Rạng ngày thuật rõ các điều trong lúc chiêm bao cho Mã Hùng nghe, rồi lại nói với Mã Hùng rằng:
- Lấy theo lời đoán của Cao Tấn Trung và điềm chiêm bao nầy thì chắc là việc nhà của tôi hung đa kiết thiểu, xin anh đi với tôi vào thưa với thầy, xin người tính việc lên đường, kẻo tôi nóng nảy việc nhà lắm.
Mã Hùng nói:
- Nếu em nóng nảy việc nhà thì anh em ta vào thưa với thầy mà xin đi trước, để người thủng thỉnh theo sau, còn việc thôi thúc người đi cho
mau thì qua không dám.
Phương Khôi khen phải, bèn dắt nhau đến trước phương trượng ra mắt Bạch Mi đạo nhơn mà tỏ việc ấy.
Bạch Mi đạo nhơn nói:
- Hai ngươi đã nói như vậy thì phải sắm sửa đi trước, còn phần thầy thì nữa tháng nữa thầy mới lên đường. Ấy vậy hai ngươi về đến Quảng Đông, độ chừng nữa tháng thì phải tới Tây Thiền tự mà kiếm ta.
Phương Khôi và Mã Hùng từ giả Bạch Mi đạo nhơn trở lại Quảng Đông.
Đi đến địa phận Quảng Đông, Phương Khôi ghé vào tiệm rượu muốn kiếm người quen mà hỏi thăm việc nhà.
Mới vừa tới tiệm thấy có một người trong tiệm đi ra, người ấy thấy mặt Phương Khôi thì la lớn rằng:
- Trời đất ôi! Phương lão gia ngày nay mới về tới đây sao?
Phương Khôi nhìn mặt người ấy, nhớ cũng có quen nhưng không biết tên họ, bèn hỏi người ấy rằng:
- Anh nầy là ai, tôi không quen, sao lại biết tôi mà hỏi?
Người ấy nói:
- Té ra lão gia đã quên tôi rồi sao, tôi là Từ Tam, đương làm Nha dịch tại huyện Thiên Nguỵ.
Phương Khôi đứng nghĩ một hồi rồi mới vỗ vỗ mà rằng:
- Phải rồi! Phải rồi. Tôi mắc đi chói nắng cho nên choá mắt nhìn không ra, bây giờ nhắc lại mới nhớ, lẻ ra cũng là một bọn anh em với nhau, vậy chớ bấy lâu ngươi có hay việc Hồ Huệ Càng thế nào, xin nói cho ta rõ.
Từ Tam nói:
- Việc ấy dài lắm, dài lắm, xin lão gia kiếm chỗ ngồi cho an nơi, rồi tôi sẽ thuật lại cho nghe.
Phương Khôi thấy nói như vậy thì dắt Mã Hùng và Từ Tam thẳng vảo phía trong kiếm chỗ mà ngồi rồi nói với Từ Tam rằng:
- Ta đi lâu ngày không việc nhà thế nào, ngươi hãy thuật hết nguồn cơn cho ta rõ.
Từ Tam than thở một hồi rồi mới tỏ bày các việc cho Phương Khôi nghe.
Phương Khôi mới nghe việc nhà thì rơi lụy ròng ròng, đến chừng nghe tới các việc Cao Tấn Trung đã giết Hồ Huệ Càng thì bằng lòng, nhưng tình nghĩa vợ chồng nghe đến việc dử như vậy thì dằn lòng không đặng khóc rống một hồi rồi mới từ giả Từ Tam đi cùng Mã Hùng trở về nhà mình.
Đến nơi, Phương Đức rơi lụy mà tõ bày các việc cho Phương Khôi nghe.
Phương Khôi khóc lóc một hồi rồi mới hỏi Phương Đức rằng:
- Bây giờ Cao Tấn Trung ở đâu.
