— Vương nhi đi đi mà trị nước. Ta cam đoan ở trên bàn giấy của vương nhi có hơn hai mươi biểu cáo đợi được chuẩn hay bác bỏ và ta không muốn Châu u vu cho ta làm cho con ta trở nên một ông vua lười biếng, để trị vì thay con.
Những ý kiến đó thất thế ở chỗ cứ được đưa ra không đúng lúc tí nào, vào khi mà Điện hạ đã chiến thắng được rụt rè e ngại, sắp tham gia một trò vui lạ mà người lấy làm thích thú. Mỗi tuần hai lần, có những cuộc dã ngoại mà nữ công tước cho những phụ nữ xinh đẹp nhất trong giới thị dân tham dự, lấy cớ là phải thu phục lòng tin yêu của dân chúng cho quận vương. Là linh hồn của những hội vui ấy, nữ Công tước hy vọng là một trong số những nữ thị dân xinh đẹp thèm khát ghê gớm cái số đỏ của thị dân Rassi đó, sẽ có một người bộc bạch với hoàng thân một trong những trò vô lại đầy rẫy của hắn. Thế mà hoàng thân thì trong một ảo tưởng thơ ngây, cứ mơ được có một nội các đạo đức.
Rassi quá đủ tinh ý để cảm thấy những dạ hội huy hoàng ở sân chầu bà thái phi, do kẻ thù của hắn điều khiển, nguy hiểm cho hắn dường nào. Hắn đã không muốn trao bản án rất hợp thức về Fabrice cho bá tước Mosca, thì giữa nữ công tước và hắn phải có một người lui khỏi triều đình.
Cái hôm dân chúng biến động. Những người lịch sự bây giờ nói không hề có việc ấy. Dân chúng có được phát tiền. Rassi xuất phát từ điểm đó, hắn ăn mặc lôi thôi hơn cả lệ thường của hắn, tới những nhà tồi tàn nhất trong thành phố, ngồi nói chuyện đoàng hoàng với những người nghèo khó ở đấy hàng giờ, cố gắng nhiều như vậy nên hắn đã được đền công, sau mười lăm hôm sống theo kiểu ấy, hắn đã xác định Ferrante Palla là người bí mật cầm đầu cuộc bạo động, còn hơn thế nữa, con người suốt đời nghèo nàn như một đại thi sĩ, con người ấy lần này đã bán chín mươi hai kim cương ở Gênes.
Thiên hạ nói riêng viên ngọc quí trọng đó, thực giá đã hơn bốn nghìn quan, mười hôm trước ngày hoàng thân qua đời, người ta đã nhượng với giá ba mươi lăm nghìn, bởi vì người ta nói người ta cần tiền.
Làm sao diễn tả được niềm hân hoan sôi nổi của quan thượng tư pháp khi phát hiện ra điều này? Quan nhận thấy hàng ngày, người ta bêu dếu quan ở sân chầu bà thái phi và nhiều lần hoàng thân đã cười phả vào mặt quan với tất cả sự thật thà của tuổi trẻ, trong khi bàn việc triều chính. Cũng phải thú nhận là Rassi có những lề thói hạ đẳng một cách lạ lùng, chẳng hạn khi cuộc bàn cãi khiến chú ý, hắn khuỳnh chân lại và đưa tay nắm chiếc giày, nếu lại càng hấp dẫn thì hắn trải chiếc khăn tay vải điều lên đùi, v.v. Hoàng thân đã có lúc cười ngặt nghẽo nhân trò đùa của một thị dân xinh đẹp, cô này vốn biết chân mình rất xinh, nên nhại cử chỉ tao nhã của quan thượng tư pháp.
Rassi được tiếp kiến bất thường và bẩm với hoàng thân:
— Điện hạ có vui lòng bỏ ra mười vạn quan để biết cho rõ được tiên linh qua đời như thế nào hay không? Với số tiền ấy, ngành tư pháp sẽ được huy động để bắt bọn tội phạm, nếu có.
Quận vương trả lời thế nào, chắc ai cũng đoán được.
Ít lâu sau, Chékina báo cho nữ công tước hay có người hứa cho cô một số tiền lớn nếu cô cho họ xem kim cương của bà chủ, cô từ chối một cách phẫn nộ. Phu nhân mắng có hầu phòng sao lại từ chối và tám hôm sau, Chékina đưa kim cương cho người đó xem. Đến hôm giao hẹn, cứ mỗi một người thợ kim hoàn của thành phố Parme thì bá tước Mosca cho hai thủ hạ tin cẩn theo dõi và vào khoảng nửa đêm, ông đến nói với nữ Công tước người thợ kim hoàn tọc mạch họ là em Rassi chứ không ai khác. Nữ công tước tối hôm đó rất vui vẻ (ở cung điện diễn một vở kịch dell'arte[114] tức là một vở trong đó mỗi nhân vật diễn đến đâu tự đặt ra lời đối thoại đến đó, ở hậu trường chỉ niêm yết bản dàn ý kịch bản mà thôi), bà đóng vai một nữ nhân vật đó lại là bá tước Baldi, người tình cũ của nữ hầu tước Raversi, mụ ta cũng có mặt tại đó. Hoàng thân là người rụt rè nhất trong nước nhưng lại rất đẹp trai và đa tình, hoàng thân nghiên cứu vai trò của bá tước Baldi và muốn thủ vai ấy khi vở được diễn lần thứ hai.
— Tôi vội lắm, nữ công tước nói với bá tước, vì tôi phải ra trò ngay ở xen thứ nhất của hồi hai. Chúng ta hãy qua phòng lính gác đi!
Ở đấy, giữa hai mươi cấm vệ binh ai cũng tỉnh như sáo và rất chăm chú nghe những lời nói của ngài thủ tướng và bà lớn tổng quản đại thần, nữ công tước cười nói với bạn.
— Anh cứ mắng tôi khi tôi nói những bí mật một cách vô ích, Ernest được lên ngôi là nhờ tôi đấy, vấn đề là phải trả thù cho Fabrice mà ngày ấy tôi yêu hơn bây giờ không biết bao nhiêu, dù là yêu trong sạch. Tôi thừa biết anh không tin ở sự trong sạch đó tí nào, nhưng cần gì, bởi vì anh vẫn cứ yêu tôi bất chấp những tội ác của tôi. Vâng! Đây là một tội ác thực sự, tất cả kim cương của tôi, tôi mang cho một chàng điên thuộc lại rất ngộ nghĩnh tên là Ferrante Palla, tôi lại còn ôm hôn nó nữa để cho nó giết cái người muốn đầu độc Fabrice. Có hại gì kia chứ.
