Cô tưởng đây là một cảnh hiện hình mà Chúa cho phép diễn để trừng phạt cô; nhưng rồi sự thực hãi hùng cũng phơi bày ra: “Chàng đã bị chúng nó bắt trở lại, cô tự nhủ. Thế này thì chàng nguy mất!” Cô nhớ lại những lời bàn tán trong nhà ngục sau khi Fabrice trốn đi, tên lính coi tù hạng bét cũng tự cho là bị xúc phạm nghiêm trọng. Clélia nhìn Fabrice, mặc dù không muốn vậy, đôi mắt cô cũng cứ nói lòng đắm say của mình, lòng đắm say khiến cô thất vọng. Đôi mắt cô có vẻ như muốn nói: “Fabrice tưởng tôi sẽ tìm thấy hạnh phúc trong tòa lâu đài tráng lệ họ xây dựng cho tôi đấy ư! Cha tôi nói đi nói lại không chán là anh cũng nghèo không kém gì chúng tôi. Nhưng lạy Chúa, giá được chia xẻ cảnh nghèo nàn ấy thì tôi sung sướng bao nhiêu! Hỡi ôi, chúng ta đâu có được gặp nhau nữa!”.
Clélia không đủ sức dùng các mẫu tự, nhìn thấy Fabrice, cô ngất đi và ngã xuống chiếc ghế tựa đặt một bên cửa sổ. Mặt cô tựa vào bậu cửa; vì cô muốn được nhìn thấy anh cho đến phút cuối trước khi ngất hẳn, cho nên mặt cô hướng về phía Fabrice, và anh được nhìn rõ toàn bộ gương mặt đó. Giây lát sau, Cô mở mắt được thì cũng nhìn ngay lên Fabrice, cô thấy mắt anh rớm lệ; nhưng lệ đó là lệ hạnh phúc tuyệt vời, anh đã nhận thấy xa anh, Clélia vẫn không quên anh. Đôi thanh niên tội nghiệp lặng nhìn nhau một lúc như phải bùa mê của nhau, Fabrice đánh bạo hát lên, hát như khi có đệm đàn, hát mấy câu anh vừa nghĩ ra để bảo: “Anh trở vào tù cốt để gặp em; người ta sắp đem anh ra xử ở tòa án”.
Những tiếng ấy hình như đánh thức dậy cả cái đức hạnh của Clélia; cô vội vàng đứng lên, che mắt lại và dùng những cử chỉ mạnh mẽ để cố bảo cho Fabrice biết lẽ đáng ra cô không bao giờ gặp mặt anh nữa, cô phát thệ với Đức Mẹ như vậy, nhưng vừa rồi cô đã vô tình nhìn anh. Fabrice vẫn còn cố tỏ tình, nên Clélia phẫn uất bỏ chạy đi và thề thầm là sẽ không bao giờ nhìn anh nữa, bởi vì lời nguyền của cô với Đức Mẹ đúng từng chữ là: Mắt con sẽ không bao giờ nhìn lại chàng. Cô đã viết những chữ ấy trên một mảnh giấy con, và ông chú Cesare, đã cho phép đốt tờ thệ ước đó trên bàn thờ vào lúc dâng hương, trong khi ông đọc kinh lễ.
Tuy nhiên, mặc những lời thề ước, từ khi Fabrice trở về tháp Farnèse, Clélia trở lại với tất cả những thói quen ngày trước. Bình thường cô ở một mình trong buồng suốt ngày. Đột ngột nhìn thấy Fabrice trở về, vừa hết hồi hộp thì cô đi lại khắp lâu đài, nghĩa là nối lại quan hệ với những bạn hữu vai dưới mình. Một bà nấu bếp già rất hay mách lẻo lấy vẻ bí mật nói:
— Lần này thì tướng công Fabrice không ra khỏi ngục thành đâu.
— Ông ta sẽ không phạm tội trèo thành nữa, Clélia nói; nhưng ông ta sẽ đi ra ở cửa giữa nếu được trắng án.
— Tôi nói và cũng dám nói lại với quan lớn đó là quan sẽ ra khỏi thành, hai chân đi trước.
Mặt Clélia đột nhiên tái nhợt đi, khiến bà già để ý và im bặt. Bà tự trách mình đã dại dột nói như vậy trước mặt cô con gái quan trấn thủ, mà cô ấy thì lại có bổn phận sắp phải nói với mọi người là Fabrice chết vì bệnh. Khi lên lầu, Clélia gặp viên y sĩ nhà lao, một người lương thiện e dè; vẻ hốt hoảng, y nói với Clélia là Fabrice ốm nặng. Clélia đứng không vững. Cô đi tìm ông chú, ông abbé don Cesare khắp nơi, cuối cùng gặp ông ở nhà nguyện, trong khi ông đang thành khẩn cầu nguyện; mặt ông abbé trông thiểu não. Chuông kéo mời cơm. Trong bữa ăn, hai anh em quan tướng chẳng nói gì với nhau; chỉ đến cuối bữa, quan tướng nói mấy câu gắt gỏng với người em. Ông này nhìn những người giúp việc, và họ lui ra:
— Thưa tướng quân, don Cesare nói với quan trấn thủ - tôi hân hạnh báo trước với ngài là tôi sắp rời ngục thành, tôi xin từ chức.
— Hoan hô! Rất hoan hô! Để cho tôi bị nghi ngờ chứ gì!… Lý do thế nào ông làm ơn cho tôi biết.
— Lương tâm của tôi.
— Chao ôi! Chú chỉ là một thầy tu! Chú chẳng hiểu gì hết về danh dự. Clélia nghĩ thầm: “Fabrice chắc chết! Người ta đã đánh thuốc độc vào bữa ăn trưa của chàng hoặc là họ để đến ngày mai là cùng." Cô vội vàng chạy lên chuồng chim, bụng bảo dạ nhất thiết phải đệm dương cầm hát lên để báo tin. Ta sẽ xưng tội, cô tự nhủ, và người ta sẽ tha thứ cho ta cái tội vi phạm lời nguyền chỉ để cứu một mạng người. Clélia khôn xiết kinh hoàng khi đến chuồng chim, cô thấy cái mái che nắng mới được thay bằng những tấm ván buộc vào các chấn song sắt! Đâm hoảng, Clélia cố mách bảo cho Fabrice bằng đôi tiếng gào lên chứ không hẳn là hát. Không có tín hiệu gì đáp lại cả! Tháp Farnèse im ắng như nghĩa địa. “Thế là xong cả rồi!” cô thầm nghĩ. Như người mất hồn, cô chạy xuống lầu rồi lại chạy lên để lấy số tiền ít ỏi của cô và đôi hoa tai bé nhỏ có nhận kim cương; tiện tay, cô cầm luôn cái bánh mì từ bữa trưa còn lại đã cất trong chạn. “Nếu anh ấy còn sống thì ta có bổn phận cứu anh”.
