Tu Viện Thành Parme

Chương XXIII

Docsach24.com
iữa cơn cuồng phẫn chung ấy, chỉ có đức cha tổng giám mục, Landriani là tỏ ra trung thành với người bạn trẻ. Ngay giữa phòng tiếp khách của vương phi, đức cha vẫn dám nhắc câu châm ngôn về pháp lý nói rằng bất cứ trong vụ án nào, cũng phải dành một lỗ tai sạch sẽ mọi thành kiến để nghe lời bào chữa của người vắng mặt”.

Ngay hôm sau ngày Fabrice vượt ngục, nhiều người nhận được một bài thơ tầm thường ca ngợi việc vượt ngục đó, coi là một hành động tốt đẹp trong thế kỷ và ví anh với một thiên thần dang cánh đáp xuống mặt đất. Ngày hôm sau nữa, khắp Parme ngâm một bài thơ khác, tuyệt vời. Bài thơ đó thác lời độc thoại của Fabrice khi tuột dây xuống và phán xét những biến cố trong cuộc đời mình. Bài thơ được dư luận đánh giá rất cao vì hai câu tuyệt diệu và tất cả những bạn làng thơ đều nhận ra giọng thơ của Ferrante Palla.

Tuy nhiên giờ đây tôi phải tìm phong cách sử thi, vì còn tìm đâu cho ra mầu mè để diễn tả những dòng thác công phẫn thình lình dâng ngập những quả tim chính đại, khi nghe nói đến đêm hoa đăng hỗn láo một cách kinh khủng bày ra ở Sacca? Tất cả đều chỉ có một tiếng thét chống nữ công tước; ngay đến những người tự do chân chính cũng cho rằng làm như thế liên lụy một cách dã man đến những người tình nghi tội nghiệp đang bị giam giữ trong các nhà lao, và vô ích chọc cho quận vương nổi căm tức. Bá tước Mosca tuyên bố là những người bạn cũ của nữ công tước chỉ còn một lối thoát là quên bà ta đi mà thôi. Cuộc hòa tấu của thù ghét diễn rất đồng đều. Một khách nước ngoài đi qua thành phố sẽ sửng sốt thấy dư luận sao mà quyết liệt đến thế. Nhưng ở cái xứ mà người ta biết thưởng thức sự trả thù này, việc kết đèn ở Sacca và hội vui lớn tổ chức ở vườn lâu đài cho hơn sáu nghìn nông dân được hoan nghênh nhiệt liệt. Mọi người ở Parme đều nói nữ công tước đã phân phát một nghìn sequins cho nông dân của mình; họ cũng dựa vào đó giải thích vì sao dân địa phương đón tiếp hơi khắc nghiệt ba mươi vị sen đầm, mà sở công an ngây thơ phái tới cái làng nhỏ bé ấy ba mươi sáu tiếng đồng hồ sau cái đêm tuyệt diệu và sự say sưa chung tiếp theo đó. Người ta đón bọn sen đầm bằng những hòn đá ném vào người họ khiến họ chạy dài, và hai tên ngã ngựa đã bị vất xuống sông Pô.

Còn về việc vỡ bể chứa nước ở lâu đài Sanseverina thì hầu như không ai hay biết. Trong đêm, có mấy đường phố bị ngập nước người ít và sáng ra người ta ngỡ có mưa đêm. Ludovic đã cẩn thận đập vỡ mấy miếng kính ở một cửa sổ lâu đài, cho nên người ta tin có kẻ trộm đột nhập.

Người ta cũng còn tìm thấy một chiếc thang nữa. Chỉ có bá tước Mosca là nhìn ra tài trí của bà bạn.

Fabrice kiên quyết trở về Parme khi nào anh có thể về. Anh phái Ludovic mang một bức thư dài đến cho đức tổng giám mục và người thủ hạ trung thành đó trở lại gửi ở sở bưu điện, tại một thôn đầu tiên của Xứ Piémontais thôn Sannazaro ở phía tây Pavie - một bức thư bằng tiếng La tinh mà ông tổng giám mục đáng kính gửi cho người thanh niên ông đỡ đầu. Chúng tôi nói thêm một chi tiết có lẽ cũng làm chuyện dài dòng ra vô ích như nhiều chi tiết khác, nếu ta ở những xứ mà người ta không cần đề phòng nữa. Không bao giờ họ viết cái tên Del Dongo lên giấy, tất cả những thư từ gửi cho anh đều gửi đến Ludovic San Micheli ở Locarno, nước Thụy Sĩ, hoặc ở Belgirate, xứ Piémontais. Phong bì dán bằng giấy xấu, con dấu đóng lệch, địa chỉ khó đọc và đôi lúc kèm những lời nhắn nhẹ như của một chị nấu bếp. Tất cả những thư đó đều đề ngược lại sáu ngày trở về trước và ghi nơi gửi đi Naples.

Từ cái thôn Sannazaro ở Pavie, trên đất Piémontais đó, Ludovic hối hả trở về Parme, Fabrice đã giao cho anh một sứ mệnh mà Fabrice cho là quan trọng bậc nhất. Đó là việc trọng đại làm thế nào trao cho Clélia Conti một chiếc khăn tay lụa in một bài thơ của Pétrarque[109].

Cũng phải nói là bài thơ có đổi một chữ. Clélia thấy bức thư đặt trên bàn cô sau khi tiếp nhận được hai hôm những lời cảm tạ của hầu tước Crescenzi, con người tự cho là sung sướng nhất thế gian; không cần phải nói cái bằng chứng của một tấm tình chung thủy đó dã gây nên xúc động gì trong lòng Clélia.

