Ở bệnh viện, họ dạy tôi về bao cao su khi mọi chuyện đã quá muộn. Vài tháng trước khi tôi được ra viện, khi người ta luôn miệng nhắc đến bệnh AIDS, chúng tôi phải tham gia một nhóm nâng cao nhận thức về HIV. Tại đó, một nữ y tá tên là Emma, một cô gái có đôi chân cứng cáp và đeo khuyên ở mũi, ngồi trước mặt chúng tôi, mặt đỏ bừng vì ngượng khi hướng dẫn chúng tôi cách tròng bao cao su vào một quả chuối. Một chiếc áo mưa, cô ấy gọi thế bởi vì thời đó báo chí đều dùng từ này và khi nói về quan hệ tình dục qua đường hậu môn thì cô ấy gọi là “tình dục qua đường ruột”. Trong khi nói, cô ấy thường quay mặt về phía cửa sổ như thể cô ấy đang diễn thuyết cho đám cây cối ngoài vườn. Những người tham dự cười đùa và cợt nhả trong khi tôi ngồi im ở phía cuối, mặt đỏ rần lên như Emma khi phải nhìn chằm chằm vào chiếc bao cao su. Một chiếc bao cao su. Tôi chưa bao giờ nghe nói tới bao cao su. Quả thực, sao một người kém hiểu biết như tôi lại có thể xoay xở sống trên đời lâu tới vậy?
Chẳng hạn như cái ý nghĩa của thời gian chín tháng. Trong nhiều năm tôi hay nghe mọi người thì thào nói đùa: “Giờ thì con mèo đang sướng rửng mỡ, nhưng cứ chờ chín tháng xem mặt mũi nó thế nào sẽ rõ”. Những câu nói đùa đại loại như thế. Nhưng tôi đã không hiểu. Ngớ ngẩn nhất là nếu người ta hỏi tôi về thời gian mang thai của con voi thì có thể tôi sẽ trả lời được nhưng những thực tế về con người thì tôi hoàn toàn mù tịt. Bố mẹ tôi đã làm rất tốt việc gạn lọc tất cả các thông tin trước khi chúng đến được với tôi. Dĩ nhiên là chỉ ngoại trừ trường hợp quyển sách màu cam, khi mà họ đột nhiên mất cảnh giác hơn thường lệ.
Cô gái giường bên đã nhìn tôi chòng chọc khi tôi thú nhận là tôi không biết gì về những chuyện nói trên.
“Cậu nói nghiêm túc đấy chứ?”
Tôi nhún vai.
Cô ấy kêu lên sửng sốt: “Ôi trời, thật không tin được, đúng là cậu đang nói nghiêm túc.”
Trong cơn hốt hoảng, các nữ y tá đã đi tìm cho tôi một quyển sách với những kiến thức về cơ thể con người. Quyển sách đó có tựa đề Mẹ ơi, cái gì ở trong bụng mẹ thế? Với một lớp bìa màu hồng nhạt vẽ hình một cô bé đang ngước nhìn một cái bụng bầu mặc váy hoa. Một trong những lời bình phía sau cuốn sách viết: “Nhẹ nhàng, nhiều thông tin, bao gồm tất cả những gì bạn cần biết để giải đáp những thắc mắc của con bạn”. Tôi đã đọc quyển sách đó rất kỹ và cất nó trong một chiếc túi màu nâu, giấu ở phía trong cùng ngăn tủ của mình. Tôi ước giá như mình được đọc nó sớm hơn. Như thế thì tôi đã hiểu được chuyện gì sẽ xảy ra với mình.
Tôi không hé răng với bất cứ ai trong bệnh viện về những tuần lễ tiếp theo sự cố xảy ra trên chiếc xe tải. Tôi đã mất nhiều tháng để chắp nối các thông tin mà tôi thu được từ những lời xì xào của người lớn, những lời ám chỉ, những bóng gió lạ lùng trên các tờ báo cũ nát ở nhà để hiểu được tình cảnh của mình. Tôi cũng không dám nói với ai về cảm giác của mình khi biết rằng sẽ có một em bé ra đời và mẹ chắc chắn sẽ giết tôi hoặc con tôi hoặc cả hai. Với tôi, đó chính là cái giá thực sự của sự thiếu hiểu biết.
