Vụ Án Trường Oxford

Chương 17

Tôi đứng bên lề đường nhìn theo chiếc xe đi vào bóng đêm. Trong túi tôi, cùng với chìa khóa phòng, là một chìa khóa mở cửa hông của Viện và một thẻ điện tử mở cửa thư viện ngoài giờ hành chính. Tôi quyết định giờ này mà đi ngủ thì quá sớm, nên bèn đi bộ đến Viện trong ánh sáng vàng vọt của những ngọn đèn đường. Đường phố vắng lặng; hình ảnh chuyển động duy nhất mà tôi thấy là trên phố Đài thiên văn: hai người bồi bàn đang đặt ghế lên trên mặt bàn, và một người phụ nữ mặc sari đang kéo các màn cửa. Đường St Giles cũng trống vắng, nhưng ở vài cửa sổ vẫn sáng đèn, và có mấy chiếc xe trong bãi đậu. Vài nhà toán học chỉ làm việc về đêm, và những người khác trở vào để xem tình trạng của một chương trình dài đang để cho chạy.

Tôi đi lên thư viện ở trên lầu. Đèn vẫn sáng, và khi vào tôi nghe tiếng bước chân - ai đó đang đi lại lặng lẽ giữa những kệ sách. Tôi đi đến khu vực Lịch sử Toán học, và dùng ngón tay điểm qua các nhan đề sách. Một cuốn tòi ra, như có người vừa đọc và bỏ trả vào không cẩn thận. Sách được xếp dồn chặt vào nhau, nên tôi phải dùng cả hai tay mới lôi ra được. Hình minh họa trên bìa sách vẽ một kim tự tháp tạo ra từ mười điểm nối lại, bị lửa bao quanh. Nhan đề sách - Hội huynh đệ theo Pythagoras - nằm vừa đúng ngoài tầm lửa. Nhìn kỹ, thay vào chỗ các điểm này lại là những cái đầu cạo trọc, như thể đầu các vị sư tăng được nhìn từ trên xuống. Có lẽ, thay vì tượng trưng mơ hồ cho sự đam mê bùng cháy mà hình học có thể đem tới, ngọn lửa ám chỉ cụ thể đến đám cháy kinh hoàng năm xưa đã tiêu diệt giáo phái này.

Tôi mang cuốn sách tới một chiếc bàn và mở ra dưới bóng đèn. Không cần phải giở nhiều hơn vài trang giấy; nó đây rồi. Nó đã nằm đây tự lúc nào, cùng với tất cả sự giản dị đến choáng ngợp. Những khái niệm toán học cổ xưa và nguyên thủy nhất, chưa tách biệt mấy khỏi chủ nghĩa thần bí. Sự diễn tả các con số trong giáo lý Pythagoras như những quy luật uyên nguyên của quyền năng thần thánh. Hình tròn là cái Một, sự hợp nhất trong hoàn hảo tuyệt đối, là đơn tử, là sự khởi đầu của vạn vật, tự chứa đựng và hoàn chỉnh bên trong đường nét của chính nó. Hai là con số của sự vô số, của mọi đối lập và song hành, của sự dẫn vào hiện thể. Nó được tạo ra bằng cách cho hai nửa đường tròn cắt với nhau, và hình bầu dục - nhìn như một hạt hạnh nhân - bị vây lại ở trung tâm của nó được gọi là Vesica Piscis - bụng cá. Ba, tam tài, là sự liên kết hai cực điểm, khả năng tạo ra trật tự và hòa hợp cho những dị biệt. Nó chính là tinh thần bao bọc được cả thế giới bất tử và hư mất, thần thánh và nhân gian trong một toàn thể.

Nhưng đồng thời, Một cũng là điểm, Hai là đường thẳng nối hai điểm, Ba là tam giác và cũng cùng lúc là mặt phẳng. Tôi lật trang sách ra đến ký hiệu của Bốn. Nó chính là tứ linh (tetraktys), hình kim tự nằm ngoài bìa sách, huy hiệu thiêng liêng của giáo phái. Mười điểm chính là tổng cộng của một cộng hai cộng ba cộng bốn. Nó đại biểu cho vật chất và bốn nguyên tố. Những người theo Pythagoras tin rằng toàn thể toán học được mã hóa trong ký hiệu này. Nó vừa là không gian ba chiều, vừa là âm nhạc của những cõi trên trời, và dưới dạng thô sơ nó đã hàm chứa những thông số tổ hợp của xác suất, và những con số biểu đạt sự vô số trong cuộc sống mà Fibonacci đã tái khám phá nhiều thế kỷ sau.

