Lorna gọi tôi rất sớm. Nghe tiếng nàng gần như đang bị kích thích - nàng cũng vừa thấy bài báo và muốn chúng tôi đi ăn trưa để tôi kể cho nàng tuyệt đối hết mọi chuyện. Nàng không thể tự tha thứ cho mình, hay cho tôi, vì đã để nàng ở nhà chiều hôm trước trong khi tôi ở ngay đó, tại buổi hòa nhạc. Nàng vì thế mà đâm ghét tôi rồi, nhưng nàng sẽ bỏ được mối ác cảm vào giờ ăn trưa, và gặp tôi tại quán cà phê Pháp trên phố Little Clarendon, cho nên nếu tôi nghĩ cả đến chuyện đi ăn trưa với Emily cũng đừng hòng. Chúng tôi gặp nhau ở Café de Paris, cười và trò chuyện về những vụ giết người, và ăn bánh crêpe với giăm bông theo cái lối hơi bất cẩn, không lo sợ điều gì của những cặp tình nhân trẻ hạnh phúc. Tôi thuật lại cho Lorna nghe lời thanh tra Petersen: người nhạc công đã qua một cuộc giải phẫu phổi rất nghiêm trọng, và bác sĩ của ông ta ngạc nhiên là ông ta đã không chết sớm hơn.
“Trường hợp bà Eagleton và Ernest Clarck cũng thế,” tôi nói, rồi chờ phản ứng của nàng đối với cái giả thuyết vụn của tôi. Nàng suy nghĩ một lúc.
“Bà Eagleton thì không hẳn. Em gặp bà cụ ở bệnh viện mấy hôm trước khi chết, và cụ ấy rất vui mừng vì các xét nghiệm cho thấy bệnh ung thư của cụ đang có biểu hiện suy giảm. Bác sĩ đã nói cụ ấy còn sống thêm được khá nhiều năm nữa.”
“À,” tôi nói, như thể đấy chỉ là một phản đối vặt vãnh, “đấy nhất định là một cuộc trò chuyện riêng tư giữa bà cụ và bác sĩ, không có cách nào hung thủ lại biết được.”
“Vậy là hắn chọn toàn những người sống lâu hơn đã dự đoán? Ý anh nói thế à?”
Mặt nàng u ám mất một lúc, và nàng chỉ tay về cái ti vi sau quầy đối diện phía nàng. Tôi quay lại và nhìn thấy khuôn mặt tươi cười của một cô bé tóc quăn trên màn hình, và ở dưới, là một số điện thoại cùng với lời kêu gọi toàn nước Anh hãy gọi tới đây.
“Chính là cô bé anh đã gặp ở bệnh viện đấy à?” tôi hỏi Lorna. Nàng gật đầu.
“Nó bây giờ đã nằm trên cùng của danh sách cần cấy ghép khẩn cấp trên toàn quốc. Nhiều lắm nó chỉ còn bốn mươi tám tiếng đồng hồ để sống nữa thôi.”
“Còn người cha ra sao rồi?” tôi hỏi. Tôi còn nhớ như in ánh mắt điên cuồng của ông ta.
“Mấy hôm nay em không gặp ông ta. Em nghĩ ông ta đã phải trở lại làm việc.”
Nàng chìa tay ra, lồng các ngón vào ngón tay tôi như để xua đi đám mây đen bất chợt trong lòng, và gọi thêm một cốc cà phê. Tôi vẽ một đồ hình trên khăn ăn để chỉ cho nàng vị trí của người nhạc công gõ, rồi hỏi nàng có biết cách nào tạo ra một sự tắc nghẽn hô hấp không.
Lorna nghĩ ngợi một lúc, tay khuấy ly cà phê.
“Em chỉ nghĩ được một cách không để lại dấu vết: một người có đủ sức mạnh có thể đã trèo lên từ phía sau và lấy tay bịt mồm với mũi ông nhạc công lại. Cái đó gọi là cái chết của Burke, theo tên của William Burke. Chắc anh đã thấy tượng sáp của hắn ở chỗ bà Tussaud. Hắn có một nhà trọ ở Edinburgh vào những năm 1820. Hắn đã giết mười sáu người rồi bán thi thể cho người tập giải phẫu. Làm nghẹt thở người có dung tích phổi quá suy giảm không cần nhiều hơn vài giây đâu. Em cho rằng hung thủ đã giết người nhạc công như thế, trong khi đèn pha đang xoay lại về hướng ông ta. Hắn buông tay ra tức khắc, nhưng hô hấp của ông già đã kịp tắc nghẽn lại, và cả tim không chừng. Cảnh mà các anh đã thấy - ông ta đưa tay đỡ lên cổ, như đang bị một con ma túm lấy - chính là phản ứng điển hình của một người không thở được.”
