— Người anh em này! Anh nói với tên hầu phòng - ta không phải là một tên ăn trộm bình thường bởi vì trước hết ta sẽ biếu anh hai mươi francs. Ta sắp bị giết nếu ta không nhanh chân xéo đi ngay. Bốn anh em thằng cha Riva đang đuổi theo ta bén gót, anh chắc biết những tay săn bắn sở trường ấy chứ? Chúng bắt được ta trong buồng em gái chúng, ta nhảy qua cửa sổ, chạy đến đây. Chúng xách súng, dắt chó chạy ra rừng. Ta trốn trong cây lật rỗng vì thấy một tên trong bọn vượt qua đường; chó của chúng sắp đánh hơi tìm ra ta thôi! Ta định cưỡi con ngựa của anh chạy qua hồ Côme độ một dặm. Ta đến Milan quì gối thỉnh cầu phó vương. Ta sẽ gửi con ngựa anh ở trạm với hai đồng Napoléon biếu anh nếu anh thỏa thuận. Nếu anh chống cự, dù chỉ một tí thôi cũng đủ cho ta giết anh với mấy khẩu súng này đây. Nếu anh đi gọi sen đầm đuổi theo ta thì người anh họ ta, bá tước Alari trung hậu, bảo mã quan của đức Hoàng đế, sẽ có phận sự giần xương anh ra.
Fabrice nói tới đâu thì bịa tới đó, vẻ người muôn phần hòa dịu.
— Ngoài ra! Anh vừa cười vừa nói, tên ta đâu phải là một điều bí mật: Ta là tiểu hầu Ascanio Del Dongo, lâu đài ta ở cạnh đây, ở Grianta. Nào! Anh lớn tiếng - Cút đi, buông ngựa ra đi chứ!
Tên hầu phòng sửng sốt, không mở miệng nói được tiếng nào. Fabrice chuyền súng qua tay trái, chộp lấy cương mà tên kia buông ra, nhảy lên yên ngựa và cho ngựa tế lên. Được ba trăm bước, anh sực nhớ đã quên cho hắn số tiền hai mươi francs mà anh hứa. Anh gò ngựa lại. Trên đường chẳng có ai, ngoài tên hầu phòng cũng phi ngựa chạy theo anh. Anh lấy khăn tay vẫy, ra hiệu bảo nó tiến lên, và khi thấy nó còn cách năm mươi bước, anh vất ra đường một nắm tiền lẻ rồi thúc ngựa chạy đi. Từ xa anh nhìn thấy tên hầu phòng xuống ngựa nhặt tiền. Fabrice cười, nói:
“Quả là một người biết điều! Hắn không nói một tiếng vô ích."
Anh phi ngựa, chạy nhanh, đến trưa dừng lại nghỉ ở một cái nhà cách biệt, vài giờ sau lại lên đường. Đến hai giờ sáng anh tới bờ hồ Majeur; không lâu sau đó, anh thấy chiếc xuồng của anh lướt sóng đi tới, nó đã nhận ra ám hiệu. Không gặp người nông dân nào để gửi con ngựa, anh thả rông con vật cao quý đó. Ba tiếng đồng hồ sau, anh tới Belgirate. Ở đây, trên đất thân thuộc, anh nghỉ ngơi chút ít. Anh vui lắm, anh thành công mỹ mãn. Có nên vạch những nguyên nhân đúng của sự vui vẻ ấy không? Cái cây của anh xanh tốt tuyệt vời và tâm hồn anh vừa tắm mát trong vòng tay âu yếm của cha Blanès. Anh nghĩ thầm: “Ông có thật tin hết những lời ông tiên đoán về ta không nhỉ? Hay là vì anh ta làm ầm lên rằng ta là một thằng Jacobins, một tên vô quân vô phụ, tội ác nào cũng không từ, cho nên ông chỉ muốn răn ta chớ để cho cám dỗ bởi cái thích thú bắn vỡ óc thằng chó má nào chơi đểu với ta?”.
Hai hôm sau Fabrice đã ở Parme. Công tước phu nhân và bá tước rất vui thích khi nghe anh kể hết sức trung thực, theo thói quen của anh, tất cả sự việc trong hành trình.
Lúc mới đến, Fabrice thấy người gác cổng và tất cả tôi tớ trong lâu đài Sanseverina đều mặc đại tang. Anh hỏi nữ công tước:
— Nhà ta có ai qua đời vậy, thưa cô?
— Con người quý hóa mà người ta gọi là chồng tôi đó vừa mất ở Baden. Ông để tòa lâu đài này lại cho tôi như đã giao ước, nhưng để tỏ thân tình, ông lưu tặng thêm một khoản ba mươi vạn francs làm tôi bối rối quá. Tôi không muốn từ chối để cho người cháu gái ông, nữ hầu tước Raversi, lại được thừa hưởng, con mụ ấy không ngày nào là không chơi tôi những trò chết vằm. Anh là một tài tử, anh phải tìm cho tôi một nhà điêu khắc giỏi; tôi sẽ xây cho ông công tước một ngôi mộ đáng giá ba mươi vạn.