— Ái chà! Thì ra Ferrante lấy tiền ở đấy để gây cuộc bạo động! Bá tước hơi sửng sốt nói. Thế mà phu nhân thuật tất cả những cái đó ở ngay phòng gác này!
— Vì tôi vội mà, còn Rassi thì đã đánh hơi thấy dấu vết tội phạm. Nhưng đúng là tôi không hề nói tới bạo khởi vì tôi ghê tởm bọn Jacobins. Anh hãy suy nghĩ về vụ này đi, rồi cho tôi biết ý kiến sau khi vở kịch diễn xong.
— Tôi nói ngay với phu nhân là phải làm cho hoàng thân cảm phu nhân…. Nhưng cần phải lương thiện.
Người ta gọi là nữ công tước ra trò, bà chạy đi.
Mấy hôm sau bà công tước nhận được từ trạm bưu điện một cái thư lớn, lố lăng, ký tên một thị hầu phòng cũ của bà. Chị ấy xin một chỗ làm ở cung điện, nhưng vừa nhìn qua, phu nhân đã thấy ngay không phải nét chữ, cũng không phải lời van của chị ấy. Khi giở đọc trang hai, bà thấy rơi xuống dưới chân một bức vẽ phép mầu của Đức Mẹ, gấp trong tờ sách in cũ. Nhìn lướt qua tấm hình xong bà đọc mấy dòng trên tờ sách in cũ kỹ. Mắt bà sáng lên, bà đọc thấy:
“Người dân ủy phận một trăm quan mỗi tháng, không lấy hơn, số còn thừa người ta muốn dùng để nhen nhóm lại ngọn lửa thiêng liêng trong những tâm hồn đã nguội lạnh vì ích kỷ. Con cáo theo dấu tôi, vì thế tôi không tìm cách gặp lại người kính yêu một lần cuối. Tôi tự hỏi nàng không thích chế độ cộng hòa, mà nàng thì hơn ta về trí tuệ lẫn duyên dáng và dung nhan. Vả chăng làm sao thiết lập được chế độ cộng hòa trong khi không có những con người cộng hòa?[115] Tôi có nhầm không? Trong sáu tháng nữa tôi sẽ cầm kính hiển vi đi rong khắp các thành phố nhỏ ở Mỹ, đi bộ, và sẽ xem còn nên yêu kẻ tình địch duy nhất của phu nhân ở trong lòng tôi hay không. Thưa Công tước phu nhân, nếu phu nhân nhận được thư này mà không có con mắt phàm tục nào đọc trước phu nhân thì xin phu nhân hãy cho bẻ gãy một trong các cây tần bì tơ trồng cách hai mươi bước nơi tôi đánh bạo ngỏ lời với phu nhân lần đầu tiên. Thấy ám hiệu ấy, tôi sẽ bảo chôn dưới gốc cây trường thanh lớn trong khu vườn mà phu nhân có một lần chú ý trong những ngày hạnh phúc của tôi, chôn một cái hộp chứa thứ thường làm cho những người cùng chính kiến với tôi bị vu cáo. Hẳn là tôi đã tránh viết thư nếu như con cáo không theo dấu tôi và không thể lần lên tới thiên tiên, mười lăm hôm nữa, hãy xem cây trường thanh”.
— Anh ấy có một nhà in để sử dụng, nữ công tước tự nhủ, thì rồi ít lâu nữa chúng ta sẽ có một tập thơ, chỉ có Chúa biết cái tên anh chàng dùng để gọi ta trong đó.
Bà công tước đỏm dáng muốn làm một cuộc thể nghiệm, bà thấy khó ở mất tám hôm, và triều đình không có một tối nào vui vẻ. Trong buổi đau thời góa bụa, vì sợ con, thái phi phải làm những việc ngày nay và còn lấy làm bực mình, cho nên trong tám ngày đó, bà đến ở một nhà tu kín gắn liền với cái nhà thờ có mộ cố quận vương. Vì những tối vui bị gián đoạn, hoàng thân được rỗi rãi quá và uy tín của vị bộ trưởng tư pháp bị giảm sút đáng kể. Ernest ý thức được cảnh buồn chán của ông nếu nữ công tước rời bỏ triều đình, hoặc là chỉ ngừng đem sự vui vẻ đến cho nó. Các tối vui thế là tái diện và hoàng thân ngày càng thấy thích thú với những kịch chương. Ông dự định đóng một vai nhưng không dám thú thật tham vọng đó. Một hôm, mặt đỏ dừ vì e thẹn, ông nói với bà công tước:
— Tôi cũng đóng vai được chứ?
— Tất cả chúng tôi đều ở dưới quyền điều khiển của Điện hạ. Nếu ngài hạ cố ra lệnh, tôi sẽ chuẩn bị đề cương một vở kịch trong đó những cảnh huy hoàng có Điện hạ thủ vai đầu
— Có tôi cũng đóng!
— Vì những lúc đầu, ai thủ vai cũng có chút ít ngỡ ngàng, nếu Điện hạ chú ý nhìn tôi, tôi sẽ nhắc cho Điện hạ những lời Điện hạ cần nói.
Tất cả đều được sắp đặt và xếp đặt một cách tài tình vô hạn. Hoàng thân rụt rè e thẹn lấy làm xấu hổ về tính rụt rè e thẹn của mình, bà công tước làm hết cách để cho vị quận vương trẻ tuổi khỏi phải tủi hổ về tính rụt rè bẩm sinh của mình và điều đó gây ấn tượng sâu sắc cho hoàng thân.
