- Bây giờ ta bàn đến biện pháp, - bác sĩ nói. - Ngày kia chị sẽ phải đi chuyến tàu tối. Chị có thể sẵn sàng được không?
- Tôi sẵn sàng rồi! - Jên đáp.
- Chị phải giả danh là nữ y tá Rôza.
- Tôi không thích thế đâu. Tôi muốn có một cái tên bịa ra thế nào chả được. Vì ngộ nhỡ ra chị Rôza xuất hiện, hoặc có người nào đó lại biết chị ấy…
- Bạn thân mến, lúc này chị ấy đang trên đường đi châu Úc, và bạn sẽ không gặp được ai ngoài bác sĩ Rôby và các gia nhân. Nếu đáng lo ngại là lo chị sẽ gặp phải ông khách nào tới thăm nhận ra chị. Ta phải chịu điều may rủi ấy. Nhưng để đề phòng những phức tạp có thể xảy ra, tôi có thể trao cho chị một bức thư để chị tạm thời sử dụng, trong thư đó tôi sẽ giải thích rằng theo yêu cầu của chị đã nhận thay thế người nữ y tá và giữ nguyên họ tên để tránh những lời lý giải mà trong tình thế hiện tại không có lợi cho bệnh nhân. Tôi có thể nói như thế một cách lương thiện vì đúng hơn ý nghĩ của chị. Chị phải cáng đáng vai trò ấy chừng nào thân hình chị còn cho phép, vì chị đừng có quên là tôi đã tả chị như một phụ nữ bé nhỏ, lịch sự và thon thả, thông minh hơn là cái vẻ bề ngoài.
- Đêrych ạ, ông bác sĩ Rôby sẽ thấy ngay thôi, tôi không phải là người anh đã tả trong thư.
- Không đâu! Chị nên nhớ là chúng ta có vấn đề với người xứ Êcôt, và một người Êcôt không bao giờ tin ngay. Ý nghĩ của con người đó bước đi rất chậm chạp mặc dù rất chắc chắn. Sau khi đã ngắm nhìn chị một lúc, ông ta sẽ cho tôi là một anh chàng hiểu biết tồi và cô Rôza “đẹp gái” hơn là tôi đã tả. Nhưng còn đối với Đan, ông Rôby đã tạo ra một nữ y tá có một hình ảnh thuộc về tinh thần, đó là điều quan trọng. Chúng ta đành phải phó mặc cho Thượng Đế và hy vọng rằng ông Rôby không sửa lại bài mô tả của ông. Chị nên cố tránh mọi câu chuyyện theo hướng đó. Tuy nhiên nếu ông ta tỏ vẻ nghi ngờ, chị kéo ông ra một chỗ, đưa ông xem bức thư của tôi. Nhưng tôi nghĩ là không cần thiết phải làm như vậy đâu. Với bệnh nhân chị nên nhớ là thính giác của người mù rất tốt. Chị đi thật nhẹ nhàng. Chị phải sắp xếp sao cho Đan không có cơ hội biết được vóc người của chị. Chị chớ quên là chị không thể với tới những ngăn trên của giá sách mà không dùng đến cái bục. Và khi người mới khỏi bệnh đứng lên và bước đi được, cần cố gắng làm sao đừng để cho anh ấy nhận thấy cô y tá cao lớn hơn anh ấy một chút. Và Jên ạ, tôi thấy hình như một người đã một lần nắm bàn tay chị thì khó mà quên được nó, do đó tôi khuyên chị nên tránh cái bắt tay ban đầu. Nhưng tất cả những điều thận trọng ấy không có nghĩa lý gì đối với một sự khó khăn lớn hơn tất cả: giọng nói của chị! Chị có một giây nào tin rằng anh ấy không nhận ra không?
- Cần phải được sự giúp đỡ của anh. Anh cho tôi xin huấn thị của anh, coi như tôi thực sự là Rôza và hai tiếng nói của chúng tôi có một sự giống nhau kỳ lạ.
- Chị Rôza thân mến, - Đêrych mỉm cười nói, - chị đừng nên ngạc nhiên nếu bệnh nhân của chúng ta phát hiện thấy một sự giống nhau kỳ lạ giữa giọng nói của chị với giọng nói của một người bạn chung của chúng ta. Chính bản thân tôi cũng liên tục thấy như thế.
- Thưa ông, thật vậy à? - Jên nói. - Thế tôi có thể biết giọng của ai giống hệt của chúng tôi không?
