Vụ Án Trường Oxford

Chương 16

Thanh tra Petersen làm hiệu khẩn cấp cho Sacks. Anh chàng thám tử đang đứng canh cạnh tử thi rẽ đám đông lại chỗ chúng tôi, tay chìa ra huy hiệu cảnh sát.

“Không cho ai rời khỏi đây cả,” Petersen ra lệnh. “Tôi muốn tên của tất cả mọi người ở đây.” Ông ta rút điện thoại di động của mình ra, đưa cho Sacks cùng với cuốn sổ nhỏ. “Gọi người giữ xe, dặn kỹ anh ta không được cho xe ai ra khỏi. Và gọi khoảng một chục cảnh sát viên đến đây lấy lời khai, một người nữa canh chừng ngoài hồ, và hai người để chặn bất kỳ ai ra ngoài mặt lộ bằng ngả rừng. Tôi muốn anh đếm đầu toàn khán giả và so sánh với số vé đã bán, cùng số ghế có người ngồi. Nói chuyện với mấy người chỉ chỗ ngồi, xem họ đã phải bày ra thêm bao nhiêu ghế nữa. Và tôi muốn một danh sách khác bao gồm số nhân viên lâu đài, thành viên của dàn nhạc, và những người chuẩn bị pháo hoa. Còn cái này nữa,” ông ta nói khi Sacks định quay đi. “Mệnh lệnh dành cho anh chiều nay là gì, Thượng sĩ thám tử?”

Petersen nhìn anh ta một cách nghiêm nghị, và mặt Sacks trắng nhợt ra, như một sinh viên gặp câu hỏi khó.

“Là theo dõi bất cứ ai lại gần giáo sư Seldom,” anh ta trả lời.

“Nếu thế, chắc anh có thể cho chúng tôi biết ai đã để lời nhắn này lại trên ghế ông ấy.”

Sacks nhìn vào hai mảnh giấy, và mặt anh ta xịu xuống. Anh ta lắc đầu một cách khổ sở: “Tôi thực sự tưởng là có ai siết cổ ông ấy, thưa ngài,” anh ta nói. “Từ chỗ ngồi thấy như vậy thật: giống như người nào đang cố bóp cổ ông ấy. Tôi thấy ngài rút súng ra, và thế là tôi nhảy lên sân khấu để cứu ông ấy.”

“Nhưng ông ấy không phải bị siết cổ chết, phải không?” Seldom hỏi khẽ.

Petersen có vẻ do dự một lát trước khi trả lời. “Xem ra thì là hô hấp tự tắc nghẽn. Bác sĩ Sanders, người vừa lên sân khấu, đã làm phẫu thuật cho ông ta hai năm trước vì bệnh viêm khí quản, và cho là ông ta còn sống được năm sáu tháng nữa thôi. Ông ta còn đứng được quả là một phép lạ, khi mà dung tích hô hấp bị giảm thiểu đến mức ấy. Xét nghiệm sơ bộ của bác sĩ là chết vì nguyên do tự nhiên.”

“Phải,” Seldom lầm bầm, “nguyên do tự nhiên. Kỹ năng của hắn đã đến mức tuyệt tác khó tin được, phải không? Một cái chết tự nhiên, phải thế thôi, cực điểm logic, hình mẫu tuyệt hảo của án mạng không thể nhận ra.”

Petersen lấy kính ra và lại nghiêng người trên hai mảnh giấy:

“Ông đã đoán đúng về ký hiệu kế tiếp,” ông ta nói, ngước lên nhìn Seldom. Ông vẫn có vẻ chưa dám khẳng định vị giáo sư này là đối thủ hay đồng minh của mình. Tôi có thể hiểu lý do: có một cái gì đó trong cách lập luận của Seldom mà viên thanh tra không nắm bắt được, và Petersen không quen có một người luôn đi trước ông ta một bước trong cuộc điều tra.

“Phải, nhưng ông thấy đấy, biết trước chẳng giúp được gì.”

“Có mấy chỗ hơi khác biệt với những tin nhắn khác: cái này không kèm theo thời điểm. Còn những mẩu giấy này nữa, có lề nham nhở, giống như bị xé ra một cách bất cẩn và vội vã khỏi một tờ chương trình.”

“Có thể,” Seldom nói, “đó chính là điều hắn muốn chúng ta nghĩ. Không phải toàn bộ quang cảnh với tia đèn pha và thời khắc cao trào của bản nhạc, chẳng khác gì một màn ảo thuật điêu luyện sao? Trên thực tế, cái chết của người nhạc công không phải là chuyện quan trọng; thủ thuật thực sự là ở chỗ để lại được hai mẩu giấy ngay trước mũi chúng ta.”

“Nhưng người ở trên sân khấu kia đã phải chết. Đó không phải là thủ thuật,” Petersen nói lạnh lẽo.