Ngoài kia, dưới căn hẻm nhỏ, có tiếng ai đó đóng cửa xe ôtô. Tôi nghe thấy tiếng chìa khóa leng keng và tiếng cười khúc khích của một phụ nữ giọng cao và nhẹ. “Tôi thề tôi sẽ không uống gì cả.” Tiếng cười của họ xa dần khi họ đang đi về phía cuối hẻm, ra phía đường Waseda. Tôi vẫn nín thở và đứng im một chỗ nhìn Jason chăm chú, chờ xem anh nói gì.
“Em là một cô gái tốt,” cuối cùng anh lùi lại một bước, trao cho tôi nụ cười chậm rãi và ranh mãnh quen thuộc. “Em là một cô gái tốt, em có biết không? Và từ nay mọi chuyện sẽ tốt đẹp.”
“Tốt đẹp ư?”
“Đúng vậy,” anh lia lưỡi vào giữa hai hàm răng. Những ngón tay anh lần theo vết sẹo lớn nhất trên bụng tôi, bắt đầu từ phía dưới rốn tới tận chỗ xương hông. Anh khẽ bấm móng tay vào đoạn giữa, nơi các vết khâu hơi lồi lên và vuốt ve chúng. “Sao lại nhiều thế này. Cái gì đã để lại những vết sẹo như thế này?”
“Một...” Tôi những muốn trả lời nhưng hàm cứng lại. Tôi phải lắc đầu để có thể mở được miệng. “Một con dao. Một con dao làm bếp.”
“À, một con dao,” anh nói, giọng méo xệch. Anh nhắm mắt lại, vừa chậm rãi liếm môi, vừa tiếp tục sờ tay lên những đường gân nổi lên từ các vết sẹo ở giữa bụng. Nơi rạch nhát dao đầu tiên. Tôi khẽ lùi lại một bước. Jason mở mắt nhìn tôi chăm chú: “Thế dao có thọc sâu vào tận đây không? Hừm, hay là đây?” Anh ấn ngón tay vào bụng dưới của tôi. “Có phải là cảm giác này không. Như thể nó đi rất sâu.”
“Sâu?” Tôi hỏi lại. Có cái gì đó trong giọng nói của anh, cái gì đó vừa phấn khích vừa man dại như thể anh đang cực kỳ khoái trá. Không khí trong phòng đột nhiên trở nên ẩm mốc không giống như mấy phút trước đây.
“Em...” Tôi không nói nên lời. “Tại sao anh lại muốn biết dao thọc sâu chừng nào? Sao anh lại hỏi em chuyện đó?”
“Có sâu không? Dao có thọc vào sâu không?”
“Có,” tôi trả lời yếu ớt. Anh khẽ rùng mình khoan khoái như thể có cái gì đó vừa chạy qua vai anh.
“Nhìn này,” anh nói, đưa tay này vuốt dọc cánh tay kia. “Nhìn xem, lông tay anh dựng đứng hết cả lên rồi. Những chuyện kiểu này luôn làm anh đờ đẫn hết cả người. Cái cô gái mà anh kể cho em ấy? Ở Nam Mỹ ấy?” Anh xoa xoa bắp tay của mình, mắt nhắm hờ như đang hồi tưởng chuyện xưa. “Cô ấy bị cụt một tay. Và cái đoạn người ta cắt nó đi trông giống như một...” Anh chụm các ngón tay lại như thể đang giữ một thứ quả mềm mại, mỏng mảnh nhất trên đời. “Nó rất đẹp, tựa như một trái mận chín. Wow!”
Anh toét miệng ra cười với tôi. “Nhưng em vẫn luôn biết về anh, đúng không nào?”
“Luôn biết? Không, em...”
“Đúng mà.” Anh quỳ xuống trước mặt tôi, tay đặt lên hông và phà hơi thở nóng hổi vào bụng tôi. “Em biết mà. Em luôn biết cái gì thu hút anh.” Anh ta bắt đầu chạm cái lưỡi khô và uốn éo vào da thịt tôi. “Em biết là anh chỉ thích làm tình với những kẻ kỳ quặc.”
Trạng thái tê liệt của tôi chấm dứt. Tôi đẩy anh ta ra và bước lùi lại phía sau. Anh ta đứng dậy trên hai gót chân và nhìn tôi với vẻ hơi ngạc nhiên khi tôi chộp lấy chiếc áo ngủ và lập cập trùm nó qua đầu. Tôi những muốn chạy khỏi phòng trước khi mình bật khóc nhưng anh ta lại đứng chắn ngay trước cửa ra vào nên tôi đành phải đổi hướng và chui vào góc phòng, ngồi quay mặt vào tường. Mọi thứ bắt đầu quay trở lại với tôi, những bức ảnh trong phòng anh ta, những cuộn băng video mà hai chị em người Nga kể, cái cách anh ta nói về mụ Y Tá. Và tôi là một kẻ trong số họ, một đứa quái đản. Ở tôi có cái gì đó xấu xa, nham nhở, khiến anh ta thích thú, giống như những nhân vật trong các bộ phim mà anh ta xem.
