Để kết thúc quyển sách này, tôi xin phép được trả lời một số câu hỏi đã được gửi đến bởi các độc giả yêu quý của tôi. Tất cả điều là những câu hỏi rất hay!
Nhóm chủ đề mà mọi người quan tâm nhiều nhất có lẽ là về sự hài lòng – sự hài lòng so với sự tự hoàn thiện, hay sự hài lòng so với sự tự mãn. Tôi thấu hiểu mối quan tâm này, vì đây cũng chính là một trong những điều mà tôi luôn luôn phải tự phản biện trong đầu mình khi bắt đầu khám phá về sự hài lòng. Tôi sẽ giải quyết các câu hỏi liên quan đến chủ đề này trước tiên, và sau đó sẽ tiếp tục đến những câu hỏi khác bên dưới.
Sự hài lòng, sự tự mãn và sự tự hoàn thiện
1. Làm thế nào để sự hài lòng với chính mình hòa hợp với nhu cầu phát triển bản thân và giúp đỡ người khác của con người?
Leo: Nhu cầu phát triển và giúp đỡ không hề mất đi khi bạn học cách hài lòng với bản thân và cuộc sống. Ví dụ như, tôi hài lòng với bản thân tôi hiện tại, nhưng tôi cũng vẫn rất yêu thích việc học thêm những cái mới. Cũng tương tự với việc giúp đỡ người khác. Mặt khác, theo kinh nghiệm của tôi, thậm chí bạn sẽ còn có khả năng giúp đỡ và học hỏi được nhiều hơn khi bạn biết hài lòng với chính mình.
2. Làm thế nào mà ta có thể cân bằng giữa nghệ thuật hài lòng và mong muốn hoàn thiện bản thân trong cuộc sống? Tôi thấy dường như với một số (hay đúng hơn là hầu hết) người, sự không hài lòng, ở một mức độ nào đó, lại chính là động lực để họ có thể tạo ra những sự thay đổi. Tuy nhiên, chắc phải có một điểm cân bằng nào đó. Tôi rất mong được anh chia sẻ thêm về điều này.
Leo: Thực tế thì, sự bất mãn lại không thực sự cần thiết cho lắm. Tôi nghĩ tất cả chúng ta ai cũng tin rằng sự thay đổi chỉ có thể đến từ sự không hài lòng, nhưng thật ra điều này hoàn toàn không đúng. Sự hài lòng và sự thay đổi không triệt tiêu lẫn nhau.
3. Tôi đã luyện tập Thiền hơn 25 năm nay, nên tôi hoàn toàn chắc chắn mình đã hiểu được về giá trị của việc tự hài lòng và tận hưởng cuộc sống, so với việc luôn phải chật vật tranh đấu với đời. Nhưng tôi cũng hiểu rằng vạn vật không mãi đứng yên một chỗ. Tôi muốn biết làm thế nào mà anh có thể giữ sự hài lòng của mình tránh khỏi sự sa ngã và tự mãn? Tôi biết rằng mình có thể làm được việc đó bằng cách đan xen giữa việc hoàn thiện bản thân và tận hưởng cuộc sống một cách đều đặn. Vấn đề là tôi thường bị kẹt lại ở mỗi trạng thái lâu hơn dự định của mình. Anh có lời khuyên nào cho tôi không?
Leo: Chắc chắn rằng sẽ có một cách điều chỉnh tinh tế nào đó để có thể đạt đến trạng thái cân bằng, nhưng tôi khuyên bạn hãy kết hợp cả hai trạng thái – tìm kiếm thành tựu/ hoàn thiện bản thân và tận hưởng cuộc sống – cùng một lúc. Thực ra, hai trạng thái này hoàn toàn tương hợp với nhau. Tận hưởng cuộc sống, cũng bao gồm khao khát giúp đỡ người khác (có thể đem đến thành quả) và niềm yêu thích học hỏi (có thể đem đến sự hoàn thiện bản thân). Ta không cần phải trì hoãn tất cả sự sung sướng lại để chuyên tâm giúp đỡ người khác hay học hỏi (hoặc những thứ khác có thể đem đến thành công và sự hoàn thiện). Sự bất mãn với bản thân quả thật có đem đến động lực cho quá trình hoàn thiện bản thân, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều nhất thiết phải như thế.
