Rôza cùng với bệnh nhân của cô đang ở trong thư viện đầy ánh nắng ở Gleneesh. Giữa hai người là một cái bàn nhỏ, trên bàn có những chồng thư chưa bóc, vừa đến vào chuyến thư buổi sáng. Đan mặc bộ flanen trắng, ngồi thoải mái trong ghế bành. Rôza đọc xong bức thư gửi cho cô, gập nó lại và bỏ vào túi với một vẻ thỏa mãn: Đêrych sắp đến.
- Bức thư của chị là của một người đàn ông, có phải không chị Rôza? - Đan hỏi một cách bất ngờ.
- Vâng, nhưng tại sao ông biết?
- Vì tôi biết chỉ có một tờ giấy thôi! Thư của một phụ nữ viết về một vấn đề nghiêm trọng thì phải có nhiều tờ. Và tôi tin chắc là bức thư đó giải quyết một vấn đề quan trọng.
- Lại một lần nữa ông đoán đúng! - Rôza cười nói. - Và một lần nữa vì sao ông biết?
- Vì rằng chị đã thốt ra một tiếng thở phào khoan khoái sau khi đọc xong dòng đầu, và một tiếng nữa sau khi lại bỏ nó vào phong bì.
- Thưa ông Đan! - Rôza cười nói, - ông tiến bộ như thế thì chẳng bao lâu nữa chẳng còn gì để giữ bí mật nổi với ông nữa. Thư viết cho tôi là do ông...
- Ô, chị đừng nói. Tôi không có ý định thóc mách về vấn đề thư tín của chị, chị Rôza. Nhưng tôi rất sung sướng làm cho chị thấy được tiến bộ của tôi, đã đoán được điều gì người ta không nói với tôi.
- Dù sao thì tôi cũng nói để ông biết. Thư là của bác sĩ Đêrych và ngoài những việc khác, ông ấy báo tin thứ Bảy này sẽ tới đây.
- A, càng hay! Ông ấy sẽ nhận thấy biết bao thay đổi! Và tôi sẽ vui sướng được cảm ơn ông ấy việc đã đề cử cho tôi cô y rá thư ký và ông ấy đã khuyên tôi. Nhưng (Đan nói thêm với vẻ lo lắng đột nhiên) ông ấy không đến để đem chị đi đấy chứ?
- Không, chưa đâu. Và thưa ông Đan, chính tôi cũng định đề nghị xem ông có thể cho phép tôi nghỉ trong vòng bốn mươi tám giờ, và cuộc đến thăm ông Đêrych, tôi thấy hình như là một dịp rất tốt để tôi vắng mặt. Tôi sẽ yên tâm ra đi vì ông đã có bạn. Nếu ông cho phép tôi đi vào cuối tuần, sáng sớm hôm thứ Hai tôi lại sẽ có mặt ở đây kịp chuyến thư. Bác sĩ sẽ đọc ông nghe chuyến thư của ngày thứ Bảy. Chủ Nhật không có, và ông ấy sẽ thay tôi làm nhiều việc khác nữa.
- Được lắm! - Đan nói và cố gắng giấu nỗi thất vọng. - Tôi tưởng sẽ được sung sướng nói chuyện tay ba. Nhưng tôi không ngạc nhiên khi thấy chị cần được nghỉ. Chị có đi xa đây không?
- Không ạ, tôi có những người bạn ở rất gần đây. Bây giờ ông đã sẵn sàng nghe đọc thư chưa?
- Rồi, - Đan nói và chìa tay ra, - hãy hượm một lát đã, có một tờ báo trong đống thư, tôi ngửi thấy mùi mực in. Tôi không cần nó, nhưng đưa cho tôi chỗ còn lại.
