Vỡ đê

Phần III / Chương 7

V

ì sốt ruột mãi chưa thấy chị về trong khi người làng đã lác đác có người về. Phú mượn một mảng bè nứa với một con sào, đánh bè ra đi. Trong lúc hỏi thăm, chàng đã biết qua rằng dân đi lĩnh chẩn đã phải trở về tay không Chưa hiểu vì lẽ gì! Cho nên chàng lại càng lo lắng về sự chậm trễ của Tuất.

Độ nửa tiếng đồng hồ, khi chiếc bè lênh đênh trên những ngọn sóng đồng thì Phú mới thấy thuyền của Tuất hiện ra đằng xa. Chàng cắm sào lại, đợi...

Lúc ấy, thằng cu Hiền đã ngồi ngoan ngoãn trong lòng bác Minh của nó với cái bánh và miếng giò. Minh cũng đã bỏ âu phục ra, ngồi trên chiếu cạnh mẹ. Hai mẹ con từ đấy trở đi bắt đầu nói tất cả các chuyện. Phú đã phàn nàn:

- Ấy đấy, giả dụ đừng có lụt lội mà được anh về thế này thì còn vui biết bao nhiêu!

Nhưng Minh vội cãi:

- Thôi, người đời có ai được hoàn toàn sung sướng lúc nào bao giờ!

Rồi Minh hỏi đến Tuất. Bằng ba câu tóm tắt, Phú thuật những cái khổ của chị thì Minh ngậm ngùi ôm thằng Hiền lên mà hôn hít một cách thương xót. Ngay lúc ấy, Phú muốn Tuất về ngay cho mau. Anh Minh về là đáng mừng rồi: chả lĩnh chẩn thì đừng!... Thế là Phú để Minh một mình đôi hồi với mẹ, mượn bè của một người làng, đánh ra, đi... Chàng phải đi đón Tuất để báo ngay cái tin mừng ấy cho Tuất mới được!

Vậy mà, bây giờ trông thấy Tuất, Phú lại đổi ý. Không, chàng chẳng báo cho chị biết vội, cứ để chị về, rồi đột nhiên trông thấy, bất kỳ như thế cũng như Phú, thì hơn!... Phải, phải! Báo trước là nghĩa lý quái gì!

Nghĩ vậy, Phú khoanh tay đứng, rồi ngồi xổm xuống những cây nứa, hai tay bó gối. Giữa cánh đồng trên trời dưới nước, gió thổi ào ào vào mặt Phú, lùa vào hai cánh tay cụt của cái áo rách ấy mà vào nách. Trong một phút hiếm có mà cái trí não người ta sáng suốt một cách lạ, Phú thấy mình đã trở nên người dân quê cả trăm phần trăm. Thật thế, nước lụt đã làm cho Phú không ngại chân lấm tay bùn, biết bơi, lặn, chở đò, chặt tre, quấn thừng, ăn cơm ngô khoai, làm những việc nặng nhọc và nhịn đói, những cái mà người xưa kia đã là một "sinh viên" trường Bưởi thì tưởng không bao giờ kham nổi. Chàng vừa mừng vừa ngạc nhiên cho sự thích hợp hoàn cảnh của mình.

Trông thấy Tuất, Phú bỗng thấy nẩy ra trong óc cái ý tinh quái, muốn trêu ghẹo người chị lắm nước mắt, chàng nạt nộ:

- Thế nào! Gạo đâu! Tôi đi đón chị đây!

Tuất cau mặt gắt:

- Ỡm ờ gì thế? Mượn bè nhà Vạc ra đây mà lại còn không biết!

Phú làm bộ ngơ ngác rõ nhiều:

- Tôi mượn bè thì họ cho mượn chứ họ có bảo gì tôi đâu.

Chị Hai Cò le te mách ngay:

- Bác Tuất lúc ấy khóc mãi rồi đấy. Quan tỉnh có về, nhưng mà chả có hột gạo nào! Ai nấy rủ nhau về tay không!

Phú gắt:

- Lại có chuyện lạ thế nữa!

Bà xã Dậu thấy Phú ngạc nhiên thế thì hình như sung sướng lắm. Mắt bà ta quắc lên, mặt bà ta như có một thứ ánh sáng chiếu đến. Bà nói một cách vui vẻ vô nghĩa lý:

- Thật thế đấy! Trở về không hàng nghìn người cơ! ấy là chính bà Thống sứ cũng có về! Tôi trông thấy...

Bà quay lại với Tuất:

- Gớm cái nước da bà ta trắng trắng là, nhẩy!

