Vạn Huê Lầu diễn nghĩa

hồi thứ mười sáu

Vua nghe Bàng Hồng nhưng chưa kịp phán thì Lộ Huê vương đã quỳ tâu:

- Việc  thí võ đã làm sanh tử trạng giữa triều, lời giao ước ai chết nấy chịu, không được kêu nài, sao thái sư lại tìm cách bắt tội người ta. Như vậy còn làm sanh tử trạng để làm gì?

Vua nghe nói thì gật đầu phán:

- Ngự đệ nói rất phải. Thôi Bàng khanh không nên nhiều lời.

Nói rồi liền truyền aó mão cho Địch Thanh mặc. Địch Thanh quỳ lạy tạ ơn.

Vua lấy chức của Vương Thiên Hóa ban cho Địch Thanh, rồi ra lệnh chôn cất Vương Thiên Hóa rất trọng hậu.

Lộ Huê vương trở về Nam Thanh cung thuật lại đầu đuôi câu chuyện cho Địch thái hậu nghe. Thái hậu rất đẹp ý, liền truyền mở tiệc ăn mừng.

Hôm sau, Địch Thanh đi chầu về ghé vào Nam Thanh cung tạ ơn thái hậu, rồi qua dinh Bao Công mà tạ ơn. Bao Công thết đãi và lưu Địch Thanh lại để tâm tình.

Địch Thanh nói:

- Không biết vi ý gì mà Bàng Hồng và Tôn Tú thù hiềm tôi như vậy?

 Bao Công nói:

- Nguyên Hồ Luân là con của Hồ Khôn, mà Hồ Khôn là người tâm phúc của Bàng Hồng, nên cái thù giết Hồ Luân trước kia vẫn chưa dứt. Còn Tôn Tú là rể của Bàng Hồng, phe đảng với nhau, chuyên hãm hại trung thần.

Địch Thanh nghe hết đầu đuôi câu chuyện liền nói với Bao Công:

- Vì tôi chưa rõ đám nịnh thần ấy nên lầm mưu gian. Nếu không có ngài giúp đỡ thì mạng tôi không còn. Chẳng biết hiện nay hai người anh em của tôi như thế nào?

Bao Công nói:

- Hai người ấy là Trương Trung và Lý Nghĩa cũng là kẻ anh hùng. Tôi đang tìm cách tha họ ra nhưng chưa có cớ, nên còn tại Nam lao.

Địch Thanh mừng rỡ nói:

- Vậy xin ngài lưu ý cho.

Nói rồi Địch Thanh từ tạ ra về. Từ ấy Địch Thanh và Thạch Ngọc tâm đầu ý hợp với nhau lắm.

Một hôm, Địch thái hậu cho đòi Địch Thanh vào hỏi:

- Nay cô muốn sai người về Sơn Tây mà làm cho ông bà, vậy chớ ý chấy tính thế nào?

Địch Thanh nghe nói liền lạy tạ và thưa:

- Nếu cô có lòng như vậy thì ơn biết chừng nào.

Thái hậu liền lấn bốn ngàn lượng bạc sai người đến Sơn Tây mà cất nhà thơ và xây mồ mả, rồi cho người ở đó mà giữ.

Bấy giờ Hồ Khôn và Tôn Tú rủ nhau đến dinh Bàng Hồng để bàn mưu tính kế hãm hại Địch Thanh.

Bàng Hồng nói:

- Tôi đã có kế hay lắm.

Tôn Tú hỏi:

- Kế chi mà hay lắm vậy?

Bàng Hồng nói:

- Đã hai tháng nay Dương Tôn Bảo sai người đem bổn chương mà xin giải đồ chinh y ra Tam Quan cho quân lính mặc. Nay chinh y đã sắp sẵn rồi. Để mai tôi vào chầu tiến cử Địch Thanh làm Chánh giải quan, còn Thạch Ngọc làm phó giải quan đặng mà hại phức chúng nó cho rồi.

Tôn Tú nói:

- Việc giải chinh y có gì mà hại được mạng chúng nó?

Bàng Hồng nói:

- Tháng trước đây tại huyện Nhơn An, Vương Đăng có báo về triều rằng tình hình yêu quái ở quán dịch thường hại người, nay ta muốn sai chúng nó ra đi, thế nào cũng ghé vào quán dịch, và bị yêu quái ăn thịt hết.

Hồ Khôn nói:

- KHông  xong đâu! Yêu quái đối với ai kia, còn như Địch Thanh thì yêu quái nào hại nó cho được.

Bàng Hồng nói:

- Chẳng phải là một chỗ đó. Nêú chúng nó qua khỏi huyện Nhơn An thì ra đến Đồng Quan, chúng nó cũng bị tay Lưu Khánh chờ sẵn mà giết chết. Để tôi viết thơ sai người đem ra cho Mã Ứng Long, khiến nó hợp với Lưu Khánh mà trừ Địch Thanh thì không khó gì.

Hồ Khôn và Tôn Tú nghe nói đều mừng rỡ nói:

- Nếu Lưu Khánh mà chịu làm thích khách thì việc ấy ắt xong.

Hồ Khôn và Tôn Tú bàn tính với Bàng Hồng xong liền trở về dinh.