4. Nhiều người cho rằng khả năng “tự hài lòng” là cách nói giảm nói tránh của những người biếng nhác và thích “an phận thủ thường”. Như thế có đúng không?
Leo: Không, đây là một sự ngộ nhận về bản chất thật sự của tự hài lòng. Biết hài lòng không phải là làm biếng và không làm gì cả. Nó có nghĩa là thích và hạnh phúc với những gì ta đang làm, bao gồm cả việc làm việc chăm chỉ.
5. Sự tự hài lòng và sự tự mãn khác nhau thế nào? Biết hài lòng là một điều tuyệt vời – còn tự mãn thì lại là thảm họa.
Leo: Việc có cam kết với mọi người sẽ giúp ta rất nhiều. Ví dụ như, tôi có cam kết với những độc giả của mình rằng tôi sẽ giúp đỡ, rằng tôi sẽ là một người đáng tin tưởng, cũng như hứa rằng sẽ đem đến những bài viết chất lượng (ít nhất là chất lượng đối với tôi). Tôi có thể hài lòng với chính mình nhưng vẫn muốn hoàn thành cam kết đó. Tôi vừa hài lòng với chính mình, vừa vẫn có thể duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Tất cả những điều kể trên điều tốt đẹp, và bạn vẫn có thể làm được mọi thứ mặc dù bạn đã cảm thấy hài lòng.
6. Cân bằng những thứ dưới đây là một vấn đề lớn: giữa sự hài lòng trong hiện tại và những thành tựu trong tương lai; giữa thứ làm những người xung quanh hạnh phúc và thứ làm chính ta hạnh phúc.
Leo: Sự hài lòng có thể hiện diện trong tất cả mọi thứ khác – không loại trừ việc đạt được những mục tiêu đã đặt ra hay làm cho người khác hạnh phúc. Ví dụ, tôi vẫn có thể tự hài lòng với chính tôi và cuộc sống của mình trong khi vẫn mong muốn giúp đỡ nhiều người khác, và do đó mục tiêu trong tương lai của tôi là xây dựng nhiều ngôi trường mới ở vùng Đông Nam Á chẳng hạn. Mục tiêu của tôi được dẫn lối bởi sự khao khát giúp đỡ và yêu thương, hơn là sự thiếu hài lòng. Ta vẫn có thể tìm thấy niềm vui và hạnh phúc cho chính mình trong lúc đềm niềm vui đến cho người khác, do vậy hai việc này hoàn toàn không đối nghịch nhau. Tuy nhiên, tìm kiếm sự cân bằng giữa các hoạt động khác nhau là việc mà chúng ta luôn cần phải thực hiện, dù ta có thể đã biết cách hài lòng với bản thân rồi.
7. Theo thiển ý của tôi, sự hài lòng trái ngược với điều kiện tự nhiên của loài người. Chúng ta luôn có ham muốn chiếm hữu bẩm sinh. Maslow đã diễn tả ham muốn này trong mô hình tháp nhu cầu con người của mình. Chúng ta sẽ không bao giờ hài lòng cho đến khi chúng ta đạt được mức nhu cầu cao nhất là tự thể hiện mình. Hãy xét ví dụ về 1% những ngôi sao màn ảnh hiện nay. Mặc dù chẳng ai trong số họ cần phải chật vật kiếm tiền, nhưng thực tế là, phần nhiều trong số họ vẫn đang cảm thấy rất khổ sở đến độ phải tìm kiếm thú vui từ ma túy và các chất gây nghiện khác để cảm thấy thỏa mãn. Tôi hi vọng cuốn sách của anh sẽ giải quyết vấn đề làm thế nào để cảm thấy hài lòng với những thứ chúng ta đang có.
Leo: Quả thật việc biết hài lòng là trái ngược với điều kiện văn hóa của chúng ta. Nhưng có rất nhiều người trên thế giới, dù nghèo khó hay thậm chí sống trong các điều kiện gần như nguyên thủy vẫn tìm thấy sự hài lòng trong cuộc sống. do đó, việc tìm kiếm sự hài lòng không hề trái với bản chất của con người. Chắc chắn là ta khó có thể hài lòng được khi chưa thể đạt được mức nhu cầu thứ nhất của Maslow. Nhưng sự thật là sự hài lòng không cần bất cứ điều kiện tiên quyết nào cả – ta luôn có khả năng và phương tiện để làm được việc này, Đó là chính cách tư duy của chúng ta. Ta chỉ cần đánh giá đúng những giá trị bên trong và xung quanh mình. Khi đó, chúng ta có thể hài lòng bất cứ ở đâu và trong bất cứ tình huống nào.
