Chuỗi Tràng Hạt

- 8 -

18

 

Một cái đầu tóc nâu trên gối, đó là tất cả những gì Jên nhận thấy trước tiên trong căn phòng đầy ánh nắng.

 

Không tự hỏi vì sao chị lại hình dung là một căn phòng tối tăm, quên mất rằng đối với Đan, bây giờ ngày cũng như đêm và không có lý do gì lại tước mất của anh những tia nắng tốt lành làm khỏi bệnh và làm khỏe người. Đan đã yêu cầu giường của anh dược đặt vào một góc xa cửa ra vào nhất, xa lò sưởi, xa cửa sổ phía trái là tường để anh có thể sờ thấy nó bằng tay khi anh quay mình đi để có cảm giác tránh được những cặp mắt vô hình. Anh nằm như vậy và không hoạt động lúc hai người bước vào.

 

Cái đầu tóc nâu thân yêu để trên gối. Đó là tất cả những gì Jên trông thấy trước tiên. Rồi chị phân biệt được cánh tay phải hất ra đàng sau trong một ống tay áo lụa xanh của bộ đồ ngủ, bàn tay trắng trẻo và gầy gò. Jên để hai tay chị ra sau lưng. Có một sức đẩy quá mạnh muốn chị quỳ xuống chân giường, nắm lấy hai bàn tay kia để mà phủ lên nó những cái hôn. Và chắc chắn cái đầu tóc nâu kia sẽ quay lại không ẩn náu vào tường nữa, mà sẽ rúc vào đôi cánh tay dịu dàng của chị. Nhưng tiếng nói của Đêrych bình tĩnh và nghiêm trang vang lên trong tai chị: “Nếu chị quan tâm đến tương lai và hạnh phúc của anh ấy và của chị…”

 

Bác sĩ Rôby đi lại gần giường và thân mật sờ lên vai Đan. Rồi ông nói với một giọng dịu hiền đặc biệt làm cho Jên khó nhận ra con người mới cách đây nửa giờ đã hỏi chị một cách sỗ sàng và quyền thế:

- Xin chào ông Đan, Simxân nói với tôi là đêm qua ông ngủ ngon, như thế là tốt lắm. Có lẽ vì ông đã thấy nhẹ cả người khi thoát được tay Jônxân mặc dù hắn ta rất hăng hái và ông được trở về với người hầu quen thuộc. Ấy. Những người y tá chuyên nghiệp bao giờ cũng muốn trình diễn tính hăng hái của mình, nhưng họ có biết đâu họ trở thành phiền phức. Để bù lại, hôm nay tôi đưa tới ông một người sẽ giúp ông tất cả mọi việc cần thiết mà không làm phiền ông. Đây là cô y tá của ông, cô Rôza do bác sĩ Đêrych gửi tới giúp ông làm thư ký, làm người đọc sách, làm bạn hàng ngày, nói chính xác là “một cặp mắt mới” cho ông Đan. Đàng sau cặp mắt đó là một bộ óc thông minh và một trái tim phụ nữ đầy nhân hậu và tình cảm. Cô Rôza đã tới đây sáng nay.

 

Không một câu trả lời, nhưng bàn tay Đan lần tìm bức tường, sờ lên nó rồi lại buông thõng xuống. Jên không hiểu được sự minh bạch cô Rôza chính là bản thân mình. Jên chỉ có một nguyện vọng: người ốm không bị khổ tâm vì người phụ nữ ấy. Nhưng bác sĩ Rôby lại nói tiếp:

“Thưa ông Đan, cô Rôza đã có ở đây, trong buồng này.”

Thế là bản tính lịch sự vốn có ở Đan xuyên qua được đêm tối xung quanh anh, anh không quay đầu lại, nhưng bàn tay phải của anh phác một cử chỉ chào, rồi bằng một giọng mệt mỏi và rõ ràng, anh nói:

- A! Xin chào chị. Từ xa thế mà chịu khó lên đây, thật là quý hóa quá. Tôi mong rằng cuộc hành trình không làm chị mệt mỏi quá chứ?

 

Cặp môi Jên mấp máy, nhưng không một tiếng động nào thoát được ra ngoài. Bác sĩ Rôby vội vàng trả lời, không nhìn chị:

- Cô Rôza đã làm một cuộc hành trình rất tốt và sáng nay thấy cô có vẻ tươi tỉnh như đã làm được ngủ ngon suốt đêm qua trên giường của cô. Tôi cho cô là một thanh niên thích nước lạnh.

