Trái lại khi một người bạn trẻ có cao vọng làm nên với đời, năng nhờ đến cái “tôi” của họ và tự hỏi: “Tôi phải làm gì để đào luyện con người tôi một cách triệt để?”, “Tôi phải làm thế nào để làm nên một “giá trị” mà người ta bắt buộc phải cần đến?”, hoặc khi một nhà doanh nghiệp có cao vọng làm nên sự nghiệp luôn luôn nghĩ đến công việc làm ăn của mình và tự hỏi: “Tôi phải làm gì để mở mang công việc làm ăn của tôi?”, “Có cách nào làm cho món hàng của tôi tốt hơn và bán rẻ hơn món hàng của người khác?”, thì có gì là khả ố?
Dùng tất cả thời giờ, tâm trí của mình để rèn luyện, để cải tạo con người của mình, để tu bổ, để phát triển công việc làm ăn của mình, đó là một trong những nguyên tắc chính của khoa học “đắc lực”.
Có những người không bao giờ chịu nhớ đến cái “tôi” của họ mà chỉ nhớ đến kẻ khác, không phải để nâng đỡ, khuyến khích, đùm bọc hay giúp đỡ ai, mà là để… mất thời giờ bắt bẻ, bình phẩm hay gièm pha. Những người ấy có đâu thời gian để chú ý, săn sóc đến cái “tôi” của họ.
Những người “sáng việc người mà quáng việc mình” có bao giờ làm nên một công việc gì?
Muốn làm một con người “đắc lực” chúng ta phải luôn luôn nghĩ đến khả năng của mình, nghĩ đến con người của mình, nghĩ đến công việc làm ăn hay chức nghiệp của mình. Nói tóm lại phải nghĩ đến cái “tôi” của mình trước đã.
Nghĩ đến cái “tôi” của mình một cách tích cực như đã nói trên thì có gì là khả ố, phải không bạn?