Fabrice tìm một chỗ thuận lợi để trông nhìn mà không bị phát hiện; từ chỗ rất cao ấy, anh nhận thấy mắt có thể nhìn xuống các vườn, cả đến cái sân trong ở lâu đài bố anh. Trước đây anh đã quên ông bố. Giờ nghĩ đến người cha gần đất xa trời, tình cảm anh thay đổi hết. Anh nhìn thấy đến cả mấy con chim sẻ đang tìm những vụn bánh mì trên bao lơn buồng ăn. “Đây là con cháu của mấy con chim ta nuôi ngày trước”. Cái bao lơn ấy cũng như tất cả những bao lơn khác trồng rất nhiều cam trong những chậu đất lớn. Thấy cảnh ấy, anh cảm động. Dáng dấp cái sân trong được tô điểm như thế, với những bóng râm sắc nét và rõ rệt vì ánh nắng chói chang, trông thật hùng vĩ.
Anh lại nhớ tới tình cảnh suy yếu của cha. “Lạ thật! Anh tự nhủ. Bố ta chỉ hơn ta ba mươi lăm tuổi, ba mươi lăm cộng với hai mươi ba thì mới năm mươi tám thôi!"
Anh nhìn đăm đăm lên các cửa sổ của con người nghiêm khắc chưa bao giờ yêu anh đó mà ứa nước mắt. Anh rùng mình, chợt thấy có một luồng máu lạnh chảy qua trong người, khi tưởng thấy cha anh đi qua cái sân thượng trồng cam ở trước buồng ông; nhưng đó chỉ là một anh hầu phòng. Ngay dưới chuông, một đám thiếu nữ mặc áo trắng chia thành mấy tốp đang rắc hoa đỏ, hoa xanh, hoa vàng thành hình trên mặt đất, nơi đám rước sắp kéo qua. Nhưng có một cảnh tượng dội sâu sắc hơn vào tâm hồn Fabrice, từ trên lầu chuông, mắt anh phóng xa ra hai nhánh hồ ở cách anh đến mấy dặm và bức tranh tuyệt vời đó làm phai mờ tất cả những cảnh khác. Nó gợi dậy trong anh những tình cảm cao thượng nhất. Tất cả những kỷ niệm tuổi thơ lũ lượt kéo về quây lấy tư tưởng anh, và cái ngày bị nhốt trên gác chuông này có lẽ là một ngày đẹp nhất trong đời anh.
Niềm vui sướng đó nâng anh lên một tầm cao tư tưởng khá xa lạ với tính tình anh. Trẻ tuổi như thế mà anh đã nhìn những biến cố ở đời như một người bước vào giới hạn cuối cùng của cuộc sống. Sau mấy tiếng đồng hồ mơ mộng say sưa, cuối cùng anh tự nhủ.
Phải công nhận là từ khi ta tới Parme cho đến nay, ta không có những niềm vui hoàn hảo và yên tĩnh như niềm vui ta tìm thấy ở Naples khi phi ngựa trên những con đường Vomero hoặc khi chạy nhảy trên bãi biển Misène. Những lợi quyền phức tạp của cái tiểu triều đình độc ác ấy làm cho ta cũng hóa ác… Ta chẳng tìm thấy lý thú gì trong sự thù ghét, hơn nữa ta nghĩ rằng làm nhục kẻ thù nếu ta có kẻ thù là một niềm vui tồi. May là ta không có kẻ thù… ấy chết! Bậy! Anh bỗng nghĩ thầm: “Ta có một kè thù là Giletti… Sao lạ quá vậy, cái thú được thấy tên này ra rìa thì tồn tại mà sự ham thích lớt phớt đối với cô bé Marietta thì lại bay biến mất rồi… Ả còn lâu mới sánh được với nữ công tước A, mà ta phải yêu ở Naples bởi vì ta trót nói với nàng là ta mê nàng… Lạy Chúa! Đã bao lâu ta chán chết đi trong những buổi hò hẹn dài dằng dặc với bà công tước xinh đẹp ấy. Không bao giờ xảy ra như vậy trong cái buồng nát dùng làm nhà bếp, ở đấy con bé Marietta tiếp ta hai lần, mỗi lần hai phút."
