“Tôi chán ngán lật giở cuốn sách, hy vọng rằng có một cái gì đó như lời giới thiệu, lời chỉ dẫn để đọc. Nhưng nó chỉ gồm toàn những biểu đồ các ván cờ nổi tiếng, ở dưới ghi những ký hiệu thoạt đầu tôi chẳng hiểu gì cả: a2 – a3, Sf1 – g3, v.v… Tôi thấy đấy là những dòng mật mã mà tôi không có khóa.
“Dần dần tôi vỡ lẽ các chữ cái a, b, c chỉ các đường gọi là cột dọc, các số 1, 2, 3 chỉ các đường gọi là dòng ngang, và qua tọa độ cột dọc, dòng ngang có thể xác định vị trí của từng quân cờ trong ván cờ. Như vậy sự biểu diễn hoàn toàn mang tính chất đồ thị này cũng là một loại ngôn ngữ. Tôi tự nghĩ là mình cũng có thể làm một bàn cờ và sau đó chơi các ván cờ này. Nhờ Trời, tôi nhận thấy vải trải giường của tôi là vải kẻ ô vuông. Nếu gập cẩn thận tấm vải trải giường tôi sẽ có một bàn cờ với sáu mươi tư ô. Tôi liền cất giấu cuốn sách dưới đệm sau khi đã xé lấy ra trang đầu, đoạn tôi véo một ít ruột bánh mì trong suất ăn của tôi và nặn các quân cờ, quân Tướng, quân Hậu, quân Xe, và các quân khác. Các quân cờ tuy méo mó, nhưng tôi đã loay hoay tái tạo lại trên tấm khăn trải giường kẻ ô vuông vị trí các quân cờ trình bày trong cuốn sách giáo khoa.
“Tuy nhiên, thoạt đầu tôi không thể đánh trọn cả ván vì tôi dùng bụi lăn bột nặn quân “đen” nên cứ thường bị lẫn lộn. Cái ván đầu tiên ấy tôi phải đánh đi đánh lại đến năm, mười, hai chục lần. Nhưng trên đời liệu còn ai có nhiều thời gian hơn tôi và bị giam cầm trong cảnh hư vô thế này, ai là người háu và kiên nhẫn hơn tôi?
“Sáu ngày sau tôi đã có thể đi các quân cờ đâu ra đấy trong ván cờ đầu tiên. Tám ngày sau, tôi không cần các quân bằng bột mì cũng có thể hình dung vị trí các quân của đối phương trên bàn cờ. Tám ngày nữa, tôi chẳng cần cả đến tấm khăn trải giường kẻ ô vuông. Những kí hiệu a1, a2, c7, c8 lúc đầu xem ra rất trừu tượng đối với tôi lúc này cứ tự động được cụ thể hóa ra thành những hình ảnh thị giác. Sự chuyển vị đã hoàn hảo. Tôi đã nhớ rất rõ từng quân cờ, hình dung ra ngay từng nước đi một trong ván cờ nêu trong sách mà không cần đến bàn cờ. Tôi như một nhạc sĩ điêu luyện chỉ cần đưa mắt nhìn qua bản dàn bè là liền nghe nổi lên toàn bộ chủ đề và hòa âm ghi trong bản dàn bè. Chỉ cần thêm mười lăm ngày nữa, tôi có thể đánh theo trí nhớ tất cả các ván cờ trình bày trong cuốn sách: do đó tôi đã nhận thấy rõ lợi ích vô cùng to lớn của việc lấy trộm táo bạo ấy, vì bây giờ tôi đã có việc để làm, cứ cho là vô bổ đi, nhưng dẫu sao đấy cũng là một công việc, nó thủ tiêu sự ngự trị của cái hư vô trong tâm hồn tôi. Với một trăm năm mươi ván cờ này, tôi có một vũ khí tuyệt vời chọi lại tính đơn điệu đến ngột ngạt của không gian và thời gian.
“Để duy trì sức quyến rũ của hoạt động mới mẻ này, tôi đã chia một cách rất quy củ một ngày của tôi như sau: đánh hai ván buổi sáng, hai ván buổi chiều, còn tối ôn qua lại cả bốn ván cờ. Như vậy thời gian của tôi lúc nào cũng kín, chứ không kéo dài lê mê một cách vô ích, và lúc nào tôi cũng thấy bận rộn vì đánh cờ có cái hay là không bao giờ làm mệt đầu óc, ngược lại nó làm cho trí lực thêm linh hoạt và dẻo dai. Sở dĩ như vậy vì khi đánh cờ, người ta tập trung toàn bộ trí năng vào một diện hẹp, dù cho gặp thế bí, căng thẳng cũng vậy. Thoạt đầu tôi máy móc tuân theo sự chỉ dẫn nêu trong sách, sau dần dần đây là một trò luyện trí thông minh mà tôi rất thích. Tôi học được cái tinh xảo, những mẹo tinh tế khi tấn, lúc đỡ, tôi nắm được kỹ thuật nhử và quật lại. Chẳng mấy chốc, tôi có khả năng nhận ra được cách đánh của từng nhà chơi cờ nổi tiếng, chẳng khác gì qua vài vần thơ là nhận ra nhà thơ nào. Thoạt đầu đây chỉ là một cách giết thời gian, nhưng sau nó là một trò giải trí thực sự, và những khuôn mặt của các nhà đánh cờ lớn như Alêcxin, Laxkơ, Bôgônglubôp, Tartakôvơ đã làm cho cách đánh cô đơn của tôi trở nên thật dễ chịu.
“Từ nay tính đa dạng đã làm cho căn phòng câm lặng của tôi trở nên nhộn nhịp, sự đều đặn trong luyện tập này làm trí năng của tôi thêm vững chắc. Kỷ luật tình thần rất chính xác này tạo nên một độ nhạy bén mới cho trí lực thể hiện rõ qua các cuộc hỏi cung; qua chơi cờ, sức chống đỡ của tôi trước những động tác giả và những mưu mô giảo quyệt đã khá hẳn lên từ lúc nào tôi cũng chẳng rõ nữa. Từ đó, tôi không hề để lộ vẻ yếu ớt nào trước mặt bọn hỏi cung tôi và tôi cảm thấy bọn chúng nhìn tôi với con mắt khá kính trọng. Chắc bọn chúng tự hỏi không hiểu sức lực đâu mà tôi đã kiên cường chịu đựng như vậy, trong khi những người khác chắc chắn đã phải khai. Giai đoạn sung sướng tôi đã đánh đi đánh lại một cách có hệ thống một trăm năm mươi ván cờ kéo dài trong ba tháng. Sau đó, tôi lại bỗng rơi vào chốn hư vô. Một ván cờ mà cứ đánh đi đánh lại tới hai hoặc ba chục lần thì chẳng còn sức hấp dẫn mới mẻ và hiệu lực của nó cũng chẳng còn nữa. Một khi tôi đã thuộc lòng từng nước một thì tiếp tục đánh nữa liệu có ý nghĩa gì? Nước trước vừa đi, nước sau đã bật ra ngay chẳng khó khăn, chẳng gây một niềm vui bất ngờ nào.
