- Khi nào cứu được Ứng Cử thì hai ngươi sẽ theo ta vào triều tâu bày, còn bây giờ đừng nói nhiều mà lộ chuyện.
Vương thị nghe theo, ngồi một góc chờ đợi. Khi tri phủ Tây An cùng quân binh dẫn Tiết Ứng Cử ra pháp trường, Tiết Cương liền xông vào chém viên tri phủ làm hai đoạn còn các tiểu anh hùng khác loạn đả bọn quân sĩ, mở trói cho Tiết Ứng Cử. Quân sĩ biết tất cả đều là con nhà đại thần nên bỏ chạy tán loạn, chẳng dám chống cự. Tiết Cương liền dặn Tiết Ứng Cử phải nhận mình là người trong họ tộc, dẫn thẳng đến trước sân rồng quỳ xuống tâu bày. Cao tông nghe xong cả giận quay lại trách mắng hết lời khiến Trương Quân Tả thất kinh hồn vía, vội tìm lời chối tội là không hay biết.
Nhà vua nghe vậy phán bảo:
- Khanh đã không biết việc này thì trẫm cũng không truy cứu. Còn Tiết Cương có công cứu người hàm oan thì trẫm ban cho một quả chùy bằng vàng, có quyền đánh giết gian thần trong triều, côn đồ trộm cắp ngoài chợ.
Tiết Cương cả mừng, lạy tạ nhà vua xong liền dẫn Tiết Ứng Cử về phủ, nói dối với Phàn Lê Huê là người họ hàng ở Sơn Tây mới lên. Phàn Lê Huê tưởng thật nên rất hậu đãi. Mấy ngày sau, Tiết Cương muốn ở nhà với mẫu thân nên xin nhường chức tổng binh cho Tiết Ứng Cử. Phàn Lê Huê cho là Tiết Cương hiếu thảo nên vui vẻ bằng lòng ngay, tiễn vợ chồng Tiết Ứng Cử đến Đăng Châu nhậm chức.
Tiết Cương tư khi được ban cho chùy vàng thì bá quan ai cũng nể sợ, chẳng dám đụng vào. Tiết Cương thấy vậy càng phán khởi, ngày đêm cùng Ngủ Hổ luyện võ nơi giáo trường. Một hôm sáu tiểu anh hùng đang luyện tập kiếm cung thì chợt thấy Trương Bảo nghênh ngang dẫn gia đinh đến xem. Tiết Cương lập tức truyền quân sĩ bắt lại, giả vờ không biết, lớn tiếng mắng:
- Ngươi là ai mà dám lén lút đến đây do thám việc luyện võ của chúng ta?
Khi nghe Trương Bảo cho biết họ tên, Tiết Cương cau mặt nói:
- Lẽ nào tể tướng lại có đứa con như ngươi. Ngươi dám mạo nhận thì tội càng nặng thêm một bậc.
Nói xong, Tiết Cương truyền quân sĩ đè Trương Bảo ra đánh bốn mươi roi. Trương Bảo bị trận đòn này rách da nứt thịt, đau đớn vô cùng phải nhờ gia đinh cõng về khóc với phụ thân. Trương Quân Tả nổi giận lập tức vào triều tâu với Cao tông nhưng nhà vua hờ hững phán:
- Giáo trường là nơi để cho con cháu hai mươi bốn phủ quốc công đến luyện tập, con của khanh là quan văn thì đến đó làm gì? Chẳng phải tự mình gây sự hay sao?
Hai cha con Trương Quân Tả nghe vậy hết sức nổi giận, hậm hực lui về tìm dịp khác báo thù. Nhờ vào triều nhiều lần nên Võ hậu có dịp nhìn thấy Trương Bảo, liền xin với Cao tông cho mình nhận làm nghĩa tử, thật ra là thừa cơ gần gũi thông dâm với nhau. Dần dần việc này ai cũng biết trừ Cao tông ra. Cao tông say mê Võ hậu đến nỗi sức lực cạn kiệt, đi đứng rũ rượi, chẳng còn muốn ra triều lo việc chính sự nữa, bá quan hết lời can nhưng chẳng có tác dụng gì. Võ hậu vốn dâm dục, thấy nhà vua không thể thõa mãn cho mình được thì càng thêm lộng hành, thông dâm với không biết bao nhiêu người, sau đó còn can thiệp cả vào triều chính nữa.