- Tôi mong rằng người nhà tôi sẽ phục vụ chị chu đáo không để chị phải thiếu thốn! Người ốm nói. Xin chị cứ sai bảo.

Rồi Đan nhích lại phía tường gần hơn nữa như để kết thúc câu chuyện. Bác sĩ Rôby yên lặng kéo ria mép rồi ông quay hẳn lại nói với Jên:

- Cô Rôza, tôi muốn để cô xem một chiếc ghế bành mà chúng tôi đã cho làm để phục vụ ông Đan, trong đó ông sẽ tìm thấy đủ mọi tiện nghi có thể có khi nào ông dậy được. Cô nhìn này, đây là cái đỡ đầu có thể điều chỉnh được lúc cần. Những chiếc khay này, bàn con này có thể thay đổi chỗ và độ nghiêng. Đã có bao giờ cô trông thấy loại ghế bành này chưa, cô Rôza?

Jên đáp:

- Ở bệnh viện chúng tôi cũng có một chiếc nhưng chưa được hoàn hảo như chiếc này.

Một tiếng kêu đột nhiên phá tan sự im lặng của căn phòng đầy ánh nắng và xuất phát từ giường bệnh nhân làm hai người giật nẩy mình. Đó là tiếng kêu của kẻ khốn khổ bị chìm đắm trong đêm tối van xin ánh sáng và kêu la nỗi thống khổ của mình, Đan trịnh trọng hỏi:

- Ai đấy? Ai ở trong buồng này?

Nhổm người lên khuỷu tay, anh ngẩng cao đầu trong một cử chỉ hãi hùng. Bác sĩ Rôby vội đáp:

- Thưa ông Đan, chẳng có ai khác ngoài cô Rôza và tôi!

- Còn một người khác nữa trong buồng! - Đan nói tiếp vẻ dữ dội. - Tại sao ông lừa dối tôi? Ai vừa nói?

Jên vội vàng lại gần giường, hai bàn tay chị run lên, nhưng chị tự chủ được:

- Thưa ông, chính tôi nói đấy! Tôi là Rôza. Tôi chắc là giọng nói của tôi đã làm ông kinh hãi. Bác sĩ Đêrych đã báo trước cho tôi biết là điều đó có thể xảy ra và dặn tôi không được ngạc nhiên nếu ông phát hiện được sự giống nhau giữa giọng nói của tôi và của một người bạn gái quen biết chung. Ông Đêrych nói ông ấy cũng thường bị lầm như vậy.

Đan chìm đắm trong tối tăm, im lặng, nghe ngóng và suy nghĩ. Sau cùng anh chậm rãi hỏi:

- Ông Đêrych có cho chị biết giọng nói ấy của ai không?

- Có ạ, vì tôi có hỏi, ông ấy trả lời là của chị Jên đáng mến.

Đầu của Đan lại rơi xuống gối. Rồi không quay lại, anh nói:

- Chị Rôza, chị nên thứ lỗi cho tôi đã hốt hoảng như vậy. Tôi chưa được quen lắm với cảnh mù lòa và mỗi tiếng nói xuyên thủng tấm màn đen của đêm tối vô tận, có một khả năng mà người nói không thể nào lường được. Sự giống nhau của giọng nói của chị với người phụ nữ mà ông Đêrych đã nêu tên, thật kỳ lạ, đến nỗi tôi biết người phụ nữ đó đang ở Ai Cập mà tôi cứ tưởng như đang ở trong căn buồng này. Tuy nhiên sự có mặt của người phụ nữ đó ở đây là một điều không thể được! Một lần nữa xin lỗi chị và xin lỗi bác sĩ.

Đan chìa tay về phía Jên. Chị nắm chặt hai bàn tay mình vào với nhau ở phía sau lưng và lúng túng. May thay bác sĩ Rôby đã lên tiếng, giọng ông khô khan:

- Cô Rôza này, cô lại gần cửa sổ đây, tôi còn một số việc cần dặn cô.

Hai người nói chuyện với nhau một lúc lâu, giọng dè dặt. Sau cùng bác sĩ nói:

- Bây giờ tôi phải về.

- Thưa bác sĩ, - Đan nói, - tôi muốn nói chuyện riêng với bác sĩ vài phút.

- Tôi xin đợi bác sĩ ở dưới nhà.