- Của chị Jên đáng mến! - Bác sĩ mỉm cười trả lời. - Chị có quen chị ấy không?
- Rất ít, - Jên nói, - nhưng tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ được quen nhiều hơn.
Và cả hai người cùng phá lên cười.
- Cám ơn Đêrych, bây giờ thì tôi đã biết cần phải nói với bệnh nhân như thế nào rồi. Nhưng than ôi! Thật là khốn khổ cho tôi, khó mà lừa được Đan, anh ấy có cặp mắt tinh tường là thế… Liệu tôi có đủ can đảm mà giữ vai trò đó không?
- Nếu chị nghĩ đến tương lai hạnh phúc của anh ấy và của chị, chị sẽ nhất định thành công.
Cả hai người cùng đứng lên, và trước lò sưởi, họ nhìn nhau rất lâu.
- Anh Đêrych, - Jên cảm động nói. - Đối với tôi lúc nào anh cũng tốt và cũng chân thành. Dù thế nào tôi cũng luôn luôn biết ơn anh.
- Lúc nào đối với chị, tôi cũng có một tình cảm chân thành.
Và trong những ngày khó khăn sau này, Jên có được nguồn động viên khi nhớ đến những câu nói giản dị này.
Rôza đã tới Gleneesh. Lúc đứng trên sân ga nhỏ nông thôn cùng với một chiếc hòm, chị có cảm giác vừa rơi từ trên mây xuống và nghi ngờ cả cái tên họ của chính mình.
Một chiếc ô tô đợi chị ở trước cửa ga. Xung quanh chị là một vùng hẻo lánh xa tít đến tận chân trời toàn những bụi rậm và đá tảng. Mỗi lúc Jên lại càng cảm thấy mình bị đưa sang một thế giới mới, và nét mặt thanh thản của người tài xế làm chị vững tâm hơn trong vai trò họ đang đóng.
Chị vẫn thường được nghe nói đến lâu đài cổ của Đan ở phía bắc, nhưng chị không ngờ nó hùng vĩ đến thế. Lúc ô tô leo lên sườn núi, những ngọn tháp xám hiện ra và Jên tưởng như nghe thấy tiếng của Đan nói với chị rền vang dưới bóng cây ở Overdene: “Tôi rất thích được chị thấy lâu đài Gleneesh, phong cảnh nhìn từ trên sân thượng, những khu rừng thông và những đầm lầy chắc chắn sẽ làm chị thích”. Thế mà chủ nhân của khu lãnh địa này đã bị mù, và chị thử bước qua cổng lâu đài với danh nghĩa mượn của người khác. Không hiểu rồi mọi chuyện sẽ kết thúc ra sao.
Người hầu phòng của Đan đón tiếp Jên trên ngưỡng cửa. Người này tên là Simxân mới làm việc với Đan chưa được ba năm nên không biết Jên.
Chị dừng lại ở hành lang, nhìn ra xung quanh theo thói quen mỗi khi đến thăm bạn. Bỗng nhiên chị nhận thấy Simxân đã lên được nửa cầu thang, chị vội vã chạy theo. Ở tầng trên, người đón chị là bà già Mac. Chỉ cần nhìn thấy bộ mặt nghiêm trang và hiền lành, nhăn nheo nhưng tươi tắn, nhiều tuổi nhưng khoẻ mạnh, Jên cũng đủ đoán được người vú nuôi trung thành của Đan. Chị ngoan ngoãn đi theo bà già đến căn buồng xinh xắn dành riêng cho chị…
Và bây giờ sau khi được tắm và ăn điểm tâm, Jên đứng ở cửa sổ buồng chị, ngắm cảnh tuyệt diệu và đợi bác sĩ chữa bệnh đến để giới thiệu chị với Đan.
Jên mặc bộ áo mới nhất nhưng cũng tiện dụng nhất: áo dài vải xanh, cổ và măng- set trắng, và một tấm vải choàng trước ngực có túi rộng, một cái mũ của nhà trường nơi chị đã tập sự y tá. Chị không muốn đội nó, nhưng hôm nay chị không muốn có gì là cẩu thả trước cặp mắt của bác sĩ Rôby, mà phải đúng bộ nhà nghề. Thấy vẻ đứng đắn của bộ quần áo làm tăng thêm chiều cao của chị mặc dù chị đã đi giày đế thấp, chị lo lắng chờ đợi cái nhìn đầu tiên của ông bác sĩ người xứ Êcốt.
