BS. ĐÀO XUÂN DŨNG
Sự khác biệt giữa hai giới nam và nữ đã được sinh học chứng minh, tâm lý học cũng đã có những khám phá và xã hội học thì khẳng định.
Tại sao con trai thích đá bóng, con gái thích chơi búp bê?
Về mặt sinh học, khi mới 6 tháng tuổi, bé gái thường chỉ nhìn trái bóng một cách thoáng qua rồi quay sang nhìn thứ khác, trong khi bé trai như muốn nhào ra khỏi tay mẹ, muốn sờ mó và bắt lấy trái bóng. Khi được 2 tuổi, trẻ đã cảm nhận được giới tính của mình cùng những khác biệt hóa, vì thế chúng có những trò chơi đặc trưng riêng.
Các nhà tâm lý học cho rằng: các bé trai thích hoạt động thành nhóm và có tính tập thể, có thế mới bộc lộ được bản chất hiếu động. Còn các bé gái lại ưa thích kết thành đôi bạn (thậm chí với một búp bê) hoặc chỉ với một nhóm nhỏ. Nếu như con trai muốn đóng vai “bố” thì con gái đã biết sau này sẽ trở thành “mẹ” và thích đóng vai “mẹ”...
Cha mẹ thường ngạc nhiên khi thấy con trai đòi chơi búp bê, trong khi đa số thích trò chơi điện tử, xem video hay vô tuyến, chúng thích phim hoạt hình, thể thao hay phim hành động, trong khi con gái lại ưa thích phim nhiều tập tình cảm. Con gái cũng thích thể thao nhưng là những môn thể thao cá nhân như bơi lội, trượt băng nghệ thuật hơn là những môn thể thao tập thể, tranh giành nhau quả bóng.
Con gái thường dịu dàng, nhạy cảm
Hình như có vai trò của hormon nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy trong năm đầu tiên, nếu như các bé trai và gái có số lần khóc và la hét bằng nhau, thì các bé gái lại hay cười hơn và biết bập bẹ nói trước, hay bắt chước và có mối quan hệ thân thiết hơn với mọi người xung quanh. Nhà tâm thần học Alain Braconiner đã nhận xét rằng “các bé gái có sự phát triển tốt hơn về ngôn ngữ diễn tả những cảm xúc của mình”. Đến tuổi trưởng thành, những nghiên cứu cũng cho thấy kết quả tương tự: phụ nữ vừa bộc lộ dễ dàng hơn những cảm xúc của họ vừa có sự thông cảm hơn với người khác. Điều đó không có nghĩa phụ nữ yếu đuối hơn nam giới, nhưng họ có khả năng bày tỏ cảm xúc một cách rõ ràng hơn.
Người lớn thường không muốn các bé gái phải tức giận cũng như không muốn các bé trai phải buồn rầu và sợ hãi. Cha mẹ cũng thường coi con gái là yếu ớt, cần được quan tâm chăm sóc hơn, con gái sớm học được điều đó và áp dụng ngay đối với những người xung quanh. Còn đối với con trai, chúng phải tỏ ra can đảm để trở thành người “đàn ông chân chính” sau này. Mẫu hình giáo dục như thế không thay đổi trong suốt tuổi vị thành niên. Nhà tâm lý học Yvonne Castella nhấn mạnh rằng từ 3 – 6 tuổi ít có sự khác biệt giữa hai giới về ý thức chăm sóc. Từ 7 – 11 tuổi, con gái tỏ ra có khả năng chăm sóc người khác hơn, ngay ở tuổi 12, nhiều bé gái đã bộc lộ ý muốn làm một nghề mang tính vị tha.
Cha mẹ cũng thường có cách đánh giá khác nhau về thái độ của con trai và con gái, khi con trai khóc, thường cho rằng vì nó tức giận điều gì, nhưng con gái khóc lại cho rằng vì nó sợ.