Rôza để tờ báo sang một bên rồi đẩy cả đống thư lên, sao cho Đan không chạm vào tay mình. Đan cầm lấy tất cả rồi chăm chú sờ từng cái một. Bỗng nhiên anh dừng lại, anh đang cầm trong tay một bức thư viết trên giấy ngoại quốc có gắn xi. Rôza lo lắng quan sát anh. Anh không nói gì, để tuột bức thư rồi cầm cái khác, nhưng khi anh để chồng thư lên bàn, anh cẩn thận để bức thư có gắn xi xuống dưới để đọc nó sau cùng.
Rôza cầm bức thư thứ nhất lên, đọc nơi gửi, tả nét chữ. Đan thử đoán tên người gửi và tỏ ra khoái chí khi đoán đúng. Buổi sáng hôm đó là chín bức. Những ngón tay của Rôza run lên khi bỏ bức thư thứ tám vào phong bì. Đan đưa bàn tay lên che mặt. Rôza cầm bức thư cuối cùng lên và nói:
- Thưa ông Đan, bức thư này dán tem Ai Cập, đóng dấu bức điện thủ đô Le Caire. Dấu xi đỏ và hình in trên dấu là chiếc mũ chào mào cắm lông chim.
- Thế còn nét chữ? - Đan hỏi giọng rất bình tĩnh.
- Nét chữ khá rõ ràng.
- Và trước khi đọc, xin cho biết ký tên là gì?
Rôza cố chống lại cơn bối rối và chị thấy như cổ họng mình bị thắt lại và không nói được thành lời. Chị mở thư và đọc chữ ký.
- Thưa ông, thư kí tên Jên.
- Đề nghị đọc đi!
Và Rôza bắt đầu:
"Anh Đan thân mến! Tôi có thể nói gì được trên mảnh giấy này? Nếu tôi được ở bên cạnh anh, có biết bao vấn đề tôi có thể nói được, nhưng viết ra rất khó và gần như không thể được.
Tôi biết nỗi gian nan này thật là khắc nghiệt đối với anh hơn bất cứ đối với ai trong chúng ta. Nhưng anh sẽ lại là người dũng cảm nhất không ai bằng. Anh sẽ biết cách vượt qua, anh sẽ lại thấy đời là đẹp, và làm cho nhiều người khác thấy như thế. Tôi chỉ mới thấy chán giá trị của nó sau vụ nghị hè ở Overdene và ở Shenstone khi anh dạy cho tôi nhận thức được cái đẹp.
Từ đó, trước cảnh tượng của mỗi buổi chiều, mỗi buổi mặt trời mọc, trên làn nước xanh biếc của Đại Tây Dương, trước màu đỏ tía của các dãy núi, trước những thác nước của Niagara, những sa mạc vàng của Ai Cập, tôi đã nhớ đến anh và nhờ có anh mà tôi đã hiểu được chúng hơn. Ôi Đan! Tôi muốn đến anh để kể anh nghe tất cả những kỳ quan ấy và sẽ làm cho anh nhìn thấy chúng qua cặp mắt tôi, và nhờ ở anh tôi sẽ hiểu được hơn vẻ huy hoàng của chúng.
Người ta nói với tôi là anh không thích tiếp khách, nhưng anh có thể cho tôi ngoại lệ và cho phép tôi đến thăm anh được không?
Tôi đang ở trên Kim tự tháp vĩ đại khi tôi biết tin. Tôi ở trên sân thượng sau bữa ăn chiều. Ánh trăng vằng vặc gợi lên cho tôi những kỷ niệm. Tôi vừa mới quyết định thôi không đi thăm sông Nile và về thẳng nước Anh. Một khi về tới nước nhà tôi sẽ viết thư báo cho anh để mời anh đến thăm tôi. Đúng lúc ấy đại ta Lorraine chợt đến với một tờ báo nước Anh và một bức thư của Myra, thế là tôi biết hết.
Anh có sẽ đến thăm tôi không Đan?
Nhưng bây giờ bạn ạ, vì bạn không đến được, tôi có thể đến được không? Anh chỉ cần nói: "đến đây" là tôi sẽ chạy đến ngay bất kỳ tôi đang ở nơi nào trên thế giới. Anh không nên quan tâm thư này gửi từ nước nào đến. Tôi sẽ không còn ở Ai Cập nữa khi nó tới tay anh. Anh cứ viết cho bà cô tôi ở Luân Đôn. Tất cả các thư từ của tôi đến tới đây rồi để được gửi tiếp.
