Bách Khoa Thư Lịch Sử

Hy Lạp: Thời Đại Đen Tối (1100–600 TCN)

HY LẠP: THỜI ĐẠI ĐEN TỐI (1100–600 TCN)

Nhiều thị dân Mycenae phải bỏ chạy khỏi quê nhà khi bị hải tặc lang bạt, tức Dân Biển (Sea Peoples), tấn công; số còn trụ lại được là dân sống ở nông thôn. Người Doris từ Balkan tới và thống trị Hy Lạp từ khoảng năm 1100 TCN.

Khi nhiều người Mycenae chạy trốn vào khoảng năm 1200 TCN, Hy Lạp bước vào “Thời đại Đen tối”. Khoảng trống mà họ bỏ lại được một dân tộc mới là người Doris lấp đầy.

Không có sử liệu nào được chép lại về Thời đại Đen tối kéo dài hơn 500 năm này. Người Doris không có nền văn hóa cũng như các kỹ năng của người Mycenae. Họ nói một thứ tiếng Hy Lạp khác và còn chưa biết ghi chép lại các sự việc.

Homer là một thi sĩ mù. Ông sáng tác Iliad và Odyssey vào khoảng năm 800 TCN, mô tả con người và sự kiện trong thời kỳ đó. Có lẽ ông đã thu thập tất cả truyền thuyết ở Mycenae và kể lại. Ông thường hát hoặc đọc các bài thơ của mình trước công chúng.

CÁC THIÊN ANH HÙNG CA

Người Doris lưu giữ ký ức về thời kỳ của người Mycenae bằng cách truyền miệng những bài anh hùng ca (saga) dài. Khi tiếp nhận chữ viết từ người Phoenicia, họ chép lại các bài thơ này. Hai thiên anh hùng ca IliadOdyssey của Homer kể về cuộc vây hãm thành Troy và một trong những anh hùng của cuộc chiến là Odysseus. Những vật tìm thấy trong các ngôi mộ ở Mycenae khớp với sự mô tả của Homer trong hai tác phẩm trên.

Người Hy Lạp thích nghe chuyện về các vị thần và những người anh hùng. Trong ảnh, một nghệ sĩ hát rong người Doris đang kể chuyện lịch sử bằng thơ cho mọi người nghe. Nghệ sĩ hát rong không chỉ là người mua vui mà còn là thầy giáo và người đưa tin.

CUỘC SỐNG THÀNH THỊ

Trong Thời đại Đen tối, nếp sống thành thị bị bỏ bê, người dân sống trong các bộ lạc dưới sự cai quản của thủ lĩnh quân sự. Khoảng từ năm 600 TCN, đời sống thành thị lại được khôi phục và các cuộc xâm chiếm thuộc địa bắt đầu. Quyền lực do một hay một nhóm thủ lĩnh tự phong nắm giữ. Hoạt động buôn bán, dân số và sự thịnh vượng cùng gia tăng. Sau thời kỳ bất ổn vào khoảng năm 500 TCN, một số thành phố như Athens đã đưa những người chủ trương cải cách lên tổ chức lại chính quyền, luật pháp và hoạt động thương mại. Đây là điểm khởi đầu của Hy Lạp Cổ đại.