Bấy giờ bá tước bắt đầu kể giai thoại về mụ hầu tước đó.
— Tôi dùng ân huệ để ve vuốt nó, bà công tước nói, nhưng vô hiệu. Còn lũ cháu trai của công tước, tôi đều bơm lên đại tá hoặc tướng hết. Đáp lễ lại, không có tháng nào mà chúng nó không gửi cho tôi một thư nặc danh tồi tệ hết chỗ nói, tôi phải mướn một thư ký để đọc những thư từ loại ấy.
— Mà thư nặc danh chỉ mới là tội lỗi nhỏ nhặt nhất của chúng nó mà thôi, bá tước nói tiếp. Chúng nó là một xưởng chế tạo những điều vu khống đê tiện. Tôi có thể cho truy tố cái ổ đó vài mươi lần trước tòa án, và ông nói thêm với Fabrice - Ông lớn có tin rằng các quan toà ngoan ngoãn của tôi sẽ kết án chúng hay không?
— Ấy chính vì thế mà tôi cũng ngán với mọi công việc, Fabrice đáp với sự ngây thơ đáng buồn cười ở chỗ triều đình. Giá họ được những quan tòa công minh kết án thì tôi thấy thú hơn.
— Anh, anh đi đây đi đó để học hỏi, nếu anh cho tôi được địa chỉ những quan tòa như vậy, thì tôi thích lắm, tôi sẽ viết thư mời họ, viết ngay tối nay, trước khi đi ngủ.
— Nếu tôi là thủ tướng mà không có những quan tòa lương thiện thì tôi sẽ lấy làm tự ái.
— Ông lớn yêu mến người Pháp đến thế, và trước đây từng đem cánh tay vô địch của mình giúp họ thế mà hình như ông lớn vội quên một châm ngôn lớn của họ là: ”Giết quỉ sứ vẫn tốt hơn là để cho quỷ sứ có thể giết mình". Tôi muốn biết đức ông làm thế nào mà cai trị những người đầy nhiệt huyết, suốt ngày đọc lịch sử Cách mạng Pháp đó, với những quan tòa cứ tha bổng những người mà tôi truy tố. Họ cũng đến xử trắng án hết cho những tên vô lại rõ ràng là có tội nhất trong khi họ cứ tưởng mình là những Brutus[65]. Nhưng tôi hãy hạch sách anh về điều này đã: Tâm hồn tế nhị của anh có thấy bứt rứt tí nào không về khoản con ngựa đẹp và hơi gầy anh bỏ lại trên bờ hồ Majeur.
— Tôi định bụng, Fabrice đáp rất nghiêm chỉnh, cho người đem trả lại cho chủ ngựa số tiền mà anh ta dùng vào việc niêm yết và các việc cần thiết khác nhờ đó mà những người nông dân bắt được ngựa sẽ trao trả ngựa cho anh ta. Tôi đọc đều đặn tờ nhật báo Milan để tìm lời rao mất ngựa. Tôi biết rõ hình dáng con ngựa này.
— Anh bạn trẻ đúng là người cổ sơ, bá tước nói với công tước phu nhân. Rồi ông cười nói tiếp với Fabrice:
Nếu trong khi phi như gió trên lưng con ngựa mượn ấy, mà lỡ ra nó vấp một cái thì ông lớn đã như thế nào rồi nhỉ. Anh đã ngồi trong nhà ngục Spielberg, anh cháu nhỏ thân mến của tôi ạ, và tất cả thế lực của tôi cũng chỉ đủ để can thiệp cho cái dây xiềng đeo ở mỗi chân anh nhẹ đi mười lăm cân là cùng. Anh sẽ nghỉ ở cái khu nghỉ mát ấy mười năm; có thể hai chân anh sẽ sưng húp lên và thối thịt và người ta sẽ cưa gọn nó.
— Chao ôi! Hãy làm ơn kết thúc cuốn tiểu thuyết bi thảm ấy đi! Công tước phu nhân kêu lên, mắt rớm lệ. Fabrice đã về đây…
— Và tôi còn vui mừng hơn phu nhân nữa, phu nhân nên tin như thế, bá tước đáp dáng hết sức nghiêm trang. Nhưng mà tại sao chú bé tai quái này lại không hỏi xin tôi một tờ hộ chiếu mang một cái tên hợp lý, khi chú định đi Lombards? Nếu làm vậy thì thoạt nghe tin chú bị bắt, tôi sẽ đi Milan ngay và những người bạn hữu của tôi ở đó sẽ vui lòng nhắm mắt lại, và giả thiết là cảnh sát của họ đã bắt lầm một con dân của quận vương Parme.