Những câu hỏi tuyệt vời khác
1. Làm sao ông có thể vượt qua nỗi sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ nhiều thứ xung quanh (FOMO – fear of missing out)?
Leo: Một câu hỏi tuyệt vời! FOMO là trọng tâm của sự hài lòng với bản thân. Khi ta sợ rằng mình đang bỏ lỡ nhiều thứ đang diễn ra, thì thực chất ta đang lo lắng về điều gì? Ta sợ rằng mình đã không thể góp mặt vào một điều gì đó quan trọng, thú vị hay vui vẻ. Điều này bắt nguồn từ một ảo tưởng rằng ta có thể góp mặt trong mọi sự kiện quan trọng, thú vị và vui vẻ trên đời này. Tất nhiên các giấc mơ kiểu này chẳng bao giờ là thật cả; đó chỉ là ảo tưởng mà thôi. Khi ta nhận ra điều này, ta có thể chuyển sự tập trung vào những thứ đang ở ngay trước mắt – cái ta có, ta là ai, ta đang làm gì, và những người xung quanh ta. Đây mới chính là những điều tuyệt diệu, và ta chỉ cần nhận thức được những điều này để biết hài lòng với bản thân. Đây cũng là cách để chống lại nỗi sợ và những sự bất mãn khác.
2. Làm thế nào chúng ta có thể hài lòng được khi vợ, chồng, bạn bè, người thân đang cảm thấy không hài lòng? Làm sao để đối phó với sự bất mãn của người khác, hay làm cách nào để không để sự bất mãn của người khác làm ảnh hưởng đến mục tiêu tìm kiếm sự hài lòng của riêng mình?
Leo: Việc này rất khó khăn, nhưng cũng đáng để học hỏi. Thật tình mà nói, tôi vẫn đang phải học cách để làm việc này, nhưng những gì tôi đã học được đã giúp ích rất nhiều. Hãy xem lại chương “Phản ứng đối với hành động của người xung quanh” và “Đừng ràng buộc giá trị bản thân và hành động của người khác” và học cách quản trị phản ứng của mình đối với những lời nói hay hành động của những người thân quen. Ta có thể từng bước điều chỉnh phản ứng của mình để không phụ thuộc vào hành động của người khác. Một cách khá hay đó chính là biết cảm thông – họ đang bất mãn, cũng có nghĩa là họ đang phải chịu tổn thương. Ta biết rõ ràng cảm giác đó, và nó không vui vẻ gì. Vậy thì hãy biết cảm thông với những nỗi đau khổ của người thân, và tìm xềm ta có cách nào để giúp đỡ họ hay không (tất nhiên không phải theo kiểu thương hại).
3. Phải làm thế nào đối với những người luôn muốn thúc ép chúng ta làm việc nhiều hơn, đạt được nhiều hơn, trở thành thứ to lớn hơn, khi mà ta đã cảm thấy hài lòng với bản thân mình rồi?
Leo: Hãy mỉm cười và ôm họ một cái. Cái chúng ta cần học là dù ta có hài lòng về mình đến mức nào thì lúc nào cũng sẽ có người nghĩ rằng ta cần phải hành động khác đi, thúc ép ta, hoặc giận dữ, hay làm ta có cảm giác tội lỗi. Đó là chuyện thường ngày ở huyện, và ta không thể thay đổi cách mà thế giới tự thân nó vẫn vận động. Thứ duy nhất ta có thể thay đổi là cách mà ta nhìn nhận và xử trí những tình huống ấy. do đó, tôi khuyên mọi người nên học cách cảm thông với người khác, cười nhiều hơn, thực hiện nhiều hành động thân thiện hơn, như ôm nhau một cái chẳng hạn. Việc này có thể sẽ chẳng khiến họ thôi thúc ép hay làm phiền ta, nhưng quan trọng nhất là ta đã thay đổi được cách phản ứng của mình với họ.
