Tôi thấy chẳng cần thiết phải nói chi tiết về ván cờ này. Sau hai mươi bốn nước, chúng tôi hoàn toàn bị đánh quỵ. Một nhà vô địch thế giới đã đánh thắng dễ dàng mươi, mười hai người đánh cờ nhàng nhàng trung bình thì có gì đáng ngạc nhiên! Thật ra, chúng tôi khó chịu là vì Xzentôvic đã có thái độ hợm hĩnh, trịch thượng với chúng tôi. Anh ta chỉ lơ đễnh đảo mắt nhìn qua loa bàn cờ, khi đi ngang qua, đã hờ hững coi chúng tôi như chính bản thân chúng tôi là những quân cờ bằng gỗ vô tri vô giác, là một lũ chó ghẻ anh ta ném cho một mẩu xương lúc quay đi chỗ khác. Nếu anh ta tế nhị một chút, tôi thầm nhủ, anh ta sẽ nhắc nhở chúng tôi chú ý đến những nước đi hớ, hoặc động viên chúng tôi một lời nhã nhặn. Nhưng không, ván cờ kết thúc, cái máy đánh cờ này thốt lên mỗi câu: “Chiếu hết!”, rồi đứng ngây người im lặng chờ xem chúng tôi có muốn đánh nữa hay không. Trước một đối thủ cỡ như Xzentôvic thì đành phải chịu thua thôi. Tôi đứng dậy cho rằng cái trò giải trí này có thể chấm dứt ở đây, nhưng đến là bực khi tôi nghe tiếng MacCônno nổi lên ngay ở cạnh tôi, giọng khản đặc: “Phục thù!”
Tôi kinh ngạc trước cái giọng đầy thách thức của ông ta; lúc đó MacCônno làm tôi nghĩ tới một võ sĩ sắp choảng một người lịch thiệp, có giáo dục một đòn chí tử. Phải chăng đây là cách không được dễ chịu mà Xzentôvic đã đối xử với chúng tôi hay đấy chỉ là tham vọng mang tính chất bệnh lý của MacCônno? Dù sao xem ra ông ta không còn giữ được bình tĩnh. Mặt ông đỏ bừng, cánh mũi phập phồng, mồ hôi vã ra, và ông ta bặm chặt môi. Một vết hằn sâu kéo dài từ miệng xuống tận chiếc cằm bướng bỉnh của ông. Trong ánh mắt ông, tôi lo ngại bắt gặp cái ánh đam mê điên cuồng thường chỉ thấy ở những người chơi trò cò quay sau khi đã đặt cuộc gấp đôi đến lần thứ sáu hoặc thứ bảy vào cùng một ô nhưng chẳng thấy hòn bi đổ vào. Tôi dự đoán là MacCônno sẽ phải trả giá bằng cả gia tài của mình cho cái tính tự ái điên cuồng này, ông ta sẽ đánh hoài cho kỳ tới khi được một ván mới chịu thôi. Nếu nhà vô địch kiên trì thì MacCônno sẽ là một mỏ vàng mà anh ta sẽ đãi được hàng ngàn đô la trước khi chúng tôi cặp bến ở Buênôx Airex. Xzentôvic mặt lạnh như tiền.
- Tùy các ông, - anh ta lễ độ đáp. – Các ông sẽ đi quân đen.
Ván thứ hai cũng lại được khai cuộc như ván đầu, chỉ khác là có thêm được mấy người tò mò nữa đến quây bên chúng tôi. MacCônno nhìn chăm chăm bàn cờ như muốn thôi miên các quân cờ để bắt chúng phải đánh thắng. Tôi cảm thấy ông ta sẵn lòng bỏ ra cả ngàn đô la để được cái thú thốt kêu lên: “Chiếu hết” với đối thủ chẳng thanh cao mấy. Ngoài ý muốn của bản thân, chúng tôi phần nào bị lây lan lòng say mê của ông. Mỗi nước đi, chúng tôi đều thảo luận say sưa hơn trước và chỉ vào giây phút cuối cùng mới gõ cốc ra hiệu báo cho Xzentôvic quay về bên bàn chúng tôi. Chúng tôi đánh với thái độ như vậy đến nước thứ mười bảy thì thật là bất ngờ đối với chúng tôi, tình thế xem ra có lợi cho chúng tôi, vì chúng tôi đã đưa được Binh từ đường C tới ô C2; chỉ còn có việc đưa nó tới C1 thì sẽ được phong thành Hậu. Thật ra, chúng tôi chưa thật an tâm về vận may hiển nhiên như vậy. Chúng tôi nhất trí cho rằng do nhìn xa trông rộng hơn chúng tôi, Xzentôvic định nhử chúng tôi để nhắm một mưu đồ gì đây. Nhưng bàn đi tính lại mãi chúng tôi vẫn không tài nào đoán được nước bẫy.
Cuối cùng, thời hạn quy định sắp kết thúc, chúng tôi quyết định liều đi một bước nữa. Đúng lúc MacCônno đẩy con Binh thì bỗng có người nắm lấy cánh tay ông ta và vội nói nhỏ: “Cầu Trời, ông đừng đi nước đó!” Không ai bảo ai, tất cả chúng tôi đều quay lại. Chúng tôi thấy một người đàn ông khoảng bốn mươi nhăm tuổi, mặt hẹp và xương xương mà tôi đã từng gặp trên cầu tàu và tôi rất ngạc nhiên trước nước da tái nhợt của ông. Chắc ông đã đến bên chúng tôi khi cả nhóm đang mải mê suy nghĩ giải quyết nước cờ. Thấy chúng tôi đổ dồn mắt nhìn, ông vội nói tiếp: “Nếu ông muốn được phong thành Hậu bây giờ, đối phương liền tấn quân Tượng ở c1 và ông sẽ dùng quân Mã đỡ. Nhưng giữa lúc đó, đối phương sẽ dùng Binh đứng độc lập uy hiếp quân Xe của ông ở ô d7 và nếu ông dùng quân Mã chiếu thì hỏng to và sẽ bị thua liền chín hoặc mười nước. Đấy đại khái là những nước cờ của Alêcxin và Bôgôngiubôp đã đánh trong trận đấu ở Pixchian vào năm 1922”.
