Tiết Đinh San chinh Tây

Hồi thứ ba mươi lăm

Khi các tiên về núi hết, Tạ Ánh Đăng và Phàn Lê Huê thăng trướng, truyền quân sĩ giải các yêu tiên bị bắt ra xét xử. các yêu tiên mặt cắt không còn giọt máu, đồng quỳ xuống van xin tha tội, xin được về núi tu hành cho khỏi uổng công mấy ngàn năm nay. Tạ Ánh Đăng thở dài, lắc đầu nói:

Các ngươi tuy đã có công tu luyện nhưng lòng trần chưa dứt nên nếu ta tha trước sau gì cũng sẽ hết số mà thôi.

Nói xong, Tạ Ánh Đăng luận tội, thấy Giả Hùng tiên và Giả Hồ tiên nặng hơn hết nên dẫn qua một bên, lấy hồ lô ngọc để trước mặt. Tạ Ánh Đăng quát lớn một tiếng, hồ lô liền chiếu hào quang ra chói lòa rồi từ trong bay ra một cái kéo ngọc. Mọi người chưa kịp nhìn kỹ thì kéo ngọc đã cắt đứt đầu Giả Hồ tiên và Giả Hùng tiên, hai yêu tiên hiện nguyên hình là con hồ ly và con gấu ngựa rất lớn.

Tạ Ánh Đăng xét tới tội của Thần Quy tiên và Hoa Phụng tiên, thấy hai người này chưa phạm vào sát giới thì tha chết cho về núi tu hành. Hai yêu tiên mừng rỡ quỳ xuống tạ ơn, hiện nguyên hình là xon rùa và con phượng, bay đi mất.

Đêm hôm ấy, Tạ Ánh Đăng không muốn hại quân sĩ chết nhiều nên sai Tần Hán và Nhất Hổ độn thổ vào trong thành tìm bắt Hãn Nhi Niêm. Quả nhiên Hãn Nhi Niêm cùng quân Liêu mệt mỏi quá nên ai nấy ngủ say như chết, Tần Hán và Nhất Hổ lén vào phòng bắt trói Hãn Nhi Niêm hết sức dễ dàng, thòng dây đưa xuống cho quân sĩ nhà Đường mang về. Phàn Lê Huê thấy đã bắt được chủ tướng thì liền nổi pháo hiệu tiến binh, nhờ có Tần Hán và Nhất Hổ mở cửa thành nên tràn vào ải như nước vỡ bờ.

Tô Bảo Đường, Phi Bạt hòa thượng và Thiết Bảng đạo nhân giật mình thức dậy thì thấy đâu đâu cũng có quân Đường, vội vàng đánh tháo lấy đường chạy trốn. Ba nữ tướng là Kim Định, Đậu Tiên Đồng và Tiết Kim Liên nhìn thấy ba tướng Liêu thì liền xông lại, chia nhau ra ngăn chặn, giao đấu kịch liệt. Ba tướng Liêu chẳng phải tầm thường nhưng trong cơn nguy cấp mất hết tinh thần nên chẳng sao chống nổi với ba nữ tướng, vội vàng bảo nhau bay vút lên mây.

Tạ Ánh Đăng tính trước điều này, chờ sẵn trên mây dùng Chân định quang đánh luôn. Ba tướng Liêu đều rơi xuống đất, bi ba nữ tướng trói nghiến. Phàn Lê Huê cả mừng, truyền quân giam vào ba chuồng sắt, dán linh phù lên trấn yểm để sáng hôm sau Tạ Ánh Đăng xét xử.Tạ Ánh Đăng thấy cả ba đều có tội nặng nên không nương tay tí nào, lấy hồ lô ngọc ra chém đầu bằng hết. Xong xuôi, Tạ Ánh Đăng giã từ về núi, dặn Phàn Lê Huê đừng nên giết Hãn Nhi Niêm làm gì cho sát nghiệp nặng thêm.

Phàn Lê Huê nghe theo, truyền trói Hãn Nhi Niêm cho đi trước đoàn quân, rầm rộ tiến thẳng đến kinh thành Hấp Mê. Liêu chúa nghe quân báo thì thất kinh, ngửa mặt than dài:

- Tất cả cũng chỉ tại Tô Bảo Đường hung hăng mà thành chuyện. Nay quốc cữu đã chết rồi thì trẫm biết làm sao chống đỡ được đây?