Đến bây giờ Phú mới bắt đầu biết căm tức... Hàng nghìn người đi lĩnh chẩn phải về không! Sau khi lội nước mất cả ngày! Sau khi chở đò hai mươi cây số! Phú nghe như chuyện người ta bịa đặt, tuy sự thật nó đã hiển nhiên! Chàng chưa muốn tin, tuy lúc nãy chàng đã tin rồi là vì không để ý nên chẳng kịp có một cảm tưởng gì! Ừ, một việc như thế, sao khi nhà Vạc than thở với chàng, mà chỉ ậm ừ như nghe một chuyện chỉ đáng để ngoài tai! Chàng nói trống không:

- Hay là lão lý trưởng nói nhảm, chứ quan không sức.

- Cả huyện bị tẽn lừa chứ riêng gì làng này! Quan bảo đến mai.

- Vì làm sao lại để đến mai thì quan có nói không?

- Vì gạo chưa chở từ Hà Nội lên kịp. Thôi về chứ?

Phú xua tay nói:

- Chị Tuất hãy sang cái bè này với tôi. Còn bà hai, chị hai, có vội về thì cứ việc về. Về mà nhịn đói thì làm gì mà vội.

Tuất bỏ thuyền sang bè. Cái thuyền lướt đi, Phú bảo chị:

- Chị ngồi xuống đây tôi hỏi đã. Không có gạo thì về làm gì vội, buồn chết.

Tuất phát biểu cái căm tức:

- Tiên nhân nhà nó thế! Mất cả một ngày! Cháu có khóc lắm không, cậu?

- Không, bà đương ẵm nó, nó khóc xoàng thôi.

- Thôi về đi cậu ạ.

- Hãy khoan đã! Về thì làm gì? Đầu đuôi ra sao, chị hãy nói cho tôi nghe. Quan tỉnh về phát chẩn thì có ai? Chị trông thấy những gì? Vô lý, phát chẩn mà lại không có gạo!

Tuất kể lể:

- Mới đầu thì có hàng nghìn dân đói ngồi quanh cửa huyện chờ, các quan Tây thì có bà Thống sứ, ông Công sứ, quan Nam thì có ông Tuần phủ, ông Huyện. Ngoài ra lại có bốn người quần áo tây, không biết là gì, ai cũng có máy ảnh, mà cứ thấy chụp ảnh luôn luôn. Các quan ngồi cả dưới gốc muỗm ở cửa huyện.

- Thế ra họ đến đấy là để chụp ảnh à?

- Biết đâu đấy!

- Thế sao nữa?

- Rồi thì... dân đói chờ lâu quá, kêu lên các ông lý dịch. Các ông này mới kêu lên quan. Thì bà Thống sứ bảo chính bà cũng chờ như mọi người, hễ gạo đến thì bà phát chẩn, mà chưa đến, thì bà cũng chịu vậy mà thôi...

- Thế rồi sao nữa?

- Dân thì cứ chờ... Các quan cũng ngồi ghế trò chuyện, cũng chờ gạo. Rồi ông Công sứ và ông Tuần phủ làm nước chanh để các quý quan giải khát... Rồi lại chụp ảnh. Rồi sau cùng thì các quan bảo dân hãy về đến mai mới có gạo.

- Thế là ngót nghìn con người vui vẻ về à?

- Lại còn vui vẻ gì? Mà có đến ba trăm người định ở lại huyện chờ đến mai...

- Ừcó thế chứ! Thế cho nó thấm thía!

Phú reo thế nhưng cô Tuất kết:

- Mãi đến lúc lính ra đánh đập một lượt họ mới chịu giải tán đi các ngả.

Phú hỏi:

- Thế mai chị có đi nữa không?

Tuất hỏi lại em:

- Cậu bảo có nên đi nữa không? Rồi, không thấy Phú đáp, cô lại tự đáp:

- Cũng phải đi vậy chứ biết làm thế nào?

- Không đi thì chết đói cầm chắc...

- Mà đi thì khổ nhục quá đi mất! Cậu vừa nói gì? Có đi thì cũng chỉ được một bữa thôi. Rồi cũng chết.

Phú làm ra vẻ thảm đạm, chỉ xuống nước:

- Tình cảnh thế này tôi hỏi thật nhé:

- Chị có nhảy quách xuống không?

Thế là nước mắt nước mũi Tuất chảy ra ròng ròng. Cô nức nở đáp trong khi đưa tay áo lên mắt:

- Không vướng thằng Hiền thì... thì... cũng liều đi... cho xong!

Biết mình đùa quá nhả, Phú vội chữa:

- Thôi nín đi, tôi nói đùa dấy mà! Chứ đời nào đến nỗi thế! Đây này, tôi báo cho chị một tin mừng đây này!

Cô Tuất sửng sốt nhìn em, hai lông mày đưa lên phía trán, mắt mở to như để ngỏ sẵn tâm hồn ra chờ cái hy vọng chưa có tên, nhưng Phú tiếp:

- Hôm nay tôi câu được một con cá mè to như thế này này!

