguyện thi đậu thầy thuốc rồi thì chàng sẽ thưa với cha đặng đi cưới Thu Vân cho chàng. Dầu có chỗ nào giàu có, xinh đẹp hơn nữa chàng cũng không màng.
Chàng học được hơn ba tháng, bữa nọ chàng tiếp được thơ của Thu Vân. Chàng đọc thơ mà nước mắt nhỏ giọt, mồ hôi ướt đẫm. Vì trong thơ Thu Vân khóc và tỏ cho chàng biết rằng nàng đã có thai hơn 5 tháng, và nàng quyết tự vận mà chết, đặng khỏi nhục tông môn, khỏi bị chú rầy, và khỏi hổ ngươi với thiên hạ. Hiển Vinh tuy khóc, mà chàng không thèm suy nghĩ chi hết. Chàng đọc thơ rồi liền lấy giấy viết trả lời cho nàng. Chàng xin nàng tha lỗi chàng đã ép liễu nài hoa hôm nọ, nên ngày nay nàng phải xủ tiết ô danh. Chàng thề với nàng rằng thế nào chàng cũng rửa danh dự cho nàng, thế nào chàng cũng làm cha đứa nhỏ trong bụng, chàng hứa với nàng rằng chàng sẽ viết thơ cho cha xin cha xuống Sa Đéc tỏ thiệt với ông Đoàn Thanh Bạch, rồi xin cưới nàng cho chàng. Chàng lại dặn nàng phải bỏ trường ra nhà ông phán Kim, tỏ thiệt cho ông bà Phán biết, rồi xin ở lại đó mà chờ tin tức.
Chàng viết thơ cho nàng rồi, chàng viết luôn cho cha và cho ông phán Kim mỗi người một bức thơ, y như lời chàng hứa với nàng. Cách hơn một tháng chàng tiếp được thơ của nàng nói rằng nàng đã ra ở tại nhà ông phán Kim rồi, vợ chồng ông Phán cũng thương thân nàng, nên chẳng có lời nặng nhẹ chi hết. Cách hơn một tháng nữa chàng tiếp được một bức thơ khác của nàng tỏ rằng chẳng biết cha của chàng có nói gì hay không, mà chú thím của nàng lên kiếm nàng rồi đánh chưởi và cấm tuyệt đối không cho về nhà nữa.
Chú thím nàng lại liệng hai ngàn đồng bạc của cha nàng hồi trước mà trả lại cho nàng. Mỗi lần được thơ nàng thì Hiển Vinh trả lời liền và lần nào viết thơ cho nàng chàng cũng thề thốt sẽ làm cho vẹn vẽ phận nam nhi, dầu thế nào chàng cũng cứu chữa danh dự của nàng, chàng khuyên nàng phải ráng chịu hổ ngươi ít tháng, đợi bãi trường chàng về rồi sẽ hay.
Chàng trông thơ của cha hết sức, mà từ ngày chàng tỏ việc Thu Vân thì chàng không được bức thơ nào nữa hết, duy chỉ có mỗi tháng chàng được một cái măng-đa[2] 10 đồng bạc mà thôi. Còn vài ba tháng nữa bãi trường thì chàng được tin nàng đã sanh một đứa con gái tại nhà bảo sanh Chợ Lớn. Nàng đặt tên đứa nhỏ là Thu Ba. Cách ít ngày chàng được thơ của nàng nói nàng bịnh nên không có sữa cho con bú nàng phải mướn vú nuôi con.
Người ta thường nói ngày qua tháng lại như thoi đưa mà Hiển Vinh trông gần hụt hơi mới tới bãi trường. Tàu vừa ghé bến Sài Gòn thì chàng lên xe chạy riết qua nhà ông phán Kim. Vợ chồng ông phán Kim thì mừng rỡ, còn Hiển Vinh với Thu Vân thì người đứng dựa trên bàn, người ngồi trên góc ván mà khóc. Bi lụy một hồi rồi mới chịu lo tính. Hiển Vinh bước lại bồng con mà hun, bà Phán thấy vậy mủi lòng nên bà ứa nước mắt. Hiển Vinh bồng con ngồi trên ghế và nói với Thu Vân trước mặt vợ chồng ông Phán rằng:
- Tôi vẫn biết cha tôi nghiêm nghị lắm, hễ tôi làm việc chi trái đạo nghĩa thì không khi nào cha tôi dung thứ. Tôi về đây chắc là bị đòn. Tuy vậy mà việc tôi làm thì tôi chịu, thà tôi chết chớ tôi thề quyết chẳng khi nào để cho người đàn bà vì tôi mà xủ tiết ô danh. Qua nói đây có ông Phán bà Phán làm chứng cho qua dầu thế nào qua cũng phải chuộc cái lỗi của qua. Qua là người có học không lẽ qua khiếp nhược đến nỗi để cho phận em có con mà không chồng, còn con Thu Ba có mẹ mà không cha đâu.