Ngày hoàng thân ra mắt, cuộc trình diễn bắt đầu nửa tiếng đồng hồ sớm hơn thường lệ và khi đi sang phòng diễn thì chỉ có chín mười bà lớn đứng tuổi lúc đó đang ở phòng khách theo sang. Những bộ mặt đó không làm cho hoàng thân ngại và lại được nuôi học ở Munich theo những nguyên lý quân quyền chính cống, các bà lúc nào cũng vỗ tay hoan hô. Dùng quyền lực tổng quản đại thần, nữ công tước khóa trái cái cửa dành cho các triều thần hạng thường vào xem trò. Có khiếu văn chương và gương mặt tuấn tú, hoàng thân diễn những cảnh đầu rất thành công, ông lập lại một cách thông minh những câu ông đọc thấy trong mắt bà công tước hoặc là nghe bà nhắc khẽ trong mồm. Nhân dịp các khán giả thưa thớt vỗ tay sôi nổi, bà công tước ra hiệu, tức thời hai cánh cửa chính mở toang và trong nháy mắt, tất cả những phụ nữ xinh đẹp nhất trong triều ùa vào chiếm hết cả phòng diễn, thấy diện mạo hoàng thân dễ ưa, dáng người hớn hở, họ vỗ tay vang dội, hoàng thân đỏ mặt vì sung sướng. Ông đóng vai một người say mê nữ công tước. Được một lúc, thì không những không cần mách lời đối đáp cho hoàng thân, bà buộc lòng phải bảo ông rút ngắn các xen, ông nói chuyện yêu đương với một bà bồng bột nhiều khi làm cho nữ diễn viên lúng túng. Lời đối đáp của ông kéo dài đến năm phút. Bà công tước không còn là người đẹp lộng lẫy năm qua, việc tù tội của Fabrice và còn hơn thế, cảnh “đồng thuyền dị mộng” trên hồ Majeur với chàng trai im lặng và buồn bã đã chất chồng thêm mười tuổi lên người nàng Gina xinh đẹp. Nét mặt nàng hằn sâu, cỏ vẻ tăng chất suy tư nhưng giảm phần tươi mát.
Gương mặt nữ công tước giờ đây ít khi rạng niềm vui tươi của xuân, nhưng trên sân khấu, có son phấn và kỹ thuật hóa trang của người nữ diễn viên trợ giúp, phu nhân vẫn là người xinh đẹp nhất ở triều đình. Những lời đối thoại say sưa của hoàng thân khiến quần thần chú ý, buổi tối hôm đó, mọi người đều nói: Nàng Balbi của triều đại mới này đây rồi! Bá tước trong thâm tâm lấy làm bất bình. Vở diễn xong, nữ công tước nói với hoàng thân, trước mặt triều đình:
— Điện hạ diễn hay quá mức, người ta sắp đồn là Điện hạ cảm một người đàn bà ba mươi tám tuổi, điều đó làm lỡ cuộc hôn nhân của tôi với bá tước cho mà xem. Vì vậy, tôi không đóng kịch với Điện hạ nữa trừ khi Điện hạ thề là sẽ nói năng với tôi như với một người đàn bà đứng tuổi, như với hầu tước phu nhân Raversi chẳng hạn.
Cảnh đó được diễn đến ba lần và hoàng thân say sưa vì hạnh phúc. Nhưng có một tối, ông tỏ ra rất lo âu. Bà lớn tổng quản lý nói với thái phi:
— Nếu tôi không lầm thì gã Rassi đang tìm cách chơi thầy trò ta một vố đau đây. Tôi đường đột dám khuyên Công nương ra lệnh tối mai lại diễn trò. Quận vương sẽ diễn tồi và trong cơn thất vọng chắc Người sẽ bộc lộ với Công nương một cái gì.
Đúng như vậy, tối đó hoàng thân diễn rất tồi, Ngài nói lí nhí nghe không rõ và không biết kết thúc câu kéo của mình như thế nào. Cuối hồi thứ nhất, ngài suýt phát khóc. Nữ công tước đứng bên cạnh nhưng cứ lạnh lùng, yên lặng. Được đứng một mình giây lát với phu nhân trong buồng diễn viên, hoàng thân kéo cửa lại, rồi nói:
— Tôi không thể nào tiếp tục diễn hồi hai và hồi ba, tôi không muốn được người ta hoan hô vì nhã ý, những tiếng vỗ tay vì tôi tối hôm nay như xé tim tôi. Phu nhân nên bảo tôi nên làm thế nào?
— Tôi sẽ tiến ra phía trước sân khấu, nghiêng mình sát đất chào Điện hạ, rồi quay sang chào khán giả y như một chủ gánh hát thực sự và tôi sẽ nói diễn viên đóng vai Lélio bị mệt đột ngột, buổi biểu diễn sẽ kết thúc bằng mấy bài ca nhạc. Bá tước Rusca và cô bé Ghisolfi sẽ sướng rơn người khi được giới thiệu cái giọng chua như dấm của họ với những khán giả sang trọng như thế này. Hoàng thân cầm bàn tay nữ công tước lên hôn một cách nồng nhiệt và nói:
— Sao phu nhân không là đàn ông nhỉ? Là đàn ông thì tôi sẽ nhận được một lời khuyên bảo tốt đẹp. Rassi vừa đặt lên bàn giấy tôi một trăm tám mươi hai tờ cung khai về những kẻ coi là đã hạ sát phụ vương. Ngoài các tờ cung, còn có một bản cáo trạng dài trên hai trăm trang, tôi phải đọc tất cả những thứ ấy, ngoài ra tôi đã hứa không hở gì cho bá tước biết cả.
Việc này đưa thẳng đến những nhục hình, hắn đã muốn tôi bắt cóc ngay ở địa phận nước Pháp, gần Antibes, nhà thơ lớn Ferrante Palla, mà tôi mến phục không biết bao nhiêu. Nhà thơ sống ở đấy dưới cái tên Poncet.
— Cái ngày mà Điện hạ cho treo cổ một tên tự do, thì từ ngày đó, Rassi sẽ được xích chặt vào nội các bằng những xiềng sắt và đó là điều ông ta mong muốn hơn hết, nhưng mà cũng từ đó Điện hạ không thể nào đi dạo mát nếu không báo trước ít nhất là hai tiếng đồng hồ. Tôi sẽ không bẩm lại với thái phi, cũng không mách với bá tước cái tiếng yêu thương Điện hạ vừa buột miệng, nhưng vì theo lời thề nhậm chức của tôi, tôi không được dấu điều gì với thái phi, cho nên tôi rất sung sướng nếu Điện hạ vui lòng nói với lệnh mẫu hậu những điều Người vừa để lộ với tôi.