“Để việc tiêu khiển này tiếp tục có tác dụng lớn làm tôi không thể bỏ qua được thì phải có tập hai. Nhưng biết kiếm đâu ra tập hai vào lúc đó, nên tôi đã nảy ra ý định là tự nghĩ ra một ván cờ khác mà tôi tự đánh với bản thân mình hay nói đúng hơn tự mình đối đàu với mình. Tôi không rõ ông có suy nghĩ tới trạng thái tinh thần khi miệt mài lao vào cái thứ chúa tể các trò chơi này không? Trong trò này không thể có sự ngẫu nhiên; sức hấp dẫn của môn cờ là ở chỗ hai bộ óc đối chọi nhau, mỗi người một chiến thuật. Cái thú của cuộc đấu trí này là bên đen không rõ bên trắng điều quân khiển tướng ra sao và cố đoán ý đồ của nó để chống lại, trong khi đó, bên trắng cũng muốn dò ý đồ bí mật của bên đen và tìm cách phá.
“Nếu một người vừa đi các quân đen lại vừa điều khiển quân trắng thì tình huống rất mâu thuẫn. Làm sao một người vừa đi quân trắng xong thì phải quên ngay mục đích của nước đi đó để rồi lại đứng về phía quân đen đi nước tấn lại? Một sự tách đôi về suy nghĩ như vậy đòi hỏi một sự tách đôi hoàn toàn về lương tâm, sự việc này đòi hỏi một khả năng kỳ lạ trong việc tùy ý muốn tách biệt lúc nào cũng được những chức năng nhất định của não như người ta vẫn làm với một chiếc máy. Muốn đánh cờ với chính bản thân mình thì chẳng khác nào như người muốn bước đè lên bóng mình.
“Và thế là trong suốt mấy tuần liền tôi lao vào cái trò vô lý ấy. Với hoàn cảnh lúc đó của tôi, nếu không muốn bị cái hư vô khủng khiếp bao vây tứ phía nghiền nát thì buộc lòng tôi phải thử sắm vai tách đôi trong suy nghĩ giữa một cái tôi là quân trắng và một cái tôi là quân đen”.
Ông B. ngồi ngả người ra lưng ghế và nhắm mắt trong giây lát. Hình như ông cố xua đi một kỷ niệm đau buồn. Chứng máy miệng đã làm tôi chú ý lại thấy xuất hiện nơi mép ông. Sau đó ông ngồi thẳng người lên và kể tiếp:
“Tôi thấy câu chuyện của tôi kể lại, từ nãy tới giờ xem ra rõ ràng dễ hiểu. Tiếc rằng tôi không biết đoạn tiếp đây có được như vậy không. Chẳng là sự bận rộn mới của tôi làm đầu óc tôi căng thẳng đến mức tôi không tài nào làm chủ nổi bản thân mình nữa. Chắc có lẽ tôi đã có một khả năng hết sức nhỏ nhoi thoát khỏi tình trạng căng thẳng đó nếu như bản thân đứng trước một bàn cờ thực sự để có thể dự kiến mọi tình huống trong không gian. Đứng trước bàn cờ, tay được túm các quân cờ thực sự để đánh, phản xạ sẽ nhịp nhàng, người đánh cờ sẽ di chuyển từ bên này sang phía bên kia bàn cờ, do đó sẽ nhìn nhận kỹ tình huống khi nào đang ở bên quân đen, khi nào ở bên quân trắng. Nhưng đằng này tôi lại đánh với bản thân tôi hay, ta có thể nói là đánh với một con người của tôi phản chiếu trong khoảng không gian tưởng tượng, như vậy tôi phải hình dung rất rõ vị trí liên tiếp của các quân cờ, những khả năng của hai bên – và xem ra rất vô lý – tôi phải nhìn thấy rõ trong đầu sáu, tám, mười hai thế khác nhau để có thể tính trước bốn hay năm nước của hai đối thủ nằm trong một con người duy nhất là tôi.
“Để đánh những ván cờ như vậy trong không gian trừu tượng và để trù tính được cho cả hai bên chiến thuật cần thiết cho trận đấu, trí óc tôi, có thể nói là, vừa thuộc về quân trắng và lại vừa thuộc về quân đen. Những sự chia đôi suy nghĩ trong chính bản thân tôi này chưa phải là cái nguy nhất mà cái nguy nhất là mọi diễn biến của trận đấu đều diễn ra trong trí tưởng tượng: như vậy tôi có nguy cơ bất chợt chẳng biết mình phải đánh thể nào nữa và thế là lại đành phải bỏ dở ván đang đánh. Trước đây khi chơi lại những ván nổi tiếng trong cuốn sách dạy đánh cờ, tôi chẳng qua chỉ thực hiện một việc sao chép và chỉ cần nhớ lại một câu hoặc một đoạn của quy tắc. Đây là một hoạt động có giới hạn, có kỷ luật, một môn thể dục tinh thần tuyệt vời.
“Hai ván đánh vào buổi sáng, hai ván đánh vào buổi chiều, tôi cứ kéo cái công việc chán nản này chẳng mấy hứng thú. Khi đánh có nhầm lẫn, có chỗ nào do dự thì đã có chỗ dựa là cuốn sách chuyên luận nên cũng chẳng bận đầu óc lắm. Hoạt động này bổ ích đối với tôi vì người đánh cờ không phải là bản thân tôi. Quân đen hay quân trắng thắng đối với tôi không quan trọng, đấy là việc của Alêcxin hay của Bôgôngiubôp rắp ranh đoạt chức vô địch, và cái thú của tôi ở đây là cái thú của một khán giả, một người thông thạo biết đánh giá diễn biến của trận đấu và những nước đánh hay. Từ lúc tôi tìm cách đánh cờ với chính bản thân mình thì vô tình tôi đã đứng lên thách thức với chính bản thân mình. Quân đen đấu với quân trắng, như vậy tôi tự đấu với tôi và tôi lại cứ muốn thắng bản thân tôi. Khi đi quân đen, tôi cố tìm cách thắng quân trắng và khi ở bên quân trắng, tôi lại quyết thắng quân đen. Một trong hai đối thủ ở trong tôi sẽ hân hoan đắc chí và đồng thời sẽ nổi cáu khi kẻ kia đi hớ.