An Phạm: Cuộc sống là 10% thực tại và 90% phản ứng của chính ta với đời. (Life is 10% of what it really is, and 90% of your reaction to it. – Internet quote)
4. Đôi khi tôi nghĩ ta có quá nhiều sự lựa chọn. Tôi nghĩ rằng việc người ta muốn quá nhiều thứ (thậm chí muốn tất cả) dễ khiến chẳng ai có thể hiểu được ý nghĩa của sự hài lòng trong cuộc sống của mình nữa.
Leo: Bạn đã đề cập đến hai khái niệm rất thú vị trong cùng một câu hỏi! Đầu tiên, việc có quá nhiều lựa chọn là một thử thách cực kì khó khăn. Những tình huống này giúp ta biết mình phải chọn một số nguyên tắc cho cuộc sống, như nguyên tắc vị tha và hay giúp đỡ người khác, nguyên tắc về sự tò mò, nguyên tắc về việc xây dựng các mối quan hệ chẳng hạn. Mặc dù vậy, ta vẫn sẽ không chắc chắn khi đứng trước những lựa chọn khác nhau, và cách giải quyết là phải biết chấp nhận sự không chắc chắn (đó là một phần tất yếu của cuộc sống). Hãy cứ chọn một phương án cho mình, mặc kệ những lo âu rằng liệu ta đã chọn đúng hay không (vì lo cũng chẳng giúp ích được gì). Ta sẽ chẳng bao giờ có thể chắc chắn hoàn toàn về lựa chọn của mình. Ta chỉ có thể thử, để xem chuyện gì sẽ xảy ra, và rút ra bài học. Thế nên, hãy cất ngay cái thực đơn đi sau khi bạn đã gọi món, quên nó đi, và ta sẽ hạnh phúc hơn.
Vấn đề thứ hai là sự theo đuổi các giá trị vật chất. Vâng, đúng là nó sẽ ngán đường ta trọng việc tìm hiểu hay thậm chí là thực hiện việc tìm kiếm sự hài lòng với chính mình. Các công ty thường cố ý, bằng cách này hay cách khác, làm cho người ta cảm thấy bất mãn theo một cách nào đó, để rồi bán cho họ một giải pháp (một chiếc xe hơi, giày mới, hay một món đồ hiện đại). Và do đó, chúng ta luôn luôn theo đuổi ảo tưởng rằng ta sẽ hạnh phúc nhờ vật chất, trong khi điều đó chẳng đềm lại kết quả thực sự nào, và đó cũng là giấc mơ không bao giờ chấm dứt. Tất cả chỉ là hư ảo. Chúng ta nghĩ mình cần phải có hết thảy những vật chất trên đời hạnh phúc, nhưng thực tế chúng lại không làm ta thấy hạnh phúc chút nào. Thay vào đó, ta cũng có thể sống vui vẻ ngay lúc này, với những thứ mà ta đã và đang có.
5. Vấn đề là tôi ít khi nhớ rằng mình cần phải hài lòng với những gì mình đang có. Khi tôi đã nhớ thì tôi hài lòng rất dễ dàng.
Leo: Tôi hoàn toàn đồng ý. Vậy làm cách nào mà chúng ta nhớ rằng mình phải hài lòng? Đó là một thói quen về mặt tinh thần, một thứ rất khó khăn để hình thành và thay đổi. Cách để chúng ta có thể thay đổi một thói quen tinh thần như thế này là liên tục luyện tập. Ta thử ngày hôm nay, ta có thể quên, nhưng sau đó hãy nhìn lại và nhận ra rằng mình đã không thực hiện được như ý định. Rồi lại tiếp tục cố gắng. Sự cố gắng không ngừng nghỉ đến từ một sự cam kết – không chỉ với chính ta, mà còn cho những người xung quanh. Ví dụ như, tôi nói với các con rằng tôi đang cố gắng trở thành một bậc phụ huynh biết quan tâm và cảm thông hơn khi nói chuyện với con cái – đây là những thứ tôi thường quên. Các con tôi biết tôi đang làm việc này, nên chúng sẽ quan sát tôi và giúp tôi nhớ mình phải làm gì. Thêm nữa, hãy luôn chuẩn bị cho mình một lịch nhắc nhở. Cài đặt hệ thống nhắc nhở bản thân theo từng phiên làm việc, có thể là nhắc bằng những bản tổng kết về những gì ta đã làm có liên quan đến việc tự hài lòng chẳng hạn.