Chao ôi! Trời! Các người ấy họ ăn thứ gì vậy? Trông mà thương hại! Đáng lẽ ta phải trợ cấp cho cô bé và mụ bảo mẫu mỗi ngày ba miếng bít tết trả bằng tiền mặt… Con bé Marietta làm ta khuây lãng những tư tưởng độc ác nẩy sinh do chung đụng với cái triều đình kia.
Có lẽ ta theo lối sống quán cà phê, như bà công tước gọi, mà tốt hơn đấy. Hình như cô của ta nghiêng về phía đó, mà cô thì có trí tuệ hơn ta nhiều. Nhờ những ân huệ của cô, hoặc chỉ với món trợ cấp bốn nghìn francs và với số vốn bốn mươi nghìn francs đặc lợi ở Lyon mà mẹ dành cho ta, ta cũng có thể tậu một con ngựa, và có một ít tiền ngoài để khai quật và lập một phòng giấy khảo cổ. Vì hình như số kiếp ta khiến ta không thể, thì đấy hẳn là những nguồn hạnh phúc lớn cho ta. Trước khi qua đời, ta muốn trở lại thăm chiến trường Waterloo và cố tìm lại cánh đồng cỏ ở đấy ta bị bốc lên khỏi lưng ngựa và đặt xuống đất một cách ngộ nghĩnh như thế. Cuộc hành hương đó thực hiện xong, ta sẽ trở lại nhiều lần trên cảnh hồ tuyệt diệu này. Dưới trời này không đâu đẹp hơn, đúng như thế, hay ít nhất là lòng ta cảm thấy như thế. Còn phải chạy đi đâu xa để tìm hạnh phúc chứ! Nó ở đây ở trước mắt ta.
Chà! Chà! Fabrice tự bác bỏ ý kiến của mình. Cảnh sát đã trục xuất ta khỏi hồ Côme. Nhưng ta trẻ hơn những kẻ điều khiển các hoạt động của cảnh sát. Ở đây! Fabrice cười mà nói tiếp - ở đây ta sẽ không tìm thấy một nữ công tước A, nhưng ta rất có thể gặp một trong những cô thiếu nữ đang xếp hoa ở dưới nền kia mà phải nói thật là ta thích không kém. Sự giả dối, dù giả dối trong yêu đương cũng làm ta nguội lạnh mà các bà lớn thì cứ nhằm đạt hiệu quả trác tuyệt nhất. Napoléon đã tiêm nhiễm cho họ những cao vọng về phong hóa và thủy chung.
Ái chà! Anh thầm nhủ đột ngột và vội thụt đầu vào bên trong cửa sổ; dường như anh sợ bị nhận thấy, mặc dù đứng khuất bóng tấm cửa chống to tướng bằng gỗ dùng để che mưa cho mấy chiếc chuông. Có một toán sen đầm vận đại phục kéo tới kia.
Quả có mười tên sen đầm, trong có có bốn hạ sĩ quan, xuất hiện ở đầu đường cái. Viên đội bố trí họ cứ cách trăm bước một người, dọc theo hành trình sắp tới của đám rước.
— Ở đây ai cũng biết mặt ta. Nếu người ta thấy mình thì mình chui thẳng tuột từ hồ Côme vào nhà ngục Spielberg để được người ta tra vào mỗi chân một dây xích năm mươi lăm kilô. Và công tước phu nhân sẽ đau đớn biết bao nhiêu!