“Nếu đối với một người bình thường sống trong những điều kiện bình thường thì chuyện đó chẳng có gì đáng để nói nhiều. Tinh thần phân lập được tạo ra do cách ấy có gì là chuyện không thể tưởng tượng được, một sự phân đôi của nhân vật có gì là kỳ cục! Nhưng mong ông đừng quên rằng tôi bị bứt ra một cách thô bạo khỏi khung cảnh thông thường, là một người vô tội bị cầm tù, bị đày đọa trong cảnh cô đơn từ mấy tháng nay, là một người không biết trút cơn giận bị dồn nén vào cái gì và cũng như vào đầu ai. Tôi không có gì để tiêu khiển ngoài cái trò vô lý tự mình đánh với mình này, sự cuồng nhiệt và lòng mong muốn trả thù của tôi đều trút một cách mãnh liệt cả vào đấy. Trong bản thân tôi có một con người muốn vùng đứng lên bảo vệ quyền của mình, nhưng không thể chỉ đổ trách nhiệm cho một cái tôi khác mà tôi đang sắm vai; chính vì vậy những ván cờ ấy đã gây cho tôi những kích thích gần như bị ám ảnh. Thoạt đầu, tôi còn có thể đánh một cách bình tĩnh, giữa hai ván tôi nghỉ một lát để xả hơi, nhưng về sau, thần kinh tôi bị kích thích không để tôi nghỉ ngơi. Vừa đi quân trắng xong, quân đen đã liền điên tiết xong đến đứng trước mặt tôi. Ván cờ vừa kết thúc, một nửa con người tôi đã nổi lên thách đố nửa kia, vì trong tôi luôn có một kẻ thua cờ đòi phục thù.
“Tôi không thể nói, dù chỉ ang áng, trong cơn lầm lạc vô độ ấy tôi đã đánh bao nhiêu ván như vậy, có lẽ phải đến một ngàn, có lẽ hơn nữa. Tôi như kẻ bị ma ám và không cưỡng lại được, suốt ngày đầu óc tôi lúc nào cũng “chiếu hết” và “chiếu hết bằng quân Xe”, lúc nào cũng chỉ toàn thấy Binh, quân Xe, quân Vua và quân Tượng. Toàn bộ con người tôi, toàn bộ sự nhạy cảm của tôi đều tập trung vào các ô cờ tưởng tượng. Đối với tôi, niềm vui được đánh cờ đã trở thành một ước vọng mãnh liệt, một ước vọng bị câu thúc, một sự ám ảnh, một cuồng nhiệt ngày đêm không dứt ra được. Tôi chỉ nghĩ tới cờ, những vấn đề thuộc về cờ, những nước đi. Đôi khi, ngủ dậy tôi thấy trán mình đẫm mồ hôi, tôi liền nhận ra rằng tôi đã đánh cờ ngay cả trong lúc ngủ. Nếu nằm mơ khi ngủ, tôi nhìn thấy các khuôn mặt người di động theo kiểu các quân Xe, quân Mã, quân Tượng.
“Ở phiên tòa, suy nghĩ của tôi lẫn lộn lung tung. Trong những lần cuối, khi ra tòa, tôi có cảm giác tôi diễn đạt khá lờ mờ, vì các thẩm phán đưa mắt nhìn nhau vẻ sửng sốt. Sự thực là khi bọn họ tiến hành vặn hỏi điều tra và thảo luận thì tôi một mực tha thiết mong chong chóng được dẫn trở về phòng mình để lại bắt đầu trò chơi, cái trò chơi điên rồ của tôi. Một ván và rồi lại một ván nữa. Tôi thấy mình bị quấy rầy trước bất kỳ một sự dứt đoạn về thời gian, dù đấy là mười lăm phút khi tên giám ngục quét dọn phòng tôi, dù chỉ hai phút khi gã mang đồ ăn vào cho tôi. Đôi khi, bữa ăn của tôi vẫn còn nguyên trong tôi(?) cho mãi tận chiều tối vì tôi đã quên không ăn. Tôi chỉ thấy khát nước, khát kinh khủng, chắc là do cứ mải miết đánh như vậy và cứ phải suy nghĩ triền miên. Tôi uống một hơi hết sạch cả bình nước và xin gã giám ngục mang thêm nước cho tôi, nhưng chỉ một lát miệng tôi đã khô khốc.
“Cuối cùng, tôi đã bị kích thích tới mức không thể ngồi yên một phút. Suốt ngày tôi chẳng làm gì khác ngoài đánh cờ, tôi cứ đi đi lại lại trong phòng mình, bước mỗi lúc một rảo cẳng, và càng về cuối ván bước chân tôi càng thoăn thoắt. Nỗi say mê đánh thằng, đánh bại ngay chính bản thân mình dần dần trở thành một loại cuồng nhiệt. Tôi run lên vì sốt ruột, chẳng là một trong hai đối thủ nằm trong tôi luôn luôn quá chậm chạp so với bên kia. Hai đối thủ quấy phá nhau và, nếu tôi nói ra mong ông cũng đừng cho là lạ, tôi cứ hò hét thúc giục bản thân mình: “Khẩn trương lên, khẩn trương lên nào, nào” –khi một bên chưa kịp chống trả.
“Tất nhiên mãi bây giờ tôi mới biết rõ tình trạng tâm thần đó đã mang tính chất bệnh lý. Tôi không biết gọi hiện tượng này bằng một cái tên nào khác ngoài cái tên “bị đầu độc bởi môn đánh cờ” chưa hề có trong thuật ngữ y học. Điều ám ảnh này cuối cùng đã đầu độc cả thể xác lẫn tâm hồn tôi. Tôi gầy đi, giấc ngủ chập chờn không yên. Khi dậy mí mắt tôi nặng như chì phải vất vả lắm mới mở mắt được. Sức khỏe tôi bị giảm sút rất nhiều, tay tôi run đến mức lẩy bẩy mãi mới nâng được cốc lên miệng. Nhưng vừa bắt đầu vào ván cờ, tôi như người vừa được tiếp cho một sức mạnh ghê gớm. Tôi đi đi lại lại trong phòng, hai tay nắm chặt và đôi khi, tôi nghe phảng phất như qua một làn sương mù phớt đỏ giọng nói khàn khàn và độc địa của tôi gào lên: “Chiếu!” hay “Chiếu hết!”.
“Tôi không thể nói với ông cơn bệnh đã xảy ra như thế nào. Tôi chỉ biết là vào một sáng nọ, khi tỉnh dậy tôi thấy trong người khang khác. Cơ thể tôi như không phải là của tôi nữa, cơ thể tôi duỗi dài thoải mái, êm ái trong điều kiện tiện nghi thật dễ chịu. Một sự mệt mỏi mà mấy tháng nay tôi chưa từng cảm thấy, đè nặng mí mắt tôi, gây cho tôi cảm giác thật thoải mái đến nỗi tôi chỉ những muốn mở bừng mắt. Tôi cứ nằm nguyên như vậy trong vài phút, tận hưởng nỗi sững sờ của tôi, tận hưởng hơi ấm trên giường, vẻ uể oải khoan khoái. Thình lình tôi nghe có tiếng ai nổi lên phía sau tôi, nhưng tiếng nói ấm áp và sinh động, thốt ra một cách thanh thản và ông không thể hình dung nổi nỗi vui thích của tôi đâu vì hàng tháng nay tôi chỉ toàn nghe những lời nói khắc nghiệt và quàu quạu của bọn thẩm phán vặn hỏi tôi. “Ông bạn đang mơ!” tôi tự nhủ. “Ông bạn đang nằm mơ! Chớ mở mắt vội! Cố kéo dài giấc mơ của ông bạn còn hơn lại phải thấy căn phòng đáng nguyền rủa này, chiếc ghế, chiếc chậu, chiếc bàn và họa tiết muôn thuở trên giấy bồi tường. Ông bạn đang nằm mê, thôi cứ mê tiếp đi.”