Phú đã toan báo tin Minh về mà rồi lại nói thế. Tuất đứng thẳng lên, dậm chân một hồi dữ dội làm cho cái bè tròng trành, mà rằng:

- Này về thì về ngay, mà chết đây thì chết ngay, cậu nghe ra chưa?

Đâm ra sợ hãi, Phú vội rút sào lên, lại cắm xuống, đẩy... Từ đây về đến đầu làng, chàng không nói một lời nào, chàng thỉnh thoảng mỉm cười khi thấy mặt Tuất cứ gần về đến nhà thì lại nhăn nhó lo sợ thêm. Vì rằng cụ Cử hay gắt mắng Tuất, mặc dầu cụ thương Tuất hơn ai hết. Cụ mắng cả vào những lúc cụ biết rõ Tuất không đáng tội chút nào.

Thoáng trông thấy một người đàn ông mặc quần áo trắng là một chấm chói lọi giữa cái màu đất bùn của mái gianh điêu tàn. Tuất quay đầu lại nhìn em... Một cách tự nhiên nhất đời, Phú nói:

- Anh Minh được ân xá về đấy chứ có gì là lạ!

Tuất bỗng đỏ cả mặt. Cái mừng rỡ của cô lúc ấy có thể lẫn với cái thẹn. Cô cốc vào đầu Phú mà rằng:

- Rõ phải gió ở đâu ấy! Đã không bảo lại còn cứ trêu người ta.

Rồi khi cái bè vào đến sân, cô cúi đầu lễ phép chào Minh:

- Lạy anh ạ! Anh đã về.

Thấy em ngây ngô, Minh bật cười mà nhạo:

- Không dám ạ. Cô đã về. Gớm, trả con đây này, rãi rớt ướt hết cả một bên vai áo.

Tuất ẵm con xong thì Minh ái ngại nhìn mẹ, thở dài:

- Ba đứa con thì thằng kiếm được tiền bỗng phải đầy, thằng nữa vô nghề nghiệp, mà con gái lại góa chồng sớm! Chán thật, đẻ nhỉ?

Tuất ngây ngô hỏi:

- Anh ở ngoài ấy có khổ lắm không?

Minh cười, gật đầu:

- Cũng khá.

- Quần áo anh sao sang trọng thế? Anh có tiền à?

- Có một ít tiền. Quần áo cũng của... à quên kia! Tôi có quà cho cô đấy!

Minh đưa giò và bánh ra. Rồi đứng lên vươn vai, lại nói:

- Thôi, tôi sang cái võng bên kia để chỗ cho mà ngồi.

Tuất nói như nói với khách:

- Lụt lội, nhà chả ra đâu vào đâu, chỗ đứng chả có, chỗ ngồi thì không, anh bằng lòng vậy.

Minh lại cười nghĩ thầm:

"Người bộc tuệch như thế mà cũng hồng nhan bạc mệnh thì lạ thật!"

Cụ Cử lại nằm xuống bảo con:

- Ừ, con sang võng mà nằm nghỉ kẻo mệt. Mát rười rượi ra đấy. Hãy nằm nghỉ một lát đã, rồi sau sẽ hay.

Trong cái đoạn "rồi sau sẽ hay" ấy, cụ để cả hy vọng khỏi nhịn đói. ý cụ muốn nói đến bữa chiều thì sẽ đi mua gạo bằng tiền của Minh. Chàng cũng hiểu thế, và lẳng lặng bước qua cầu tre, cùng Phú sang chỗ cái võng trên cây ổi cạnh mái bếp.

Hai anh em trò chuyện như là vào trường hợp ấy người ta phải trò chuyện nhiều như thế. Minh mừng rỡ rằng sau bảy năm chàng vắng nhà thì Phú đã trông nom mẹ được chu đáo, và đã có được một bản lĩnh chứ không đến nỗi "Ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng" như Minh vẫn lo. Còn về phần Phú thì chàng cũng lấy làm tự hào khi có người anh vì quốc gia mà chịu thiệt, nhất là khi người anh ấy lại đối với chàng một cách có vẻ bạn thân hơn là anh. Chàng để ý đến một câu hỏi đột ngột của Minh lúc hai anh em bắt đầu dốc bầu tâm sự một khi đã được ngồi riêng với nhau: "Trong thời gian anh vắng nhà thì chú không làm sự gì bậy bạ hại đến danh giá gia đình đấy chứ?" Nằm dài trong võng Minh từ tốn đặt những câu hỏi mà Phú phải thấy là bất ngờ. Vắt vẻo ở hai cành ổi, Phú đã thuật cả những việc tỉ mỉ của một đoạn đời đầy những cái không may và luôn luôn nhận được lời an ủi hoặc khuyến khích của Minh. Chàng thấy rằng trước mặt chàng đó là một thanh niên vẫn cao thượng mặc lòng đã chịu một chế độ lao tù đồi bại, và vẫn anh hùng, mặc lòng trong bảy năm trời đã chịu đủ thứ những ngược hình! Phú sung sướng như người đã vào lúc tình cờ quen biết được một người bạn mà lại thấy ngay là hiểu nhau, là có thể thân được với nhau ngay. Thật là quý hóa vô cùng, vì Minh về vào những lúc trí phán đoán của Phú đã nẩy nở, đã đến cái thời kỳ được nếm cái thú vị của sự tâm đồng ý hợp.