6. Làm thế nào để đối phó với kì vọng của người khác? Tôi là một bà nội trợ đã có con, và tôi rất hạnh phúc khi ở bên đứa con hai tuổi của tôi. Mọi người luôn hỏi tôi khi nào thì tôi sẽ bắt đầu đi làm lại. Đó có vẻ là một việc “bình thường” mà ai cũng phải làm. Thật sự thì tôi hài lòng với mọi thứ, nhưng kì vọng từ những người khác làm tôi có cảm giác rất tội lỗi.
Leo: Việc quản lý cảm xúc nội tâm đối với kì vọng của người khác là cực kì quan trọng, vì bất kể ta làm gì thì những sự mong đợi này cũng luôn xuất hiện. Chúng ta có thể cố gắng làm theo những kì vọng này, nhưng rồi thì cũng lại sẽ có những người khác, với những kì vọng khác. Ai lại muốn sống chỉ để thực hiện mong muốn của người khác chứ? do đó, chúng ta cần dẹp bỏ ý nghĩ rằng mình cần sự đồng tình và ủng hộ của tất cả mọi người cho những việc ta làm, vì điều đó là không thể. Thay vào đó, ta cần giải phóng mình khỏi họ để nhận thức được sự tuyệt vời của chính con người mình, cũng như của những công việc mà ta đang làm Ta sẽ là người đồng ý cho ta làm những gì ta muốn – chính ta, chứ không phải bất kì ai khác.
Cuối cùng, đây cũng là một cơ hội để thay đổi mọi người – khi họ biểu thị sự quan tâm đến ta, hãy cảm ơn và sau đó hãy nói về việc ta đang làm, giải thích cho họ rõ. Việc bạn bè lo lắng cho ta là vô cùng tuyệt vời – điều đó có nghĩa là họ có quan tâm đến ta. Ta nên biết ơn họ vì điều đó, nhưng cũng hãy làm cho họ hiểu về những việc ta đang làm. Đây là một quá trình lâu dài, do đó hãy cứ lạc quan, mỉm cười, và hài lòng với bản thân mình.
7. Làm thế nào để thấy hạnh phúc và cân bằng giữa cuộc sống sinh hoạt và làm việc?
Leo: Đây là một câu hỏi khó vì mỗi người lại có một khái niệm về “cân bằng sinh hoạt và làm việc” khác nhau. Như chúng ta đã biết, làm việc là một phần của cuộc sống, do đó, việc phân tách chúng ra khỏi đời sống là giả tạo và không cần thiết. Thường người ta muốn nói rằng là họ phải làm việc quá nhiều, và muốn có thêm thời gian dành cho những việc khác. Việc đó hoàn toàn chính đáng. Ta có thể thiết lập giới hạn cho công việc, thực hiện lời hứa với mọi người xung quanh (gặp mặt bạn bè để đi bộ, chạy hay đi dạo,…), dành thời gian để thiền hay tập yoga, đăng ký học nhạc hay ngoại ngữ,… Nhưng ta cũng phải biết hài lòng khi làm việc, và ta hoàn toàn có thể làm được nếu làm theo những nguyên tắc được trình bày trong quyển sách này.
8. Tôi thấy rất khó mà bằng lòng với những kiến thức mình đã thu được, và do vậy tôi luôn cố tìm hiểu thêm (qua sách báo, phim ảnh, hội thảo hay các nghiên cứu) về nhiều chủ đề khác nhau. Vậy làm như thế nào để ta có thể cảm thấy hài lòng với những kiến thức ta đang có?
Leo: Có hai kiểu tìm kiếm kiến thức: Kiểu thứ nhất là suy nghĩ rằng những điều ta biết là chưa đủ, hoặc nghĩ rằng ta vẫn còn chưa biết một điều gì đó nên biết. Vì vậy, ta cần học hỏi. Kiểu thứ hai là ta hài lòng với những gì mình đang có, nhưng vẫn muốn tiếp tục học hỏi nhiều điều khác. Lúc này, bạn vui vẻ học hỏi những điều mới mẻ thú vị trong cuộc sống mình. Tôi tán thành với kiểu thứ hai. Hãy từ bỏ những suy nghĩ về một trình độ kiến thức tuyệt vời, lý tưởng đi, và hãy thật sự hài lòng với những gì mình đang có, giống như những gì tôi muốn gửi gắm qua quyển sách này.