“Chuyện gì vậy?”
“Ừm...” Tôi lí nhí trả lời, dùng lòng bàn tay quệt mắt. “Ừm, em nghĩ là có thể em...” Nước mắt bắt đầu chảy tràn xuống má khiến tôi phải vội đưa tay lên chùi trước khi chúng rơi xuống sàn nhà để anh ta không nhìn thấy. “Không có gì cả.”
Anh ta đặt tay lên vai tôi rồi nói: “Thấy chưa? Anh bảo em là mọi chuyện sẽ ổn thôi mà. Anh đã nói là anh hiểu hết mà.”
Tôi không đáp lại, chỉ cố gắng để khỏi òa khóc.
“Đó chính là nguyên nhân tại sao hai chúng ta lại đến với nhau một cách hòa hợp đến thế, đúng không nào? Anh đã biết ngay khi anh nhìn thấy những thứ này, những bức tranh em vẽ, những bức ảnh kỳ dị trong quyển sách của em, anh biết là anh và em... Anh biết là chúng ta giống nhau.” Tôi nghe tiếng anh ta dò dẫm châm một điếu thuốc khác và tưởng tượng ra nét mặt anh ta lúc này, đang mỉm cười suồng sã, đầy tự tin vì anh ta đã tìm thấy sự gợi tình từ những thứ này, từ những vết sẹo mà tôi đã cố che giấu bấy lâu nay. Tôi cũng tưởng tượng ra hình ảnh của mình trong mắt anh ta lúc này, thu lu trong một góc, đôi tay mảnh mai, lạnh giá ôm lấy đầu gối. “Em chỉ cần thêm một chút thời gian nữa,” anh ta nói. “Một chút thời gian nữa để nhận ra rằng chúng ta đúng là một cặp. Một đôi biến thái. Một cặp trời sinh.”
Tôi đứng dậy, vớ lấy đống quần áo vắt trên ghế mặc vào người, tránh không nhìn về phía anh ta, hai chân run lên bần bật. Tôi choàng chiếc áo khoác ra ngoài rồi thò tay vào túi xách lục tìm chìa khóa, vừa làm vừa thở gấp để ngăn nước mắt không trào ra. Anh ta không nói gì cũng chẳng tìm cách ngăn tôi lại. Anh ta chỉ im lặng quan sát, trầm tư hút thuốc, khuôn mặt thoáng một nụ cười.
“Em ra ngoài,” tôi nói rồi mở toang cửa.
“Sẽ ổn thôi,” tôi nghe thấy tiếng anh ta ở sau lưng. “Sẽ ổn thôi. Em sẽ sớm ổn thôi.”
Thậm chí cho tới tận những năm 1980, ở Anh vẫn có thể xảy ra chuyện các hài nhi không được chôn cất. Con bé đã không được chôn cất trong một nấm mồ tử tế, mà thay vào đó, người ta đã cho nó vào một cái túi rác màu vàng và đốt cùng với những chất thải khác của bệnh viện. Thậm chí xảy ra chuyện mẹ nó, một đứa trẻ vị thành niên ngờ nghệch đã để đứa bé ra đi mà không dám mở miệng hỏi người ta đã đưa nó đi đâu. Mọi chuyện đều có thể, chỉ vì một sự cố nhỏ về mặt thời gian: con tôi đã không nằm trong bụng mẹ đủ hai mươi tám tuần tuổi. Nó chỉ ra đời sớm có một ngày, nhưng pháp luật quy định nó sẽ không được chôn cất, chỉ vì nó còn thiếu hẳn một ngày để được coi là con người, để được có một đám tang và một cái tên, và như thế nó mãi mãi chỉ được gọi là một bào thai. Đây là một cái tên nghe đầy bệnh tật và chẳng có gì giống với đứa con gái nhỏ của tôi khi nó chào đời.