Hơn nữa, Minh lại cam đoan với Phú rằng có đọc báo thấy cái tin đăng Phú được ông huyện ký giấy tha hẳn hoi. Với lời hứa của Minh rằng sẽ kiếm cho Phú một việc ở Hà thành, chỉ nay mai thôi, với cái tin có thể thật được rằng mình đã được tha, Phú hồi hộp trong lòng, thấy cuộc đời mình bắt đầu đến quãng sáng sủa.

Việc anh Vạc phải đến tận nơi đòi bè làm cho trong chốc lát mà cả làng đã rõ cái tin cậu giáo Minh đã được tha, cả buổi trưa hôm ấy, người lại hỏi thăm tấp nập. Minh để ý đến câu mà hầu hết mọi người đều nói: "Thế mà trông cậu lại đẹp đẽ khỏe mạnh hơn ngày xưa!" Trừ ông lý trưởng là đàn ông, còn thì chỉ là các bà già, bọn phụ nữ, vì đàn ông thì hoặc bỏ làng, hoặc đứng ở ngoài đê. Thành ra Minh chẳng gặp được những người mà chàng muốn gặp. Ông lý trưởng thì rất hể hả khi ông ấy được cam đoan rằng ông không có phận sự quản thúc Minh. Việc ấy không có giấy tư về.

Tuất cũng có khách. Đó là người cháu bên họ nhà chồng gọi Tuất bằng thím. Người ấy, theo lời dặn của bố, sang yêu cầu Tuất về lánh nạn ở nhà mình tại tỉnh lỵ cho qua cơn lụt lội nếu Tuất ưng thuận, hoặc là nếu không thì cho xin thằng cu Hiền, Minh bảo rằng hãy để Tuất ở nhà một ngày, lấy lẽ được tha vừa về, mà người cháu kia thì vin cớ nhân tiện một chuyến đò, yêu cầu Tuất đi ngay tức khắc. Về sau hai bên cùng nhượng bộ nhau bằng sự thỏa thuận ở một bữa cơm, rồi Tuất sẽ ẵm thằng Hiền cùng đi về với người anh thúc bá của nó.

Bữa ấy, Phú đã là một tên bếp rất vất vả. Chàng sục sạo cả làng bên cạnh mới mua được một con gà gầy còm và vài lưng gạo hẩm. Chàng thổi lửa đỏ cả hai mắt vì khan củi khô. Cụ Cử rất hả dạ vì cảnh nước lụt mà thết cơm khách bên thông gia, cụ lại có mấy đĩa thịt gà. Thành thử cái vấn đề tái giá của Tuất lại có người thân bàn luận.

Sau bữa cơm, người kia lại xin ra đi. Minh bèn gọi Tuất ra một chỗ, dặn bảo... Tuất lại còn nói:

- Thôi, để mai tôi lên tỉnh, vì bảy tám năm nay anh em tôi mới được họp mặt nhau thì cho tôi đến mai.

Anh về một mình trước vậy. Sợ bên thông gia mất lòng, cụ Cả thét lên:

- Thôi, chả mấy khi cậu ấy sang đón, mày cứ đi ngay cho tao! Anh em nhà mày thì lúc nào họp mặt nhau sau này không được?

Cả hai đứng một chỗ xa mọi người. Minh hỏi Tuất:

- Thế nào? Cô định thủ tiết nuôi con đó sao?

- Em chả biết định thế nào cả.

- Này anh bảo thật, cái điều ấy khó lắm đấy. Cô không có một nghề gì trong tay, không lẽ suốt đời ăn bám mẹ ở nhà, không lẽ báo hại mãi người nhà chồng... Tôi thấy đẻ nói có lão chánh Mận đã hỏi, cô nhận đi cho yên phận, cho người ta đành, có hơn không.

- Chỉ thương thằng bé...

- Bác nó nuôi nó thì khác gì bố nó mấy? Mà cô lấy lão chánh Mận thì rồi cũng sẽ có con nữa chứ sao? Nên nghĩ cho chín kẻo sau này chả đám nào được thế.

Tuất cúi đầu không nói. Lúc ra đi cô quên chào anh.