“Nhưng tính tò mò đã thắng. Tôi thận trọng, từ từ mở mắt ra. Ôi, tuyệt quá! Tôi thấy mình đang ở trong một căn phòng khác, một căn phòng rộng rãi hơn phòng tôi ở khách sạn. Ánh sáng thoải mái ùa vào qua ô cửa sổ không chấn song. Ngoài kia tôi thấy có cây, hàng cây xanh lay động trước gió chứ không phải bức tường ảm đạm của tôi. Tường sơn màu trắng sáng sủa, chăn tôi đang đắp cũng màu trắng, đúng là tôi đang nằm trên một chiếc giường khác, chiếc giường không phải của tôi. Đây không phải là một giấc mơ. Có tiếng nói nhè nhẹ cất lên ở phía sau tôi. Chắc tôi rất bối rối trước phát hiện này, vì tôi nghe thấy những tiếng chân người liền bước đến bên giường. Một người phụ nữ lại gần tôi, dáng đi nhẹ nhàng, một phụ nữ đội mũ trắng, một nữ y tá. Tôi run lên vì vui thích: từ một năm nay tôi chưa nhìn thấy một người phụ nữ nào. Chắc tôi nhìn sự xuất hiện duyên dáng này với cặp mắt ngây ngất và nóng bỏng nên chị nữ y tá liền bảo: “Ông cứ bình tĩnh! Thật bình tĩnh!”. Tôi chỉ chú ý nghe giọng chị, đây là giọng của con người? Trên trái đất này vẫn còn những người không phải là thẩm phán, không phải là những kẻ tra tấn, ôi thật kỳ diệu! Vẫn còn người phụ nữ giọng dịu dàng và ấm áp gần như trìu mến này. Tôi khao khát nhìn chăm chăm chiếc miệng vừa nói với tôi những lời tốt đẹp, vì cái năm quái quỷ này đã làm cho tôi quên mất cái tốt đẹp giữa người với người. Chị nữ y tá mỉm cười với tôi, đúng chị mỉm cười, thế ra trên đời này vẫn còn những người mỉm cười. Sau đó, chị đưa một ngón tay lên miệng chị rồi lặng lẽ bỏ đi.
“Làm sao tôi lại có thể tuân lời chị nữ y tá? Ngược lại, tôi cố kiên quyết ngồi dậy đưa mắt nhìn theo chị để vẫn được ngắm nhìn con người kỳ diệu và nhân từ này. Tôi cố chống tay ngồi dậy nhưng vô hiệu. Tay phải bị bọc trong một bọc tướng màu trắng, đúng là tay bị băng bó. Thoạt đầu tôi ngơ ngác nhìn chỗ băng bó, sau dần dần nhận ra tôi đang ở đâu và suy nghĩ xem đã có chuyện gì xảy ra với tôi. Chắc bọn chúng đã làm tôi bị thương hay có thể bản thân tôi đã tự gây thương tích ở tay. Do đó tôi phải nằm ở bệnh viện.
“Buổi chiều, bác sĩ vào thăm tôi, đấy là một ông khá tử tế. Ông biết họ tên tôi và khi nói tới bác tôi – bác sĩ của hoàng thượng, giọng ông đầy vẻ kính trọng nên tôi nhận ra ngay ông chỉ mong muốn điều tốt lành cho tôi. Trong khi trò chuyện, ông hỏi tôi đủ mọi thứ và tôi ngạc nhiên khi nghe ông hỏi tôi có phải là nhà toán học hay hóa học không. Tôi trả lời tôi không phải là nhà toán học hay hóa học.
“- Lạ thật, - ông khẽ nói, - khi mê ông đã thốt lên hàng trăm những công thức lạ lắm, như c3, c4. Chẳng ai trong chúng tôi hiểu gì cả.
“Tôi gặng hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với tôi. Ông mỉm cười, vẻ khác thường.
“- Không có gì hệ trọng lắm. Một cơn thần kinh bị kích động dữ dội. – Và rồi sau khi đưa mắt thận trọng nhìn quanh, ông nói tiếp: - Vả lại, cũng dễ hiểu thôi. Ông ở đằng ấy từ ngày mười ba tháng ba, đúng không?
“Tôi gật đầu như muốn đáp: “Vâng ạ”.
“- Chẳng có gì đáng phải ngạc nhiên, với các phương pháp đó, - ông bác sĩ làu bàu. – Ông không phải là người đầu tiên. Nhưng ông đừng lo ngại.
“Qua cách ông nói và nhìn tôi, tôi hiểu rằng mình đã gặp người tốt.
“Hai ngày sau ông bác sĩ tuyệt vời đã thành thực kể tất cả những gì xảy ra với tôi. Tên giám ngục nghe thấy tôi la hét om sòm ở trong phòng tôi nên thoạt đầu gã tưởng có kẻ nào đã lọt được vào phòng tôi và tôi đang cãi lộn với người đó. Nhưng khi gã vừa bước chân vào trong phòng, tôi liền nhảy bổ vào gã, miệng hò hét một cách hung dữ: “Thế nào, đi đi chứ, đồ tồi, đồ hèn!” Tôi cứ cố chồm lên định túm cổ gã, do đó gã đã phải kêu cứu. Trong khi bọn chúng dìu tôi đến chỗ bác sĩ, tôi đã vùng thoát ra dược và do đang trong cơn hoảng loạn, tôi lao vào một cửa sổ trên hành lang. Tôi làm vỡ kính và bị một vết thương hằn sâu ở tay, ông thấy hãy còn vết sẹo đây này. Tôi đã bị đại loại lên cơn sốt não khi được đưa đến bệnh viện, nhưng các giác quan của tôi chẳng mấy nỗi đã hoàn toàn được phục hồi.
“- Tất nhiên tôi sẽ không nói với mấy ông ấy là sức khỏe của ông đã khá rồi, - vị cứu tinh của tôi dịu dàng nói tiếp: - họ có thể lại bắt ông phải tiếp tục chịu đựng. Ông cứ tin rằng tôi sẽ cố hết sức mình để gỡ khó khăn cho ông.
