ẻ làm sao thế?
- Tao hơi nhọc mệt một chút...
- Đẻ có nhức đầu không?
- Không.
Cụ Cử vừa lắc đầu xong thì đưa tay lên giữa ngực ho sù sù. Phú lo lắm, lại hỏi:
- Chết chửa! Không khéo mà đẻ lại cảm hay sốt gì thì thật nguy?
Đến đây, cụ Cử lắc đầu một cách khó chịu vì đã nhọc mệt lắm. Cụ lại ho khan mấy tiếng nữa, hổn hển khẽ đáp gắt:
- Không! Đừng hỏi nữa, tao không làm sao.
Tuy vậy, Phú cũng thừa biết là mẹ nói dối, vì sợ phiền lòng mình. Đã bao nhiêu lâu, lần này là lần đầu, Phú mới để ý nhìn kỹ đến mẹ. Lúc ấy cụ Cử nằm co ro, đầu gối lên một cái hộp sắt tây, mắt quay vào phía trong mái gianh. Một vành khăn nhiễu tam giang nhỏ xíu giữ một ít tóc hoa râm lơ thơ trên đầu, cái áo cánh nâu, cái quần thâm đã bạc phủ ngoài một cái thân thể gầy còm để phô nhọn cả lên những đỉnh núi chỗ bả vai và chỗ xương hông. Thêm vào những cái ấy lại còn có những nét vẽ bi hài của một chế độ nước lụt đồi bại nó điểm trên mặt những nét dăn của sự lo âu, nó đào ở hai mắt, ở hai má, ở hai bên thái dương những cái hố của sự đói khát bên cạnh những gò xương vêu vao, và nó rắc một thứ bụi lầm than lên trên quần áo. Hốt nhiên, Phú phải khiếp đảm bởi cái vẻ tiều tụy, tiều tụy đến nỗi gần hóa ra bần tiện nữa, ở mẹ mình. Chàng lẩm bẩm: "ấy đó là cái kết quả bao năm đằng đẵng thờ chồng nuôi con!". Rồi Phú mím chặt môi, nắm chặt hai bàn tay, khao khát sự đánh đập, sự chửi rủa, sự phá phách...
Hai hôm nay rồi!
Thật thế, đã hai hôm nay rồi, ba người nhớn đã gần như nhịn đói, bốn củ khoai lang phải để dành cho thằng cu Hiền nó cứ đòi ăn luôn luôn. Tuy người ta đành ôm bụng chịu vậy, vì trong lúc lụt lội thì nhịn đói hai ngày chẳng có gì đáng lạ, nhưng mà hai ngày ấy, Phú mới thấy dài làm sao! bị bó cẳng trên mặt nước, cứ ngồi xuống nhìn nhau vô kế khả thi, bên cạnh một người mẹ ủ rũ, một người chị hay khóc, một đứa cháu dại quấy khóc suốt ngày, đã có lúc chàng tưởng chừng phát điên lên được.
Thật thế, vì rằng Phú đã xoay hết cách mà không xong.
Ngày hôm sau suýt bị vạ lây vì bọn cướp ở nhà ông chánh Mận thì Phú đã cùng anh Hai Cò, anh này trốn việc đê, đánh một chiếc thuyền thúng ra nơi chợ Cồng, cách làng ba cây số, một cái chợ trên mặt nước mà dân gian cũng cố sức họp để trao đổi cho nhau những thực phẩm nhật dụng, những hóa vật tối cần. Bữa ấy, anh Hai Cò bán một mớ tôm, cá, ốc, để đổi lấy một ít ngô. Còn Phú thì có lồng gà (một con mẹ, chín con con) với con mèo tam thể, những con vật mà chàng không tống khứ được đi thì cũng đến chết đói mất. Đến chợ, mãi mới đổi được lồng gà lấy hai rá gạo đỏ. còn con mèo thì không ai hỏi đến thành thử lượt về lúc thuyền qua một vùng gò có cây cối um tùm, chim chóc tụ nhau ríu rít, Phú liền thả con mèo lên đấy mà rằng: "Thôi tao đành để cho mày hóa ra làm kiếp cáo thì may ra mày mới được no".