Cô lấy dáng kiêu kỳ đi đến cái cửa ở tháp Farnèse; cửa mở, người ta chỉ mới bố trí tám anh lính ở trạm giam phòng nhiều trụ cột tại tầng nền. Cô mạnh dạn nhìn trực diện mấy anh lính, cô định nói chuyện với viên trung sĩ chỉ huy họ, nhưng anh này đi vắng. Clélia lao đến cái cầu thang con xoáy trôn ốc quanh một chiếc cột trụ; bọn lính ngẩn người nhìn cô, nhưng không dám nói gì, tuồng như vì thấy chiếc khăn choàng ren và cái mũ của cô. Đến tầng một, không có ai cả; nhưng đến tầng hai, mới vào đến đầu cái hành lang có ba cửa song sắt chắn lối, cái hành lang đưa đến buồng Fabrice, như bạn đọc hẳn còn nhớ, cô gặp một người gác cửa mới mà cô chưa quen biết. Người ấy sợ sệt nói:
— Hắn chưa ăn đến!
— Tôi biết, Clélia kiêu hãnh đáp. Người ấy không dám cản cô. Đi được hai mươi bước, Clélia gặp một người gác cửa thứ hai ở bậc đầu cái kệ gỗ sáu cấp đưa lên buồng Fabrice. Viên gác cửa già mặt đỏ gay kiên quyết nói:
— Thưa tiểu thư, tiểu thư có lệnh của quan trấn thủ không ạ?
— Ông không biết tôi sao?
Clélia lúc ấy như có một mãnh lực phi thường thúc đẩy, cô cuống cuồng lên. “Ta phải cứu chồng ta” cô tự nhủ.
Trong khi viên gác cửa già kêu “Nhưng bổn phận tôi không cho phép…” thì Clélia đã lên nhanh sáu bậc thang. Cô xông đến cửa; một chìa khóa to tướng nằm trong ổ khóa. Cô phải dùng hết sức mình mới vặn được chìa khóa. Lúc ấy viên gác cửa già dở say dở tỉnh nắm gấu áo cô lại, cô lao vào buồng, đóng sập cửa làm rách áo; vì người gác cũng xô cửa để vào theo, nên thuận tay, cô đẩy cái chốt, cài chặt cửa. Cô nhìn trong buồng, thấy Fabrice đang ngồi trước một cái bàn con có dọn thức ăn. Cô xông đến, lật đổ bàn, và nắm tay Fabrice, cô hỏi:
— Anh đã ăn chưa?
Cách thân mật đó làm cho Fabrice ngây ngất. Trong cơn bối rối, lần đầu tiên Clélia quên nếp e lệ giữ gìn của người phụ nữ và bộc lộ tình yêu của mình.
Fabrice xuýt bắt đầu bữa cơm ác hại; anh ôm Clélia vào lòng, hôn lấy hôn để. Anh nghĩ thầm: “Bữa cơm này có thuốc độc; nếu ta nói ta chưa động tới thì tôn giáo sẽ khôi phục quyền lực và công nương sẽ chạy đi mất. Ngược lại, nếu nàng cho là ta sắp chết thì ta có thể yêu nàng đừng bỏ ta mà đi. Nàng muốn có cách gì hủy bỏ hôn nhân đáng ghét ấy thì đây là một cơ hội mà ngẫu nhiên ban cho; bọn gác ngục sắp tập hợp, chúng phá cửa và tai tiếng sẽ bay ra, tai tiếng lớn có lẽ sẽ khiến cho hầu tước Crescenzi kinh hoàng và cuộc hôn nhân bị hủy bỏ “.
Trong giây lát Fabrice yên lặng và nghĩ ngợi, anh cảm thấy Clélia đã bắt đầu tìm cách gỡ khỏi tay anh. Anh nói:
— Anh chưa thấy đau đớn, nhưng chắc chỉ trong giây phút nữa, anh sẽ ngã xuống quằn quại dưới chân em. Em hãy giúp anh nhắm mắt.
— Ôi người bạn duy nhất của em! Em sẽ chết cùng với anh.
Clélia ôm siết Fabrice trong đôi tay như bị co giật.
Áo xống hở hang, con người trong trạng thái tột độ yêu đương. Clélia hiện ra đẹp quá, khiến Fabrice không thể dằn lòng, đã có một cử chỉ gần như vô thức. Clélia không chống cự chút nào.
Trong trạng thái hưng phấn của tình yêu và lòng hào hiệp sau phút hạnh phúc tuyệt vời, Fabrice nông nổi nói:
— Không nên để cho sự dối trá xấu xa làm bẩn những giây phút hạnh phúc đầu tiên của chúng ta; không có sự dũng cảm của em thì lúc này anh chỉ là một xác chết hoặc là đang giẫy giụa trong những cơn đau gớm ghê. Tuy nhiên anh mới sắp sửa ăn thì em vào, và anh đã không động tới những thức ăn ấy.
Fabrice nói thao thao về những hình ảnh gớm ghiếc của người ngộ độc để xua đuổi nỗi bực tức anh đọc thấy trong đôi mắt Clélia. Cô nhìn anh một lát, lưỡng lự giữa hai tình cảm trái ngược nhau nhưng đều kịch liệt, rồi ngã vào lòng anh. Có tiếng ồn ào ngoài hành lang; người ta mở, đóng ba cánh cửa sắt ầm ầm, người ta nói, người ta hét.
— Chao ôi! Giá anh có vũ khí thì hay! Fabrice nói. Chúng tước vũ khí rồi mới cho anh vào đây. Chắc là chúng đến để kết liễu anh. Vĩnh biệt Clélia của anh! Anh cảm tạ cái chết này bởi vì đó là cơ hội để anh đạt hạnh phúc.
Clélia ôm hôn Fabrice và trao cho anh một con dao găm nhỏ, cán ngà, lưỡi không dài hơn lưỡi dao díp. Cô nói: Anh đừng để bị giết, hãy cố chống đỡ đến phút cuối, chú abbé của em mà nghe thấy, chú sẽ cứu anh, chú can đảm và đôn hậu đấy. Em ra nói chuyện với lũ chúng nó đây.