Thấy Cao tông việc gì cũng chiều chuộng, Võ hậu đưa luôn Trương Bảo, Trương Xương Tông, hoà thượng Vương Hoài Nghĩa vào cung hầu hạ mình mà nhà vua cũng không có ý kiến gì. Từ Kính Nghiệp quá bực bội việc ấy, ngày đêm đi tuần phòng cung cấm rất nghiêm ngặt, tức thì bị Võ hậu tâu với Cao tông đi sai trấn thủ biên cương. Tiết Đinh San thấy việc triều chính quá suy đồi rối loạn liền dâng sớ xin về Sơn Tây phụng dưỡng mẹ già.
Được Cao tông chuẩn tấu, Tiết Đinh San chỉ để lại mấy trăm gia tướng săn sóc vương phủ, còn mình và gia quyến đến từ giã Trình Giảo Kim rồi lên đường đi ngay. Gia đình sum họp đông đủ càng khiến cho Liễu thái vương phi buồn bã, suốt ngày chỉ nhắc nhở đến Tiết Kim Liên.
Tiết Cương nghe vậy liền xin đi đến Tây Liêu hỏi vấn an cô dượng, sau đó sẽ về báo lại. Thấy mẩu thân bằng lòng, Tiết Đinh San vội nói:
- Cương nhi không được đi đâu, tính tình nó hay rượu chè say sưa, thể nào một mình cũng phóng túng gây sự phiền phức.
Đậu Tiên Đồng cũng muốn biết tin tức của anh nên về hùa với Phàn Lê Huê, xin cho Tiết Cương được đi. Tiết Đinh San nghe vậy ngần ngừ nói:
- Nếu ngươi hứa sẽ không uống rượu say sưa thì ta mới bằng lòng.
Tiết Cương gật đầu, lớn tiếng thề ngay:
- Nếu Tiết Cương này còn uống rượu say sưa nữa thì toàn gia sẽ tru lục.
Đinh San giật mình, mắng thì Tiết Cương cười nói:
- Nếu cả nhà bị tru lục thì con quyết sẽ báo thù, có gì phải lo.
Tiết Đinh San tức uất cả người. Phàn Lê Huê và Kim Định vội xúm vào mắng át đi, cho Tiết Cương là đứa điên điên khùng khùng, đừng chấp làm gì. Bất đắc dĩ Tiết Đinh San phải nguôi giận, bằng lòng cho Tiết Cương đi Tây Liêu. Trên đường đi, Tiết Cương qua một ngọn núi tên là Thiên Hùng, chợt có một toán quân lâu la reo hò đón đường, bắt nộp tiền mãi lộ.
Tiết Cương cả giận, múa chùy đập tên đội trưởng một cái chết tươi khiến bọn lâu la kinh hoảng chạy tán loạn lên núi. Chủ sơn trại nghe báo thì liền cầm thương cưỡi ngựa phóng xuống như bay. Tiết Cương thấy người này cũng nhỏ tuổi như mình, mặt trắng môi son thì thích lắm, lấy chùy đập thử một cái. Chủ trại đưa thương lên đỡ, tê chồn cả cánh tay, cả người chấn động thì la lên thán phục nhưng vẫn cố múa thương đánh tiếp.
Tiết Cương nổi giận quát lớn:
- Ngươi chưa biết danh Hắc tam gia Tiết Cương là ta hay sao mà còn muốn đánh?
Chủ trại nghe vậy giật mình, nhảy xuống ngựa tạ lỗi rồi mời Tiết Cương lên sơn trại đãi đằng, cho biết:
- Tôi tên là Ngũ Hùng, con cháu của Nam Dương hầu, phụ thân là Ngũ Đăng cũng đều tử trận cả, túng thế tôi mới phải lên đây làm thảo khấu sống qua ngày.
Tiết Cương nghe vậy rất mừng, cùng Ngũ Hùng trò chuyện rất tâm đắc, ở lãi sơn trại mấy ngày nhưng vẫn giữ lời hứa không uống rượu.
