— Có tin mới cho anh đây - mụ ấy nói - Hai ba diễn viên của chúng tôi bị tố giác là đã tổ chức một cuộc nhậu nhẹt để mừng sinh nhật ngài Napoléon vĩ đại, và thế là đoàn kịch của chúng tôi bị người ta gọi là bọn Jacobine và nhận lệnh đi ra khỏi đất nước Parme. Cứ là Napoléon vạn tuế! Tuy nhiên nghe như ông thủ tướng có cho tiền. Điều chắc chắn là gã Giletti có tiền, tôi không biết bao nhiêu, nhưng tôi thấy hắn có một nắm écu. Marietta nhận nơi ông đoàn trường năm écu để làm lộ phí đến Mantoue và Venise, còn tôi được một. Con bé vẫn cứ mê anh đấy, nhưng Giletti làm nó sợ. Cách đây ba hôm, trong buổi biểu diễn cuối cùng của chúng tôi, thằng cha ấy cứ khăng khăng đòi giết nó. Hắn tát con bé hai cái tát ra trò và còn đáng nguyền rủa hơn nữa, hắn xé chiếc khăn choàng xanh của con bé. Nếu anh cho nó một chiếc khăn choàng xanh khác thì anh tốt bụng lắm và mẹ con tôi sẽ nói là chúng tôi quay số trúng. Viên trưởng giàn trống của đội cảnh sát tổ chức một buổi hòa tấu vào ngày mai, giờ nào anh sẽ đọc thấy trên báo cáo yết dán khắp các góc phố. Anh đến đây chơi nhé! Nếu hắn đi dự buổi hòa tấu thì chúng tôi có hy vọng hắn sẽ vắng nhà lâu lâu, tôi sẽ đứng ở cửa sổ ra hiệu cho anh lên. Anh nhớ đem cho chúng tôi thứ gì hay hay thì nó sẽ say mê anh thôi.
Đi xuống thang xoáy tròn ốc ở cái ổ chuột đê tiện ấy, Fabrice cảm thấy rất ân hận. Anh nghĩ thầm: “Ta không thay đổi gì cả. Tất cả những dự định tốt đẹp của ta trên bờ hồ, khi ta nhìn cuộc đời với con mắt triết lý, nay đều bay mất hết. Lúc ấy tâm hồn ta không ở trong cái hộp thường nhật của nó, tất cả những điều kia chỉ là mộng mị, gặp thực tế lạnh lùng tất phải tiêu tan”.
Anh về đến lâu đài Sanseverina vào lúc mười một giờ đêm. Anh tự bảo: “Lúc này là lúc cần hành động!” Nhưng anh không tin ở đâu ra cái can đảm ăn nói với sự trung thực cao quý mà đêm trên hồ Côme, anh thấy quá dễ dàng. “Ta sẽ làm mếch lòng con người mà ta yêu quý nhất trần gian. Nếu ta nói thì ta sẽ như một anh đóng kịch tồi; ta chỉ có giá trị chút đỉnh những khi bồng bột”.
Sau khi thuật lại cho công tước phu nhân nghe cuộc thăm viếng ở tòa tổng giám mục, anh nói:
— Bá tước đối xử với cháu quá tốt. Cháu càng đánh giá cao cách xử sự đó khi cháu nhận thấy rằng cháu đã không làm cho ông ấy ưa mình. Cho nên đối với ông, cháu phải rất lịch sự. Ông đang tiến hành khai quật ở Sanguigna, ông say sưa với công việc đó, chỉ cần nghiệm trên cuộc hành trình hôm kia cũng đủ thấy; hôm đó ông phải phi ngựa đi mười hai dặm đường để được ở hai giờ với lũ thợ của ông. Nếu họ tìm được những mẫu tượng trong tòa cổ miếu mà nền móng đã được phát hiện, thì bá tước sợ họ đánh cắp mất. Cháu muốn đề nghị với ông bá tước cho cháu đến Sanguigna trong ba mươi sáu tiếng đồng hồ. Đến mai, vào lúc năm giờ cháu phải đến gặp lại đức cha tổng giám mục, cháu có thề ra đi trong buổi chiều và lợi dụng trời đêm mát mẻ để đi đường.
Công tước phu nhân lúc đầu không đáp. Sau bà nói hết sức âu yếm:
— Hình như anh kiếm cớ để xa lánh cô. Vừa ở Belgirate về xong, anh đã tìm ra được một lý do để đi nữa.
Fabrice tự nhủ: “Đây là một dịp tốt để nói. Nhưng ở trên hồ ta hơi điên rồ, trong một cơn hứng trung thực, ta không nhận thấy là câu chuyện ta nói sẽ kết thúc bằng một lời hỗn láo! Nói: “Tôi yêu mến cô với tấm lòng tận tụy nhất… nhưng tâm hồn tôi không biết yêu đương” thì cũng như nói: “Tôi thấy cô yêu tôi, nhưng cô phải coi chừng, tôi không thể đáp ứng cô bằng thứ tình cảm ấy!“. Nếu bà yêu thực thì bà sẽ giận dỗi vì bị đoán trúng tâm can, nếu đối với ta bà chỉ có một thứ trìu mến giản đơn thì bà sẽ công phẫn về sự trâng tráo của ta… và đó là những xúc phạm mà người ta không tha thứ”.
Trong khi cân nhắc những ý nghĩa quan trọng đó, Fabrice vô tình đi lại trong phòng khách, vẻ nghiêm trọng và kiên cường như một người đã trông thấy tai họa ở cách mười bước.
Nữ công tước nhìn anh lòng đầy khâm phục: Đây không phải là thằng bé mình thấy lúc sơ sinh, cũng không còn là đứa cháu luôn sẵn sàng vâng lời cô, đây là một người đàn ông nghiêm nghị, được người đó yêu thì thật là thích thú.
Bà rời trường kỷ, lao vào lòng anh, bồng bột.
— Anh muốn tránh cô ư? Bà hỏi.
— Không, anh đáp với dáng điệu một hoàng đế La Mã, cháu muốn ngoan.
Tiếng ấy có thể giải thích nhiều cách. Fabrice tự thấy không đủ can đảm đi xa hơn nữa, để rơi vào khả năng làm mếch lòng nguyên tắc phụ nữ tuyệt vời đó. Anh hãy còn trẻ quá, còn dễ xúc động quá, trí tuệ anh không giúp cho anh có một cách nói thế nào cho vui lòng người ta mà vẫn rõ ràng ý nghĩa. Do một sự hưng phấn tự nhiên, vượt ngoài lý lẽ, anh ôm người phụ nữ đáng yêu ấy vào lòng, hôn dồn, hôn dập. Vừa lúc ấy có tiếng xe của bá tước đi vào sân và hầu như đồng thời bá tước xuất hiện ở phòng khách. Ông có vẻ rất xúc động.
— Anh gây nên những say đắm thật lạ lùng! Ông nói với Fabrice như vậy làm cho anh gần như thảng thốt.
“Đức tổng giám mục tối nay được hoàng thân tiếp kiến theo thường lệ những buổi tiếp kiến dành cho đức cha vào ngày thứ năm. Hoàng thân vừa kể với tôi là ông tổng giám mục luống cuống, bắt đầu bằng một diễn văn học thuộc lòng, một diễn văn thông thái mà hoàng thân không hiểu gì hết. Sau rốt, cụ Landriani mới tuyên bố là đối với nền công giáo công quận Parme, việc cử đức ông Fabrice Del Dongo làm linh mục phụ tá thứ nhất cho cụ là rất hệ trọng và sau này khi hắn tròn hăm bốn tuổi, thì nên cử làm trợ tá tòa tổng giám mục dự bị kế vị tổng giám mục.