“Tôi không rõ ông bạn quý này đã có quan hệ thế nào với bọn đao phủ của tôi, nhưng ông đã đạt được điều ông muốn, nghĩa là tôi đã được thả. Cũng có thể bọn chúng cho rằng tôi là một người không giữ một trách nhiệm gì, cũng có thể bản thân tôi chẳng còn có ích gì cho Gextapô vì Hitle vừa chiếm Tiệp Khắc nên chúng không quan tâm đến tình hình của nước Áo nữa. Tôi phải viết giấy cam kết rời khỏi Tổ quốc mình trong vòng mười lăm hôm, và trong mười lăm ngày đó tôi đã phải làm đầy đủ hàng ngàn thủ tục cần thiết như ngày nay chúng ta phải làm khi muốn đi ra nước ngoài – giấy phép của bên quân sự, giấy phép của công an, hộ chiếu, dấu thị thực, giấy chứng nhận sức khỏe – do đó chẳng còn thời gian đâu nghĩ đến quá khứ. Vả lại, bộ não chúng ta có những khả năng điều hòa bí ẩn tự động gạt những gì có thể có hại cho tình cảm, vì mỗi lần tôi thử nghĩ tới thời gian bị bắt thì trí nhớ của tôi cứ lẫn lộn. Mãi nhiều tuần sau, khi đi trên con tàu này, cuối cùng tôi mới hồi tưởng lại được những sự kiện đó trong đầu tôi.
“Hẳn bây giờ ông đã hiểu rõ vì sao tôi đã xử sự bất lịch sự như vậy với bè bạn của ông. Tôi tình cờ rẽ vào phòng hút thuốc, khi thấy các ông ấy ngồi chơi cờ trước một bàn cờ thì tôi sững sờ và kinh hãi đứng ngẩn người ra. Chẳng lẽ tôi đã quên đứt mất rằng, khi đánh cờ, người ta có thể cầm quân cờ đi các nước trên một bàn cờ lồ lộ trước mặt, tôi cũng đã quên rằng khi đánh cờ, có hai con người bằng xương bằng thịt hoàn toàn khác biệt ngồi đối diện nhau.
“Thực ra, phải mấy phút sau tôi mới nhớ ra rằng những người đánh cờ mà tôi đã nhìn thấy đó đang ngồi đánh cờ như tôi đã từng cố một cách tuyệt vọng đánh với chính bản thân tôi khi bị giam giữ trong phòng giam. Những con số mà tôi đã cố sắp xếp cho thích hợp vào giai đoạn luyện tập chưa thuần ấy chỉ là những ký hiệu của các quân cờ bằng xương. Tôi ngạc nhiên nhận thấy rằng các nước đi của quân cờ trên bàn cờ tương ứng với các nước tôi đã đi trong trí tưởng tượng. Chắc một nhà thiên văn cũng ngạc nhiên như tôi khi qua các con tính thông thái xác định được sự tồn tại của một hành tinh bỗng nhiên trông thấy hành tinh đó ở trên trời dưới dạng một vì sao có thực và lấp lánh. Như bị thôi miên, tôi chăm chăm nhìn vào bàn cờ, ngắm các biểu đồ của tôi được cụ thể hóa bằng một quân Mã, quân Xe, quân Tướng, quân Hậu và những con Binh thực sự. Để nắm kỹ các vị trí tương ứng của các đối thủ, tôi buộc phải chuyển vị thế giới trừu tượng các con số của tôi thành những quân cờ đang được đẩy lui đẩy tới ở ngay trước mắt. Dần dần do tò mò, tôi quên cả lễ độ liền tham gia vào ván cờ của các ông. Tôi như người bị một đòn quất thẳng vào tim khi thấy bạn ông định đi một nước hớ. Theo bản năng, không kịp suy nghĩ, tôi níu ông ta lại như ta giữ một đứa trẻ khi nó nhoài người khỏi lan can, chỉ sau đó tôi mới nhận thấy thái độ đó của tôi thật thô bạo”
Tôi vội nói để ông B. yên lòng rằng chúng tôi rất mừng là nhờ có sự ngẫu nhiên ấy nên mới được làm quen với ông và tôi nói thêm, về phần tôi, tôi rất sốt ruột muốn được chứng kiến một trận đấu bất ngờ vào ngày mai, sau khi đã nghe câu chuyện ông kể lại. Ông có vẻ lo ngại.
“Nhưng, ông không nên quá hy vọng nhiều. Đối với tôi, đây là một cuộc thử thách… đúng, tôi muốn… tôi muốn thử xem mình có khả năng đánh một ván cờ bình thường, trên một bàn cờ… thực sự, với các quân cờ thực sự, đánh với một đối thủ có thực… vì, về vấn đề này, tôi vẫn thấy có điều nghi ngờ không đáng tin lắm. Một trăm, một nghìn ván cờ mà tôi đã đánh đó có hợp cách không? Hay đấy chỉ là một trò chơi trong khi mơ, như người ta vẫn thường thấy khi lên cơn sốt, một trong những giấc mơ quái dị mà lúc mơ người ta thường bỏ qua những cái cần thiết phải có trong thực tế.
“Tôi mong ông đừng nên đặt ra một cách nghiêm túc tham vọng là tôi đủ sức đọ với một nhà vô địch và sẽ quật ngã anh ta. Điều tôi quan tâm duy nhất là muốn biết dứt khoát tôi đã thực sự đánh cờ khi còn ở trong phòng mình tại khách sạn hay tôi đã bị điên. Tóm lại, tôi muốn biết rõ mình đã ở trong hay ở ngoài vòng nguy hiểm. Trước mắt tôi, đấy là mục đích duy nhất của ván cờ này.”
Đúng lúc ấy một tiếng chuông nổi lên mời chúng tôi đi ăn bữa tối. Cuộc trao đổi của chúng tôi kéo dài gần hai tiếng. Ở đây, tôi lược đi rất nhiều câu chuyện ông B. đã kể lại với tôi. Tôi nồng nhiệt cảm ơn ông B. rồi chào từ biệt. Nhưng tôi chưa kịp rời khỏi cầu tàu đã thấy ông chạy theo và bồn chồn đến nỗi ấp úng mãi mới lên tiếng:
Phiền ông cho tôi được trình bày thêm một đôi lời nữa! Tôi không muốn bị coi là bất lịch sự lần thứ hai: ông làm ơn báo giúp hộ các ông ấy tôi chỉ có thể đánh một ván thôi, được không ông? Đáng lẽ là dấu chấm kết thúc một câu chuyện cũ… một lời kết luận chứ không phải một lời mở đầu… Tôi không muốn lại bị sa vào nỗi đam mê say đắm đó, vào nỗi cuồng nhiệt đánh cờ đó mà cứ nghĩ tới tôi đã thấy run cả người… vả lại, ông bác sĩ đã cảnh cáo tôi… dứt khoát cảnh cáo. Một người đã từng bị bệnh ám ảnh thì sẽ có thể bị lại, dù đã hoàn toàn dứt ra được. Tốt hơn hết tôi không nên lảng vảng gần một bàn cờ, một khi đã có lúc đầu óc tôi bị nhiễm đến như vậy… Mong ông hiểu cho, tôi sẽ đánh ván cờ duy nhất này để xác định cho yên tâm về chuyện ấy, sau đó sẽ không bao giờ đánh nữa.