Con gái phát triển sớm hơn
Nói chung, con gái có thành tích học tập tốt hơn và ít bị lưu ban hơn, có tỷ lệ đông hơn khi kết thúc trung học phổ thông (năm 1999, ở Pháp tỷ lệ học sinh nữ dự thi hết cấp trung học là 52%) và tỷ lệ đỗ cũng cao hơn. Điều này phù hợp về mặt sinh học vì qua nghiên cứu những cặp sinh đôi một trai một gái, cho thấy, con gái khỏe hơn con trai, biết đi sớm hơn. Có lẽ hormon testosterone có vai trò quyết định trong sự phát triển, nhưng đừng quên rằng mọi người lúc đầu đều là giới nữ, chỉ đến tuần lễ thứ 7 của thai kỳ mới biệt hóa.
Con gái lắm lời hơn
Vỏ não bên trái (phần chỉ huy ngôn ngữ) nói chung phát triển chậm hơn phần bên phải ở trẻ nhỏ, nhưng với con trai, sự trưởng thành của vỏ não trái còn chậm hơn nữa, trong khi hormon nữ lại có tác dụng đẩy nhanh sự phát triển của vỏ não trái. Có lẽ vì thế mà phần não chi phối ngôn ngữ của nam giới kém phát triển hơn nữ.
Các nhà tâm lý cho rằng các bé gái thường nói sớm hơn là do chúng luôn muốn được mẹ quan tâm. Khác với con trai có một mẫu hình để đồng nhất ngay là người bố, con gái cho rằng chỉ khi lớn lên mới là phụ nữ vì chúng luôn nghe thấy những lời nhắc nhở: “Khi nào con có kinh, có ngực hay sinh đẻ...”. Con gái có nhu cầu rất mạnh mẽ được nói, chuyện trò với cả búp bê, qua đó biểu lộ bản sắc giới, xúc cảm đồng thời nhập vai người khác.
Con trai hay gây chuyện
Tính hay gây gổ của con trai có liên quan đến nồng độ testosterone. Hormon nam rất cao ở con trai khi mới sinh (cũng như hormon nữ rất cao ở trẻ sơ sinh gái), nhưng sau đó giảm dần rõ rệt, đến 3 – 4 tuổi lại tăng và tăng cao nhất ở tuổi dậy thì. Những nghiên cứu cho thấy trong năm đầu, con trai không hay gây gổ hơn con gái. Con trai sống trong môi trường hay gây gổ cũng khiến nồng độ testosterone tăng lên, nhưng nếu bị khép vào hoàn cảnh có kỷ luật lại hạ thấp.
Phân tâm học cho rằng: con trai có tâm lý lo hãi bị cắt “chim” nên tự bảo vệ bằng các đồ chơi có tính chiến đấu (gươm, súng lục...) và muốn trở thành những siêu nhân hay tự cho mình là những con vật kỳ quái. Đã có nhiều cách giải thích nguồn gốc tính hung hăng, thích gây gổ của con trai, nhà tâm thần học Aldo Naouri cho rằng: đó là cách chống lại tâm lý muốn chiếm hữu đứa con trai hay chống lại ảnh hưởng của người mẹ. Trong cuốn sách “XY tạo ra bản sắc nam giới”, Hisabeth Badinter còn bổ sung rằng đó là cách để khẳng định nam tính đối với gốc nữ tính.
Kỳ vọng xã hội cũng góp phần tạo nên tính cách đó của con trai. Cha mẹ thường có thái độ phân biệt giới tính rõ rệt khi gặp xung đột hay phẫn nộ, họ thường khuyên con gái chín bỏ làm mười, hòa giải, bỏ qua nhưng lại khuyến khích con trai, phải biết tự bảo vệ để không bị bất hạnh.
Con gái có khuynh hướng về văn, con trai về toán
Hormon estrogen chủ yếu có ở con gái đã tạo ra sự phát triển nhanh các tế bào não. Ngay từ khi còn là bào thai, bán cầu não phải ở thai nhi gái đã phát triển nhanh hơn và có liên hệ với bán cầu não trái. Con trai lại chưa phát triển đủ để có mối liên hệ đó, não ở con trai tuy có mối liên hệ phong phú ngay ở mỗi bán cầu nhưng nghèo nàn về mối liên hệ với não trái. Đó là một trong những cách giải thích vì sao con trai giỏi hơn con gái về môn lý và toán vì 2 môn này phụ thuộc nhiều hơn vào sự phát triển của não phải.