Hãy cho phép tôi đến và hãy tin ở tôi, tin rằng tôi hiểu nỗi gian nan của anh, Chúa sẽ phù hộ anh.
Hãy tin ở tấm lòng của tôi hơn là tôi có thể bày tỏ".
Đan bỏ bàn tay đang che mặt ra:
- Chị Rôza, nếu chị không mệt, tôi muốn đọc chị viết ngay một bức thư trả lời trong lúc tôi còn tỉnh táo. Chị đã có giấy chưa? Ta có thể bắt đầu được rồi chứ?
"Chị Jên thân mến, tôi cảm động sâu sắc về bức thư đầy tình cảm của chị... Phải có một tấm lòng cực kỳ chị mới viết cho tôi từ xa như vậy và từ giữa những cảnh tuyệt diệu có thể làm cho chị quên hết những người bạn nước nhà".
Yên lặng một lúc lâu. Rôza, bút trong tay, mong rằng tiếng đập của trái tim mình người ngồi ở phía bên bàn kia không thể nghe thấy được.
"Tôi rất vui thấy chị thôi không đi du lịch sông Nile... Nhưng..."
Một con ong vo ve ngoài cửa kính.
"... Nếu chị gọi, tất nhiên là tôi sẽ đến".
Im lặng hoàn toàn trong vài phút, rồi Đan lại đọc tiếp:
"Chị rất tốt vì đã đề nghị đến thăm tôi, nhưng..."
Rôza để rơi quản bút xuống bàn và năn nỉ:
- Ôi, thưa ông Đan! Xin ông cứ cho chị ấy đến!...
Đan quay mặt về phía Rôza vẻ ngơ ngác và cả quyết nói:
- Tôi không mong chị Jên đến.
- Nhưng xin ông hãy nghĩ lại mà xem, nhiệt tâm mong muốn đến thăm một người bạn thân bị tai nạn mà bị từ chối, đau lòng biết bao!
- Chỉ độc nhất vì lòng tốt mà Jên đề nghị như vậy. Chị ấy là một người bạn gái, một người đồng tâm nhất trí của thời quá khứ, nay thấy tôi thế này, hẳn chị ấy buồn lắm!...
- Ý kiến của tôi không phải là như vậy, - Rôza nói một cách tin tưởng. - Ôi! Nếu ông có thể đọc được những hàng chữ này! Hoặc là phải có trái tim của người phụ nữ mới hiểu được bức thư của phụ nữ chăng? Hay là tôi đã đọc không tốt? Tôi có thể đọc lại không?
Một vẻ bất bình thật sự lộ trên mặt Đan. Anh nói nghiêm khắc khác thường, đôi lòng mày nhíu lại, vẻ mặt lạnh giá:
- Chị đã đọc rất tốt, nhưng chị không nên tranh luận. Tôi phải có quyền tự do đọc thư cho người nữ thư ký của tôi viết mà không cần phải giải thích gì cả.
- Thưa ông, tôi xin lỗi ông, tôi có lỗi.
Đan chìa bàn tay qua mặt bàn, để như thế một lúc, nhưng không có bàn tay nào đáp lại cả. Anh nói với nụ cười có duyên của anh:
- Thôi, ta đừng nên nói đến đấy nữa. Chị có thể khuyên nhủ tôi về rất nhiều vấn đề, nhưng vấn đề này thì không đâu. Bây giờ chúng ta kết thúc. Chúng ta đến đâu rồi? A! "Có ý định đến thăm tôi", chị đã viết "chị tốt quá" chưa?
- Tốt quá, - Rôza nhắc lại giọng nghẹn ngào.
- Ta tiếp tục.
