Cai trị trong hơn 800 năm, nhà Chu đã đưa Trung Quốc đạt tới thời kỳ hoàng kim của sự phát triển đô thị, thương mại và văn hóa đế quốc Trung Hoa thời sơ khởi.
Nhà Chu khởi tổ từ một nhóm dân du mục định cư ở lưu vực sông Vị màu mỡ miền Tây Trung Quốc. Họ đã lật đổ vua Trụ, ông vua cuối cùng của nhà Thương, độc ác và ăn chơi xa hoa. Lãnh thổ của nhà Chu không phải là một vương quốc thống nhất mà gồm các tiểu quốc rộng lớn thần phục nhà Chu. Xã hội chia thành tầng lớp quý tộc giàu có, thường dân, nô lệ và có một giai cấp là thương gia. Nhà Chu đưa nghề kim khí vào Trung Quốc, dùng kim loại sản xuất vũ khí, đồ gia dụng và nông cụ như lưỡi cày. Dụng cụ bằng sắt giúp việc canh tác dễ dàng hơn và tạo lợi thế cho binh lính nhà Chu trong chiến tranh.
Sau một vài thế kỷ cai trị, quyền lực của nhà Chu suy giảm và Trung Quốc bước vào thời kỳ “Xuân Thu” bất ổn. Nhà vua nắm quyền trên danh nghĩa nhưng luôn bị một lãnh chúa chư hầu hùng mạnh nhất áp chế. Tiếp theo là thời “Chiến Quốc”, bảy nước chư hầu lớn nổi lên chiếm vị trí áp đảo. Chính trong thời kỳ hỗn loạn này đã hình thành hệ tư tưởng cổ điển của người Trung Hoa - thời của Khổng Tử và Lão Tử, của các nhà hiền triết. Vào thời này, xuất hiện tư tưởng về một nhà nước đế quốc Trung Hoa tập quyền.