“Phải,” Seldom tiếp, “đấy chính là chỗ phi thường của chuyện này: sự đảo ngược thông lệ, tác động to tát phục vụ cho tác động nhỏ. Chúng ta vẫn còn chưa biết thật ra đó là hình tượng gì. Chúng ta có thể vẽ ra được, chúng ta có thể theo sát được dàn bài, nhưng chúng ta không nhìn thấy được, ít nhất là chưa, như hắn nhìn thấy.”

“Nhưng nếu điều ông nghĩ là đúng, thì cho hắn thấy chúng ta cũng đã biết cách nối tiếp liên chuỗi là đủ để làm hắn ngừng lại. Dù sao tôi cũng nghĩ mình phải thử - gửi một lời nhắn tới cho hắn.”

“Nhưng chúng ta không biết hắn là ai,” Seldom nói, “thì làm sao gửi lời nhắn được?”

“Tôi cũng đã thắc mắc chuyện đó từ khi nhận được bức thư ngắn có lời giải thích của ông. Tôi nghĩ mình đã có một ý tưởng. Tôi đang hy vọng có thể hỏi nhà tâm lý về chuyện đó tối nay và gọi lại cho ông tiếp sau. Nếu chúng ta muốn đi trước hắn, và ngăn chặn vụ giết người kế tiếp, chúng ta không còn thời gian để mất nữa đâu.”

Chúng tôi nghe tiếng còi xe cứu thương hụ và thấy một chiếc xe thùng của Thời báo Oxford cũng đã trờ tới. Cửa xe bên chỗ ngồi của khách mở ra, và một người chụp hình xuất hiện, sau đó là gã phóng viên lêu nghêu đã phỏng vấn tôi ở ngõ Cunliffe. Thanh tra Petersen cẩn thận gắp bên rìa hai mảnh giấy nhỏ để nhặt lên, rồi bỏ vào trong túi.

“Vào lúc này thì đây là một cái chết tự nhiên,” ông ta nói. “Tôi không muốn tay nhà báo đó thấy tôi đang nói chuyện với các ông.” Petersen quay sang đám người đang tụ tập quanh sân khấu. “Phải,” ông ta thở dài, “tôi còn phải đếm hết từng này người.”

“Ông thực sự nghĩ hắn còn ở quanh đây à?” Seldom hỏi.

“Tôi nghĩ là dù cho số đếm đầu ra đủ hay thiếu ai đó, thì chúng ta cũng biết thêm đôi điều về hắn.”

Petersen đi ra xa vài bước, rồi dừng lại nói chuyện với cô gái trẻ đã ngồi cạnh ông ta trong buổi trình diễn. Viên thanh trẻ ra hiệu về hướng chúng tôi và cô gái gật đầu. Lúc sau cô tiến về phía chúng tôi với nụ cười thân thiện:

“Ba tôi nói sẽ mất một lúc, họ không cho phép xe riêng hay taxi nào rời khỏi đây đâu. Nhưng tôi cũng đang sắp về Oxford. Tôi có thể thả các ông xuống chỗ nào đó.”

Chúng tôi đi theo cô ra bãi đậu xe, và chui vào một chiếc xe với huy hiệu nhận dạng cảnh sát treo kín đáo ở kính xe. Khi ra khỏi bãi đậu xe, chúng tôi nhìn thấy hai cảnh sát viên mà Petersen đã yêu cầu.

“Đây là lần đầu tôi tranh thủ đưa ba tôi đi xem hòa nhạc,” cô gái nói. “Tôi cứ nghĩ nó sẽ giúp ông tạm quên công việc khỏi đầu óc. Đành vậy, tôi đoán là ông không đến ăn tối được rồi. Trời ạ, cái cách ông ấy đưa tay lên đỡ cổ… Tôi vẫn không sao tin chuyện đó được. Ba đã tưởng là có ai đang cố làm ông ta nghẹt thở. Ông đã định bắn lên sân khấu, nhưng vì đèn pha rọi ngay vào mặt ông kia, ông không nhìn thấy gì ở đằng sau cả. Ông đã hỏi tôi xem có nên bắn không.”

“Từ chỗ cô ngồi đã thấy được gì?” tôi hỏi.

“Không gì hết! Chuyện xảy ra quá nhanh mà. Và dù sao thì lúc ấy tôi cũng đang phân tâm, lo nhìn lên lâu đài. Tôi biết đến hết tấu khúc đó sẽ bắn pháo hoa, nên tôi để ý chờ. Lúc nào họ cũng bắt tôi tổ chức đốt pháo hoa ở những dịp như thế này. Có lẽ vì tôi là con gái của cảnh sát, nên họ nghĩ tôi biết hết mọi chuyện về thuốc súng cũng nên.”

“Có bao nhiêu người trên mái nhà lo về việc pháo hoa?” Seldom hỏi.

“Hai. Chỉ cần thế là đủ. Có thể có thêm nhiều nhất một người nữa trên đó - một người trong đội bảo vệ lâu đài.”