"Nhưng trong lúc này tôi không tiếp ai cả. Tôi chỉ tiếp khách khi nào tôi đã khá làm chủ được những khó khăn vật chất ở vị trí tôi, để chúng không quá lộ liệu nữa. Tôi có ý định sẽ qua một vụ hè ở Gleneesh này trong một tình trạng cô đơn hoàn toàn và chắc là tôi sẽ quen dần với cuộc sống mới này. Tôi tin chắc là các bạn bè của tôi sẽ kính trọng quyết định của tôi. Tôi có bên cạnh tôi một người có khả năng và lòng nhẫn nại"
- Không, khoan đã, - Đan bỗng nhiên kêu lên, - tôi sẽ không nói thế, người ta có thể hiểu lầm... chị đã bắt đầu viết câu ấy chưa? Chưa à? Chữ cuối cùng là gì rồi? "Quyết định của tôi". Tốt rồi. Chấm. Bây giờ tôi cần phải suy nghĩ chút đã!
Hai tay Đan ôm lấy đầu và suy nghĩ triền miên. Rôza chờ đợi, tay phải chị cầm quản bút, ngồi giơ lên, tay trái áp vào tim chị. Với một vẻ dịu dàng khó tả, chị ngắm nhìn cái đầu có bộ tóc nâu đang gục xuống. Sau cùng Đan ngẩng đầu lên nói:
"Chúc chị mạnh khỏe. Đan".
Và không phản kháng, Rôza viết câu đó.
Sự im lặng khá nặng nề xảy ra sau khi kết thúc bức thư bị tiếng nói vui vẻ của bác sĩ Rôb phá tan:
- Hôm nay ai là người ốm nào? Cô gái hay chàng trai? A, không ai ốm cả, tôi thấy rồi. Cả hai đều có vẻ thịnh vượng làm cho thầy thuốc mất nhờ. Bên ngoài là mùa xuân mà bên trong là mùa hè.
Bác sĩ Rôb nói như vậy nhưng trong lòng tự nhủ thầm tại sao hai bộ mặt này lại tái xanh như vậy và không khí hình như có mùi đau khổ. Ông nói tiếp:
- Rôza này, tôi thấy bộ len màu ghi và mặc áo váy vải màu xanh thích hợp với cô hơn. Chỉ có điều quan trọng là không được nhiễm lạnh và chủ yếu là phải ăn cho tốt. Khí hậu này phải có một chế độ ăn uống cho tốt. Cô sút cân trong những ngày gần đâu, khéo không lại trở nên không thể sờ thấy được đấy nhé!
- Tại sao bác sĩ lại cứ hay trêu chị Rôza với cái thân hình nhỏ bé của chị ấy thế? - Đan nói với vẻ hơi bất bình. - Nhỏ người đâu có phải là một khuyết điểm?
- Thế nếu tôi trêu cô ấy về cái thân hình to lớn thì hẳn ông bằng lòng chứ?
Bác sĩ Rôb vừa nói vừa liếc mắt tinh quái nhìn Rôza, cô đang thẳng như người bị đông cứng trước cửa sổ.
- Tôi không thích ai bình luận về cái bề ngoài của chị ấy, - Đan đáp vẻ khô khan rồi lại thân mật nói tiếp. - Xin bác sĩ hiểu cho, chị ấy là tiếng nói của tôi, tiếng nói dẫn đường. Đầu tiên tôi còn cố gắng hình dung ra vẻ bề ngoài cho chị ấy, bây giờ tôi lại muốn tận hưởng cái gì tôi đã biết, còn cái gì không biết để nó trong mơ hồ. Kể từ khi tôi bị mù, chị ấy là người lạ đầu tiên đến với tôi, là tiếng nói độc nhất mà tôi không thể thấy được bộ mặt và dáng người. Sau này thì còn nhiều nữa, nhưng bây giờ chị ấy là người độc nhất.