Cái ý ấy khiến hoàng thân khuây khỏa nỗi đau biểu diễn hỏng đang đè nặng lòng mình.
— Thế thì phu nhân hãy đi bảo với mẹ tôi đi, tôi vào buồng lớn của Người đây.
Hoàng thân rời hậu trường, đi qua phòng khách, đưa mắt nghiêm nghị bảo quan lễ thần và quan trợ tá võ phòng trực ban theo hầu mình lui ra. Về phần thái phi, bà vội vã rời diễn trường. Bà tổng quản lý đại thần vào buồng lớn thì cúi rạp người chào mẹ con quận vương rồi lui ra. Có thể đoán các ông lớn bà lớn xôn xao như thế nào, những việc như thế làm cho triều đình trở nên rất vui nhộn. Sau một tiếng đồng hồ, đích thân quận vương mở cửa ra gọi nữ công tước, Thái phi đang khóc, quận vương mặt mày biến sắc.
“Đây là những người nhu nhược đang có điều bực tức, nữ công tước tự nhủ, họ đang kiếm cớ để trút giận lên đầu một người nào”. Thoạt tiên, mẹ con họ tranh nhau kể chi tiết cho bà nghe, trong những câu trả lời, bà cẩn thận không đưa ra một ý kiến nào hết. Trong suốt hai tiếng đồng hồ khổ sở, ba diễn viên của tấn kịch chán phèo này không hề rời bỏ vai trò mà chúng tôi vừa nói đến. Quận vương thân đi lấy hai cặp da giấy tờ to tướng mà Rassi đã đặt lên bàn ngài, ra khỏi buồng lớn của thái phi, ông thấy cả triều đình chờ đợi. “Các ngài hãy đi đi, để cho tôi yên”! Hoàng thân kêu lên, giọng rất bất nhã, giọng ấy chưa ai từng thấy ở ngài bao giờ. Ngài không muốn người ta trông thấy ngài tự ôm hai chiếc cặp, một ông hoàng thì không được mang xách gì cả. Quần thần biến đi trong nháy mắt. Khi trở lại, ngài chỉ thấy những người hầu phòng đang tắt nến. Ngài giận dữ đuổi họ đi cùng với tướng Fontana tội nghiệp, người trợ tá võ phòng trực ban đã vụng về ở lại vì mẫn cán.
Khi trở về buồng, hoàng thân tức tối nói với nữ công tước:
— Tối nay ai cũng cố tình chọc tức tôi!
Ngài tin là nữ công tước rất thông minh, cho nên ngài quá giận sao bà cứ khăng khăng không chịu nói cho một ý kiến, về phần bà, bà kiên quyết không nói gì cả trước khi người ta ngỏ ý rõ ràng hỏí ý kiến của bà. Hoàng thân có ý thức về thể diện, cho nên phải chờ nửa giờ dằng dặc nữa, ngài mới chịu nói:
— Nhưng thưa nữ công tước, bà không có ý kiến gì cả ư?
— Tôi có bổn phận ở đây để phục vụ vương phi và quên nhanh những điều người ta nói trước mặt tôi.
— Thế thì, thưa phu nhân, hoàng thân đỏ chín mặt nói, tôi ra lệnh cho bà nói, tôi nghe ý kiến của bà.
— Người ta trừng phạt tội ác để ngăn không cho nó diễn ra nữa. Tiên vương có bị đầu độc không? Không tí gì chắc chắn cả! Ngài có phải bị bọn Jacobins đầu độc hay không? Đó là điều mà Rassi rất muốn chứng minh vì làm được như vậy thì ông ta sẽ trở thành một công cụ vĩnh viễn cần thiết đối với Điện hạ. Điện hạ mới bắt đầu một triều đại đã gặp một buổi tối như thế này thì trong trường hợp kia sẽ còn gặp vô số những buổi tối tương tự. Thần dân của Điện hạ đều nói, và điều đó đúng quá: Điện hạ tính tình đôn hậu. Chừng nào mà Điện hạ chưa treo cổ một tên tự do nào thì Điện hạ còn được cái tiếng đó và chắc chắn là không ai nghĩ đến chế thuốc độc giành cho Điện hạ.
— Kết luận của bà quá rõ đấy, thái phi kêu lên tức tối. Bà không muốn trừng trị những đứa sát hại chồng tôi!
— Bẩm lệnh bà, thì rõ là tôi với họ có thân tình mật thiết chứ còn gì nữa!
Nữ công tước đọc thấy trong mắt hoàng thân là ngài tin bà với thái phi kết hợp chặt chẽ để vạch cho ngài một kế hoạch xử sự. Giữa hai bà phụ nữ đã xảy ra một cuộc đối đáp chua chát và khá nhanh lẹ, sau đó nữ công tước tuyên bố bà sẽ không nói thêm một lời nào nữa. Nhưng sau một cuộc tranh luận dài với mẹ, hoàng thân lại truyền cho nữ công tước phát biểu ý kiến của mình.
— Đó là điều tôi thề với Công nương và Điện hạ là tôi sẽ không làm!
— Ô hay! Sao mà quá trẻ con thế! Hoàng thân kêu.
Thái phi nghiêm chỉnh phán:
— Tôi yêu cầu công tước phu nhân phát biểu ý kiến.
Thái phi thấy tiếng chúng tôi xấc xược, nhưng bà vừa lấy làm lạ vừa thấy hay hay khi bà tổng quản lý rất tự chủ đi mở cửa thư phòng và trở về với một cuốn thơ ngụ ngôn của La Fontaine[116]. Bà mở sách, lật một hồi và trao cho hoàng thân và nói:
— Tôi cầu xin Điện hạ đọc trọn bài ngụ ngôn.
BÁC LÀM VƯỜN VÀ LÃNH CHÚA
Làm vườn có một bác
Nửa kẻ chợ, nửa nhà quê.
Vườn thơm sạch, thổ liền kề
Trồng cây làm đậu bốn bề vây quanh
Rau me, rau diếp, ngút xanh,
Hoa thì vừa đủ kết thành bó thơm
Để mừng sinh nhật cô Năm…
Thú kia, chú thỏ chơi khăm quấy rầy.