Nhưng hai rá gạo bữa ấy đã vơi hẳn vì phải chia cho anh Hai Cò về cái công cho đi nhờ đò, và trả nợ cũ vì từ hôm bị nước lụt, cô Tuất chỉ có việc đi vay gạo! Ai cũng nể cụ Cử, tốt vay dầy nợ, lúc mình có gạo, Tuất mới hiểu ra rằng được tin lắm có khi cũng là không hay. Cho nên hai rá gạo mà gia đình Phú chỉ được no có một bữa hôm ấy mà thôi, thành thử Phú đi chợ mà chỉ có cái hại là mất cả gà lẫn mèo, cái hại mà chàng phải cho là lợi, khỏi tốn thóc gạo nuôi gà và mèo. Xong rồi thì cô Tuất mới tiếc của mà lầm bầm: "Biết thế thì thịt quách gà đi lại được lợi cái ăn".
Hôm sau, Phú phải làm một cái cần câu, và cắm chung quanh nhà đến hàng chục cành tre khô. Chàng mất nửa ngày mới câu được ba con cá rô nhỏ đã sốt ruột lắm, nhưng may lúc nhổ những cành tre lên thì lại cậy được đến một rổ con những ốc vặn và ốc nhồi. Sung sướng quá, Phú vội lên bè chuối định đem bán các thứ ấy quanh trong làng, vì ngoài ông chánh Mận ra, làng cũng còn và ba nhà đủ bát ăn, và cần có thức ăn thì mới nuốt trôi được miếng cơm. Nhưng việc đi chạy gạo ấy chỉ hóa ra một cuộc du lịch vô ích với những cảm giác nặng nề của nó. Thì ra ông chánh Mận đã bỏ làng. Người mà ông giao cho coi nhà mách với Phú là từ sáng sớm, cả gia đình nhà ông chánh cùng với một ít lợn, bò, gà, vịt, đã dùng một chiếc bè lớn mà tiến thẳng lên phía đê. Do thế những gia đình vẫn sống vì nhờ vả, vay mượn ông chánh cũng bỏ làng ra đi cả. Những người khác thì lên chỗ hạp long xin làm phu để lấy công mỗi ngày một bơ gạo, mặc dầu quan trên đã chuẩn lời yêu cầu của phòng dân biểu rằng trong việc bắt phu phải để một số đàn ông họ trông nom vợ con họ ở làng.
Chỉ còn đàn bà trẻ con, những người già yếu là ở lại.
Ông lý trưởng thì sau khi cướp vào làng một ngày, đã cùng ông chánh hội lập tức bắt ngay tên lực điền vẫn hầu hạ ông chánh Mận - bữa ấy, tên ấy đứng soi đuốc cho mâm cơm mà ông chánh nghi cho làm nội công. Còn tuần tráng thì cố nhiên đã lâu nay vẫn ở chỗ đê vỡ.
Sau khi nghe anh mõ của làng kể những chuyện buồn ấy, Phú đã bùi ngùi đem cái rổ ốc về. Chàng luộc ốc, luộc cá, chặt nốt một cây chuối cuối cùng nó cũng gần thối vì úng thủy, làm một bữa canh rau. Sau bữa, cụ Cử đau bụng âm ỷ mãi.
