gười bếp vừa dọn bàn. Trên khăn giải trắng, mấy chén nước chè hạt hãy còn đầy nguyên. Ông huyện, bà huyện, ông bạn Khoát mỗi người có ở tay miếng lê, hoặc táo. Dung đương gọt vỏ nốt mấy thứ hoa quả ở một góc phòng không một ai nói một lời nào vào cái giờ nặng nề, uể oải của sự tiêu hóa sau bữa cơm trưa. Một bên chân để gập trên ghế, tay giữ cái tăm ở mồm, ăn đồ nước xong, bà huyện cứ ngồi đờ ra nghĩ vơ vẩn...
Thấy vậy, ông huyện ra hiệu kín cho vợ. Bà cầm khăn mặt đứng lên đi ra thì ông nháy mắt cho bạn, khẽ nói:
- Đi thôi.
- Nghỉ lát đã, không thì mệt lắm.
Ông huyện lừ mắt, chặc lưỡi mấy cái, gắt:
- Đến đấy không nghỉ được hay sao?
Thế là ông đứng phắt lên, ra chỗ cái mắc, mặc áo, khiến cho bạn ông cũng phải làm theo như thế. Hai người cùng vội vã hút thuốc lào rõ kêu rồi lẳng lặng xuống thang. Từ buồng bên, bà huyện chạy ra hỏi: "Đi đâu thế các ông?" song, ông huyện không nghe thấy hoặc không thèm đáp. Bà hất hàm cho con gái, nói:
- Mau ra bao lan nghe xem họ thuê xe đi đâu.
Dung chạy ra một lúc rồi quay vào, thưa:
- Con thấy cậu mặc cả đến hàng Buồm.
Bà huyện rút cái tăm ở miệng ra gật gù cái đầu:
- Đích thị lại đi hút thuốc phiện! Cái nhà bác Khoát này tệ lắm? Bạn hữu đời nay chỉ rủ nhau vào cái chết thôi, chả ích gì cả.
Tức khắc Dung cãi cho người vắng mặt.
- Me đừng đổ oan cho bác Khoát, phải tội! Con ngồi đây, con biết! Chính cậu giục bác ấy, chứ nào bác ấy có rủ rê gì cậu đâu!
- Biết đâu rằng không vì xưa kia bác ấy đã giục cậu mày cho nên đến bây giờ cậu mày phải giục bác ấy!
- Me bảo bạn hữu đời này chỉ rủ nhau vào cái chết, vậy mà con thấy bao nhiêu chuyện can hệ cậu mợ đã bàn luận với bác ấy!
Đến đây, bà mẹ làm lơ. Bà kéo gối nằm xuống sập với cái mặt buồn rầu. Bà không thể nào không nhớ đến chuyện cũ.
Từ khi phải về Hà Nội thì bà huyện đã sống những ngày vừa buồn tẻ, vừa khó chịu, như một người ở phải một chỗ thủy thổ bất hợp. Xưa kia ở huyện, bà có bao nhiêu quyền hành! Dù ở nhà, dù ra phố luôn luôn bà được người ta cứ một lời lại bẩm bà lớn, coi bà là cả một thế lực vạn năng! Vậy mà bà phải về một nơi phồn hoa đô hội, tại đó những cái tôn ti hầu như không có nữa, ai cũng cá mè một lứa. Bà đã sống một đoạn đời trống rỗng như một người không có địa vị gì...
Điều làm cho bà khổ tâm hơn nữa là bắt đầu thấy trong quĩ gia đình, khoản thu trội hơn khoản chi bao nhiêu. Không kể những số tiền của đút mà bà gọi là bổng lộc cho nó sang trọng từ đây không có nữa, mà lại cả đến bao chè tầu, cái thủ lợn, buồng cau, cái chân giò, quả chín, thí dụ cần dùng đến thì bà cũng đều phải xỉa tiền ra cả. Thật là những sự chẳng vui gì cho một người nền nếp muốn làm giàu như bà. Mà nào có giàu! Từ độ ông được bổ đi tri huyện cho đến nay ông bị huyền chức thì lương bổng ông dùng để đóng họ trả nợ cũng chưa xong đấy thôi! Cái ý nghĩ ấy luôn luôn ám ảnh bà, làm cho bà được thể không bao giờ phải hối hận về chỗ đã sống trên sự bóp nặn, vì rằng kỳ trung thì chồng bà chính vì ra làm quan mà thiệt hại.