Ngạc nhiên, MacCônno buông quân cờ đã cầm trong tay và, như tất cả chúng tôi, thán phục nhìn người xem ra đúng là một vị cứu tinh từ trên trời rơi xuống. Dự kiến trước chín nước để chiếu hết thì hẳn phải là một nhà chuyên nghiệp nổi tiếng có lẽ đáng mặt là đối thủ của Xzentôvic trong một trận đấu. Sự có mặt của ông và sự tham dự đột ngột của ông đúng vào lúc nguy ngập như vậy thật chẳng khác gì như một phép lạ. MacCônno là người đầu tiên lấy lại bình tĩnh.
- Ông khuyên tôi nên thế nào? – Ông ta khẽ nói, vẻ bị kích thích mạnh.
- Lúc này đừng tiến vội, nên tránh đối phương. Trước hết, kéo Vua ra khỏi đường g8 – h7 nguy hiểm đã. Chắc chắn đối phương sẽ tấn ở sườn bên kia, nhưng ông sẽ dùng quân Xe đỡ, c8 – c4; như vậy đối phương sẽ mất hai quân, mất Binh và một quân trên nó. Ông sẽ chống chọi tiếp, Binh đứng độc lập tấn Binh đứng độc lập và nếu ông đỡ tốt thì ván này sẽ hòa. Không thể hơn được đâu.
Chúng tôi mỗi lúc một kinh ngạc hơn. Sự chính xác và mau lẹ trong các tính toán của ông thật đáng gây bối rối; cứ như ông đang đọc các nước đi trong một cuốn sách vậy. Nhờ ông, niềm hy vọng quá bất ngờ mà lúc này chúng tôi ôm ấp là đánh hòa với nhà vô địch thế giới đúng thật là một điều thần diệu. Chúng tôi chẳng ai bảo ai đều đứng né sang một bên để ông nhìn thấy rõ bàn cờ. MacCônno nhắc lại:
- Đánh quân Vua từ g8 sang h7?
- Tất nhiên! Phải tránh đối phương.
MacCônno nghe theo và chúng tôi gõ vào cốc thủy tinh. Xzentôvic tiến lại gần, bước đi bình thản và thoáng nhìn đã nhận ra ngay nước đánh trả, đoạn anh ta đẩy Binh từ h2 đến h4 ở sườn bên kia quân Vua như vị cứu tinh không quen biết nọ đã báo trước, ông liền vội khẽ bảo chúng tôi:
- Quân Xe, tiến quân Xe từ c8 – lên c4 để buộc ông ta phải bảo vệ Binh của mình. Có bảo vệ vậy cũng bằng thừa! Lúc đó dùng quân Mã tấn, từ c3 lên d5, mà chẳng cần phải bận tâm đến con Binh độc lập, như vậy sẽ kéo lại được tình thế. Lần này, cứ việc tiến, chẳng cần phải đỡ. – Chúng tôi chẳng hiểu ý ông định nói gì cũng như chẳng tài nào rõ những lời rắm rối của ông. Tuy vậy, bị chinh phục, MacCônno răm rắp nghe theo chẳng cần suy nghĩ. Chiếc cốc thủy tinh lại cất tiếng kêu lanh canh. Đây là lần đầu tiên Xzentôvic chưa vội đánh ngay, thoạt đầu anh ta chăm chăm nhìn bàn cờ, rồi đi đúng các nước mà người lạ đã báo trước với chúng tôi và đã định lánh ra xa.
Đúng lúc đó, một sự việc lạ, bất ngờ diễn ra: Xzentôvic ngước mắt quan sát chúng tôi. Rõ ràng anh ta muốn tìm xem ai là người đã đột ngột chống trả lại anh ta một cách kiên cường như vậy. Từ lúc đó chúng tôi bị kích thích không bút nào tả xiết. Nếu trước đó chúng tôi đã ngao ngán thất vọng thì lúc này máu chúng tôi cứ sôi lên khi nghĩ là sẽ bẻ gẫy được tính ngạo nghễ lạnh lùng của Xzentôvic. Ông bạn mới của chúng tôi đã quyết định được nước đi tiếp theo. Tay tôi run run khi cầm chiếc thìa gõ vào cốc thủy tinh báo cho Xzentôvic đến. Thế là chúng tôi liền được thấy thắng lợi đầu tiên của chúng tôi. Nhà vô địch luôn luôn đứng đánh đã ngập ngừng, ngập ngừng và cuối cùng phải chịu ngồi xuống. Anh ta bất đắc dĩ buông mình và nặng nề ngồi xuống ghế; thế chứ, như vậy anh ta mất ưu thế về mặt thân xác đối với chúng tôi. Chúng tôi đã buộc anh ta phải tự đặt mình vào cùng bình diện với chúng tôi, ít ra thì cũng là về mặt không gian. Anh ta suy nghĩ hồi lâu, mặt cúi gầm trên bàn cờ đến nỗi khó có thể thấy cặp mắt anh ta, dưới đôi mi sùm sụp và phải cố gắng lắm mới hé lên được, do đó khuôn mặt tròn trịa của anh trông hơi ngây ngô. Mấy phút sau, anh ta mới đánh, rồi đứng lên. Ông bạn chúng tôi liền khẽ nói: “Chơi khá đấy! Quả là không thẹn với thanh danh. Nhưng không sao! Buộc anh ta phải đi theo ý ta, phải buộc bằng được, nếu muốn hòa thì phải như vậy; lúc đó anh ta hết phương cứu vãn”.
MacCônno răm rắp phục tùng. Sau đó, hai đấu thủ lao vào bàn cờ, đấu với một thủ thuật mà bọn tôi – những vai phụ vô ích – chẳng hiểu gì hết. Qua lại như vậy sáu hoặc bẩy nước, Xzentôvic đăm chiêu suy nghĩ hồi lâu rồi tuyên bố: “Ván hòa”.