Tôi lại nghe thấy tiếng bước chân, lần này gần hơn nhiều. Tôi ngước lên và ngạc nhiên nhìn thấy Podorov, người bạn Nga cùng văn phòng với mình, ló ra từ sau những kệ sách. Khi thấy chính là tôi ngồi ở bàn, anh ta tiến lại với một nụ cười ngỡ ngàng. Nhìn anh ta ở đây thật khác biệt đến lạ lùng, dáng vẻ thoải mái như ở nhà. Tôi hình dung ra anh ta hẳn là ưa thích được một mình ở trong thư viện vào ban đêm. Anh ta đang cầm một điếu thuốc, gõ nhẹ nó vào mặt bàn kính trước khi châm lửa.

“Đúng thế,” anh ta nói, “tôi đến đây ban đêm để có thể yên lành mà hút điếu thuốc.”

Anh ta nở một nụ cười gượng nhưng thân thiện rồi lật cuốn sách để xem nhan đề. Mặt anh ta chưa cạo râu, đôi măt nghiêm trang và sáng rực.

“À, Hội huynh đệ theo Pythagoras. Cái này có liên quan gì đến những ký hiệu anh vẽ trên bảng ở văn phòng, đúng không? Hình tròn, con cá... Nếu tôi nhớ không lầm, đó là những chữ số bằng ký hiệu đầu tiên của giáo phái này, phải không nhỉ?” Anh ta nghĩ ngợi một lúc rồi đọc thuộc lòng, như đang khoe trí nhớ của mình. “Hình thứ ba là tam giác, hình thứ tư là cái tứ linh.”

Tôi nhìn anh ta, ngơ ngẩn. Hóa ra Podorov, người đã nhìn thấy tôi nghiền ngẫm hai ký hiệu trên bảng đen, đã không đặt khả năng nó có thể là gì hơn ngoài một vấn đề toán lạ. Podorov, người không biết gì về chuyện những vụ án mạng, từ bấy đến giờ đã có thể đứng dậy tới vẽ tiếp cái liên chuỗi trên bảng cho tôi.

“Đây là đề Arthur Seldom ra cho anh đấy à?” anh ta hỏi. “Chính từ ông ta mà tôi nghe lần đầu đến những ký hiệu này, trong một bài ông ta giảng ở một hội thảo về định lý sau cùng của Fermat. Dĩ nhiên anh cũng biết là định lý Fermat đơn thuần chỉ là sự gia hạn của đề toán về bộ ba Pythagoras, bí mật được giữ kín nhất của giáo phái họ.”

“Khi nào thế?” tôi hỏi. “Nhất định không phải gần đây chứ.”

“À không, không, nhiều năm rồi,” Podorov nói. “Quá lâu đến mức, như tôi nhìn thấy, Seldom không còn nhận ra tôi nữa. Dĩ nhiên, hồi ấy ông ta đã là Seldom vĩ đại rồi, còn tôi chỉ là một nghiên cứu sinh vô danh tiểu tốt ở một thành thị nhỏ bên Nga, nơi tổ chức hội thảo. Tôi cho ông ta xem công trình của mình về định lý Fermat - lúc ấy tôi chỉ bận tâm duy nhất về nó trên đời - và nhờ ông chuyển cho nhóm Lý thuyết số ở Cambridge, nhưng thấy rõ là họ quá bận không có thời giờ đọc. À, không phải tất cả bọn họ nhỉ,” anh ta nói. “Một học trò của Seldom đã đọc công trình, sửa chữa lại thứ tiếng Anh đầy lỗi của tôi, và công bố nó dưới tên anh ta. Anh ta đã được trao tặng Huy chương Fields cho sự đóng góp quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ vào việc giải bài toán này. Bây giờ Wiles đang chuẩn bị bước đến những những bước cuối cùng, đều nhờ vào những định lý ấy cả. Khi tôi viết thư cho Seldom, ông trả lời là công trình của tôi có sai sót, và sinh viên của ông đã hiệu đính lại,” Podorov cười khan và thở ra, nhả mạnh một cụm khói lên cao. “Sai lầm duy nhất của tôi,” anh ta nói, “nằm ở chỗ tôi không phải người Anh.”