Đến chiều thì Phú đã phải thất vọng trong cuộc tìm kiếm cái gì nhét cho đầy bụng. Câu thì cá không cắn mồi. Những con ốc trong khu vực sân của nhà cũng hóa ra hiếm, không còn bâu từng chùm vào những cành tre ngâm nữa. Trong lúc cùng quẫn, Phú nhớ ra rằng ở sau đình làng có một cây sung. Nhưng khi chàng ra đến nơi thì không còn quả nào trên cây, và mấy đứa trẻ trần truồng đứng chửi nhau loạn xạ vì tranh nhau một vài quả xanh còn sót lại. Sau khi hỏi chúng thì Phú biết thêm rằng ngoài việc cũng câu cá, bắt ốc, mò cua, chúng còn săn chuột trên cây mà làm thịt ăn, vì khi nước tràn vào thì có một số chuột trèo lên cây mà lánh nạn, mà sống như chim muông. Nghĩa là cái gì ăn được mà không chết người thì chúng cũng ăn cả: cái số gạo mà những người đi phu gửi ông lý đem về làng cho người nhà cố nhiên không bao giờ đủ. Một đứa kể cho Phú biết chuyện một đứa bé kia bắt một cái tổ ong để định ăn những con ong non trong tổ, đã bị ong đốt sưng khắp thân thể đau quá, ngã lăn xuống vực sâu. Vì tranh nhau một con nhái bén, một con trai, một vài ngọn rau, có khi chúng đánh nhau vỡ cả đầu. Người lớn ở nhà, những bà già sắp kề miệng lỗ, vì ai cũng chỉ biết bênh con cháu của mình, nên cũng chửi bới nhau om sòm.
Cả một làng!
Cái đói đã làm cho người đi đến cái chỗ cuối cùng của sự đồi bại. Với những cảm tưởng chua chát ấy, mỗi khi Phú đi kiếm ăn, mà chỉ đem có hai bàn tay trắng về nhà, thì thấy mình cũng có cái hậm hực tầm thường thô lỗ như người cổ xưa lúc chịu đói lòng mà về hàng.
Trong phút thảm hại ấy, chẳng phải Phú chỉ biết khoanh tay chịu chết một chỗ. Chàng cũng đã nghĩ đến sự bỏ làng. Nhớ đến Hà Nội, nơi mà chàng cũng đã sống một thời sung sướng, có những bạn cũ, những họ hàng đã lâu không ra thăm. Phú lại nhớ đến ông tham Quang, người bạn thân của anh Minh, người có thể trông cậy được qua những ngày sóng gió. Khốn nỗi quần áo Phú như quần áo thằng ăn mày! Mà cái thẻ tùy thân của chàng thì vẫn nằm yên trong một ô kéo tại huyện lỵ. Đã không có cách gì thoát khỏi được cảnh lụt lội, chàng lại vẫn phải nơm nớp lo sợ có ngày lính huyện về xích tay lôi đi. Nếu mãi đến bây giờ Phú vẫn được người ta để cho tự do, ấy chính là bởi quan trên đương bận việc đê điều, và ông huyện mới đến thay còn bỡ ngỡ chưa lục đến việc ông huyện cũ để tù vượt ngục. Trong tình thế ấy, với bộ quần áo rách rưới ấy mà có lần mò ra Hà Nội hòng chuyện cầu cứu, thì Phú cũng đến bị người bạn của anh mình khinh rẻ mà thôi. Bè bạn đời này, chả nên hy vọng lắm!
Đêm qua ông lý về với những gạo mà người làng gửi cho thân nhân, và một cái tin mừng: trưa hôm sau, quan trên phát chẩn. Chỉ có một cái tin ấy cũng đủ cho những người đói đã lả cũng bỗng trở nên khỏe mạnh, thức cả đêm đi rủ nhau mượn chung thuyền, hoặc hộc tốc đóng những cái bè nhỏ bằng tre ngâm. Tự coi mình là kẻ đã có án, Phú dằn lòng để chị đi lĩnh chẩn. Chàng nói dối mẹ: "Tôi con giai thế này, ra đấy, nó thấy nó lại bắt đi phu hàn khẩu thì chết". Thế là buổi rạng đông hôm sau, Tuất đã trên một chiếc thuyền thúng với bác xã Đậu, chị Hai Cò, trông huyện lỵ thẳng tiến.