Ludovic phải tìm cách biết hết chi tiết những sự việc xảy ra trong nội thành. Chính anh ta nói cho Fabrice biết cái tin buồn là việc hôn nhân của hầu tước Crescenzi có vẻ như đã định đoạt, không có ngày nào là chú rể không tổ chức hiến cho Clélia một cuộc vui ở ngay nội thành. Một bằng chứng hiển nhiên về cuộc hôn nhân ấy là ông hầu tước giầu nứt đố đổ vách và dĩ nhiên cũng keo kiệt ghê gớm như thường tình những anh nhà giàu ở miền Bắc nước Ý - ông hầu tước giàu đó đang tiêu phí những số tiền vô lượng vào việc chuẩn bị hôn lễ, mặc dù ông cưới một cô gái không của hồi môn. Cũng phải nói là về phía tướng Fabio Conti, ông lấy làm nhục về điều nhận xét đó mà người nào trong đồng bào của ông thoạt đầu cũng có nghĩ, cho nên vì hợm mình, ông vừa mua một ấp giá trên ba mươi vạn quan trả tiền mặt, tuy ông không có giá cả, trả hình như bằng tiền của hầu tước, và ông tuyên bố cho cô con gái cái ấp ấy trong dịp cô lấy chồng. Nhưng ông hầu tước cho là những lệ phí về trước bạ văn khế và gì khác lên tới một vạn hai nghìn francs là những chi phí lố bịch, không đáng bỏ ra, ông hầu tước vốn là người thực tế. Về phía mình, hầu tước đặt làm ở Lyon những thảm tường màu sắc rất đẹp, hợp khung cảnh nhất và do họa sĩ nổi tiếng Pallagi người Bologne tính toán cho vừa mắt. Mỗi tấm thảm thể hiện một phần gia huy tộc họ Crescenzi, tộc họ này khắp thiên hạ đều biết, vốn là dòng dõi của vị Crescentius lừng danh, tổng tài La mã năm 985; những thảm tường ấy dùng để bọc mười bảy phòng khách làm thành tầng nền trong lâu đài hầu tước. Màn thảm, đồng hồ vách và đèn treo giao nhận ở Parme tốn trên ba trăm năm mươi nghìn francs; tiền mua sắm gương mới, cộng với những gương nhà sẵn có lên đến hai trăm nghìn. Ngoài hai phòng khách công trình riêng của Parmesan, nhà hội họa lớn bản xứ xếp liền sau họa sĩ Corrège thần thánh, tất cả những buồng, phòng ở tầng một và tầng hai hiện do các họa sĩ nổi tiếng của Florence, Rome và Milan chiếm lĩnh để trang trí bằng những tranh tường. Fokelberg nhà điêu khắc lớn Thụy Điển, Tenerani người ở Rome và Marchesi người Milan từ một năm nay đang ra sức hoàn thành mười bức phù điêu diễn tả mười công tích tốt đẹp của Crescentius, nhân vật thực sự vĩ đại ấy. Phần lớn các bức trần cũng có những tranh họa nhắc nhở xa gần đến cuộc đời của ông ta. Mọi người đều khen bức trần mà Hayez người Milan vẽ Crescentius được Francois Sforce đón tiếp ở Thiên uyển[110]. Cùng tiếp Crescentius có Laurent Đường bệ, vua Robert, dân ủy Cola di Rienzi, Machiavel, Dante và các vĩ nhân khác thời Trung cổ. Tỏ ra khâm phục những con người ưu việt ấy bị coi như là có ý muốn chế nhạo những bậc đương quyền đương vị thời nay.

Những chi tiết sang trọng ấy tập trung triệt để sự chú ý của giới quí tộc và giới thị dân ở Parme lại vò xé lòng Fabrice khi anh đọc thấy trong bức thư dài hơn hai mươi trang mà Ludovic đọc cho một nhân viên thuế quan ở Casal Maggiore chép; anh ta kể tất cả với một sự thán phục ngây thơ.

“Thế mà mình thì nghèo làm sao! Fabrice than thầm. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bốn nghìn francs! Vậy mà dám yêu Clélia thì quả là hỗn láo, trong khi người ta làm những điều kỳ diệu ấy vì nàng!”

Trong suốt bức thư dài ấy chỉ có một đoạn nói việc khác, đoạn này do Ludovic tự tay viết với tuồng chữ xấu của mình; qua đoạn văn này Ludovic báo cho chủ biết anh ta có gặp anh lính coi ngục Grillo tội nghiệp, người đã canh gác Fabrice, Grillo lén lút tìm đến vào đêm; Grillo đã bị giam rồi được thả ra. Grillo đã xin anh ta một đồng sequin làm phúc và anh đã cho hắn bốn sequin nhân danh bà công tước. Mười hai anh lính coi ngục cũ vừa được thả ra đang chuẩn bị chiêu đãi những anh kế vị mình một bữa tiệc dao (một un trattamento di coltellate)[111] nếu có cơ hội gặp chúng ở ngoài thành. Grillo nói ngày nào cũng có dạ tấu ở ngục thành, tiểu thư Conti xanh lắm, hay ốm và mấy điều tương tự. Cái câu lôi thôi ấy khiến Fabrice nhận tin nọ tiếp tin kia báo Ludovic trở về Locarno ngay; Anh ta trở về, và những chi tiết anh kể miệng lại càng đáng buồn cho Fabrice hơn nữa.

Ta có thể đoán Fabrice ân cần sốt sắng với bà công tước tội nghiệp như thế nào; dẫu phải trăm lần chết, anh cũng không mở miệng nói cái tên Clélia Conti trước mặt phu nhân. Bà thì ghét cay ghét đắng Parme, còn đối với Fabrice kỷ niệm gì về thành phố ấy cũng vừa kỳ tuyệt vừa thân thương.

Công tước phu nhân không hề quên việc trả thù: Trước vụ Clélia, bà sung sướng là thế, mà bây giờ thì thân phận bà ra thế này! Bà sống trong sự thấp thỏm chờ đợi một biến cố ghê gớm mà bà giữ kín không hé cho Fabrice biết một tí gì; ấy thế mà ngày trước, trong khi xếp đặt với Ferrante, chính bà tưởng sẽ làm cho Fabrice khoái chí lắm khi nói cho anh biết là một ngày kia anh sẽ được trả thù.

Bây giờ thì người ta có thể ý niệm phần nào cái thú chuyện vãn giữa Fabrice và nữ công tước, giữa hai người hầu như chỉ có một sự im lặng rầu rầu. Để cho mối quan hệ thêm đậm đà lý thú, nữ công tước không cưõng được sự cám dỗ muốn chơi cho người cháu quá yêu dấu đó một vố đau.

Bá tước ngày nào cũng có viết thư cho nữ công tước, ông phái người liên lạc đi lại như ở thời họ yêu nhau, vì thư từ của ông luôn luôn mang con dấu thành phố nhỏ nào đó ở Thụy Sĩ. Anh tình nhân đáng thương hành hạ cân não để đừng nói chuyện yêu đương một cách lộ liễu và để viết nên những bức thư ngộ nghĩnh; vậy mà người được thư đọc lướt qua bằng con mắt lơ đễnh. Than ôi! Sự trung thành của một tình nhân được mến trọng có ích gì khi tim người ta đang thắt đi vì sự lạnh nhạt của người tình nhân được yêu dấu hơn?