Trong khi ấy cặp mắt của Rôby đảo khắp lượt xung quanh ông, bỗng nhiên dừng lại ở một vật đáng chú ý. Ông vừa trông thấy bức thư từ ngoại quốc để trên bàn ngay cạnh ông. Ông nói:
- A! Kim tự tháp! Một con tem Ai Cập! Có vấn đề lý thú đây. Ông có những bạn bè ở bên ấy à ông Đan?
- Thư gửi từ Le Caire. - Đan đáp, - nhưng hiện nay tôi tin chị Jên đang ở Xyri.
Bác sĩ Rôby vuốt ria mép và như bị thu hút vào việc ngắm nghía bức thư rồi ông nói:
- Jên! Jên! Đó không phải là một cái tên tầm thường. Phải chăng là của Jên Đáng Mến?
- Đúng là chị ấy đấy! - Đan ngạc nhiên nói. - Ông cũng biết à?
Giọng nói của anh rung động một cách kỳ lạ. Bác sĩ thong thả đáp với một giọng ung dung:
- Biết lắm chứ! Tôi biết mặt cô ấy, tôi biết giọng nói của cô ấy, và tôi cũng biết rõ cả tính nết nữa. Tôi đã nhìn thấy cô ấy dưới làn lửa đạn, đó là điều mà phần lớn các bạn bè của cô ấy không biết mà nói. Nhưng cô ấy có một vấn đề mà cho đến nay tôi chưa biết, đó là nét chữ. Tôi có thể xem xét cái phong bì này được không?
Ông quay về phía cửa sổ, con người thấp lùn tàn bạo ấy, và câu hỏi ấy là ông đặt cho Rôza, nhưng ông chỉ nhìn thấy lưng chị, Rôza đang ngắm phong cảnh! Ông quay lại nhìn Đan. Tất nhiên anh tỏ dấu hiệu đồng ý và bộ mặt anh lại còn tỏ vẻ muốn nghe nhiều hơn nữa. Bác sĩ Rôby cầm phong bì lên rồi nói:
- Phải, nét chữ giống cô ấy như hệt: trong sáng, vững vàng, cương quyết, biết nói lên điều cô muốn nói, đi đến đâu cô muốn đi. A! Ông Đan, đó là một phụ nữ cao quý, nếu ông có cô Jên đáng mến làm bạn gái, ông có thể bỏ qua được khá nhiều vấn đề khác.
Một màu hồng phủ lên cặp má nâu của Đan. Trong đêm tối của anh, anh bị ám ảnh bởi lòng ham muốn nghe nói về Jên, nhưng không thể hy vọng. A! Nếu anh có thể hoài nghi! Lão Rôb này có thể làm được. Nếu như hỏi Đêrych thì cần phải hết sức thận trọng vì sợ tiết lộ bí mật của anh và của Jên. Nhưng với bác sĩ Rôb và chị y tá thì không cần mưu mẹo gì nhiều. Anh có thể giữ bí mật mà vẫn cứ nghe, cứ trả lời. Đan bèn hỏi:
- Ông gặp chị ấy ở đâu?
- Tôi sẽ nói ở đâu và khi nào nếu ông muốn nghe một câu chuyện về chiến tranh.
Đan rất sốt sắng muốn nghe, anh cũng cứ hỏi:
- Bác sĩ có ghế chưa? Và cả chị Rôza nữa?
- Thưa ông, - bác sĩ Rôb nói, - tôi không cần ghế, vì khi tôi muốn thả sức cho tài hùng biện của tôi, tôi phải đứng. Cô Rôza cũng không có ghế vì cô đang đứng ở ngay cạnh cửa sổ, tất nhiên là đang say sưa ngắm cảnh. Cô ấy không chú ý đến ông và đến tôi nữa. Một người phụ nữ hiếm khi quan tâm đến chuyện người ta kể về một phụ nữ khác. Nhưng còn ông, xin mời ông tựa lưng vào ghế bành và đốt một điếu thuốc lá lên. Tôi xin nói để ông biết, tôi đã gặp cô Jên Đáng Mến ở đâu: bên châu Phi trong cuộc chiến tranh của người Boers. Tôi tình nguyện tham gia làm thầy thuốc ngoại khoa, cô ấy chăm sóc bệnh nhân, không phải là nghiệp dư mà là y tá ở Bộ Tham mưu. Cô ấy làm việc bằng mười người và động viên mọi người làm việc như mình. Bác sĩ và y tá ai cũng mến cô. Cô ấy nói với anh Tômy tội nghiệp, một lính bị thương, như một người mẹ, như một người yêu. Những trái tim sắt đá nhất cũng phải mủi lòng.
