Ngày xửa ngày xưa, trên một ngọn núi nọ có ba cây thông rất đẹp. Cả ba cây thông đều là bạn thân của nhau vì chúng lớn lên cùng nhau và có những tán lá toả một bóng râm thật lớn. Nhiều người đi lên núi thường ghé nghỉ dưới gốc cây khi mệt nhọc. Mỗi lần có ngọn gió lớn đi qua, những tán lá của chúng chạm vào nhau phát ra những tiếng rì rào làm cho tâm hồn người nghe cảm thấy thật bình an.
Một lần nọ, cây thông thứ nhất nói với hai bạn của nó: “Bạn biết không! Ước mơ của tôi là được đi ra biển. Hàng ngày ở trên núi, tôi nhìn ra phía biển ở đằng xa, tôi thấy người ta có những chiếc thuyền lớn bằng gỗ đi ra ngoài biển khơi! Tôi ước gì sẽ có ai đó đem tôi về và đóng tôi thành một chiếc thuyền lớn có thể chuyên chở nhiều người khám phá đại dương”. Nói xong nó hướng về phía hai bạn của nó: “Còn hai bạn? Ước mơ của bạn là gì?”
Cây thông thứ hai nói rằng: “Tôi thì không to lớn như bạn, nhưng thân thể tôi rất rắn chắc. Tôi ước gì mình sẽ trở thành chiếc rương gỗ để đựng những đồ vật quí giá của nhân loại. Người ta sẽ đặt tôi ở những nơi an toàn nhất, và người ta cũng sẽ quí tôi như những gì tôi chứa đựng bên trong.”
“Còn bạn thì sao?” Cây thông thứ hai nhìn người bạn có vẻ nhỏ nhất trong số ba cây thông.
“Tôi chẳng có ước mơ gì cả!” cây thông thứ ba nói, “Tôi chỉ mong mình có thể tiếp tục ở trên đỉnh núi này, toả bóng râm cho những người tiều phu leo núi được nghỉ ngơi.”
Và như thế, cả ba cây thông tiếp tục sống với ước mơ của mình. Hằng ngày, chúng vẫn tạo ra những tiếng reo rì rào khi gió thổi qua, và toả bóng râm che nắng cho những người khách đi đường.
Rồi vào một ngày đặc biệt ấy, có nhóm tiều phu vào rừng kiếm gỗ. Khi họ leo lên đỉnh núi, họ trầm trồ trước vẻ đẹp và sự to lớn của ba cây thông đứng cạnh nhau.
Một người trong số họ nói: “Mấy cây này lớn quá, chúng ta hãy đẽo chúng đem về để dùng cho công việc của chúng ta.” Thế là họ đẽo cả ba cây thông đem về.
Cây thông thứ hai, với thân hình rắn rỏi nhưng không dài đủ, vì thế người tiều phu đã đẽo nó thành một cái máng để đựng thức ăn cho bò và lừa. Nó buồn lắm vì ước mơ thành rương đựng báu vật của nó gần như tiêu tan. Hàng ngày, người ta nhét cỏ vào trong nó và các con bò, lừa dúi miệng vào ăn. Tuy nhiên có một đêm đặc biệt nọ, có ông Joseph, bà Mary ghé vào trong hang lừa và đặt vào lòng nó một đứa bé. Chưa hết ngạc nhiên, nó lại được chứng kiến những người chăn chiên và các nhà đạo sĩ ghé ngang kính viếng đứa bé ấy. Nó nghe được tiếng hát của các Thiên Thần phía ngoài hát vọng lên rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.”
Cây thông thứ nhất, vì nó dài nhưng không có thân to, nên người ta đã đóng nó thành chiếc thuyền nhỏ để đi đánh cá… Nó buồn lắm, vì ước mơ của nó là trở thành một chiếc thuyền to lớn đi ra biển khơi coi như bị tiêu tan. Người ta chỉ dùng nó như một chiếc thuyền nhỏ để đánh cá ngoài biển hồ. Mỗi tối xuống, có vài người ngư phủ dùng nó để đi ra khơi đánh cá. Và cũng một tối nọ, có mấy người đàn ông đến dùng nó để vượt qua biển hồ, thình lình bão tố ập đến, thân hình của nó gần như bị chìm bởi sóng gió, những người trên thuyền lo sợ bấu víu lấy thành của nó. Và thình lình, có một người đi trên mặt biển từ xa tiến đến, ông bước lên trên thuyền và chỉ một lệnh truyền, biển liền lặng sóng và nó chứng kiến mọi người trên thuyền cúi mình thờ lạy người đó, nó chỉ biết những người đàn ông kia gọi người đó là Thầy, và sau này nó còn được biết người đó chính là Đấng Cứu Thế.