Đó là một đêm cuối tháng Mười hai, trăng rất tròn và tuyết phủ dày đám cây cối bên ngoài. Các nữ y tá trong phòng cấp cứu cho rằng tôi không nên khóc nhiều như thế. “Hãy cố gắng thả lỏng nào.” Vị bác sĩ phẫu thuật cũng chẳng thèm nhìn vào mắt tôi khi tôi bước vào phòng, nằm lên bàn đẻ và nhìn ông xử lý những vết thương trên bụng. Ông ta làm việc với một sự im lặng đến rợn người. Và cuối cùng khi phải thông báo kết quả, ông ta cũng chẳng thèm nhìn tôi mà quay nghiêng mặt vào tường như thể ông ta đang nói với bức tường.
Tôi cố nhỏm dậy, không hiểu ông ta nói gì. “Cái gì ạ?”
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc.”
“Không. Con bé không chết. Nó...”
“Vậy đấy, dĩ nhiên là có. Dĩ nhiên là nó đã chết.”
“Nhưng nó không thể chết. Nó cần phải...”
“Xin cô,” ông ta đặt tay lên vai tôi, ấn tôi nằm xuống bàn. “Thực sự cô cũng đâu có mong muốn gì khác, đúng không? Giờ thì nằm xuống. Nghỉ ngơi đi.”
Họ cố gắng giữ chặt tôi xuống giường và cố không để tôi nhìn thấy nó. Nhưng tôi đã đánh lừa họ. Tôi đã nhìn được. Và tôi đã thấy một thứ mà suốt đời này tôi sẽ không bao giờ quên: rằng dù trên đời này đầy rẫy những điều không thể, thì ta vẫn có thể, trong một phút giây ngắn ngủi, nhìn thấy tất cả những gì mà một đứa bé có thể trở thành, nhìn xuyên qua làn da mỏng mảnh gần như trong suốt và thấy tâm hồn bé bỏng của nó, giọng nói của nó, cái tôi thật sự và đầy phức cảm và cả sự sống đang xa dần của nó. Tất cả chuyện đó đều có thể.
Chỉ có duy nhất một nữ y tá, người không biết hoặc không thèm quan tâm tới việc tại sao tôi lại lâm vào hoàn cảnh này là người hiểu được tâm trạng của tôi lúc đó. Cô ấy là người duy nhất đã thấm nước mắt cho tôi và vỗ vào tay tôi để an ủi. “Ôi đứa bé tội nghiệp đáng thương, đứa bé tội nghiệp đáng thương.” Cô ấy nhìn về phía hình hài nhỏ bé nằm còng queo phía góc phòng với đôi vai nhỏ cong cong và những đốm tóc màu sẫm. “Cục cưng ạ, không cần phải lo lắng cho con bé nữa. Đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Dù cho linh hồn con bé có ở đâu thì Chúa cũng sẽ tìm thấy cháu.”
Trăng vẫn treo lơ lửng trên bầu trời khi tôi rời khỏi nhà, vội vã bước về phía cuối hẻm, vừa đi vừa siết chặt cổ áo khoác vì lạnh. Nhưng khi tôi tới được đường Shiba Koen thì bình minh đã bắt đầu ló rạng. Bạn có thể nhìn thấy bình minh lên giữa những tòa nhà cao tầng. Bầu trời có màu hồng nhạt, đâu đó một luồng gió ấm chợt ùa đến, xuyên qua các dãy phố như một cơn gió hạt nhân[3] thổi từ phía Tây tới, khiến những tán cây trụi lá trong đền Zojoji lay động và kêu răng rắc. Tôi dừng lại trước bát nước thánh đặt trước các bức tượng hài nhi đứng xếp hàng một cách im lặng và kín đáo dưới những chiếc mũ bê rê màu đỏ và múc một gáo nước lạnh buốt giội lên tay trái, rồi tới tay phải, theo đúng nghi lễ. Tôi bỏ mấy đồng yên vào chiếc hòm công đức, tháo giày và bước lên bãi cỏ còn ướt sương, tha thẩn quanh những hàng tượng đá.
Bóng của những tờ bùa màu trắng treo lủng lẳng trên cây nhảy nhót trên đầu tôi. Tôi tìm thấy một chỗ trong góc vườn, giữa hai hàng tượng đá nơi người ta không thể nhìn thấy tôi từ ngoài đường, và ngồi xuống, siết chặt áo khoác quanh người. Bạn phải chắp tay lại khi cầu nguyện. Còn có một câu khấn đặc biệt nhưng tôi không tài nào nhớ nổi, nên cuối cùng tôi đành cầu nguyện theo cách người ta vẫn làm ở đất nước tôi, một đất nước Thiên Chúa giáo. Tôi nắm hai tay, để trán chạm vào các đốt ngón tay rồi nhắm mắt lại.