Trong vòng hai tháng, bà công tước phúc thư cho bá tước có một lần và cũng chỉ để báo ông thăm dò vương phi thử xem người có vui lòng nhận thơ của nữ công tước, bất chấp cuộc kết đèn hỗn láo hay không. Bức thư, mà bá tước sẽ trao nếu xét thay thuận lợi, xin chức vị quan hầu cửa vương phi, vừa mới khuyết người cho hầu tước Crescenzi; bà ước mong chức vụ ấy sẽ được trao cho hầu tước để chiếu cố cuộc hôn nhân của ông ta. Bức thư của nữ công tước là một kiệt tác. Đó là lòng kính trọng trìu mến nhất, diễn đạt một cách tài tình nhất; bà công tước không để lọt vào thứ văn chương thờ phụng đó một câu một chữ gì mà hiệu quả gần hay xa không có tác dụng mơn trớn vương phi. Bởi thế thư trả lời toát lên một tình bạn âu yếm lâu nay đau xót vì xa vắng người thân. Vương phi viết: “Mẹ con tôi không có lấy một tối nào tạm gọi là vui vui từ ngày phu nhân ra đi một cách đột ngột như vậy. Bà công tước thân mến của tôi không nhớ rằng chính người đã giúp cho tôi lấy lại được tiếng nói tư vấn trong việc đề cử những quan chức trong cung viện tôi hay sao? Cho nên phu nhân mới thấy cần nêu chức nọ chức kia về chức vụ của hầu tước, làm như ý thích của phu nhân không phải là có ở trên tất cả đối với tôi! Hầu tước sẽ nhận vị trí đó, nếu tôi có thể làm được gì; và lúc nào trong tim tôi cũng dành một vị trí, vị trí thứ nhất cho công tước phu nhân đáng yêu của tôi. Thế tử cũng dùng lời lẽ hoàn toàn như tôi, tuy có hơi quá cỡ trong miệng một chú bé to xác hai mươi mốt tuổi; thế tử hỏi xin phu nhân mấy mẫu khoáng sản ở thung lũng Orta, gần Belgirate. Phu nhân cứ gửi thư của phu nhân - mà tôi mong được nhận thường xuyên - cho bá tước, người vẫn ghét phu nhân như xưa, và tôi thì quí mến ông vì sự ác cảm đó. Đức tổng giám mục cũng một mực thủy chung với phu nhân. Cả ba chúng tôi đều mong có ngày gặp lại phu nhân, phu nhân nên nhớ là như vậy mới được. Bà hầu tước Ghisleri, tổng quản nữ đại thần của tôi sắp rời bỏ cõi đời này để về một thế giới tốt đẹp hơn, bà mệnh phụ đáng yêu ấy đã làm phiền cho tôi nhiều lắm, nay lại còn làm phiền cho tôi bằng việc ra đi không phải lúc; bệnh tình của bà ấy khiến tôi nhớ đến một cái tên mà xưa kia tôi muốn đặt thay vào chỗ tên của bà với bao nhiêu thích thú, giá tôi khiến được người phụ nữ kia hy sinh tự do của mình; người phụ nữ có một không hai ấy bỏ đi đã mang theo tất cả niềm vui ở cái tiểu triều của tôi v.v…”

Thế là ngày ngày nữ công tước gặp gỡ Fabrice với đầy đủ ý thức chính mình làm cho cuộc hôn nhân kia sớm hoàn thành, cuộc hôn nhân sẽ làm cho Fabrice tuyệt vọng. Vì vậy đôi khi họ đi thuyền với nhau lênh đênh mặt nước bốn năm tiếng đồng hồ liền mà không nói với nhau một lời. Fabrice thì vẫn ân cần, sốt sắng, đầy đủ hoàn toàn; nhưng anh nghĩ đi đâu ấy và tâm hồn mộc mạc hồn nhiên của anh không tìm thấy gì để nói cả. Nữ công tước nhận thấy điều đó và đau đớn như thắt ruột gan.

Chúng tôi quên không nói đúng lúc là nữ công tước có tậu một cái nhà ở Belgirate, cái thôn xinh đẹp đến mê người, xứng đáng với tên của nó (có nghĩa là nhìn một khúc ngoặt đẹp của hồ). Từ cửa sổ phòng khách, nữ công tước có thể bước chân ngay xuống thuyền. Bà đã mua một chiếc thuyền xoàng xĩnh chỉ cần bốn tay chèo là đủ; bà thuê luôn mười hai người, và sắp xếp để thuê ở mỗi làng lân cận Belgirate một người. Lần thứ ba hay thứ tư ngồi giữa tất cả những người được chọn lựa kỹ càng ấy, bà bảo từng tay chèo và nói với họ:

— Tôi coi tất cả các anh như những người bạn và tôi muốn thổ lộ với các anh một bí mật. Anh cháu Fabrice của tôi đã vượt ngục. Có lẽ họ rình mò tìm cách bắt nó trở lại, mặc dù nó đang ở trên hồ của các anh, tại một xứ được cư trú tự do. Các anh hãy nghiêng tai nghe ngóng và báo cho tôi biết tất cả những gì các anh nghe thấy. Tôi cho phép các anh vào phòng tôi cả ngày lẫn đêm. Những người chèo thuyền trả lời một cách phấn khởi, bà công tước biết cách làm cho người ta yêu mến mình. Nhưng phu nhân đâu có nghĩ Fabrice có thể bị bắt lại; việc đề phòng đó chỉ để cho riêng bà mà thôi và trước khi ra cái lệnh tai hại tháo nước bể chứa lâu đài Sansrverina, hẳn là không nghĩ tới.

Bà cũng cẩn thận thuê một gian phòng ở cảng Locarno cho Fabrice. Ngày nào anh cũng đến thăm bà hoặc bà đến thăm anh. Có thể xét đoán hai cô cháu họ thích thú như thế nào khi ngồi với nhau hàng ngày, trên chi tiết sau đây: Bà hầu tước và hai cô con gái đến thăm họ hai lần và sự có mặt của những người xa lạ ấy khiến họ vui thích; ta gọi người xa lạ những người tuy cùng máu mủ nhưng không biết gì về những lo nghĩ thiết nhân nhất của ta và mỗi năm chỉ gặp có một lần.

Một hôm nữ công tước đang ở Locarno cùng với Fabrice, bà hầu tước và hai người con gái, cha bề trên và cha xứ đến chào hai phu nhân. Cha bề trên vốn có cổ phần trong một hãng buôn cho nên theo dõi thời sự đều đặn, buột miệng nói:

— Quận vương Parme đã qua đời!

Mặt nữ công tước tái nhợt. Bà chỉ đủ can đảm hỏi:

— Người ta có thuật chi tiết?

— Không, cha bề trên đáp. Tin báo chỉ cho hay việc người qua đời mà thôi, và việc đó là chắc chắn.

Nữ công tước nhìn Fabrice, ”Ta làm việc ấy vì nó, bà tự nhủ; ta có thể làm những điều nghìn lần xấu hơn, vậy mà ở trước mặt ta, nó thản nhiên, nó nghĩ đến một người khác!” Nữ công tước không đủ sức chịu đựng cái ý nghĩ cay đắng đó, bà ngất đi. Mọi người xúm xít cứu chữa cho bà; khi hồi tỉnh, bà để ý thấy Fabrice không chạy chữa tích cực bằng cha bề trên và cha xứ, anh mơ màng như thường lệ. “Hắn nghĩ đến việc trở về Parme - nữ công tước nghĩ thầm - và phá đám cuộc hôn nhân giữa Clélia và hầu tước. Nhưng ta sẽ chặn tay nó“. Sực nhớ có hai vị cha cố, bà vội vàng nói: - Ngài là một vương chủ vĩ đại, bị vu khống quá nhiều. Sự mất mát nầy quá lớn đối với chúng tôi!

