Vạn Huê Lầu diễn nghĩa

hồi thứ mười bảy

Trương Trung, Lý Nghĩa nghe Địch Thanh nói thì cảm kích vô cùng. Địch Thanh nói:

- Nay Bàng Hồng bày ra quỷ kế, muốn hại ta với Thạch Ngọc nên tâu với thiên tử sai ta và Thạch Ngọc đi giải chinh y ra Tam Quan. Việc này rất khó khăn vì đường sá xa xôi lại nhiều giặc cướp, nếu trễ nải thì Dương nguyên soái sẽ bắt tội.

Trương Trung và Lý Nghĩa nói:

- Nếu đại ca đi thì cho hai anh em tôi theo với.

Địch Thanh nói:

- Cũng nhờ dịp này mà ta tâu với thánh thượng tha tôi hai em để tháp tùng công việc mà đoái công chuộc tội. Đến ngày mồng tám tháng chín, Địch Thanh lãnh ba mươi muôn chinh y và lời phê văn rồi khiến Trương Trung, Lý Nghĩa điểm ba ngàm binh đẩy xe và lương thảo. Lúc ấy Hàng Kỳ lại trao cho Địch Thanh một phong thở, dặn giao cho Dương Thanh là người đồng hương, đặng tuỳ cơ mà chiếu cố Địch Thanh.

Hàng Kỳ nói:

- Đây là ý kiến của thái hậu lo lắng cho ngài, sợ có điều gì sơ xuất Dương nguyên soái không biết mà chở che.

Địch Thanh từ tạ Hàng Kỳ lãnh thơ, rồi qua Nam Thanh cung từ giã Địch thái hậu và Lộ Huê vương.

Thái hậu nói:

- Loài gian tặc nó ganh tỵ lắm, nay nó bảo tấu cho cháu đi đây cũng chính là lập mưu để hãm hại. Vậy cháu phải cẩn thận và đi cho đúng kỳ, đến Tam Quan thì giao cho xong chinh y rồi trở về kẻo cô trông đợi.

Địch Thanh vâng lời, lạy tạ thái hậu, từ giã Lộ Huê vương rồi lên đường. Còn Thạch Ngọc cũng vội vã tháp tùng.

Bấy giờ Địch Thanh đầu đội mão kim khôi, trên mão lại có gắn một hột ngọc uyên ương để trừ tà yếm quỷ, ngăn đỡ đao thương, tay thì cầm kim đao, mình cưỡi con Nguyệt long cu, tướng mạo đường đường uy phong lẫm liệt. Còn Thạch Ngọc đầu đội ngân khôi, mình mặc bạch giáp, tay cầm trường thương, cưỡi ngựa bạch long cu, hào khí trùng trùng, thật đáng tay hào kiệt.

Còn Trương Trung, Lý Nghĩa tuy chưa co chức phận gì nhưng cũng mặc khôi giáp sáng rỡ, diện mạo đường đường, đi đến đâu thì các quan sở tại tiếp đón rất trọng hậu.

Lúc ấy Bàng Hồng sai gia tướng đem một phong thơ ra huyện Nhơn An, và một phong thơ ra Đồng Quan mà khiến hai nơi ấy lập mưu hãm hại Địch Thanh và Thạch Ngọc. Trong thơ nói: Nếu hại được hai người ấy thì sẽ có quyền cao chức trọng, còn ai không nghe theo thì phải mang họa.

(Nguyên noi nhà quán dịch huyện Nhơn An có sanh yêu quái đã mấy năm nay, cho nên nhân dân đều kinh sợ mà đồn lần về Biện Lương).

Lúc ấy, tri huyện Nhơn An là Vương Đăng tiếp được thơ của Bàng Hồng thì quyết tâm làm theo để được thăng bổng lộc.

Ngày kia quân thám thính biết được Địch Thanh đi gần đến huyện mình thì khiến người dọn dẹp quán dịch ấy cho sạch sẽ, đặng chờ Địch Thanh đến thì đón vào đó an nghỉ.