Một giây lát im lặng như tờ. Trong phòng hút thuốc, người ta bỗng nghe thấy tiếng sóng; tiếng đài truyền thanh từ ngoài phòng khách vọng vào một điệu nhạc jazz; mỗi bước bước trên cầu tầu nghe rõ mồn một, người ta nghe rõ cả tiếng gió rít nhẹ khi lùa qua kẽ cửa sổ. Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước sự việc diễn ra quá nhanh, thực sự sững sờ về chuyện khó mà tin được của biến cố. Làm sao một người chưa ai biết tới này lại có khả năng đánh cho nhà vô địch thế giới thua nửa ván cờ được? MacCônno bỗng ngả người ra lưng ghế và thốt lên một tiếng “Chà!” hể hả. Tôi quan sát Xzentôvic. Tôi có cảm giác anh ta hơi tái mặt khi đánh mấy nước cuối. Nhưng anh ta là người biết tự kiềm chế. Vẫn với vẻ cứng nhắc và lãnh đạm, anh vừa hỏi, giọng lừng chừng, vừa lấy tay gạt mấy quân cờ trên bàn cờ:
- Các ông đây có muốn chơi ván thứ ba nữa không? Anh ta hỏi với một giọng hoàn toàn vô tư của một nhà kinh doanh. Anh ta nói những lời ấy không phải với MacCônno, vì anh đưa cặp mắt sắc và thắng thắn nhìn về phía vị cứu tinh của chúng tôi. Qua cách ngồi, con ngựa đoán ngay được ngồi trên lưng mình là một kỵ sĩ giỏi, cũng như qua mấy nước đi cuối cùng Xzentôvic đã nhận ra ngay đối thủ thực sự của mình. Vô tình chúng tôi dõi theo cặp mắt anh và hướng nhìn về phía người khách lạ. MacCônno không để ông ta có thời gian kịp suy nghĩ hoặc trả lời nữa, lòng tràn đầy kiêu hãnh vì thắng lợi, MacCônno hét to bảo ông ta: “Tất nhiên! Nhưng một mình ông sẽ đánh với ông ấy! Một mình ông đánh với Xzentôvic!”
Một sự việc thật đáng sửng sốt liền xảy ra. Hoàn toàn tập trung đến kỳ lạ vào bàn cờ rỗng quân, người lạ mặt giật mình khi thấy mọi cặp mắt đổ dồn nhìn ông chăm chăm và nghe thấy được mời một cách nhiệt tình như vậy, ông đâm bối rối.
- Các ông ạ, không đời nào đâu, - ông ta lúng túng ấp úng. – Hoàn toàn không thể được đâu… tôi sẽ không tham dự là do… hai mươi hoặc hai mươi nhăm năm nay tôi chưa được thấy một bàn cờ… tôi đã xen vào ván cờ của các ông mà không hỏi xin phép và mãi lúc này, về phía mình tôi thấy thật chẳng đúng lúc tí nào… mong các ông bỏ quá cho sự quấy rầy này… tôi xin hứa là sẽ không tái phạm lại nữa. – Và trước khi chúng tôi hết ngạc nhiên, bình tĩnh lại, ông ta đã rời khỏi phòng.
- Không thể như thế được – MacCônno vừa điên tiết nói oang oang vừa đấm tay xuống mặt bàn. – Người này đã hai mươi nhăm năm không đánh cờ! Hoàn toàn vô lý! Ông ấy tính từng nước đi một, biết rõ trước mấy nước trong chiến thuật của đối phương. Không ai có thể chơi mà không được chuẩn bị gì cả như vậy. Hoàn toàn không thể được, đúng không nào? – MacCônno vô tình quay về phía Xzentôvic khi nói mấy lời cuối này. Nhưng nhà vô địch cứ thản nhiên như không.
- Tôi không biết trả lời ông thế nào. Đúng là ông ấy đã chơi một cách lý thú, vì vậy tôi chủ tâm tạo điều kiện để ông ấy đánh thắng, - Xzentôvic nói lúc đứng lên, đoạn nói tiếp: - Nếu ngày mai một trong hai ông muốn đánh một ván, tôi xin hầu các ông vào ba giờ chiều.
Không kìm được, chúng tôi mỉm cười. Tất cả chúng tôi đều biết rõ Xzentôvic không có ý tỏ ra hào hiệp với vị cứu tinh không quen biết của chúng tôi, nhận xét của anh ta chỉ là một mẹo ngây thơ nhằm che giấu rủi ro của mình. Nỗi mong muốn của chúng tôi là đánh sụp tính kiêu ngạo của anh ta lại càng tăng lên. Lúc trước, vốn là những hành khách hiền lành và lờ đờ, chúng tôi bỗng hung hăng và hiếu chiến khi nghĩ rằng trên con tàu này, ở giữa đại dương, có thể Xzentôvic sẽ bị tước mất vòng vinh quanh của mình. Đây sẽ là một kỷ lục được thông báo ngay lập tức qua đài truyền thanh với toàn thế giới.
Hơn nữa chúng tôi còn bị thu hút trước sự kiện đầy bí ẩn và tính khiêm tốn gần như quá đáng của vị anh hùng của chúng tôi, tương phản hẳn với thái độ ngạo nghễ của nhà chuyên nghiệp. Người lạ này là ai? Chúng tôi đã ngẫu nhiên phát hiện ra một thiên tài mới về đánh cờ? Hay đây là một bậc thầy đã nổi tiếng muốn giấu không cho chúng tôi biết tên vì một số lý do bí hiểm? Chúng tôi đã tranh luận rất sôi nổi những câu hỏi này và những giả thuyết táo bạo nhất cũng không thể dung hòa nổi tính rụt rè và lời thú nhận kỳ cục của người lạ mặt với kiến thức hiển nhiên của ông về cờ quốc tế.
Tuy vậy, chúng tôi cũng nhất trí với nhau được một điểm: chúng tôi phải mời bằng được ông khách lạ đánh một ván cờ với Xzentôvic vào ngày mai, và MacCônno sẽ chịu mọi chi phí. Lúc đó, sau khi hỏi chiêu đãi viên, chúng tôi được biết rằng ông khách lạ là người Áo, vì tôi là đồng bào của ông nên được giao cho trách nhiệm trình bày với ông lời thỉnh cầu của chúng tôi.
Khi nghe tôi trình bày nguyện vọng của chúng tôi, ông xem ra rất bối rối. Tôi nhận thấy ông không hề có ý định đánh cờ với một nhà vô địch và nhất là với nhà vô địch nổi tiếng nhất của thời đại. Sự kiện này hình như đã gây rất nhiều ấn tượng đối với ông vì ông nhiều lần hỏi xem việc tôi đề xuất có chắc chắn không và đối thủ của ông có đúng là một bậc thầy nổi tiếng như vậy không. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiệm vụ của tôi. Tuy nhiên, tôi nhận thấy ông rất tế nhị nên đã chẳng hề hé răng nói lời nào là MacCônno đảm nhiệm những phí tổn về vật chất. Sau hồi lâu do dự, ông B. tuyên bố sẵn sàng chấp nhận lời thách thức, “nhưng”, ông nói thêm và cười vẻ trầm ngâm, “mong ông nói lại với các ông ấy đừng quá đặt nhiều hy vọng vào tôi. Thật ra, tôi không rõ bản thân tôi có thể đánh một ván cờ theo đúng luật không? Mong ông hiểu cho, tôi nói thực tình không hề có chút khiêm tốn giả dối nào, tôi xin thú nhận là suốt từ dạo còn là học sinh trường trung học đến nay, nghĩa là trên hơn hai chục năm, tôi chưa hề đụng đến bàn cờ một lần nào. Hơn nữa, dạo đó tôi chỉ là một người đánh cờ xoàng”.