Hai vị cố đạo về rồi, bà công tước bảo mình sắp đi ngủ, để được ngồi một mình. Bà tự nhủ:

“Muốn cẩn thận thì hẳn là ta phải chờ một hai tháng rồi mới trở về Parme, nhưng ta cảm thấy không thể có sự kiên nhẫn ấy. Ở đây ta đau khổ quá. Cảnh tượng Fabrice luôn luôn mơ màng và im lặng, lòng ta không chịu nổi. Ai dám tin là ta buồn chán khi đi chơi phiếm chỉ mình ta với Fabrice trên mặt hồ xinh đẹp này, lại vào lúc ta đã hành động trả thù cho y quá cái mức ta có thể nói cho y hay! Đã chứng kiến cảnh tượng này thì chết có nghĩa lý gì! Bây giờ đây ta phải đền bồi những phút say sưa hạnh phúc, vui vẻ hồn nhiên ở lâu đài của ta tại Parme khi tiếp Fabrice từ Naples về. Giá lúc ấy, ta nói một tiếng thì đã xong rồi và có lẽ gắn bó với ta, y không nghĩ tới con bé Clélia. Nhưng cái tiếng ấy ta thấy tởm quá. Bây giờ con bé Clélia đó át ta. Dễ hiểu thôi: Con bé hai mươi tuổi, còn ta bị những lo âu làm thay đổi, lại đau ốm, trông ta gấp đôi tuổi nó… Phải chết, phải chấm dứt cuộc đời! Một phụ nữ bốn mươi tuổi chỉ có giá trị chút ít đối với những người đàn ông đã yêu mình trong thời son trẻ mà thôi! Ngày nay ta chỉ còn những niềm vui hiếu danh hiếu thắng. Mà vì những thứ đó thì hỏi có đáng sống thêm nữa không?… Thêm một lý do để về Parme và vui chơi. Nếu tình thế xoay chuyển một cách thế nào đó thì chúng nó sẽ giết ta. Dù vậy nữa cũng có hại gì? Ta sẽ chết một cách lẫm liệt, và trước khi chết, chỉ lúc đó thôi, ta sẽ nói với Fabrice: ”Đồ bội bạc! Ta chết vì anh đây!”…

Phải rồi, cái kiếp sống thừa ngắn ngủi này chỉ có chỗ dùng ở Parme mà thôi. Ta sẽ làm bà lớn ở đó. Giá như bây giờ ta cũng hãy còn cảm kích về những ưu đãi ngày xưa từng làm cho mụ Raversi ghen tức đến khổ sở thì sung sướng biết bao nhiêu! Lúc bấy giờ muốn nhìn thấy hạnh phúc ta phải nhìn vào những con mắt đố kỵ… Tính rởm đời của ta cũng có cái hạnh phúc của nó. Có lẽ ngoài bá tước ra, không ai đoán được biến cố nào đã làm cho lòng ta tắt ngấm…. Ta yêu Fabrice, ta sẽ tận tâm vì sự nghiệp của nó. Nhưng nó không được phá hỏng cuộc hôn nhân của Clélia để rồi lấy cô bé ấy… Không thể như thế!”

Cuộc đối thoại buồn rầu của nữ công tước vừa đến đó thì nghe có tiếng huyên náo trong nhà.

— Tốt lắm! Bà tự nhủ, họ đến bắt ta đó. Ferrante đã bị tóm, anh ấy đã khai thú… ừ thì càng hay! Ta sắp có việc làm đây, ta sắp phải giành giật cái đầu ta với lũ chúng nó. Nhưng mà trước hết phải không để cho bị bắt.

Chưa mặc đủ sống áo, nữ công tước chạy trốn tận cuối vườn, bà đã nghĩ tới việc leo qua một bức tường con để chạy thoát ra đồng. Nhưng bà thấy có người vào phòng. Bà nhận ra Bruno, người thủ hạ tâm phúc của bá tước. Anh ta đứng một mình với chị hầu phòng của bà. Bà lại gần cửa sổ dòm vào. Bruno đang nói về những vết thương của mình với chị hầu phòng. Bà về buồng mình. Bruno gần như quì xuống dưới chân bà để van xin bà đừng nói lại với bá tước cái giờ khuya khoắt buồn cười mà anh ta đến đây.

— Quận vương vừa qua đời, Bruno nói tiếp, tức khắc bá tước ra lệnh cho các trạm không được cung cấp ngựa cho thần dân đất Parme. Vì vậy tôi đã đi đến sông Pô với ngựa nhà. Nhưng từ dưới thuyền lên, xe tôi bị lật, gãy nát và tôi bị trật khớp, nặng đến nỗi không thể đi qua được đúng với bổn phận của tôi.

— Này! Nữ công tước đỡ lời. Bây giờ là ba giờ sáng tôi sẽ nói anh đến lúc trưa. Nhưng nhớ đừng nói khác tôi.

— Tôi biết bà lớn có lòng tốt, tốt lắm.

Chính trị ở trong một tác phẩm văn học là một phát súng ngắn giữa cuộc hòa tấu, một cái gì thô bạo, tuy nhiên không thể không đủ chú ý.

Chúng tôi sắp nói đến những việc xấu xa mà vì nhiều lẽ chúng tôi muốn im đi hơn; nhưng chúng tôi buộc phải đi vào những sự biến thuộc lĩnh vực chuyên môn của chúng tôi bởi vì sân khấu của nó là quả tim của các nhân vật.

— Nhưng lạy Chúa! Vị quận vương vĩ đại ấy qua đời như thế nào?

Nữ công tước hỏi Bruno.

— Ngài đi săn chim di cư ở các đầm dọc sông Pô, cách Sacca hai dặm. Ngài rơi vào một cái hố bị cỏ dại che khuất, ngài đổ mồ hôi nhiều và bị cảm lạnh; người ta khiêng ngài vào một cái nhà nhỏ lẻ loi hiu quạnh, ở đấy mấy tiếng đồng hồ sau, ngài tắt thở. Có những người khác nói rằng các ông Catena và Borone cũng chết, và tất cả tai nạn này là do mấy chiếc xoong đồng ở nhà người nông dân mà các ngài ghé vào, mấy chiếc xoong đồng này dính đầy chất tanh đồng. Các ngài đã ăn sáng ở đó. Sau hết, những đầu óc bốc đồng - những người Jacobins này họ muốn gì thì kể nấy - những đầu óc đó nói đến thuốc độc. Tôi biết là người bạn của tôi. Toto, nhân viên tiếp liệu của triều đình, hẳn đã chết nếu không có sự săn sóc hào hiệp của một anh nhà quê, anh này có vẻ như hiểu biết về thuốc men lắm và đã chữa cho bạn tôi bằng những phương thuốc khác thường. Nhưng nay thì người ta không nói về cái chết của quận vương nữa; thực ra ông là một người tàn bạo. Khi tôi ra đi, dân chúng tụ tập lại để giết tên chánh án Rassi; người ta cũng muốn đốt các cửa thành để cố giải thoát cho tù nhân. Nhưng họ nói Fabio Conti đã bắn đại bác ra. Có những người khác bảo pháo binh rảy nước lên thuốc súng vì không muốn giết hại đồng bào. Tuy nhiên việc này thú vị hơn nhiều, trong khi viên thầy thuốc ở Sandolaro nắn chữa cánh tay cho tôi, một người từ Parme đến kể rằng dân chúng bắt gặp tên thư lại khét tiếng của ngục thành, tên Barbone, đã đập chết nó rồi mang xác nó đến treo ở công viên, trên cái cây gần ngục thành nhất. Dân chúng kéo đi đập phá pho tượng đẹp đẽ của quận vương dựng ở vườn ngự. Nhưng ngài bá tước đã lấy một tiểu đoàn cấm binh dàn trước pho tượng và bảo truyền cho nhân dân biết rằng kẻ nào đi vào vườn ngự sẽ không trở ra toàn mạng, và dân chúng đâm sợ. Vậy mà điều này mới thật lạ người từ Parme đến và là một cựu sen đầm đã kể đi kể lại với tôi nhiều lần, đó là việc ngài bá tước đá đít tướng P, người chỉ huy cấm binh, và ngài đã bảo hai pháo thủ dẫn tướng ấy ra khỏi vườn ngự sau khi lột hết cầu vai của ông ta.