Cái tiếng dự bị kế vị đó khiến tôi đâm sợ, thú thật như vậy! Nói đến kế vị là đi hơi nhanh và tôi lo hoàng thân đá mình một cái vì bực tức gì chăng. Nhưng hoàng thân nhìn tôi, cười và nói bằng tiếng Pháp:
— Người ta nhìn thấy bàn tay ngài đó, ngài ạ!
— Tôi có thể thề trước Chúa và trước Điện hạ là tôi hoàn toàn không hay biết gì về cái từ dự bị kế vị đó.
Tôi kêu lên như thế với vẻ thành kính nhất. Rồi tôi nói thật hết, nói những gì chúng ta đã bàn bạc ở nơi này mấy tiếng đồng hồ trước đây. Cứ như bị cuốn đi, tôi nói thêm rằng sau đây nếu hoàng thân chiếu cố cho chúng tôi một địa phận giám mục nho nhỏ để bắt đầu, thì tôi cho là đã được hoàng thân ban đầy đủ ân huệ.
Chắc là hoàng thân tin, cho nên ngài thấy phải tỏ ra ân cần. Ngài nói với tôi một cách hết sức tự nhiên:
— Đây là một công vụ giữa ông tổng giám mục và tôi, ông không dính dáng gì hết. Ông cụ tổng giám mục “đọc” một bài tường trình rất dài và chán ngắt, rồi kết thúc bằng một đề nghị chính thức. Tôi đáp rất lạnh lùng là nhân vật này còn trẻ quá, nhất là còn mới lạ quá giữa triều đình; là làm vậy tôi có vẻ thanh toán ân nghĩa thay cho hoàng đế, bằng cách trao cái triển vọng một chức vị đến là cao sang cho con một vị trọng thần ở vương quốc Lombardo Vénitien của ngài. Đức cha thanh minh rằng ông không hề nhận được một sự gửi gắm như thế. Nói điều ấy với tôi là quá khờ khạo, tôi lấy làm lạ sao một con người hiểu biết như ông ta lại thế? Nhưng cũng dễ hiểu, khi nào ông thưa gửi gì với tôi, ông đều luống cuống cả. Và tối nay ông lại càng lúng túng hơn bao giờ hết, khiến tôi nghĩ rằng ông mong muốn điều này đến mê mẩn. Tôi nói tôi biết rõ hơn ông ta là không có sự gửi gắm nào từ trên về nhân vật Del Dongo, là không ai ở triều đình tôi phủ nhận tài năng của hắn, và họ cũng nói tốt về đức hạnh của hắn, là tuy thế, tôi sợ hắn có khả năng hưng phấn mà tôi thì đã nguyện không nâng lên trọng trách những người điên kiểu ấy; vì với chúng, bọn vua chúa chúng tôi không nắm chắc cái gì cả! Tức thời Điện hạ nói tiếp - tôi bị nghe một tự tình khúc dài không kém bài trước: Ông tổng giám mục ca tụng lòng hưng phấn trong việc thờ Chúa giữ đạo. Tôi nói thầm: “Anh vụng quá, anh lạc lối rồi, anh làm lỡ việc tiến cử của anh, việc tiến cử hầu như đã được chấp thuận. Đáng lẽ phải ngừng ngay và nồng nhiệt cảm ơn ta!” Không. Ông ta tiếp tục đọc bài tụng với một sự dũng cảm buồn cười. Tôi cố tìm một câu trả lời tương đối ổn thỏa về chú bé Del Dongo. Tôi tìm được một câu khá thích hợp, đây ông xem thử.
“Thưa đức cha, tôi nói, Pie đệ nhất là một giáo hoàng vĩ đại, một vị thánh vĩ đại. Trong tất cả các vị vua chúa, chỉ có ngài là dám nói “Không” với tên bạo chúa đang thấy cả châu u quì dưới chân mình!” thế mà ngài cũng có khuynh hướng hưng phấn khiến cho lúc còn là giám mục Imola, ngài đã viết cuốn giác thư của công dân giáo chủ Chiaramonti ủng hộ nước cộng hòa Bắc Ý”.
Đức tổng giám mục tội nghiệp của tôi sửng sốt và để cho ngài kinh hoàng trọn vẹn, tôi nói rất nghiêm chỉnh: “Chào đức cha. Tôi sẽ để ra hai mươi bốn tiếng đồng hồ để suy nghĩ về đề nghị của đức cha”, ông nói thêm mấy lời khẩn cầu nữa sau khi tôi nói tiếng chào, những khẩn cầu vụng về, không phải lúc. Bá tước Mosca này, bây giờ thì tôi ủy thác cho ông nói với bà công tước là tôi không muốn để cho một điều làm vui lòng phu nhân phải chậm hoàn thành dù chỉ chậm một ngày. Bá tước ngồi xuống đây và hãy viết cho ông tổng giám mục cái lệnh “chuẩn tấu” kết thúc vụ này!
Tôi viết lệnh, ngài ký rồi nói:
Bá tước đem ngay đến cho công tước phu nhân.
— Cái lệnh đó đây này, nó tạo cho tôi một cớ để có diễm phúc gặp phu nhân lần thứ hai trong đêm nay.
Nữ công tước ngây ngất đọc tờ giấy đó. Trong khi bá tước kể chuyện dài như vậy, Fabrice có thì giờ lấy lại bình tĩnh. Anh không tỏ vẻ gì ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra; anh nhìn việc đó đúng như một con nhà đại thế gia, cứ tự nhiên cho là mình có quyền hưởng những vinh thăng khác thường, những bột phát thời vận có thể làm sướng điên một anh tư sản. Anh bày tỏ lòng biết ơn, nhưng với lời lẽ đúng mức; cuối cùng anh nói với bá tước:
— Một thần tử ngoan phải biết bợ đỡ đúng chỗ say đắm nhất của bề trên. Hôm qua bá tước có tỏ ý lo ngại bọn thợ Sanguigna đánh cắp những mảnh tượng cổ họ đào được. Tôi rất thích việc khai quật cổ tích. Nếu bá tước cho phép, tôi sẽ đến thăm bọn thợ. Chiều mai, sau khi đến cảm tạ hoàng thân và đức tổng giám mục, tôi sẽ đi Sanguigna.
— Nhưng anh có đoán được - nữ công tước nói với bá tước - do đâu mà bỗng dưng ông tổng giám mục đôn hậu đâm ra say mê Fabrice như thế không?
— Tôi không cần phải đoán. Hôm qua cha phụ tá - cái vị có em là đại úy ấy mà - nói với tôi: “Đức cha Landriani xuất phát từ nguyên lý chắc nịch người thực thụ phải hơn người trợ tá cho nên tỏ ra vui mừng khôn xiết được có dưới quyền ông một người trong dòng họ Del Dongo và được giúp ích ông cho người đó. Cái gì làm sáng tỏ nguồn gốc vẻ vang của ông, niềm sung sướng thầm kín của ông, niềm sung sướng được nghĩ: Ta có một trợ tá như thế đấy! Lẽ thứ hai là ông ưa đức cha Fabrice, ông không cảm “thấy rụt rè nhút nhát trước mặt ông ta, lẽ cuối cùng là từ mười năm nay ông nuôi một mối hận có căn cứ đối với ông giám mục địa phận Plaisance, ông này rêu rao cái cao vọng sẽ kế thừa đức cha Landriani ở chức vị tổng giám mục Parme; vả lại ông giám mục ấy chỉ là con của một người thợ xay bột. Chính vì mục đích kế vị đó mà giám mục Plaisance thiết lập quan hệ mật thiết với mụ hầu tước Raversi; giờ đây mối quan hệ đó khiến cho đức tổng giám mục lo ngại cho ý đồ thiết tha của ông là có một nhân vật Del Dongo trong bộ tham mưu của mình và được ra lệnh cho nhân vật Del Dongo ấy”.