Ông B. nói những lời ấy với giọng chất phác nên tôi tin rằng ông thành thực. Tuy nhiên, tôi không thể không bày tỏ nỗi ngạc nhiên của tôi là tại sao ông lại nhớ chính xác những chiến thuật của nhiều bậc thầy khác nhau mà ông đã kể tên, chắc hẳn, ông rất quan tâm đến môn đánh cờ, ít ra là về mặt lý thuyết. Nghe thấy vậy, ông B. lại trầm ngâm cười, vẻ kỳ lạ.
- Kể ra thì tôi cũng quan tâm đấy! Chỉ chúa mới biết rõ điều ông vừa nói đúng tới mức nào. Nhưng sự việc diễn ra trong những hoàn cảnh hết sức đặc biệt, có thể nói là có một không hai. Đây là một câu chuyện khá phức tạp và có thể dùng làm minh họa cho thời đại thú vị chúng ta đang sống. Nếu ông có đủ kiên nhẫn để nghe tôi kể lại độ nửa tiếng…
Ông B. ra hiệu mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bố đặt bên ghế của mình. Tôi vui vẻ nhận lời. Chỉ có mỗi hai chúng tôi. Ông B. bỏ kính ra và bắt đầu kể:
- Ông đã có nhã ý cho tôi biết ông là người Viên và đã biết rõ tên họ tôi. Tuy nhiên tôi cho rằng ông chưa từng nghe nói tới văn phòng luật sư, thoạt đầu tôi đã cùng thân phụ tôi quản lý, sau đó có mỗi mình tôi thôi. Chẳng là chúng tôi đã không biện hộ cho những vụ kiện đáng chú ý mà người ta đã nói tới trên các báo và chúng tôi đã không tìm cách bổ sung khách hàng của mình. Thật ra, chúng tôi đã không hoàn toàn làm đúng chức năng văn phòng của chúng tôi. Chúng tôi chỉ hạn chế trong việc làm cố vấn về mặt tư pháp và quản lý tài sản của những tu viện lớn mà thân phụ tôi – trước đây là phái viên của phái tăng lữ - đã có những quan hệ mật thiết.
“Hơn nữa – tôi cũng chẳng giấu gì ông, vì chế độ quân chủ vẫn tồn tại đến tận ngày nay – một số thành viên trong hoàng tộc đã trao cho chúng tôi nhiệm vụ quản lý tài sản của mình. Những mối quan hệ với triều đình và tăng lữ này chúng tôi đã xây dựng được suốt hai thế hệ: một là do người bác làm thầy thuốc của hoàng đế, một nữa là do trưởng tu viện ở Xaitenxtetten, và ngày nay chúng tôi chỉ còn việc cố duy trì chúng. Đấy là một hoạt động trầm tĩnh, có phần thầm lặng mà chúng tôi đeo đuổi ấy cũng là do cha truyền con nối và về phần mình chúng tôi cũng chỉ cần gìn giữ hai đức tính mà thân phụ đã quá cố của tôi đã có ở mức độ cao nhất: cực kỳ kín đáo và lòng trung thực đã được thử thách. Tuy lạm phát và cách mạng, thân phụ tôi quả đã giữ được cho khách hàng một phần khá lớn tài sản của họ.
“Khi Hitle lên nắm quyền ở Đức và bắt đầu vơ vét Giáo hội và các nhà tu, để tránh, ít ra những động sản của khách hàng chúng tôi không bị động đến, chúng tôi đã tìm các chuyển chúng ra nước ngoài. Dạo đó, thân phụ tôi và tôi biết rõ những hoạt động chính trị bí mật của Rôm và hoàng tộc mà công chúng sẽ không bao giờ hay biết cả. Nhưng chính do tính chất kín đáo của văn phòng chúng tôi – ngoài cửa cũng chẳng gắn một tấm biển nào – và do thận trọng chúng tôi đã không công khai tiếp xúc với giới những người quân chủ nên không bị nhòm ngó điều tra. Không một nhà chức trách nào ở Áo đặt vấn đề nghi là gần như toàn bộ thư từ bí mật của hoàng tộc đều do một văn phòng chẳng ai thèm để mắt nằm ở tầng năm một căn nhà đã chuyển đi.
“Thế mà, từ lâu, trước khi tung quân đội xâm chiếm thế giới, bọn Quốc xã đã tổ chức ở tất cả các nước láng giềng một đội quân khác cũng nguy hiểm và được luyện tập kỹ như đội quân trên, gồm những tên bất bình và bất mãn của mọi chế độ chính trị khác nhau, bọn này luồn lách vào từng văn phòng, từng xí nghiệp và có cơ sở điệp viên tận văn phòng riêng của Đônphux và Susnic. Than ôi! Tôi phát hiện quá muộn người của chúng cũng đã lọt được vào văn phòng nhỏ bé của chúng tôi. Thật ra, hắn chỉ là một nhân viên quèn thảm hại mà chúng tôi đã tuyển theo lời giới thiệu của cha xứ để văn phòng chúng tôi có dáng vẻ bình thường. Chúng tôi chỉ giao cho hắn chạy những việc vô hại, trả lời điện thoại và sắp xếp những giấy tờ vô nghĩa. Hắn không được bóc thư tín, tự tay tôi đánh máy những thư quan trọng, không để lại bản sao ở văn phòng, tôi đem về nhà những tài liệu quan trọng và gặp gỡ bí mật, cho ý kiến tại tu viện hoặc tại chỗ bác tôi.