Đan lấy tay che mặt, điếu thuốc lá anh hút mới hết một nửa, rơi xuống sàn anh cũng chẳng để ý. Bác sĩ nhặt điếu thuốc lên, lấy chân xoa chỗ thảm bị cháy, rôi đưa mắt nhìn ra phía cửa sổ. Rôza đã quay lại, cặp mắt lo lắng nhìn Đan. Bác sĩ tiếp tục nói:
- Tôi có được gặp cô Jên trong nhiều trường hợp, nhưng chúng tôi không ở cùng một khu, và cô ấy chỉ nói với tôi có một lần. Tôi ở mặt trận về để lấy thêm thuốc mê. Trong khi người ta chuẩn bị cho tôi, tôi đi quanh phòng và trông thấy cô Jên đáng mến đang quỳ bên cạnh một người hấp hối, cô nói với thương binh hết sức dịu hiền và cố gắng làm cho anh ta bớt đau. Bỗng nhiên một sự huyên náo kinh khủng xảy ra và Jên đáng mến cùng với anh thương binh bị phủ đầy bụi và các mảnh vụn của một viên đạn trái phá đã chui vào mái nhà ngay trên đầu họ. Anh thương binh gào lên vì sợ hãi. Người ta không chê anh ta được vì anh ta đang hấp hối và đang bị ảnh hưởng của thuốc moocfin. Jên Đáng Mến vẫn cứ bình tĩnh nói: "Lại nằm xuống đi anh bạn, và giữ im lặng nhé!" - Anh thương binh thổn thức nói: "Không ở đây". Jên đáp: "Đợi một lát đã rồi sẽ được giải quyết". Thế là cô quay lại và trông thấy tôi. Tôi đang mặc một bộ quần áo khó mà tả được, áo dài kaki hạ sĩ quan mà tôi đã vơ vội trong lều lúc ra đi và đầy những bụi và bột. Cô liền ra lệnh: "Lại đây anh đội; giúp tôi khiêng anh lính tội nghiệp này, tôi không muốn để anh ta phải thắc mắc!" Đó là cảm xúc độc nhất của cô ấy lúc viên đạn xuyên qua mái nhà. Ông có thấy lạ vì sao người ta mến cô Jên? Cô luồn hai tay xuống đôi vai người thương binh và ra hiệu cho tôi nâng đầu gối. Chúng tôi mang anh ta ra khỏi buồng, đi dọc theo hành lang chật hẹp để tới một căn buồng nhỏ trong đó có một cái giường êm ấm, xung quanh tường được trang trí bằng tranh ảnh và sách báo. Cô nói: "Đề nghị anh để ở đây, anh đội", và chúng tôi đặt anh thương binh lên giường. Tôi hỏi: "Giường này của ai?" Câu hỏi có vẻ làm cô Jên ngạc nhiên, nhưng biết tôi là một người lạ, cô lễ phép trả lời: "Của tôi đấy, anh đội!" Và nhận thấy anh thương binh đã ngủ thiếp đi, cô nói thêm: "Anh chàng tội nghiệp, đến lúc tôi cần đi nằm thì anh chàng chẳng còn cần đến giường nữa!" Cứng gân lắm mới dám làm thế! Và câu chuyện của tôi với Jên Đáng Mến là như thế. Ít lâu sau tôi trở về nước Anh.
Đan ngẩng đầu lên hỏi:
- Và có bao giờ ông gặp lại chị ấy không?