Hai hôm sau, từ sáng sớm, Fabrice điều khiển công việc khai quật ở Sanguigna, đối diện với Colorno (đó là Versailles của các quận vương Parme); khu khai quật trải rộng ra trên đồng bằng, gần kề con đường lớn đi từ Parme đến cầu Casal Majeur, thành phá đầu tiên trên đất Áo. Thợ của bá tước xẻ một cái hầm dài trên đồng bằng, sâu trên vài thước và rất hẹp; họ chăm chú tìm kiếm, dọc theo con đường cái của La Mã ngày xưa, những di tích của một cái đền thứ hai mà người ta nói thời Trung thế kỷ hãy còn tồn tại ở đó. Mặc dù có lệnh của hoàng thân, nhiều nông dân không thích thấy những hào dài như thế chạy qua đất đai của họ. Dù nói thế nào, họ cũng tưởng tượng là người ta đào tìm một kho của, cho nên sự có mặt của Fabrice là tốt để tránh một cuộc nổi loạn nhỏ. Fabrice không buồn chán, anh theo dõi công việc một cách say sưa; thỉnh thoảng họ tìm được một mề đay và Fabrice không muốn cho thợ thuyền có thì giờ thỏa thuận với nhau để lấy cắp.
Trời rất đẹp, lúc đó vào khoảng sáu giờ sáng, Fabrice có mượn được một cây súng cũ một nòng. Anh bắn mấy con chim sơn ca. Một con bị thương bay đến rơi trên đường cái. Trong lúc đuổi theo con chim, Fabrice nhìn thấy ở đằng xa một chiếc xe từ hướng Parme đến và đi về phía biên giới Casal Maggiore. Anh vừa nạp đạn xong thì cái xe ngựa nát đó cũng nhích từng bước ngắn tới gần và anh nhận ra cô bé Marietta. Bên cạnh cô bé, có thằng cò hương Giletti và người đàn bà có tuổi mà ả bảo là mẹ.
Giletti tưởng Fabrice đứng chắn giữa đường với khẩu súng trên tay để lăng mạ hắn và có lẽ cũng để cướp con bé Marietta của hắn. Là một người gan dạ, hắn nhảy xuống xe. Hắn cầm trong tay trái một khẩu súng ngắn cỡ lớn đã han gỉ, trong tay phải một thanh gươm còn nằm trong vỏ; hắn dùng thanh gươm ấy khi đoàn cần sắm một vai công tử. Hắn thét:
— Ái chà! Thằng cướp! Tao lấy làm thích được gặp mày ở đây, cách biên giới một cây số. Ở đây đôi bít tất tím không bảo vệ cho mày đâu.
Fabrice đang làm duyên với cô bé Marietta, không để ý đến những tiếng la lối ghen tuông của Giletti, cho đến khi đột ngột anh thấy họng khẩu súng gí chĩa cách ngực anh một thước. Anh chỉ kịp dùng cây súng của mình như một chiếc gậy đánh vào khẩu súng ngắn kia; súng ngắn nổ, nhưng không làm ai bị thương.
— Dừng xe lại, thằng chó kia!
Giletti thét bảo người xà ích[69] đồng thời hắn nhanh nhẹn nhảy đến chộp mũi súng của Fabrice, đẩy chệch hướng người hắn. Fabrice với hắn đều lấy hết sức kéo cây súng. Giletti khỏe hơn, cứ lần lượt đặt bàn tay này trước bàn tay kia, tiến mãi về phía ổ súng và suýt đánh được thì Fabrice bấm cò cho súng nổ, để khỏi bị Giletti sử dụng. Trước đó anh đã quan sát kỹ, thấy miệng súng ở cách phía trên vai Giletti hơn một tấc. Tiếng nổ vang lên sát bên tai tên này. Hắn hơi ngạc nhiên nhưng rồi trong chớp mắt lại tỉnh táo:
— Ái chà! Mày muốn bắn vỡ đầu tao hở thằng khốn? Rồi xem tao hóa kiếp cho mày.
Giletti vứt cái vỏ kiếm công tử đi và lao tới Fabrice nhanh nhẹn lạ thường, Fabrice không có vũ khí, thấy nguy, anh chạy về phía chiếc xe để tránh, xe bây giờ đã dừng lại ở cách sau lưng Giletti mươi bước, anh đến bên trái xe, rồi nắm cái nhíp xe anh chạy vòng quanh nó rất nhanh và đi qua sát cánh cửa bên phải vẫn mở. Giletti lao tới trên đôi chân dài và không biết dựa vào nhíp xe, nên cứ theo đà mà vượt quá mấy bước rồi mới dừng được. Khi Fabrice đi qua cánh cửa mở, anh nghe Marietta thầm thì:
— Hãy coi chừng, nó giết anh thôi. Đây này!
Cũng vừa lúc Fabrice thấy một con dao săn lớn từ cửa rơi xuống. Anh cúi nhặt con dao thì bị trúng thương ở bả vai bởi một nhát gươm, Giletti đâm tới. Khi Fabrice đứng lên thì thấy mình chỉ cách Giletti vài tấc. Giletti dùng chuôi gươm dọi một cái dữ dội vào mặt anh. Hắn đánh với một sức mạnh ghê gớm đến nỗi trí óc Fabrice hoàn toàn hoảng loạn; lúc đó anh có thể bị giết như không. May thay cho anh, Giletti đứng sát quá không thể vung kiếm đâm tới được. Khi tỉnh người, Fabrice chạy thục mạng để trốn tránh. Anh vừa chạy vừa vứt bỏ bao dao rồi quay phắt người lại, và thấy mình đứng cách trước mặt Giletti ba bước vì tên này đuổi theo anh. Giletti kịp dùng gươm đỡ con dao săn lên chút ít nhưng mũi dao vẫn đâm trực chỉ vào má trái hắn. Hắn lướt tới sát Fabrice và anh cảm thấy đùi bị đâm thủng; đó là do con dao mà Giletti vừa kịp mở ra, Fabrice nhảy một bước qua bên phải rồi quay lại và thế là hai đối thủ cách nhau vừa tầm chiến đấu.
Giletti chửi rủa như bị quỉ ám. “Nào! Tao sắp cắt cổ mày đây, thằng cố đạo chết vằm kia!” hắn cứ lải nhải như thế. Fabrice thì mệt quá, không nói được. Cái chuôi gươm đập vào mặt làm anh đau đớn quá, máu mũi chảy ròng ròng. Anh dùng dao săn đón đỡ nhiều nhát kiếm và cũng đâm tới nhiều nhát mà không biết mình làm gì. Anh lò mò cảm thấy mình đang dự một cuộc chiến đấu công khai. Anh có ý nghĩ ấy bởi có bọn thợ của anh, chừng hăm lăm đến ba mươi người, vây vòng quanh hai đối thủ; nhưng họ cẩn thận đứng xa vì thấy hai người này cứ chạy lui chạy tới và xông vào nhau.
Cuộc chiến đấu có vẻ chậm lại, các miếng đâm chém không nối tiếp nhau dồn dập nữa, cho đến lúc Fabrice nghĩ thầm: “Mặt ta đau đến thế này thì chắc hẳn đã bị hắn làm cho méo mó dị hợm rồi!”. Nghĩ như thế, anh điên tiết lên, nhảy xổ vào kẻ địch, mũi dao săn chĩa thẳng tới trước. Mũi dao đâm vào bên phải ngực Giletti và chòi ra phía vai trái, cùng lúc lưỡi gươm Giletti thọc vào cánh tay Fabrice suốt đến tận cán, nhưng chỉ xuyên cạn dưới da, vết thương vô hại.
Giletti ngã xuống. Khi Fabrice đi đến bên hắn và nhìn bàn tay hắn nắm con dao thì bàn tay ấy giãn ra một cách tự nhiên và buông thả khí giới. “Thằng khốn khiếp đã chết rồi!” Fabrice tự nhủ. Anh nhìn mặt hắn, miệng hắn ộc ra nhiều máu.