Thừa tướng Mã Lý liền bước ra tâu xin viết biểu đầu hàng, như thế mới còn mong giữ được xã tắc. Hấp Mê vương khen phải rồi lập tức viết hàng biểu, sai một đại thần là Nhã Lý mang mấy chục xe châu ngọc đi trước, còn mình và bá quan văn võ theo sau. Phàn Lê Huê nhận hàng biểu, mừng rỡ sai La Chương cấp tốc chạy về Bạch hổ quan báo cho Cao tông biết. Nhà vua cũng hoan bỉ bảo:

- Vậy thì khanh hãy mau trở về đưa chiếu chỉ cho Phàn nguyên soái, dẫn vua tôi nước Liêu đến bái kiến trẫm mà làm lễ.

Phàn Lê Huê nhận được chiếu chỉ cả mừng dẫn quân vào thành cho Liêu vương khao thưởng xong xuôi mới hạ lệnh ban sư. Quân tướng hết sức hân hoan nên đi mau như gió thổi, chẳng bao lâu đã đến trước ải Bạch Hổ hạ trại. Cao tông liền sai Trình Giảo Kim ra ngoài thành nghênh đón Phàn Lê Huê và vua tôi nước Liêu. Chính nhà vua cũng rạo rực nên không ngồi yên được một chỗ, cùng bá quan ra trước cửa thành ngóng đợi.

Phàn Lê Huê thấy thánh thượng thì vội xuống ngựa bái lạy, sau đó dẫn Hấp Mê vương và bá quan dẫn đến trước mặt thiên tử. Hấp Mê vương quỳ xuống tung hô vạn tuế rồi tâu:

- Vì tiểu thần ngu dại nghe lời xúi giục của Tô Bảo Đường nên phạm vào tội chết. Nay tiểu thần đã biết tội, không dám cầu xin nhưng chỉ mong thánh thượng ban ân cho trăm họ được bình an sinh sống. Nếu thánh thượng dung thứ cho tội ấy thì tiểu thần xin nguyện cống nộp hàng năm quyết không sai lời.

Cao tông cả đẹp, tha tội cho Hấp Mê vương và truyền chia lại địa giới, từ Sa giang trở lại phía tây thì cho Hấp vương cải quản, còn lại thuộc về Đại Đường. Hấp Mê vương hết sức vui mừng, quỳ lạy tạ ơn. Cao tông lập tức truyền mở tiệc đãi dằng, thu nhận châu ngọc còn bao nhiêu mỹ nữ đều trả lại khiến ai ai cũng ca tụng là bậc minh quân.

Sau khi mọi việc hoàn tất, Cao tông thiết triều phong cho Đậu Nhất Hổ làm Trấn Tây hầu, Tiết Kim Liên là nhất phẩm phu nhân trấn giữ ải Bạch Hổ; phong Tần Hán làm Định Tây hầu, Điêu Nguyệt Nga làm nhất phẩm phu nhân, trấn giữ ải Thanh Long. Sau khi ban xong, Cao tông truyền chỉ ban sư, dẫn quốc tướng hồi triều. Khi đi qua ải Hàng Giang. Phàn Lê Huê và Tiết Đinh San vào làm lễ, thăm mẹ già rồi làm chay siêu độ cho cha, anh rất trọng thể, đón Phàn phu nhân về Trung Nguyên phụng dưỡng.

Đại quân đến ải Giới Bài, Cao tông thấy vợ chồng Đinh San phò linh cữu Tiết Nhơn Quý rất vất vả nên truyền chỉ cho thong thả đi sau, còn mình và văn võ bá quan thẳng đường về triêù trước. Nhân dịp này Cao tông tổ chức dâng hương cúng kiến tạ ơn khắp các đình chùa suốt mấy tháng không dứt. Cũng vì thế nhà vua mới gặp gỡ Võ Mị Nương, khi ấy bị truất làm ni cô ở miếu trong cấm thành. Cao tông nhìn thấy Võ Mị Nương vẫn còn hoa nhường nguyệt thẹn thì hết sức say mê, chẳng còn nghĩ gì đến đạo lý nữa, cho người đón về cung lập làm hoàng hậu, cùng nhau hoang dâm vô độ dù biết rằng Võ Mị Nương vẫn thường đi lại với hai nhà sư ở trong miếu.