Bỗng chị trông thấy từ xa, một chiếc xe ngựa hai bánh tiến đến rất nhanh. Một người đàn ông cầm cương và một em nhỏ ngồi đằng sau.
Giờ của chị đã điểm.
Jên quỳ xuống và cầu Chúa phù hộ cho mình. Chị đã suy nghĩ nhiều quá đến nỗi tất cả mờ đi trong óc chị. Ngay cả bộ mặt thân yêu của Đan cũng vậy. Chỉ có một sự việc còn rõ nét: trong vài phút nữa chị sẽ được dẫn đến buồng Đan, nơi anh đang đau đớn. Chị sẽ nhìn thấy bộ mặt yêu dấu ấy, nhưng anh, anh không nhìn thấy mặt chị và chị phải cố gắng giấu tung tích của mình.
Chiếc xe đã biến mất ở chỗ ngoặt cuối cùng. Jên đứng lên và chờ đợi. Đột nhiên hai câu trong buổi nói chuyện giữa chị và Đêrych trở lại trong óc: “ Không hiểu tôi có đủ can đảm để đóng vai trò của tôi đến cùng không?” Bạn chị nhiệt tình trả lời: “Nếu chị nghĩ đến tương lai hạnh phúc của Đan và của chị, chị sẽ có được!”
Có tiếng gõ cửa, Jên ra mở và thấy Simxân.
- Bác sĩ Rôby đang đợi cô ở thư viện.
- Tôi lên ngay đây. Anh dẫn tôi lên nhé!
Bác sĩ Rôby đang đứng trên tấm da gấu, quay lưng vào lò sưởi. Các bạn thân của ông thường gọi ông là “bác sĩ Rôb” hoặc “lão Rôby”.
Jên thấy trước mặt mình là một ông người thấp tròn, mặc một chiếc áo gilê bằng da rái cá đã cũ và một chiếc áo khoác quá rộng màu sáng. Dáng điệu của các sĩ giống hệt Napôlêông: đôi chân ngắn và choãi ra, hai tay khoanh trước ngực, hai vai nhô lên, nhưng bộ mặt thì không có gì là oai nghiêm bệ vệ, cặp mắt nhanh nhẹn màu xanh tái, khi hướng về phía người nào, chúng biến mất dưới cặp lông mày rậm màu đỏ chỉ hơi hé ra hai điểm sáng màu lam ngọc.
Lúc Jên bước vào, cặp mắt ông đang nhìn trừng trừng vào một bức thư mở rộng mà chị đoán là của Đêrych, và ông không ngẩng đầu lên ngay. Lúc ông ngẩng lên, Jên nhận thấy ông có một cử chỉ ngạc nhiên. Ông hé miệng toan nói nhưng rồi ngậm lại ngay và tiếp tục đọc thư của Đêrych.
Jên chờ đợi trong sự im lặng kính cẩn, khó khăn lắm mới giữ được bình tĩnh. Sau cùng bác sĩ lại ngẩng mặt lên:
- Cô là…
- Nữ y tá Rôza! - Jên lễ phép đáp.
Chị có cảm tưởng như đang tập diễn vai ở Overdene, chỉ một phút nữa là bà quận chúa sẽ gõ cái gậy xuống sàn nhắc chị nói to lên.
- A! - Bác sĩ Rôb nói. - Tôi thấy là…
Rồi im lặng. Bác sĩ nhìn cô y tá từ đầu đến chân với cặp mắt sắc. Sau ông nói:
- Vậy là cô đã đến, cô Rôza?
Jên thấy nhẹ cả người vì thấy bác sĩ không tỏ vẻ nghi ngờ gì về căn cước của mình.
- Thưa bác sĩ vâng, tôi đã đến.
Ngừng một lát, bác sĩ lại nói:
- Tôi rất vui lòng thấy cô đã đến.
- Tôi rất sung sướng đã đến đây, - Jên nghiêm trang đáp.
Màn kịch ngắn đã diễn ra và Jên đợi để nghe những tiếng “Ha! Ha!” tán thưởng của bà quận chúa trong hậu trường.