Nói xong Jên đi ra phía cửa. Nhưng một cử chỉ oai nghiêm của bác sĩ làm chị phải dừng lại và rón rén đi đến cạnh lò sưởi. Không thấy cần thiết phải giở trò mánh lới nên chị làm việc đó một cách miễn cưỡng, vì không thể không chấp hành mệnh lệnh đó. Bác sĩ liền đi ra phía cửa buồng, rồi đóng lại. Sau đó ông quay về phía giường lấy một cái ghế và ngồi xuống.

- Thế nào ông Đan?

Đan nhổm người lên và quay về phía ông. Thế mà lần đầu tiên Jên mới lại được trông thấy mặt Đan… Anh nói:

- Thưa bác sĩ, xin ông nói cho tôi biết về người nữ y tá ấy, trước tiên xin ông hãy tả thật chính xác.

Sự căng thẳng trong giọng nói của anh đã lên đến cực độ, toàn thân anh rung lên, hai tay anh chắp lại, mặt anh xanh xao và gầy gò bị tàn phá bởi đau khổ, có vẻ nửa sống nửa chết, anh nói tiếp:

- Hãy miêu tả đi ông bác sĩ, chị Rôza như ông gọi đấy.

- Nhưng đó không phải là tên do tôi chọn. Đó là tên của một thiếu nữ, một cái tên đẹp, tôi cho là thế. Hình như là của Shekespeare có phải không nhỉ?

- Xin ông hãy miêu tả cho! - Đan nhắc lại lần thứ ba.

Bác sĩ khẽ rút trong túi ra bức thư của Đêrych, nghiên cứu nó rồi chậm rãi nói:

- Hèm… Một người phụ nữ xinh tươi nhỏ nhắn, thon thả và thanh tao. Loại người lịch sự mà ông thích có ở quanh ông. Giá như ông nhìn được cô ấy.

- Nâu hay hung?

Bác sĩ đưa mắt nhìn Jên và nhìn đôi bàn tay nâu của chị tỳ trên lò sưởi, rồi tuyên bố không lưỡng lự:

- Hung.

Jên giật mình và ngạc nhiên. Tại sao con người thấp béo ấy lại nói dối hộ chị?

- Tóc thế nào?

- Nói cho đúng ra thì phần lớn tóc bị che lấp dưới cái mũ xinh xinh. Nhưng tôi đoán là tóc quăn và nhẹ mỏng, rất thích hợp với một người phụ nữ nhỏ nhắn, xinh xắn.

 

Đan nằm dài xuống giường rên rỉ, hai tay áp vào mặt rồi nói:

- Thưa bác sĩ, tôi biết là tôi đã quấy rầy ông nhiều lắm và hôm nay lại còn có vẻ ngộ nghĩnh nữa. Nhưng nếu ông không muốn tôi trở thành điên rồ thì xin ông cho con người đó trở về bệnh viện, đừng để vào buồng tôi một lần nữa.

- Thưa ông Đan, bác sĩ nhẫn nại nói, xin ông hãy xét lại mà xem. Tôi thiết tưởng ông không có vấn đề gì với đương sự ngoài trường hợp giọng nói giống với của người bạn gái đang đi du hành ở phương xa. Người phụ nữ ấy không có gì đáng mến sao?

Đan cười nhạo báng:

- Ồ, có chứ! Đáng mến lắm!

- Nếu vậy tại sao Rôza lại không thể gợi được cho ông một kỷ niệm êm đềm? Ấy là chưa kể giọng nói của cô ấy đối với tôi là rất phụ nữ, êm ái và dịu hiền, chúng ta còn phải biết ơn nữa ấy chứ! Vì biết bao phụ nữ có giọng nói làm con quạ cũng phải sợ hãi, theo tôi có thể nói là hòn sỏi lăn trong cái bình tưới.

- Vậy là ông không hiểu được, bác sĩ ạ! Chính cái kỷ niệm ấy, sự giống nhau ấy làm tôi không chịu đựng được trong đêm tối của tôi. Tôi không có gì ác cảm với giọng nói đó, Chúa biết cho! Nhưng khi tôi mới bắt đầu nghe thấy, tôi tưởng là chính Nàng… người phụ nữ kia… đã đến đây… với tôi… và…

 

Tiếng nói của Đan bỗng nhiên tắt hẳn. Bác sĩ Rôb nói:

- Người phụ nữ đáng mến ấy à? Tôi hiểu rồi. Vì vậy mà bác sĩ Đêrych đã nghĩ rằng đối với ông như vậy còn tốt hơn là để ông có những ham muốn tiếp khách. Hình như ông có rất nhiều bạn bè thân từ ở rất xa xôi sẵn sàng đến đây để cổ vũ ông. Tại sao không cho phép tôi đòi hỏi người phụ nữ đáng mến ấy? Tôi tin chắc là cô ấy sẽ đến với ông. Và khi cô ấy đến đây ngồi cạnh ông, và hai người nói chuyện với nhau, thì tiếng nói của cô y tá không còn làm cho ông phải xúc cảm nữa…

 

Đan nhổm người trên giường, bộ mặt anh méo mó đi chứng tỏ sức mạnh của mối cảm xúc đang dầy vò anh. Jên đứng lặng nhìn anh.