Đã thế, ông huyện lại còn thay đổi tính nết. Lúc ở huyện ông thật đường đường rõ ra một vị "phụ mẫu chi dân". Bây giờ, trái lại. Cái không khí Hà thành làm cho ông trở nên vui vẻ trẻ trung hơn, và do thế, cũng đâm ra bậy bạ hơn. Xưa kia, giải trí thì tổ tôm là cùng. Bây giờ, thôi thì đủ thứ! Từ một người căn cơ, hàn gắn như đàn bà, ông huyện đã hóa ra một nhà sư phá giới, liều lĩnh, chẳng coi đồng tiền vào đâu! Hát xướng, nhẩy đầm, yến ẩm, hút xách, những cái ấy, ông bắt đầu thử nếm, mà chẳng nhớ rằng trên đầu ông đã có gần hai thứ tóc. ở chốn thành thị, sự tiêu pha trở nên tốn kém vì ông huyện mỗi ngày thêm rộng đường giao thiệp một chút, mà càng hiếu hữu quảng giao, ông càng hay đi đêm. Những bọn con nhà phá của chỉ đi làm để lấy tiếng, những ông tham tá trẻ, những ông huyện mới các tỉnh, thường tối đến đánh xe về Hà thành, đến tìm chồng bà, lôi vào quần thảo nhau suốt đêm ở một tiệm khiêu vũ nào đó, cho mãi đến sáng hôm sau. Đối lại những việc như thế, bà lẩm bẩm "Cái thời buổi bây giờ nhố nhăng, chứ quan với tư gì lại như thế!" Trong óc bà bỗng có những hình ảnh thiểu não về cảnh gia đình tan nát nó sẽ đến mai kia. Bà coi Hà thành là một nơi nguy hiểm cho sự yên ổn gia đình, một nơi đắc thế của bọn vong gia thất thổ, một nơi mà cái suy đồi phong hóa là cực điểm, một cái ngục thất nữa, vì bị huyền chức một năm như vậy cũng hại cho ông huyện như ông phải tù một năm. Hại cả tinh thần lẫn vật chất! Bà nhớ một cách xót xa thấm thía rằng từ độ về Hà Nội, vì cái chơi bời của chồng, trong nhà đã xảy ra khẩu thiệt mất năm lần - hơn năm tuần lễ có năm buổi chiều thứ bẩy! - và bà đã bị người cầm cái họ, vì không thu được tiền, nói những câu rất đau: "Này, do đồng tiền của đứa nào mà người ấy được vác mặt lên bảnh chọe làm bà lớn thì chớ quên, mua danh ba vạn chớ bán danh chả được đồng nào đâu!" Bao giờ bà lại quên được câu đay nghiến ấy.
Mấy hôm nay, bà thấy áo ông có giây một vài vết bẩn khó hiểu.
- Chết cái áo lụa thế này mà bẩn gì thế này, giặt ra làm sao, hay đến hỏng cả cái áo thôi?
- Đâu bà đưa con xem... a à, thuốc phiện đây ạ, bà đổ tị rượu vào mà vò thì sạch.
Người bếp già vừa cắt nghĩa xong thì thấy bà chủ đã nước mắt chạy quanh. Rồi, từ đấy, bà huyện thêm một mối lo: chỉ trong thời hạn bị huyền chức là cùng chồng bà khó lòng thoát nghiện.
Bà nặng nề trở mình, dằn vặt chân tay xuống cái sập gụ như gái đẻ lúc nổi cơn ghen. Không trông thấy cái bực dọc trên mặt mẹ lúc ấy, Dung hớn hở hỏi:
- A, mợ ngủ chứ? Con vặn quạt chạy nhè nhẹ nhé?