Đem lãnh chúa tỏ bày nông nỗi:
“Thỏ chết vằm sớm tối ngốn, xơi,
Bẫy, vòng nó tránh như chơi,
Đá, sào bất lực, đi đời uy danh!
Thỏ này chắc đã thành tinh!
Là yêu đi nữa cũng kềnh với ta!
Nó dù giở hết trò ma
Đám kia bắt gọn, không tha, chẳng nhường
Ta trừ giúp lão tai ương…
Khi nào? mai sớm, dềnh dàng làm chi?”
Y lời, cùng thủ hạ đi
“Nào! Ăn sáng đẻ!… gà tơ chú mềm![117]
Chén xong, huyên náo cả lên
Ba bề soạn sửa bốn bên nói cười:
Kèn kêu, còi rúc inh trời
Điếc tai, nhà chủ rụng rời hồn kinh
Càng lớn hơn: nỗi bất bình,
Vườn rau ơi hỡi! Tan tành xác xơ!
Hết rồi! Luống nọ, luống kia,
Xong đời cải đắng!
Xúp khuya
Hết thời![118]
Bác rừng: “Gớm! Trò chơi vua chúa!”
Mặc bác than… lũ chó và người trong một giờ phá một hơi
Bằng toàn dân thỏ dưới trời, trăm năm.
Các tiểu vương có thù hiềm
Mà kêu vua chúa cũng cầm bằng điên.
Chẳng thà cứ giải quyết riêng
Chớ vời họ đến trận tiền tham gia.
Cũng không rước tới đất nhà!"
Hoàng thân đọc xong, mọi người im lặng một lúc lâu. Ngài đi bách bộ trong buồng sau khi tự đến đặt cuốn sách vào chỗ cũ.
— Nào, công tước phu nhân, thái phi nói, bà có hạ cố lên tiếng cho không?
— Bẩm Công nương, chắc là không! Cho đến khi nào được quận vương cử làm thủ tướng. Nói ở đây, tôi có nguy cơ mất chức tổng quản lý đại thần.
Lại im lặng trong mười lăm phút dài dằng dặc. Cuối cùng thái phi nghĩ đến vai trò của Marie de Médicis[119] mẹ vua Louis XIII những ngày trước đây, bà tổng quản lý đã đọc sách báo cho thái phi nghe cuốn Lịch sử Louis XIII tuyệt diệu của ông Bazin. Thái phi dù tức cũng ngại nữ công tước bỏ xứ mà đi, và lúc ấy Rassi, mà bà ghê sợ, có thể bắt chước Richelieu khiến con bà phát lưu bà. Lúc này dù trả giá gì, thái phi cũng sẵn lòng trả để hạ thể diện bà nữ công tước, nhưng thấy không làm được, bà bèn đứng dậy, cầm tay nữ công tước với một nụ cười quá đon đả, và nói:
— Nào, bà lớn, bà lớn hãy nói đi để chứng tỏ tình bạn đối với tôi chứ.
— Thế thì bẩm Công nương, chỉ một câu thôi, không hơn: Hãy thiêu hủy ở lò sưởi kia tất cả những giấy tờ mà con rắn độc Rassi tập hợp, và đừng bao giờ nhận với hắn là đã đốt.
Bà ghé tai nói thêm một cách thân mật và rất khẽ với thái phi
— Rassi có thể là Richelieu!
— Nhưng ác hại quá! Những giấy tờ này tốn cho tôi tám vạn quan! Hoàng thân tức tối kêu lên.
— Thưa Điện hạ, nữ công tước dàn giọng đáp, dùng những tên lưu manh dòng mống hạ tiện là như thế đó. Ước gì Điện hạ mất một triệu để đừng bao giờ tin những tên vô lại hèn mạt, đã làm cho lệnh phụ vương mất ngủ trong sáu năm cuối ngài trị vì.
Những tiếng dòng mống hạ tiện khiến cho thái phi vô cùng thích thú, trước đây bà thường cho là bá tước và người bạn gái của ông chỉ chuộng trí tuệ mà trí tuệ thì cũng gần như anh em với chủ nghĩa Jacobins.
Trong giây lát im lặng hoàn toàn, qua đó thái phi có những suy nghĩ nói trên thì đồng hồ cung điện đánh ba giờ sáng. Thái phi đứng lên, cúi gập người chào hoàng thân và nói:
—Sức khỏe của tôi không cho phép tôi tranh luận lâu hơn nữa. Đừng bao giờ dùng một bộ trưởng dòng mống hạ tiện. Điện hạ không thể nào làm cho tôi khỏi nghĩ rằng Rassi đã đánh cắp một nửa số tiền mà hắn buộc ngài tiêu dùng vào việc do thám.
Thái phi cắm hai cây nến trên các đài đèn, đem đặt trong lò sưởi để giữ cho nến khỏi tắt. Rồi lại gần con, bà nói thêm:
—Trong trí óc tôi, bài ngụ ngôn của La Fontaine đã át lòng ham muốn chính đáng báo thù cho chồng, Điện hạ có cho phép tôi đốt những văn bản kia không? Hoàng thân đứng im.
“Vẻ mặt của anh ta thật là đờ đẫn, nữ công tước nghĩ thầm. Bá tước nói có lý, giá là cố quận vương thì đã không để cho chúng ta thức đến ba giờ sáng mà không quyết định!”.
Thái phi vẫn đứng nói tiếp:
— Cái tên biện lý hèn mọn ấy chắc sẽ lấy làm tự hào là những giấy tờ đầy rẫy dối trá của nó, những giấy tờ được bố trí để cho nó thăng quan tiến chức đã bắt hai nhân vật quyền quý nhất trong nước thức trắng đêm!
Hoàng thân xông đến vồ một trong hai chiếc cặp như một người cuồng, mở ra và trút hết giấy má vào lò sười. Mớ giấy bề bộn suýt đè tắt hai ngọn nến. Phòng xông đầy khói. Thái phi nhìn thấy trong mắt con cái ý đồ đem một lọ nước rưới lên để cứu đống giấy tờ đã làm tốn của mình tám vạn francs.
— Mở cửa sổ đi chứ! Bà tức tối bảo nữ công tước.