Anh chạy đến xe hỏi Marietta: “Cô có gương không?” Mặt mày tái nhợt, Marietta nhìn anh không đáp. Mụ bảo mẫu già rất tự chủ mở một túi khâu màu xanh, lấy trao cho Fabrice một cái gương con có cán, chỉ bằng bàn tay. Anh chàng soi gương, nắn mặt: “Mắt không việc gì, thế đã là tốt lắm!” anh lại xem răng, răng không gẫy. “Thế thì do đâu mà ta cảm thấy đau đớn dữ vậy?” anh tự hỏi khe khẽ. Bà già đáp:
— Do phần trên của má anh bị tán giữa chuôi gươm và cái xương gò má. Má anh bầm tím và tấy lên một cách gớm ghiếc, cho đỉa hút ngay thì không việc gì hết.
— À ừ! Cho đỉa hút ngay! Fabrice cười nói và anh tự trấn tĩnh hoàn toàn. Anh thấy các người thợ xây quanh Giletti, nhìn hắn mà không dám động tay đến.
Hãy cứu người ta đi chứ! Anh hét, bảo họ cởi áo ra… Anh toan nói tiếp, nhưng ngước mắt lên, anh thấy cách vài trăm thước năm sáu người đi đều bước tiến lại nơi sự việc xảy ra.
“Sen đầm đây, anh nghĩ thầm. Vì có một người bị giết, họ sắp tóm mình và mình sẽ có vinh dự được rước long trọng vào thành phố Parme. Một giai thoại hay ho biết bao nhiêu để hiến cho bọn triều thần ưa mụ Raversi và ghét cô ta!”.
Tức thời và nhanh như chớp, anh vứt hết tiền bạc trong túi cho lũ thợ kinh ngạc và nhảy vào xe. Anh hét lên bảo họ:
— Cản bọn sen đầm lại, đừng cho đuổi theo ta, ta sắp giúp cho giàu có lên đó. Nói với họ là ta không có tội lỗi gi, là người này tấn công ta và muốn giết ta.
Còn anh! Fabrice nói với anh xà ích. Anh hãy đánh ngựa phi liền, tôi sẽ cho anh bốn đồng Napoléon vàng nếu anh qua sông Pô trước khi bọn đằng kia đuổi kịp.
— Được rồi! Anh xà ích đáp. Ông đừng sợ, những người đó đi chân, dù mấy con ngựa nhỏ của tôi có chạy nước kiệu cũng đủ bỏ xa bọn họ. Anh xà ích nói thế rồi quất ngựa phi nước đại.
Người anh hùng của chúng ta lấy làm khó chịu vì tiếng sợ mà anh xà ích nói. Bởi vì qủa anh có sợ thật, sợ ghê gớm sau khi bị đánh chuôi gươm vào mặt.
— Chúng ta có thể gặp những người cưỡi ngựa đi ngược chiều với ta! Anh xà ích nói, anh có tính cẩn thận và anh cũng nghĩ đến bốn đồng Napoléon nữa. Những người đuổi theo ta có thể thét gọi bọn cưỡi ngựa đó bắt bọn ta lại.
— Chao ôi! Anh dũng cảm quá, anh abbé thân thương ạ.
Ả Marietta kêu lên như vậy và ôm hôn Fabrice. Bà già thò đầu ra cửa nhòm một lát rồi thụt vào.
— Không ai đuổi theo ông cả, ông ạ! Mụ nói rất bình tĩnh. Cũng không có ai trên đường cái ở phía trước ông. Ông cũng biết nhân viên cảnh sát Áo là nguyên tắc lắm chứ? Nếu chúng thấy ông phi nước đại như thế này đến trên đê bờ sông Pô thì chúng sẽ bắt ông, điều ấy chẳng còn nghi ngờ gì.
Fabrice nhìn qua cửa xe.
— Cho ngựa kiệu thôi, anh nói với người đánh xe. Rồi quay lại hỏi bà già: Bà có hộ chiếu gì đó?
— Có ba chứ không phải chỉ một, bà già đáp, và mỗi cái chúng tôi phải trả bốn francs, rõ là một sự bóc lột ghê tởm đối với những nghệ sĩ sân khấu nghèo, lang thang quanh năm suốt tháng! Cái hộ chiếu của ông Giletti đây, Giletti, nghệ sĩ sân khấu sẽ là ông, hai hộ chiếu của chúng tôi, con Marietta và tôi đây. Nhưng Giletti giữ tất cả tiền nong của chúng tôi trong túi nó, chúng tôi biết làm sao sau này?
— Hắn có được bao nhiêu? Fabrice hỏi.
— Bốn mươi đồng écu ròng, mỗi đồng trị giá năm francs.
— Nghĩa là sáu écu và những xu hào linh tinh, cô ả Marietta vừa nói vừa cười. Tôi không thích người ta lừa ông abbé bé bỏng của tôi.
— Tôi tìm cách moi thêm của ông ba mươi bốn écu cũng là lẽ tự nhiên thôi, phải không thưa ông? Bà già vẫn bình tĩnh một cách lạ lùng nói. Ba mươi bốn écu đối với ông thấm gì chứ? Còn chúng tôi, chúng tôi đã mất người đỡ đầu. Ai sẽ kiếm chỗ cho chúng tôi ở, ai sẽ mặc cả giá thuê xe với bọn xà ích khi chúng tôi đi đường, ai sẽ khiến cho thiên hạ kính sợ chúng tôi? Giletti không đẹp trai nhưng mà được việc lắm, con bé này thoạt đầu đã chết mê chết mệt vì ông, nếu nó khôn ngoan thì không bao giờ Giletti hay biết gì hết, và chắc ông đã cho chúng tôi bao nhiêu đồng écu tốt lành rồi. Tôi thề với ông là chúng tôi nghèo lắm.
Fabrice cảm động, anh rút túi tiền ra lấy đưa cho bà già mấy đồng Napoléon.
— Bà thấy chứ! Anh nói với bà già. Tôi chỉ còn mười lăm đồng, cho nên từ nay, có níu áo tôi cũng chỉ mất công toi mà thôi.
Cô bé Marietta đu lên cổ anh, còn bà già thì hôn tay anh.
Cái xe cứ tiến đều đều theo nước kiệu nhỏ. Khi nhìn thấy từ xa hàng chấn song vàng có sọc đen đánh dấu lãnh thổ Áo, thì bà già nói với Fabrice:
— Tốt hơn hết là ông xuống đi bộ vào với tờ hộ chiếu của Giletti trong túi áo, chúng tôi thì sẽ dừng lại một lát lấy cớ là trang điểm, sửa sang áo sống. Vả chăng bọn thuế quan sẽ soát xét đồ đạc của chúng tôi. Ông! Ông hãy nghe tôi, cứ đi qua Casal Maggiore một cách thư thả, cứ vào cả quán cà phê uống một ly rượu mạnh, khi ra khỏi làng thì cứ một mạch cút thẳng. Cảnh sát trên đất Áo thính như quỉ sứ, chúng nó Giletti thì ba mươi chín, rồi đây sẽ biết là có một người bị giết. Ông đi đường với một tờ hộ chiếu không phải của mình, chừng ấy cũng đủ ngồi tù hai năm. Đi khỏi thành phố thì ông hãy tìm tới bờ sông Pô về phía tay phải, thuê một chiếc xuồng và đến trốn ở Ravenne hoặc ở Ferrare. Phải xéo nhanh khỏi đất nước Áo. Với hai đồng louis ông có thể mua một hộ chiếu khác, của một nhân viên thuế quan nào đó, chứ với cái này ông sẽ bị oan báo; ông nên nhớ rằng ông đã giết người mang nó.