- Không, thưa bác sĩ, không! Ôi, Chúa, không! Trên thế gian này nàng phải là người cuối cùng được bước qua ngưỡng cửa buồng này, nếu người ta muốn làm tôi vui lòng.

Bác sĩ Rôb cúi người xuống như muốn soi kính hiển vi vào cái chăn rồi hỏi rất khẽ:

- Tại sao thế?

- Vì rằng người phụ nữ đáng mến ấy, như ông gọi rất đúng, có một trái tim độ lượng và động lòng trắc ẩn, nên tai họa của tôi sẽ làm nàng tràn đầy lòng thương hại, và tôi không thể nào chấp nhận được lòng thương hại của nàng. Đó sẽ là giọt cuối cùng làm tràn đầy vại nước. Tôi có thể nhận cây thập ác đã dành cho tôi, bác sĩ ạ! Và tôi hy vọng rằng cùng với thời gian tôi sẽ vác được nó một cách dũng cảm cho đến tận bây giờ mà Chúa ra lệnh cho tôi đặt nó xuống. Nhưng lòng thương hại của Nàng sẽ làm cho tôi tan nát. Tôi sẽ rơi xuống vực thẳm để không bao giờ còn ngoi lên được nữa…

- Tôi hiểu rồi! - Bác sĩ Rôb nói một cách hiền từ. - Tội nghiệp chàng thanh niên. Nàng đáng mến ấy sẽ không được đến đây! – ông im lặng chờ đợi vài phút rồi ông đẩy ghế ra và đứng lên, ông nói tiếp – Trong khi chờ đợi, tôi đề nghị ông hãy tỏ lòng rộng lượng với cô Rôza và không nên làm cho nhiệm vụ của cô ấy quá khó khăn. Tôi không dám trả cô ấy về, cô ấy đã được bác sĩ Đêrych lựa chọn. Thêm nữa, ông hãy thử nghĩ mà xem, việc thải hồi đặc biệt này là một đòn ác liệt giáng lên đầu cô ấy! Bị đuổi, điều này có thể làm hại cô ấy một cách nghiêm trọng. Mong ông suy nghĩ lại. Sau khi đã vào buồng bệnh nhân mới được dăm phút, liền bị đuổi vì có giọng làm cho bệnh nhân phát điên… Tội nghiệp cô gái! Chứng nhận cho cô thế nào được và đương đầu làm sao được với bà Giám đốc Bệnh Viện? Ông có thể khá rộng lượng và khá vô tư để đặt mình vào địa vị cô ấy?

Đan lưỡng lự một lúc rồi mới nói:

- Thưa bác sĩ Rôby, ông có thể thề với tôi rằng những lời miêu tả của ông về người nữ y tá đó hoàn toàn đúng sự thật không?

- Tôi, thề ấy ư? Tôi có một người mẹ mộ đạo. Vả lại tôi còn có thể làm hơn nữa. Tôi sẽ tiết lộ với ông một điều bí mật. Tôi trích đọc ông nghe bức thư của ông Đêrych. Tôi xét đoán tồi bộ mặt phụ nữ vì tôi bao giờ cũng coi những con chó và những con ngựa là những người bạn dễ chịu hơn nhiều và đỡ kềnh càng. Do đó tôi không dám tin cậy vào chính mắt tôi, và muốn cho ông đoạn miêu tả của bác sĩ Đêrych. Chắc ông cũng sẵn sàng nhường tôi cái quyền đánh giá ông ấy là người xét đoán giỏi về mặt ấy. Ông có biết bà Đêrych chứ?

- Chỉ biết thôi à? - Đan sốt sắng đáp, cặp má xanh xao của anh hơi ửng đỏ. - Còn hơn thế nữa chứ! Tôi đã vẽ chân dung bà ấy. A! Bức chân dung mới tuyệt làm sao: đứng gần một cái bàn, có ánh nắng trên tóc và đang sắp xếp một cái bình men cổ màu vàng. Ông có đi xem không, ông bác sĩ? Trong một cuộc triển lãm cách đây hai năm.