Bà công tước vội vã tuân lệnh, tức thời tất cả các tờ giấy bắt lửa cháy lên một lượt. Lò sưởi rít lên và lát sau rõ ràng là nó cháy[120]
Hoàng thân ti tiện về những vấn đề tiền nong, ngài tưởng như cung điện của mình phát hỏa và của cải trong đó bị thiêu hủy hết. Ngài chạy đến cửa sổ và giọng lạc hẳn đi, ngài gọi lính cấm vệ. Nghe tiếng quận vương vệ binh xôn xao chạy đến đầy sân. Hoàng thân trở lại bên lò sưởi, ở đấy ống khói đang hút không khí tràn vào phòng qua cửa sổ mở và phát ra tiếng rú kinh hồn. Ngài bực mình, chửi đổng lên, đi hai ba vòng quanh buồng như một người cuồng nộ, và cuối cùng bỏ đi.
Thái phi và bà tổng quản lý cứ đứng đó, đối diện với nhau và cùng nín lặng.
“Lại giận dữ nữa chăng? Nữ công tước nghĩ thầm. Phải nói vụ án của ta thắng lợi rồi đó“. Bà sắp sửa đối đáp một cách ngạo mạn thì đầu óc chợt sáng bừng lên một sáng kiến. Thấy cái cặp thứ hai còn y nguyên, bà tự nhủ: “Không! Ta mới thắng được nửa!”. Bà nói với thái phi, vẻ như không quan tâm đến lắm:
— Công nương có định truyền cho tôi đốt nốt chỗ giấy tờ còn lại này không?
— Đốt ở đâu chứ? Thái phi nói, vẻ tức ý.
— Ở lò sưởi phòng khách, cứ ném vào từng tờ một thì không hề gì.
Nữ công tước ôm chiếc cặp dày cộm giấy tờ lên, cầm một cây nến, đi sang phòng khách kề bên. Bà nán lại xem thấy đúng là cặp ấy chứa đựng những lời cung khai, bèn bỏ vào khăn choàng năm sáu cuộn giấy, và đốt cẩn thận những tập còn lại, rồi ra về không cáo từ thái phi.
“Thế này thì hỗn láo thật! Nữ công tước cười thầm và tự nhủ. Nhưng với những tình cảm của một bà quả phụ làm ra vẻ không nguôi tang chồng, bà ta xuýt làm mình mất đầu trên máy chém!”.
Nghe thấy tiếng xe ngựa của nữ công tước đi ra, thái phi giận bà tổng quản lý của mình tím ruột.
Nữ công tước cho mời bá tước dù đêm đã hầu tàn; bá tước bận đi chữa cháy cho cung điện, tuy nhiên chỉ giây lát sau ông có mặt và báo là mọi việc đã yên ổn.
— Ông hoàng nhỏ này quả là gan dạ và tôi đã khen ông một cách bồng bột.
— Anh xem nhanh những tờ cung khai này rồi ta đốt đi cho chóng.
Bá tước đọc và xanh mặt.
— Phải nói rằng chúng đã có gần đến sự thật, cuộc điều tra này tiến hành rất khôn khéo và chúng nó đã tìm thấy rất đúng dấu chân của Palla. Nếu Palla khai ra thì vai trò của chúng ta sẽ khó khăn đấy.
— Nhưng anh ấy không khai đâu, nữ công tước kêu lên. Anh ấy là một người quí trọng danh dự. Đốt thôi! Đốt thôi!
— Gượm đã; hãy cho tôi lấy thêm mươi, mười lăm nhân chứng nguy hiểm, vạn nhất Rassi có mở cuộc điều tra lại thì tôi sẽ cho bắt cóc bọn này đi.
— Tôi chắc Cụ lớn nhớ là hoàng thân đã hứa không nói gì với ông bộ trưởng tư pháp của ngài về cuộc hành trình đêm qua của chúng tôi.
— Vì nhu nhược và sợ bị gây gổ lôi thôi, ông ta sẽ giữ lời hứa đó.
— Bây giờ nói chuyện khác, anh thân yêu ạ, cái đêm này thúc đẩy cuộc hôn nhân của chúng ta tiến lên nhanh lắm. Trước đây em không muốn mang đến cho anh một vụ án đại hình làm của hồi môn hơn thế, một vụ án xảy ra vì một tội lỗi em phạm do lòng thương tưởng đến một người không phải là anh.
Bá tước là người si tình, ông cầm tay nữ công tước lên reo mừng; mắt ông rớm lệ.
— Trước khi về anh hãy bảo em nên xử sự với thái phi như thế nào. Em mệt đuối rồi, em đóng kịch một tiếng đồng hồ trên sân khấu và năm tiếng đồng hồ ở hậu cung.
— Em đã trả thù những lời chua chát của thái phi khá đủ bằng việc bỏ ra về một cách xấc láo, mà những lời chua chát của bà ta cũng chỉ do tính nhu nhược mà ra thôi. Đến mai em hãy khôi phục cái điệu đối xử với bà lúc sáng nay. Gã Rassi chưa bị phát vãng, chúng ta chưa xé tan bản án Fabrice mà!
— Em đã yêu cầu thái phi có một quyết định, điều đó bao giờ cũng làm cho những ông hoàng, cả những ông thủ tướng nữa chột dạ. Sau nữa, em là bà tổng quản của bà ấy, cũng tức là cô hầu cận của bà. Khi bà nghĩ lại và điều đó không tránh khỏi ở những người nhu nhược thì trong ba hôm nữa Rassi sẽ đắc sủng hơn bao giờ hết; rồi hắn sẽ tìm một người nào đó để treo cổ; khi hắn còn chưa làm cho quận vương lâm vào tình thế bất ổn thi hắn còn chưa tin là địa vị của hắn đã vững chắc.