“Nhờ đề phòng như vậy, ở văn phòng chẳng còn gì quan trọng để rình mò. Chắc do một rủi ro bất ngờ nào đấy, cái tên đầy tham vọng này đã phát hiện bị nghi ngờ và mọi chuyện đã diễn ra sau lưng hắn. Có lẽ, khi tôi vắng mặt, một người đưa tin thiếu thận trọng đã gọi “hoàng thượng” thay vì “nam tước Bern” như đã quy định, hoặc cái tên vô lại ấy đã bóc trộm thư, không chấp hành lệnh. Chắc Munic hay Berlin đã trao cho hắn nhiệm vụ theo dõi chúng tôi, trước khi tôi nảy ra ý nghi ngờ hắn. Chỉ mãi sau này và khi bị bắt tôi mới nhớ lại thái độ đột nhiên sốt sắng của hắn vào thời gian cuối lúc còn đang làm việc ở chỗ chúng tôi và những lời năn nỉ của hắn muốn giúp chúng tôi đi bỏ thư ở bưu điện. Về phần mình, tôi cũng thành khẩn nhận ra là tôi thiếu lo xa, nhưng biết bao những nhà ngoại giao và sĩ quan đã bị lừa vì sự nham hiểm của cái bọn này?
“Ít lâu sau, tôi có một chứng cớ xác thực cho thấy bọn Gextapô đã để ý đến tôi từ lâu: ngay tối hôm Susnic từ chức, rạng sáng hôm quân của Hitle vào Viên thì tôi bị bọn SS bắt. May mà ngay sau khi nghe bài diễn văn từ biệt của Susnic, tôi đã vội đốt mọi giấy tờ quan trọng nhất và một phút trước khi bị bọn cảnh sát gõ cửa, tôi đã giấu vào làn quần áo gửi cho bác tôi, qua bà quản gia già trung thành của tôi, toàn bộ giấy tờ cần thiết công nhận quyền của Susnic được sở hữu tu viện của mình và quyền của hai quận công Đônphux và Susnic có những sở hữu khác ở nước ngoài”.
Ông B. ngừng kể để châm một điếu xì gà. Ánh lửa rọi sáng miệng ông; cơ mép ông giật mạnh, trước đây tôi ngạc nhiên nhận thấy hiện tượng này đã làm miệng ông bị méo về bên phải. Đây chỉ là một động tác thoáng qua, khó nhận thấy, nhưng nó tạo cho khuôn mặt ông có dáng vẻ lo lắng kỳ lạ.
“Chắc ông nghĩ rằng bây giờ tôi sẽ nói ông nghe về một trại tập trung nhốt biết bao người Áo đã trung thành với Tổ quốc của họ và tôi định mô tả lại tất cả những điều nhục nhã và những cảnh tra tấn mà con người đã phải chịu đựng trong trại đó? Nhưng chuyện ấy không hề xảy ra với tôi. Tôi bị xếp vào một loại đặc biệt. Bọn chúng không nhốt tôi cùng với những người khốn khổ mà chúng đã dùng nhục hình và đày đọa về tinh thần để trả mối hận thù có từ lâu, bọn Quốc xã liệt tôi vào nhóm người không đông lắm mà chúng hi vọng moi được tiền của và tài liệu quan trọng. Về bản thân tôi, bọn Gextapô chẳng quan tâm đến thân phận nhỏ nhoi này đâu.
“Chắc hẳn bọn chúng đã tìm hiểu được rằng chúng tôi là những người quản lý đáng tin cậy của kẻ thù kiên quyết nhất chống đảng của chúng, và điều chúng muốn khai thác ở tôi là những tài liệu. Những tài liệu dùng làm chứng cớ không chối cãi được chống lại các tu viện nhằm cướp đoạt tài sản của tu viện và còn dùng để chống hoàng tộc. Không phải vô cơ, bọn chúng cho rằng những tài sản qua tay chúng tôi chắc còn sót lại khá lớn và được cất giữ ở nơi khó moi. Do đó, bọn chúng đã bắt giữ tôi ngay hôm đầu để dùng những biện pháp mà chúng cho rằng sẽ có hiệu quả tuyệt vời buộc tôi phải phun ra.
“Những người loại này không bị nhốt trong trại tập trung, bọn chúng đã dành cho họ một hoàn cảnh sinh hoạt đặc biệt. Có lẽ ông vẫn còn nhớ rằng cả thủ tướng của chúng tôi lẫn nam tước Rốtsin đều không bị nhốt sau lớp rào dây thép gai, mà chúng đã ưu ái để các vị ấy sống ở khách sạn, mỗi người một phòng riêng. Đấy là khách sạn Mêtrôpôn, nơi bọn Gextapô đã đặt tổng hành dinh của chúng. Một nhân vật vô danh tiểu tốt như tôi cũng có được niềm vinh dự đó.
“Một phòng riêng tại một khách sạn – tôi đâu dám mơ ước một sự đối xử nhân đạo hơn? Ấy là, mong ông tin rằng đấy chỉ là để áp dụng một biện pháp tinh tế hơn với chúng tôi, chẳng phải vì nhân đạo mà chúng tôi được ở trong các phòng khách sạn sưởi ấm đàng hoàng chứ không phải trong những lán lạnh buốt và chật cứng. Vì bọn chúng muốn gây một sức ép tế nhị hơn là đòn vọt và các nhục hình khác để moi tài liệu ở chúng tôi. Bọn chúng bắt chúng tôi phải sống cách ly ở mức tinh tế nhất mà chúng đã nghĩ ra. Chúng chẳng làm gì chúng tôi cả - chúng chỉ để chúng tôi mặt đối mặt với cõi hư vô, vì hiển nhiên không còn gì ở trên đời này có thể đè nặng lên tâm hồn con người bằng cách đó. Tạo ra ở quanh mỗi chúng tôi một khoảng trống hoàn toàn, giam mỗi chúng tôi trong một căn buồng bịt kín, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, là chúng sử dụng một sức ép buộc chúng tôi phải khai, đảm bảo hơn roi vọt và cái lạnh.
“Thoạt nhìn, căn phòng tôi được phân xem ra cũng khá đầy đủ tiện nghi. Nó có một cửa ra vào, một chiếc giường và một chiếc ghế, một chậu và một cửa sổ bịt lưới sắt. Nhưng cửa ra vào ngày đêm bị khóa chặt, tôi không được cung cấp sách, báo, giấy và bút chì. Quanh tôi là cõi hư vô mà tôi hoàn toàn ngụp lặn trong đó. Chúng lấy đồng hồ của tôi để không còn lượng biết thời gian, bút chì để không viết gì được, dao để không thể rạch được mạch máu; tôi còn bị khước từ cả cảm giác lâng lâng ngây ngất do điếu thuốc gây nên. Tôi chẳng bao giờ thấy một bóng người, trừ tên giám ngục đã được lệnh không được nói và trả lời tôi một câu nào. Tôi chẳng bao giờ nghe thấy tiếng người.
