Vạn Huê Lầu diễn nghĩa

hồi thứ mười lăm

  Địch Thanh tâu:

- Tôi đâu dám cãi lệnh nương nương và bệ hạ, song chưa có công gì mà phong tước như vậy thật tôi không dám lãnh. Hễ tôi thắng đặng cấp nào thì tôi xin nhận phẩm trật ở cấp ấy, như vậy mới phải lẽ công  bằng, mà nương nương không mang tiếng là ỷ thân thế bênh vực con cháu mình.

Vua nghe tâu cười lớn nói:

- Lời nói ấy cũng có lý.

Liền hạ chỉ cho các quan võ ngày mai tựu tại giáo trường để đua tài cao thấp. Bá quan văn võ đều tuân lệnh lui ra.

Còn Lộ Huê vương đưa Địch Thanh về Nam Thanh cung ra mắt Địch thái hậu.

Địch thái hậu hỏi Lộ Huê vương:

- Vậy hôm nay thiên tử phong cho anh con làm chức chi?

Lộ Huê vương thuật lại mọi chuyện. Thái hậu tỏ ý không bằng lòng, trách Địch Thanh:

- Cháu thiệt dại dột! Không nhọc sức mà phong đến tước vương, sao cháu lại còn nài đấu võ làm chi.

Địch Thanh nói:

- Làm trai đầu đội trời, chân đạp đất, phải làm sao cho rạng danh, xứng đáng với chức tước của mình thì mọi người mới phục.

Thái hậu nói:

- Cháu nói cũng phải, song cô e võ tuớng trong triều không thiếu gì tay võ nghệ cao cường. Nếu có điều gì rủi ro thì biết làm sao?

Địch Thanh thưa:

- Việc ấy cháu đã liệu trước và lường được sức mình, xin cô chớ có lo lắng làm chi.

Thái hậu thấy Địch Thanh nói như vậy, song không thể an lòng liền nói với Lộ Huê vương:

-Con ơi! Mẹ có một kế làm cho anh con khỏi đấu võ.

Lộ Huê vương hỏi:

- Kế ấy thế nào?

Thái hậu nói:

- Ngày mai con lấy khôi giáp của Thái Tổ cho anh con mặc, và lấy cây kim đao cho nó cầm thì cả giáo trường không ai dám đấu với nó.

Lộ Huê vương vâng lời liền sai thái giám vào Thái miếu mà lấy khôi giáp và kim đao ra cho Địch Thanh đấu võ.

Lúc này, Bàng Hồng và Tôn Tú về đến dinh thì mừng rỡ nói với nhau rằng:

- Thằng Địch Thanh thiệt là dại dột, khi không mà được tước vương lại không nhận, còn đòi đấu võ làm chi. Nó tưởng trong triều này võ tướng không ai bằng nó sao? Thôi để nhân cơ hội này cha tính cách hại nó cho biết tay.

Nói rồi truyền gia nhân đi mời Vương Thiên Hóa, Nhâm Phước, Từ Loan và Cao Ngại đến, rồi khiến quân dọn tiệc đãi đằng.

Trong lúc ăn uống, Bàng Hồng nói:

- Trong buổi chầu vừa rồi các vị có thấy Địch Thanh khi dễ các võ tướng cả triều không?

Vương Thiên Hóa nói:

- Không biết tài lực Địch Thanh ra thế nào mà dám thốt lời tự phụ như vậy.

Bàng Hồng nói khích:

- Thì ngày mai ra đấu trường tướng quân thử sức nó thì biết. Nếu nó bất tài mà phách lối thì tướng quân giết chết nó đi cho khỏi bẩn mắt.

Vương Thiên Hóa nói:

- Chuyện làm thì không khó, chỉ e thái hậu bắt lỗi thì khó trốn.

Bàng Hồng nói:

- Không hề chi đâu. Việc đấu võ là trong chốn đao thuơng, ai ai cũng muốn giữ lấy tính mạng mình. Nếu không giết người thì bị người ta giết mình. Cho nên không ai có thể trách được.