Phú đã đứng trông mấy chục cái vừa thuyền gỗ, thuyền thúng, bè, mảng, nhất loạt đi về một phía như một cuộc đua thuyền, với đàn bà con trẻ, rách rưới, đầy những rổ rá, ở trên... Chàng thấy trong lòng bỗng vui vẻ về cái chỗ hôm ấy sẽ chỉ phải nhịn đói có bữa sáng, tuy chàng biết trước cái số gạo phát của Nhà nước sẽ chẳng thấm gì. Mẹ nó đã đi mấy tiếng đồng hồ thì thằng cu Hiền mới trở dậy. Phú cho cháu ăn nốt củ khoai. Chàng lại ru cho nó ngủ, và đứa bé cũng lại nằm ngủ, một cách ngoan ngoãn.
Đến đây thì cụ Cử bỗng ho một trận ghê gớm đến bậc tưởng chừng sắp rách cổ mất. Do thế, thằng cu Hiền giật mình thức giấc khóc òa lên. Đương đứng ngây ra, đầu hơi cúi, cặp môi mím lại, hai bàn tay nắm chặt, với cái khao khát muốn đánh đập một người nào hay đập phá một vật gì đó cho hả giận, Phú phải vội chui vào nhà.
Cụ Cử bắt đầu rên và khẽ hỏi bằng thứ giọng của người ốm:
- Thế nào? Đã cho cháu ăn gì chưa? Trông chừng mẹ nó đã sắp về chưa?
- Lúc nãy đã cho cháu ăn khoai rồi. Chẳng biết bao giờ chị ấy mới về! Người làng cũng chưa thấy ai về cả.
- Tao rét lắm! Lấy cái giại mà che cho tao đi, sao mà gió quá thế này!
Phú làm như mẹ bảo. Phải chờ đợi lâu quá, thằng Hiền khóc to gấp đôi. Đến khi cậu rảnh tay vào bế được cháu lên thì mặt cháu đã đầy những nước mắt, lưng cháu đã nhễ nhại mồ hôi.
- A! Hiền nó ngoan đáo để! Hiền nó nín ngay bây giờ đây! Nín đi rồi cậu ẵm đi bắt chim cho mà chơi! Nín ngay đi nào, Hiền ngoan nào! Đây kia con chim nó bay kia! Bắt nó nhé?
Một con quạ khoang lặng lẽ bay trên mái gianh, buông ra hai tiếng "quà quà" rất buồn rầu, hình như cũng vì thủy lao mà khổ sở, thằng cu ngẩng nhìn theo ngón tay của cậu, nín bặt được một lúc, tuy hai môi vẫn còn giữ nguyên cái đà của sự khóc mếu. Rồi sau cùng, thấy lời dụ dỗ kia là suông tình, nó lại khóc òa lên. Nó đói, tức thì Phú ẵm cháu bước ra ngoài mái gianh, xốc cháu lên vai, một tay xoa lưng cháu, miệng thì nói to hơn tiếng khóc để lấp liếm nó:
- A a a! Đây kia rồi! U mày đem quà về kia rồi!
Do cử chỉ ấy, Phú tình cờ cũng nhìn ra ngoài hàng rào găng. Thì xa xa, trên mặt nước lững lờ, một chiếc thuyền con đương tiến đến... Lạ! Ai thế kia nhỉ? Mà lại mặc âu phục ngồi ở mũi thuyền! Một người lái đò chèo ngồi đằng sau... Bộ quần áo tây trắng nhờ có mặt trời chiếu xuống mà thành ra như một chấm ánh sáng nổi bật lên trên màu nước đồng hung hung. Chiếc thuyền gần đến... Phú chỉ tay ra, thằng cu Hiền thành thử cũng nín khóc, ngây ngô nhìn... Cái thuyền cứ thẳng phía nhà Phú mà tiến vào. Người mặc quần áo tây giơ tay lên vẫy vẫy...
Thì Phú ôm chặt lấy đứa cháu nhẩy nhót trên bè nứa làm cho cả mái nhà tròng trành mà kêu rít lên.