Có một người bị thương trong vụ cháy đêm nay; đó là một người thợ may đã tỏ ra dũng cảm phi thường. Đến mai, anh sẽ rủ hoàng thân tựa vào cánh tay anh để cùng với anh đến thăm người thợ may đó. Anh sẽ mang đầy đủ vũ khí và sẽ căng mắt nhìn quanh; vả lại ông hoàng trẻ này chưa bị căm ghét đâu. Anh thì anh muốn lập cho ông quen đi dạo trong đường phố. Đó là một vố mà anh chơi cho tên Rassi, vì chắc chắn nó sắp kế vị anh và sẽ không dám làm liều như thế. Ở nơi người thợ may trở về, anh sẽ đưa ngài đi qua trước tượng đài của ông bố; ngài sẽ để ý đến những vết đá ném đến đã làm vỡ cái xiêm kiều lui-même mà tên tạc tượng ngốc kia đã mặc cho ông ta. Và cuối cùng, ông hoàng này có là kém thông minh lắm mới không tự mình nhận xét: ” Ấy treo cổ bọn Jacobins thì được như thế đấy!” Anh sẽ đáp: “Phải treo cổ một vạn tên hoặc là không treo tên nào! Đêm thánh Barthélemy[121] đã hủy diệt những người theo đạo Cải cách ở Pháp”.
— Em thân yêu ạ, ngày mai, trước khi quận vương và anh đi dạo, em hãy đến yết kiến ngài và nói: “Tối hôm qua, tôi đã làm nhiệm vụ bộ trưởng bên cạnh Điện hạ, tôi đã khuyên bảo Điện hạ thế nọ thế kia theo lệnh Điện hạ truyền, vì vậy đức thái phi không bằng lòng tôi. Điện hạ phải đền công cho tôi”. Hoàng thân ngỡ em vòi tiền, ngài sẽ cau mày. Em cố gắng để cho ngài chìm đắm trong ý nghĩ khốn khổ ấy càng lâu càng hay. Rồi em nói: “Tôi xin Điện hạ ra lệnh cho người hai quan án được quí trọng nhất trong lãnh thổ ngài xử hiện diện Fabrice (nghĩa là hắn phải có mặt)”. Và không để mất thì giờ, em đưa cho ngài ký một chỉ dụ nhỏ do bàn tay xinh đẹp của em viết nên, với những lời anh sắp đọc đây, tất nhiên anh sẽ đưa thành một điều khoản việc hủy bỏ bản án ký.
Đối với việc này, chỉ có một điều chống lại nhưng nếu em tiến hành công việc một cách sốt dẻo thì hoàng thân không kịp nghĩ ra đâu. Ngài có thể nói: “Thế thì Fabrice phải đến chịu giam ở ngục thành”. Em trả lời: ”Nó sẽ đến chịu giam ở nhà lao thành phố”. (Em biết anh là chủ ở đó, tối nào anh cháu ấy cũng sẽ đến thăm em). Nếu hoàng thân đáp: “Không, việc nó vượt ngục xúc phạm danh dự cái ngục thành của tôi và tôi muốn nó trở về chỗ buồng nó ở trước kia, trên hình thức thôi”. Đến lượt em đáp; “Không, ở đây nó sẽ nằm trong tay tên Rassi thứ dịch của tôi”. Và bằng một lời bóng gió kiểu phụ nữ mà em vốn biết cách khéo léo ném ra, em làm cho ngài hiểu rằng để xoa dịu Rassi em có thể kể cho hắn nghe cuộc hỏa thiêu đêm nay; nếu ngài còn kéo nài, em báo tin là em sẽ về nghỉ mươi lăm hôm ở lâu đài Sacca của mình.
Em hãy gọi Fabrice và hỏi ý kiến nó về cuộc vận động có thể đưa nó trở về nhà lao này. Phải dự kiến cho hết, nếu như trong khi Fabrice bị giam, Rassi sốt ruột đầu độc anh, thì Fabrice sẽ lâm nguy. Nhưng việc này ít có khả năng xảy ra, em biết đã mướn một anh bếp người Pháp, anh này là một người vui tính nhất đời, thường hay chơi chữ, mà đã chơi chữ thì không giết người, hai việc không dung hòa với nhau. Anh đã nói với chú bạn Fabrice của chúng ta là anh đã tìm được tất cả những người có chứng kiến hành động đẹp đẽ và can đảm của nó, hiển nhiên là chính tên Giletti đó muốn giết nó. Anh không nói với em chuyện những nhân chứng đó bởi vì anh muốn dành cho em một bất ngờ, nhưng kế hoạch đó đã hỏng rồi, hoàng thân không chịu ký. Anh có nói với Fabrice là chắc chắn anh sẽ đưa nó lên một địa vị cao trong ngành giáo hội; nhưng anh sẽ lao đao vô kể nếu như bọn thù địch của nó lấy việc giết người mà kháng cáo ở tòa thánh La mã.
Nếu không được xét xử một cách long trọng nhất thì suốt đời, cái tên Giletti sẽ làm cho nó khó chịu, phu nhân có cảm thấy như thế không? Nếu mình tin chắc là không phạm tội mà không để cho người ta xét xử thì tầm thường quá. Vả chăng dù nó có phạm tội đi nữa, anh cũng sẽ làm cho nó trắng án.
Khi anh nói chuyện này với nó, thì chàng trai sôi nổi đó lấy ngay cuốn niên lịch danh mục nhà nước ra và đã cùng anh chọn được mười hai quan tòa liêm chính và thông thái nhất; lập xong danh sách, anh và nó lại xóa đi sáu tên, định thay thế bằng sáu luật gia thù địch với bản thân anh, vì chỉ tìm được có hai kẻ thù, cho nên chúng tôi đã bổ sung bằng bốn tên bất lương trung thành với Rassi.
Đề nghị của bá tước khiến nữ công tước băn khoăn lo ngại khôn xiết kể, lo ngại không phải không có căn cứ. Rốt cục, bà cũng đành nghe lời bá tước và ông đọc cho bà viết chỉ dụ cứ các quan tòa.
Đến sáu giờ sáng, bá tước mới cáo từ bà công tước ra về. Bà cố ngủ, nhưng không được. Đến chín giờ, bà ăn sáng với Fabrice và thấy anh rất nóng lòng muốn xét xử.
Mười giờ, bà đến cung thái phi, nhưng thái phi không tiếp khách; mười một giờ, bà yết kiến hoàng thân vào lúc hoàng thân thức dậy và ngài ký chỉ dụ không chút khó khăn nào. Nữ công tước gửi chỉ dụ đến cho bá tước rồi đi ngủ.
Thuật lại nỗi điên tiết của Rassi ở trước mặt quận vương khi bá tước buộc hắn đồng ký vào chỉ dụ mà quận vương vừa ký lúc sáng thì cũng vui đấy, nhưng sự việc dồn dập buộc tôi phải vội.