Clélia nói thế rồi lao đến cửa. Cô nắm chốt cửa quay đầu về phía Fabrice, nói tiếp sôi nổi:
— Nếu anh không bị giết, thì thà là cứ để cho chết đói còn hơn động vào một thức gì. Hãy luôn luôn mang chiếc bánh kia trong người.
Tiếng huyên náo đến gần, Fabrice ôm nàng ngang lưng đẩy vào, chiếm chỗ của nàng cạnh cửa, và đẩy mạnh cánh cửa, anh lao xuống cái cầu thang nhỏ sáu cấp. Với con dao nhỏ cán ngà trên tay, anh xuýt đâm thủng chiếc áo gilê của tướng Fontana. Phụ tá võ phòng của quận vương Fontana vội vàng lùi lại và kinh hãi thét lớn:
— Ấy tôi đến cứu ông đây mà, ông Del Dongo.
Fabrice leo ngược lên sáu bậc thang, nói vào buồng: “Fontana đã cứu anh!” rồi trở xuống đứng trên các cấp thang gỗ, anh thản nhiên trình bày sự việc với tướng Fontana. Rất dài lời, xin lỗi ông ta về cái cử chỉ giận dữ lúc đầu.
— Người ta định đầu độc tôi. Bữa ăn ở trước mặt tôi kia có thuốc độc. May tôi khá tinh ý không động đến, nhưng thú thật với ông, thủ đoạn ấy làm tôi căm phẫn. Khi nghe tiếng ông lên tôi ngỡ người ta đến dùng gươm kết liễu mạng tôi trong lúc thoi thóp… Thưa tướng quân, yêu cầu tướng quân đừng cho ai vào buồng tôi, nếu họ vào, họ sẽ mang thuốc độc đi mất, mà ngài quận vương nhân hậu của chúng ta thì hắn biết tường tận sự việc.
Tướng Fontana xanh mặt và ngẩn người chuyển cho bọn cai ngục ưu tú đi theo ông những mệnh lệnh mà Fabrice đã gợi ra. Tiu nghỉu vì thuốc độc đã bị phát hiện, bọn này vội vã rút xuống, chúng giả vờ đi trước để tránh đường cho quan phụ tá ở cái cầu thang quá chật hẹp, nhưng kỳ thực thì để mà chạy trốn, mà biến mất đi cho nhanh. Tướng Fontana lấy làm lạ thấy Fabrice dừng lại đến mười lăm phút ở cầu thang sát nhỏ xoáy quanh cây cột ở tầng nền. Anh muốn để cho Clélia có đủ thì giờ trốn ở tầng gác một.
Chính nữ công tước đã tìm ra cách làm cho tướng Fontana được phái đến ngục thành sau nhiều cuộc vận động liều lĩnh; bà thành công một cách ngẫu nhiên. Khi cáo từ bá tước Mosca cũng đang lo ngại không kém mình, nữ công tước đi ngay đến hoàng cung. Thái phi vốn không ưa sự cương nghị mà bà ta cho là tầm dung tục, thái phi tưởng nữ công tước điên rồ và tỏ vẻ không thích can thiệp bất thường vì nữ công tước. Cuống cuồng lên, nữ công tước khóc ròng và chỉ biết lặp đi lặp lại;
— Nhưng thưa công nương, chỉ mười lăm phút nữa thôi là Fabrice sẽ chết vì thuốc độc!
Thấy thái phi tuyệt đối thản nhiên, nữ công tước đau đớn đến như điên dại. Bà không suy nghĩ giống như một phụ nữ được nuôi dạy theo tín ngưỡng phương Bắc. là chấp nhận sự phản tỉnh khi gặp trường hợp ấy: “Ta đã dùng thuốc độc trước thì nay ta phải chết vì thuốc độc”, ở Ý, trong những giờ phút nóng bỏng, người ta cho suy nghĩ như vậy là hèn yếu, tầm thường, không phải lúc, cũng ví như ở Paris, trong hoàn cảnh như vậy mà chơi chữ.
Thất vọng, nữ công tước thử ra phòng khách tìm hầu tước Crescenzi hôm ấy trực ban. Khi bà trở về Parme hầu tước đã cảm ơn bà rối rít về chức vị kỵ sĩ danh dự mà anh ta không đời nào dám mơ tưởng đến nếu không có bà. Hầu tước đã không ngớt lời hứa hẹn sẽ tận tụy vì bà khi có dịp. Gặp hầu tước bà nói ngay:
— Fabrice bị giam tại ngục thành và Rassi sắp đầu độc hắn. Hầu tước hãy bỏ Sôcôla và một chai nước tôi đưa vào túi áo. Hầu tước đến ngục thành nói với tướng Conti là hầu tước đoạn tuyệt vớì con gái ông, nếu ông không cho phép ngài tự tay trao cho Fabrice sôcôla và nước ấy, làm thế là hầu tước cứu sống tôi.
Hầu tước xanh mặt, đáng lẽ ông ta rạng rỡ, linh hoạt lên vì những lời ấy thì ông tỏ ra bối rối một cách yếu hèn, dung tục nhất; ông không thể tin có tội ác kinh khủng đến như vậy ở một thành phố đạo đức như Parme, lại có một quận vương vĩ đại như vậy trị vì... và những điều sáo cũ tầm thường ấy, ông lại còn nói ra rất chậm rãi. Tóm lại bà công tước đã gặp một nhân vật lương thiện, nhưng hèn yếu hết chỗ nói, không dám có hành động gì. Sau khi mươi câu tương tự luôn luôn bị những tiếng kêu sốt ruột của bà Sanseverina cắt đứt, vận may xui hầu tước tìm được một ý kiến tuyệt vời; lời phát thệ khi được cử làm kỵ sĩ danh dự không cho phép ông tham gia vào một hành động nào chống chính phủ.
Làm sao tưởng tượng được nỗi lo lắng và thất vọng của nữ công tước trong khi cảm thấy thời giờ vùn vụt bay đi?
— Nhưng ít ra thì hầu tước hãy đến gặp quan trấn thủ, và nói với ông ta là tôi sẽ đuổi theo cho đến địa ngục những kẻ giết hại Fabrice.