- Không, tôi không xem triển lãm bao giờ, nhưng (ông liếc, mắt nhanh nhìn lên, chị gật đầu) lúc nãy cô Rôza cho tôi biết cô đã được xem.

- Thật ư? (và giọng nói của Đan hơi để lộ một mối thiện cảm). Nói chung thì người ta không thể tưởng tượng được một nữ y tá dạo chơi trong phòng triển lãm tranh.

- Tại sao không? Trong những ngày nghỉ họ cũng phải đi chơi một chỗ nào chứ? Họ không thể cả ngày đứng ngắm nghía cửa hàng thời trang. Tại sao họ không đi xem tranh được? Hơn nữa cô Rôza lại là người có học thức. Ông Đêrych có nói với tôi cô ấy là con nhà gia giáo, thông minh và có trình độ văn hoá. Và bây giờ ông quyết định ra sao nào?

Đan im lặng suy nghĩ. Jên quay đi, run rẩy. Biết bao vấn đề bị đình lại trong giây phút ấy! Sau cùng Đan nói, chậm chạp và do dự:

- Nếu tôi có thể tiến tới tách được tiếng nói của... của người kia. Nếu tôi có thể xác nhận được rằng, mặc dù tiếng nói giống nhau, bản thân chị Rôza không phải là... - Đan ngừng một lát, và trái tim Jên cũng như ngừng đập, Đan lại tiếp tục -... không giống chút nào người mà dáng vóc và bộ mặt đã vẽ rõ trong kí ức tôi, kết hợp với tiếng nói ấy...

- Nếu vậy, bác sĩ nói tiếp, chúng ta có thể giải quyết được mối khó khăn này. Những người trông coi bệnh nhân đều biết được rằng họ phải nhượng bộ những thói ngông của bệnh nhân. Chúng ta sẽ gọi cô thiếu nữ ấy đến đây, cô ấy sẽ quỳ xuống cạnh giường ông. Ông yên trí, có tôi ở đây cô ấy sẽ chấp thuận dễ dàng và ông sẽ đưa tay ra sờ mặt, sờ tóc và xung quanh cái thân hình thon thả ấy, và như thế ông có thể tự bảo đảm được là một con người nhỏ nhắn xinh xắn, với cái áo dài xanh và cái tạp dề trắng.

Đan phá lên cười, trong giọng nói của anh có một âm điệu mới:

- Chúa ơi! Trong tất cả những dự kiến bất lịch sự, cái này là cái quái đản nhất. Tôi hoàn toàn là một thằng ngốc rồi. Tôi đã bắt đầu nhận thấy tôi thật quá đáng trong vấn đề giống nhau của tiếng nói. Trong một vài ngày nữa tôi sẽ không còn để ý đến. Và đề nghị bác sĩ nói cho tôi biết, nếu thực sự chị y tá quan tâm đến bức họa chân dung ấy... Ê này, bác sĩ đi đâu đấy?

- Tôi ở đây ông Đan ạ! Tôi chỉ đẩy cái ghế đến bên cạnh một lò sưởi và rót một cốc nước. Gớm, sao ông thính tai thế? Tôi nghe đây. Ông đang nói gì về bức chân dung?

- Tôi đang nói rằng nếu chị y tá thực sự quan tâm đến bức chân dung bà Đêrych, trong xưởng vẽ của tôi có những bản nghiên cứu, chị ấy có lẽ cũng thích xem. Nếu chị ấy mang chúng lên đây tôi có thể giải thích nội dung. Nhưng bây giờ, bác sĩ ạ, tôi nằm có lẽ không tiện, trong khi cô gái lịch sự, vóc người thon thả, áo dài xanh, tạp dề trắng đi vào trong phòng tôi tuỳ thích. Tại sao tôi lại không dậy để thử chiếc ghế bành của ông? Ông gọi giúp tôi Simxân và mang đến cho tôi bộ quần áo làm việc màu nâu, cavát mầu da cam. Xin ông cũng đề nghị chị Rôza đi dạo chơi trong rừng thông, hoặc lấy ôtô mà đi, hoặc nghỉ ngơi tuỳ thích. Ông nói với chị ấy cứ coi như là chị ở nhà chị và không vào buồng tôi với bất kỳ lý do gì nếu không có Simxân báo trước.