Bá tước tranh luận về phẩm chất của từng quan tòa và đề nghị Rassi thay người trong danh sách. Nhưng có lẽ bạn đọc đã hơi chán những thủ tục tố tụng cũng như những mưu toan xúc xiểm ở triều đình, về tất cả những cái ấy, có thể rút ra bài học xử thế này: Mình đang sống yên vui mà đến chỗ triều đình thì chỉ làm hỏng hạnh phúc của mình, và trong mọi trường hợp, cuộc sống ở triều đình đều làm cho tương lai của mình phụ thuộc vào những mưu toan của một con mụ hầu phòng.
Về mặt khác, ở Mỹ, trong chế độ cộng hòa thì người ta phải suốt ngày chết chán vì chầu hầu những anh chủ hiệu ở đường phố để rồi trở thành ngu ngốc như họ; và ở đó lại không có kịch viện. Buổi chiều, lúc thức giấc, và công tước giật mình kinh sợ: Fabrice vắng mặt. Cuối cùng, vào nửa đêm, khi dự cuộc diễn kịch tại cung điện, bà được một bức thư của anh. Đáng lẽ vào chịu giam ở nhà lao thành phố, ở đó bá tước làm chủ, anh lại đến cái buồng giam cũ của anh ở ngục thành, quá sung sướng vì được ở cách Clélia chỉ mấy bước.
Việc ấy mang đến một hậu quả không lường được: Ở đây, anh bị cái họa thuốc độc đe dọa hơn lúc nào hết. Hành động điên rồ ấy khiến nữ công tước tuyệt vọng. Nhưng bà tha thứ động cơ của nó, Fabrice làm thế chỉ vì yêu si yêu dại Clélia, mà rõ ràng là chỉ còn mấy hôm nữa thì nàng phải lấy anh chàng hầu tước Crescenzi giàu có. Sự điên rồ ấy đã trả lại cho Fabrice tất cả ảnh hưởng của anh bên tâm hồn nữ công tước xưa kia.
“Ấy cũng tại cái mảnh giấy chết dẫm mà ta mang đi xin chữ ký đó, nên Fabrice mới đi vào chỗ chết! Cái ngữ đàn ông ấy họ mới rồ dại làm sao với những ý niệm danh dự của họ chứ! Làm như cần phái nghĩ đến danh dự ở một chính thể chuyên chế, trong một nước mà tên Rassi là bộ trưởng Tư pháp! Chỉ cần nhận ngay, nhận không kiểu cách lệnh ân xá mà quận vương chắc cũng ký dễ dàng như chỉ dụ triệu tập tòa án bất thường kia. Chung qui thì một nhân vật đại thế gia như Fabrice dù có bị vu cáo người hay ít là đã tự tay cầm gươm giết một tên hề tuồng như Giletti cũng có gì hại lắm đâu!”.
Vừa nhận được giấy của Fabrice, nữ công tước chạy ngay đến tìm bá tước và thấy ông xanh mặt.
— Trời! Em thân yêu, anh thật chẳng may tí nào với chú bé ấy, và em sẽ lại giận anh. Anh có thể chứng minh cho em thấy rằng tối hôm qua anh đã gọi viên chủ ngục thành phố đến. Giá anh cháu em chịu ngồi tù ở đó thì không ngày nào nó lại không đến uống trà với em. Điều đáng sợ là cả anh lẫn em đều không thể nói với hoàng thân là chúng ta ngại thuốc độc, thuốc độc do tay Rassi bỏ; ngại như thế, hoàng thân sẽ cho là vô đạo. Tuy nhiên, nếu em yêu cầu thì anh sẵn sàng vào cung; nhưng anh cầm chắc lời đáp rồi. Anh còn muốn nói hơn thế, anh hiến cho em một phương kế mà anh không dùng cho anh. Từ khi có quyền binh ở đây, anh chưa hề giết hại một người nào và em biết là về phương diện này, anh ngốc đến nỗi một đôi khi, lúc hoàng hôn xuống, anh nghĩ đến hai tên gián điệp mà anh cho bắn hơi vội vàng ở Tây Ban Nha. Ấy đấy, em có muốn anh trừ khử Rassi cho em không? Nó nguy hiểm cho Fabrice vô kể, nó dùng việc sát hại Fabrice như một phương tiện để trục anh đi.
Đề nghị của bá tước khiến nữ công tước rất vui lòng, nhưng bà không chấp nhận. Bà nói với bá tước:
— Em không muốn khi chúng ta lui về nghỉ dưới bầu trời. Naples rực rỡ, anh có những ý nghĩ u ám lúc vào đêm.
— Nhưng mà, em thân yêu ạ, hình như chúng ta chỉ có thể lựa chọn trong những ý nghĩ u ám mà thôi. Em sẽ ra thế nào, cả anh cũng sẽ ra thế nào nếu Fabrice bị một chứng bệnh nào đó mang đi?
Hai bên càng tranh luận hăng hơn trên ý định này; cuối cùng nữ công tước chấm dứt bằng một câu:
— Rassi được sống là nhờ em yêu anh hơn yêu Fabrice. Không, em không muốn đầu độc tất cả những buổi tối mà chúng ta sẽ thức với nhau trong tuổi già.
Nữ công tước chạy đến ngục thành. Tướng Fabio Conti lấy làm sung sướng được đưa luật nhà binh ra để ngăn trở bà: Không ai được vào một nhà ngục quốc gia nếu không có lệnh chỉ do quận vương ký.
— Nhưng hầu tước Crescenzi và bọn nhạc công của ông ta vào ngục thành hàng ngày thì sao?
— Là vì tôi đã xin được cho họ một lệnh chỉ của hoàng thân.
Bà công tước đáng thương không biết hết những hiểm họa của mình bị xúc phạm vì sự vượt ngục của Fabrice. Khi thấy anh trở về nhà ngục, đáng lẽ ông ta không nhận vì không có lệnh. Nhưng ông tự nhủ: “Ừ, đúng là trời xui nó đến đây để đền danh dự cho ta và cứu ta khỏi một sự lố bịch làm ô nhục cuộc đời quân nhân của ta. Hãy đừng để mất cơ hội! Hẳn người ta sẽ tha bổng nó, ta không có nhiều ngày giờ để trả thù đâu!