Thất vọng càng làm tăng tài hùng biện bẩm sinh của nữ công tước, nhưng tất cả sự sục sôi của bà chỉ đưa đến kết quả làm cho hầu tước hoảng sợ thêm và càng do dự; một giờ sau, anh ta còn ít muốn hành động hơn lúc đầu nữa.
Người đàn bà khốn khổ đã rơi xuống chỗ tột cùng của tuyệt vọng cảm thấy quan trấn thủ không từ chối một điều gì đối với một chàng rể giầu sụ bèn hạ mình đến nước quì dưới chân Crescenzi để van cầu, kết quả là Crescenzi lại càng thêm nhu nhược; nhìn thấy cảnh tượng lạ lùng ấy, anh ta đâm lo vô tình mà bị liên can. Nhưng một điều khác thường đã xảy ra; bản chất phúc hậu, anh ta lấy làm cảm động vì một người đàn bà đẹp như vậy, nhất là có quyền thế đến như vậy đã khóc và phủ phục dưới chân mình.
“Quí phái và giầu có đến như ta, hầu tước nghĩ thầm, mà biết đâu một ngày kia ta không phải quì gối dưới chân một tên cộng hòa?” Crescenzi cùng khóc thêm và cuối cùng họ thỏa thuận là lấy danh nghĩa tổng quản phu nhân, nữ công tước sẽ giới thiệu Crescenzi với thái phi sẽ cho phép ông ta trao cho Fabrice một chiếc giỏ còn đựng gì ông không được biết.
Tối hôm qua, trước khi nữ công tước được biết hành vi điên rồ của Fabrice, ở triều có diễn một vở kịch cương; hoàng thân lúc nào cũng giành đóng vai trò người cảm vai nữ mà bà công tước đóng, đã tỏ ra hết sức sôi nổi trong khi tỏ bày niềm yêu đương của mình; vì ở Ý người ta không bao giờ cho một người si tình hoặc một hoàng thân là lố bịch, cho nên ngài mang tiếng lố bịch!
Hoàng thân rất rụt rè nhưng bao giờ cũng nghĩ đến chuyện yêu đương một cách nghiêm túc; ngài gặp nữ công tước đang lôi kéo anh chàng Crescenzi lúng la lúng liếng ở một hành lang để đi đến phòng thái phi, ngạc nhiên và quáng mắt vì nhan sắc kích động của nữ công tước đang trong tâm trạng tuyệt vọng, lần đầu tiên trong đời, hoàng thân tỏ ra có ý chí. Bằng một cử chỉ có tính cách mệnh lệnh tuyệt đối, hoàng thân bảo hầu tước lui về rồi bắt đầu một bài tỏ tình đúng điệu với nữ công tước. Chắc là ông đã soạn sửa những lời tỏ tình này từ lâu về trước, vài trong đó có những điều khá hợp tình lý.
— Vĩ đại vì tôi không cho phép tôi có được cái diễm phúc tuyệt vời kết hôn với phu nhân, tôi xin thề trên bánh thánh là sẽ không bao giờ lấy vợ nếu chưa được phu nhân viết giấy cho phép. Tôi biết tôi làm cho phu nhân mất một đám tốt - ông nói tiếp - một vị thủ tướng, một người thông minh và rất đáng mến, nhưng suy kỹ thì ông ta đã năm mươi sáu còn tôi chưa đến hăm hai. Tôi ngại làm mếch lòng phu nhân và đáng để phu nhân từ khước nếu tôi nói về những quyền lợi xa lạ với tình yêu; nhưng tất cả những ai ở trong triều có chú ý đến tiền tài đều nói một cách kính phục về cái bằng chứng tình yêu của bá tước, khi ông để cho phu nhân bảo quản tất cả những sở hữu của ông. Nếu được bắt chước ông về điểm ấy thì tôi sung sướng quá. Phu nhân sẽ sử dụng tài sản của tôi tốt hơn tôi và phu nhân sẽ có quyền sử dụng số thu nhập đồng niên mà các bộ trưởng nạp cho viên tổng quản lý tài khoản hoàng gia; như vậy thưa công tước phu nhân, chính phu nhân sẽ là người quyết định khoản chi tiêu hàng tháng của tôi.
Bà công tước thấy những chi tiết ấy bề bộn, dài đặc quá, nguy cơ đe dọa Fabrice đang bóp thắt lòng bà. Bà kêu lên:
— Nhưng mà, Điện hạ ôi! Ngài không biết là trong lúc này người ta đang đánh thuốc độc cho Fabrice trong ngục thành của ngài hay sao? Ngài cứu hắn đi rồi nói gì tôi cũng nghe cả!
Cái câu ấy vụng về hết chỗ nói. Nghe đến tiếng thuốc độc, tất cả sự cởi mở, tất cả thiện ý, trực tính của ông hoàng đạo đức ấy bay biến trong chớp mắt. Khi nữ công tước nhận thấy mình vụng thì đã không kịp sửa chữa nữa, do dó càng tuyệt vọng hơn, tuy trước đã nghĩ mình quá đỗi tuyệt vọng rồi. “Nếu ta không nói đến thuốc độc, phu nhân nghĩ thầm, hẳn ông ta đã giải thoát cho Fabrice. Ôi! Fabrice thân thương! Bà nghĩ tiếp, số đã định là ta cứ làm nát tim Fabrice vì những điều dại dột của ta!”.
Nữ công tước phải mất nhiều thì giờ và phải làm duyên làm dáng nhiều mới đưa được hoàng thân trở về với những lời lẽ yêu đương nồng nhiệt; nhưng người vẫn rất ngại ngùng, lo lắng. Chỉ có trí tuệ của người lên tiếng, tâm hồn người trơ lạnh đi, trước hết là vì chuyện thuốc độc, rồi còn vì cái ý nầy, rất khó chịu cũng như cái ý kia kinh khủng: “Người ta dùng thuốc độc để hại người trên đất nước ta mà không cho biết! Rassi muốn ta mất mặt giữa châu u chăng? Có Chúa biết được ta sẽ phải đọc những gì trên các tờ báo Paris tháng tới”.
Tâm hồn chàng thanh niên nhút nhát ấy nín lặng, trí tuệ chàng đột nhiên nảy ra một sáng kiến:
— Công tước phu nhân quí mến, phu nhân biết tôi quyến luyến phu nhân dường nào! Những ý nghĩ ghê gớm về thuốc độc của phu nhân không có căn cứ, tôi muốn tin là vậy, tuy nhiên nó cũng khiến tôi nghĩ ngợi, nó làm tôi xao lãng trong giây lát niềm say đắm phu nhân, niềm say đắm duy nhất trong đời tôi. Tôi cảm thấy tôi không có vẻ đáng yêu; tôi chỉ là một chú bé si tình, nhưng phu nhân hãy cứ cho tôi thử thách.