Vương Thiên Hóa nói:

- Nếu thái sư che chở cho tôi thì tôi lấy đầu Địch Thanh dễ như trở bàn tay.

Bàng Hồng nói:

- Nhất ngôn ký xuất,tứ mã nan truy. Đấng anh hùng một lời nói phải giữ lấy.

Tiếp đó Bàng Hồng nói với  Nhâm Phước, Từ Loan, Cao Ngại rằng:

- Nếu nó chịu thua Vương đề đốc mà đấu với ba ông thì ba ông cũng ráng mà hại nó cho được.

Ba người đều vâng lệnh trở về cung.

Ngày hôm sau, vua ngự tại giáo trường, các quan văn võ đều chầu chực đủ mặt. Vua truyền chỉ đòi Địch Thanh ra.

Địch Thanh vâng lệnh bước ra. Vua thấy Địch Thanh mặc giáp phục của Thái Tổ thì vội vã đứng dậy nghinh tiếp rồi hỏi Lộ Huê vương:

- Vậy chớ để Địch Thanh mặc khôi giáp ấy là có ý gì không?

Lộ Huê vương tâu:

- Ấy là mẫu hậu cho mượn mà dùng đỡ mà thôi.

Vua nói:

- Nếu cho nó mượn khôi giáp ấy thì chẳng khác nào cho nó mượn cả giang sơn này. Khanh hãy về thưa với mẫu hậu nếu làm như vậy thì không còn trật tự nữa.

Lúc ấy Bàng Hồng thấy vậy thì có ý cười thầm. Còn Lộ Huê vương nghe mấy lời vua phán thì nghĩ thầm:

- Lời chúa thượng nói rất phải.

Liền trở về Nam Thanh cung thưa lại cho thái hậu hay.

Thái hậu nghĩ thầm:

- Mình làm như vậy cũng không phải lẽ, thế nào các quan triều cũng dị nghị.

Nghĩ như vậy, thái hậu nói với Lộ Huê vương:

- Con hãy ra tâu cùng chúa thượng, xin cho phép mọi người đừng xem các vật ấy là của tiên đế, hãy xem như là của Địch Thanh mà thôi.

Lộ Huê vương trở vào triều tâu lại lời dạy của thái hậu. Vua nghe tâu mỉm cười nói:

- Té ra vì lòng lo lắng của mẫu hậu mà có chuyện như vậy.

Liền gọi Địch Thanh nói:

- Khanh hãy cẩn thận mà giữ gìn cho lắm chớ việc đấu võ không phải dễ dàng đâu.

Địch Thanh vâng lời dạy, nhảy lên con Nguyệt Long cu, tay cầm cây Cửu hoàn đại đao đứng giữa giáo trường, và truyền cho các quan tam phẩm ra đấu.

Lệnh truyền vừa dứt thì trong đám tướng võ cấp tam phẩm có một vị tổng binh tên Từ Loan bước ra xin đấu.

- Tôi xin đấu với Địch thân vương, song người cầm cây đao ấy tôi không dám đấu, xin bệ hạ giáng chỉ thay cây đao khác.

Vua nói:

- Thái hậu đã có lời truyền cứ xem đao ấy như của Địch Thanh mà thôi.

Từ Loan vâng lệnh, nhảy lên ngựa, cầm xà mâu ra giữa giáo trường, vòng tay nói với Địch Thanh:

-Tôi là Từ Loan vâng chỉ mà đấu cùng ngài, xin ngài cho tôi thất lễ.

Địch Thanh cũng vòng tay đáp lại:

- Tôi cũng xin ngài miễn lễ.

Hai bên đấu nhau đô năm hiệp, Từ Loan cự không lại xin chịu thua.

Địch Thanh nói:

- Võ nghệ như vậy cũng ra đấu làm chi.

Lúc ấy trong đám tam phẩm thấy Từ Loan thua thì không ai ra đấu cả. Còn trong đám nhị phẩm thì có một vị chỉ huy tên là Cao Ngại bước ra xin thi đấu.

Đấu được mười hiệp, Cao Ngại cũng lui ra, nói:

- Địch thân vương là người võ nghệ vao cường, tôi cự không lại.

