Ác Quỷ Nam Kinh

Chương 37

Nam Kinh, ngày 20 tháng Mười hai năm 1937 (ngày mười tám tháng Mười một âm lịch)

Đây chính là bài học của tôi.

Khi mặt trời bắt đầu nhô lên, tôi bật đài để nghe tin tức. Vẫn chưa có tuyên bố chính thức nào về việc người dân có thể an toàn đi ra ngoài phố. Chờ khi trời sáng bạch, tôi uống vài ngụm trà rồi lẳng lặng mặc quần áo, khoác chiếc jacket nhồi lông ra ngoài rồi rời khỏi nhà, khép cánh cửa lại sau lưng và dừng lại một lát để nghe ngóng xung quanh xem có động tĩnh gì không. Bên ngoài, tuyết rơi nhẹ, những bông tuyết trắng mỏng manh rơi trùm lên đống tuyết bẩn thỉu cũ kỹ của ngày hôm trước. Tôi nhẹ nhàng di chuyển giữa các ngôi nhà và chẳng bao lâu thì tới được nhà ông Lưu, vòng ra phía cổng hậu và gõ cửa theo ám hiệu quy định. Một lúc sau vợ ông Lưu ra mở cửa rồi đứng nép sang một bên nhường đường cho tôi, không nói một lời nào. Bà mặc trên người rất nhiều lớp quần áo, trên cùng là một chiếc áo dài của nam giới rách tả tơi, mắt đỏ au.

Bên trong nhà rất lạnh và ngay lập tức tôi có thể cảm thấy bầu không khí căng thẳng đang bao trùm. Nhìn điệu bộ ông Lưu khi ra đón thì tôi biết ngay là có chuyện gì đó đã xảy ra.

“Có chuyện gì vậy?”

Ông không trả lời. Ông ra hiệu cho tôi đi theo vào một căn phòng nhỏ bừa bãi nơi cậu con trai đang ngồi với dáng vẻ vô cùng thiểu não, đầu cúi gằm. Thằng bé mặc một chiếc áo khoác nhà binh kiểu Tôn Trung Sơn rách tả tơi, rộng quá khổ so với đôi vai gầy guộc khiến nó trông càng nhếch nhác và nhem nhuốc một cách đáng thương hơn bao giờ hết. Trên chiếc bàn trước mặt thằng bé là một chiếc túi bẩn thỉu, và hình như từ đó vãi ra một ít bột mì kiều mạch.

“Nó ở bên ngoài suốt đêm,” ông Lưu nói. “Mang thức ăn về nhà.”

Tôi nhìn túi thức ăn một cách đói khát. “Ôi sư phụ Lưu, tôi kính phục sự dũng cảm của già đấy. Đây thực sự là một tin tốt. Đúng là tin tốt.”

Bà Lưu mang tới cho chúng tôi những chiếc bánh bao làm từ bột kiều mạch, một đĩa để tôi ăn ngay và thêm vài chiếc bọc khăn vải đặt trong một cái vỉ hấp bằng nan để mang về cho Thu Kim. Bà đặt chúng xuống trước mặt tôi không nói một lời, thậm chí cũng không nhìn tôi rồi bỏ luôn về phòng. Tôi ăn ngấu nghiến, ăn trong khi vẫn đứng, thức ăn nhét đầy miệng, vừa nhai vừa nhìn lên trần nhà một cách vô định. Ông Lưu và con trai ý tứ quay đi chỗ khác. Nhưng dù đang hưng phấn vì có thức ăn, tôi vẫn không thể không để ý đến thái độ giữa hai cha con họ.

“Chuyện gì vậy?” Tôi nói, miệng vẫn nhồm nhoàm thức ăn. “Có chuyện gì thế?”

Ông Lưu khẽ lấy chân huých vào chân thằng bé: “Hãy kể cho chú ấy nghe chuyện gì đã xảy ra đi.”

Thằng bé ngước lên nhìn tôi. Mặt nó trắng bệch và nghiêm trang. Như thể nó vừa đánh mất tuổi thơ của mình vào đêm hôm trước. “Cháu đã đi ra ngoài,” nó thì thào.

“Sao nữa?”

Thằng bé hếch cằm lên chỉ ra phía ngoài đường rồi nói tiếp: “Ngoài đó. Cháu đi lang thang suốt đêm và nói chuyện với mọi người.”

Tôi nuốt vội miếng bánh cuối cùng, có cảm tưởng như nó mắc lại ở giữa họng. “Và cháu vẫn có thể về nhà một cách yên ổn. Đường phố đã an toàn rồi sao?”

“Không ạ,” nước mắt chợt trào ra trên mặt thằng bé. Tim tôi như chùng xuống. “Không đâu ạ. Đường phố không an toàn chút nào. Quân Nhật là những con quỷ dữ. Những tên riben guizi.” Thằng bé ngước mắt lên nhìn cha nó với một vẻ hết sức dằn vặt. “Bố đã nói là chúng chỉ giết quân nhân thôi. Sao bố lại nói thế?”

“Bố đã tin là thế. Bố cứ nghĩ chúng sẽ để chúng ta yên. Rằng chúng ta sẽ được coi như dân tị nạn.”

“Tị nạn.” Thằng bé lấy tay áo chùi mắt. “Có một chỗ dành cho những người mà họ gọi là dân tị nạn.”