Phải hai ba phút sau Fabrice mới nhớ ra trước hết là anh ở cao mười tám sải, rồi thì là chỗ anh nấp tương đối tối tăm và những người trông lên sẽ bị mặt trời chói chang làm lóa mắt; sau hết anh nhận thấy họ đi chơi đi dạo thôi, mắt họ mở to nhìn những phố xá quét vôi trắng toát để cho lễ thánh Giovita được trọng thể. Mặc dù những lý lẽ rõ ràng ấy, tâm hồn người Ý của Fabrice từ đây sẽ không yên hưởng một thú vui nào nếu anh không căng một tấm vải cũ lên quãng cách giữa anh và bọn sen đầm, bằng cách đóng đinh tấm vải lên khung cửa sổ và anh chọc thủng hai lỗ nhỏ trên vải để nhìn ra.
Chuông làm rung chuyển không khí đã được mười phút, đám rước ở nhà thờ kéo ra, súng mortaretti lên tiếng, Fabrice quay đầu lại và nhận ra cái nền cao có bệ chắn mà hồi thiếu niên nhiều bận đứng lên để xem, anh suýt bị súng mortaretti nổ giữa chân; vì thế, buổi sớm những ngày lễ, mẹ anh muốn thấy anh ở bên cạnh mình.
Bạn đọc nên biết các khẩu mortaretti (tức là moóc chiêu con) chỉ là những nòng súng cưa cụt còn hơn tấc; vì vậy nông dân háo hức nhặt những nòng súng mà đường lối chính trị châu u rải rác dày đặc trên các đồng bằng Lombardie từ năm 1796. Khi đã cưa còn hơn tấc, họ nhồi thuốc súng đến tận miệng, họ đặt đúng các nòng con ấy dưới đất và rắc một dãy thuốc súng nối liền các nòng với nhau; chúng được xếp thành ba hàng, như một tiểu đoàn, với quân số hai hay ba trăm, ở một nơi gần hành trình của đám rước. Khi thánh thể đến gần, người ta châm lửa vào dây thuốc súng, tức thời bắt đầu một tràng tiếng nổ đanh, rất không đồng đều và buồn cười. Phụ nữ sướng mê đi. Không gì vui bằng những tiếng súng cối con ấy từ xa dội đến mặt hồ và dịu đi vì sóng nước; cái tiếng lạ lùng đó ngày xưa làm vui tuổi thơ của anh, ngày nay xua đuổi đi những ý nghĩ hơi quá nghiêm trang đương làm bận rộn đầu óc anh. Anh đi tìm ống kính thiên văn lớn của ông abbé và nhờ nó mà nhận ra phần đông những người đàn ông và đàn bà đi trong đám rước. Nhiều cô bé xinh xắn, ngày Fabrice ra đi mới mười một mười hai, bây giờ đã là những thiếu phụ cao đẹp, rực rỡ trong tuổi xuân căng nhựa nhất. Họ phục hồi can đảm cho anh, khiến lúc đó anh có thể mặc kiếp bọn sen đầm, cứ xuống chuyện trò với họ.
Đám rước diễu xong rồi về nhà thờ qua một cửa hông mà Fabrice không nhìn thấy; lúc đó trời trở nên oi bức lạ lùng, dù ở trên lầu chuông cũng vậy. Dân chúng ai về nhà nấy, làng xóm trở nên yên lặng. Nhiều chiếc thuyền đầy ắp nông dân đi về các ngã Bellagio, Menaggio và những làng khác trên bờ hồ. Fabrice nghe từng tiếng mái chèo; chi tiết đơn giản này làm cho anh say sưa ngây ngất. Cái vui hiện tại của anh chính là kết của khốn khổ và gò bó trong đời sống rắc rối ở triều đình… Lúc này mà được lướt chơi một dặm trên mặt nước phản chiếu cảnh trời thăm thẳm ở cái hồ đẹp đẽ và lặng sóng này thì thú vị biết bao nhiêu.