Khi đi bộ đến gần cầu phao của thành phố Casal Maggiore, Fabrice đọc kỹ lại tấm hộ chiếu của Giletti. Anh sợ quá, anh sực nhớ những đe dọa mà bá tước Mosca nói với anh về việc đi lại lãnh thổ Áo; thế mà ở trước mặt anh chỉ hai trăm thước là cái cầu ghê gớm sắp đưa anh vào đất nước ấy, một đất nước mà thủ đô trong con mắt hành chính là nhà ngục Spielberg. Nhưng biết làm thế nào khác? Công quận Modène. Giáp biên giới phía Nam của công quận Parme, thì giao lại cho Parme những người trốn tù tới, theo một giao ước rằng; biên giới chạy dài trong vùng núi Giênes thì quá xa, chuyện không hay của anh sẽ được biết ở Parme trước khi anh đến được vùng núi đó; vậy chỉ còn lãnh thổ Áo trên tả mạn sông Pô. Có lẽ cũng phải mất một ngày rưỡi hay hai ngày, người ta mới có thì giờ viết công văn cho quan chức Áo bảo họ bắt anh. Cân nhắc mọi mặt xong, Fabrice lấy điếu thuốc xì gà đang hút đốt quách tờ hộ chiếu của anh. Họ có thể khám xét người anh; ở trên đất nước Áo thì làm một tên du đãng còn hơn là làm Fabrice Del Dongo.
Không nói đến sự ghê tởm phải gửi cuộc đời của mình trên tờ hộ chiếu của tên Giletti khốn khổ, tờ hộ chiếu ấy còn gây những trở ngại cụ thể: Fabrice chỉ cao một thước bảy mươi lăm là cùng chứ không phải một thước chín như tờ hộ chiếu ghi, anh gần hai mươi bốn tuổi mà còn có vẻ trẻ hơn tuổi tác. Phải thú thật rằng người anh hùng của chúng ta đi lại thơ thẩn mất nửa tiếng đồng hồ trên một con quai sông Pô ở cạnh cầu phao, trước khi quyết định xuống cầu. Đến phút cuối cùng đó anh mới tự bảo: “Một người khác ở vào địa vị ta thì ta sẽ khuyên họ gì nào? Tất nhiên là khuyên phải đi bừa lên. Ở trên lãnh thổ Parme thì nguy hiểm quá, người ta sẽ cho một tên sen đầm đuổi theo kẻ đã giết người, mặc dù giết để tự vệ!”.
Fabrice lục soát các túi áo quần, xé tất cả giấy tờ, chỉ để lại có cái khăn tay và hộp thuốc lá, cần phải rút ngắn thì giờ người ta soát xét mình! Anh nghĩ đến một câu hỏi vặn ghê gớm mà đáp lại, anh chỉ có thể có những lời đáp lúng túng, đó là câu hỏi về việc anh khai tên là Giletti, mà áo quần anh lại ghi F.D.
Như chúng ta thấy Fabrice thuộc loại người khốn khổ bị trí tưởng tượng làm tội làm tình, đó thường là nhược điểm của những con người thông minh ở Ý. Một lính Pháp can đảm ngang với Fabrice hoặc kém Fabrice ở trường hợp này tất đã trình diện để qua cầu ngay, không nghĩ trước đến điều trở ngại nào cả. Và anh ta vẫn có đủ tự chủ, còn Fabrice thì chẳng tự chủ tí nào khi ở cuối cầu, một người thấp bé, mặc áo quần xám bảo: Vào trạm cảnh sát trình hộ chiếu đi!.
Tường buồng giấy cảnh sát lem luốc, trên tường có đóng nhiều đinh treo những ống điếu và mũ bẩn của nhân viên. Cái bàn giấy lớn bằng gỗ thông dính đầy những vết mực và vết rượu vang, nhân viên ngồi sau bàn đó, hai ba cuốn sổ lớn đóng bìa da xanh mang nhiều dấu vết đủ màu sắc, còn rìa sách thì đen sì những dấu ngón tay. Trên mấy cuốn sổ xếp chồng lên nhau có ba vòng lá nguyệt quế rất đẹp dùng vào lễ mừng Hoàng đế hai hôm trước.
Những chi tiết đó gây ấn tượng mạnh cho Fabrice và làm anh quặn lòng, anh phải đền bồi cảnh sang trọng tuyệt vời và tươi mát ở cái phòng xinh xắn của anh trong lâu đài Sanseverina. Anh phải vào buồng giấy bẩn thỉu này và có mặt ở đó như một hạ cấp, anh sắp bị hỏi cung.
Anh nhân viên đưa bàn tay vàng khè ra cầm tờ hộ chiếu là một người thấp bé, đen đủi, trên cà vạt có một món trang sức bằng đồng thau. “Ngữ này là một tên thị dân hay gắt gỏng đây”, Fabrice tự nhủ. Nhân viên đó có vẻ hết sức ngạc nhiên khi đọc tờ hộ chiếu, và anh ta đọc mất năm phút.
— Ông đã bị một tai nạn! Anh ta nói, đưa mắt chỉ cái má Fabrice.
— Người xà ích đã làm chúng tôi lộn cổ xuống chân đê sông Pô.
Thế rồi lại im lặng và người nhân viên nhiều lần nhìn người bộ hành với con mắt nghi ngại.
“Ta biết rồi! Fabrice nghĩ thầm. Hắn sắp bảo hắn lấy làm tiếc có một tin không hay phải báo cho ta, rồi hắn nói ta bị tóm cổ”. Đủ thứ nghĩ điên cuồng quây lấy đầu óc anh và anh không còn lý trí nữa. Chẳng hạn anh nghĩ tới việc bỏ chạy ra cửa buồng giấy vẫn để ngỏ: “Ta cởi áo, ta nhảy xuống sông Pô và chắc là ta bơi qua sông được. Gì cũng còn hơn nhà ngục Spielberg!” Nhân viên cảnh sát đăm đăm nhìn anh, trong lúc anh tính toán khả năng thành công của việc trốn chạy. Hai diện mạo cùng ngộ nghĩnh cả.
Đứng trước nguy nan, người lý trí hóa nên có thiên tài, có thể nói là nguy nan đưa anh ta lên cao hơn mức thường của anh ta, với người giàu tưởng tượng, nguy nan gợi nên trong đầu óc những tiểu thuyết phải nói là táo bạo nhưng thường vô lý.
Phải xem ánh mắt phẫn uất của Fabrice dưới cái nhìn xoi mói của anh nhân viên cảnh sát đeo đồ trang sức bằng đồng thau ấy: “Nếu ta giết hắn, ta bị xử hai mươi năm khổ dịch trên tàu chiến hoặc xử tử, cái đó còn ít ghê gớm hơn nhà ngục Spielberg nhiều, ở nhà ngục Spielberg thì mỗi chân phải mang một dây xiềng sáu mươi cân và chỉ được nhận hai trăm năm mươi gam bánh mì làm khẩu phần ăn cả ngày, mà như vậy suốt hai mươi năm. Như thế thì đến bốn mươi bốn tuổi ta mới được ra tù”. Trong khi luận lí như vậy, Fabrice quên là anh đã đốt hộ chiếu rồi thì nhân viên cảnh sát lấy đâu ra mà biết anh là tên phản nghịch Fabrice Del Dongo.