Thấy câu này tình cờ có ba tiếng độc vận hay hay, Dung nhắc lại:
- Nhè nhẹ nhé?
- Thôi cô ạ. Phải bắt đầu hà tiện đi mới được. Cô có biết bố cô độ này phá tán thế nào không? Mẫu mực này, rồi thì ăn mày đến nơi! Lấy quạt phẩy cho tôi một lúc đây!
Mặt Dung tiu nghỉu. Lúc ấy, nàng đang muốn đứng ở bao lan. Vậy mà nàng đã dại dột săn sóc đến mẹ để mà ngồi quạt! Trước khi cầm quạt, Dung lại quay ra bao lan trông ngóng một sự gì. Bà mẹ liền nổi giận, hét:
- Làm gì nữa thế?
- Con đóng cửa lại cho mợ khỏi chói mắt.
Nàng vào. Mặt nàng lại buồn hơn trước. Nhưng may là chỉ trong chốc lát, bà mẹ đã thấy dễ dịu, cái ngủ kéo đến thiu thiu. Dung làm cái phận sự ấy được một góc giờ nữa thì đã có thể đứng lên, bỏ đấy mà ra bao lan, mà không sợ phải mắng.
Tòa nhà Dung ở với tòa nhà ông tham Quang là chủ nhà ở bên cạnh, chỉ cách nhau có một lối đi rộng ba thước bề ngang một con đường đủ cho xe hơi có thể vào nhà chứa xe. ở tận trong cùng sân trong là một cái vườn gần như của chung. Hai tòa nhà cùng một kiểu nên tối đến, người ta có thể cứ ngồi ở hai bên bao lan trò chuyện với nhau mà cũng vẫn thân mật. Cũng do lẽ ấy, nên hai bên mở cửa sổ cho đều thì cái kín đáo của đồ đạc bị phô ra thông thống, hai nhà mà như là một nhà. Cái sự bất tiện về cửa ngõ ấy làm cho người ở hai nhà cứ phải rình mò nhau, phải nhường nhịn nhau, cứ như là chơi trò ú tim - òa của trẻ thơ. Ngay cả vào những lúc cần lấy gió ở ngoài vào cho thoáng khí mà hai bên cũng vẫn phải giữ cái lệ là hễ bên kia cửa có đóng thì bên này mới để ngỏ. Còn nếu cả hai sơ ý thì không kể.
Vào lúc trước giờ ăn cơm, hai nhà cũng đã sơ ý, hai bên cửa sổ cùng để mở toang. Trong khi dọn nhà cơm khách, đã thành cái lệ là chủ nhật nào cũng mời cơm ông Khoát, lúc để chai rượu vang và mấy cái cốc vào bàn, tình cờ đưa mắt sang nhà bên kia, Dung thấy thấp thoáng hình như có một thiếu niên giống Hoàng Văn Phú lắm, tuy mặt mũi Hoàng Văn Phú lần gặp thấy trong một điếm gạch chỗ phu hộ đê thì nàng chẳng còn nhớ rõ cho lắm. Trong một phút, nàng đã hồi hộp, như là người ta phải hồi hộp, vào những lúc bất chợt thấy cái gì nó khiến mình nhớ lại một thứ cảm giác mạnh mà mình không bao giờ quên được. Duy có điều người hộ đê bữa trước thì hình như già hơn cái người bây giờ, gọn gàng, sạch sẽ trong một cái áo trắng dài nhũn nhặn nó làm cho vẻ mặt còn cái tinh thần học sinh. Người ta có thể nào trước già mà sau trẻ không? Người học sinh này có phải là người phu hộ đê xưa kia không? Tần ngần tự hỏi mình như thế, Dung cứ đứng ngây ra nhìn sang bên kia, chỉ mong người ấy cũng nhìn sang bên này. Nếu đích đấy là Hoàng Văn Phú thì thế nào chàng cũng phải nhận được ra Dung là ai, hoặc là, nếu không, thì cũng phải lúng túng như Dung là ít. Còn nếu người ấy có trông thấy Dung đứng bên này mà lại thản nhiên như thường, mà mặt mũi lại không để lộ một chút ngơ ngác, một chút phân vân, một chút cảm tưởng gì, thì đích xác là Dung đã trông lầm, hay là trong đời có hai người giống hệt nhau đó thôi. Thật thế, Dung chỉ có cứu người, mà cũng còn nhớ mặt người, thì Phú được người cứu, trong một trường hợp đầy thi vị như một sự thêu dệt khó tin của tiểu thuyết như thế, không, không, không đời nào Phú lại quên được.