Hôm sau, Bàng Hồng vào chầu tâu với vua:

- Nay ba mươi muôn chinh y đã sắp sẵn, còn thiếu hai vị giải quan, kẻ hạ thần xin chọn Địch vương thân và Thạch quận mã thì giải chinh y mới đặng, vì đường ra Tam Quan rất khó khăn.

Vua nghe tâu liền phán:

- Lời khanh nói rất phải.

Liền hạ chỉ phong cho Địch Thanh làm chánh giải quan và Thạch Ngọc làm phó giải quan, hạn trong một tháng phải đến tại Tam Quan để giao ba mươi muôn chinh y cho Dương nguyên soái, không được trễ nải.

Địch Thanh tâu:

- Từ đây đến Tam Quan dọc đường rất nhiều trộm cướp xin bệ hạ cho tôi đem theo hai người nữa để làm vây cánh.

Vua hỏi:

- Ý khanh muốn đem theo hai người nào?

Địch Thanh tâu:

- Hai người ấy là Trương Trung và Lý Nghĩa, ngày trước có phạm tội, bây giờ còn đang bị giam tại ngục, nay sẵn dịp này xin bệ hạ giáng chỉ mà xá tội cho hai người ấy đặng lập công mà chuộc tội.

Vua nghe tâu liền hạ chỉ khiến Bao Công tha tội cho hai người ấy rồi truyền lệnh bãi triều.

Địch Thanh về dinh thì thấy Thạch Ngọc vào nói:

Việc sai đi giải chinh y là kế của Bàng Hồng muốn hại chúng ta đó, đại ca có biết không?

Địch Thanh nói:

- Tuy là kế độc, nhưng chúng ta đứng làm trai dù gian nan khổ sở đến đâu há sờn lòng hay sao?

Thạch Ngọc nói:

-  Còn lúc nảy đại ca tiến cử Trương Trung và Lý Nghĩa là có ý gì không?

Địch Thanh liền thuật lại các việc từ ngày kết bạn với hai người ấy và đánh chết Hồ Luân tại Vạn Huê Lầu cho Thạch Ngọc nghe.

Thạch Ngọc nói:

- Đại ca thật là người trọn ân trọn nghĩa, có thủy có chung.

Nói rồi liền về dinh, từ giã gia đình mà lên đường.

Địch Thanh đến ra mắt Bao Công lãnh Trương Trung và Lý Nghĩa ra để cùng nhau đi giải chinh y. Bao Công nói:

- Việc ấy chớ lo song lo cho ngài ra đi trong thàng trời mưa lạnh lẽo, đường xá hiểm nguy, còn Dương nguyên soái thì trị quân rất nghiêm, nếu ngài để sơ sẩy hay trễ nải thì ắt Dương nguyên soái không vị tình. Vậy ngài hãy đem cái thơ của tôi đây mà trao cho Phạm Trọng Yêm thì người ấy sẽ hết lòng mà chiếu cố cho.

Địch Thanh tạ ơn lãnh phong thơ rồi về dinh.

Hôm sau, Bao Công đòi Trương Trung và Lý Nghĩa ra và nói:

- Hai người nhờ có Cửu môn đề đốc là Địch Thanh bảo tấu cùng với triều đình xin tha cho hai người đặng giải chinh y ra Tam Quan mà đoái công chuộc tội. Vậy hai người phải đến ra mắt.

Trương Trung và Lý Nghĩa Địch Thanh làm đến Cửu môn đề đốc thì mừng rỡ vô cùng, vội vã lạy tạ lui ra tìm đến dinh Địch Thanh xin ra mắt. Anh em gặp nhau mừng rỡ khôn cùng.

Địch Thanh thuật các việc từ khi xa nhau đến lúc được triều đình phong chức cho hai người nghe.

Trương Trung nói:

- Té ra bây giờ đại ca đã làm đến chức nhứt phẩm triều đình, lại là vương thân nữa, vậy thì từ nay về sau hai anh em tôi không nên kêu là đại ca nữa.

Địch Thanh nói:

- Anh em ta kết bạn đồng sanh tử, hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly, tình nghĩa như ruột thịt lẽ đâu vì giàu sang mà đổi lòng hay sao?

Lời bàn:

Trong cuộc sống có lúc bĩ cực thì cũng co lúc thái lai. Kẻ có chí sớm muộn cũng tạo nên sự nghiệp.

Sự nghiệp con người thành do bản thân mình. Người xưa có nói:

Làm trai quyết chí tu thân.

Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo.

Khi nên trời giúp công cho.

Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.

 

Chuyện thân danh trong đời người là vậy, nhưng luận về kẻ gian nịnh và người trung nghĩa thì có khác nhau. Kẻ phản nịnh bao giờ cũng âm mưu hại người để thủ lợi cá nhân mình, còn kẻ trung nghĩa thì bao giờ cũng làm điều nhân, lấy đạo nghĩa làm người trang trải trong cuộc sống. Bàng Hồng muốn hại Địch Thanh, sai đi giải chinh y, nhưng chính việc đi giải chinh y mà Địch Thanh tìm cách cứu được hai người bạn mình là Trương Trung và Lý Nghĩa. Té ra âm mưu độc ác của Bàng Hồng lại giúp cho Địch Thanh giải cứu cho hai người bạn mình để tròn đạo nghĩa. Trong cái rủi có cái may không lường trước vậy.