hú! Đi xem chớp bóng đi!
- Thôi, cám ơn...
- Đi chơi cho vui chứ cảm ơn cảm iếc cái gì?
- Tuần lễ nào cũng đi, thế nhiều quá...
- Ơ! Cái chú này kể cũng ngộ thật nhỉ?
- Thôi để mời ông bà...
Quang xo vai, không bằng lòng lối xưng hô ấy. Chàng cho Phú vừa trẻ con, lại còn vừa nhà quê. Quang đã cư xử với Phú như với một người em ruột, đáng lẽ Phú cũng phải gọi Quang như Minh mới phải. Song lẽ cứ mỗi lần Phú gọi Quang là thưa anh thì chàng lại thấy ngượng mồm lắm. Chỉ vào những lúc riêng có hai người mà Quang tỏ vẻ thân mật hết sức, Phú mới dám gọi Quang là anh. Nếu có mặt cả hai vợ chồng thì thế nào chàng cũng kêu "Ông bà".
Đã mười hôm nay, Phú ở đây với cái địa vị một tay gõ đầu trẻ. Cái chân ấy đáng lẽ là của Minh. Thấy bạn về, sinh kế không có, Quang đã muốn bạn có một việc tạm bợ. Chàng thu thập được độ dăm sáu đứa trẻ con, trong số đó, con giai của Quang thì mới học vỡ lòng a b c, còn những đứa khác thì học lực vào chừng dự bị sơ đẳng chi đó. Dạy những đứa trẻ ấy, mỗi tháng lấy chừng hai chục đồng. Minh cảm ơn sự thu xếp của bạn, nhận lời, và chỉ sửa đổi một khoản là đáng lẽ chính chàng cáng đáng công việc thì chàng để cho em. Quang hiểu ngay là Minh sợ mất giá trị - xưa kia đã là giáo học hạng năm, và trong làng cách mệnh thì Minh cũng là tay cừ khôi vì học thức khá - và vội vàng đáp: "Được rồi! Anh nhận hay Phú nó dạy thì cũng thế cả. Điều cốt yếu mà tôi để ý là làm cách nào cho mỗi tháng nhà anh có một số tiền mà chi dùng, thế thôi". Quang không thể có cách nào giúp bạn sang trọng hơn nữa. Minh cũng biết thế cho nên về nhà thăm mẹ được một hôm rồi thì chàng bèn đưa Phú ra giao cho Quang rồi lại về làng. Từ độ ăn ở nhà Quang để dạy học con Quang và những đứa trẻ ở nơi khác đến (con bạn hữu của Quang), việc gì Phú cũng rất ý tứ, vì chàng không quên rằng đã nghèo thì mình lại cần tự trọng lắm. Do thế, trong cách cư xử, vợ chồng Quang muốn gần gụi Phú như một người nhà mà chàng thì cứ mỗi khi thấy người ta gần mình quá, lại phải nhích ra một tí. Mỗi khi không được bằng lòng điều gì, Quang lại bảo Phú là nhà quê.
- Đi xem chớp bóng thì tất nhiên mỗi tuần lễ người ta thay một cuốn phim mình lại phải đi một lần, chứ sao lại bảo nhiều?
Phú tìm được một câu thần diệu để đối phó với sự nài ép:
- Sự thực thì phim nói, tôi xem không được hiểu lắm.
Lúc ấy Phú ngồi trên một chiếc ghế gần cửa ra vào. Quang và đứa con giai đã quần áo chỉnh tề lắm. Người vợ của Quang thì hãy còn ngồi trước bàn gương xoa phấn để chồng phải chắp tay sau lưng đi đi lại lại, ra ý sốt ruột lắm. Sợ chồng gắt mình trang điểm lâu, cũng mời thêm một câu:
- Tưởng hôm nay chủ nhật thì thầy trò cùng đi cả cho vui.
Ngừng một lát, người vợ lại hỏi chồng:
- À thế nào? Cậu thử hỏi hộ xem bác Phú đã đòi tiền nhà bên chưa?