Tôi ước gì mình có cách nào khiến anh ta ngừng nói. Tôi lại có cảm giác lần này, cũng như khi ở công viên Đại học, là tôi đang đứng ở điểm nhìn thấy được một điều gì đó, và có lẽ, nếu tôi ngồi lại một mình, mảnh ghép của câu đố vẫn trốn tránh tôi sẽ được đặt lại vào đúng chỗ. Tôi đứng dậy, lầm bầm một câu xin phép vu vơ, rồi điền thật nhanh vào một tấm thẻ để mượn sách. Tôi muốn ra bên ngoài, thật xa giữa đêm tối, xa khỏi mọi thứ. Tôi lao xuống cầu thang, và khi đang ra cửa, tôi suýt nữa đâm bổ vào một dáng người bị bóng tối che lấp đang đi vào từ bãi đậu xe. Đấy chính là Seldom, giờ đây mặc thêm một chiếc áo mưa bên ngoài bộ lễ phục, Tôi bỗng nhận ra là trời đang mưa.

“Sách của anh sẽ bị ướt mất thôi,” ông nói, và đưa tay ra xem đó là cuốn gì. “Vậy là anh đã biết nó là cái gì. Và tôi thấy qua khuôn mặt anh là anh còn phát hiện ra thêm một điều khác nữa chứ gì? Đấy là lý do tại sao tôi muốn anh thử tìm hiểu lấy.”

“Tôi đụng mặt người bạn cùng phòng trong đó, anh Podorov. Anh ta nói đã gặp ông một lần nhiều năm trước.”

“Viktor Podorov, phải. Tôi đang nghĩ không biết anh ta đã nói gì với anh rồi. Tôi đã quên bẵng anh ta cho đến khi thanh tra Petersen đưa tôi danh sách tất cả các nhà toán học trong Viện. Dù sao thì chắc tôi cũng không nhận ra anh ta: tôi luôn luôn nhớ đến anh ta như một thanh niên hơi có vấn đề, để một bộ râu nhọn, người cho rằng mình đã chứng minh được định lý Fermat. Chỉ sau đó khá lâu, tôi mới nhớ ra là mình đã giảng một bài về những con số của Pythagoras ở hội thảo ấy. Tôi không muốn nói lại chuyện này với thanh tra Petersen. Lâu nay tôi vẫn thấy như mình có lỗi về chuyện Podorov. Nghe nói anh ta đã tự sát hụt khi học trò của tôi được nhận huy chương Fields.”

“Nhưng đâu thể là anh ta được, phải không?” tôi hỏi. “Tối nay anh ta đang ở trong thư viện này kia mà.”

“Không, tôi không bao giờ thực sự cho là anh ta, nhưng tôi biết có thể anh ta là người duy nhất nhận ngay ra cách viết tiếp liên chuỗi này.”

“Phải,” tôi nói, “anh ta vẫn nhớ nằm lòng toàn bộ bài giảng của ông.”

Chúng tôi đứng dưới mái hiên hình bán nguyệt ở lối vào, gió mạnh thổi làm bắn những hạt mưa đang rơi lên người. “Chúng ta đến quán rượu đi,” Seldom nói.

Tôi đi theo ông, cố che cuốn sách cho khỏi ướt. Quán rượu có vẻ như là nơi duy nhất mở cửa trong toàn vùng Oxford. Trong đó đầy người sang sảng nói chuyện và cười thật lớn, với cung cách vui nhộn gây hồ hởi và hơi giả tạo một chút mà người dân Anh hình như chỉ có được sau khi uống thật nhiều bia. Chúng tôi ngồi xuống bàn, mặt gỗ nổi đầy những vòng tròn ướt.

“Xin lỗi các ông,” bà chủ quán đứng sau quầy nói, như thể bà ta không thể làm gì cho chúng tôi được, “các ông đã lỡ mất giờ bán bia rượu rồi.”

“Chúng ta không thể ngồi lâu được,” Seldom nói. “Tôi chỉ muốn biết ý nghĩ của anh, giờ đây khi anh đã biết liên chuỗi ấy là gì.”