- Anh Minh! Anh Minh! Đẻ ơi đẻ! Anh Minh đã về!... Đẻ ơi ngồi dậy đi, mau lên.
Đó là Minh thật.
Phú rất ngạc nhiên... ở ngục về sao Minh có bộ quần áo sang trọng đúng mốt thế? Chàng mừng rỡ lúc thấy Minh trả tiền đò - Anh có tiền, và hình như vạm vỡ hơn xưa. Phú lại ngạc nhiên hơn nữa, vì cái sung sướng trong lòng Phú lúc ấy thật là cùng cực, vậy mà nét mặt của Minh thì lại thản nhiên một cách đáng phục. Cảm động quá, Phú không nói được mà Minh thì lại vỗ vai Phú nói luôn hai ba câu:
- Chú Phú! Anh được tha về đây rồi! Đẻ đâu? ở nhà từ dạo ấy đến giờ không có sự gì đấy chứ? à đây đây, đứa bé này là con cô Tuất phỏng? Đẻ đâu?
Phú quay lại, một tay lôi thốc cái giại lá gồi... Lúc ấy cụ Cử đã gượng ngồi dậy, hai tay còn chống xuống chiếu. Khi hai mẹ con trông thấy mặt nhau thì có một phút im lặng hầu như linh thiêng. Rồi Minh nghẹn ngào nói:
- Đẻ ơi đẻ, con đây! Thằng Minh đây! Con vẫn sống, đẻ...
Minh nhìn mẹ, rồi quay lại nhìn em. Cả ba người đều được cái sung sướng nó làm cho phải ứa nước mắt. Cụ Cử vẫn mải nhìn người con mà cụ đã tưởng không bao giờ về nữa, mãi cho đến lúc cụ phải đưa tay áo lên gạt nước mắt. Cụ thổn thức nấc luôn mấy cái. Tuy nhiên cụ chỉ nói được một câu:
- Con đã về...
Phú hiểu rằng trong ba tiếng giản dị đến nỗi như là vô vị ấy, có ngụ cái ý nghĩa của sự giải thoát trong bảy năm trời đau khổ, nó bao hàm tất cả cái sung sướng mà một người con làm giường cột cho gia đình chết đi bẩy năm trời rồi lại sống lại. Đời lúc ấy tựa như một giấc mộng đẹp. Cái đột ngột của ngày về làm cho người ta vừa mừng rú vừa hoảng hốt, cái thứ mừng run lập cập của kẻ nào vừa chết hụt xong. Phú bảo anh:
- Mừng quá! Thật là bất ngờ! Giá anh gửi thư trước thì mất thú.
Minh nói:
- Có, tôi có gửi thư báo trước đấy. Chắc vì lụt lội, vì chú đi phu phen, hoặc vì phu trạm lười đi nên thư không tới nơi.
- Sao anh biết tôi phải đi phu?
- Rồi sẽ nói chuyện.
Đáp xong em, Minh quay nói với mẹ:
- Đẻ ạ, bây giờ con được về như thế này, thì con lại tìm cách nào để đẻ lại được an nhàn như xưa thôi, mẹ con ta còn được trông thấy nhau, thế này cũng là đáng mừng rồi.
Nhìn đến đứa cháu bé lúc ấy lấm lét nhìn trộm mình, chàng rộ lên:
- À kìa cháu! Có quà đây! Chú Phú lấy cho cháu ăn đi!
Minh đưa cái gói giấy nhật trình, cái gói mà Phú lúc nãy không trông thấy vì không để ý. Chàng mở ra thì thấy có một cân giò lụa và mười chiếc bánh tây. Chàng reo:
- Ờ ờ! Rõ thật được gãi vào chỗ ngứa chửa! Sao anh mua nhiều thế này? Gớm, rõ hợp thời quá, đẻ và tôi nhịn đã mấy bữa nay...
Minh đáp gọn:
- Đoán ra thì biết chứ có gì lạ. Có mẹ đương giữa cảnh nước lụt mà không biết mẹ đói thì còn biết gì?