Sử Trùng Minh có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi. Ông mở cửa cho tôi với một thái độ lịch sự nhưng xa cách và mời tôi bước vào trong phòng. Ông bật chiếc lò sưởi ba lá và kéo nó lại gần chiếc sofa thấp, sờn cũ kê ngay phía bên dưới cửa sổ rồi rót nước sôi vào bình trà Thermos trên bàn làm việc. Tôi quan sát mọi chuyện một cách hờ hững, hơi cảm thấy kỳ lạ khi nhớ lại hành động dập điện thoại của ông trong cuộc nói chuyện gần đây nhất giữa hai chúng tôi.
“Tốt rồi, giờ thì... Có phải hành động này cho thấy chúng ta đang giao dịch trở lại hay không?” Ông lên tiếng khi tôi đã ngồi xuống ghế và nhìn tôi một cách hiếu kỳ. Tôi đã đi thẳng từ ngôi đền tới đây nên váy vẫn còn ướt do ngồi quá lâu trên cỏ.
Tôi không trả lời. Tôi cởi áo khoác, găng tay và mũ rồi đặt chúng lên đầu gối.
“Cô có tin gì mới không? Có phải cô tới đây để cho tôi biết cô vừa gặp Fuyuki?”
“Không.”
“Hay là cô nhớ ra điều gì? Về cái hộp kính mà cô trông thấy lần trước?”
“Không.”
“Rất có thể Fuyuki đang bảo quản cái gì đó trong chiếc hộp? Khi nghe cô miêu tả chiếc hộp thì người ta nghĩ ngay tới chuyện đó.”
“Thế ạ?”
“Đúng vậy. Cho dù Fuyuki đang uống cái gì đi chăng nữa thì ông ta cũng tin rằng nó cứu sống ông ta.” Sử Trùng Minh khẽ xoay bình trà. “Ông ta phải rất thận trọng với liều lượng mà ông ta dùng. Nhất là khi việc tìm kiếm nguồn thuốc thay thế rất nguy hiểm hoặc vô cùng khó khăn. Từ những giả thuyết của mình, tôi có thể chắc chắn rằng cái hộp đó chính là nơi ông ta bảo quản thuốc của mình.” Ông rót trà cho tôi, mắt không rời khỏi tôi lấy một giây như đang nghiên cứu để tìm ra một câu trả lời. “Hãy cho tôi biết ý kiến của cô về chuyện này?”
Tôi lắc đầu. Cả người tê dại tới mức tôi chả buồn đóng kịch trước mặt ông nữa. Tôi cầm lấy tách trà mà ông đưa, giữ chặt nó bằng cả hai tay và nhìn chằm chằm vào lớp cặn màu xám lờ mờ dưới đáy. Một sự im lặng vụng về và kéo dài bao trùm lấy căn phòng cho tới khi cuối cùng tôi cũng đặt ly trà xuống.
“Ở Trung Quốc,” tôi nói dù biết đó không phải là điều ông muốn nghe, “chuyện gì sẽ xảy ra nếu như ai đó không được chôn cất tử tế? Linh hồn của họ sẽ ra sao?”
Những lời của tôi khiến ông khựng lại khi đang định ngồi xuống ghế thưởng thức tách trà của mình. Ông nhấp nhổm trên ghế, đầu hơi cúi xuống, ngó qua ngó lại, cố gắng tiêu hóa câu hỏi của tôi. Cuối cùng ông cũng lên tiếng nhưng giọng nói của ông đã hoàn toàn đổi khác. “Thật là một câu hỏi lạ lùng. Điều gì đã khiến cô nghĩ như thế?”
“Chuyện gì sẽ xảy ra với linh hồn của họ?”
“Chuyện gì sẽ xảy ra với linh hồn của họ à?” Ông ngồi, sửa lại tư thế, kéo thẳng áo rồi di chuyển tách trà tới lui trước mặt. Mãi sau ông mới nhìn tôi, gãi gãi miệng, cả vùng xung quanh mũi đỏ ửng. “Những người không được chôn cất? Ở Trung Quốc? Để tôi nghĩ xem. Nói một cách đơn giản là chúng tôi tin vào sự tồn tại của các hồn ma. Những hồn ma quấy quả có thể quay lại chọc phá người đang sống. Do đó chúng tôi chôn cất người chết rất cẩn thận. Chúng tôi chôn tiền cùng với họ để họ có thể đi sang thế giới bên kia. Đó chính là...” Ông khẽ hắng giọng, bồn chồn gõ tay lên thành ghế. “Đó chính là điều luôn khiến tôi lo lắng khi nghĩ tới Nam Kinh. Tôi vẫn luôn lo sợ khi nghĩ tới hàng nghìn hồn ma quấy quả vẫn còn sót lại ở Nam Kinh.”