Thu Vân ngồi cúi đầu mà khóc không nói chi hết. Hiển Vinh về nhà, vừa bước vô tới cửa thì ông Lê Hiển Đạt rút roi rượt đánh chửi om sòm rằng:
- Mầy là quân mèo đàng chó điếm thì ra ngoài chợ ở, không được phép vô nhà tao nữa, cái dòng của tao không có nhơ nhuốc như mầy. Mầy đừng có về đây mà lây tiếng xấu cho tao.
Hiển Vinh khóc lạy cha chừng nào, cha chàng càng đánh thêm chừng nấy, nên chàng muốn nói mà không nói được tiếng chi hết.
Ông đuổi xô chàng ra ngoài đường, rồi đóng cửa lại, không cho chàng vô. Chàng cùng thế phải đi lại nhà quen ở gần mà ở đậu. Người lối xóm ai thấy tánh ông Hội đồng Đạt gắt gao cũng phiền, rồi thấy thân Hiển Vinh bối rối cũng thương, bởi vậy có người lại nhà ông Hội đồng mà năn nỉ ông, nói rằng bắt bẻ đánh con sao đành, việc đã lỡ ra rồi còn rầy rà chi nữa; khi không mà có dâu, có cháu nội, vậy cũng là có phước, chớ chấp kinh quá thì phải rẽ đôi lứa của trẻ nhỏ, dường ấy cũng tội nghiệp cho chúng nó lắm. Người ta nói như vậy thì đúng lý, nhưng vì tánh của ông Hội đồng không như tánh người khác, bởi vậy ông cự hẳn không chịu nghe ông nói quyết rằng Hiển Vinh ngày nào còn học thì ông còn cho tiền hoài, song ông nhứt định dứt tình cha con, hễ ông còn sống thì ông cấm tuyệt không cho Hiển Vinh thấy mặt ông nữa.
Hiển Vinh cậy đủ mặt băng bối của ông nói giùm, mà ông cũng không xiêu lòng. Chàng lấy làm bối rối ưu phiền, một bên là thảo thân, một bên là danh dự chàng không biết liệu lẽ nào. Chàng suy nghĩ mấy ngày rồi rơi nước mắt mà trở lên Sài Gòn, thuật việc nhà cho ông Phán với Thu Vân nghe.
Thu Vân đau lòng hết sức, song nàng giả vui cứ theo khuyên chàng chẳng nên vì nàng mà lỗi đạo làm con. Nàng nói rằng phận nàng côi cút, dầu xấu hay tốt hay là chết sống cũng chẳng quan hệ chi, chớ phận chàng có một cha già, nếu làm trái ý cha thì tội ắt lớn lắm. Hiển Vinh đáp rằng đã biết làm con mà nghịch cha thì là trọng tội, nhưng bây giờ cha đã giận rồi cha đã cấm tuyệt không cho thấy mặt nữa, vậy thì chàng phải nhắm mắt đưa chơn mà bước trong đường đời, để coi tạo hoá khiến thân phận chàng ra thế nào, chớ chàng không có thể nào lìa nàng và con Thu Ba được.
Tối lại, ông Phán bà Phán ngủ hết, chị vú tên là hai Thình dỗ con Thu Ba ngủ trong buồng. Hiển Vinh với Thu Vân nằm trên bộ ván phía trước nói chuyện với nhau. Chàng tính đem nàng ra Bắc Việt mà ở với chàng, còn nàng thì cứ khuyên chàng phải bỏ mẹ con nàng đặng khỏi nghịch ý cha nữa.
Nói chuyện đến khuya, chàng mòn mỏi ngủ quên. Nàng lén ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài. Chàng nghe cửa mở một cái kẹt, lật đật ngóc đầu mà dòm. Chàng thấy nàng đứng dưới gốc me, rút sợi dây lưng ra ngậm miệng rồi nhắm nhía muốn leo lên cây me. Chàng biết nàng tính tự vận nên lật đật xô cửa chạy ra. Nàng thấy việc đã lậu rồi nên đứng khựng mà khóc. Chàng hỏi nàng muốn làm việc gì vậy. Nàng khóc tỏ thiệt rằng muốn chết phứt cho rồi, đặng chàng khỏi mang tội thất hiếu. Hiển Vinh đứng vịn vai nàng mà khóc, chàng biết lòng dạ nàng chừng nào, càng kính trọng nàng chừng ấy.