Khi nói những lời ấy, hoàng thân cũng khá sôi nổi.
— Điện hạ hãy cứu Fabrice rồi nói gì tôi cũng tin tất! Chắc là tấm lòng mẹ của tôi bị lôi cuốn vào những lo ngại hão huyền, nhưng xin ngài hãy cứ phái người đến ngục thành dắt Fabrice về đây cho tôi thấy mặt. Nếu nó còn sống, xin Điện hạ hãy cho nó vào nằm trong nhà lao thành phố, và bắt nó ở đó trường kỳ tháng này qua tháng khác, nếu Điện hạ thấy cần, cho đến lúc nó được đem ra xử.
Nữ công tước lấy làm thất vọng khi chỉ cần phán một tiếng để chuẩn y một điều thỉnh cầu đơn giản, hoàng thân lại sa sầm; lúc đầu mặt ông đỏ chín, ông nhìn nữ công tước rồi sụp mí mắt xuống, hai má tái đi. Ý niệm thuốc độc đưa ra không phải lúc đã gợi cho ông một ý nghĩ xứng đáng với thân sinh ông hoặc là Philippe II, nhưng ông không dám nói ra. Cuối cùng, như tự bức ép mình, và với giọng không được dịu ngọt, ông nói:
— Thưa phu nhân, phu nhân coi tôi như một đứa trẻ con, và còn như là một người đàn ông vô duyên nữa. Đã vậy thì tôi sắp nói với phu nhân một điều đáng tởm nhưng vừa mới nảy ra trong ý nghĩ tôi do lòng yêu mến sâu sắc và chân thành đối với phu nhân. Nếu tôi có chút ít tin là có thuốc độc thì tôi đã hành động rồi, bổn phận tôi buộc tôi phải làm vậy, như một điều luật; nhưng tôi chỉ thấy trong điều yêu cầu của phu nhân một bột hứng say xưa mà có lẽ tôi xin phép được nói thật - tôi không nhìn thấy hết tầm quan trọng. Phu nhân muốn tôi hành động không hỏi ý kiến các bộ trưởng, trong khi tôi lên ngôi chỉ mới ngót ba tháng! Phu nhân đòi tôi vượt xa ra ngoài phong cách làm việc thông thường của tôi mà tôi cho là, xin nói thật, hợp lý. Lúc này phu nhân là chúa tể tuyệt đối ở đây, phu nhân cho tôi hy vọng về một quyền lợi nó là tất cả đối với tôi; nhưng trong một giờ nữa, khi cái thuốc độc tưởng tượng, cái ám ảnh ấy tiêu tan thì sự có mặt của tôi trở nên khó chịu đối với phu nhân, và tôi sẽ bị lạnh nhạt. Cho nên, tôi cần được bảo đảm bởi một lời thề, phu nhân hãy thề rằng nếu Fabrice được trả lại cho phu nhân yên lành, thì trong vòng ba tháng tới tôi sẽ được phu nhân ban cho tất cả những gì sung sướng nhất là lòng yêu đương của tôi mong mỏi; như vậy phu nhân sẽ tạo nên hạnh phúc cho cả cuộc đời người, một giờ mà phu nhân hoàn toàn thuộc về tôi.
Lúc đồng hồ hoàng cung đánh hai tiếng: “Chao ôi! Có lẽ… có lẽ muộn mất rồi!” Nữ công nương nghĩ thầm.
— Tôi xin thề, bà thét lên, mắt như thất thần.
Tức thời hoàng thân trở thành một người khác. Ông chạy đến cuối hành lang, phía có phòng khách của các phụ tá võ phòng.
— Tướng quân Fontana, ông hãy tức tốc phi ngựa đến ngục thành, leo nhanh, càng nhanh càng hay, leo nhanh lên buồng giam ông Del Dongo và đưa ông ấy về đây cho tôi; tôi cần nói chuyện với ông ấy trong hai mươi phút nữa, mười lăm phút nếu có thể.
— Chao ôi! Tướng quân ơi! Nữ công tước đã đi theo hoàng thân, và kêu lớn - mỗi một phút hơn kém có thể quyết định tính mệnh tôi. Một báo cáo chắc là thất thiệt đã làm cho tôi lo ngại Fabrice bị đầu độc! Khi đến vừa tầm gọi thì phiền tướng quân hét lên bảo nó đừng ăn. Nếu nó ăn gì thì làm thế nào cho nó nôn ra, nói rằng tôi muốn thế; nếu cần thì tướng quân cứ dùng cưỡng bức; hãy nói với nó là tôi đi theo sau gót tướng quân. Và tướng quân hãy coi tôi là người chịu ơn của tướng quân suốt đời.
— Thưa công tước phu nhân, ngựa tôi đã đóng yên, tôi được tiếng là người biết cưỡi ngựa, và tôi sẽ cho ngựa phi cháy đất, tôi sẽ đến ngục thành tám phút trước bà lớn.
— Còn tôi, thưa phu nhân, hoàng thân kêu to, tôi xin bốn trong tám phút ấy[122].
Viên phụ tá đã biến mất, đó là một con người không có tài gì ngoài tài cưỡi ngựa. Y vừa đóng cửa lại xong thì vị quận vương trẻ có vẻ quyết đoán đã nắm tay bà công tước. Ông sôi nổi nói:
— Phu nhân đã vui lòng đến nhà nguyện với tôi.
Lần đầu tiên trong đời, bà công tước sửng sốt, bà im lặng bước theo hoàng thân. Hai người vừa đi vừa chạy suốt chiều dài của hành lang cung điện vì nhà nguyện ở tận đầu kia. Vào nhà nguyện, hoàng thân quì xuống trước bàn thờ, cũng hầu như trước mặt bà công tước:
— Xin phu nhân lặp lại lời thề, ông nói một cách say sưa. Nếu phu nhân công bằng, nếu cánh danh nghĩa quận vương không hại tôi thì phu nhân hẳn đã thương xót ban cho trái tim say đắm này điều mà bây giờ phu nhân phải nợ tôi vì đã trót thề thốt.