Khi ấy Cao tông vì quá ham mê tửu sắc nên hư hoa bốc lên làm cho mắt mờ hẳn, không còn nhìn thấy tấu chương mà phê duyệt nữa. Võ hậu nhân dịp này tâu:
- Nay đã sắp đến ngày nguyên tiêu, xin bệ hạ xuống chỉ cho nhân dân đều phải dâng đèn về triều chúc tụng. Nhân dân trong thành cũng phải treo đèn kết hoa luôn năm đêm. Bệ hạ ngắm đèn thì mắt sẽ sáng ra được phần nào.
Cao tông nghe vậy rất đẹp ý, lập tức xuống chỉ cứ thế thi hành. Trong khi ấy cách núi Thiên Hùng vài chục dặm có một núi khác tên là Song Hùng do Hùng Kỳ, cháu của Hùng Hóa Hải làm chủ trại. Hùng Kỳ cũng có giao du với Ngũ Hùng, nên biết việc của Tiết Cương, vui vẻ xin kết làm anh em. Tiết Cương thấy Hùng Kỳ râu hùm hàm én, tướng mạo đường đường, thân hình cao hơn trương, sức mạnh kinh người thì cũng khen thầm, nhận lời kết thành huynh đệ. Ba anh em vui chơi với nhau mê mải cho đến khi sắp tết mới cùng nhau xuống núi tìm tửu quán uống vài chung rượu.
Chợt bọn lâu la chạy về báo tin bắt được mấy người thợ làm đèn, vì họ không có tiền mãi lộ nên xin các đại vương phân xử. Ba anh em liền truyền cho lâu la dẫn vào quát hỏi. Người thợ lớn tuổi nhất tên là Chu Kiện đứng ra thưa:
- Chúng tôi vâng lệnh Tiên Đại Vương ở Nam Đài mang đèn dâng cho thiên tử đe3 treo trong diệp hội đèn đêm nguyên tiêu. Chúng tôi làm ăn cực nhọc, chẳng có tiền bạc gì cả, xin các đại vương tha cho.
Tiết Cương nghe vậy sai lâu la mang hết các đèn đến cho mình xem thử. Khi biết có có ba loại đèn: một dâng cho thiên tử, một dâng cho Võ Tam Tư, còn một loại dâng cho Trương Quân Tả, thì liền trả lại loai đèn của thiên tử, còn hai loại kia thì tịch thâu hết. Chu Kiện hết sức lo lắng nhưng không dám van nài, vội vã cầm số đèn dâng cho nhà vua đi đến Trường An.
Lấy được số đèn ấy, ba anh em truyền lâu la treo trước sơn trại ngắm nghía, chẳng bao lâu thì chán mắt, bàn nhau xuống Trường An xem đủ loại cho thoả thích. Tiết Cương không bằng lòng nói:
- Các hiền đệ không thể bỏ sơn trại mà đi được. Ta sẵn thông thuộc đường lối, đi một mình thì tiện hơn.
Ngũ Hùng và Hùng Kỳ không dám cãi, đành để Tiết Cương đi một mình. Đến mồng tám tháng giêng, Tiết Cương đi bộ đến Trường An, giữa đường chợt thấy mấy tên quân sĩ đẩy tù xa, người ngồi trong ấy chính là Chu Kiện thì vội chạy vào rừng bẻ một khúc cây to làm võ khí, đánh chết quân sĩ, thả Chu Kiện ra. Chu Kiện rạ ơn, cho biết:
-Trương Bảo bắt tội tôi không dâng đèn cho hắn nên bỏ vào tù xa, giải qua quan phủ định tội. Bây giờ tôi thật không dám về nhà nữa.