- Ông có thể tin ở tính nết kín đáo của Rôza, còn về việc ông muốn đứng dậy, cũng không nên làm nhanh quá. Ông sẽ nhận thấy sức lực của ông không đi xa được đâu. Tuy nhiên ông cũng có thể rời cái giường này lúc nào ông thích.

- Xin tạm biệt bác sĩ, - Đan nói và chìa tay ra. - Tôi rất lấy làm tiếc là không bao giờ còn có thể xin ông cho vẽ bức chân dung bà Rôby.

- Xin tạm biệt ông, cầu Chúa phù hộ cho ông. Ông nên hoạt động dè dặt thôi...

Bác sĩ giữ cho cửa mở và Jên đi qua không một tiếng động. Ông đi theo và ra hiệu cho chị xuống.

Trong thư viện, Jên quay lại và nhìn ông. Ông để chị ngồi xuống và đứng dưới mặt chị. Cặp mắt xanh của ông rơm rớm ướt dưới bộ lông mày rậm. Ông nói:

- Con gái tôi ạ! Tôi là một thằng già ngu ngốc. Cô tha lỗi cho tôi nhé. Tôi không lường trước được là phải trải qua một cuộc thử thách như vậy. Tôi hoàn toàn hiểu rằng lúc ông Đan lưỡng lự là lúc cô cảm thấy tương lai của cô lung lay. Tôi thấy cô đã khóc. Nhưng cô không nên quan tâm đến việc người ốm của chúng ta thắc mắc về tiếng nói của cô giống như là cô Jên nào đó. Sau đây vài ba ngày ông ấy sẽ không nghĩ đến nó nữa và cô sẽ có ích cho ông ấy hơn là một tá người đẹp. Ông ấy đang muốn đứng lên và cắt nghĩa cho cô về những bức tranh mà ông ấy đã vẽ. Đừng có sợ, cô sẽ thành công nhanh thôi và tôi sẵn có thể báo cáo với ông Đêrych sự thắng lợi của cô bên người ốm. Bây giờ tôi phải đi tìm Simxân để căn dặn mấy điều cụ thể. Hai giờ nữa tôi sẽ quay lại đây xem ông Đan có gì thay đổi không. Tôi không có gì cần phải cô nữa.

- Thưa bác sĩ, - Jên nói, - tôi có thể hỏi ông là tại sao lại nói là tóc tôi hung và thực sự nó hoàn toàn thẳng thì ông lại nói nó quăn?

- Bác sĩ Rôb đã nắm lấy cái chuông toan rung, nhưng thấy câu hỏi ấy ông ngừng lại và cặp mắt xanh tinh quái của ông gặp cái nhìn trong sáng của Jên:

- Tất nhiên là cô hỏi được cô Rôza, mặc dù tôi lấy làm lạ là cô lại cần biết. Với những lý do mà chỉ mình ông Đêrych biết, rõ ràng ông có ý định để cho bệnh nhân biết về cô theo một chân dung tưởng tượng, và tôi thấy tôi có nhiệm vụ phải thống nhất ý kiến của ông ấy. Bây giờ thì xin phép...

Nói xong bác sĩ rung chuông mạnh.

- Thế tại sao ông lại xúi giục ông Đan tự kiểm tra lấy, như thế có quá liều lĩnh không?

- Vì tôi biết là tôi làm việc với một người đàn ông cao thượng! - Bác sĩ kêu lên vẻ bực tức. – Simxân, vào đi và đóng cửa lại. Ơn chúa đã sáng tạo ra anh và tôi là đàn ông chứ không phải đàn bà!...

Mười lăm phút sau Jên thấy chiếc xe con ra đi. Chị nghĩ thầm: “Đêrych nói đúng, ông Rôby là một con người kỳ lạ nhưng có thể giúp được chúng ta”.

Nếu chị có thể nghe thấy được những ý nghĩ của bác sĩ Rôby tự nhủ thầm, chị sẽ phải ngạc nhiên. Ông có thói quen nói một mình trong khi đi từ bệnh nhân này đến bệnh nhân khác. “Úi chà! Ai sẽ nói cho ta biết tại sao Jên đáng mến lại tới đây? Có ma quỷ biết được!... Đừng có thế nhé, con ạ! Con còn có một bà mẹ mộ đạo...”