Tôi đặt tách trà xuống và quay sang nhìn ông. Chưa bao giờ ông nói về Nam Kinh như thế.
“Đúng vậy,” ông nói, tay vuốt nhẹ xung quanh miệng tách trà. “Nó vẫn thường khiến tôi lo nghĩ. Không có đủ đất ở Nam Kinh để xây nghĩa địa. Phần lớn người chết phải chờ tới hàng tháng mới được chôn. Trong số đó, có người không chờ được đã phải chôn đại đâu đó hay... hay chôn chung với người khác trước khi có cơ hội...” Ông lưỡng lự, dừng lại nhìn chăm chăm vào tách trà của mình và đột nhiên trông già hẳn đi. Tôi thậm chí còn nhìn thấy cả những đường gân xanh dưới lớp da nhăn nheo của ông. Tôi dường như còn cảm nhận được cả xương của ông cũng đang nhô lên. “Có một lần tôi nhìn thấy một đứa trẻ,” ông nói tiếp, giọng rất khẽ. “Con bé bị... bị người Nhật xẻo đi một ít thịt, ở đây, ngay dưới xương sườn. Ai cũng nghĩ là con bé đã chết nhưng chẳng ai buồn chôn cất nó. Nó nằm đó nhiều ngày giữa phố đông, nhưng không ai ra khỏi nhà để chôn cất nó. Tôi vẫn không hiểu tại sao họ lại không làm gì. Ở Nam Kinh, chôn cất người khác đem lại vận may...” Rồi ông chìm dần vào im lặng, mắt nhìn chằm chằm vào những ngón tay đang xoay quanh tách trà.
Khi thấy ông có vẻ không muốn nói gì thêm, tôi nhoài người ra phía trước, hạ thấp giọng thành một tiếng thầm thì. “Sử Trùng Minh. Xin ông hãy nói cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra trong cuộn phim đó?”
Ông lắc đầu.
“Xin hãy làm ơn.”
“Không.”
“Tôi cần phải biết, tôi rất cần.”
“Tôi xin lỗi. Nếu cô muốn biết đến vậy thì cô sẽ phải giúp đỡ việc nghiên cứu của tôi. Đó chính là lý do cô tìm tới đây, đúng không?” Ông nhìn tôi.
Tôi thở dài và ngồi thụt vào trong ghế. “Vâng, đúng thế.”
Ông mỉm cười buồn bã. “Tôi cứ tưởng là tôi đã mất cô rồi. Trong một thời gian dài, tôi nghĩ là cô đang trôi nổi ở đâu đó.” Ông ném cho tôi một cái nhìn dịu dàng và buồn bã, không giống với bất kỳ cái nhìn nào mà ông từng dành cho tôi. Đây là lần đầu tiên kể từ khi chúng tôi gặp nhau tôi mới có cảm giác là ông cũng quý tôi. Chắc tôi sẽ chẳng bao giờ biết được ông đã trải qua những gì trong mấy tuần lễ chúng tôi không liên lạc với nhau. “Cái gì đã khiến cô quay lại thế?”
Khi tôi đứng dậy để ra về, tôi chỉ cần mở cửa và bỏ đi. Nhưng tôi không kiềm chế nổi. Tôi dừng lại trước cửa, quay lại hỏi ông. “Ông Sử Trùng Minh?”
“Hừm, cái gì nữa?” Lúc này ông đang ngồi bên bàn làm việc. Nghe tôi hỏi, ông ngẩng đầu lên nhìn như thể tôi vừa cắt ngang dòng suy nghĩ của ông.
“Ông từng nói với tôi rằng sự thiếu hiểu biết và tội ác không giống nhau. Ông có nhớ không?”
“Có. Tôi nhớ.”
“Có đúng thế không? Ông có nghĩ thế không? Rằng sự thiếu hiểu biết không phải là một tội ác?”
“Dĩ nhiên rồi,” ông nói. “Dĩ nhiên đó là sự thật.”
“Ông thực sự nghĩ thế chứ?”
“Tất nhiên là tôi nghĩ thế. Sự thiếu hiểu biết có thể được tha thứ. Nó không bao giờ giống như tội ác. Tại sao cô lại hỏi thế?”
“Bởi vì, bởi vì...” Một cảm giác kỳ lạ chợt xâm chiếm lấy tôi khiến tôi cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ và thanh thản tới lạ lùng. “Vì đó là một trong những câu hỏi quan trọng nhất trên đời.”