— Bá tước là thế đấy, ta biết mà! Nữ công tước kêu lên với một niềm vui sướng bồng bột, mà một phút trước đây chính bà không ngờ có thể có. Ông không bao giờ chịu để cho người ta làm nhục vương phi của chúng ta. Còn tướng P, vì trung thành với những người chủ chính thống, nên trước kia không khi nào muốn phụng sự kẻ thoái vị, chứ bá tước thì ít cao thượng hơn, bá tước đã tham dự tất cả những cuộc đình chiến ở Tây Ban Nha, điều này người ta thường viện ra để chỉ trích ông.

Nữ công tước bóc thư bá tước, nhưng chốc chốc lại ngừng đọc để hỏi Bruno hàng trăm câu hỏi.

Bức thư viết rất nhộn, bá tước dùng những lời lẽ bi thảm nhưng niềm vui sướng sôi nổi nhất toát lên từ mỗi chữ. Ông tránh nói chi tiết về cái chết của quận vương và kết thúc thư như sau:

“Chắc em sắp trở về, thần nữ yêu quí của tôi ạ! Nhưng tôi khuyên em hãy chờ một vài hôm người giao thông mà vương phi phái đi nội nhật hôm nay hoặc ngày mai thôi sẽ đến, tôi tin là như vậy.

Việc hồi triều của em phải huy hoàng cũng như việc xuất ngoại của em đã táo tợn. Còn cái tên đại tội phạm ở bên cạnh em đó thì tôi định sẽ cho đem nó ra xét xử giữa mười hai vị quan tòa từ các nơi trên đất nước này triệu về. Tuy nhiên, muốn trừng phạt con quái ấy cho xứng đáng tội trạng nó thì trước tiên tôi phải xé vụn cái bản án thứ nhất đi đã, nếu có bản án ấy”.

Bá tước lại viết thêm:

“Còn một việc khác nữa, tôi vừa phân phát đạn cho hai tiểu đoàn cấm binh, tôi sắp đánh nhau và sẽ cố gắng sao cho xứng với cái mệnh danh “Tên tàn bạo” mà bọn tự do đã đặt cho tôi từ lâu. Trong doanh trại, cái xác ướp lâu đời là tướng P dám nói đến việc thương thuyết với đám dân chúng sục sôi toan nổi loạn. Tôi viết thư cho em từ giữa đường phố. Tôi đến hoàng cung đây, kẻ nào muốn vào đó phải bước qua xác chết của tôi. Vĩnh biệt em! Nếu tôi chết, tôi vẫn cứ say đắm em như thường, cũng như khi tôi còn sống! Đừng quên rút ba trăm nghìn francs gửi theo tên em ở ngân hàng Đ tại Lyon.

Đây cái thằng quỷ Rassi tái nhợt như xác chết, đầu không mang tóc giả. Em không tưởng tượng mặt mày hắn đâu! Dân chúng nhất thiết muốn treo cổ hắn, làm như thế thiệt cho hắn quá, hắn xứng đáng được ngựa xé xác. Nó trốn trong lầu tôi rồi đeo theo đuôi tôi ở ngoài đường phố. Tôi không biết làm gì với nó… tôi không muốn dắt nó đến hoàng cung, làm thế là khiến cho cuộc nổi loạn bùng nổ ở phía ấy. F sẽ thấy tôi có yêu chú ta hay không. Câu đầu tiên tôi nói với Rassi là:

”Tôi cần có bản án xử ông Del Dongo cùng với tất cả những bản sao mà ông có thể có, ông hãy nói với bọn quan tòa bất công đó, chúng là nguyên nhân của cuộc nổi loạn này, là tôi sẽ cho treo cổ tất cả bọn chúng, cùng với ông nữa, ông bạn thân mến ạ, nếu chúng nhắc một tiếng thôi về cái bản án kia, bản án chưa bao giờ tồn tại. Nhân danh Fabrice, tôi phái một đại đội thủ pháo đến cho đức tổng giám mục. Vĩnh biệt em, nữ thần yêu quý! Dinh tôi sắp bị đốt và tôi sẽ mất những bức chân dung mê hồn của em. Tôi chạy đến cung điện để báo cách chức tướng P đê tiện vì hắn đã làm những điều sở trường của hắn. Hắn nịnh dân chúng một cách hèn hạ cũng như ngày xưa hắn nịnh cố hoàng thân. Tất cả bọn tướng ấy sợ hãi như chết, có lẽ tôi phải bảo cử tôi làm tổng tư lệnh mới xong”.

Nữ công tước ranh mãnh không cho đánh thức Fabrice, bà cảm thấy bừng dậy trong lòng một niềm kính phục đối với bá tước gần giống tình yêu: “Suy đi nghĩ lại cho cùng, ta lấy anh ấy là phải!” Bà tự nhủ như vậy và tức thì viết thư nói việc ấy với bá tước, bà cho một người nhà mang thư đi. Đêm ấy, bà không có phút nào rỗi rãi để buồn khổ.

Hôm sau vào trưa, bà thấy một chiếc thuyền có mười tay chèo rẽ nước lướt tới băng băng. Rồi Fabrice và bà nhận ra một người mặc đồng phục gia bộc nhà hoàng thân. Người đó đúng là một người liên lạc của quận vương, trước khi lên bờ anh hét lên cho nữ công tước nghe thấy: Cuộc nổi loạn đã yên! Hắn trao cho bà mấy bức thư của bá tước, một bức thư rất ân tình của vương phi và một sắc dụ của quận vương Ranuce Ernest V viết trên giấy da báo phong bà là nữ công tước San Giovanni và tổng quản nữ đại thần của thái phi. Vị thế tử trẻ tuổi uyên thâm về khoáng vật học mà nữ công tước cho là khờ dại đó, đã có ý tứ viết cho bà một lá thư nhỏ, nhưng có hơi hướng tình yêu ở đoạn cuối. Thư như sau:

“Thưa công tước phu nhân, bá tước nói người bằng lòng về tôi. Sự thực thì tôi đã phải chịu lửa bên cạnh ông và ngựa tôi trúng đạn, thấy chỉ có thế thôi mà người ta làm ầm lên, tôi rất muốn dự một trận đánh thực sự, nhưng không phải là đánh vào dân ta. Nhờ cả ở bá tước, những tướng tá của tôi không hề dự trận cho nên đã hành động như thỏ, hình như có hai ba tướng bỏ chạy đến tận Bologne. Từ khi một biến cố lớn và thảm thương đem lại quyền trị vì cho tôi, tôi chưa hề ký một sắc dụ nào thích thú bằng sắc dụ cử phu nhân làm tổng quản nữ đại thần của mẹ tôi. Đức thái phi và tôi nhớ là một hôm nào đó phu nhân ngắm say xưa cái cảnh San Giovanni của Pétrarque ngày xưa. Theo người ta bảo, mẹ muốn biếu phu nhân cái ấp nhỏ đỏ. Còn tôí không biết lấy gì để tặng phu nhân và không dám hiến dâng tất cả cái gì phu nhân đã có, tôi phong phu nhân tước nữ quận công ở nước tôi. Tôi không biết phu nhân có đủ uyên bác để biết rằng Sanseverina là một tước vị La mã hay không. Tôi vừa ban băng nhất đẳng bội tinh nước ta cho đức tổng giám mục đáng kính, người đã tỏ ra có một sự cương nghị hiếm có ở những cụ già bảy mươi. Phu nhân đừng oán tôi đã triệu về tất cả những mệnh phụ lưu vong. Người ta bảo tôi từ nay chỉ ký tên sau khi viết những chữ thân ái. Tôi không ưa người ta bắt tôi không định bừa bãi một điều chỉ hoàn toàn đúng khi tôi viết cho phu nhân.

Thân ái

Ranuce Ernest

Theo lời lẽ trong thư, ai không nói rằng bà công tước sắp được hưởng ân sủng cao nhất? Tuy vậy bà thấy có cái gì khác thường trong mấy bức thư của bá tước mà bà nhận được hai giờ sau. Ông không nói gì khác một cách rõ ràng nhưng khuyên bà hãy hoãn việc trở về Parme ít hôm và viết thư cho thái phi nói mình đang mệt nhiều. Nhưng nữ công tước và Fabrice vẫn lên đường sau bữa ăn trưa. Mục đích của bà công tước là thúc đẩy cuộc hôn nhân của hầu tước Crescenzi, tuy bà không tự thú với mình như vậy, về phần Fabrice thì anh sung sướng như điên trong khi đi đường, khiến bà công tước thấy quá lố bịch. Anh hy vọng gặp Clélia nay mai, anh tính đến việc bắt cóc cô, dù trái ý cô, nếu chỉ còn có cách ấy để hủy bỏ cuộc hôn nhân.

Hành trình của cô cháu nữ công tước diễn ra rất vui vẻ. Đến một trạm gần Parme, Fabrice dừng lại một lát để thay áo quần cố đạo, lúc thường ăn mặc như một người có tang. Khi anh trở vào phòng bà công tước, bà nói:

— Cô thấy có cái gì mập mờ và khả nghi trong các bức thư của bá tước. Anh hãy nghe cô, nán lại đây ít tiếng đồng hồ. Cô sẽ phái người đến báo tin cho anh ngay sau khi cô đã trao đổi ý kiến với ông thượng thư tài giỏi ấy.

Cái ý kiến hợp lý ấy, Fabrice nghe theo một cách rất miễn cưỡng. Bá tước tiếp đón nữ công tước với những biểu hiện vui mừng bồng bột như của một đứa trẻ mười lăm và gọi bà là vợ. Mãi ông vẫn không chịu nói về tình hình chính trị. Nhưng chung qui rồi cũng phải đi đến cái chuyện buồn đó:

— Em cản, không cho Fabrice trở về một cách công khai là phải lắm. Ở đây đang trong giai đoạn tối phản động. Em thử đoán xem quận vương cho anh bạn đồng nghiệp nào của tôi giữ ghế bộ trưởng thái phi, một người cứ mỗi tháng một đôi lần mắng hắn: “Im đi! Gonzo, anh chỉ là một con lừa”.

Là tôi chưa xé được bản án xử Fabrice bởi cái lẽ trọng đại là tên bợm Rassi không đưa cho tôi. Cho nên phu nhân không cho Fabrice công khai trở về là phải lắm. Bản án vẫn luôn luôn có hiệu lực. Tuy nhiên, tôi không tin rằng tên Rassi dám cho bắt cháu chúng ta hôm nay, mươi lăm hôm nữa nó dám đấy. Nếu Fabrice khăng khăng đòi về thành phố thì hãy bảo nó đến ở nơi tôi.

— Nhưng vì sao lại xảy ra như thế? Nữ công tước lấy làm lạ kêu lên.

— Người ta dèm pha với tân vương là tôi lên mặt độc tài, cứu tinh của tổ quốc và tôi muốn dắt mũi ngài như một chú bé, hơn thế, khi nói về ngài tôi đã thốt lên cái tiếng tai hại: Chú bé ấy.

Việc đó có thể có thật, ngày hôm đó tôi bồng bột quá, chẳng hạn tôi thấy tân vương là một người vĩ đại bởi vì người khá gan dạ trước những tiếng súng đầu tiên mà người nghe thấy trong đời. Vương không kém thông minh, vương còn có phần phong nhã hơn bố, tóm lại tôi luôn luôn nói rằng bản chất tân vương tốt và lương thiện, nhưng tấm lòng chân thật và trẻ trung ấy co rúm lại khi người ta kể cho nghe một mánh khóe bất lương và nghĩ rằng người nào đã nhận thay nhưng điều như vậy thì chắc là tự mình cũng phải có một tâm hồn tối tăm, cũng phải biết ông được giáo dục như thế nào!…

— Đáng lẽ trước đây tướng công phải nghĩ rằng một ngày kia thế tử sẽ là vương chủ và bố trí bên cạnh ông là một người thông minh.

— Trước hết chúng ta có cái gương của ông abbé Condillac, được người mà tôi kế vị, hầu tước Felino mới, ông abbé chỉ làm cho người học trò của mình trở nên một ông chúa khờ. Ông ta đi vào các đám rước thánh thể và năm 1796 ông không biết thương lượng với tướng Bonaparte, nếu biết thương lượng thì tướng Bonaparte sẽ làm cho đất nước ông ta rộng lớn gấp ba. Thứ nữa, tôi không hề nghĩ rằng tôi sẽ làm bộ trưởng mười năm liền. Bây giờ chán ngấy tất rồi, chán từ một tháng nay, tôi muốn cóp nhặt một triệu trước khi bỏ mặc cái chợ tôm cá mà tôi đã giải cứu này tự xoay xở lấy. Không có tôi, Parme hẳn đã trở thành một nước cộng hòa trong hai tháng với nhà thơ Ferrante Palla làm lãnh tụ độc tài. Cái câu ấy khiến cho nữ công tước đỏ mặt xấu hổ, thì ra bá tước không hay biết tí gì cả.