Fabrice nghe thấy người ta mở cửa ở dưới lầu chuông; đó là bà u già của ông abbé, bà mang đến một giỏ lớn thức ăn. Anh tự kiềm chế một cách khó khăn để không chuyện trò với bà. Anh tự bảo: “Bà ấy cũng thương mến ta hầu như không kém ông chủ, và lại tối nay đến chín giờ thì ta đi, lẽ đâu bà không giữ nổi bí mật trong mấy tiếng đồng hồ sao? Cái bí mật ấy, nếu ta yêu cầu tất bà thề sẽ giữ. Thế nhưng làm vậy sẽ làm phật ý ông bạn già! Và vì ta, ông có thể bị bọn sen đầm làm lôi thôi”. Nghĩ thế rồi anh để cho bà Ghita đi đi mà không nói gì với bà cả. Anh ăn một bữa cơm ngon tuyệt, rồi thu xếp để ngủ giây lát. Đến tám giờ rưỡi tối, ông abbé lay cánh tay anh mới dậy; lúc đó trời đã tối hẳn.
Cha Blanès rất mệt mỏi, trông như già hơn tối hôm qua đến năm mươi tuổi. Ông không nói việc gì quan trọng nữa. Ngồi trên ghế gỗ, ông bảo Fabrice: “Hôn ta đi!” Ông ôm anh trong tay nhiều lần. Cuối cùng ông nói:
— Cái chết sắp chấm dứt cuộc đời rất dài này không có gì làm cho ta phải buồn bằng sự cách biệt với con! Cha có một túi tiền gửi cho mụ Ghita với lệnh truyền lấy trong đó mà chi dụng nhưng nếu có khi nào con đến hỏi thì trao số còn lại cho con. Cha biết tính mụ ấy đã dặn bảo như thế thì mụ có thể tiết kiệm vì con đến mức chỉ mua thịt mỗi năm bốn lần, nếu con không ra lệnh khác đi cho mụ ta. Phần con cũng có thể lâm cảnh bần cùng, chừng đó đồng tiền của ông bạn già này sẽ có ích. Con chớ chờ đợi gì ở anh con, ngoài những thủ đoạn đê hèn. Hãy cố gắng kiếm tiền bằng một công việc hữu ích cho xã hội. Cha thấy trước những trận giông tố lạ lùng, có thể trong năm mươi năm nữa người ta không muốn có những kẻ ăn không ngồi rồi trong xã hội. Mẹ con và cô con có thể không giúp gì được cho con trong một ngày kia, còn các chị con thì phải làm theo ý chồng… Thôi, đi đi! Chạy đi!
Ông Blanès vội vàng nói mấy tiếng sau cùng đó vì ông nghe thấy tiếng sột soạt nhỏ trong đồng hồ báo trước là chuông mười giờ sắp đổ; ông cũng không chịu để cho Fabrice hôn ông lần cuối.
— Nhanh lên! Nhanh lên! Ông thét. Con phải mất ít ra là một phút để xuống thang. Coi chừng không ngã, ngã là một điềm xấu đó!