“Còn chuyện này nữa,” tôi nói. “Em có nói chuyện thêm với anh bạn giám định pháp y của em về vụ khám nghiệm ông Clarck chưa? Thanh tra Petersen tin là ông ta có một cách giải thích khác đấy.”
“Chưa,” Lorna nói, “nhưng anh ta có mời em đi ăn tối mấy lần. Anh có nghĩ em nên nhận lời rồi tìm hiểu không?”
“Không, không đâu,” tôi đáp, bật cười. “Anh có thể sống với cái bí ẩn này được.”
Lorna liếc nhìn đồng hồ.
“Em phải quay lại bệnh viện rồi, mà anh vẫn chưa nói gì về cái liên chuỗi ấy cả. Hy vọng là không khó hiểu lắm, em quên hết môn toán rồi.”
“Không, cái đáng ngạc nhiên chính là chỗ lời giải đáp giản dị như thế nào. Cái liên chuỗi ấy chỉ là 1, 2, 3, 4... trong cách ký hiệu của những người theo Pythagoras.”
“Hội huynh đệ theo Pythagoras ấy à?” Lorna hỏi, như thể điều này khuấy lên cái gì đó từ trong ký ức.
Tôi gật đầu.
“Em có học vắn tắt về họ trong một phần khóa học Lịch sử Y khoa. Họ tin ở sự đầu thai của linh hồn, đúng không? Em chỉ nhớ là họ có một lý thuyết rất tàn nhẫn về những người thiểu năng trí tuệ, mà về sau người Sparta và các thầy thuốc của Croton đem ra ứng dụng. Họ đề cao trí thông minh rất mực, và tin là người thiểu năng trí tuệ là hậu thế của những kẻ kiếp trước đã phạm tội lỗi khủng khiếp. Họ đợi tới lúc nhũng người này lên mười bốn tuổi, lứa tuổi quyết định đối với hội chứng Down, rồi dùng người nào sống sót làm vật thí nghiệm y khoa. Họ cũng là những người đầu tiên thử nghiệm Cấy ghép các bộ phận. Bản thân Pythagoras cũng có một bên đùi làm bằng vàng. Họ ăn chay, nhưng không được phép ăn đậu.” Nàng mỉm cười. “Bây giờ, em thực sự phải đi rồi.”
Chúng tôi tạm biệt bên ngoài quán cà phê. Tôi phải trở lại Viện để viết báo cáo đầu cho quỹ học bổng, và tôi phải bỏ hai tiếng liền để xem lại hết các bài nghiên cứu đồng thời sao chép lại các dẫn chứng. Đến bốn giờ kém mười lăm phút, tôi xuống nhà dưới như mọi ngày, đến phòng công cộng, nơi các nhà toán học tụ tập uống cà phê. Căn phòng đầy người hơn mọi hôm, như thể không có ai ở lại trong văn phòng mình hôm ấy, và tôi lập tức nghe những tiếng thì thầm đầy kích động. Gặp mặt tất cả bọn họ một chỗ - nhút nhát, xuềnh xoàng, lịch sự - tôi lại nhớ đến lời Seldom. Phải, họ đấy, hai thiên kỷ rưỡi sau đang sắp hàng mua cà phê một cách trật tự, đồng xu cầm trong tay, những đồ đệ miệt mài của Pythagoras. Trên bàn có một tờ báo đang mở ra, và tôi ngỡ là họ đang bàn tán về liên chuỗi ký hiệu. Nhưng hóa ra tôi lầm.