Tiết Cương gật đầu khuyên Chu Kiện lên núi Thiên Hùng nhập bọn làm thảo khấu đỡ một thời gian, sau này sẽ tính kế khác. Chu Kiện vâng lời, lên núi thưa trước với Ngũ Hùng rồi mới về nhà thu xếp mang hết gia quyến về sơn trại. Khi ấy Tiết Cương đã đến Tần phủ, Tần Hồng thấy mặt người anh em thất thiết thì mừng lắm, mời vào trà nước xong khi chờ gia nhân đi gọi các tiểu anh hùng khác. Các anh em được sum họp đầy đủ thì vui vẻ khôn xiết, cho mở tiệc để cùng nhau ăn uống. Khi đã quá xay, cả bọn rủ nhau đi xem đèn, chỗ thì thắp đèn tứ linh, chỗ thì hình các con thú, chỗ thì hình hình quan quân, nhiều kiểu lạ lùng chưa thấy bao giờ.
Xem đèn các nhà quan chán chê, Tiết Cương đòi vào hoàng cung xem đèn của thiên tử cho mãn nhãn. Ngũ Hổ cũng hơi say nên hăng hái nghe theo, dẫn tới trước lầu Ngũ Phụng. Hai tên nội thị giữ cửa không biết đó là con cháu đại thần, lại thấy người nào cũng say mèm thì liền quát mắng, nhất định không cho vào. Sáu tiểu anh hùng nghe vậy hết sức tức giận, xông vào đánh đấm quân sĩ chạy tứ tán hết, riêng Tiết Cương thì đè một tên nội thị ra đánh cho tới chết.
Tên nội thị kia nhận ra mặt của Tiết Cương, vội vàng chạy vào tâu báo với Cao tông. Nhà vua định đích thân ra xem cho rõ nhưng bị trượt chân nên đành ngồi một chỗ. Trương Quân Tả thấy vậy chạy ra, biết chắc là Tiết Cương thì liền chạy vào tâu với Cao tông:
- Quả là Tiết Cương đánh chết người, xin bệ hạ xuống chỉ xử tội hắn để giữ phép nước.
Cao tông lắc đầu, cho rằng Tiết Cương đã theo gia quyến về Sơn Tây thì chắc là giông người mà thôi, có gì thì để ngày mai xem xét lại cho rõ ràng, đừng phạt oan người không có mặt. Nói xong, Cao tông lui về cũng nghỉ ngơi khiến Trương Quân Tả hết sức tức giận mà chẳng làm gì được.
Riêng Trình Giảo Kim thấy cháu là Trình Nguyệt Hiệu về phủ thì liền trách mắng:
- Các ngươi thật là nghiệt tử nghiệt tông. Đến việc đi xem đèn cũng gây ra rắc rối đánh chết người. Ngày mai thiên tử thể nào cũng tra xét, vì thế hãy bảo Tiết Cương trốn đi cho mau mới kịp.
Trình Nguyệt Hiệu nghe vậy cả sợ, cấp tốc tới nhà Tần Hồng báo tin cho Tiết Cương biết. Tiết Cương nghe vậy rất hoảng, lập tức giã từ các bằng hữu, lên đường về núi Thiên Hùng ngay. Đêm ấy Cao tông bị Võ hậu ép uổng mây mưa quá sức nên hôm sau không thể ra triều được. Trương Quân Tả tức giận đi thẳng vào cung, lấy tiếng vấn an nhưng thực chất nhắc nhà vua nhớ lại việc tra xét. Võ hậu cũng tâu vào, đòi triệu cả Tiết Đinh San về hạch hỏi khiến Cao tông lấy làm khó nghĩ, sau cùng đành triệu Vương Hội đến phán hỏi:
- Khanh hãy đi Sơn Tây hỏi xem Tiết Cương có nhà không?
Vương Hội tuân chỉ, cấp tốc đi ngay. Khi đến Sơn Tây, Tiết Đinh San mời vào đàm đạo, sau khi biết ý định của Vương Hội thì ngơ ngác nói:
- Cương nhi vâng lệnh gia mẫu qua Tây Liêu thăm cô dượng từ lâu, dù có muốn về Trường An cũng không thể mau như thế được.
Vương Hội nghe vậy liền nói Tiết Đinh San viết một tờ sớ tấu, mang về triều dâng cho Cao tông. Nhà vua xem sớ xong lập tức gọi Trương Quân Tả đến trách mắng:
- Tiết Cương vâng lệnh gia mẫu qua Tây Liêu thăm viếng họ hàng. Nhà ngươi chưa nhìn rõ mặt đã vu oan cho người khác thì tội rất nặng. Từ nay trở đi nếu còn tái phạm thì trẫm quyết không dung thứ.