Bỗng nhiên bác sĩ quay về phía Jên và cặp mắt sắc lại nhìn chị một lần nữa, vừa nhìn vừa nói nhanh:
- Cô Rôza, nếu tôi hiểu rõ thì cô đến đây để săn sóc về mặt tinh thần cho bệnh nhân hơn là về mặt thể xác. Cô không cần phải giải thích làm gì cho mất công. Tôi đã nắm được tình hình do bác sĩ Đêrych yêu cầu phải có một nữ y tá thư ký và đã chọn cô. Tôi hoàn toàn tán thành đơn thuốc ấy và cho phép tôi được nói thêm là tôi ca ngợi vị thuốc đó.
Jên lặng lẽ cúi đầu.
- Và tôi tin là tôi chẳng có gì nhiều để nói với cô về vấn đề chữa bệnh. Ông Đêrych sẽ hướng dẫn cô tỷ mỷ. Vấn đề quan trọng bây giờ là giúp cho bệnh nhân quan tâm một chút đến thế giới bên ngoài. Xu hướng của những người đột nhiên bị mù là chìm đắm vào thế giới bên trong, một thế giới của những kỷ niệm, của những bước lùi về đàng sau, của những hối tiếc và tưởng tượng, thực tế đó là một thế giới độc nhất mà người mù còn nhìn thấy được.
Jên lắng nghe và thấy là bổ ích. Dù sao thì bác sĩ người xứ Êcốt kỳ quặc này cũng có thể lên lớp cho chị một số vấn đề. Chị nói:
- Vâng, xin ông cứ dạy bảo cho.
- Vậy đó là điều khó khăn hiện nay đối với ông Đan. Hình như không thể nào gợi cho ông ấy một chút lợi ích đối với thế giới bên ngoài. Ông ấy từ chối không chịu tiếp khách, không muốn người ta đọc cho nghe những thư từ. Hàng giờ ông ấy không nói một câu. Nếu ông ấy không trả lời tôi, và một vài câu cần thiết với người hầu phòng, cô có thể cho là ông ấy mất luôn khả năng nói cũng như đã mất khả năng nhìn. Khi ta vào chỗ ông ấy, nếu ông ấy cố tỏ ý muốn nói riêng một mình đối với tôi thì cô đừng có rời buồng. Cô làm như đi ra và xin cứ ở lại. Tôi muốn cô nhận xét thấy, khi nào ông ấy muốn, ông ấy hoàn toàn có khả năng cố gắng. Cô Rôza ạ, nhiệm vụ quan trọng nhất của cô là ngày đêm giúp ông ấy gắn bó với cuộc sống, cuộc sống của một người mù, đúng như vậy. Bây giờ tất cả mọi sự viêm loét đã qua khỏi rồi, đã có thể dậy được, hoạt động và học được cách tự hướng dẫn bằng tai nghe và bằng tay sờ. Ông ấy là một họa sĩ có tài, ông ấy sẽ không còn vẽ được nữa nhưng có những tài năng khác xuất hiện từ một bản chất nghệ sĩ.
Ông bác sĩ ngừng lại đột ngột, rồi nhanh như chớp, ông quay lại và tung ra một câu hỏi:
- Ông ấy có phải là nhạc sĩ nữa không nhỉ?
Nhưng Jên đã cảnh giác, chị bình tĩnh trả lời:
- Thưa bác sĩ, ông Đêrych chưa cho tôi biết điều này. Tôi không được rõ ông Đan có phải là nhạc sĩ không.
- A, tốt!... Cô phải có trách nhiệm phát hiện điểm đó. Về vấn đề ấy cô có biết chơi dương cầm không?
- Một chút thôi ạ!
- A! Thế có lẽ cô cũng biết hát một chút nữa chứ?
- Vâng ạ!
- Nếu vậy thì, thưa cô thân mến, tôi ra lệnh không được chơi đàn một chút, cũng như không được hát một chút trước mặt ông Đan. Chúng ta, những người trông nhìn được, chúng ta có thể chịu đựng được những người chơi ít, biểu diễn sự ít biết của họ, vì chúng ta có thể nhìn ra xung quanh và nghĩ đến cái khác, nhưng một người mù có tâm hồn nghệ sĩ sẽ có thể phát điên lên nếu gặp một cảnh ngộ như vậy. Đừng có mà liều. Tôi rất lấy làm tiếc phải tỏ vẻ thiếu lịch sự, nhưng lợi ích của bệnh nhân phải để lên trên hết.