Có lẽ cô y tá đã nói đúng. Có lẽ “Chúa” hay các vị thần, hoặc thế lực nào đó vĩ đại hơn bất kỳ ai trong số chúng ta sẽ biết được linh hồn của con tôi đang phiêu bạt nơi đâu. Nhưng tôi thì không. Tôi không biết con bé đã được chôn cất ở đâu nên tôi không biết phải bắt đầu từ nơi nào nữa. Vì con bé không có lấy một nấm mồ để thăm viếng nên tôi đã phải học cách tưởng tượng ra nó không tồn tại trên đời này, hoặc là nó ở khắp mọi nơi, đang bay lượn đâu đó xung quanh tôi. Đôi khi tôi nhắm chặt mắt lại và hình dung ra con bé trên bầu trời đêm lốm đốm sao, cao xa vời vợi tới mức đầu của nó có thể chạm tới đỉnh trời. Trong những giấc mơ của tôi, con bé có thể bay tới chỗ nào mà nó muốn. Thậm chí từ Anh tới Tokyo. Con bé sẽ phải bắt đầu hành trình từ phía Đông, khởi hành rất nhanh, chốc chốc lại quay đầu nhìn xuống những dải đèn đường lấp lánh bên dưới: châu Âu với những chiếc cầu được thắp sáng và trang hoàng không khác gì bánh cưới. Con bé sẽ biết khi nào nó đang bay trên biển nhờ những dải màu sẫm tối, những đường gợn sóng lấp lánh ánh trăng hay những dải ngọc trai óng ánh. Sau châu Âu nó sẽ phải bay nhanh qua vùng mặt trời mọc. Qua những thảo nguyên của nước Nga, qua hồ Baikal sâu thẳm với những con cá nước ngọt và những con hải cẩu lạ lùng. Và xa hơn, qua những cánh đồng lúa, những ống khói công nghiệp, những hàng trúc đào mọc ven đường, qua bề mặt cứng và dài của quê hương Sử Trùng Minh. Rồi tới Tokyo, và cuối cùng là Takadanobaba nơi con bé sẽ nhìn thấy những mái hiên cong cong của ngôi nhà cổ. Con bé có thể sẽ bay qua bên ngoài cửa sổ phòng tôi và cuối cùng...
Nhưng dĩ nhiên con bé đã không đến. Ngay cả vào dịp lễ O-Bon khi linh hồn của những người chết quay trở lại thăm thân nhân, khi tôi ngồi im bên cửa sổ ngắm ánh nến lung linh trôi nổi trên sông Kanda mà người Nhật cho là sẽ dẫn đường chỉ lối cho các linh hồn, mù quáng tin là con bé sẽ tới tìm mình. Nhưng nó đã không tới. Tôi tự bảo mình không nên hy vọng quá nhiều, vì có thể con bé đã cố gắng hết sức nhưng đi từ Anh tới đây quả là một đoạn đường dài. Quá dài cho một linh hồn bé bỏng, con bé có thể đã bị lạc hoặc kiệt sức.
Tôi đã cầu nguyện xong và ngẩng đầu lên. Xung quanh tôi, những cái chong chóng của lũ trẻ bắt đầu quay trong làn gió ấm, những cánh quạt bằng gỗ mỏng kêu phần phật. Mỗi chiếc mũ nhỏ, mỗi chiếc yếm dãi, mỗi thứ đồ trang trí trên các bức tượng đều được làm bằng tay, và đặt lên đây bởi các bà mẹ, những người đã cầu nguyện giống như tôi vừa làm. Trời bắt đầu sáng và những nhân viên công sở đầu tiên đang vội vàng rảo bước trên con phố cạnh ngôi đền.
Jason, tôi vừa nghĩ tới Jason vừa đứng dậy và vuốt lại áo. Jason, hãy tin em, anh là một kẻ xa lạ, xa lạ và điên rồ hơn em rất nhiều. Những gì em đã làm là sai và ngu ngốc nhưng sai lầm của em không bao giờ có thể so sánh với anh. Tôi hít thật sâu thứ không khí trong lành nơi đây và ngửa đầu lên trời. Dù sao thì anh ta cũng đã mang tôi trở lại với một thực tế mà tôi gần như lãng quên. Anh ta đã nhắc tôi nhớ lại rằng tôi chỉ có một con đường để đi. Luôn chỉ có một con đường mà thôi.