“Cái chế độ ngày đêm bị tước bỏ những cảm giác đối với mọi món ăn tinh thần này đã đẩy tôi đến chỗ trơ trọi, trơ trọi một cách tuyệt vọng trước mỗi mình tôi và bốn hoặc năm đồ vật câm lặng: chiếc bàn, chiếc giường, chiếc cửa sổ, chiếc chậu. Tôi sống như một người thợ lặn ở trong một chiếc chuồng thủy tinh thả giữa biển đen ngòm của cảnh im lặng, nhưng đây là một thợ lặn đã cảm thấy sợi dây nối với thế giới bị đứt và sẽ không bao giờ được kéo ra khỏi những độ sâu câm lặng. Tôi chẳng có gì để làm, chẳng có gì để nghe, chẳng có gì để nhìn, quanh tôi là cõi hư vô gây cho tôi cảm giác choáng váng, một khoảng trống không kích thước trong không gian và trong thời gian. Tôi đi đi lại lại trong phòng mình, còn những suy nghĩ của tôi cũng không ngừng đi đi lại lại trong đầu tôi, theo cùng một nhịp hoạt động.
“Nhưng, do thiếu đề tài để biểu lộ như vậy, nhưng suy nghĩ cũng cần có một điểm để nương tựa, nếu không chúng sẽ tự xoay quanh chúng theo một vòng tròn điên cuồng. Chúng cũng không thể chịu đựng được sự hư vô. Từ sáng tới tối, người ta chờ đợi một chuyện gì đó, nhưng đã chẳng có chuyện gì xảy ra. Người ta chờ, người ta đợi, người ta mong, những suy nghĩ cứ xoay quanh trong đầu ta tới lúc hai thái dương đau nhức. Vẫn không có chuyện gì xảy ra. Tôi vẫn có một mình tôi. Trơ trọi. Cô đơn.
“Tình trạng này kéo dài mười lăm ngày, mười lăm ngày tôi đã sống tách khỏi thời gian, tách khỏi thế giới. Chiến tranh đã nổ ra mà tôi không hay biết gì. Đối với tôi, thế giới chỉ bao gồm có một chiếc bàn, một cái cửa ra vào, một chiếc giường, một chiếc ghế, một chiếc chậu, một cửa sổ, và bốn bức tường cùng bồi một loại giấy, mà tôi cứ nhìn chăm chăm và do nhìn mãi, mỗi đường họa sinh động như đã được khắc sâu vào óc tôi.
“Cuối cùng tôi bị lôi ra hỏi cung. Tôi bị gọi đi bất thình lình không kể ngày đêm. Tôi bị điều qua các phòng giam, chẳng rõ mình đang ở đâu. Đứng đợi một lúc ở một chỗ nào đó, rồi bất thần thấy mình đứng trước chiếc bàn ngồi quanh có mấy người mặc quân phục. Trên mặt bàn để một bó giấy, một tập hồ sơ chả biết nội dung ra sao, và tôi liền bị vặn hỏi ngay, có những câu hỏi thẳng, có những câu nham hiểm, có câu cốt để moi câu khác, có câu muốn dồn tôi vào bẫy. Khi tôi trả lời, những bàn tay lạ và thù địch lật giở đống giấy ở trên bàn, ngòi bút của một kẻ ác ý ghi dựng lên một biên bản không biết đã thêm bớt ra sao. Tôi bị tra hỏi, tra hỏi hoài. Mỗi câu trả lời của tôi mang một trách nhiệm rất nặng. Nếu tôi nói ra một điều gì bọn chúng chưa biết, tôi có thể đẩy một người nào đó đến chỗ chết; nếu tôi cứ im lặng hoài thì tự gây nguy hại cho bản thân.
“Việc hỏi cung không phải là chuyện tệ hại nhất. Điều tệ hại nhất là phải quay về chốn hư vô, quay trở về căn phòng đó, đứng trước vẫn cái bàn, vẫn chiếc giường, vẫn chiếc chậu, bức tường ấy. Vì, vừa còn mỗi mình đối diện với bản thân mình, tôi liền nhớ lại cuộc hỏi cung, suy nghĩ xem lẽ ra nên trả lời thế nào thì khôn hơn, lần sau sẽ nói gì để tránh mọi ngờ vực có thể có do một nhận xét khinh xuất của tôi. Tôi suy ngẫm, đào sâu, rà soát lại từng lời khai nhân chứng của tôi, tôi cố nhớ lại từng câu hỏi, từng câu trả lời, cố nghĩ xem biên bản ghi những gì, trong khi đó biết chắc rằng mình chẳng thể đoán nổi nội dung biên bản.
“Nhưng một khi đã bật nghĩ, những suy nghĩ đó cứ luẩn quẩn, quẩn quanh trong đầu tôi và suy nghĩ này làm nảy sinh suy nghĩ khác và theo đuổi tôi mãi vào giấc ngủ. Do đó, cuộc hỏi cung kết thúc, nhưng đầu óc tôi vẫn bị giày vò một cách nghiệt ngã, còn ác độc hơn cả sự hành hạ của các quan tòa, vì phiên tòa xét xử trong có một giờ, nhưng trong phòng tôi, nỗi cô đơn hành hạ tôi triền miên. Tại căn phòng đó, những suy nghĩ, những tưởng tượng điên rồ, những thâu tóm trì trệ của tôi chẳng tìm được cách giãn căng. Chính đây là điều bọn đao phủ của tôi mong muốn, bọn chúng làm cho những suy nghĩ của tôi cứ bị búi lại đến mức đầu óc đặc quánh lại chẳng còn cách nào khác phải để chúng phì ra, hay nói một cách khác phải thú nhận, thú nhận tất, như vậy là phải giao nộp bè bạn tôi, phải khai ra những điều bọn chúng mong muốn. Tôi cảm thấy thần kinh tôi bắt đầu dần dần bị chùng giãn trước sức ép ghê gớm ấy, và tôi bị căng thẳng tột độ phải tìm kiếm một sự khuây khỏa.
“Để coi như bản thân đang bận rộn một công việc gì đó, tôi ngân nga đọc hoặc nhớ lại được đâu hay đó những gì trước đây đã học thuộc lòng, những bài dân ca và những vần thơ của con trẻ, những đoạn thơ của Hôme đã học thuộc hồi còn ở trường trung học, những đoạn trong Bộ dân luật. Sau đó, tôi làm các phép tính cộng, chia những con số. Nhưng trong cảnh nhàn rỗi đó, trí nhớ của tôi chẳng nhớ được gì. Tôi chẳng tập trung vào được điều gì. Lúc nào tôi cũng chỉ suy nghĩ một vấn đề: chúng đã biết được những gì? Hôm trước mình đã nói gì? Lần sau phải nói những gì?