 

19

 

Thư của Jên đáng mến gửi bác sĩ Đêrych:

“Đêrych thân mến, điện tín và bưu thiếp chỉ báo được cho anh biết về những tin tức tôi đã đến đây. Ở đây đã được 15 ngày, tôi thấy đã cần phải gửi tới anh một bản báo cáo. Anh nên nhớ rằng tôi là một thông tín viên tồi. Nhưng là lần đầu tiên tôi mượn ngòi bút của một người viết thư giỏi, vì tôi vừa mới phải trải qua một cơn khủng hoảng mà hiếm người phụ nữ vấp phải. Rôza đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vì dần dần đã trở nên cần thiết cho bệnh nhân và tạo được lòng tin đối với người bệnh.

 

Còn về cô Jên tội nghiệp, phải bằng lòng với mình để biết được mình là người cuối cùng bệnh nhân mong sự có mặt. Khi tên của cô ta được tuyên bố như một người khách có thể đến thăm bệnh nhân đã kêu lên: “Trời ơi, không! Không!” với một vẻ ghê sợ lộ rõ trên nét mặt đến nỗi Jên thấy tim mình tan nát. Hỡi bác sĩ sáng suốt! Anh đã không lầm trong việc chuẩn đoán bệnh. Anh ấy nói rằng lòng thương hại là đòn cuối cùng mà người ta có thể giáng vào anh ấy! Làm thế nào để anh ấy hiểu rằng Jên đã đem lòng thương hại chính bản thân mình!...

 

Hỡi anh bạn già! Vết thương lòng của tôi đang chảy máu, tôi e rằng bàn tay anh quá nhẹ để băng bó nó... Tôi nói đến đâu rồi nhỉ? À, tôi đang nói về cô Jên, cô ấy đang gầy đi mệt mỏi. Nhưng trái lại Rôza hình như đang nở nang và tiếp tục là một con người nhỏ nhắn xinh xắn với bộ tóc hung huyền ảo. Về mặt thể xác của Rôza, tôi thấy cần tâm sự với anh cả một đề mục.

 

Những việc bất ngờ và gay go xảy ra luôn. Ví dụ, trong thư viện, lần đầu tiên Đan xuống đấy, anh ra lệnh cho Simxân mang một cái ghế đẩu cho cô Rôza. Simxân đã hé môi để định trả lời rằng cô Rôza dễ dàng với tới tầng trên, nhưng may thay sự giáo dục kĩ lưỡng về nghề nghiệp đã cứu vãn được tình hình, anh ta chỉ dám nói: “Thưa ông, vâng, xin có ngay!”, vừa nói vừa liếc mắt nhìn tôi khá ngạc nhiên. Nếu bà Mac có ở đấy thì nguy to, ai mà ngăn được cái lưỡi của bà. Do đấy, ngay buổi tối hôm đấy lúc vắng mặt ông chủ, tôi triệu tập hai người đó lại ở dưới phòng ăn, tôi nói với họ là vì một lý do mà tôi chưa giải thích được, một sự miêu tả về thể xác tôi đã được gửi đến cho ông Đan nên ông ấy cho tôi là nhỏ nhắn, xinh xắn, tóc hung. Điều quan trọng là để tránh những lời giải thích dài dòng, không nên ra một tình thế khó xử, cho nên lúc này chưa nên đính chính vội. Nét mặt Simxân không có gì thay đổi, anh ta ngoan ngoãn vâng theo ngay. Trái lại, trên bộ mặt bà già Mac xảy ra một loạt những nét khác nhau, cuối cùng cũng kết tinh lại trong một nụ cười đồng ý, rồi bà bình luận thêm: “Theo tôi như vậy rất có lý, vì cậu Đan tội nghiệp lúc nào cũng chỉ thích cái đẹp. Đã nhiều lần tôi nói với cậu: Này cậu quan tâm quá nhiều đến bề ngoài cái cốc mà không chú ý đến thực chất đấy nhé! Do đó, thưa cô Rôza, ta cứ tiếp tục đánh lừa cậu ấy thì hơn”. Và lúc thấy Simxân khẽ ho vào lòng bàn tay để báo cho bà biết nên thận trọng trong lời nói, bà nói thêm giọng tình cảm: “Vì rằng bộ mặt bình thường có thể gỡ lại bằng một vẻ nhân đức, nhưng giải thích cho vẻ mặt cho một người mù hiểu được, đâu có phải là dễ dàng!”

 

Có thấy không, Đêrych! Câu nhận xét của bà già tinh tường này là người đã biết cả cuộc đời Đan, sẽ là đồng ý với lối giải quyết cách đây ba năm. Thôi ta trở lại bản báo cáo của tôi.

