Chữ “nếu” tôi nói ở đây là chữ “nếu” rất thông thường mà hẳn anh cũng như tôi đã thường nghe nhiều người nói.
Một người đã qua 30 mà chưa lập nên danh phận, nói với vợ: “Nếu lúc nhỏ tôi đặng ăn học đến nơi đến chốn thì ngày ngay tôi là ông nọ, ông kia như ai!”. Có đúng như vậy chăng? Không. Hẳn anh biết có bao nhiêu nhân vật đã ghi tên trong lịch sử mà mà không xuất thân từ trường đại học nào cả: P.Doumer, Mussolini Franklin. Thiếu học là một thất lợi thật, nhưng đó không phải là rào cản để ngăn cản bước tiến thủ của người có chí.
Ông chủ một ngôi hàng nhỏ bé ở một con đường hẻo lánh nói: “Nếu tôi đặng có một cửa hiệu ở một đại lộ thì tôi cũng biết làm giàu như ai!”. Có đúng chăng? Không. Một người mà sẵn có trong tay 10.000 đồng mà không biết làm ra lời thì có 100.000 đồng cũng chưa chắc gì y làm khá hơn. Khi mới đạp chân lên đất Nam Phi ông Cecil Rhodes chẳng có đồng trinh dính túi. Mười năm sau đó ông nổi danh là “vua kim cương”, làm thủ tướng và đã lập ra một vùng ở Nam Phi hiện còn mang tên ông: Rhodésie. Nhà triệu phú Trung Hoa Quách Đàm lúc mới sang Sài Gòn hẳn không đủ tiền để mở một cửa hàng. Nhưng về sau ông đã dâng tiền để lập một cái chợ to lớn hơn chợ Đồng Xuân: chợ Bình Tây ở Chợ Lớn.
Tai hại ở chữ “nếu” là ở chỗ khi đã dùng đến nó thì người ta có thói quen dùng mãi mãi. Đại để người ta sẽ nói: “Nếu tôi có gạo, tôi sẽ có cơm…, nếu tôi có củi tôi sẽ nấu đặng cơm… và nếu có ai nấu sẵn cơm…”.
Chữ “nếu” khốc hại này đã chặng đứng bao nhiêu người trên đường tiến thủ.
Có bao nhiêu người đã phí thời giờ, phí sinh lực ngồi than trách những gì họ chưa có thay vì chịu khó nổ lực hoạt động với những gì họ sẵn có trong tay.
Họ trách người, trách đời, trách hoàn cảnh. Họ quên trách sự thiếu nghị lực của mình. Họ có thể ngồi than trách mãi đến cái tuổi mà họ chỉ còn có cách là hối hận chớ không hoạt động nổi.
Họ có thể làm đặng bao nhiêu công việc và làm nên nếu họ biết: “Nếu tôi chịu khó thêm một tý!”.