Jên mỉm cười. Cái ông xứ Êcốt ấy đã bắt đầu làm cho chị thấy vui vui. Chị đáp:
- Vâng, tôi xin giữ không đàn hát trước mặt ông Đan.
- Tuyệt lắm! Nhưng cho phép tôi gợi ý cô nên làm gì. Cô sẽ dẫn ông ấy đến đàn dương cầm. Để ông ngồi xuống cạnh, trên một chiếc ghế chắc chắn. Ông sẽ tìm thấy phím đàn một cách dễ dàng. Cứ để tâm hồn ông được khuây khỏa bằng các hòa âm. Việc này sẽ làm ông qua được nhiều giờ thú vị. Nếu thực sự ông là nhạc sĩ, vì có cây đàn dương cầm to tướng làm tôi tin như vậy, có thể để ông bắt đầu tập ngay trước khi người ta quấy rầy ông bằng phương pháp Braille[1] hay những phương pháp khác để dạy người mù. Và bây giờ, cô Rôza, vấn đề trước tiên là giới thiệu cô với bệnh nhân.
Jên cảm thấy máu mặt mình trào xuống tim làm thành những tiếng đập dồn dập. Nhưng chị giữ được bình tĩnh và chờ đợi. Bác sĩ Rôby rung chuông và Simxân xuất hiện. Bác sĩ nói:
- Một chai Sherry, một cái cốc và vài cái bánh bích-quy.
Simxân đi ra. Bác sĩ cứ đứng nguyên tại chỗ, tay vuốt mạnh bộ ria màu hung và nhìn ra ngoài. Simxân trở lại để một cái khay xuống bàn rồi đi ra. Bác sĩ rót một cốc rượu đầy, đẩy một chiếc ghế xuống cạnh bàn rồi nói:
- Bây giờ xin mời cô ngồi xuống đây, uống một chút rượu và ăn vài miếng bánh.
Jên phản kháng:
- Thưa bác sĩ, thực tế là chưa bao giờ tôi…
- Tôi tin chắc là cô không bao giờ uống rượu vào lúc 11 giờ sáng. Nhưng hôm nay thì cô nên làm, đừng nên để mất thì giờ tranh luận. Cô vừa trải qua một cuộc hành trình dài suốt đêm, cô sắp phải chứng kiến một cảnh tượng đau lòng, nó sẽ là một cuộc thử thách thần kinh và tình cảm của cô. Cô cũng đã vừa mới phải trải qua một cuộc đối đáp khó nhọc với tôi, và cô nên cám ơn Trời là đã kết thúc rồi. Nhưng cô sẽ cám ơn Trời với nhiều sốt sắng hơn nữa sau khi cô đã uống hết cốc rượu này. Hơn nữa cô đã phải đứng khá lâu. Cô sẽ trèo lên cầu thang với bước chân vững chắc hơn nữa nếu cô ngồi vào bàn này năm phút.
Jên vâng lệnh, cảm động và khiêm tốn hơn. Dù sao thì dưới cái áo gilê cũ bằng da rái cá cũng đập một trái tim nhân từ, và cái bề ngoài kỳ quặc gần như đáng ghét kia lại chứa đựng một sự thông cảm thông minh của con người và cuộc sống. Trong khi chị dùng bữa ăn nhẹ, ông bác sĩ đi đi lại lại như một con ong. Ông như quên mất sự có mặt của chị, nhưng vừa đúng lúc chị đặt cốc rỗng xuống khay, ông quay lại, để tay lên vai Jên và nói:
- Bây giờ cô đi theo tôi lên gác và trước hết là xin nói hết sức ít. Cô chớ nên quên rằng mỗi một giọng nói mới xuyên thủng sự im lặng và bóng tối gây nên một điều hãi hùng cho bệnh nhân. Cô hãy nói ít thôi và nói khẽ. Cầu Trời sẽ làm cho cô khôn ngoan và sáng ý.
Trong cái bóng dáng kỳ dị đi trước Jên có một cái gì đàng hoàng và một uy lực. Chị phát hiện thấy về mặt tinh thần chị dựa vào nó, nó cổ vũ và ủng hộ chị…
Và với một bước đi vững chắc, Jên tiến theo bác sĩ Rôby vào buồng Đan, anh đang nằm đó yếu ớt, mù lòa và khác hẳn.
Chú thích:
[1] Braille: Giáo sư người Pháp (1809 – 1852) bị mù mắt, đã sáng chế ra chữ viết nổi để người mù sử dụng.