Phú đáp:
- Tôi đã định sang thu từ sáng sớm nhưng hình như lão huyện đi chưa về.
Quang cười rộ như một đứa trẻ con mà rằng:
- Nếu lão hay vợ lão mà xin khất thì cứ đập bàn đập ghế làm lung thiên lên cho đỡ ghét, nhé?
Phú cười thì vợ Quang ngừng kẻ lông mày, quay lại cau mặt hỏi:
- Ấy chết, sao lại thế?
Quang lại cười to hơn nữa và cắt nghĩa:
- Ngày xưa, lão huyện còn cai trị huyện của Phú thì đã bắt giam Phú một cách trái phép. Cho nên tôi mới nhờ bác Phú sang thu tiền nhà để có ý gì thì nói tệ cho nó bõ, mợ hiểu chưa?
Vợ chàng mỉm cười ranh mãnh, hời hợt nói:
- Được lắm. Nhưng mà nếu chính cô con gái có khất thì bác đừng nói tệ, nhé bác nhé?
Nghe thế, Phú thẹn đỏ mặt, tưởng chừng thiên hạ đã đọc rõ cả những ý kín đáo trong lòng chàng. Nhưng cái phút ấy không dài, vì vừa đến lúc ấy thì người vợ phấn sáp đã xong.
Hai vợ chồng ríu rít dắt con đi làm cho Phú như trông thấy cả cái hạnh phúc của họ nữa.
- Thôi thế ở nhà trông nhà hộ vậy nhé?
- Được lắm!
- Nào, Phúc! Chắp tay xin phép thầy đi xem!
- Con xin phép thầy cho con đi xi- nê- ma với cậu mợ con ạ.
- Ừ, Phúc đi cho ngoan nhé!
Rồi Phú cúi xuống hôn cậu học trò quý: chàng vốn có tính yêu trẻ. Chàng ra theo, đứng ở cửa một lúc lâu, nhìn sang bên cạnh rồi lại quay vào. Sau khi trù trừ một lúc lâu, Phú lấy lược chải đầu, quả quyết sang bên cạnh: "Không hôm nay thì chả còn dịp nào nữa!"
Thật thế, hôm nay chỉ có một cô con gái ở nhà, ông huyện và vợ nghe đâu như về quê đến tối mới ra. Chàng đã sai đầy tớ nhà Quang hỏi dò người bếp nhà ông huyện được cái tin ấy. Mấy lần trông thấy cô con gái ông huyện qua hai khung cửa sổ nhất là lại được mỹ nhân ra hiệu cho mình, Phú thấy ý chí bối rối, tâm cảnh bâng khuâng. Chàng thường tự hỏi một cách run sợ "Tại sao? ừ, tại sao, sau một chuyện dị thường như thế lại đến cái cuộc gần gụi tình cờ như thế?". Rồi chàng đã sống những phút mơ mộng âm thầm như của người yêu lần đầu tiên. Đã mấy lần Phú tự nhủ rằng có lẽ cứ để thế và hai bên đều cùng chỉ đến thế thôi, việc gì nửa kín nửa hở vẫn cho ta hưởng nhiều phút có thi vị. Song chàng lại tự căn vặn: "Nhưng mập mờ để làm gì? Biết sự thực cho rõ ràng hay là biết cả cái đau khổ của thất vọng nữa, đó há chẳng là cái can đảm của lòng người sao?" Sự cám dỗ bao giờ cũng mạnh hơn hết cả.
Bảo đứa đầy tớ khóa cửa xong, Phú đi ra với một dáng điệu ung dung, khoan thai, và tự nhiên nhất đời. Không muốn cũng chẳng được, chàng cứ thấy việc chàng định làm là một sự mà thiên hạ có thể bình phẩm, và cần phải giấu giếm cả đứa đầy tớ.