“Từ chỗ tôi thấy,” Seldom nói, “chỗ của người nhạc công gõ hơi tách ra khỏi phần còn lại của dàn nhạc. Ông ta là người cuối cùng ngay trước hậu trường, ở cao tận trên một cái bục. Đây là thành viên duy nhất của dàn bị tấn công mà không có ai phát hiện. Một người trong số khán giả hay thậm chí từ trong lâu đài có thể đi vòng ra sau sân khấu khi ánh sáng bị tắt.”

“Nhưng cha tôi nói nguyên nhân chết là tắc nghẽn hô hấp kia mà. Chẳng lẽ một thứ như vậy có thể do bên ngoài gây ra ư?”

“Tôi không biết, tôi không biết,” Seldom nói, rồi thêm vào rất khẽ: “Tôi hy vọng thế.”

Ông muốn nói gì vậy? Tôi đã định hỏi ông, nhưng cô con gái viên thanh tra đã kéo ông vào cuộc trò chuyện về ngựa, sau đó lại chuyển sang, không nhớ nổi vì sao và không lường trước, đến cuộc tìm kiếm những tổ tiên chung người Scotland. Tôi lật đi lật lại những lời nói gây thắc mắc của ông trong đầu một lúc, tự hỏi không biết có phải cách hiểu của mình thiếu sót một sắc thái nào mà câu nói “Tôi hy vọng thế” trong tiếng Anh có thể có không. Tôi tạm đoán đấy chỉ là cách ông muốn nói rằng duy nhất giả thuyết đó là hợp lý, và vì lợi ích của đầu óc tỉnh táo nói chung, tốt hơn là cứ giả định đó đúng là chuyện đã xảy ra. Nếu như cái chết của ông già không phải đã có bàn tay nào đó gây ra, nếu ông ta thực sự đã chết vì nguyên do tự nhiên, người ta chỉ còn cách nghĩ đến những thứ không quan niệm nổi: người vô hình, các cung thủ Thiền môn, những ảnh hưởng siêu nhiên. Kỳ lạ thay cách đầu óc con người tạo ra những sự gia giảm, thích ứng nhỏ: tôi đã tự thuyết phục mình rằng đó chính là điều Seldom đã muốn nói và không bao giờ hỏi lại ông chuyện ấy, kể cả sau khi rời khỏi xe hay trong những buổi trò chuyện sau này. Thế mà giờ đây tôi nhận ra, những lời bày tỏ lặng lẽ ấy đã có thể là chìa khóa, là con đường tắt đi vào ý nghĩ sâu thẳm nhất của ông.

Tôi chỉ có thể nói để tự biện hộ mình là lúc ấy tôi đang nuôi một chủ đích khác: không để cho Seldom tối nay đi thoát mà không tiết lộ quy tắc thành lập liên chuỗi. Thật xấu hổ, ngay cả khi đã biết được về ký hiệu tam giác, tôi vẫn còn mờ mịt không khác gì lúc ban đầu. Lắng nghe cuộc nói chuyện ở ghế trước bằng một bên tai, tôi cố gắng vô vọng để tìm một cách hiểu cho dãy ký hiệu hình tròn - cá - tam giác, và hình dung ra hình thứ tư có thể là gì. Tôi đã quyết tâm phải gạn cho ra câu trả lời từ Seldom ngay vào lúc chúng tôi rời khỏi xe, và đang nhìn thấy cô con gái của Petersen mỉm cười với vẻ hơi lúng túng. Mặc dù không đoán được nghĩa của một vài lời ăn tiếng nói thông dụng, tôi cũng nhận ra được là cuộc đối thoại đã chuyển sang có tính riêng tư hơn, và đến một lúc cô gái nhắc lại, bằng một giọng nói nũng nịu đáng thương có ý gây cảm động, là cô sẽ phải ăn tối một mình hôm nay. Chúng tôi đi theo đường Banbury để về Oxford, và cô con gái viên thanh tra dừng xe ở đầu ngõ Cunliffe.

“Ở đây là được rồi, phải không ạ?” cô hỏi, với nụ cười duyên dáng nhưng cứng cỏi.

Tôi rời khỏi xe nhưng trước khi cô kịp cho xe chuyển bánh, trong một giây bức xúc đột ngột, tôi gõ vào cửa sổ của Seldom.

“Ông cần phải nói cho tôi,” tôi nói bằng tiếng Tây Ban Nha, khẽ nhưng khẩn thiết, “kể cả dù chỉ là một đầu mối, cho tôi biết thêm điều gì về giải đáp cho liên chuỗi.”

Seldom ngạc nhiên nhìn tôi, nhưng lời kêu nài của tôi đã có tác dụng, và ông có vẻ đã thấy thương hại tôi.

“Chúng ta, anh và tôi là ai, các nhà toán học lại là ai?” ông đáp và mỉm cười với một vẻ ưu tư lạ lùng, như đang phục hồi lại một ký ức ông ngỡ mình đã mất. “Chúng ta, như một nhà thơ của xứ sở anh đã nói, là ‘những môn đệ miệt mài của Pythagoras’.”