Sự tương phản về tri thức giữa hai đối thủ luôn thể hiện rõ qua thái độ của mỗi người trong lúc đánh cờ; cứng nhắc và thủ cựu, người ngồi im không hề động đậy, Xzentôvic không rời mắt khỏi bàn cờ. Đối với anh, mỗi khi phải động não suy nghĩ anh coi đó là một nỗ lực về thể xác đòi hỏi phải tập trung toàn thân. Ông B, thì khác hẳn, ông rất thư thái, động tác thoải mái. Trông ông thật tài tử, ta nên hiểu theo nghĩa trong sáng của từ này, ông thấy đánh cờ là một thú vui, đi xong một nước, ông thong dong giảng giải chúng tôi hiểu nước đi đó, từ tốn châm một điếu thuốc lá và chỉ nhìn bàn cờ một phút trước khi đi nước tiếp. Xem ra ông luôn nhận rõ những ý đồ của đối phương.
Hai người đi mấy nước đầu khá chóng vánh. Mãi đến nước thứ bảy hoặc thứ tám, trận đấu mới diễn ra theo một kế hoạch rõ ràng. Xzentôvic suy nghĩ lâu hơn, qua đó chúng tôi nhận thấy cuộc đọ sức khá căng. Nhưng phải thành thực mà nói, đối với bọn hãy còn non nớt chúng tôi, trận đấu đã làm chúng tôi thất vọng. Các quân cờ càng tạo ra trên bàn cờ những đường lượn kỳ lạ thì chúng tôi lại càng ít hiểu rõ ẩn ý của chúng. Chúng tôi chẳng còn nắm được ý đồ của hai đối thủ cũng như chẳng rõ bên nào chiếm lợi thế. Chúng tôi chỉ thấy hai người đi quân hệt như mấy viên tướng điều binh cố chọc thủng phòng tuyến của đối phương. Nhưng chúng tôi không thể hiểu được mục đích chiến lược của các nước đi đó, vì là hai tay cờ kỳ phùng địch thủ, họ đã tính trước được nhiều nước đi.
Ngoài sự ít hiểu biết, dần dần chúng tôi lại còn bị mệt mỏi, chủ yếu là do Xzentôvic suy nghĩ quá lâu. Sự chậm chạp đó rõ ràng đã làm người đồng hương của tôi nổi cáu. Tôi lo ngại nhận thấy ông mỗi lúc một nhấp nhổm ngồi không yên. Ông bực bội châm thuốc hút liên tục, hoặc thoáng ghi chép một điểm gì đấy. Ông bắt đầu yêu cầu mang tới cho mình những chai nước khoáng mà ông liền vội vã uống sạch. Rõ ràng là ông tính các nước đi của mình một trăm lần nhanh hơn Xzentôvic. Khi, cuối cùng, sau một hồi suy nghĩ dài vô tận, Xzentôvic đưa bàn tay nặng nề dịch chuyển quân cờ của anh ta thì ông B. liền mỉm cười với vẻ một người đã nhìn thấy trước nước đi đó từ mấy nước trước nên ông tấn luôn. Đầu óc ông suy nghĩ nhanh tới mức chắc ông đã biết rõ mọi khả năng của đối phương. Do đó, Xzentôvic càng lần lữa trong quyết định thì ông B. càng sốt ruột. Trong lúc ông phải chờ đợi như vậy, môi ông mím lại, vẻ phật ý gần như thù địch.
Nhưng Xzentôvic chẳng hề xúc động vì chuyện cỏn con đó. Quân cờ càng lác đác trên bàn cờ thì suy nghĩ của anh càng kéo dài buồn tẻ lặng lẽ. Đến nước thứ bốn mươi hai, ván cờ đã kéo dài hai giờ bốn mươi nhăm phút và chúng tôi chỉ còn biết ngồi đưa cặp mắt thẫn thờ vì mệt mỏi dõi theo. Một viên sĩ quan trên tàu đã bỏ đi, viên kia đọc sách và chỉ liếc mắt nhìn bàn cờ khi một đối thủ đi quân. Đột nhiên xảy ra một sự việc rất bất ngờ, Xzentôvic đi quân. Khi thấy nhà vô địch đi quân Mã, lập tức ông B. thu mình như một chú mèo sắp nhảy vồ con mồi. Người ông run lên, đẩy quân Hậu với một vẻ đầy tự tin rồi hân hoan kêu to: “Xong! Ván cờ coi như chấm dứt được rồi đấy!” Ông ngả người ra lưng ghế, hai tay khoanh trước ngực và đưa cặp mắt cháy bỏng nhìn Xzentôvic vẻ thách thức.
Chúng tôi liền quây quanh bàn cờ để xem xem thế đánh vừa rồi thế nào mà ông B. lại tuyên bố một cách đắc thắng như vậy. Thoạt đầu, chúng tôi chẳng thấy có gì đáng uy hiếp cả. Chắc do chẳng phải là những người đánh cờ sành sỏi nên bọn chúng tôi không nhìn nhận trước được rằng tiếng kêu đắc thắng của ông bạn chúng tôi liên quan tới nước cờ tiếp sau đó. Xzentôvic cứ lẳng lặng không ho he một tiếng nào trước lời tuyên bố của đối phương. Anh điềm nhiên như không hề nghe thấy lời tuyên bố vừa rồi. Chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Chiếc đồng hồ ở trên bàn để đo khoảng cách giữ hai nước đi phát lên những tiếng tích tắc giữa cảnh im lặng. Ba phút đã trôi qua, rồi bảy, rồi tám phút – Xzentôvic vẫn chưa chịu đi quân, nhưng xem ra cánh mũi dày của anh càng giãn rộng trước suy nghĩ căng thẳng.
Ông B. và chúng tôi rất khó chịu khi cứ phải chờ đợi. Ông đứng bật dậy và đi đi lại lại trong phòng hút thuốc, thoạt đầu chậm chậm, sau nhanh dần. Mọi người nhìn ông hơi ngạc nhiên, còn tôi lòng đầy lo ngại. Tôi nhận thấy tuy tức tối sốt ruột, nhưng ông vẫn đi đi lại lại chỉ một khoảng cách thôi, hình như ở giữa phòng có một bức tường vô tình đã chặn bước chân ông và buộc ông phải quay trở lại. Tôi rùng mình nhận thấy ông đã vô tình bước cùng một số bước như vậy lúc ở phòng giam tại khách sạn. Đúng, suốt bao tháng ròng ông đã lồng như con thú bị nhốt, tay nắm chặt, vai rụt lại, mắt đỏ ngầu nhìn chăm chăm và đầy vẻ say mê, chẳng khác hiện nay. Lúc này, đầu óc ông vẫn tỉnh táo vì chốc chốc ông sốt ruột quay về bên bàn xem Xzentôvic đã quyết định chưa.