Sau ba tiếng gõ, người mở cửa chính là Dung, Phú giật mình, đứng lùi lại, quả tim bỗng dưng đập mạnh như của người chạy thi lúc tới đích. Dung trông thấy sự cảm động của Phú, bèn dõng dạc hỏi to cho mình khỏi phải ngượng:
- Thưa ông, ông hỏi gì?
Phú ấp úng đáp:
- Thưa cô... tôi hỏi ông... tôi hỏi quan huyện.
- Thưa, cậu tôi không có nhà.
- Dạ... thế thì tôi hỏi bà lớn.
- Mợ tôi cũng lại vắng nhà nốt!
Đến đây cả hai người cùng lúng túng, nhất là Phú. Sau Dung lùi lại, dang tay trỏ ghế và mời.
- Xin ông cứ vào chơi... Và có việc gì ông cứ bảo tôi cũng được ạ...
Phú từ từ tiến vào, mắt vẫn đăm đăm nhìn Dung. Chàng nói lúng búng trong cổ họng:
- Thưa cô, chỉ sợ có điều gì bất tiện...
Dung nhìn Phú một cách rất có tình ý, và lại đáp khẽ hơn nữa:
- Không, nhà vắng cả.
Nàng ngồi trước rồi trỏ tay mời Phú ngồi sau. Thấy phòng khách hơi tối, Dung lại đứng lên ra mở hé hai cánh cửa sổ. ánh sáng chiếu chan hòa vào phòng.
Trước khi ngồi vào chỗ, nàng lại dừng ở bàn rót một chén nước và lấy một phong thuốc lá. Khi nàng ngồi xuống ghế thì Phú nói đã có vẻ rắn rỏi:
- Thưa cô, tôi sang đây cũng có một cớ quang minh chính đại lắm. Nguyên tôi ăn ở nhà ông tham Quang để dạy học đứa con ông ta. Muốn được nói với cô một lời, vâng, chính thế, muốn được nói với cô một lời, tôi đã nhận lấy cái việc sang đây thu tiền nhà hộ ông ta. Bẩm, giấy biên lai tôi có đem sang đây...
Nói xong, Phú để ra bàn tấm giấy, Dung cầm lấy xem, mỉm cười và nói một cách vui vẻ:
- Thế này thì chắc ông phải sang đây lần thứ nhì nữa, vì cậu mợ tôi về quê chưa ra.
Phú thực thà xoa tay nói ngay:
- Bẩm điều đó không sao ạ, vì không phải mục đích tôi sang để thu tiền...
Dung xo vai- Nàng cố ý để Phú nom thấy cái xo vai ấy- và quay nhìn vào phía trong khiến Phú cũng nom theo rồi nói:
- Ông nói to quá!
Thấy Dung có thái độ dễ dãi đáng yêu với mình quá, (ba câu đáp, lời không những đã ý vị mà lại còn như có trù nhẩm từ trước) Phú hóa ra bạo dạn. Tức thì chàng nói ngay:
- Vâng, mục đích không phải thu tiền nhà... Thưa cô, từ hôm tôi được gặp "một nàng tiên" cứu cho thoát khỏi vận hạn thì tôi không ngờ rằng lại còn có phen được gặp nàng tiên ấy một lần nữa! Bữa nay rõ là một sự tình cờ quý hóa vô ngần. Cho nên tôi chẳng ngại ngùng gì tìm cách để được... cô tiếp, để nói vài lời, gọi là tỏ lòng cảm cái ơn xưa.
Phú nói đến đấy thì ngừng lại. Hai má Dung bỗng đỏ bừng. Phú vừa mừng rỡ vừa ngạc nhiên ở chỗ chàng đã nói những câu mà chàng cho là có văn vẻ. Cái vui ấy khiến Phú phấn khởi lắm. Thấy mặt Dung hồng hào, sung sướng, chàng lại nói:
- Ồ ồ! Tỏ lòng cảm ơn... như vậy kể chẳng khó gì! Giá dụ tôi có cách gì, và có dịp nào báo đáp được cái ơn ấy, cho nó thiết thực hơn nữa, thì cái đó mới đáng kể, chứ như bây giờ, mấy câu cảm tạ suông! Vậy mà khó lắm vì chịu ơn thì dễ mà đền ơn thì khó...