— Nếu tôi được gặp lại Fabrice không bị trúng độc, nếu trong tám hôm nữa, nó vẫn còn sống, nếu Điện hạ phong nó làm phó giáo chủ với quyền kế thừa tổng giám mục Landriani về tương lai thì danh dự, phẩm hạnh người phụ nữ và tất cả những gì của tôi, tôi cũng sẽ chà đạp dưới chân và người tôi sẽ thuộc về Điện hạ.
Vẻ nửa ngại ngùng, nửa âu yếm trông rất buồn cười quận vương nói:
— Nhưng mà, bạn thân thương ạ, tôi ngại một cạm bẫy nào đó mà tôi không nhận ra có thể phá hoại hạnh phúc của tôi; tôi sẽ chết mất vì nó. Nếu đức tổng giám mục ngăn trở tôi bằng một lý do tôn giáo nào đó khiến cho công việc dây dưa năm này qua năm khác, thì tôi chịu sao nổi? Phu nhân có định xử sự với tôi như một giáo sĩ dòng Tên hay không?
— Không. Rất thật thà, tôi nói nếu Fabrice được cứu thoát, nếu tận dụng quyền lực của mình. Điện hạ cử được nó làm phó chủ giáo và tổng giám mục tương lai thì tôi hy sinh danh dự tự hiến thân cho Điện hạ. Điện hạ chỉ cần cam kết ghi chữ chuẩn y trên lề tờ tấu mà Đức cha Tổng giám mục sẽ dâng lên người trong vòng tám hôm nữa.
— Tôi ký cho phu nhân tờ khống chỉ, phu nhân hãy làm bà chúa của lòng tôi và trên đất nước tôi, hoàng thân kêu lên, mặt đỏ ửng vì vui sướng và thực sự cảm động. Ông đòi nữ công tước thề một lời thề thứ hai. Ông xúc động đến nỗi quên cả tính rụt rè bẩm sinh, và trong cảnh nhà nguyện vắng vẻ, chỉ có hai người mặt đối mặt, hoàng thân đã thầm thì với nữ công tước những điều mà giá được nghe ba hôm trước, hẳn bà đã thay đổi ý kiến về ngài. Nhưng ở trong lòng phu nhân, nỗi thất vọng do tai họa của Fabrice mang lại đã nhường chỗ cho sự ghê tởm về điều mà người ta bức bách bà cam kết.
Nữ công tước rất day dứt về việc bà vừa làm. Bà chưa cảm thấy hết sự cay đắng xót xa của lời thề là vì còn phải chú ý xem tướng Fontana có đến ngục thành kịp hay không.
Để khỏi phải nghe những lời âu yếm bồng bột của chú trẻ con ấy và thay đổi đề mục câu chuyện một tí bà khen một bức tranh của họa sĩ Parmesan nổi tiếng treo ở bàn thờ chính của nhà nguyện.
— Xin phu nhân vui lòng cho phép tôi gửi đến biếu phu nhân, hoàng thân nói.
— Tôi nhận, nữ công tước đáp. Nhưng xin Điện hạ hãy vui lòng cho tôi chạy đi đón Fabrice đã.
Như người mất hồn, bà công tước bảo anh đánh xe cho ngựa phi nước đại. Bà gặp trên cầu bắc qua hào tướng Fontana cùng với Fabrice đi bộ ra.
— Anh có ăn không?
— Không, mới kỳ diệu chứ!
Phu nhân nhảy lên bá cổ Fabrice rồi ngất đi; cơn bất tỉnh kéo dài một tiếng đồng hồ khiến người ta lo ngại trước hết về tính mệnh của bà, rồi sau thì về cân não.
Quan trấn thủ Fabio Conti vừa qua đã giận tái mặt khi thấy tướng Fontana đến; ông thi hành mệnh lệnh của quận vương chậm chạp đến nỗi cuối cùng tướng võ phòng phải nổi nóng vì đoán bà công tước sắp sửa là nhân tình đương vị của hoàng thân. Quan trấn thủ định cho bệnh hoạn của Fabrice kéo dài đôi ba ngày, “thế mà - ông tự nhủ - viên tướng người của triều đình này lại sắp mục kích cái tên hỗn láo ấy giẫy giụa trong đau đớn cho đáng kiếp đã chạy trốn để cho ta mang nhục”.
Vẻ đăm chiêu, tướng Conti dừng lại tại bót gác ở tầng nền và vội vàng đổi lính đi để không còn ai nữa chứng kiến cảnh tượng sắp bày ra. Năm phút sau, ông sững sờ nghe giọng nói, của Fabrice rồi thấy anh linh hoạt, nhanh nhảu tả cảnh nhà lao cho tướng Fontana nghe. Quan trấn thủ vội chuồn êm.
Fabrice tỏ ra là người phong nhã[123] hoàn toàn trong cuộc tiếp kiến với quận vương. Trước hết anh không muốn tỏ ra là một chú bé gặp gì cũng sợ hãi. Hoàng thân ân cần hỏi xem anh thấy trong người thế nào, anh đáp:
— Thưa Điện hạ anh minh, tôi tự thấy như một người đói gần chết vì may mắn đã không ăn sáng cũng không ăn trưa.
Sau khi cảm tạ quận vương, anh xin phép đi thăm đức tổng giám mục trước khi vào nhà lao thành phố. Hoàng thân tái mặt đi, tái một cách dị thường khi cái đầu óc trẻ con của ông cảm thấy chuyện thuốc độc không hẳn là một sản phẩm trong trí tưởng tượng của bà công tước. Day dứt với tư tưởng quái ác ấy, thoạt tiên ông không trả lời Fabrice về điều yêu cầu được đi thăm viếng đức tổng giám mục; nhưng rồi ông thấy phải sửa chữa sự đãng trí của mình bằng bội phần niềm nở:
— Ông cứ đi một mình, đi trong các đường phố ở kinh đô tôi, không có người kèm. Vào khoảng mười, mười một giờ, ông trở vào nhà lao và tôi hy vọng rằng ông không phải ở đó lâu la gì.
Sáng hôm sau cái ngày lớn lao đó, cái ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông, hoàng thân tự cho là một Napoléon nhỏ; ông có đọc sách thấy nói rằng nhiều phụ nữ xinh đẹp trong triều đình Hoàng đế đã chiều chuộng ngài. Một lần là Napoléon vì số đào hoa, ông lại nhớ là ông cũng đã là Napoléon trong lửa đạn. Ông hãy còn vô cùng hào hứng với cách xử sự cương quyết của mình đối với nữ công tước. Ý thức đã thực hiện được một điều khó khăn biến ông thành một người khác trong mười lăm hôm; ông nghe lọt tai những lời bàn độ lượng, ông tỏ ra ít nhiều có bản lĩnh.