Fabrice lao xuống thang gác, đến nền thì vội vã chạy đi. Anh vừa đến ngang lâu đài ông bố thì chuông đổ mười tiếng. Mỗi tiếng ngân vang trong lòng anh và gây lên một xáo động lạ lùng. Anh dừng lại để suy nghĩ, nói cho đúng để đắm mình trong những tình cảm say sưa gây nên bởi cảnh tượng tòa nhà oai vệ mà tối hôm qua anh nhận xét một cách lạ lùng. Nhiều bước chân người dội đến, kéo anh ra khỏi cơn mơ mộng: anh nhìn lên và thấy mình bị vây giữa bốn tên sen đầm. Anh có hai khẩu súng ngắn rất tốt, mà anh vừa thay ngòi trong lúc ăn cơm, anh lên cò súng, gây nên một tiếng động nhỏ làm cho một tên sen đầm chú ý, toan dừng lại. Anh nhận thấy nguy và nghĩ nên bắn trước, đó là quyền của anh, vì làm thế là cách duy nhất chống được bốn con người vũ trang đầy đủ. Cũng may là những tên này kéo đi chỉ để giải tán khách khứa trong quán rượu, và chúng đã tỏ ra không hoàn toàn vô tình trước lời mời nhã nhặn của nhiều bàn tiệc; vì vậy chúng quyết định làm phận sự hơi chậm. Fabrice chạy trốn rất nhanh. Bọn sen đầm cũng chạy lên mấy bước, hò hét: “Đứng lại! Đứng lại!” rồi thì tất cả lại yên lặng. Chạy được ba trăm bước, Fabrice dừng lại để thở. “Tiếng lách cách của súng ta suýt làm ta bị bắn. Nếu mà thế thì khi được may mắn gặp lại công tước phu nhân xinh đẹp, bà sẽ bảo ta say chiêm ngưỡng những sự việc xảy ra mười năm sau mà quên nhìn những gì xảy ra bên cạnh”.
Fabrice rùng mình khi nghĩ đến điều nguy hiểm mà anh vừa tránh khỏi. Anh rảo bước đi nhanh hơn rồi giây lát sau thì lại chạy, điều đó chẳng khôn khéo tí nào vì khiến cho nhiều nông dân đi dự lễ về để ý. Cho đến khi vào núi, cách Grianta hơn dặm, anh mới chịu dừng lại, và khi dừng lại xong, anh vẫn thấy còn toát mồ hôi lạnh khi nghĩ tới nhà ngục Spielberg.
“Quả là một cơn sợ hãi! Anh thầm nói, và khi nghe giọng mình nói lên tiếng ấy, anh suýt lấy làm xấu hổ. Nhưng cô của ta đã không nói điều mà ta cần nhất là phải tập tự tha thứ cho mình là gì?"
Ta luôn luôn tự so sánh với một mẫu mực hoàn thiện không thể có trong thiên hạ. Vậy ta tự thứ lỗi cho ta về sự sợ hãi này đi, vì ở một phương diện khác ta đã sẵn sàng bảo vệ tự do của ta và chắc chắn là không thể còn đủ bốn tên sen đầm để giải ta đi tù. Việc ta làm giờ đây chẳng quân sự chút nào; đáng lẽ phải rút lui nhanh chóng sau khi đã đạt mục tiêu và kẻ địch đã báo động, thì ta lại sa vào một trò vui có lẽ còn lố bịch hơn tất cả những lời tiên đoán của ông abbé tốt bụng.
Quả vậy, đáng lẽ phải rút theo con đường ngắn nhất và đi đến bờ hồ Majeur, ở đó thuyền anh đang chờ đón. Fabrice rẽ theo một đường vòng rất lớn để thăm cái cây của anh. Bạn đọc có lẽ còn nhớ Fabrice rất yêu mến một cây dẻ mà mẹ anh trồng hai mươi ba năm về trước. Anh nghĩ thầm: “Anh cả ta dám muối mặt chặt cây ấy lắm. Nhưng mà những con người đó không cảm thấy những điều tế nhị như vậy đâu. Chắc anh ấy không nghĩ đến”. Anh nói thêm, giọng tin tưởng: “Vả chăng dù thế nữa thì đó cũng không phải là điều xấu!”.
Hai tiếng đồng hồ sau, có một điều mắt anh trông thấy mà kinh hoàng: Có những đứa ác hoặc là giông tố đã làm gãy một cành chính của cây tơ, cành đó thòng xuống khô héo, Fabrice dùng lưõi dao găm kính cẩn cắt hẳn nó đi và gọt chỗ dấu gãy cho bằng phẳng để nước khỏi thấm vào thân cây. Sau đó, mặc dù thì giờ đối với anh rất quý hóa vì trời sắp sáng, anh để trọn một giờ để xới đất quanh gốc cây thân yêu. Những việc phù phiếm ấy làm xong, anh vội vã lên đường đi về hồ Majeur. Chung quy anh không buồn gì, cây xanh tốt, khỏe mạnh hơn lúc nào hết, trong năm năm qua đã lớn lên gấp đôi. Cái cành gãy chỉ là một biến cố không hậu quả, cắt đi xong thì nó không làm hại gì cho cây, ngược lại, cây trông vút cao lên vì chỗ đâm cành cao hơn trước.