“Tôi đã phải sống bốn tháng trời trong những điều kiện không bút nào tả xiết đó. Bốn tháng, viết và nói ra thì thật là nhanh chóng. Chỉ cần một phần tư giây cũng đủ để thốt ra ba từ này: bốn tháng trời. Chỉ cần vài nét chữ là đủ để ghi lại mấy từ ấy. Những phác họa, diễn tả ra sao đây, dù cho bản thân tôi thôi, cuộc sống thoát ra khỏi không gian và thời gian ấy? Không ai có thể nói rõ cái cảnh trống rỗng khắc nghiệt đó hủy hoại và tàn phá ta như thế nào và đôi mắt cứ phải triền miên nhìn mãi chiếc chậu và giấy bồi tường này, sự im lặng mà ta bị nhấn chìm vào, thái độ của tên giám ngục – lúc nào cũng độc mỗi tên đó – đặt thức ăn trước mặt tù nhân mà không thèm ngó nhìn người tù, tác động đến ta như thế nào. Những suy nghĩ, lúc nào cũng vẫn suy nghĩ ấy, xoay xoay trong khoảng tường quanh cảnh cô đơn làm cho tù nhân phát điên mới chịu buông tha.
“Qua những dấu hiệu nhỏ đáng lo ngại, tôi nhận thấy đầu óc bị rối loạn. Thoạt đầu, khi đứng trước bọn phán hỏi tôi, đầu óc tôi minh mẫn và tôi khai một cách bình tĩnh và có cân nhắc suy nghĩ; tôi đắn đo lựa trong óc xem cần nói gì và tránh không nói những gì. Về sau tôi không thể nói nổi một câu rất giản đơn mà không bị lắp và khi nói mặt tôi cứ nhìn chăm chăm như bị thôi miên ngòi bút của viên lục sự đang lướt trên trang giấy tựa hồ như tôi chạy đuổi theo những lời của tôi. Tôi thấy sức lực tôi giảm sút và sắp đến lúc, do hy vọng được giải thoát, tôi sẽ khai tất những gì tôi biết, và còn khai bừa thêm nữa để thoát khỏi nanh vuốt chán ngắt của hư vô, tôi sẽ phải phản bội dù mười hai người và tiết lộ bí mật của họ, miễn sao được một lát nghỉ ngơi.
“Và một buổi tối, tôi đã lâm vào đúng tâm trạng đó. Tên giám ngục mang đồ ăn đến cho tôi, lúc gã chuẩn bị bước ra ngoài, tôi đã quẫn uất và gào lên: “Dẫn tôi đến gặp các viên thẩm phán! Tôi sẽ khai tất!” Cũng may tên giám ngục không nghe. Có lẽ gã chẳng muốn nghe tôi nói gì. Đúng lúc tôi có hành động cực đoan ấy thì xảy ra một sự kiện bất ngờ đã cứu nguy cho tôi, ít ra cũng trong một thời gian. Chuyện xảy ra vào một ngày buồn tẻ và âm u hồi cuối tháng bảy. Tôi nhớ rất rõ chi tiết này vì mưa quất mạnh trên các lớp kính dọc theo hành lang dài tôi bị dẫn đi hỏi cung. Tôi phải ngồi chờ ở phòng ngoài. Bao giờ cũng phải ngồi chờ trước khi bị hỏi cung, vì đây là một khâu trong phương pháp. Bọn chúng làm thần kinh của người bị buộc tội lung lay bằng cách thình lình đang giữa nửa đêm đến lôi đi, sau đó khi tù nhân trấn tĩnh lại, cố tập trung toàn bộ nghị lực để đương đầu với cuộc hỏi cung sắp tới thì bắt người đó đợi, đợi một cách vô lý trong một, hai ba giờ trước khi hỏi cung, nhằm làm xẹp cả tinh thần lẫn thể xác. Vào cái ngày 27 tháng bảy đó, tôi đã phải đứng ngoài phòng đợi suốt hai tiếng đồng hồ; tại sao tôi lại nhớ chính xác như vậy ngày hôm đó, chẳng là trên tường có treo một bìa lịch, và do cứ phải đứng mãi – tất nhiên tù nhân cấm không được ngồi – tôi bị chồn chân, nên thèm được đọc một cái gì đó, tôi liền đưa mắt đọc ngấu nghiến hàng chữ ngắn ngủi: 27 tháng bảy nổi bật trên vách tường.
“Sau đấy, tôi lại đợi, tôi đưa mắt nhìn cánh cửa, thầm nghĩ không biết bao giờ nó bật mở và tự hỏi không biết lần này bọn thẩm phán sẽ vặn vẹo những gì, tuy biết chắc rằng bọn chúng sẽ chẳng hỏi những câu mà tôi đã chuẩn bị. Tuy thấy lo ngại cứ phải đợi chờ mãi, tuy mệt mỏi, nhưng dẫu sao tôi cũng được an ủi là tôi hiện đang đứng tại một phòng khác với phòng tôi, một phòng rộng lớn có hai cửa sổ không có giường và không có chậu, gỗ lát tường không có mấy chỗ toác mà tôi đã nhận thấy phải tới triệu lần ở trong phòng tôi. Màu vecni cũng khác, ghế cũng khác; phía bên trái cửa ra vào có một chiếc tủ xếp đầy hồ sơ và một tủi treo áo có treo ba, bốn áo bành tô nhà binh ướt sũng, đó là áo của bọn đao phủ hành hạ tôi.
“Như vậy, tôi được nhìn thấy những đồ vật mới – cuối cùng, có cái mới – và cặp mắt tôi nhìn chăm chăm không dứt ra được. Tôi nhìn kỹ từng đường nếp trên những chiếc áo bành tô ấy và tôi quan sát, chẳng hạn, một giọt nước ở mép cổ áo ướt. Tôi xúc động chờ, kể cũng kỳ cục, xem giọt nước sẽ lăn dọc theo nếp áo hay còn cố cưỡng lại lâu hơn nữa trước sức nặng của nó, đúng, tôi hổn hển nhìn chăm chăm giọt nước mưa đó trong mấy phút, tựa hồ cuộc đời tôi do chính nó định đoạt. Và khi cuối cùng nó rơi, tôi bắt đầu đếm các cúc trên từng chiếc áo bành tô, áo thứ nhất có tám cúc, áo thứ hai – tám và áo thứ ba – mười; đoạn tôi so sánh lại tay các áo. Mắt tôi say đắm nhìn những chi tiết vô nghĩa này thật thích thú và thỏa thuê mà tôi không thể dùng lời nào diễn tả được.