Cách mấy ngày sau Địch Thanh đến nơi, Vương Đăng ra rước vào nhà quán dịch thết đãi. Địch Thanh khiến dừng binh nơi đó nghỉ lại một đêm rồi sẽ đi.

Đêm ấy khi mãn tiệc, Vương Đăng và các quan đều lui về dinh.

Địch Thanh nói với Thạch Ngọc:

- Ra xem quán dịch này trống trải lắm, vậy anh em ta đêm nay không nên ngủ mà phải đề phòng.

Thạch Ngọc nói:

- Đại ca nói rất phải.

Hai người thức mãi để đàm đạo cùng nhau.

Qua đến canh hai, Địch Thanh xem thấy trăng tỏ như ban ngày thì gọi Thạch Ngọc ra mà xem, cà nói:

- Ta thấy trăng thì nhớ đến đêm rằm tháng tám trước đây tại Nam Thanh cung nơi sau vườn có con long cu xuất hiện. Cũng nhờ nó mà ta gặp được cô ta là Địch thái hậu.

Thạch Ngọc nói:

- Đại ca nói thì tôi mới nhớ năm ngoái cũng vào dịp rằm tháng tám tôi trừ được con mãng xà cứu được Thể Hà quận chúa, rồi được kết duyên với nàng, lại được thánh thượng phong cho tôi làm ngự sử.

Địch Thanh nói:

- Hèn chi tục ngữ có nói: Khổ tận cam lai. Thật cũng rất đúng.

Hai người đang trò chuyện xảy có một trận cuồng phong ào tới.

Thạch Ngọc nói:

- Đại ca! Gió này không phải là gió thường đâu, quả là loài  yêu quái xuất hiện đó.

Hai người liền đứng dậy, rút gươm cầm tay, ngó chăm chăm về hướng Đông Bắc, thì nghe có tiếng ồ ồ. Địch Thanh hét lớn:

- Yêu quái ở đâu dám cả gan chọc ghẹo chúng ta.

Nói vừa dứt thì thấy một đạo bạch quang xẹt tới, rồi biến ra một người cao lớn xốc tới trước mặt Thạch Ngọc.

Thạch Ngọc nói:

- Đại ca! Mãng xà đến chọc tôi nữa đó.

Nói rồi nạt một tiếng, ung gươm chém tới.

 

Lời bàn:

Người anh hùng và kẻ gian ác hai bản chất khác nhau. Kẻ anh hùng thì vị tha, đem thân phụng dự cho đạo nghĩa làm người, còn kẻ tiểu nhân thì vị kỷ, chỉ biết hưởng thụ riêng mình mà thôi. Hai quan niệm này tạo nên phẩm chất con người trong lẽ sống.

Địch Thanh và Thạch Ngọc đứng trước âm mưu của Bàng Hồng mưu hãm hại, không phải không biết mà vẫn cứ dấn thân vào chốn hiểm nguy. Đành rằng họ cũng có một  phần nào cậy vào tài năng và bản lãnh của mình, nhưng điều căn bản là khí phách anh hùng của họ.

Ngưòi anh hùng không sợ gian nguy, miễn là làm nên chuyện đại nghĩa. Chính vì tinh thần đó mà kẻ anh hùng không sợ chết, không khuất phục trước mọi thế lực hay gian nguy.

Kẻ anh hùng thường giao cảm với những người có nghĩa khí, vì vậy trong cuộc sống họ được giúp đỡ trong lúc gian nguy cũng chỉ vì lòng giao cảm giữa con người và con người trong cuộc sống mà thôi.

Người anh hùng không cầu danh lợi, khi danh lợi ấy không hợp với nhân tính, còn kẻ gian ác thì nói đến danh lợi lại tham lam, vì vậy hành động rất khốc liệt.

°

°