Hôm đó ông bắt đầu đốt cái sắc bá tước đã được soạn sửa để phong cho Rassi, bằng sắc ấy nằm chờ ở bàn giấy ông từ một tháng nay. Ông cách chức tướng Fabio Conti và đòi người kế vị là đại tá Lange báo cáo sự thật về vụ đầu độc. Là một quân nhân trung thực người Ba Lan, Lange làm cho bọn lính coi ngục sợ, phải cứ thực mà khai và ông báo cáo với hoàng thân là người ta đã toan đầu độc bữa ăn sáng của ông Del Dongo nhưng mà làm thế thì phải mở quá rộng phạm vi những người được biết điều bí mật. Họ bố trí chu đáo hơn vào bữa ăn trưa đó, cho nên giá tướng Fontana không đến thì ông Del Dongo đã chết rồi. Hoàng thân hãi hùng. Nhưng vì ông thực sự si tình, cho nên ông có được một điều hả dạ khi tự nhủ: “Thế là ta đã thực sự cứu sống ông Del Dongo, và nữ công tước sẽ không dám sai lời hứa với ta”. Từ đó, ông đi tới một ý khác: “Cái nghề của ta khó hơn ta tưởng nhiều lắm. Mọi người nhất trí là nữ công tước thông minh tuyệt vời, chính trị ở đây thống nhất với tình yêu, nếu nàng vui lòng làm thủ tướng cho ta thì quả là một hạnh phúc thần tiên”.
Hoàng thân quá căm tức về những điều bỉ ổi mà ông khám phá ra cho nên tối hôm đó không tham gia đóng trò, ông nói với nữ công tước:
— Tôi sẽ rất sung sướng nếu được phu nhân vui lòng trị vì trên đất nước tôi cũng như trong trái tim tôi. Để bắt đầu, tôi xin trình bày công việc tôi làm trong ngày. Thế rồi ông thuật lại rất đúng dăm việc đốt bằng sắc bá tước của Rassi, việc cử Lange làm trấn thủ, tờ tình của viên này về việc đầu độc v.v… Tôi tự thấy quá thiếu kinh nghiệm để trị vì. Bá tước làm nhục tôi với những lời giễu cợt của ông; ông giễu cợt ngay cả ở nội các và trong phòng khách, ông nói những điều mà phu nhân cũng sẽ cho là không đúng; ông nói tôi là một chú bé ông muốn dắt dẫn đi đâu cũng được. Dù là vương giả, người ta cũng vẫn là người, phải không phu nhân? Cho nên những điều đó làm cho tôi bực tức. Để chứng tỏ những điều bá tước Mosca nói là hồ đồ, người ta khiến tôi phải gọi vào nội các cái tên vô lại Rassi nguy hiểm ấy, thế mà đến bây giờ lão Conti còn tưởng thế lực nó to lắm, không dám khai ra chính Rassi hay mụ Raversi đã xúi nó giết hại anh cháu của phu nhân. Tôi những muốn đưa Conti ra trước tòa án thôi; bọn quan tòa sẽ xét xem nó có phạm tội mưu toan đầu độc hay không?
— Nhưng mà thưa hoàng thân, ngài có quan tòa không đã?
— Thế nào? Hoàng thân kinh ngạc kêu.
— Ngài có những luật gia thông thái, họ đi ngoài đường một cách trịnh trọng; ngoài ra, họ xử án luôn luôn theo ý muốn của đảng phái có ưu thế ở triều đình.
Trong khi ngài quận vương trẻ bực tức nói những câu chứng tỏ ông ngây thơ hơn là minh mẫn, bà công tước nghĩ thầm: “Ta có nên để cho Conti bị bêu riếu hay không? Không, chắc chắn là không nên! Bởi vì nếu thế thì cuộc hôn nhân giữa con gái lão với anh chàng hầu tước Crescenzi lương thiện và tầm thường kia sẽ không thành”.
Về vấn đề này, một cuộc đối thoại bất tận đã diễn ra giữa nữ công tước và hoàng thân. Hoàng thân ngẩn người và kính phục. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc hôn nhân giữa Clélia Conti và hầu tước Crescenzi, và cũng chỉ với điều kiện bất di dịch ấy - mà hoàng thân nói ra một cách giận dữ với viên cố trấn thủ - ngài tha thứ cho lão ta về tội mưu toan đầu độc; nhưng làm theo ý kiến của nữ công tước, ngài phát lưu lão cho đến lúc lễ thành hôn được tổ chức. Nữ công tước tưởng mình không yêu Fabrice bằng tình yêu nam nữ nữa, nhưng bà vẫn còn tha thiết mong Clélia lấy hầu tước; ở đấy có phảng phất cái hy vọng là dần dần sẽ thấy Fabrice hết bận lòng về nàng kia.
Ngây ngất vì hạnh phúc, hoàng thân muốn ngay tối hôm đó cách chức bộ trưởng Rassi một cách ầm ĩ. Nữ công tước cười nói:
— Điện hạ có nghe câu nói của Napoléon không? Một người ở địa vị cao được thiên hạ nhìn vào thì không nên có những cử chỉ hung hăng. Nhưng mà tối nay đã quá muộn, xin gác công vụ lại ngày mai.
Bà công tước muốn có thì giờ hội ý với bá tước. Bà kể lại cuộc đối thoại buổi tối đó một cách trung thành tuy cũng có tước bỏ những câu nhắc nhở thường xuyên của hoàng thân về một lời hứa đầu độc cuộc đời bà. Bà tự tin sẽ làm cho mình trở nên cần thiết đến mức có thể hoãn vô thời hạn việc thực hiện lời hứa đó mỗi khi nói: Nếu Điện hạ tàn nhẫn bắt tôi làm điều nhục nhã ấy - mà tôi sẽ không tha thứ cho Điện hạ thì tôi sẽ rời bỏ đất nước ngài ngay ngày hôm sau.
Được nữ công tước hỏi ý kiến về Rassi, bá tước tỏ ra rất độ lượng:
— Tướng Fabio Conti và hắn sẽ đi du lịch ở Piémontais.