“Và mắt tôi bỗng để ý đến một vật, một vật phồng phồng trong một túi áo. Tôi tiến lại gần và nhận ra qua lần vải giãn căng khổ hình chữ nhật của một cuốn sách. Một cuốn sách! Đầu gối tôi run lên: một cuốn sách! Bốn tháng nay tôi không được cầm trên tay một cuốn sách nào và chỉ riêng sự hiện diện của nó cũng đủ làm tôi choáng người. Một cuốn sách trong đó tôi sẽ được thấy các từ xếp thẳng hàng nối nhau liên tiếp, những dòng chữ, những trang sách, những tờ sách mà tôi có thể lật giở. Một cuốn sách mà tôi có thể dõi theo những suy nghĩ khác, những suy nghĩ mới làm chuyển hướng suy nghĩ của tôi và tôi có thể lưu lại ở trong đầu, đây đúng là một phát hiện vừa thật say sưa và vừa dịu dàng biết bao! Cặp mắt tôi nhìn chăm chăm như bị thôi miên vào chiếc túi căng hình cuốn sách, mắt tôi như nảy lửa muốn hun cháy một lỗ trong chiếc áo bành tô ấy. Tôi không kìm nén được nên sán lại bên chiếc áo. Chỉ riêng cứ nghĩ là mình sẽ được nắm một cuốn sách, dù qua lớp vải, cũng làm các ngón tay tôi nóng ran lên như phải bỏng. Tôi gần như vô tình cứ sán sát lại bên chiếc áo bành tô.
“May mà tên giám ngục không chú ý tới thái độ kỳ cục của tôi. Chắc gã nghĩ rằng một người phải đứng suốt hai giờ liền, nếu có đến đứng tựa một lát vào vách tường thì cũng là điều tự nhiên. Cuối cùng tôi đã ở bên chiếc áo bành tô và tôi chắp hai tay ra sau lưng để có thể lén sờ vụng được, tôi nắn lần vải và đúng là cảm thấy một vật hình chữ nhật mềm mềm và khẽ phát ra những tiếng răng rắc nhẹ - một cuốn sách! Đúng là một cuốn sách! Bỗng một ý nghĩ lóe lên như tia chớp ở trong đầu tôi: cố xoáy cuốn sách này! Nếu xoáy được, nhà ngươi có thể giấu nó ở phòng nhà ngươi và đọc, đọc, đọc, đọc đi, đọc lại! Ý nghĩ này vừa nảy ra ở trong đầu, nó tác động ngay vào tôi như một liều thuốc độc mạnh, tôi ù hết cả tai, tim đập thình thịch, tay lạnh cóng và không chịu phục tùng tôi nữa.
“Tuy vậy, trạng thái sững sờ ban đầu vừa qua đi, tôi khéo lép nép sát người vào áo bành tô và vừa đưa mắt chăm chăm nhìn tên giám ngục vừa từ từ đẩy cuốn sách ra khỏi miệng túi. Hấp! Tôi thận trọng đón lấy nó và cầm ở nơi tay một cuốn sách khá mỏng. Mãi lúc này tôi mới thấy hốt hoảng trước việc mình vừa làm. Nhưng tôi không thể lùi bước được nữa rồi. Cất giấu nó ở đâu bây giờ? Vẫn ở sau lưng tôi luồn nó vào thắt lưng và đẩy nhẹ tới ngang hông để khi đi tôi có thể giữ nó bằng cách kẹp tay sát mép quần như kiểu nhà binh. Bây giờ tôi thử xem cách đó có ổn không. Tôi rời khỏi tủ treo áo, đi một, hai, ba bước. Ổn rồi. Tôi có thể giữ cuốn sách ở nguyên một chỗ nếu áp thật sát cánh tay vào người, tại ngang thắt lưng.
“Đến lúc tôi bị lôi vào hỏi cung. Tôi phải hết sức cố gắng chưa từng thấy, vì tôi phải tập trung toàn bộ chú ý vào cuốn sách và cố giữ cho nó khỏi tụt xuống hơn là vào lời khai nhân chứng. Cũng may, hôm đó buổi hỏi cung không kéo dài và tôi đưa được cuốn sách về phòng tôi. Tôi không muốn đi vào chi tiết nhưng một lần, lúc đi dọc hành lang nó đã tụt quá sâu thật nguy hiểm, tôi giả vờ như bị lên cơn ho dữ dội cúi gập người xuống và kín đáo đẩy nó giắt vào thắt lưng. Khi quay về tới chốn địa ngục của tôi, đây là giây phút không thể quên được, cuối cùng lại trơ trọi một thân một mình, thế nhưng lúc này tôi có cái vật quý này làm bầu bạn.
“Chắc ông nghĩ rằng tôi liền lôi cuốn sách ra khỏi chỗ cất giấu để nhìn ngắm và đọc. Nhưng không. Thoạt đầu tôi muốn tận hưởng niềm vui do chỉ riêng sự hiện diện của cuốn sách đã đem lại cho tôi và tôi dềnh dàng kéo dài giây lát được nhìn thấy nó để có cái thú tuyệt diệu là mơ mộng xem nội dung sách nói gì. Trước hết tôi ước mong sao sách in chữ thật dày, bài thật nhiều, giấy thật mỏng để tôi có nhiều cái mà đọc. Tôi cũng còn hy vọng rằng đây sẽ là một tác phẩm khó, phải vận dụng khá nhiều tri thức mới đọc nổi, sẽ là một tác phẩm có thể học thuộc lòng, tác phẩm thơ ca, và nếu là tác phẩm viết về một ước mơ táo bạo, tác phẩm của Gớt hay Hôme thì thích hơn. Cuối cùng, tôi không thể kìm nổi nỗi khao khát và lòng tò mò của tôi. Tôi ra giường nằm ở tư thế sao cho nếu tên giám ngục có vào đột xuất thì cũng không thể tóm được, rồi run rẩy lôi cuốn sách giắt ở thắt lưng ra.