Lâu dần Cao tông không hề lâm triều nữa khiến bá quan hết sức lo lắng, bất đắc dĩ phải nổi trống mời lâm triều tâu báo việc phong thưởng cho các công thần trong việc chinh tây. Khi ấy nhà vua mới nhớ ra, phong cho Tần Mộng làm Hộ Quốc Công, La Chương làm Việt Quốc Công, Lưu Nhân và Lưu Thoại là Đốc công giữ ải Hà Nam.

Trong khi ấy Tiết Đinh San đã phò linh cữu Tiết Nhơn Quý về đến Giáng Châu, ra mắt Liễu phu nhân thuật lại mọi việc gian truân trong thời gian vừa qua. Liễu phu nhân thấy pLê Huê thì rơi nước mắt nhớ đến Tiết Kim Liên phải ở lại với chồng nơi đất Liêu. Sau khi tế điếu xong xuôi, Liễu phu nhân và gia quyến đồng phò linh cữu Tiết Nhơn Quý về Trường An, đi đến đâu đều có quan chức sỡ tại phúng tế.

Ngày hôm sau, nhân có thiết triều, Trình Giảo Kim liền dâng sổ công lao của Phàn Lê Huê và Tiết Đinh San lên cho Cao Tông ngự lãm. Nhà vua đọc xong liền phán:

- Công lao của vợ chồng Tiết nguyên soái rất lớn, vì vậy trẫm phong cho Tiết Đinh San làm Lưỡng Liêu vương, lập vương phủ chó đúng chức tước, hưởng lộc đại thần. con trưởng là Tiết Dũng phong làm tổng binh Hán Châu; con thứ là Tiết Mãnh phong làm tổng binh Hồng Hà; con thứ ba là Tiết Cương phong làm tổng binh Đăng Châu; con thứ tư là Tiết Cường cũng được phong làm tổng binh. Riêng tam phu nhân Phàn Lê Huê thì được phong làm Oai Ninh hầu nhất phẩm phu nhân, tất cả vợ lớn nhỏ đều được tước vương phi. Tiết Nhơn Quý đã mãn phần thì được phong làm Vân Định công, lập miếu thờ cúng. Liễu thị và Phàn thị đều được phong nhất phẩm thái phu nhân, ban thưởng mỗi người một long trượng.

Ban phong xong, Cao tông lui về hậu cung nghỉ ngơi. Ba tháng sau, vương phủ xây dựng xong, Tiết Đinh San xùng gia quyến dọn đến nhưng rất băn khoăn vì linh cữu phụ thân còn quàn tại chùa. Đậu vương phi liền bàn với chồng đến nhờ Trình Giảo Kim xin nhà vua cho phép mang linh cữu về Sơn Tây an táng. Nhà vua rất nể Trình Giảo Kim nên chuẩn y ngay nhưng bắt Oai Ninh hầu Phàn Lê Huê vẫn phải ở lại triều để phò tá.

Vì thế trừ Phàn Lê Huê cùng với Tiết Cương, còn bao nhiêu gia quyến đều theo Đinh San hộ tống linh cữu Bình Liêu vương về quê quán. Biết Tiết Cương tính tình hung hăng, lại hay tìm cách đánh nhau, không chịu theo lễ nghi nên trước khi đi Đinh San có nhờ Trình Giảo Kim để ý răn đe dùm mình.

Riêng Tiết Cương thấy phụ thân đi khỏi thì hết sức vui mừng, tha hồ ăn chơi phóng túng, kết giao bè bạn với “Ngũ Hổ” là Tần Hồng biệt hiệu là Hoạt Diện Hổ; Uất Trì Cảnh biệt hiệu là Hắc Diện Hổ; La Xương biệt hiệu là “Tiểu Diện Hổ” Vương Tôn Lập biệt hiệu là “Kim Mao Hổ”; Trình Nguyệt biệt hiệu là Thái Tuế Tiểu Hổ. Khi Tiết Cương nhập bọn thì cũng lấy chữ Hổ làm biệt hiệu, gọi là Thông Thành Hổ.

Cả bọn vì còn tuổi trẻ lại là con nhà công thần nên rất hay sinh sự náo loạn cả hoàng thành, Trình Giảo Kim tuy cố gắng ngăn cản khuyên dạy nhưng không sao xuể nổi.