Một trở ngại rất lạ lùng đã xảy ra trong vụ xét xử Fabrice; bọn quan tòa muốn tha bổng anh ta bằng việc nhất trí hoan hô ngay từ phiên đầu. Bá tước phải đe dọa họ để cho cuộc xét xử diễn ra ít nhất là tám hôm và họ phải chịu khó nghe tất cả nhân chứng cung khai. “Bọn ấy lúc nào cũng thế”, ông tự nhủ.
Được xử trắng án hôm trước thì hôm sau Fabrice Del Dongo nhận chức đại trợ tá của đức Tổng giám mục Landriani đôn hậu. Cùng ngày, hoàng thân ký những thông điệp cần thiết để Fabrice được cử làm chủ giáo với quyền thừa kế, và chưa đầy hai tháng sau, anh nhận chức ấy.
Mọi người tán tụng với bà cô vẻ người nghiêm trang của anh cháu; sự thật là anh đang thất vọng. Sáng hôm sau cái ngày anh được giải phóng, tiếp đó là tướng Conti bị cách chức và bà công tước đắc sủng, Clélia đến trú ngụ ở nhà bà cô, nữ bá tước Contarini một người đàn bà giầu sụ và có tuổi, chỉ biết chăm lo sức khỏe của mình. Clélia có thể tìm gặp Fabrice. Nhưng giá ai biết những gắn bó trước đây của nàng với Fabrice và bây giờ thấy cách nàng xử sự thì dễ nghĩ rằng mối tình của nàng chấm dứt khi đã chấm dứt những nguy cơ đe dọa người yêu. Không những lúc nào có thể đi qua trước lâu đài Contarini một cách đàng hoàng thì Fabrice đều đi, anh còn cố thuê cho được, dù mất không biết bao nhiêu công khó, một phòng con đối diện với các cửa sổ tầng một của tòa lâu đài ấy. Một lần, Clélia sơ ý ra đứng ở cửa sổ để xem một đám rước, chợt lùi vào tức khắc như có gì làm cho nàng kinh hãi, nàng đã trông thấy Fabrice mặc đồ đen như một người thợ rất nghèo, đang đứng nhìn mình từ một cửa sổ của căn nhà nát ấy, cánh cửa cũng dán giấy như ở cái buồng giam của anh tại tháp Farnèse, Fabrice rất tin rằng Clélia trốn tránh anh vì bố nàng bị thất sủng mà dư luận thì cho là do bà công tước gây nên; tuy nhiên anh thừa biết một nguyên nhân khác, cho nên không ngớt buồn phiền.
Anh không vui gì với việc được trắng án, cũng không hứng thú với việc nhận những chức vụ cao, nhưng chức vụ được đảm nhiệm lần đầu trong đời, cả với địa vị tốt đẹp trong xã hội; cuối cùng anh cũng không có chút đắc ý nào với việc tất cả các vị chức sắc nhà thờ và các con chiên ngoan đạo trong địa phận đến chầu anh một cách chuyên cần. Cái phòng xinh xắn của anh ở lâu đài Sanseverina không đủ chỗ nữa. Anh sung sướng được nữ công tước nhường cho cả tầng hai và hai buồng khách xinh đẹp ở tầng một, hai buồng ấy lúc nào cũng đầy ắp những nhân vật đến phiên mình để chầu vị phó chủ giáo trẻ tuổi. Cái điều khoản kế thừa trong tương lai đã phát huy tác dụng một cách kỳ diệu ở trong nước, bấy giờ người ta cho những nét cương nghị trong tính tình Fabrice là những đức tốt, mà những nét ấy thì ngày trước từng làm cho những quan triều nghèo và khờ khạo bất phục sâu sắc.
Fabrice học được một bài triết lý lớn hơn lúc tự thấy mình hoàn toàn hờ hững trước những vinh dự đó và khổ sở trong cái phòng huy hoàng này với mười tên hầu mặc đồng phục nhà mình - khổ sở hơn nhiều so với trước kia ở cái buồng gỗ trong tháp Farnèse luôn luôn có những tên coi ngục gớm ghiếc bao vây, và luôn luôn lo ngại cho tính mệnh. Mẹ anh và chị anh, nữ công tước V. đến Parme để được nhìn anh trong vinh quang, đều lấy làm ngạc nhiên về nỗi buồn sâu sắc của anh. Nữ hầu tước Del Dongo, bây giờ là người phụ nữ ít mơ mộng nhất, quá lo lắng đến nỗi cho là lúc anh ở tháp Farnèse, người ta đã phục cho anh một thuốc độc chậm ngấm. Mặc dù rất tế nhị, bà cũng thấy cần phải nói chuyện với Fabrice về vẻ phiền muộn lạ lùng ấy, nhưng Fabrice chỉ đáp lại bằng nước mắt.
Một loạt quyền lợi đi đôi với địa vị rực rỡ của anh chỉ có tác dụng làm cho anh bực bội. Người anh của anh, con người hợm mình và thối tha vì ích kỷ đó, viết cho anh một bức thư chúc tụng gần như một công văn, và gửi kèm theo một ngân phiếu năm vạn quan để cho anh có thể mua, vị tân hầu tước nói thế - một cỗ xe và mấy con ngựa xứng đáng với danh vị anh. Fabrice gửi số tiền ấy cho cô em gái lấy chồng nghèo.
Bá tước Mosca đã cho làm xong một bản dịch rất tốt bằng tiếng Ý cái gia phả họ Del Dongo ngày xưa do đức tổng giám mục xứ Parme, cũng tên là Fabrice, công bố bằng tiếng La tinh. Ông cho in rất sang trọng, với văn bản La tinh đối diện; các tranh vẽ đã được in lại rất đẹp bằng bản đá ở Paris. Bà công tước có cho in một bức chân dung đẹp của Fabrice đối diện với chân dung cố tổng giám mục. Bản sách này được ghi là công trình của Fabrice trong thời gian ngồi tù lần trước. Tuy nhiên ở nhân vật này của chúng ta, cái gì cũng đã tiêu ma hết kể cả tính hiếu danh rất tự nhiên ở người đời. Fabrice không buồn đọc một trang nào ở cái công trình gọi là của anh đó. Vị trí của anh trong xã hội bắt buộc anh dâng lên một bàn đóng rất đẹp cho quận vương; thấy cần phải đền bù cho anh vì anh đã chạm cái chết ác nghiệt, ngài ban cho anh đặc quyền xuất nhập buồng ngự, một ân huệ đưa anh lên hàng đại thần.