Bá tước nói thêm, giọng bớt bi đát:
Câu chuyện của anh rất ngộ và vui đáo để, tôi sẵn lòng công nhận cái đó, việc anh từ rừng nhảy ra đường cái, tôi cũng thấy hay lắm. Nhưng nói riêng với nhau, vì tên hầu phòng đó nắm vận mệnh anh trong tay nó, cho nên anh có quyền gạt bỏ nó. Chúng tôi sắp tạo cho ông lớn một tiền đồ rực rỡ, đó là điều mà phu nhân đây ra lệnh, và tôi tưởng rằng những kẻ thù tồi nhất cũng không thể vu cáo là đã có lần nào tôi không tuân lệnh phu nhân. Bà công tước và cả tôi nữa sẽ phiền muộn đến chết được nếu trong cuộc chạy đua vong mạng đó, con ngựa gầy yếu của anh vấp ngã! Nếu mà ngã ngựa để bị bắt thì thà để cho ngựa làm gãy cổ còn hơn.
— Tối hôm nay bạn thê thảm quá, bạn ạ! Nữ công tước rất xúc động nói.
— Là vì những biến cố thê thảm lảng vảng quanh chúng ta, bá tước cũng xúc động đáp. Chúng ta ở đây không phải như ở Pháp mà việc gì cũng kết thúc bằng một bài hát hoặc một hạn tù vài năm; tôi cười cợt mà nói những việc ấy với các bạn là không đúng. Nào, anh cháu nhỏ ạ, giả dụ tôi đẩy được anh lên chức giám mục, bởi vì rõ ràng là tôi không thể bắt đầu bằng ghế tổng giám mục công quốc Parme theo ý muốn rất phải chăng của nữ công tước đây thì ở trong tòa giám mục đó, không nghe được những lời khuyên bảo tốt lành của chúng tôi, anh định theo đường lối xử thế nào?
— Giết quỉ sứ tốt hơn là để cho quỉ sứ giết mình, như những người bạn Pháp của tôi nói! Fabrice đáp, mắt sáng rực. Tôi sẽ cố giữ bằng mọi phương tiện, kể cả súng, cái địa vị ông tạo cho tôi. Tôi đọc thấy trong gia phả họ Dongo chuyện một ông cố tôi, cái người đã xây tòa lâu đài Grianta. Vào cuối đời ông cụ, người bạn tốt của ông cụ Galéas quận công Milan, phái ông cụ đến thanh tra một lũy đài trên hồ chúng ta, vì sợ bọn Thụy Sĩ xâm lăng lần nữa. Khi chia tay, quận công nói: “À! Tôi cần viết mấy chữ thăm hỏi tướng trấn thủ nữa chứ”. Quận công viết và trao cho ông cố tôi một bức thư vài dòng, rồi ông lấy lại để niêm phong nói: “Thế này lịch sự hơn!”. Cụ Vespasien Del Dongo ra đi, nhưng khi rẽ nước trên mặt hồ, cụ sực nhớ một cổ tích Hy Lạp, vì ông cụ là người thông thái. Cụ bóc bức thư của vị ân chủ ra xem và đọc thấy lệnh cho tướng trấn thủ giết ngay ông cụ khi cụ đến. Gã quận công Sforce đó chuyên chú đóng kịch lừa ông cụ tôi nên đã sơ suất để một dòng trống giữa chữ ký và dòng cuối của tờ lệnh. Cụ Vespasien viết vào đó lệnh cử ông cụ làm tổng trấn các lũy đài trên hồ và xóa bỏ phần đầu bức lệnh thư. Đến lũy đài và được coi là tổng trấn, ông cụ vứt viên trấn thủ xuống giếng và khai chiến với quận công. Mấy năm sau, ông cụ đổi lũy đài lấy những đất đai mênh mông đời kia qua đời nọ làm giàu cho các chi phái trong dòng họ tôi, và một ngày kia sẽ cho tôi món lợi tức bốn nghìn francs.