 

Giọng nói, như anh đã thấy trước, suýt nữa là một chướng ngại vật, vì sau khi có vẻ bằng lòng với lời giải thích mà chúng ta đã chuẩn bị, sau khi yêu cầu tôi đi ra, anh ấy tuyên bố với bác sĩ Rôby là tiếng nói của tôi làm cho anh ấy phát điên và yêu cầu trả tôi về ngay. Ông bác sĩ lại biết cách khắc phục được, do đó tôi đã được giữ lại.

Không thấy Đan có ấn tượng gì về vấn đề đó nữa, tuy nhiên tôi thường bất chợt thấy anh lắng nghe tôi nói.

 

Nhưng trong khi cô Jên tội nghiệp bị ra rìa thì Rôza lại được những giờ không thể tả được. Bệnh nhân quay về phía cô, nhờ cậy mọi việc, nói chuyện với cô, tìm cách thấm sâu vào tư tưởng cô. Đan là một người tuyệt diệu, được sống với anh là một niềm hạnh phúc...

 

Bây giờ tôi đi đến điểm chính của bức thư này, và mặc dù là phụ nữ, tôi cũng không dành cho nó mục ghi chú.

 

Anh Đêrych, anh có thể sớm đến thăm tôi, nói chuyện với tôi không? Tôi không tin rằng tôi có thể chịu đựng được lâu hơn nữa nếu không có sự giúp đỡ của anh. Tôi sẽ rất sung sướng được gặp anh, được anh nhận xét tất cả những gì đã khéo léo đạt được. Và rồi anh có thể nó một tiếng cho Jên. Ôi, bạn thân mến! Ước gì bạn dành cho tôi được 48 giờ! Tôi đang ấp ủ một kế hoạch, kế hoạch đó phụ thuộc phần lớn vào cuộc đến thăm của anh. Một chút không khí nơi đồng lầy sẽ có tác dụng tốt cho anh. Vậy anh nhé! Rất mong anh!”

“Jên”

 

Bác sĩ Đêrych gửi cô Rôza ở lâu đài Gleneesh:

 

“Jên thân mến! Chắc chắn là tôi sẽ đến. Tôi sẽ đi vào buổi chiều ngày thứ sáu. Tôi có thể ở lại đấy cả ngày thứ bảy và một phần ngày Chủ nhật. Tôi phải có mặt ở nhà ngày thứ hai.

Tôi sẽ cố gắng hết sức mình, nhưng tôi không có đôi đũa của thánh Moise[1]. Tuy nhiên tôi hi vọng lắm! Trời sẽ giúp ta.

Tôi rất sung sướng thấy Rôza tỏ ra có nhiều khả năng, nhưng tôi mong rằng chúng ta sẽ không gặp phải một tình huống phức tạp mới. Giả thử như anh chàng bệnh nhân của chúng ta lại mắc vào lưới tình với nàng Rôza xinh đẹp, thì số phận nào sẽ dành cho Jên? Phải bằng mọi giá tránh cho được tình huống đấy.

Tôi nói đùa đấy thôi vì sắp được gần chị rồi”

“Đêrych"

 

Bác sĩ Đêrych gửi bác sĩ Rôby:

“Rôby thân mến, ông xét thấy tôi có cần thăm bệnh nhân của chúng ta ở Gleneesh và cần tôi có ý kiến về tình trạng hiện nay của ông ấy không? Tôi có thể đến đấy vào cuối tuần này. Tôi mong rằng ông được hài lòng về cô y tá mà tôi đã cử đến.

“Đêrych”

 

Bác sĩ Rôby gửi bác sĩ Đêrych:

“Bệnh nhân nhận được từ người của ông cử đến sự chăm sóc tốt nhất có thể được. Ông ấy chẳng còn cần đến tôi cũng như đến ông. Nhưng tôi nghĩ rằng ông đến rất hợp thời để thăm người nữ y tá của ông, cô ta gầy đi trông thấy, không hiểu vì sao. Ngoài nhiệm vụ hiện nay, chắc hẳn có một sự buồn phiền nào đó làm khô héo con người ấy.

Có thể là cô ấy tin ở ông, còn ở tôi thì không có biểu hiện gì cả.”

“Rôby”

 

Chú thích:

[1] Moise: nhân vật nổi tiếng trong kinh Cựu Ước, là quân nhân, chính khách, người giải phóng dân tộc, nhà luân lý học, nhà lập pháp của dân tộc He1breux (Do Thái cũ).