Dung đương đợi... thì người ấy không những chẳng nhìn sang mà lại còn đáp một câu: "Tôi xuống đây" rồi biến mất. Lúc ấy, Dung đã gần quên là phải xuống ngay bếp để xem người ở nó sửa soạn bữa cơm khách ra sao. Nàng còn đứng chờ, và sau khi biết chờ là vô ích, lại còn ra khép cửa sổ, để hở có một cái khe nhỏ đủ mắt nhìn sang khi nào cần nhìn, vì sợ thấy bên này để ngỏ thì bên ấy lại khép cửa lại chăng... Bữa cơm ấy, Dung đã bị bà mẹ mắng là ăn chậm quá. Sự nghĩ ngợi làm cho nàng nhai lâu. óc nàng chỉ bận phán đoán có việc ấy. Nàng đã tìm hết mọi lý sự để bác đi rằng đó không là Phú, vì một người con nhà nghèo đến nỗi phải đi đắp đê cách đây không bao lâu thì chẳng có thể vì lẽ gì mà bây giờ lại có mặt tại một gia đình trưởng giả như nhà ông tham Quang. Mà có phải có mặt mà thôi không? Không, ở hẳn, chứ không phải chỉ có trong chốc lát- Cái áo dài để hở khuy cổ, cái đầu tóc không chải, đã đủ cắt nghĩa rõ. Sau khi lý luận như thế Dung thấy hình như người ấy chẳng phải Phú, và như vậy là đúng nhưng nếu đúng thế thì buồn lắm, nàng lại không thích cái lý luận có thể đúng ấy ngay! Dung bèn tìm những lý sự trái ngược, thí dụ Phú là có họ với ông tham Quang, bây giờ lụt lội phải ra đây lánh nạn, một sự tình cờ gì đó, v.v... Tuy nhiên những lý về sau nó thế nào ấy, nó hình như không còn là lý nữa. Suốt bữa cơm ấy, Dung lẳng lặng như người đàn bà giận chồng mà phải cùng ngồi một mâm với chồng.
Mẹ Dung chừng như đã ngủ hẳn.
Nàng khẽ để cái quạt xuống giường. Nàng đứng lên toan ra chỗ cửa sổ, bỗng lại dừng lại nhìn kỹ mẹ. Sau khi không còn phải sợ mẹ còn thức, Dung cũng tìm con đường chắc chắn, nghĩa là không đến đứng ở cửa sổ để nhìn qua khe nữa, vì nhỡ mà bà huyện mở mắt ra thì trông thấy ngay Dung quả tang. Nàng ra hẳn bao lan, tuy đứng ở bao lan mà nhìn sang bên ấy thì lệch, cửa sổ bên ấy hẹp hẳn lại mất một nửa. Ra đến bao lan, Dung còn nhìn xuống đường. Giữa trưa, không một ai ở phố, và giá có ai thì chắc người ấy cũng chẳng nhìn lên làm gì cho chói mắt. Tuy vậy, nàng cũng nom trước nom sau như một đứa trẻ đề phòng trước khi làm một điều đáng thẹn...