Chàng phải khuyên nàng hết sức, nàng mới bỏ không tính chuyện tự vận nữa.
Lụi hụi không bao lâu kế tới ngày khai trường, Hiển Vinh sửa soạn đem vợ con đi ra Bắc, chị hai Thình cũng sẵn lòng đi theo Thu Vân. Nhờ có hai ngàn đồng bạc của chú nàng trả lại đó nên nàng khỏi đói lạnh.
Giấy tàu mua xong rồi thì con Thu Ba lại đau ban nên xuống tàu không tiện. Thu Vân tính ở lại chờ con mạnh rồi mẹ con sẽ ra sau. Hiển Vinh sợ nàng ở lại buồn rầu rồi nàng tự vận nữa, nên chàng không chịu cứ nài nỉ biểu nàng phải đi một lượt. Vợ chồng ông Phán chịu lãnh chị vú với con Thu Ba, chừng nào con Thu Ba mạnh rồi ông sẽ mua giấy tàu giùm cho chị vú đem ra sau.
Hiển Vinh gởi bạc lại cho ông Phán rồi vợ chồng từ giã con xuống tàu ra Bắc. Chàng tới Hà Nội rồi đánh dây thép cho ông Phán hỏi thăm con Thu Ba đã mạnh hay chưa, ông Phán trả lời nó đã mạnh rồi, có lẽ kỳ tàu sau ra được.
Đến kỳ tàu sau, Hiển Vinh xuống Hải Phòng đón rước, thì không có chị vú. Chàng đánh dây thép hỏi ông Phán thì ông không trả lời. Chàng nóng nảy, lớp đánh dây thép, lớp gởi thơ, đón hai, ba kỳ tàu mà không thấy chi hết.
Hiển Vinh viết thơ cho người bạn học cũ cậy lại nhà ông phán Kim hỏi thăm giùm. Cách ít ngày người ấy trả lời nói rằng vợ chồng ông Phán trong ba ngày mà chết hết, còn chị vú không biết đâu. Vợ chồng Hiển Vinh khóc mà chịu.
Đến bãi trường, Hiển Vinh để Thu Vân ở lại Hà Nội, còn chàng về Sài Gòn trước thăm cha, sau tìm con luôn thể. Chàng tìm con không được, mà cũng không thể về nhà cha được. Chàng trở ra vợ chồng rất buồn, may trong ít tháng sau Thu Vân sanh được một đứa con gái nữa, đặt tên là Thu Cúc, nên vợ chồng mới khuây lảng được chút đỉnh.
Hiển Vinh mỗi tháng đều được một cái măng-đa 10 đồng bạc. Mỗi tháng chàng đều có viết thơ về thăm cha, song chẳng hề được thơ của cha bao giờ. Khi học đủ 4 năm thi đậu thầy thuốc rồi. Hiển Vinh về thăm cha, tưởng cha đã nguôi ngoai hết giận chẳng dè về đến nhà cha lại đánh đuổi nữa. Hiển Vinh buồn ý trở ra Hà Nội, xin bổ làm thầy thuốc ngoài Bắc rồi vợ chồng hẩm hút ở xứ người, không dám léo về Nam nữa.
Đến năm 1917, con Thu Cúc được 12 tuổi, bề trên mới sai Hiển Vinh đi qua Pháp giúp trong mấy dưỡng đường trị bịnh cho lính và thợ. Hiển Vinh dụ dự không muốn đi. Thu Vân khuyên chồng thừa dịp ấy qua Pháp quốc học thêm lấy cho được bằng bác sĩ, may ra cha vui lòng hết giận hờn nữa.
Hiển Vinh nghĩ vợ có vốn liếng vài ngàn, dẫu mình có đi vợ ở nhà cũng chẳng hại gì, nên chàng mới chịu đi quyết lập công danh đặng chuộc tội thất hiếu. Bởi duyên cớ như vậy nên mẹ con Thu Vân mới đưa Hiển Vinh xuống chiếc tàu "Hải Phòng" mà đi Tây đó.
[1] trường nữ do nhà thờ quản lý, cũng gọi là „trường bà phước“
[2] (mandat): bưu phiếu