Người anh hùng của chúng ta lo sợ cũng khá khá, như người ta thấy đấy, giá anh biết những ý nghĩ rộn ràng trong đầu óc người cảnh sát thì anh còn sợ hãi đến bao nhiêu! Anh nhân viên cảnh sát này là bạn của Giletti, anh ta ngạc nhiên như thế nào ai cũng đoán được, khi anh thấy hộ chiếu của bạn anh nằm trong tay một kẻ khác, thoạt đầu anh muốn bắt ngay cái kẻ khác đó, sau anh nghĩ rằng Giletti có thể bán tờ hộ chiếu của hắn cho anh thanh niên đẹp trai này, anh ta hình như vừa làm một việc gì xấu ở Parme. “Nếu ta tóm cổ hắn! Anh cảnh sát tự nhủ, Giletti có thể bị liên lụy, người ta dễ dàng phát hiện Giletti đã bán tờ hộ chiếu của anh ta, nhưng về phía khác, cấp trên của ta sẽ nói thế nào nếu người ta xét thấy ta là bạn của Giletti mà lại đi kiểm nhận giấy thông hành của hắn dù một người khác mang?” Anh nhân viên đứng lên ngáp dài và nói với Fabrice: - Ông đợi một tí! Rồi theo thói quen của người cảnh sát anh ta nói thêm:- Có xảy ra một trở ngại đây. Fabrice nghĩ thầm: “Có xảy ra việc ta trốn đi đây”.
Quả vậy, anh nhân viên rời buồng giấy, cửa vẫn bỏ ngỏ, tờ hộ chiếu nằm trên bàn gỗ thông. Tai vạ quá rõ ràng, Fabrice nghĩ. Ta sẽ lấy tờ hộ chiếu lại và đi bước một trở qua cầu, nếu sen đầm có hỏi, ta nói ta đã quên trình diện cảnh sát trưởng ở làng cuối cùng trên lãnh thổ Parme kiểm nhận. Fabrice cầm tờ hộ chiếu trên tay, anh quá đỗi kinh ngạc khi nghe tiếng anh nhân viên đeo đồng thau nói:
— Chao ôi! Tôi mệt quá, chịu thôi. Nóng bức đến ngạt thở đây. Tôi ra quán uống một ngụm cà phê. Khi anh hút hết điếu, anh hãy vào buồng, có một tờ hộ chiếu phải kiểm nhận. Người nước ngoài đó ở kia.
Đang nhón chân đi nhẹ nhẹ để ra, bỗng nhiên Fabrice thấy xáp mặt với một thanh niên đẹp trai nghêu ngao tự nói với mình: “À! Thế thì ta hãy kiểm nhận cái hộ chiếu đó, tôi sẽ kí cho họ”.
— Ông định đi đâu?
— Đi Mantoue, Venise và Ferrare
— Ferrare, được! Anh nhân viên vừa huýt sáo, vừa đáp. Anh lấy một con dấu dài, in câu kiểm nhận theo lệ bằng mực xanh lên tờ hộ chiếu, viết nhanh chóng mấy chữ: Mantoue, Venise và Ferrare lên khoảng trong mà con dấu chừa lại, quay bàn tay mấy vòng trong không khí, ký tên, chấm mực lại, rồi chầm chậm và hết sức cẩn thận gạch dưới chữ ký. Fabrice nhìn theo tất cả những vận động của cây bút đó, anh nhân viên nhìn chữ ký của mình một cách đắc ý, thêm vào năm sáu dấu chấm, cuối cùng đưa tờ hộ chiếu cho Fabrice và nói với dáng nhẹ nhàng.
— Chúc ông đi đường may mắn.
Fabrice đi nhanh nhưng cố giấu cho người ta khỏi nhìn thấy mình hấp tấp. Thình lình cánh tay trái anh bị nắm lại, tự nhiên anh đặt tay lên chuôi dao găm, giá không thấy nhà cửa vây quanh thì anh đã làm một việc thiếu suy nghĩ rồi. Thấy anh ngơ ngác, người nắm tay anh nói như để xin lỗi:
— Ấy, tôi đã gọi ông đến ba lần mà ông không trả lời. Ông có hàng gì cần khai báo với thuế quan không?
— Trên người tôi chỉ có một chiếc khăn tay. Tôi đi đến người bà con ở cạnh đây để săn bắn.
Giá người ta hỏi người bà con đó là ai thì anh sẽ lúng túng biết bao nhiêu.
Vì trời quá nóng bức và vì những xúc động ấy, Fabrice ướt đẫm như thể vừa rơi xuống sông Pô. “Ta chẳng thiếu can đảm giữa bọn diễn viên kịch, nhưng bọn công chức đeo đồ trang sức bằng đồng lại làm cho ta hoảng hồn, với cái thứ ấy, ta phải làm một bài thơ trào phúng tặng cô công tước của ta”.
Vừa vào thị trấn Casal Maggiore, Fabrice rẽ tay phải đi vào một đường phố xấu dẫn xuống sông Pô. “Ta rất cần sự viện trợ của thần Bacchus và nữ thần Cérès[70]. Anh tự nhủ như vậy và bước vào cửa hiệu ở ngoài có treo một mảnh vải xám buộc trên một cây gậy. Mảnh vải có đề chữ Trattoria. Một tấm vải trải giường xấu xí căng trên hai vành gỗ mỏng manh thòng xuống cách mặt đất khoảng một thước, che nắng cho quán Trattoria. Một phụ nữ khá xinh đẹp, ăn mặc hở hang, tiếp Fabrice một cách kính trọng khiến anh rất vui lòng. Anh vội vã nói anh đói gần chết. Trong khi người đàn bà soạn sửa bữa ăn, một người khoảng ba mươi bước vào quán, anh ta không chào hỏi ai, cứ ngồi xuống ghế, ra vẻ một người thân thuộc. Thình lình anh đứng dậy, nói với Fabrice:
— Eccelenza, la riverisco (tôi xin chào ông lớn).
Lúc này Fabrice đang vui nên anh không có dự định đen tối, anh cười đáp:
— Anh bạn làm thế quái nào mà biết cái ông lớn này?
— Thế nào? Ông lớn không nhận ra cái thằng Ludovic này ư? Một tên đánh xe cho Bà lớn công tước Sanseverina ấy mà? Ở biệt thự Sacca mà năm nào chủ tớ cũng có đến, tôi cứ bị sốt sét luôn. Tôi hỏi xin phu nhân món tiền công và thôi việc. Bây giờ tôi có tiền. Đáng lẽ được nhiều nhất là mười hai écu một năm, phu nhân bảo để cho tôi tha hồ làm thơ, vì tôi là một thi sĩ bằng ngôn ngữ bình dân, cho nên bà lớn cho tôi hai mươi bốn écu. Còn ngài bá tước thì bảo vạn nhất tôi bị nghèo khổ thì tôi cứ việc đến tìm ngài. Tôi đã được hân hạnh đánh xe cho ông lớn đi một chặng đường khi ông lớn lui về nghỉ ở tu viện Velleja như một người ngoan đạo.
Fabrice nhìn người ấy và thấy có quen thật. Đó là một anh đánh xe điện bảnh nhất ở nhà họ Sanseverina. Ngày nay giàu, anh ta nói vậy, anh chỉ mặc một cái sơ mi rộng, rách và một quần cộc vải thô trước kia màu đen, phủ tới gối một cách chật vật, thêm một đôi giầy không cổ và một cái mũ khổ nữa là đủ bộ. Ngoài ra, râu đã nửa tháng chưa cạo. Vừa ăn một đĩa chả trứng, Fabrice vừa nói chuyện với anh, tuyệt nhiên như với một người ngang hàng. Fabrice đoán Ludovic là nhân tình của chị chủ quán. Anh ăn vội cho xong bữa rồi khẽ nói với Ludovic:
— Tôi cần nói với anh một câu.
— Ông lớn cứ việc nói tự do trước mặt chị ấy. Chị ấy đúng là một người phụ nữ tốt, Ludovic nói, vẻ trìu mến.
— Thế thì các bạn ạ, Fabrice nói tiếp chẳng ngần ngại, tôi đang khổ và tôi cần các bạn giúp đỡ. Trước hết, việc của tôi không dính dáng gì đến chính trị. Chỉ có đơn giản là tôi đã giết một người định giết tôi vì tôi trò chuyện với ả nhân tình của hắn.