Tiếp đó có một viên tiểu tướng là Thạch Ngọc thấy Địch Thanh giỏi như vậy thì muốn ra mà đấu thử, song nghĩ rằng:

- Người ấy là cháu của thái hậu, lại dòng dõi trung thần nếu đấu mà thắng thì e mích lòng, chi bằng làm thinh thì hay hơn.

Trong đám nhị phẩm thấy Cao Ngại thua thì không ai dám ra.

Xảy thấy trong đám nhứt phẩm có một viên đại tướng là Vương Thiên Hóa đang làm Cửu môn đề đốc. Người này mặt xanh giống Đơn Hùng Tín đời Đường, đầu đội thanh khôi mình mang kim giáp, tay cầm cây Đại đồng đao, nhảy lên ngựa xốc ra kêu lớn:

- Địch vương thân! Tôi là Vương Thiên Hóa vâng chỉ thi đấu cùng ngài. Nều có xúc phạm điều chi xin ngài chớ giận.

Địch Thanh nói:

- Võ nghệ của tôi cũng tầm thường, xin tướng quân mở lòng mà tưởng tình nhau chút ít.

Vương Thiên Hóa nghe nói cười lớn:

- Chớ nên khiêm nhượng.

Nói rồi vung đao xốc tới chém Địch Thanh.

Vương Thiên Hóa tưởng mình là anh hùng vô địch nên không coi Địch Thanh ra gì cả, ai dè bị Địch Thanh đánh tới mãi làm cho Vương Thiên Hóa phải lùi ra xa.

Vương Thiên Hóa nghĩ thầm:

- Không ngờ cái thẳng thân hình mảnh mai như vậy mà mạnh mẽ quá sức.

Nghĩ rồi ráng hết sức đánh với Địch Thanh đến bảy hiệp.

Địch Thanh thấy vậy nghĩ là bọn vô dụng, nhưng nếu nó thua mình thì xấu hổ, còn mình thua nó thì cũng chẳng hề chi.

Nghĩ rồi cứ cầm đao đỡ hoài mà không đánh. Lộ Huê vương có ý sợ, nghĩ thầm:

- Vương Thiên Hóa là người có danh tiếng từ thuở nay, nếu Địch Thanh có bề nào mẫu hậu trách cứ ta chứ chẳng không.

Lúc ấy vua thấy vậy thì truyền gióng chiêng cho hai người dừng ngựa lại, rồi đòi đến phán:

- Hai khanh cũng đồng sức với nhau, không ai hơn ai thua, thôi để trẫm phong cho Địch Thanh theo bực nhứt phẩm như Vương Thiên Hóa.

Địch Thanh tâu:

- Vả sự giáp chiến không lẽ bằng nhau được, làm sao cũng có một người hơn, một người thua. Nếu tôi không trên được thì tôi phải ở dưới. Nếu không rõ ràng tôi không dám chịu chức ấy.

Vương Thiên Hóa nghe Địch Thanh nói nghĩ thầm:

- Thằng này tới số rồi. Ta đã nghĩ tình thái hậu không nỡ hại nó té ra nó lại muốn chết.

Bàng Hồng nghe Địch Thanh tâu như vậy thì có lòng mừng, liền xen vào:

- Lời của Địch vương thân tâu cũng phải. Việc đấu võ tất nhiên phải có hơn thua. Vậy xin bệ hạ truyền cho Địch vương thân phải làm một sanh tử trạng, hễ ai dở thì chết không được nói tiếng chi.

Vua nói:

- Vả việc  thi võ đây là trẫm muốn biết tài chư tướng chớ chỗ này không phải là chỗ chinh chiến, cũng không phải là chỗ gây cừu óan, sao lại quyết lòng muốn giết nhau như vậy? Nếu làm như vậy Địch Thanh có bề nào thì không khỏi mẩu hậu khiển trách trẫm.

Địch Thanh nghe mấy lời của Bàng Hồng tâu, và mấy lời phán của thiên tử thì nghĩ thầm:

- Quân gian tặc có ý muốn hại ta, nên mới nài tờ sanh tử trạng, nhưng nó lại không biết là nó sẽ làm hại Vương Thiên Hóa. Thôi để ta xin quyết đấu, may ra thiên tử cũng nghe theo.