- Có đấy, nhưng cô ấy không nhận ra tôi, không một chút ký ức nào. Nhưng cũng là lẽ tự nhiên, ở bên ấy tôi để râu và ít thời gian cạo, và cái áo dài đi mượn làm cho tôi có vẻ mặt một anh đội chứ không phải là một bác sĩ ngoại khoa. Dĩ nhiên là cô ấy đã không ngờ gặp được một chiến hữu ngoài mặt trận trong rừng rậm... ở Picadilly. (Bác sĩ Rôb kết luận hơi vụng về). Và bây giờ, sau khi đã tuôn ra cho ông một câu chuyện dài như vậy, tôi phải đến gặp bà già Mac trong phòng ăn. Bà ấy thắc mắc vì hình như bà ấy không tiêu hóa được cái món mỡ béo. Do đó xin phép ông cho tôi được rung chuông để hỏi bà Mac.
- Khoan đã bác sĩ, - Jên chen vào và nói giọng dè dặt. - Tôi cần nói với bác sĩ một câu, tôi xin theo vào phòng ăn, sau đó ông sẽ khám cho bà Mac. Trong lúc ông khám bệnh, tôi đi đội mũ và muốn đi theo ông một quãng đường nếu ông Đan đồng ý ở nhà một mình trong khoảng một giờ.
Jên theo ông bác sĩ bước vào phòng ăn, ông lưỡng lự nhìn chị rồi nói:
- Thế nào, phải trả cái giá đã lột lon tôi chứ?
Jên tiến thẳng đến ông, đưa hai bàn tay ra và nói:
- A! Anh đội, anh đội trung thành và thân mến! Anh đã thấy ảnh hưởng của việc mượn quần áo của người khác chưa?... Còn cái khốn khổ của tôi là mượn cái tên một người phụ nữ khác. Vậy là ông đã nhận ra tôi ngay à?
- Ngay từ khi cô mới bước chân vào.
- Thế tại sao ông không nói gì cả?
- Tôi đã nghĩ rằng cô đóng vai Rôza là phải có lý do của cô, và tôi không có nhiệm vụ được can thiệp vào nhiệm vụ của cô.
- Ôi, thật là quý hóa quá! Tìm đâu cho ta được một người khôn ngoan và kín đáo hơn!... Và tôi nhớ lại cách mà ông đã nói với tôi lúc bấy giờ: "Vậy là cô đã đến, cô Rôza?" Lẽ ra ông có thể nói với tôi như thế này: "Chào cô Jên vì sao cô đến đây với một cái tên mượn?"
- Quả là tôi có thể nói được như thế. Nhưng cảm ơn Chúa, tôi đã không nói.
- Thế tại sao bây giờ ông lại tiết lộ?
Bác sĩ Rôb nắm lấy cánh tay Jên và nói:
- Con gái tôi ạ! Tôi là một lão già chất phác, suốt đời tôi làm công việc tìm hiểu mà không được người ta nói ra cho tôi. Cô vừa mới qua một cơn thử thách ác liệt không những đối với ông Đan và còn đối với cả chúng ta nữa. Tôi biết là cô có đủ sức chịu đựng, cần phải có sự san sẻ điều bí ẩn của cô với một người nào đó. Và hôm nay lúc tôi bước vào buồng, nhìn nét mặt hai người, tôi biết là thời cơ đã đến. Ở đây cô có một người bạn, như tất cả những người bạn đã làm việc với cô ở bên châu Phi, sẽ vui lòng giơ bàn tay phải ra cho cô Jên Đáng Mến.
Jên nhìn ông với cặp mắt đầy biết ơn, cảm động quá không nói lên lời. Bác sĩ Rôb nói tiếp:
- Nếu có thể được, xin cô nói cho tôi biết lý do nào đã chia rẽ hai người..."