Phương Đức nói:
- Cao Tấn Trung đã làm chức Thiên tổng đương ở tại sở Tuần phòng, vậy chớ Bạch Mi đạo nhơn chịu đi hay không, xin cha nói lại cho con rõ?
Phương Khôi thuật lại các lời Bạch Mi đạo nhơn đã hứa cho Phương Đức nghe.
Phương Đức rất mầng khiến vợ dọn một tiệc rượu đặng cho cha mình thết đãi Mã Hùng.
Rạng ngày Phương Khôi dắt Mã Hùng đến viếng Cao Tấn Trung. Cao Tấn Trung nghe Mã Hùng đã tới thì lật đật chạy ra rước vào. Phương Khôi quì lạy tạ ơn Cao Tấn Trung.
Cao Tấn Trung đở dậy tõ bày các việc tính bắt gia quyến Hồ Huệ Càng cho Phương Khôi nghe.
Mã Hùng nói:
- Hiền đệ toan liệu như vây cũng phải. Nay ta ở đây cũng không có việc chi, vậy thì để ta thẳng qua Phước Kiến một phen, dọ thám tin tức thể nào đặng có lo phương gỡ trước.
Cao Tấn Trung và Phương Khôi đều mầng mà rằng:
- Nếu sư huynh chịu khó như vậy thì đở cho anh em tôi biết là bao nhiêu.
Cao Tấn Trung hối người dọn tiệc đãi Mã Hùng và Phương Khôi.
Rạng ngày Mã Hùng từ giả...người ấy quảy gói hành lý thẳng qua Phước Kiến.
Nói về Thiên tử sau khi sai Cao Tấn Trung và Phương Khôi đi rồi thì ở lại đó vài ngày, rồi mới mướn thuyền đi ngã Dương Châu mà trở về Kinh sư.
Đi đến Dương Châu trả tiền đò xong, Thiên tử và Châu Nhựt Thanh lên bờ, thẳng tới khách điếm hiệu là Đồng khánh mà ở.
Rạng ngày điểm tâm xong rồi, Thiên tử đi với Châu Nhựt Thanh thẳng lên Bình Sơn dương dạo chơi phong cảnh một lần nữa.
Đến nơi, Thiên tử vào chùa thì có chủ trì trong chùa ấy bước ra nghinh tiếp.
Thiên tử thấy chủ trì ấy không phải người quen ngày trước, thì cũng có ý muốn hỏi.
Vào đến phương trượng thết trà xong rồi thì chủ trì ấy hỏi rằng:
- Quí khách tên chi họ chi, quê quán ở đâu, xin cho tôi rõ.
Thiên tử nói:
- Tôi là Cao Thiên Tứ quê ở Bắc kinh, còn thằng con nuôi tôi đây tên là Châu Nhựt Thanh, vậy chớ pháp hiệu của hòa thuợng là chi, xin nói cho tôi rõ.
Chủ trì ấy dáp:
- Hiệu tôi là Thiên Nhiên.
Thiên tử đàm đạo với Thiên Nhiên giây lâu, coi ý biết người ham tiền bạc không phải quyết dạ tu hành, thì đã đem lòng ghét, song cũng rộng dung, không muốn nói ra làm gì.
Châu Nhựt Thanh thấy vậy cũng muốn phân biện ít điều, song sợ Thiên tử nên không dám nói, còn Thiên Nhiên thấy Thiên tử xưng mình là người Bắc kinh mà không quân hàm chi hết, lại không đem đồ hành lý, biết rằng không phải bọn cúng chùa, thì có lòng khi, không muốn nói chuyện.
Bèn kiếm cớ hỏi Thiên tử rằng:
- Khách quan muốn xem phong cảnh thì đi xem chơi cho biết.
Thiên tử độ lượng khoan hồng không có ý đến chuyện nhỏ mọn, còn Châu Nhựt Thanh cũng chưa biết là ý Thiên tử không muốn nói chuyện nữa.