- Ông dạy quá lời, chứ có gì đâu!
- Thưa cô, chính thế đấy ạ. Giữa lúc tôi bị giam thì vỡ đê. ở làng có mẹ già của tôi, và chị tôi, nếu tôi không về ngay thì hai người khó lòng an toàn tính mệnh.
Phú ngoa ngôn như thế mà vẫn cứ tưởng nói thật. Chàng quên khuấy đi rằng cái ơn to đã khó lòng đáp đến như thế thì chẳng còn cớ gì cho chàng lại còn dùng lời lẽ bay bướm để thêu dệt cho nó cứ to tướng mãi lên! Chợt nhớ đến lúc bị tra khảo trong nhà giam ở huyện, Phú lại sốt sắng và hùng hồn tiếp:
- Nói cho đúng sự thật thì một cử chỉ của cô mà đã cứu được ba mạng người... Vì rằng chính tôi lúc ấy, tôi đương bị họ tra tấn một cách dã man ghê gớm không thể nói chuyện với cô được nữa cơ! Khiếp lắm! Bị giam lại một ngày nữa thì ắt tôi cũng chết vì đòn rồi! Thật thế, lúc tôi nói rằng cô đã cứu sống được ba mạng người thì không phải tôi nói ngoa.
Dung cười khanh khách mà rằng:
- Ồ! Thế ra tôi mà cũng giỏi nhỉ? Chẳng gì thì trong đời tôi, hèn ra tôi cũng đã có làm một việc, một việc mà ít ai làm nổi, là cứu sống một lúc được ba mạng người?
Phú giương to hai mắt, gật đầu như trẻ con:
- Chính thế đấy ạ!
Dung mỉm cười tinh quái nhìn trộm Phú rồi mới nói:
- Thế thì tôi ước rằng trong ba người ấy sẽ có một nhân tài của xã hội để cho cái công của tôi to hơn nữa.
Phú cúi đầu đỏ mặt. Dung nghiêm giọng nói:
- Âu việc ấy chắc ông cũng biết rõ tin tức thuộc về ông chứ?
Phú ngẫm nghĩ vài phút rồi đáp:
- Vâng... có... Nghe đâu như là sau đó thì... quan huyện tha bổng cho tôi. Thật quả tôi rất ngạc nhiên. Tôi cứ lo sẽ bị lùng bắt, thì rồi cũng đến tù tội và đã phải có lúc rất hối hận về chỗ vượt ngục đấy ạ.
Dung đứng lên ra chỗ tủ chè, mở một ngăn, lấy mấy tờ nhật trình. Nàng đưa cho Phú mà hỏi:
- Ông đã đọc báo này chưa? ấy sau khi nhận được ông ở bên ấy thì tôi vẫn muốn trao cho ông mà không biết nghĩ ra cách nào cả.
Phú cầm lấy một cách rất kính cẩn. Tờ báo ấy, khi mới về Hà thành, chàng đã đi mua ở báo quán, và, sau khi đọc mới được ăn no ngủ yên. Vậy mà bây giờ chàng lại đọc lần nữa một cách sốt sắng, và trên mặt cũng thấy như hiện ra những cảm giác rất thành thực nữa.
- Bẩm, làm sao việc lại có thể xoay ra như thế này được ạ?