— Tội nghiệp chàng trai trẻ! Chị chủ quán nói.
— Ông lớn hãy tin ở tôi! Anh đánh xe kêu lên, mắt sáng vì tinh thần tận tụy phục vụ. Ông lớn định đi về đâu?
— Đến Ferrare! Tôi có một tờ hộ chiếu, nhưng tôi không thích nói chuyện với sen đầm, chúng có thể biết việc tôi.
— Ông lớn đưa tên đó về chầu trời lúc nào?
— Sáng nay, lúc sáu giờ.
— Ông lớn có dính vết máu nào trên quần áo hay không? Chị chủ quán hỏi.
— Tôi cũng đã nghĩ tới, anh đánh xe nói tiếp, với lại loại dạ may quần áo đó quá tốt, ở vùng nông thôn chúng tôi không mấy khi có, cho nên người ta có thể để ý. Tôi sẽ đi mua áo quần ở tên Do Thái. Ông lớn vóc dạc cũng suýt soát như tôi, tuy mảnh dẻ hơn.
— Anh chịu khó đừng gọi tôi là Ông lớn nữa, tiếng ấy làm người ta chú ý đấy.
— Thưa Ông lớn, vâng! Anh đánh xe vừa nói vừa bước ra.
— y! y! Fabrice hét. Còn tiền nữa chứ! Hãy trở lại đã.
— Ông lớn nói làm gì tiền bạc! Chị chủ quán nói. Anh ấy có sáu mươi bảy écu để tiêu dùng vào việc của Ông lớn. Riêng tôi, chị hạ giọng nói tiếp. Tôi cũng có khoảng bốn chục écu mà tôi lấy làm sung sướng được hiến cho Ông lớn. Không phải khi nào người ta cũng có sẵn tiền trên người lúc gặp những tai biến như thế.
Trước đây, khi vào quán, Fabrice đã cởi bỏ áo ngoài vì nóng bức.
— Cái gilê của ông có thể gây rắc rối cho chúng ta nếu có ai vào, cái thứ vải Anh đẹp đẽ ấy khêu gợi sự tò mò của thiên hạ.
Chị đưa cho Fabrice một gilê bằng vải thâm đen của chồng chị. Một thanh niên cao lớn từ cửa sau vào phòng, anh ta ăn mặc khá diện. Chị chủ hiệu bảo: Nhà tôi đó. Rồi chị nói với chồng: Pierre-Antoine! Ông đây là bạn của Ludovic, sáng nay ông gặp tai nạn ở bên kia sông nên muốn trốn đến Ferrare.
— Ồ! Chúng ta sẽ đưa ông ấy qua, anh chồng nói dáng rất lễ phép. Chúng ta đã có chiếc xuồng của Charles Joseph.
Người anh hùng của chúng ta có một nhược điểm khác mà chúng tôi sẽ thú nhận một cách tự nhiên như chúng tôi đã thú nhận sự sợ hãi của anh ta ở buồng giấy cảnh sát cuối cầu, do nhược điểm đó, mắt anh rớm lệ. Anh xúc động sâu sắc trước sự tận tâm tuyệt đối của những nông dân này, anh cũng nghĩ đến tấm lòng phúc hậu tiêu biểu của cô anh, anh chỉ muốn gây dựng cho những người ấy. Ludovic về, tay ôm một gói bọc.
— Thế là vĩnh biệt cái lốt kia! Anh chồng thân mật nói với Ludovic.
— Không phải chuyện chơi, Ludovic đáp giọng hoảng hốt. Người ta bắt đầu nói đến ông, người ta nhận thấy ông do dự khi đi vào đây và ông rời bỏ đường phố lớn như một người cố lẩn trốn.
— Thế thì ông lên phòng ngay, anh chồng bảo. Cái phòng khá đẹp và khá rộng này căng vải xám ở các cửa sổ chứ không lắp kính, ở trong phòng có bốn cái giường mỗi cái rộng gần hai thước, cao hơn thước rưỡi.
— Nào nhanh lên! Nhanh lên! Ludovic bảo. Có một tên sen đầm rởm nào mới đổi đến, hắn muốn gạ gẫm chị phụ nữ xinh xắn dưới nhà, tôi có báo trước cho hắn là khi hắn đi công cán trên đường cái, hắn có thể ăn một viên đạn, nếu cái thằng chó ấy mà nghe nói đến Ông lớn, hắn sẽ chơi khăm chúng ta, hắn sẽ tìm cách bắt ông ở ngay đây để cho người ta trù cái quán Trattoria của chị Théodolinde.
Ái chà! Ludovic nói tiếp khi thấy sơ mi Fabrice loang lổ dấu máu và mấy vết thương rịt bằng khăn tay, thằng con bò đó chống cự à? Ông có thừa cái để bị tóm, thừa đến trăm lần. Tôi lại không mua sơ mi mới chết chứ!
Anh tự tiện mở tủ anh chồng lấy một cái sơ mi cho Fabrice, trong giây lát Fabrice đã ăn mặc như một tư sản nông thôn giàu có. Ludovic với tay lấy một tấm lưới treo trên tường, bỏ áo quần Fabrice vào một giỏ dùng để đựng cá, lao xuống thang gác và đi nhanh chóng qua một cửa sau. Fabrice đi theo anh ta. Khi đi qua dưới nhà, anh gọi bảo:
— Théodolinde, chị cất giấu những thứ trên gác đi, chúng tôi đến đợi bên rặng liễu. Còn anh, Pierre Antoine, anh liệu đưa nhanh đến cho chúng tôi một chiếc xuồng, mà nhanh lên, thù lao hậu đó.
Ludovic dẫn Fabrice nhảy qua hơn hai chục cái hào, trên mấy hào rộng nhất, có những tấm ván rất dài và nhún nhẩy bắc làm cầu, qua hào xong, Ludovic rút ván. Đến kênh cuối cùng, anh hồ hởi kéo ván lên:
— Nghỉ thở được rồi! Muốn đến chỗ Ông lớn, thằng sen đầm con chó ấy phải đi mất hơn hai dặm đường. Mặt Ông lớn tái xanh đi, tôi không quên cái chai nhỏ rượu mạnh.
— Rượu đến phải lúc quá, vết thương ở đùi tôi bắt đầu thấy đau, vả lại, ở trạm cảnh sát cuối cầu, mình đã trải qua một cơn hoảng sợ đích đống.
— Sợ là phải! Với cái sơ mi đầy vết máu như sơ mi của Ông lớn, tôi không tưởng tượng làm sao Ông lớn lại dám xông vào chỗ ấy. Còn về thương tích thì tôi thạo, tôi sẽ đưa Ông lớn vào một nơi rất mát mẻ để Ông lớn ngủ một tiếng đồng hồ, xuồng sẽ đến rước ta, nếu có cách kiểm tra xuồng. Nếu không, khi Ông lớn nghỉ đã hơi khoe khỏe, chúng ta sẽ đi thêm hai dặm nữa thôi và tôi đưa Ông lớn đến một cối xay, ở đó tự tôi sẽ lấy ra xuồng. Ông lớn thông hiểu hơn tôi nhiều. Ông lớn thử nghĩ xem có phải công tước phu nhân sẽ đau đớn tuyệt vọng khi phu nhân hay tin này? Người ta sẽ nói với phu nhân là Ông lớn bị tử thương, có lẽ họ cũng sẽ nói Ông lớn giết lén kẻ thù chứ không đường hoàng chiến đấu. Con mụ hầu tước Raversi sẽ không quên phao tất cả những tin dữ có cỡ làm cho phu nhân rầu rĩ. Ông lớn có thể viết thư.
— Rồi làm sao mà gửi đi?