Địch Thanh liền tâu:

- Xin bệ hạ cho tôi làm tờ sanh tử trạng, nếu không thì khó định hơn thua.

Vua nghe tâu chưa kịp phán thì Lộ Huê vương đã xen vào:

- Địch hiền huynh chớ nên làm như vậy, nếu làm tờ ấy mà hiền huynh có bề nào thì mẫu hậu trách cứ bệ hạ chớ chẳng không đâu.

Địch Thanh nói:

- Không hề chi, cứ để cho tôi làm tờ ấy, còn không thì tôi không thể nhậm chức.

Vua thấy Địch Thanh nài nỉ phải nhận lời, nhưng truyền chỉ hai bên đều phải có một vị đại thần bảo lãnh.

Khi ấy Vương Thiên Hóa thì có Bàng Hồng bảo lãnh, còn Địch Thanh thì không ai bảo lãnh cả, vì các vị đại thần đều sợ chẳng may mà Địch Thanh có bề nào thì ắt không khỏi bị thái hậu khiển trách.

Lúc ấy Thạch Ngọc nghe Địch Thanh tâu như vậy thì đã hiểu ý nên nghĩ thầm:

- Đường đao của Địch Thanh trội hơn Vương Thiên Hóa rất nhiều, mà lúc nãy Địch Thanh chỉ đỡ mà không đánh thì chắc có ý chi đây.

Nghĩ rồi liền đứng ra tâu:

- Tôi là Thạch Ngọc, xin đứng bảo lãnh cho Địch vương thân.

Vua nhận lờn, bèn cho Thạch Ngọc đứng bảo lãnh.

Địch Thanh được người bảo lãnh rồi, liền đem tờ sanh tử trạng dâng lên vua rồi cầm đao lên ngựa đánh với Vương Thiên Hóa. Khác với lần trước, lần này Địch Thanh đánh Vương Thiên Hóa đỡ không kịp. Mới được ba hiệp, Vương Thiên Hóa đã quày ngựa bỏ chạy, bị Địch Thanh chém sả một đao đứt làm hai đoạn.

Chém Vương Thiên Hóa xong, Địch Thanh xuống ngựa vào ra mắt vua. Vua cả mừng liền khiến Địch Thanh thay đồ khôi giáp, mặc đồ triều phục theo hàng nhứt phẩm.

Các quan triều thần ai nấy đều khen Địch Thanh, duy có Bàng Hồng quỳ tâu:

- Vả Địch Thanh tuy là hoàng thân quốc thích, song không có chức phận gì, lại dám vô lễ giết một đại thần trước mắt bệ hạ, lẽ ra phải trị tội, sao bệ hạ lại phong đến nhứt phẩm triều đình, tôi e nhân tâm bất phục, xin bệ hạ xét lại.

Lời bàn:

Trong chổ quyền uy bao giờ cũng chứa đựng những âm mưu hãm hại lẫn nhau. Từ xưa đến nay, triều đình nào cũng vậy, có kẻ nịnh thì cũng có kẻ trung.

Kẻ nịnh bao giờ cũng hành động theo mục đích riêng của mình, để chiếm đoạt danh lợi, còn kẻ trung thì không kể đến cá nhân mình, mà chỉ làm những việc ích nước lợi dân.

Thái độ và việc làm của những kẻ nịnh cũng theo thời gian mà thay đổi, cho nên mỗi thời đại hành động của kẻ nịnh cũng khác đi ít nhiều.

Lời xưa có nói: Đại gian tợ tín, đại nịnh tợ trung.

Lời nói của kẻ nịnh rất nguy hiểm, bao giờ cũng làm cho kẻ thiếu ý thức phải tin tưởng, và cho là lẻ phải. Bởi vậy kẻ đang nắm quyền hành phải sáng suốt, đề phòng những lời nói của kẻ nịnh. Làm được việc này rất khó, nhưng không làm được thì tai hại không nhỏ.