Cây thông thứ ba, với ước mơ khiêm tốn là được ở lại trên núi, toả bóng râm cho người đi đường, nhưng ước mơ của nó cũng bị tiêu tan. Người tiều phu đem nó về bán cho một bác thợ mộc, nhưng vì thân hình nó mỏng manh chẳng làm được gì, nên bác thợ mộc bỏ nó trong một góc sau sân nhà. Cho đến một ngày nọ có một nhóm lính ghé ngang nói với bác thợ mộc rằng họ cần gấp một cây thập giá không quá to để đóng đinh treo một phạm nhân. Bác thợ mộc chợt nhớ ra cây thông thứ ba ấy, ông lôi nó ra và đóng thành cây thập giá. Cây thông ấy cảm thấy buồn lắm, vì nó từng ấp ủ một ước mơ tốt đẹp và đơn sơ, đó là che bóng mát cho người đời, nhưng nay người ta lại dùng nó để làm thập giá treo phạm nhân. Đúng hôm ấy, những người lính lôi nó ra cho một phạm nhân mình đầy máu me vác đi, người phạm nhân đó vác nó lên một ngọn đồi gọi là núi Sọ. Rồi sau đó, ông ta bị đóng đinh vào trong thân hình nó. Nó được dựng đứng trên đỉnh đồi. Trong lúc nó buồn rầu vì mình phải vác một phạm nhân, nó nghe người phạm nhân đó ngước mắt lên trời thốt lên rằng: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, sao Ngài lại đành bỏ con?” Và rồi nó chứng kiến một trong số các quân lính thốt lên rằng: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.” Kể từ sau hôm đó, gần như khắp nơi trên thế giới người ta đẽo hình thập giá giống như hình bóng nó để nhắc nhở mọi người về Đấng Cứu Thế. Ở khắp mọi nơi người ta dùng nó như là dấu chỉ của Chúa hiện diện, để đuổi trừ ma quỷ, và để cầu nguyện.
Thế đó, ba ước mơ khác nhau của ba cây thông, cả ba đều vỡ mộng, nhưng rồi Thiên Chúa đã dùng chúng cho mục đích của Ngài cho dù chúng là những dụng cụ tầm thường nhất. Và kể từ đó, vào mỗi dịp lễ Chúa Giáng Sinh, người ta thường trưng cây thông trong nhà, để nhắc nhở với nhau rằng, cho dù ở mùa đông lạnh lẽo, cây thông vẫn rợp bóng xanh ngời như dấu chỉ của hy vọng vì Chúa đến. Và hơn thế nữa, để nhớ đến sự tích của ba cây thông.
Bạn ơi, nếu bạn nhớ lại thuở ấu thơ, có lẽ bạn sẽ không khỏi mỉm cười về những ước mơ đơn sơ từ bé của mình! Có người trong chúng ta ước sẽ trở thành người bác sĩ nổi tiếng có thể cứu chữa người bệnh. Người thì ước mình sẽ phát minh một cái gì đó mới cho nhân loại và đoạt được giải Nobel. Có người lại ước trở thành người diễn viên nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên khi lớn lên, chúng ta tự nhận ra rằng không phải ai trong chúng ta cũng có thể thực hiện được những ước mơ và lý tưởng to lớn trong đời mình. Có khi chúng ta chỉ biết mỉm cười và bằng lòng với định mệnh dành sẵn cho mình như là một nhà giáo bình thường, như là một y tá, một bác sĩ trong bệnh viện nhỏ ở một thị trấn xa xôi, hay là một tu sĩ hàng ngày kéo chuông nhà thờ nhắc mọi người đi lễ. Cũng có người trong chúng ta cảm thấy không an phận, chúng ta mặc cảm và cho rằng Chúa Trời không ưu đãi mình như người khác. Và vì thế cảm thấy tự ti, buồn chán, mãi ngâm mình trong những trang mạng xã hội mong mỏi mọi người like mình, nhớ mình.
Sự thật về ngày lễ Chúa Giáng Sinh và truyền thuyết về ba cây thông dường như muốn nhắn nhủ chúng ta về một thông điệp khác. Đó là, đối với Hài Nhi Jesus, không có công việc nào, không có vật thể nào cho dù là tầm thường nhất lại vô giá trị trước mặt Ngài. Thậm chí, đối với Thiên Chúa của chúng ta, tất cả đều có giá trị như nhau. Chúa có thể dùng chúng ta vào việc của Ngài. Và vì yêu thương chúng ta, Ngài đã chọn làm người một cách tầm thường nhất, âm thầm nhất, lặng lẽ nhất để có thể gặp chúng ta và đồng hành với chúng ta, cho dù chúng ta đang ở góc nào trong thế giới rộng lớn này.