Chúng ta sắp trở lại chế độ quân chủ thông thường của thế kỷ XVIII với một cha rửa tội và một ả nhân tình bên cạnh vua. Thật ra hoàng thân chỉ yêu khoáng sản học và yêu phu nhân nữa có lẽ. Từ khi ông ấy trị vì, người hầu phòng của ông, em người này mới tại ngũ chín tháng đã được tôi thăng đại úy, người hầu phòng ấy đã tìm được cách làm cho ông tin rằng ông sung sướng hơn ai hết vì hình trông nghiêng của ông sẽ hiện trên đồng écu. Khi cái niềm tin đẹp đẽ ấy mờ nhạt đi thì ông đâm buồn chán.

Bây giờ ông cần một phụ tá như là một vị thuốc giải buồn. Ấy! Dù Điện hạ có ban cho tôi cả triệu francs cần thiết để chúng ta sống đàng hoàng ở Naples hay Paris chăng nữa, tôi cũng không muốn làm phương thuốc giải buồn cho Điện hạ và mỗi ngày chung đụng với Điện hạ bốn năm tiếng đồng hồ. Vả chăng vì tôi thông minh hơn ngài cho nên một tháng sau ngài sẽ coi tôi là một quái vật.

Quận vương quá cố ác và ghen tị, nhưng ngài đã chiến đấu ở chiến trường, từng chỉ huy những liên sư, cho nên có tư thế. Người ta tìm thấy cốt cách vương giả ở ngài vì vậy tôi có thể là thủ tướng tốt hay xấu bên cạnh ngài, với cái ông con lương thiện và tốt bụng này, tôi bắt buộc phải thành người mưu mô xúc xiểm. Tôi sẽ biến thành đối thủ của bất kỳ người phụ nữ hạng bét nào trong hoàng cung, và đối thủ quá kém thế bởi vì tôi coi thường hàng trăm chi tiết cần thiết. Chẳng hạn cách đây ba hôm, một trong những phụ nữ mới buổi sáng đi phát khăn trắng cho các phòng đã nảy ý làm cho hoàng thân mất chiếc chìa khóa của một bàn giấy kiểu Anh. Chỉ vì thế mà Điện hạ không chịu xét về những vụ mà giấy tờ nằm trong bàn giấy đó. Đúng ra là với hai mươi quan, ta có thể bảo thợ cạy những tấm ván ra, hoặc là dùng chìa khóa đánh tạm. Nhưng quận vương Ranuce Ernest V nói với tôi là làm như thế là tập những thói xấu cho anh thợ khóa của triều đình. Cho tới hôm nay, ông hoàn toàn không thể giữ nguyên một ý định ba ngày liền. Giá ông hoàng trẻ này ra là một ngài hầu tước gì đấy giàu có, ông sẽ là một người đáng mến ở triều đình, một Louis XVIII[112]. Nhưng ngây thơ một cách thành tâm như vậy, làm sao ông chống nổi cạm bẫy tinh vi bủa vây quanh mình? Bởi vậy phòng khách của người kình địch với phu nhân, mụ Raversi đã trở nên có thế lực hơn bao giờ hết. Ở đây người ta khám phá ra tôi là một người tự do điên cuồng, tôi muốn buộc quận vương phê ký một hiến pháp, và trăm thứ xuẩn ngốc tương tự, trong khi tôi ra lệnh bắn vào dân chúng và kiên quyết thả chết ba nghìn người nếu cần, chứ không đành để cho người ta xúc phạm tượng đài vị quận vương đã từng là chủ của tôi. Họ nói: Với những chuyện cộng hòa ấy bọn điên rồ rồi sẽ không cho ta hưởng thụ chế độ vương quyền tốt đẹp nhất này[113]… tóm lại, thưa phu nhân, phu nhân là người duy nhất trong đảng tự do hiện tại, mà bọn thù địch bơm tôi lên làm thủ lĩnh, người duy nhất mà hoàng thân không nói đến nó những lời lẽ khó chịu. Đức tổng giám mục luôn luôn là người đứng đắn, nhưng vì nói về những việc tôi làm trong ngày tai hại bằng những lời lẽ phải chăng, cho nên đang ở trong tình trạng thất sủng nghiêm trọng.

Sáng hôm sau cái ngày lúc bấy giờ chưa có tên là tai hại đó, khi cuộc nổi loạn vẫn còn là một thực tại, hoàng thân nói với đức tổng giám mục là để cho phu nhân khỏi phải mang một tước vị thấp hơn khi lấy tôi, hoàng thân sẽ phong cho tôi tước công. Ngày nay tôi tin rằng Rassi, mà tôi phong quí tộc khi hắn bán những bí mật của tiên vương cho tôi, chính Rassi sẽ được tước bá.

Bên cạnh sự thăng quan tiến chức đó, tôi đóng vai một anh thộn. Và ông hoàng tội nghiệp sẽ rơi xuống bùn nhơ.

Đúng vậy. Nhưng ông vẫn là chủ soái, tính chất đó sẽ xóa sạch sự lố bịch buồn cười trong vòng mười lăm hôm. Thôi thì phu nhân thân mến ạ, ta hãy làm như khi đánh súc sắc, ta cuốn gói thôi.

— Nhưng chúng ta có giầu có gì cho cam!

— Thực ra, cả phu nhân và tôi đều không cần xa hơn. Nếu đến Naples mà phu nhân cho tôi một chỗ ngồi trong buồng lô nhà hát San Carlo và một con ngựa thì tôi thỏa mãn lắm rồi. Không phải vì xa xỉ người hay ít mà phu nhân và tôi có vị thứ trong xã hội, mà vì sự thích thú của những người hiểu biết đến uống chén trà ở nhà chúng ta.

— Thế nhưng, nữ công tước đáp, điều gì sẽ xảy ra trong ngày tai hại nếu bá tước không nhúng tay vào như em hy vọng bá tước sẽ làm thế trong tương lai?

— Quân đội sẽ kết luận với dân chúng, sẽ có ba ngày giết chóc và đốt phá (bởi vì cẩn phải một trăm năm nữa thì ở xứ này chế độ cộng hòa mới hết là một sự phi lý) rồi mười lăm ngày cướp bóc cho đến khi có hai hay ba trung đoàn do nước ngoài cung cấp đến kìm lại. Ở giữa quần chúng Ferrante Palla dũng cảm và điên cuồng như thường lệ. Có lẽ anh ta có chừng một tá bạn hữu phối hợp với anh ta, do đó Rassi sẽ dựng lên một vụ phiến loạn lừng lẫy. Điều chắc chắn là Palla thì quần áo rách rưới không thể tưởng tượng được, mà vàng thì lại phân phát đầy tay.

Nữ công tước lòng đầy say sưa khâm phục trước những tin tức ấy, vội vã đi cảm tạ thái phi.