— Anh ăn nói như một ông hàn lâm, bá tước kêu lên và cười lớn. Anh vừa kể một kỳ công thật đấy, nhưng mà phải chờ từng chu kỳ mười năm mới có một cơ hội hay ho để làm một việc thú vị như vậy. Thường thường thì một nhân vật không thông minh nhưng chăm chỉ, nhưng cẩn thận lại hay được hưởng cái thú chiến thắng những kẻ giàu trí tưởng tượng. Đáng lẽ phải tìm cách chạy sang Mỹ châu, trong một cơn ảo tưởng. Napoléon đã đầu hàng anh chàng John Bull[66] thận trọng. John Bull đứng đằng sau cái quầy hàng của mình, đã cười no nê khi đọc bức thư trong đó Hoàng đế dẫn chứng Thémistocle[67]. Thời nào cũng vậy, chung quy rồi những tên Sancho Panza hèn mọn đều thắng các vị don Quichotte[68] hào hùng. Nếu anh chịu khó đừng làm một việc gì khác thường thì tôi tin chắc anh sẽ là một giám mục rất được kính trọng dù chăng không phải là rất đáng kính. Tuy nhiên tôi vẫn duy trì lời nhận xét của tôi; Ông lớn đã xử sự một cách nhẹ dạ trong vụ con ngựa, chỉ thiếu một chút là Ông Lớn lâm vào cảnh tù tội vô chung vô thủy.
Tiếng tù tội làm cho Fabrice giật mình, rồi anh như chìm đắm trong thảng thốt. Anh tự hỏi phải chăng cảnh tù tội đe dọa anh là cảnh tù tội ác này? Những điều báo trước của cha Blanès bị anh chế nhạo trên tính cách là lời tiên tri, thì giờ đây anh thấy là những điềm trời rất quan trọng. Công tước phu nhân lấy làm lạ hỏi:
— Anh làm sao vậy? Bá tước đã đưa anh vào những cảnh đen tối à?
— Cháu được sáng tỏ một chân lý mới và không phẫn uất với nó, trái lại cháu muốn thừa nhận nó. Quả đúng như vậy, cháu xuýt chạm cánh cửa một nhà tù vô thời hạn! Nhưng cái tên hầu phòng đó quá xinh xắn trong bộ quần áo kiểu Anh, giết nó thì tiếc thật!
Ông bộ trưởng lấy làm thích thú với cái dáng ngoan ngoãn của Fabrice. Ông liếc nhìn nữ công tước, nói:
— Anh bạn nhỏ này quá là kháu, kháu đủ mặt. Anh bạn ạ, tôi có thể nói anh đã chinh phục được một người, có lẽ là người đáng mê nhất.
Ái chà! Fabrice nghĩ thầm - ông ấy đùa mình về con bé Marietta đây.
— Sự ngây thơ như kinh thánh của anh đã thu được cảm tình của Ông tổng giám mục đáng kính, đức cha Landriani. Một ngày tới, chúng tôi sẽ đưa anh lên chức linh mục phụ tá của đức tổng giám mục; cái điều mê mẩn nhất trong trò hề này là ba linh mục phụ tá hiện nay đều là những người xứng đáng, trong số đó có hai đã là phụ trước khi anh ra đời, cả ba vị sẽ viết chung một bức thư hào hiệp lên đức tổng giám mục yêu cầu ngài cử đứng đầu hàng phụ tá. Những vị ấy sẽ căn cứ vào đức hạnh của anh trước hết, sau đó là vào tư cách là cháu đức tổng giám mục Ascagne Del Dongo lừng danh. Khi tôi được biết họ kính trọng đức hạnh của anh, tôi sẽ tức khắc phong hàm đại úy cho cháu vị phụ tá thâm niên nhất, anh ta là trung úy từ trận thống chế Suchet vây hãm thành Tarragone.
— Anh đi ngay đi, đến thăm ngay ông tổng giám mục để tỏ lòng trìu mến ông ta. Cứ ăn mặc xuyềnh xoàng như thế mà đi - bà công tước bảo. Hãy kể với ông về lễ cưới của chị anh. Khi ông biết chị anh sắp làm bà công tước thì ông càng thấy anh có dáng thánh đồ hơn nữa. Phải nhớ đừng tỏ ra có biết chút gì về việc tiến cử anh trong tương lai mà bá tước vừa tiết lộ với anh đó.
Fabrice chạy ngay đến tòa tổng giám mục. Anh tỏ ra giản dị và khiêm tốn, anh làm thế thì dễ thôi; trái lại anh phải cố gắng lắm mới đóng vai quan lớn được. Trong khi nghe những lời lẽ hơi dài dòng của đức cha Landriani, anh tự hỏi thầm: “Ta có nên bắn tên hầu phòng nắm dây cương con ngựa gầy không nhỉ?” Lý trí của anh nói: Nên, nhưng lòng anh không quen thản nhiên trước hình ảnh chàng thanh niên đẹp trai ngã xuống chân ngựa, mình mẩy máu me, mặt mày méo mó.
“Nếu con ngựa vấp ngã thì cái ngục thất nuốt chúng ta đó đã phải là cái ngục mà biết bao nhiêu điềm trời đã đe trước ta chưa”.
Vấn đề đó quan trọng bậc nhất đối với anh, cho nên đức tổng giám mục rất bằng lòng về cái vẻ chăm chú sâu sắc của anh.