Trong khung cửa sổ hiện ra một cái đầu thưa tóc của trẻ thơ với cái gáy trắng nõn trên cái cổ áo sơ mi xanh mà Dung biết ngay là con giai ông tham, thằng Phúc. Bên cạnh nó thì là một mớ tóc gần dài lồng trong cái trật tự đều đặn của một chiếc lược bờm màu lam. Con cái nhà ai? Chứ con chủ nhà thì không phải. Hai đứa trẻ ấy ngồi đây làm gì? Có phải chỉ có hai mà thôi? Sao thấy tiếng cười nói thì hình như còn có nhiều trẻ? Ông tham Quang chỉ có một con, thế là nghĩa lý gì? Dung tựa bao lan nhìn xuống đường, tai vẫn lắng nghe... Chợt thấy có một tiếng nói người lớn dõng dạc:
- Em Thanh ngồi lui về phía sau cho em Hiền có chỗ để sách... Phúc! Trông vào sách đọc đi, chóng ngoan... Học đi nửa giờ thôi, rồi chú nói với cậu cho đi chơi Bờ Hồ ăn kem Nhật Bản.
Đến bây giờ, Dung thấy rằng mười phần thì nàng đã cầm chắc đến chín rồi. Sự thấy ngờ ngợ của nàng đã biến đổi thành ra quả quyết. Cái giọng nói cương nhu ấy chính là giọng nói của anh phu hộ đê buổi xưa chứ không còn sai.
- Thế bao giờ ông Cử được tha?
- Bẩm ông tôi chết tại Côn Đảo đã lâu rồi.
- Giáo Minh liệu có được tha không?
- Bẩm chắc có, vì tin tức riêng chúng tôi nhận được cũng đã đích xác.
- Thế thầy từ nay đừng có lôi thôi sinh sự với họ nữa nhé!
Trong một phút, Dung đã trông thấy lại cảnh cha nàng thoạt đầu nạt nộ và sau dịu dàng với anh chàng phu phen đặc biệt ấy, cái điếm gạch sứt lở mà tường đầy những nét vẽ than và vẽ gạch non nguệch ngoạc nên hình những ông tướng Tam Quốc thô lỗ, ông tham lục lộ mặt sưng sỉa, những thầy tổng lý chạy nháo nhào trên mặt đê...
- Thưa cô, cô là ai?
- Một nàng tiên xuống cứu người lâm nạn.
- Thưa cô...
- Thôi, không được hỏi gì nữa! Trốn ngay đi cho mau. Nội đêm nay không khỏi vùng này ắt chết! Đi!
- Tôi xin nhớ ơn cô đến chết...
Dung lại trông thấy rõ người thiếu niên mặt mũi lem luốc vì giam hãm, với cái lô- cốt mập mờ cao sừng sững trong đêm khuya, mồi thuốc lào của anh lính cơ, tiếng bõm của chiếc chìa khóa ngục vừa rơi xuống nước giếng, cái âm u lặng lẽ của huyện đường.
Nàng chợt rùng mình, lại vừa cảm thấy cái sung sướng trong cái sợ.
Đích thị đó là người Dung đã cứu thoát tù tội rồi! Nào, nào, hỡi người kia! Hãy sửa soạn để mà bất kỳ trông thấy mặt ân nhân, nếu người không là kẻ vô ân! Dung vào chỗ cửa sổ, soi gương bằng miếng kính cửa để nén lại mấy sợi tóc, xốc lại cái cổ áo. Nàng sẽ cho người ấy thấy cảm giác mạnh bằng cách bất kỳ mở tung cửa, để người ấy trông thấy nàng như trông thấy sự xuất hiện của một nàng tiên.
Tiếng vấp của hai cánh cửa sổ vào tường làm cho Phú ngẩng đầu lên. Dung nhìn sang tròng trọc, Phú thì trước còn ngơ ngác và sau thì lúng túng không biết nên xử trí thế nào... Dung vẫn nhìn sang bằng cặp mắt của người đã gia ân đàn hạch kẻ đã chịu ơn của mình. Phú hơi hơi cúi đầu như muốn kính cẩn chào mà lại còn e sợ. Dung hơi nhếch đôi môi, mỉm cười.
Nhưng thấy thầy giáo của chúng đờ đẫn thế, mấy đứa trẻ vội quay nhìn về phía sau lưng... Dung gật đầu đáp, Phú lại với tay ra kéo hai cánh cửa. Vừa gặp lúc bà huyện kêu the thé:
- Sao chói mắt người ta thế, hở bà!