Chín, mười phút đã trôi qua như vậy. Sự việc diễn ra tiếp sau đó, quả thật không một ai trong chúng tôi dám nghĩ tới. Xzentôvic từ từ nhấc bàn tay nặng nề của mình lên. Ai nấy đều hồi hộp chờ xem anh sẽ đi quân nào. Nhưng Xzentôvic giơ tay không phải để đi quân, anh lấy mu bàn tay gạt các quân cờ. Chúng tôi chưa hiểu được ngay rằng qua động tác này, anh ta tỏ ý chịu thua, anh ta đầu hàng trước khi mọi người nhận ra anh ta bị đánh bại. Điều khó mà tin được đã xảy ra. Một nhà vô địch thế giới, một người đã từng thắng bao trận đấu đành phải hạ cờ trước một kẻ vô danh, một kẻ chẳng hề buộc đụng tới bàn cờ từ hai mươi hoặc hai mươi nhăm năm nay. Ông bạn của chúng tôi, một người khuyết danh, đã hạ một đối thủ mạnh nhất thế giới trong trận đấu diễn ra trước công chúng. Trong lúc xúc động, tất cả chúng tôi nhất loạt đứng bật dậy. Ai nấy đều thấy cần phải làm hay nói một lời nào đấy để nỗi niềm sung sướng đến kinh hãi được thoải mái tuôn trào. Mỗi Xzentôvic đứng im không nhúc nhích. Mãi một lúc lâu sau anh ta mới ngẩng đầu ngước nhìn ông bạn chúng tôi, vẻ khó chịu rồi hỏi:
Ta đánh ván nữa chứ?
Tất nhiên rồi, - ông B. đáp, giọng phấn khởi đến mức gây cho tôi một ấn tượng đáng buồn và ông liền ngồi ngay xuống bên bàn cờ làm tôi không kịp nhắc rằng ông chỉ có ý định đánh một ván thôi. Ông hối hả bày quân cờ, tay run lẩy bẩy nên con Binh đã hai lần tuột khỏi tay và lăn xuống sàn. Trạng thái bị kích thích quá mức của ông đã gây cho tôi cảm giác từ khó chịu chuyển sang lo sợ. Rõ ràng là con người điềm đạm và hiền hậu này đã thay tính đổi nết thành một người bị kích động. Chứng co cơ nổi lên làm mép ông cứ bị giật giật, người ông run lên như lên cơn sốt đột ngột.
Đánh thế thôi! – Tôi nhẹ nhàng nhắc khéo ông. – Ông không nên đánh thêm nữa. Hôm nay đánh thế thôi, ông quá mệt rồi đấy.
Mệt! Hà-hà! – Ông phá lên cười, vẻ độc ác. – Nếu đã không lề mề như vừa rồi thì tôi đã đánh được mười bảy ván xong đâu đấy! Điều làm tôi mệt mỏi là tuy nhịp điệu như vậy nhưng vẫn phải tỉnh táo. Nào, đến lượt anh khai cuộc đi!
Mấy lời cuối, ông dữ tợn gần như thô bạo bảo Xzentôvic lúc này đang đưa mắt nhìn đối thủ của mình, vẻ bình tĩnh và thận trọng, nhưng cứng rắn như đôi tay nắm chặt. Một sự căng thẳng nguy hiểm, một nỗi hằn học đầy đam mê nảy nở giữa hai người đánh cờ. Họ không còn là hai đấu thủ muốn đọ tài sức để giải trí mà là hai kẻ thù đã thề phải triệt hạ nhau. Xzentôvic trùng trình mãi chưa chịu đi quân khai cuộc, mọi người nhận thấy rõ là anh ta đã cố tình như vậy. Chắc anh hiểu rằng sự ê a của anh đã làm cho đối phương bị mệt mỏi và bị kích thích, và vốn là một nhà chiến thuật điêu luyện anh đã sử dụng điểm này.
Mãi bốn phút sau anh mới chịu khai cuộc một cách hết sức đơn giản và hết sức thông thường bằng cách đẩy con Binh vượt hai ô, che cho quân Tướng. Ông B. liền cũng đi con Binh đánh trả luôn, sau đó Xzentôvic lại trùng trình đến phát điên lên. Chúng tôi chờ đợi, tim đập mạnh, cứ như người chờ tiếng sấm nổi lên sau khi thấy chớp lóe, nhưng chờ mãi, chờ hoài sấm vẫn không nghe nổi lên. Xzentôvic ngồi im không hề nhúc nhích. Anh chậm rãi, bình tĩnh suy nghĩ và tôi luôn cảm thấy rõ anh ta cố tình lề mề một cách độc ác. Ít ra sự lề mề của anh cho phép tôi có thời gian rảnh để quan sát ông B. Ông đã uống cạn ba cốc nước; tôi nhớ lại câu chuyện của ông, cơn khát khủng khiếp ông đã trải qua trong thời gian bị bắt. Ông B. khốn khổ đã để lộ những triệu chứng bị kích thích không bình thường, trán ông ướt đẫm mồ hôi, vết sẹo nơi bàn tay hằn rõ hơn và ửng đỏ. Tới lúc này, ông vẫn tự chủ ghìm được bản thân, nhưng đến nước thứ tư, thấy Xzentôvic cứ trầm ngâm mãi chưa chịu đi quân, ông liền giục toáng lên:
Đi đi chứ!
Xzentôvic lạnh lùng đưa mắt ngước nhìn.
Nếu tôi nhớ không nhầm, chúng ta đã quy định thời gian giữa các lần đi quân là mười phút cơ mà. Về nguyên tắc, tôi chẳng việc gì phải vội vã.
Ông B. bặm môi. Chân ông ở dưới gầm bàn đung đưa mỗi lúc một mạnh. Tôi có cảm giác ông sắp mất bình tĩnh. Quả đúng như vậy, đến nước thứ tám lại xảy ra một chuyện rắc rối nữa. Sốt ruột cứ phải chờ hoài, ông B. không còn chịu đựng được, lúc thì ông nhoài người ra phía trước, lúc ngả người ra sau và bất giác dùng ngón tay gõ gõ mặt bàn, Xzentôvic ngẩng chiếc đầu to tướng của mình lên:
Xin phiền ông dừng gõ gõ mặt bàn như vậy, được không? Gõ thế tôi bị mất tập trung. Tôi không thể đánh được khi nghe thấy tiếng động đó.
Ông B. liền cười gằn:
Hà hà, tôi nhận thấy ngay mà.