Trương Quân Tả thẹn quá, cúi đầu lui ra, chẳng nói tiếng nào.
Khi ấy Võ hậu muốn lập thêm một hao viên để ngoạn cảnh nên tâu với Cao tông xuống chiếu sai người đi khắp nơi tìm loài hoa đẹp về dâng trồng. Cao tông nghe Võ hậu đòi gì liền chiều hết, lập tức sai người đi thi hành.
Võ hậu cả mừng, gọi Trương Bảo đến. cấp cho mấy ngàn dân công để đào ao, đắp nền xây lâu đài v.v... Trương Bảo thừa dịp ấy đè nén dân chúng, bòn rút tiền của nhiều không kể xiết khiến cho nhân dân hết sức thán oán.
Vì vậy ở núi Thiên Hùng, bọn lâu la liên tiếp bắt được những người mang hoa về triều dâng cho thiên tử. Ngũ Hùng toan lấy một số ngắm chơi nhưng Tiết Cương can ngăn, nói:
- Lần trước cũng vì lấy đèn mà suýt hại đến tính mạng của Chu Kiện, nay đừng lấy hoa làm khổ bọn chúng nữa.
Ngũ Hùng nghe theo. Được vài ngày, Tiết Cương sinh ra buồn chán, nói với Ngũ Hùng xuống Trường An thăm bạn bè cho thỏa. Ngũ Hùng hết sức can ngăn nhưng Tiết Cương nhất định đòi đi, đành phải sai vài tên gia tướng giả làm người hầu đi theo đề phòng bất trắc, có gì thì báo tin cho mình biết. Các tiểu anh hùng Ngũ Hổ gặp lại Tiết Cương thì mừng rỡ vô cùng, lập tức mở tiệc vui vầy. Trong khi ăn uống, Tần Hồng chợt thở dài nói:
- Hiện giờ thiên tử ham mê tửu sắc, nghe lời bọn Võ hậu khiến cho triều đình chẳng còn thể thống gì. Đã thế Võ hậu còn chưa vừa lòng, mới rồi sai Trương Quân Tả lập một hoa viên khiến bá tính tổn hại không kể xiết.
Tiết Cương nghe vậy nổi máu anh hùng, thuyết phục các anh em ngày mai đến đó xem thử có đúng hay không. Các tiểu anh hùng vốn đang chán ngán chẳng biết làm gì, nghe vậy thì liền hăm hở xin theo. Ngày hôm sau sáu anh em đến ngự hoa viên, quả nhiên thấy dân phu rất đông nhưng người nào cũng lẩm bẩm oán thán bị ăn bớt tiền công. Tiết Cương chặn một dân phu hỏi:
- Ai ăn bớt tiền công của các ngươi?
Ngươì dân phu thật tình trả lời:
- Trương đại gia làm đốc công, không những ăn bớt tiền công gần một nửa mà còn hà hiếp đánh đập khiến tư khi khởi công đến giờ chết không biết bao nhiêu người.
Tiết Cương trước khi đi đã có uống rượu nên nghe vậy không sao nén nổi nóng nảy, lấy đính bài của bọn dân phu giả làm người khiêng đá, cùng Ngũ Hổ đi vào hoa viên. Bọn quân gác cửa thấy có đính bài thì chẳng hỏi han gì cả.
Khi vào đến hoa viên, sau anh em nhìn thấy nơi đây rộng mênh mông, vô số người đang trồng hoa, cuốc đất, làm lụng đổ mồ hôi ra ướt áo, trong khi ấy Trương Bảo thong dong ngồi uống rượu dưới óng cây, có mấy chục mỹ nữ vây quanh hầu hạ, trước mặt có cao lương mỹ vị e hề. Tiết Cương thấy vậy không sao nhịn nổi, vừa chạy đến vừa lớn tiếng quát rầm trời.
Ngũ Hổ cản lại, không được nên đều kinh hoảng bỏ chạy về phủ, để mặc Tiết Cương làm gì thì làm.