Trong khi Phú đọc, Dung dò ý tứ trên mặt Phú. Thấy như Phú đọc lần này là lần đầu, nàng bèn sửa soạn lời cắt nghĩa ngay. Cho nên khi Phú hỏi, tức thì nàng đáp trôi chảy:
- Tôi làm cho ông đi thoát như thế này thì...Ấy là bao nhiêu tội đổ cả vào đầu lão lục sự và anh lính cơ. Sở dĩ việc xoay ra như thế vì cậu tôi thương người. Nếu làm biên bản lên quan trên là ông vượt ngục thì tất hai người ấy phải tù, lại hai gia đình nheo nhóc... Bất đắc dĩ cậu tôi, muốn gỡ tội cho họ, phải tuyên ngôn với nhà báo đã tha hẳn ông ra.
- Bẩm thế chính quan huyện cũng không biết rằng cô dính vào?
- Biết thế quái nào được!
Phú ngơ ngác, vừa mừng vừa băn khoăn, một lúc lại hỏi:
- Bẩm thế cũng không có việc vượt ngục của tôi dính dáng tí nào đến việc huyền chức của quan huyện nhà?
Dung lại đáp một cách tự nhiên:
- Việc gì! Huyền chức chỉ là vì vỡ đê, mà đê vỡ thì là tại sở lục lộ chứ! Cậu tôi bị oan. Thật ra cậu tôi là một ông quan rất tốt.
- Vâng, quan huyện là người nhân đức, làm bậy chỉ là bọn nha lại dưới quyền, họ láo lếu khi quan không có ở huyện...
- À, thế nào? Ông anh ông... Ông giáo gì đó, được tha về chưa?
- Cảm ơn cô, anh giáo Minh tôi được tha hôm nọ rồi.
- Àphải ông giáo Minh.
- Chắc là cô chỉ vì nghe quan huyện hỏi tôi mà nhớ. Cô nhớ lâu thật.
- Vâng, ấy vì tôi nghe cậu tôi hỏi ông khi ông còn làm phu đắp đê bị lính bắt vào điếm.
Đến đây hai người không tìm được ra câu gì mà nói nữa. Phú uống chén nước, sợ mình ngồi quá lâu vội đứng lên:
- Bẩm, xin phép cô cho tôi cáo lui... Tôi đã được nói những điều cần nói, được tiếp lâu, thế cũng là mãn nguyện lắm rồi... Cái ơn ấy tôi xin ghi lòng tạc dạ. Và tôi yêu cầu rằng mai hậu có gì cần đến tôi, xin cô cứ dùng cái quyền của một người ân nhân... Tôi được hội diện lần đầu, quý hóa quá, và tiếc quá, vì chắc cũng là lần cuối cùng...
Phú nói đến đây thì cúi mặt ra vẻ buồn rầu, chàng chỉ mong Dung mời đại khái: "Có thời giờ rảnh ông cứ sang chơi". Nhưng Dung không nói gì cả. Chàng đến lúc buồn rầu thật, bèn đứng lên:
- Kim Dung! Kim Dung quý nương, cái mỹ danh đáng kính trọng ấy, tôi đã khắc hẳn vào tấm bia ký ức của tôi rồi. Tôi lại xin lỗi cô về chỗ đã hỏi và biết rõ tên cô ở miệng một người khác... Thưa cô...
Dung cười vui vẻ:
- Được ạ. Cái đó không hề gì.
Đứng lên đã lâu rồi, Phú cũng chưa chào mà ra cho xong đi, chàng cúi đầu nhìn mãi mũi giày lại nói:
- Hoài của! Giá dụ cô cũng là một bạn giai thì có phải hạnh phúc cho tôi không! Thì tôi có được một người bạn quý!
Dung lại cười mà rằng:
- Sao ông ích kỷ thế? Sao không nói giá dụ ông là bạn gái để cho tôi có thêm một cô bạn thì có phải hơn không?
Phú cũng cười, cãi:
- Nhưng nếu là bạn gái thì ắt chẳng diễn thuyết hiệu triệu dân quê và xúi giục ai biểu tình, chẳng đến nỗi bị bắt.
- Ấy thế!
- Thôi kính chào cô ạ.
- Không dám, kính chào ông ạ. Ông quên chưa thu về cái giấy biên lai đây này.