Xzentôvic đỏ mặt:
Ý ông định nói gì? – Anh ta hỏi, giọng khó chịu và có ác ý.
Ông B. lại bật cười, ông quàu quạu cười gằn:
Ồ, tôi chẳng có ý gì cả. Tôi chỉ muốn nói là ông rất dễ bị kích động.
Xzentôvic cúi đầu, im lặng. Bảy phút sau anh ta mới đi nước tiếp và ván cờ cứ kéo dài theo nhịp điệu chán ngấy ấy, Xzentôvic mỗi lúc một đờ đẫn. Bây giờ anh ta phải để đến mười phút mới quyết định đi quân, thái độ đối thủ của anh mỗi lúc một kỳ cục. Hình như ông B. quên đứt ván cờ mình đang đánh và mải suy nghĩ đến điều gì đấy. Ông thôi không đi lại trong phòng và về ngồi ngay trên ghế. Ông đưa cặp mắt hờ hững nhìn vào khoảng trống và luôn miệng lẩm bẩm những từ không ai hiểu nổi. Chắc ông mải mê suy nghĩ các thế đi vô tận hoặc tôi nghi là ông đã chuyển sang đánh ván khác? Sở dĩ tôi nghĩ như vậy vì khi đến lượt ông đi quân, lần nào chúng tôi cũng phải nhắc ông. Chỉ một phút sau, ông đã định được hướng. Tuy vậy, mỗi lúc tôi càng nhận thấy rằng ông đã quên tất cả chúng tôi, kể cả Xzentôvic, và đang là nạn nhân của một cơn bực tức đến phát điên có thể bất thần nổ ra mãnh liệt.
Đúng là như vậy, sự thể diễn ra ở nước thứ mười chín, Xzentôvic vừa đi quân xong, ông B. không nhìn bàn cờ, liền vừa đẩy quân Tượng lên ba ô, vừa hét to làm chúng tôi giật nẩy người:
Chiếu! Chiếu Tướng!
Tất cả chúng tôi đều cúi xuống bên bàn cờ để xem xem thế nào. Nhưng chả ai trong chúng tôi lại có thể ngờ đến sự việc diễn ra một phút sau: Xzentôvic từ từ, rất từ từ ngẩng đầu lên và nhìn từng người chúng tôi – điều mà từ trước tới nay chúng tôi chưa hề thấy ở anh. Người ta thấy anh nhếch mép cười vẻ chế giễu và thỏa mãn, xem ra anh ta mừng vô hạn. Khi đã hoàn toàn tận hưởng thắng lợi mà chúng tôi vẫn chưa hề nhận ra, anh ta mới quay ra nói với mọi người, vẻ lễ phép một cách giả tạo:
Đáng tiếc là tôi không rõ quân Tướng của tôi tại sao lại bị chiếu. Không biết có ông nào ở đây có thể chỉ dùm hộ?
Chúng tôi kiểm tra lại thế cờ, rồi đưa mắt lo ngại nhìn ông B.. Ngay đến đứa trẻ cũng có thể thấy rằng Tướng của Xzentôvic được một con Binh hoàn toàn che chắn rồi, do đó không thể chiếu được. Ông bạn hăng hái của chúng tôi đã lỡ đi hớ một nước? Ông bừng tỉnh trước sự im lặng chung, ông kiểm tra lại bàn cờ và nói, giọng rất ấp úng:
Nhưng quân Tướng phải ở f7… nó hoàn toàn không ở đúng vị trí của nó! Ông nhầm rồi! Mọi quân trên bàn cờ này đều không ở đúng vị trí… con Binh này phải ở g5, chứ không phải g4… đây là một ván cờ hoàn toàn khác… đây là…
Ông bỗng ngừng bặt. Tôi liền túm lấy cánh tay ông B. và nắm rất chặt để tuy thẫn thờ ông vẫn cảm thấy. Ông quay lại nhìn tôi với cặp mắt của người mộng du.
Có chuyện gì thế? Ông cần gì ạ?
- Remember[4] – Tôi chỉ khẽ bảo ông, rồi đưa ngón tay vuốt nhẹ vết sẹo trên tay ông. Ông dõi theo động tác của tôi, mắt ông tối sầm lại và nhìn chòng chọc vết đỏ đó. Bỗng ông run lên lập cập, một cảm giác rùng mình lan khắp người ông.
Trời! – Ông thì thầm, môi trắng bệch – Tôi đã nói hoặc làm một điều gì điên rồ?... Tôi lại bị lại?...
Không, - tôi nhẹ nhàng nói, - Nhưng ông phải ngừng đánh ngay, rất đúng lúc đấy! Ông hãy nhớ tới lời bác sĩ đã dặn!
Ông B. liền đứng ngay dậy.
Mong ông bỏ quá cho sự khinh xuất ngu xuẩn của tôi, - ông vừa nói vừa nghiêng người trước Xzentôvic với tất cả dáng vẻ lễ độ vốn có của ông. – Tất nhiên điều tôi vừa nói là hoàn toàn vô lý. Ông mới là người thắng cuộc.
Sau đó, ông quay lại nói với chúng tôi:
Thưa các ông, mong các ông bỏ quá cho tôi. Nhưng tôi cũng đã báo trước với các ông rằng đừng quá tin tưởng vào sự thông hiểu của tôi. Mong các ông lượng thứ cho sự lố lăng này, đây là lần cuối cùng trong đời, tôi thử đánh cờ.
Ông nghiêng người một lần nữa và rút lui, cũng bí ẩn và kín đáo như khi xuất hiện. Mình tôi biết lý do tại sao không bao giờ ông đụng đến một bàn cờ nữa. Những người khác mang máng nhận thấy mình vừa thoát khỏi tôi không rõ là một tai họa nào đó.
Damned fool![5] – MacCônno làu bàu, vẻ thất vọng.
Xzentôvic là người cuối cùng rời khỏi ghế của anh ta, trước khi bỏ đi anh còn đưa mắt nhìn lại ván cờ vừa mới bắt đầu đánh.
Thật đáng tiếc, - anh nói, giọng hào hiệp. – Đánh cũng khá đấy! Đối với một người đánh cờ nghiệp dư, ông ấy đánh thế kể cũng là người có năng khiếu tuyệt vời.
Chú thích:
[1] Người tự lập (tiếng Anh trong nguyên bản) N.D.
[2] Đây là nghề của anh ta mà (tiếng Pháp trong nguyên bản) N.D.
[3] Nhạc sĩ người Áo (1797-1828). Ông sống được 31 tuổi, nhưng để lại cho chúng ta trên dưới một ngàn tác phẩm gồm các thể loại: bài ca, khúc nhạc, nhạc kịch, giao hưởng...
[4] Ông nhớ lại đi! (Tiếng Anh trong nguyên bản).
[5] Một tên điên! (Tiếng Anh trong nguyên bản).