Fabrice đi chưa đến một dặm đã thấy một dải trắng ngời ở đằng đông soi rạng những đỉnh núi Resegon di Lek nổi tiếng trong vùng. Con đường anh đi rộn ràng những người nhà quê. Nhưng Fabrice không có những suy nghĩ chiến thuật, anh để mặc cho tâm hồn cảm khái về những cảnh trí tuyệt vời hoặc cảm động với những rừng cây vùng quanh hồ Côme. Có lẽ đó là những rừng đẹp nhất thế giới, tôi không muốn nói đến những rừng hát ra tiền như người ta thường gọi ở Thụy sĩ, mà những rừng giao cảm với lòng người kia. Lắng nghe tiếng nói giao tình của rừng cây trong cảnh ngộ của Fabrice thì thật là lũ trẻ con, anh đang bị cảnh sát vương quốc Lombardo Vénitiens chú ý kia mà! Mãi anh mới tự nhủ: “Ta ở cách biên giới nửa dặm đường, ta sắp gặp bọn thuế quan và bọn sen đầm đi tuần tra buổi sớm. Cái áo dạ tốt này sẽ khiến chúng nghi ngờ và chúng sẽ hỏi hộ chiếu của ta, thế mà tờ hộ chiếu này ghi rõ một cái tên sẵn sàng để vào tù. Quả ta đang lâm vào một sự cần thiết dễ ưa, sự cần thiết phải giết người! Nếu theo thường lệ, có hai đầm sen đi kèm nhau, ta không thể đợi cho một tên tìm cách thộp ngựa ta, ta nổ súng, chỉ cần lúc ngã xuống hắn níu lấy tay ta giây phút, thế là ta đi thẳng vào Spielberg rồi.
Kinh tởm khi nghĩ đến phải nổ súng trước, biết đâu không phải một lính cũ của chú mình, Pietranera bá tước. Fabrice chạy đến lúp trong một gốc rỗng một cây thật to tướng. Trong khi thay ngòi súng, anh nghe thấy một người đi vào rừng, vừa đi vừa hát một khúc Mercadante thú vị, điệu hát thịnh hành ở Lombards lúc bấy giờ.
“Chà! điềm lành đây!” Fabrice tự bảo. Anh kính cẩn nghe điệu hát đó và thấy tiêu tan cái khí giận đã len vào những suy nghĩ của anh. Anh nhìn kỹ con đường cái từ hai đầu và không thấy bóng người “Cái anh hát xướng này chắc đi theo một con đường tắt nào đây!” Hầu như cùng lúc, anh thấy một tên hầu phòng ăn mặc sạch sẽ theo kiểu Anh và cưỡi trên một con ngựa cần vụ; ngựa hắn đi bước một, tay hắn cầm cương dắt theo một con ngựa giống tốt rất đẹp nhưng hình như hơi gầy.
— Chao ôi, nếu ta luận lý như ông Mosca, khi ông nói những nguy hiểm đe dọa ta là thước đo quyền hạn của ta trên con người bên cạnh, thì ta sẽ bắn vỡ sọ tên hầu phòng này, và một khi đã ngồi trên lưng con ngựa gầy đó thì tất cả những sen đầm trong thiên hạ, ta có sá gì! Khi về Parme, ta sẽ gửi ngay tiền đến cho hắn, hoặc người vợ góa của hắn… nhưng mà thế thì tởm quá!”.