Sự hài lòng chủ yếu được xác định bởi mức độ hài lòng về bản thân của mỗi chúng ta. Nhưng làm thế nào để biết cách chấp nhận bản thân? Hãy xem xét một vài kỹ thuật giúp ta biết cách chấp nhận mọi mặt về bản thân mình – cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Dĩ nhiên không thể làm mọi thứ cùng lúc, nhưng bạn có thể thử làm một điều trong vài ngày, sau đó thử cách tiếp theo. Từ từ, bạn sẽ xây dựng được một bộ kĩ năng tự chấp nhận bản thân khá hữu dụng.
Các kỹ thuật
1. Luyện tập nhận thức một cách thoải mái. Ngược lại với việc mất tập trung, cũng khác với tập trung tuyệt đối, nhận thức một cách thoải mái là việc nhận biết về các suy nghĩ, cảm xúc, nỗi đau, những phán xét và tự phê bình của bản thân,… Đó là nhận thức về sự tồn tại của chúng ta, và về cả những dòng hiện tượng đang diễn ra vào thời điểm hiện tại, gồm cả tư duy, cảm xúc, và các tác nhân bên ngoài. Để luyện tập kỹ thuật này, hãy nhắm mắt lại trong một phút. Và thay vì cố gắng đẩy suy nghĩ ra xa, hay cố tập trung hít thở, thì hãy đơn giản nhận biết các suy nghĩ, cảm xúc và cơ thể của chính mình. Ta có thể gặp phải các suy nghĩ hay cảm xúc tiêu cực. Không sao cả. Cứ biết là ta đang có những cảm xúc này. Nhìn thế thôi. Đừng cố tích cực hóa, cũng đừng cố loại bỏ. Ta có thể luyện tập như thế 5 phút mỗi ngày, hoặc có thể lên đến 30 phút nếu muốn.
Tuki: Điểm mấu chốt nằm ở chỗ nhận thức nhưng không bị những thứ nhận thức được làm tâm hồn bất an hay mất cân bằng.
2. Chào đón những gì ta nhận thức được. Khi đang luyện tập, ta sẽ nhận thức được một số suy nghĩ tiêu cực, nỗi sợ hãi, suy nghĩ vui, hay phán xét bản thân,… Ta thường muốn ngăn chặn những tư duy và cảm xúc tiêu cực, nhưng như thế thì cũng chỉ là ép buộc bản thân, né tránh hay phủ định điều tiêu cực. Thay vì thế, hãy chào đón những trạng thái này, mời những thứ tiêu cực vào, hun nó một cái, rồi ôm nó một cái. Đó là một phần của cuộc sống, và không hại gì cả. Nếu bạn thấy mình tập kỹ thuật này quá kém, thì cũng chả sao. Cứ ôm những cảm xúc tiêu cực một cái, kệ nó, để nó đó một lúc cũng không hề gì. Những cảm xúc này không hề xấu. Đó chính là những cơ hội để ta tự khám phá bản thân mình. Khi ta cố né tránh những cảm xúc tiêu cực, ta lại càng làm đau chính ta mà thôi. Thay vì thế, hãy nhìn nhận ra những điểm tốt trong những cảm xúc ấy, và tìm kiếm cơ hội. Hãy hòa hợp với nó.
Tuki: Vấn đề của nhiều bạn khi luyện tập tư duy tích cực đó là cố ép mình tư duy tích cực. Thực tế là tư duy tích cực phải bắt nguồn từ vô thức chứ không phải dùng ý chí ép buộc mà có được.