Thiên tử nói:
- Nếu Hòa thượng có lòng tốt dắt tôi đi xem thì tôi cũng đi.
Thiên Nhiên nói:
- Khách quan muốn xem thì đi, bằng không thì thôi, còn tôi mắc có việc riêng, đi cùng khách quan không đặng.
Châu Nhựt Thanh nói:
- Hòa thượng là người xuất gia, hễ xuất gia thì tứ đại giai không, nhứt trần bất nhiễm, cớ sao Hòa thuợng lại có việc riêng kìa? Điều ấy rất lạ, thiệt tôi không biết.
Thiên Nhiên hổ thẹn làm thinh, không biết lời chi đáp lại.
Thiên tử thấy vậy nói vớt cho Thiên Nhiên rằng:
- Đã biết người xuất gia thì nhứt trần bất nhiễm, chẳng có việc riêng chi cả. Tuy vậy hòa thuợng đã làm chủ trì, cũng phải coi sóc cho tiểu tăng làm việc công quả trong chùa, việc ấy cũng như việc riêng của người thế gian vậy. Thôi, chẳng nên ép người làm chi, mi còn nhớ đường thì đi với ta mà xem.
Châu Nhựt Thanh không dám nghịch mạng, nên phải dằn lòng đi với Thiên tử.
Khi ấy Thiên Nhiên ép mình đưa Thiên tử và Châu Nhựt Thanh ra khỏi phương trượng, rồi trở vô dặn tiểu tăng rằng:
- Nếu hai người ấy trở lại thì mi phải nói ta đã xuống núi đi viếng anh em rồi, đừng có làm theo thói quen, vào bửa với ta như khi trước.
Tiểu tăng dạ dạ vâng lời.
Thiên Nhiên mời vào tịnh thất chưa đặng bao lâu, kế thấy tiểu tăng chạy vô báo rằng:
- Có Vương Bắc lão gia đến viếng, bây giờ thuyền đã tới bến rồi. Thiên Nhiên nghe báo lật đật chạy ra nghinh tiếp.
Nguyên Vương Bắc lão gia đây chẳng phải dự bực quan viên, mà cũng chẳng phải vương tôn công tử chi hết. Vốn là một người đầu gia của nhà buôn lớn, vì người chủ tiệm tin cậy giao hết các việc cho va, cho nên va mới nhờ việc ăn gian mà làm giàu, bây giờ cất nhà cửa, mua ruộng đất, cưới vợ bé, mua tôi tớ trong nhà nhứt hô bá ứng, các quan sở tại lại theo dua mị với va cho nên thầy sải này cũng bắt chước theo mà làm thói a dua như vậy đó.
Trong lúc Thiên Nhiên chạy ra đến bến, không thấy có Vương Bắc, thì cúc cung thi lễ, chào hỏi một cách kính nhường.
Mấy người tiểu thiếp và tỳ tất của Vương Bắc lên bờ không đặng, thì Thiên Nhiên hối bọn tiểu tăng kiếm tre làm tay vươn cho mấy người ấy lên.
Khi bọn tiểu thiếp và tỳ tất của Vương Bắc lên bờ rồi, Thiên Nhiên lại đứng khép nép bên đường mà hầu hạ và nghinh tiếp.
Đến chừng bọn ấy dắt nhau lên chùa, Thiên Nhiên ở lại sau hỏi bọn thủy thủ rằng:
- Chuyến này sao lại không thấy lão gia?
Thủy thủ nói:
- Lão gia làm biếng không thèm đi, để cho mấy bà tiểu thiếp và mấy chị tỳ tất của người lên chơi một chuyến. Vậy Hòa thượng mau chạy theo, mời các bà vào chùa, kẻo ngày sau lão gia bắt lỗi. Thiên Nhiên lật dật chạy theo, đến nỗi vấp đá té sấp lở trán trầy chơn mà cũng không biết đau đớn chi cả.