“Nó đơn giản hơn nhiều so với bất cứ cái gì từ tay một nhà toán học, phải không? Có thể đó chính là chỗ sáng kiến, nhưng dù sao cũng hơi làm người ta thất vọng. Cuối cùng thì chỉ là 1, 2, 3, 4, đúng như cái liên chuỗi ông chỉ cho tôi hôm trước. Nhưng cũng có thể đó không phải là một câu đố gì như chúng ta nghĩ, mà chỉ là cách hắn đánh thứ tự những vụ án mạng: thứ nhất, thứ hai, thứ ba.”

“Phải,” Seldom đáp. “Đó sẽ là trường hợp xấu nhất, vì hắn có thể tiếp tục giết người đến vô chừng. Nhưng tôi vẫn hy vọng những ký hiệu ấy là một thứ thách đố, và hắn sẽ ngưng nếu chúng ta cho hắn thấy chúng ta đã biết cái liên chuỗi ấy là như thế nào. Thanh tra Petersen vừa gọi tôi từ văn phòng. Ông ta có một ý tưởng, nghĩ rằng đáng đem ra thử, và rõ là đã được vị tâm lý gia kia tán đồng, về việc đưa tin cho báo chí, ông ta đang thay đổi cách giải quyết: ông ta sẽ cho tờ Thời báo Oxford đăng một bài về vụ án mạng thứ ba trên trang nhất ngày mai, với hình cái kẻng tam giác, và một bài phỏng vấn trong đó ông ta sẽ nhắc đến hai ký hiệu trước. Các câu phỏng vấn sẽ được gò trước cẩn thận, để tạo ấn tượng như là Petersen đang bị rối trí vì những vụ án mạng, và thấp cơ hơn tên hung thủ. Theo nhà tâm lý học, điều này sẽ mang đến cho con người của chúng ta cảm giác thắng lợi vẻ vang mà hắn khao khát.”

“Mẩu thư ngắn mà tôi viết cho Petersen về hình tứ linh sẽ được đăng dưới tên tôi, trên số báo thứ Năm, trong cùng cột mục mà họ đã đăng chương sách của tôi về án mạng hàng loạt. Thế là đủ cho hắn thấy là tôi đã biết, và có thể đoán trước ký hiệu của vụ án kế tiếp. Nó sẽ giữ cho mọi việc không vượt qua khỏi tầm mức một thách đố gần như cá nhân mà hắn đã vạch ra từ đầu.”

“Nhưng giả sử chuyện đó có kết quả,” tôi nói, hơi bị chấn động, “giả sử, nếu may mắn mà hắn đọc đoạn viết ngắn của ông trên báo thứ Năm, và may mắn hơn, hắn sẽ ngừng tay, thì làm sao thanh tra Petersen có thể bắt hắn được?”

“Petersen nghĩ đó chỉ là vấn đề thời gian. Tôi nghĩ ông ta hy vọng là một cái tên sẽ nổi bật lên từ trong danh sách những người đi nghe hòa nhạc. Dù sao đi nữa, có vẻ ông ta đã quyết tâm tránh cho được một vụ giết người thứ tư.”

“Điều lý thú là tới giờ, chúng ta đã có tất cả những gì mình cần để tiên đoán bước kế tiếp. Tôi muốn nói là, chúng ta đã có cả ba ký hiệu, như trong một liên chuỗi của Frank Kalman vậy, thế nên đáng ra chúng ta phải suy diễn được một điều gì đó về án mạng thứ tư, liên hệ được hình tứ linh... nhưng vào với cái gì nào? Chúng ta vẫn chưa biết được gì về mối liên hệ giữa những cái chết và các ký hiệu. Nhưng tôi đã nghĩ nãy giờ về chuyện mà bác sĩ Sanders đã nói, và tôi tìm thấy một chủ đề tái diễn: cả trong ba trường hợp, các nạn nhân đều là, nói cách nào đó, đang sống thời gian vay mượn, dài hơn được dự đoán.”

“Phải, đúng như thế,” Seldom nói, “tôi cũng không để ý...” Cái nhìn của ông trở nên lạc đi tận phía xa trong khoảnh khắc, như thể ông bỗng nhiên mệt mỏi vì những sự phân hướng của vụ án. “Xin lỗi,” ông nói, chưa xác định được mình nghĩ ngợi mông lung đã bao lâu, “tôi có một cảm giác tồi tệ về chuyện này. Tôi đã nghĩ công bố cái liên chuỗi là một ý kiến hay. Nhưng có lẽ giữa ngày mai và thứ Năm là một khoảng thời gian dài quá.”