3. Đừng tự đánh giá bản thân. Trong quá trình nhận thức bản thân, ta sẽ chợt nhận ra rằng ta đang tự đánh giá mình. Ta đánh giá bản thân dựa trên người khác, kiểu như ta “giỏi” hay “dở” ở một số lĩnh vực nào đó, hay là quá mập, quá ốm, quá xấu chẳng hạn. Đây là một thứ không hay lắm. Điều này không có nghĩa là ta phải cố đuổi những suy nghĩ này đi. Nó có nghĩa là ta nên nhận thức được mình đang nghĩ gì, và nhìn nhận những kết quả thu được từ hoạt động này. Sau khi nhận ra rằng việc tự đánh giá bản thân thường xuyên làm ta đau khổ, thì ta sẽ vui vẻ mặc kệ nó kịp thời. Hãy dành thời gian biết ơn cuộc sống. Thức dậy vào buổi sáng, ta hãy nghĩ về những thứ ta chân thành biết ơn. Kể cả những điều ta đã làm cho chính mình. Nếu ta thất bại khi làm bất cứ chuyện gì, thì hãy tìm xem ta nên biết ơn cái thất bại này như thế nào. Nếu ta không hoàn hảo, thì sự không hoàn hảo đó đã giúp ta thế nào? Viết về những điều này mỗi ngày, hoặc mỗi tuần, nếu cần thiết.
4. Cảm thông và tha thứ cho bản thân mình. Nếu ta phát hiện mình đang phát xét, đánh giá bản thân, thì hãy thử biến những suy nghĩ này thành sự tha thứ và cảm thông. Nếu ta đánh giá chính mình vì không làm được hay làm kém việc gì đó, thì liệu ta có thể tự tha thứ cho chính mình như đã từng tha thứ cho những người xung quanh ta? Liệu ta có thể hiểu được lý do tại sao chính ta lại làm hỏng, và liệu rằng có phải bản thân ta không cần được tha thứ hay không? Nếu ta thực sự tìm hiểu một cách nghiêm túc, ta sẽ nhận ra rằng mình đã cố hết sức trong trường hợp đó, với tất cả tài năng của mình. Và có thể ta không cần tha thứ, nhưng cần hiểu chính bản thân ta, để rồi từ đó tìm kiếm những việc làm có thể giảm nỗi buồn khổ trong lòng mình.
5. Học hỏi từ mọi thứ. Ta thường cho rằng thành công là tốt, thất bại là xấu. Nhưng nếu ta biết học hỏi từ mọi thứ thì sẽ tốt hơn nhiều. Ngay cả những phần tăm tối nhất cũng là một phần của bản thân ta rồi. Sẽ có những điều thú vị và hữu dụng ẩn chứa bên trong phần tăm tối ấy.
6. Đừng để cảm xúc chi phối. Khi ta đang có những cảm xúc tiêu cực, hãy xem chúng như một sự kiện bên ngoài, không phải là chính ta, và nhìn những cảm xúc ấy. Hãy loại bỏ cái sức mạnh vô hình mà cảm xúc tiêu cực mang lại. Cảm xúc không phải là những mệnh lệnh mà ta phải tin tưởng và tuân theo. Đó chỉ là những sự vật lướt ngang qua ta, nhưng một cái lá rơi trong gió vậy. Chiếc lá không điều khiển ta. Cảm xúc tiêu cực cũng thế mà thôi.
7. Tâm sự với bạn bè. Đây là kỹ thuật tôi rất thích. Khi ta gặp khó khăn trong việc tách bạch suy nghĩ và cảm xúc để nhìn nhận vấn đề một cách rõ ràng, thì hãy tâm sự với bạn bè. Hãy kể những vấn đề này với bạn bè, người yêu, đồng nghiệp,… để giúp ta hiểu chính mình hơn. Kết hợp tâm sự với các kỹ thuật trên.
Một khi ta đã biết cách chấp nhận bản thân và nhận ra rằng điều này rất dễ đạt được, thì ta sẽ luôn có thể chấp nhận chính mình ở mọi lúc, mọi nơi. Ta có thể học hỏi, sáng tạo và tạo quan hệ với người khác, với sự tự chấp nhận làm nền tảng. Nếu bạn biết tự chấp nhận, bạn có thể thay đổi mọi thứ.
Bước hành động:Cố gắng luyện một trong những kỹ thuật trên mỗi ngày. Làm thử một tuần, sau đó chuyển sang bước kế tiếp. Luyện tập đều đặn, các kĩ năng trên sẽ trở thành một điều gì đó vô cùng tự nhiên trong chính bản thân ta.