Khi phu nhân vào phòng, bà mệnh phụ lo về trang phục trao cho phu nhân chiếc chìa khóa con bằng vàng mà người ta mang ở thắt lưng, biểu tượng của uy quyền tối cao ở phần cung điện thuộc quyền thái phi, Clara Paolina vội vàng xua mọi người ra khỏi phòng. Khi còn một mình với bà bạn thái phi chỉ nói úp mở một hồi, không có gì rõ ràng cả. Nữ công tước không hiểu sao nên cũng chỉ trả lời dè dặt. Cuối cùng thái phi khóc òa và ngả vào vòng tay của nữ công tước. Bà kêu lên:

— Thời hỏa hoạn của tôi sắp trở lại, con tôi đối xử với tôi còn tệ hơn bố nó.

— Đó là điều tôi phải chặn đứng! Nữ công tước hăng hái đáp. Tuy nhiên trước hết tôi cần được Công nương anh minh hạ cố tiếp nhận lòng biết ơn trọn vẹn và lòng thành kính sâu sắc của tôi.

— Phu nhân nói gì thế? Thái phi chột dạ hỏi, lòng thấp thỏm lo nữ công tước từ chức.

— Nội là hễ khi nào Công nương cho phép tôi quay cái cằm rung rinh của ông phỗng trên bệ sưởi kia về bên phải thì đồng thời cũng xin Người cho phép tôi gọi sự việc bằng tên thật của nó.

— Chỉ có thế thôi ư, công tước phu nhân thân mến? Clara Paolina kêu lên và đứng dậy đi nhanh đến bên cái tượng, tự tay chữa cho nó ngay ngắn.

- Bà tổng quản đại thần của tôi cứ tha hồ nói, thái phi bảo với giọng điệu rất dễ yêu.

— Thưa Công nương! Nữ công tước nói, Công nương đã thấy rõ tình thế chúng ta, Công nương và tôi đang lâm vào cảnh nguy hiểm nhất, bản án kết tội Fabrice chưa được hủy bỏ, vì thế ngày nào họ muốn gạt bỏ tôi và làm nhục Công nương thì họ bắt nó vào tù lại. Chỗ đứng của chúng ta xấu hơn lúc nào hết về phần tôi, tôi kết hôn với bá tước Mosca và chúng tôi sẽ đến ở Naples hoặc Paris. Sự bạc bẽo của người ta đối với bá tước hiện nay đã khiến ông hoàn toàn tởm lợm công vụ và nếu không vì quyền lợi của Công nương thì tôi chỉ khuyên bá tước ở lại trong cảnh hổ lốn này khi nào tân quận vương ban cho ông một số tiền lớn. Tôi xin phép được giải thích cho Công nương thấy rằng khi bá tước xuất chính, ông có một trăm ba mươi nghìn francs thì giờ đây ông cũng chỉ mới có được hai mươi nghìn francs thực lợi mà thôi. Đã từ lâu, tôi thôi thúc ông nghĩ tới gia sản, nhưng đều hoài công. Trong khi tôi vắng mặt, ông kiếm chuyện với bọn trung thần thuế khóa của hoàng thân, chúng là những tên ăn cắp, ông thay thế chúng bằng những tên ăn cắp khác, những tên này đã biếu ông tám trăm nghìn francs.

— Thế ư? Thái phi sửng sốt kêu. Trời ơi! Tôi bực về chuyện này quá!

— Thưa Công nương, nữ công tước rất bình tĩnh nói, có nên quay mũi ông phỗng về bên trái không ạ?

— Không đâu, lạy Chúa! Nhưng tôi bực vì nỗi một người tư cách như bá tước lại nghĩ đến cách kiếm chác ấy!

— Nếu không ăn cắp như thế thì đã bị tất cả những người lương thiện khinh bỉ.

— Trời ơi! Có thể như thế được chăng?

— Thưa Công nương, nữ công tước đáp, trừ người bạn tôi, hầu tước Crescenzi, anh ta có ba hay bốn trăm nhìn francs lợi tức, còn thì ai ở đây cũng ăn cắp hết. Làm thế nào để khi ăn cắp ở một xứ mà lòng biết đối với những công trạng lớn nhất không lâu bền được tròn một tháng? Cho nên chỉ có tiền bạc là thực, là sống sót sau sự thất sủng.

- Tôi sẽ mạn phép nói những sự thật dữ dội đấy, thưa Công nương.

— Tôi cho phép phu nhân. Tôi ấy, thái phi thở dài não nuột nói, tuy những sự thật ấy làm tôi day dứt khó chịu lạ.

— Thế thì thưa Công nương, hoàng thân lệnh nam là một người rất mực lương thiện nhưng ngài có thể làm khổ Công nương còn hơn Tiên vương. Tiên vương có bản lĩnh gần như mọi người. Vương chủ ngày nay không chắc giữ được một ý định ba hôm liền. Vì vậy muốn tìm ở Người, phải luôn sống bên cạnh Người và đừng để Người nói chuyện với kẻ khác. Vì chân lý đó không khó tìm ra cho lắm, cho nên đảng cực đoan mới, do hai đầu óc cứng cỏi điều khiển, là Rassi và nữ hầu tước Raversi, sẽ tìm cách đem đến cho hoàng thân một ả nhân tình. Ả nhân tình ấy được phép làm giàu và phân phát một số chức vụ hạ cấp, nhưng ả phải bảo đảm với đảng về ý chí kiên định của vương chủ.

Muốn được ngồi vững vàng ở vị trí của mình tại triều đình Công nương, tôi cần phải thấy Rassi bị phát lưu và thóa mạ công khai, tôi còn muốn Fabrice được xét xử bởi những quan án lương thiện nhất mà ta có thể tìm thấy, nếu các quan án ấy công nhận.

Như tôi hy vọng rằng Fabrice vô tội, thì lẽ tự nhiên phải chuẩn y cho đức tổng giám mục cử nó làm phó chủ giáo với quyền thừa kế. Nếu tôi thất bại, bá tước và tôi sẽ rời bỏ nơi đây. Lúc ấy tôi sẽ để lại cho Công nương cao quí lời khuyên này: Công nương không bao giờ nên tha thứ cho Rassi và cũng đừng bao giờ xa rời đất nước của tự quân. Nếu Công nương cứ ở bên cạnh ông con ngoan ấy thì Người sẽ không làm gì thiệt hại cho Công nương lắm đâu.

— Tôi theo dõi lập luận của phu nhân với tất cả sự chú ý cần có, thái phi mỉm cười đáp. Thế thì tôi có cần lo kiếm cho con tôi một nhân tình hay không?

— Không, thưa Công nương, nhưng trước tiên xin hãy làm cho phòng khách của Công nương trở thành phòng khách duy nhất mà tự quân vương vui chơi thích thú.

Câu chuyện kéo dài vô tận trên hướng đó, vảy cá rơi khỏi mắt bà vương phi trong trắng và hóm hỉnh.

Một người liên lạc của nữ công tước đến báo cho Fabrice biết là anh có thể vào thành phố nhưng phải giấu mặt. Fabrice vào thành phố nhưng khó gặp lắm. Suốt ngày anh cải trang làm một người nông dân ở trong lều ván của một người bán hạt dẻ, ở ngay trước cổng ngục thành, dưới hàng cây công viên.