Emily nhập bọn với tôi trong hàng, và nói, mắt sáng lên như đang tiết lộ một bí mật chỉ có ít người được nghe: “Rõ thật rồi, anh ta đã làm được,” bà nói như thể chính mình cũng chưa tin được vào điều ấy. Khi nhìn thấy khuôn mặt ngơ ngác của tôi, bà thêm vào: “Andrew Wiles ấy! Em chưa nghe gì à? Anh ta đã xin thêm hai tiếng đồng hồ để thuyết giảng tại hội thảo Lý thuyết Số tại Cambridge ngày mai. Anh ta sẽ chứng minh ức thuyết Shimura-Taniyama. Nếu đi được tới cùng, anh ta coi như đã chứng minh định lý Fermat. Một nhóm toán học gia đang định đi Cambridge để dự vào ngày mai. Đây có thể là ngày quan trọng nhất trong lịch sử toán học.”
Podorov đi vào, trông vẫn ủ rũ như thường nhật. Nhìn thấy dãy người dài đang sắp hàng, anh ta quyết định ngồi xuống và đọc tờ báo. Tôi lại chỗ anh ta, tay giữ thăng bằng một cốc cà phê bốc khói và chiếc bánh bông lan. Anh ta ngước lên từ tờ báo và liếc nhìn xung quanh một cách khinh thị.
“Thế anh đã ghi danh cho chuyến đi ngày mai chưa? Tôi có thể cho anh mượn máy chụp hình,” anh ta nói. “Cả lũ bọn họ đều sẽ muốn chụp một bức đứng bên bảng đen của Wiles, cùng với bài chứng minh.”
“Tôi không chắc mình sẽ đi nữa,” tôi nói.
“Sao thế? Có xe bus miễn phí, và Cambridge cũng là một chỗ rất đẹp kiểu Anh quốc. Anh đã tới chưa?”
Anh ta đang thờ ơ lật từng trang báo, bỗng sáng mắt lên khi trông thấy bài báo dài về những vụ án mạng và chuỗi ký hiệu. Anh ta đọc hai ba dòng đầu và giật mình ngờ vực, ngước nhìn tôi.
“Hôm qua anh đã biết hết chuyện này rồi à? Những vụ giết người này xảy ra từ bao lâu rồi?”
Tôi nói rằng vụ án mạng đầu tiên xảy ra cả tháng trước, nhưng đến giờ cảnh sát mới quyết định tiết lộ các ký hiệu.
“Còn Seldom lại làm gì ở đây?”
“Những tin nhắn sau mỗi vụ giết người đều gửi cho ông ta. Lời nhắn thứ hai, với ký hiệu con cá, xuất hiện ở ngay chỗ mình, dán vào cánh cửa chính.”
“À, phải, tôi nhớ có vụ lộn xộn nhỏ gì đó vào hôm ấy. Tôi có thấy cảnh sát, nhưng lại nghĩ là có ai đã đập vỡ một cánh cửa sổ.”
Anh ta quay lại với tờ báo và đọc nốt bài báo.
“Nhưng không thấy tên Seldom chỗ nào cả.”
“Cảnh sát không muốn tiết lộ là ba lời nhắn đều nhắm vào ông ta.”
Anh ta nhìn tôi lại lần nữa nhưng thái độ đã thay đổi hẳn: giờ đây anh ta đang có vẻ hứng chí.
“Thế là có ai đang chơi mèo vờn chuột với ngài Seldom vĩ đại đấy. Có lẽ trên trời vốn có công lý thật. Do một vị thần toán học phân phát, dĩ nhiên.” Anh ta nói một cách bí hiểm. “Anh thử hình dung vụ giết người thứ tư sẽ như thế nào? Một cái chết đúng theo ý nghĩa thiêng liêng của hình tứ linh?” Anh ta nhìn quanh như tìm kiếm một cảm hứng. “Tôi nhớ không lầm thì Seldom thích chơi bowling, ít nhất là trong một lần tôi còn nhớ. Hồi ấy trò này ở bên Nga không được biết đến nhiều lắm. Trong bài giảng, ông ta đã so sánh mười điểm của tứ linh như cách xếp đặt các con ky khi vào cuộc chơi. Và có một kiểu ghi điểm khi mà ta chỉ ném banh một lần mà làm đổ được hết mười con ky.”
“Cú strike,” tôi nói.
“Phải, chính xác. Có phải một từ tuyệt diệu không?” Và anh ta lặp lại bằng cái giọng Nga rất nặng của mình, mỉm cười một cách kỳ lạ như thể đang hình dung một trái banh vô phương ngăn chặn, và những cái đầu rơi. “Strike!”