Lịch sử nhân loại cho thấy hầu như chỉ có nam giới làm công việc săn bắt do đó khả năng định hướng trong không gian tốt hơn (có lẽ vì thế mà tư duy trừu tượng phát triển hơn), trong khi con gái nói sớm và gẫy gọn hơn, đọc nhiều hơn nên phát triển nhiều cảm xúc. Điều đó giải thích vì sao con trai thường kém hơn về ngôn ngữ và khả năng diễn tả cảm xúc, tuy nhiên, có điều may mắn là những mối liên hệ mới ở não vẫn tiếp tục được tạo ra trong suốt thời niên thiếu.
Con trai hiếu thắng
Hormon testosterone có tác dụng trực tiếp đến não, làm cho nam nhạy cảm với những vấn đề về đẳng cấp và đua tranh. Tính cách này thể hiện ngay từ bé (thi với nhau xem ai tiểu xa nhất, khoe bố là công an...), và tiếp tục phát triển ở tuổi trưởng thành, trong khi con gái có ý thức hợp tác hơn, không bận tâm lắm đến chuyện hơn thua.
Một công trình nghiên cứu ở tuổi mẫu giáo cho thấy rằng tính thích hơn người khác, tính đẳng cấp, mệnh lệnh, huênh hoang, dọa nạt là những tính đặc trưng ở con trai, còn ở con gái thường khép kín, dễ thỏa thuận với nhau, chỉ hay nói. Nam tính thể hiện cả ở sự ham muốn thành công, quyền lực và được mọi người ngưỡng mộ. Tính muốn hơn người còn giúp cho nam giới chống lại sự trầm cảm và lo hãi. Con trai thường hay bị ngã xe đạp nhiều gấp đôi con gái không phải vì vụng về mà vì sẵn sàng chấp nhận nguy cơ để chứng tỏ mình.
Tính cách nói trên có nguồn gốc từ lịch sử hàng nghìn năm săn bắt, đã tạo cho giới nam sở thích khám phá và mạo hiểm, luôn phải gắng sức và vượt qua những thử thách. Còn phụ nữ cũng phát triển nhiều tính cách riêng là hệ quả của thời kỳ hái lượm (trong lịch sử tiến hóa của loài người), làm công việc gì cũng khéo léo, tỷ mỉ và kiên nhẫn hơn.
Sự khác biệt về giới tính không tạo nên sự đối lập mà trái lại đó chính là vẻ đẹp
Bình đẳng giới không có nghĩa là san bằng sự khác biệt về giới tính mà chính là sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trước cộng đồng xã hội. Giáo dục con cái cần tôn trọng sự khác biệt về giới tính và cần hiểu rằng nếu như một số giá trị của nam tính (ý chí đua tranh, vươn lên, không chịu thua kém, hung hăng…) bị xem là nguyên nhân gây ra nhiều tệ nạn xã hội – bạo lực, tội phạm, phá rối an ninh xã hội, tạo ra sự bất bình đẳng… – thì những giá trị khác như tính tự tin, ý chí vượt khó, tính mạo hiểm, không chịu khuất phục, đè nén… lại chính là những điều kiện để hình thành nên những phẩm chất cao đẹp. Những tính cách đó tồn tại ở mỗi cá nhân cùng với những giá trị truyền thống mà phụ nữ vốn có (đầu óc thực tế, biết chia sẻ, thông cảm, độ lượng, dịu dàng, khiêm nhường…) đã góp phần duy trì sự bền vững của thế giới này, đẩy lùi những gì là quá khích, quá tự tin có thể trở thành cố chấp, thích mạo hiểm thành liều lĩnh, phản kháng thành hung hãn, cũng như những tính cách nữ, nếu phát triển quá mức sẽ dẫn đến tính thụ động và lệ thuộc.