Khi ấy có một người ở Sơn Tây, cũng họ Tiết tên là Ứng Cử, có vợ là Vương thị nhan sắc mặn mà, hoa nhường nguyệt thẹn. Vợ chồng Ứng Cử rất nghèo nên dắt díu nhau đến Trường An nương nhờ người họ hàng, tìm dịp tiến thân. Chẳng ngờ một hôm Trương Bảo là con của tể tướng Trương Quân Ta nhìn thấy Vương thị, lập tức nổi lòng tham muốn, truyền quân sĩ bắt ép cả haivợ chồng về dinh, lấy cớ là cần tra hỏi. Thật ra Trương Bảo muốn cướp vợ người nên vừa thấy mặt hai vợ chồng là thẳng thừng nói luôn:

- Ta thấy vợ ngươi xinh đẹp nên bao nhiêu cũng chịu mua, ngươi cầm tiền ấy về quê mà lấy vợ khác cho xong.

Ứng Cử vốn là học trò nên không sao chịu được việc ngang ngược trái với đạo lý như vậy nên lớn tiếng mắng lại ngay. Trương Bảo cả giận, sai quân trói Ứng Cử lại, lấy số bạc định mua buộc vào người làm tang vật rồi giải đến Tây An phủ, bắt quan quân ở đó phải xử tử Ứng Cử đẻ phi tang. Xong việc, Trương Bảo dẫn Vương thị vào áp bức việc ái ân nhưng Vương thị quyết chống trả đến cùng, vừa khóc lóc vừa kêu cứu rầm trời đất. Trương Bảo đã lên cơn dâm thì không kể gì nữa, truyền thị nữ ra ngoài đóng chặt cửa lại, nhất quyết thỏa mãn rồi sau này ra sao cũng được.

Bất ngờ khi ấy Trương Quân Tả về tới, vì thế Trương Bảo phải bỏ vỡ, giao Vương thị cho bọn a hoàn canh giữ. Khi bọn a hoàn dẫn Vương thị ra vườn sau thì có một nữ lão nhân giữ lại, chờ bọn a hoàn đi hết liền nói:

- Trương Quân Tả ỷ thế đại thần ức hiếp dân chúng, lại dung dưỡng cho con làm điều xằng bậy khiến tôi rất bất bình. Vì thế cô nương cứ ở đây đến tối tôi sẽ mở cửa cho trốn ra.

Ngày hôm sau, Trương Bảo ra vườn hoa hỏi Vương thị thì lão nhân đáp dối:

Cô nương ấy uất ức lao xuống giếng tự vẫn rồi. Tôi sợ công tử bị tội nên lén đem xác quẳng xuống sông cho biệt tích, đừng nhắc đến làm gì mà người ta biết.

Trương Bảo nghe vậy không trách cứ lão bà, về thư phòng đọc sách. Về phần Vương thị ra khỏi Trương phủ thì tìm đếm một ngôi miếu ngủ nhờ, sáng hôm sau ra chợ nghe ngóng. Khi biết giờ ngọ hôm sau chồng mình bị hành hình thì đau lòng quá ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Khi tỉnh dậy, Vương thị ngồi một chỗ kêu khóc van xin mọi người khiếu oan cho chồng nhưng chẳng ai dám dính vào việc này.

Khi ấy Tiết Cương và Ngũ Hổ ngày nào cũng cùng nhau đi uống rượu, khi đi giữa đường thấy Vương thị ngồi khóc lóc thảm thiết thì liền hỏi thăm. Vương thị thấy mấy vị anh hùng đó ăn mặc theo lối nhà quan thì mừng rỡ kể lại đầu đuôi việc oan ức của mình. Tiết Cương nghe xong nổi máu nóng mắng lớn:

- Thật đê tiện! Giữa ban ngày ban mặt mà dám giở trò giết chồng đoạt vợ thì còn coi vương pháp ra gì. Ngươi cứ yên tâm, chồng ngươi chẳng chết nổi đâu.

Nói xong, Tiết Cương bàn với Ngũ Hổ:

- Ngày mai chúng ta lén giấu khí giới trong người, cướp pháp trường cho thiên hạ biết mặt anh hùng. Ta sẽ nhận tội một mình, nói bừa họ Tiết là anh em, Trương Bảo định hãm hiếp chị dâu nên mới phải cướp pháp trường cứu người. Như thế chẳng ai bắt tội được đâu.

Ngũ Hổ nghe vậy bằng lòng ngay, hẹn giờ giấc xong xuôi mới ai về nhà nấy.