- Ôi, thưa bác sĩ, đây là một câu chuyện về nghi ngờ và lầm lẫn, và nghi ngờ lầm lẫn đều ở phía tôi cả, bây giờ trong lúc ông khám cho bà Mac, tôi chuẩn bị để đi ra ngoài với ông và kể ông nghe câu chuyện buồn thảm giữa hai chúng tôi và đã gây tác hại cho cuộc đợi chúng tôi. Những lời khuyên bảo khôn khéo của ông sẽ giúp tôi và sự am hiểu của ông về tâm tình con người có thể sẽ phát hiện ra một lối thoát để giúp chúng tôi ra khỏi cái sừng bò này.
Lúc Jên đi qua hành lang và sắp sửa lên cầu thang, chị nhìn về phía cửa thư viện, thoáng thấy lo: Đan đã chịu đựng ra sao câu chuyện của bác sĩ Rôb? Chỉ mình chị là có thể đoán được sức mạnh của một số kí ức hồi tưởng lại. Jên cảm thấy không an tâm đi ra ngoài mà không biết anh ra sao.
Jên mở cửa ra ngoài, đi vòng quanh nhà đến tận bãi bằng và tiến đến gần của sổ thư viện, chị bước nhẹ trên thảm cỏ xanh. Chưa bao giờ chị lại rình anh như thế này. Nhưng bây giờ... chỉ một lần này thôi! Jên nhìn vào. Đan vẫn ngồi trên ghế, khoanh hai tay để trên bàn và vùi mặt vào đấy. Anh đang nức nở, như đôi khi chị vẫn nghe thấy những người đàn ông khóc nức nở sau khi đã âm thầm chịu đựng một cơn ác liết. Và giữa những giọt nước mắt, Đan thì thầm: "Vợ tôi. Ôi, vợ tôi!".
Jên cuống cuồng bỏ trốn. Một tiên kiến bí mật bảo chị rằng lúc này mà lộ ra với anh ấy thì hỏng hết. Tiếng nói của Đêrych như nhắc vào tai chị: "Cẩn thận đấy! Nếu chị quan tâm đến tương lai hạnh phúc của hai người!" Vả lại thời gian cũng chỉ còn ngắn thôi. Chắc chắn là trong sự im lặng tiếp theo cơn giông tố đó, sẽ là sự cần thiết phải có, chị sẽ thắng. Bức thư chưa gửi sẽ được viết lại. Anh ấy sẽ nói: "Xin mời đến!". Và chỉ một lát sau chị sẽ ở trong cánh tay anh...
Jên đi vào nhà không một tiếng động.
Một giờ sau khi đi ra ngoài với bác sĩ Rôb trở về. Tâm hồn Jên đầy những dự kiến sung sướng, chị thấy Đan đứng trong khung cửa sổ đang lắng nghe những tiếng động khác nhau mà anh đã bắt đầu phân biệt được. Lúc chị đến gần, anh quay đầu lại, chị tưởng như không thể không có cặp mắt xanh đẹp ở đấy được. Anh nói:
- Khí hậu trong rừng có tốt không chị? Sau bữa ăn trưa Simxân sẽ đưa tôi ra đấy. Trong khi chờ đợi, chị Rôza, nếu chị không mệt lắm thì ta làm nốt công việc của sáng nay.
Đan đọc cho chị viết năm bức thư. Rồi chị nhận thấy bức thư của chị không có ở đây nữa, nhưng thư trả lời nằm trên bàn. Sau một lúc lưỡng lự chị hỏi?
- Thế còn bức thư gửi cho chị Jên, ông đồng ý gửi chưa?
- Tất nhiên rồi. Hình như chúng ta đã kết thúc nó rồi.
- Tôi nghĩ rằng... sau câu chuyện bác sĩ Rôb, ông có thể...
- Câu chuyện kể cho bác sĩ Rôb không có tác động gì đến vấn đề đến thăm của chị Jên cả.
Đan nói với một vẻ kiêu kỳ, rồi sau lại dịu dàng nói thêm:
- Tuy nhiên câu chuyện ấy nhắc lại cho tôi hay...?
- Sao ông? - Jên nói, tay để lên ngực.
- Chị ấy là một phụ nữ cao thượng.