9. Về cơ bản, khó khăn mà ta gặp phải khi bắt bản thân hài lòng với những gì mình đang có liên quan đến những hoài bão hay quyết định mà ta chưa thể thực hiện được. Đơn giản là, đời không như mơ. Tôi hiểu rằng Chánh Niệm (là sự tỉnh giác, hiểu rõ những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, một cách vô tư, không phê phán, không so sánh) là công cụ mạnh nhất giúp ta học cách cho đi, đánh giá đúng hoàn toàn với thời điểm hiện tại, biết hài lòng và biết cảm ơn. Thế nhưng, có vẻ như ta phải mất một thời gian dài mới xây dựng Chánh Niệm trong lòng mình đủ vững chắc để nó có thể tự phát ra trạng thái thỏa mãn trong lòng mình. Anh có phương pháp nào giúp đạt được Chánh Niệm để hài lòng với bản thân nhanh và hiệu quả hơn không?
Leo: Chánh niệm thật sự quan trọng bởi nó là điều kiện tiên quyết để giải quyết được những lý tưởng, sự kỳ vọng, đánh giá và so sánh mà ngày ngày chúng ta luôn suy nghĩ trong đầu. Thật không may là hầu như chúng ta không nhận thấy được quá trình này. Vì vậy ta cần học cách nhận thức chúng. Đó là những gì Chánh Niệm làm. Chúng ta cần nhận thức rõ ràng về quá trình này từ bên trong. Bạn có thể ngồi thiền hay tập yoga, hoặc đơn giản hơn là tự nhắc bản thân phải chú ý đến những suy nghĩ của mình vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Cứ tiếp tục như thế cho đến khi bạn có thể thấu hiểu những suy nghĩ của chính mình, cũng như hiểu rõ bản chất của các tác nhân bên ngoài một cách tự nhiên, không cần ai nhắc nhở.
10. Vấn đề của tôi là tôi thường cảm thấy tội lỗi khi tự cảm thấy hài lòng với bản thân mình. Những cảm giác hài lòng này chỉ có thể đạt được khi tôi tự khám phá bản thân một cách riêng tư, và rất khó để có thể giải thích hay chia sẻ với bất cứ ai. Tôi có thể sắp xếp để có những khoảnh khắc riêng tư và an bình với chồng con. Nhưng với bà con, họ hàng hay bạn bè, thì những lúc như vậy khiến tôi có vẻ vô ơn và xa cách. Để đạt được trạng thái hài lòng đó, trong trường hợp của tôi, cần phải có quá nhiều thời gian ở một mình. Đó là lý do tôi đã dành hết 40 năm cuộc đời mù quáng không màng gì đến nhu cầu của bản thân. Và giờ là lúc tôi lấy lại những năm tháng đã qua. Nhưng thật khó chịu khi cha tôi, chị em, người thân và bạn bè, họ xem tôi như người xa lạ. Cảm giác tội lỗi ấy đã ngăn cản tôi bước đi trên con đường dành cho chính mình.
Leo: Một câu hỏi hay. Thời gian riêng tư là tuyệt vời nhất, nhưng có lẽ bạn có thể thay đổi cách bạn giao tiếp với người khác để không có vẻ xa lạ hay vô ơn nữa. Trạng thái thỏa mãn không có nghĩa là mất đi sự ấm áp, lòng vị tha hay sự biết ơn với những người xung quanh. Trên thực tế, tôi nghĩ sẽ tốt hơn khi kết hợp cả 2 cách lại. Vậy thì, hãy cứ giữ những khoảnh khắc riêng tư, nhưng khi ở cùng mọi người, hãy giao tiếp, chú ý và bày tỏ cảm xúc với họ nhiều hơn nhé.
11. Vậy làm thế nào để ta tìm thấy sự hài lòng khi đang đau buồn tột độ? Không đơn giản là kiểu nỗi đau do sự mất mát lớn gây nên, mà là một nỗi đau âm ỉ trong lòng khiến ta phải chịu đựng suốt đời còn lại. Cuộc sống tôi hiện giờ cũng thoải mái, tôi đã nghỉ hưu rồi. Nhưng có vẻ như niềm vui hay cảm giác hài lòng chỉ thoáng qua tôi trong giây lát mà thôi.