— Bọn trai trẻ làm ở cối xay kiếm được mười hai xu mỗi ngày, đi một ngày rưỡi thì họ tới Parme, thế thì cho là bốn francs làm lộ phí đi về, cộng với hai francs hao mòn đế giày. Nếu đi cho một người nghèo khó như tôi thì tất cả tiền công là sáu francs, nhưng vì đi để phục vụ một quan to, tôi sẽ trả mười hai.
Khi đã đến nơi nghỉ, tại một rừng cây trăn và cây liễu rậm rạp và mát mẻ. Ludovic còn phải đi xa hơn một tiếng đồng hồ nữa để kiếm giấy và mực. Fabrice kêu lên: “Lạy Chúa! Ở đây tôi thích quá! Thần phúc lộc ơi! Vĩnh biệt nhà ngươi, ta chẳng bao giờ là tổng giám mục!”.
Khi về đến nơi, Ludovic thấy anh ngủ say, không nỡ đánh thức. Đến lúc mặt trời lặn, thuyền mới đến, thấy nó từ xa, Ludovic gọi Fabrice dậy và anh viết hai bức thư.
Ludovic vẻ không vui nói:
— Ông lớn thông hiểu hơn tôi nhiều, nên tôi sợ làm nhọc lòng Ông lớn, mặc dù Ông lớn không nhận là thế, nếu tôi nói thêm một điều gì dó.
— Tôi không tồi như anh tưởng đâu, Fabrice đáp. Dù anh nói thế nào, tôi vẫn luôn thấy anh là một thủ hạ trung thành của cô tôi và là một người làm hết cách ở trên đời để cứu tôi ra khỏi bước nguy nan tồi tệ này.
Còn phải mất nhiều lời thanh minh nữa, Ludovic mới chịu mở miệng và khi anh quyết định nói thì anh bắt đầu bằng một bài phi lộ dài đến năm phút. Fabrice sốt ruột, rồi anh tự nhủ: “Lỗi tại ai? Tại cái tính rởm của bọn ta mà anh đánh xe này nhìn thấy rất rõ từ trên cái ghế cao của anh ta”. Vì tận tình, cuối cùng Ludovic cũng liều, nói trắng ra:
— Dù tốn bao nhiêu tiền, chắc nữ hầu tước Raversi cũng vui lòng cho cái tên đi bộ mà Ông lớn phải đi Parme, để lấy cho được hai bức thư này! Nó mang nét chữ Ông lớn tức nó là những bằng chứng để buộc tội ông. Ông lớn sắp cho tôi là một thằng tọc mạch vô duyên, thứ nữa có lẽ ông thấy đưa tuồng chữ thảm hại của một tên đánh xe cho công tước phu nhân là một điều nhục. Tuy nhiên vì sự an toàn của Ông lớn, tôi phải mở miệng, mặc dù Ông lớn có cho tôi là đứa hỗn láo đi nữa cũng đành. Ông lớn có thể đọc hai lá thư này cho tôi chép được không? Như vậy thì chỉ có tôi là liên can, mà cũng chẳng có gì nặng nề, khi cần tôi khai là Ông lớn đón tôi ở giữa đồng, một tay cầm lọ mực sừng, một tay cầm súng và ra lệnh cho tôi viết.
— Anh Ludovic ơi, anh đưa tay cho tôi siết một cái, và để cho anh thấy tôi không muốn giấu diếm một cái gì hết đối với một người bạn như anh, thì đây, anh hãy chép hai cái thư này lại y như vậy.
Ludovic biết giá trị lớn lao của sự tín nhiệm đó và hết sức cảm động, nhưng chép mới mấy dòng, thấy chiếc thuyền lướt nhanh trên sông đi tới, anh nói:
— Nếu ông lớn chịu khó đọc cho tôi viết thì chóng hơn.
Thư chép xong, Fabrice viết một chữ A và một chữ B ở dòng cuối rồi lấy một rẻo giấy viết câu tiếng Pháp: Hãy tin A và B rồi vò đi. Người mang thư phải giấu mảnh giấy vò ấy trong người. Thuyền đến vừa tầm gọi, Ludovic gọi những người chèo thuyền bằng những tên không phải tên của họ, họ không trả lời, ghé thuyền vào một nơi cách gần một nghìn thước ở mạn dưới, khi ghé họ nhìn quanh bốn phía xem thử có nhân viên thuế quan nào trông thấy hay không. Ludovic nói với Fabrice.
— Tôi đợi Ông lớn sai bảo đây. Ông lớn có muốn tự tôi đưa thư đến Parme không? Ông lớn muốn tôi cùng đi với Ông lớn đến Ferrare?
— Giúp tôi đến Ferrare là một việc mà tôi gần như không dám cậy anh. Phải đổ bộ và cố gắng đi vào thành phố không phải xuất trình hộ chiếu. Phải nói là đi đường dưới cái tên Giletti, tôi tởm lắm, mà chỉ có anh là có thể mua cho tôi một tờ hộ chiếu khác.
— Sao Ông lớn không nói từ khi còn ở Casal Maggiore? Tôi biết một tên mật thám có thể bán cho tôi một tờ hộ chiếu rất hợp thức mà không đắt, chỉ từ bốn mươi đến năm mươi francs thôi.
Một trong hai thủy thủ sinh trưởng trên hữu ngạn sông Pô, vì vậy không cần hộ chiếu ra nước ngoài để đi Parme, nên nhận mang thư đi. Ludovic biết chèo thuyền, tự hào bảo mình sẽ cùng chèo với anh thủy thủ còn lại. Anh nói:
— Chúng ta sẽ gặp ở mạn dưới sông Pô nhiều thuyền vũ trang của cảnh sát, tôi biết cách tránh nó.
Hơn mười lần, họ phải lẩn trốn vào giữa những đảo nhỏ xăm xắp mặt nước mọc đầy liễu. Họ phải ba bận lên bộ để cho chiếc thuyền trống qua mặt các thuyền cảnh sát. Thừa những lúc rỗi rãi dài đó, Ludovic đọc cho Fabrice nghe nhiều bài thơ của anh. Tình cảm khá chân thật nhưng như mờ nhạt đi vì cách phô diễn cho nên lại không đáng viết ra. Điều lạ là anh đánh xe cũ ấy có những tình cảm và những cách nhìn nóng hổi và kỳ thú, nhưng khi viết ra, anh lại hóa nên lạnh lùng và thông tục. Fabrice nghĩ thầm: “Thật là trái với điều ta thấy trong xã hội. Ngày nay nói cái gì người ta cũng biết cách nói duyên dáng, nhưng lòng người ta lại không có gì để nói cả”. Anh nhận thấy chữa những lỗi chính tả trong các bài thơ cho Ludovic là cách làm cho người đầy tớ trung thành ấy vui lòng nhất. Ludovic nói:
— Người ta cười tôi khi tôi cho mượn cuốn vở nhưng nếu Ông lớn hạ cố kêu cho tôi viết từng chữ cái một các từ, thì bọn đố kị chỉ còn biết nói: “Chính tả không làm nên thiên tài mà thôi”.
Tối ngày thứ ba Fabrice mới được lên bộ an toàn trong một rừng trăn, còn cách Ponte Lago Oscuro một dặm. Cả ngày anh nấp trong một đám ruộng gai, còn Ludovic thì đi trước đến Ferrare. Anh ta thuê một cái buồng con của một người Do Thái nghèo, người này biết ngay là nếu kín miệng thì có thể kiếm chác được. Buổi chiều vào lúc nhá nhem, Fabrice cưỡi một con ngựa nhỏ vào thị trấn, anh rất cần sự đỡ đần ấy vì bị cảm nắng trên sông, nhát dao ở dưới vế và nhát gươm Giletti đâm trên vai lúc mới giao chiến sưng tấy lên và khiến cho anh nổi sốt.