“Ở trường đại học đúng không? Thế cháu có tới chỗ đó không?” Tôi hỏi.

“Không chỉ có cháu. Không phải chỉ có cháu ở đó. Còn có cả bọn Nhật nữa. Chúng mang ‘những người tị nạn’ đi. Cháu đã nhìn thấy tất cả. Chúng xiên họ lại với nhau.” Thằng bé lấy tay chỉ vào phần mềm trên cổ. “Chúng dùng dây thép gai xuyên qua chỗ này và xâu họ lại với nhau, giống như, giống như một cái vòng chuỗi. Một cái vòng chuỗi, xâu toàn người.”

“Cháu thực sự đã chứng kiến chuyện đó à. Ở khu tị nạn?”

Thằng bé lại dụi mắt khá mạnh khiến mặt nó trở nên nhem nhuốc vì những dòng nước mắt và bụi đóng cáy lại. “Cháu đã nhìn thấy tất cả. Tất cả mọi thứ. Và cháu đã nghe thấy tất cả mọi chuyện.”

“Hãy cho chú biết,” tôi nói rồi ngồi xuống một chiếc ghế ọp ẹp bên cạnh và nhìn thằng bé với vẻ nghiêm trang, “thế cháu có nghe thấy một tiếng la hét không? Khoảng một tiếng trước. Tiếng một phụ nữ la hét. Cháu có nghe thấy không?”

“Có ạ.”

“Thế cháu có biết đã xảy ra chuyện gì không?”

“Có ạ,” thằng bé ngước nhìn cha nó rồi quay sang tôi, bồn chồn cắn môi. Nó thò tay vào túi rồi lôi ra một cái gì đó, chìa ra cho chúng tôi xem. Cả tôi và ông Lưu đều nhoài người ra để xem. Trong lòng bàn tay nó là một chiếc bao cao su của Nhật. Tôi cầm lấy chiếc bao cao su và xem xét. Trên chiếc bao cao su là hình một tên lính Nhật đang tiến về phía trước, súng ống sẵn sàng, dưới đó là chữ Totsugeki. Nạp đạn! Tôi và ông Lưu nhìn nhau. Mặt ông trở nên xám ngoét và căng thẳng, những nếp nhăn hằn rõ xung quanh miệng.

“Cưỡng hiếp, chúng cưỡng hiếp phụ nữ.” Thằng bé lên tiếng.

Ông Lưu nhìn ra phía bậu cửa. Vợ ông đang ở phía sau nhà nên không thể nghe thấy câu chuyện của chúng tôi, tuy nhiên ông vẫn thò chân ẩy cánh cửa khép lại. Tim tôi đập một cách yếu ớt. Khi tôi mười ba tuổi, tôi không hề biết thế nào là cưỡng hiếp thế mà cậu bé này lại nhắc tới từ đó một cách thản nhiên như thể đó là chuyện xảy ra hàng ngày.

“Săn gái,” thằng bé tiếp tục. “Đó là thú tiêu khiển được ưa chuộng của lính Nhật. Chúng dùng những chiếc xe tải chở than ở Hạ Quan tới các làng quê lùng bắt phụ nữ.” Cậu bé ngẩng mặt lên nhìn tôi. “Chú có biết cháu còn nhìn thấy gì nữa không?”

“Không,” tôi trả lời một cách yếu ớt. “Còn gì nữa?”

“Cháu còn nhìn thấy chỗ ở của tên diêm vương đó.”

Diêm vương?” Một nỗi sợ hãi mơ hồ chợt bóp nghẹt tim tôi. Tôi nhìn sang ông Lưu, lúc này đang quan sát đứa con trai với một vẻ vừa sợ hãi vừa bối rối. Diêm vương. Quỷ dữ. Chúa tể của thần chết. Người cai quản địa ngục trong thế giới của Phật giáo. Thường thì tôi và ông Lưu sẽ đảo mắt cười nhạo trước những biểu hiện tôn giáo kiểu này nhưng trong mấy ngày gần đây, có cái gì đó trong chúng tôi đã thay đổi. Chỉ cần nghe thấy cái danh từ đó vang lên trong ngôi nhà lạnh lẽo cũng đủ khiến chúng tôi rùng mình.

“Con đang nói gì vậy,” ông Lưu lên tiếng, ghé sát vào con trai. “Diêm vương? Cha có dạy con thứ vớ vẩn đó đâu? Con đã nói chuyện với ai vậy?”

“Hắn ta đang ở đây,” thằng bé nói khẽ, và bắt gặp ánh mắt của cha nó. Tôi có thể cảm thấy cả người nó đang sởn da gà. Tôi nhìn lên những chiếc cửa sổ đã khóa chặt. Bên ngoài rất yên tĩnh, tuyết vẫn đang rơi khiến ánh đèn nhấp nháy lúc trắng lúc đỏ. “Diêm vương đã tới Nam Kinh.” Cậu bé không nhìn cha mình nữa và từ từ đứng dậy. “Nếu cha không tin thì cha có thể đi với con tới chỗ đó.” Nó chỉ ra phía cửa và cả hai chúng tôi đều im lặng quay ra hướng đó. “Con sẽ chỉ cho hai người chỗ ở của hắn.”