Leo: Vấn đề này khá quan trọng và đầy thử thách. Dĩ nhiên, xử lí vấn đề này không dễ. Tuy nhiên, sẽ dễ dàng hơn nếu ta nhìn vào gốc rễ quá trình đang xảy ra: Nỗi đau giằng xé không đến từ việc mất mát ai đó hay vật gì đó trong đời, mà là từ những mất mát nội tâm, khi ta cứ muốn cuộc đời ta phải đi theo một hướng nào đó (ví dụ như muốn có một người nào đó trong đời chẳng hạn). Tôi không có ý nói rằng những mất mát của bạn là tầm thường. Tôi muốn bạn chú ý đến những việc ta thường làm khi đau khổ. Ta ca thán về một giấc mơ lý tưởng đã vỡ tan, về những viễn cảnh không bao giờ thành hiện thực. Thế nhưng, ta phải biết rằng mình có thể buông bỏ những giấc mơ phi thực tế. Sự thực là, đời ta không thể chắc chắn theo hướng này hay hướng kia, và chính bản thân ta cũng không thể chắc chắn trở thành người này hay người kia được. Không gì là của ta mãi mãi. Cuộc sống luôn thay đổi. Hãy làm chủ sự thay đổi. Hãy nhìn nhận nó với một con mắt khác để thấy những điều tốt đẹp bên trong nó. Dĩ nhiên, thật khó chịu khi ta phải vui vẻ trong lúc có người vừa mới khuất bóng (tôi hoàn toàn không nói như vậy), nhưng việc chấp nhận sự thay đổi trong đời (và ở cả bản thân) là vô cùng quan trọng. Ừ thì một người sẽ không còn ở bên ta, thật buồn, nhưng đó cũng là một cơ hội để làm lại cuộc sống và con người mới để hòa hợp với thực tế mới này. Tôi nhắc lại, đây là một vấn đề khá khó đối mặt, nhưng rất đáng tìm hiểu, bởi thực tế là điều này luôn luôn có thể xảy ra với tất cả chúng ta, với những mức độ khác nhau.
12. Làm thế nào mà ta có thể hài lòng, khi mà trong quá khứ ta đã phạm sai lầm, mà sai lầm này lại đeo bám ta suốt quãng đời còn lại? Kiểu như hậu quả của sai lầm ấy luôn lởn vởn trước mặt ta mỗi ngày, và ngày một ảnh hưởng tới cuộc sống ta càng nhiều ấy.
Leo: Trong cuộc sống sẽ luôn có những quyết định sai lầm, đi kèm theo là hậu quả. Không ai có thể xóa bỏ hay thay đổi nó cả. Điều duy nhất ta có thể làm là thay đổi cách nhìn về những sai lầm này, và dũng cảm đối diện với những gì nó mang lại. Hơn nữa, nhìn lại những sai lầm cũng là một cách học tập rất tốt. Ta luôn học hỏi, và việc phạm sai lầm là một phần không thể thiếu trong quá trình đó. Nếu bạn biết cách đối mặt với sai lầm thì sẽ rất hay.
Ta có thể xem sai lầm trong quá khứ là một tác nhân bên ngoài. Khi đó, sai lầm chỉ thật sự tệ hại nếu ta đềm nó đi so sánh với những thứ siêu lý tưởng (kiểu như ta hay cho rằng mình có thể làm tốt hơn, nhưng dĩ nhiên điều đó là không thể – ta đã cố hết sức mình rồi). Nếu ta nhận ra rằng sai lầm là yếu tố khách quan, thì ta sẽ có thể dễ dàng buông bỏ các ảo tưởng trong đầu mình (những thứ này không hay chút nào). Khi đó, ta có thể tập trung nhìn về phía trước.
13. Tôi vẫn không hiểu làm sao để trở thành người vĩ đại được [Leo viết: Tôi nghĩ câu hỏi này có liên quan với bài viết của tôi về Warren Buffett, người được xem là nhà đầu tư vĩ đại nhất tự cổ chí kim.]. Có phải là ta nên kết bạn với những người thành công hay không? Hay là ta phải thân thiện? Làm thế nào tôi có thể tìm thấy sự thỏa mãn ở một nơi mà việc tìm kiếm hòa bình là điều bất khả thi, khi mà xung quanh toàn là những người có cái tôi cực lớn. Tôi đang ở thành phố New York, Queens, và những người ở đây hình như bị hoang tưởng cả rồi; họ sống khép kín vô cùng. Những ai chủ động nói chuyện với người khác đều được vinh dự bị kẻ khác xem là “điên”, hay đại loại thế; và hầu như ai cũng sống kiểu đèn nhà ai nấy rạng. Họ không muốn mở lòng với bất kì ai. Có vẻ như họ không muốn trải nghiệm cuộc sống cho lắm.
Leo: Hãy ở cùng những người tư duy tích cực, những người sẽ ủng hộ ta, tạo cảm hứng cho ta, tin tưởng ta sẽ thay đổi được thế giới. Hãy xây dựng quan hệ và lòng tin, hãy là một người đáng tin cậy, thực lòng giúp đỡ người khác, tập trung trở thành người giỏi trong lĩnh vực của mình. Dĩ nhiên, sống trong một môi trường mà ai cũng biết mỗi mình mình thì cũng không hay. Để đơn giản, ta có thể thay đổi chỗ ở (ví dụ, tôi đã chuyển từ Guam sang San Francisco vì một số lý do), hoặc ta có thể xây dựng một cộng đồng mạng, nơi ta có thể giao lưu không giới hạn với bất cứ ai trên thế giới này. Tôi tin nếu ta đủ thân thiện, tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ, không sớm thì muộn, ta sẽ tìm thấy những người hàng xóm tốt, dù cho những người khác có đánh giá ta thế nào đi nữa. Mọi việc rồi sẽ tốt hơn thôi mà.
14. Tôi không biết làm thế nào ta có thể hài lòng khi đang đầu tắt mặt tối học thi. Làm thế nào ta có thể thỏa mãn với những quyết định khó khăn như phải xa người thân, bạn bè đi du học, hoặc quyết định ở lại làm việc ở một nơi hẻo lánh nào đó …
Leo: Ta có thể vừa bận rộn vừa hài lòng. Sự hài lòng ở đây vốn chỉ là hạnh phúc mà ta cảm nhận được về chính mình và cuộc sống. Do đó, ta sẽ luôn hạnh phúc dù đang học hay kiểm tra, và ngay cả khi đang bận tối mặt. Một quyết định khó sẽ luôn luôn khó, ngay cả khi ta hài lòng với nó. Cách duy nhất là hãy bằng lòng với mỗi quyết định của mình, và hãy để những nỗi lo rằng mình đã lựa chọn sai ra đi. Hãy tập trung thực thi quyết định đã rồi, nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn cho bản thân trong quá trình này.
Tuki: Ngồi tiếc một câu TOEIC nghe chưa kịp sẽ làm ta tịt ngòi luôn một chuỗi các câu tiếp theo. Thay vì ngồi tiếc, hãy kệ nó đi và chuẩn bị cho những câu kế đó.
15. Phải làm sao để tìm được sự bình an khi đời vốn đã… quá bình an? (Vấn đề là tôi không muốn cuộc sống quá êm đềm… Tôi thích cuộc sống nhiều thử thách, và đó đã là tiêu chuẩn sống của tôi rồi.)
Leo: Chúng ta rơi vào một thói quen tâm lý, như kiểu nghiện trạng thái phấn khích hay kịch tính. Ta thường đánh đồng trạng thái cân bằng hạnh phúc và sự phấn khích. Khổ cái là khi ta phấn khích vì một thứ quá lâu, nó sẽ trở nên tầm thường. Thật tốt khi bạn nhận ra điều này. Tuy nhiên, chúng ta có thể từ bỏ thói quen đó bằng cách nhận thức và thực hành. Khi mọi thứ bắt đầu êm đềm, hãy tập trung đánh giá đúng nét đẹp của sự yên bình, thay vì cứ chăm chăm tìm những thứ ồn ào náo nhiệt trong đời. Khi ta nhận thấy mình cứ chờ mong sóng gió xảy đến, hãy tỉnh táo, và bắt đầu tập trung đánh giá lại những gì ta đang có. Luyện tập nhiều là sẽ thành công.
Tuki: Không ai không thích đời mình như phim. Và chẳng ai thích một bộ phim chẳng có sự kiện gì nổi bật. Thế nhưng, vẻ đẹp của cuộc sống lại thường nằm ở những khoảnh khắc bình yên ấy. Hãy chú ý và trân trọng sự bình an. Đừng để bản thân mình quá phụ thuộc vào những sự kiện đầy kịch tính, bởi đó vẫn chỉ là những thứ bên ngoài mà thôi.