Liên kết Thiền với tâm phân học, người ta bàn luận hai hệ thống, cả hai đều đối trị với một lý thuyết quan hệ đến bản tính của con người và với một thực nghiệm đưa đến sự chính hữu của hắn. Mỗi hệ thống lần lượt là một biểu lộ đặc trưng của tư tưởng Đông phương và Tây phương, Thiền là một phối hợp của lý tính và trừu tượng Ấn Độ với tính chất cụ thể và thực tại luận Trung Hoa. Tâm phân học là tinh túy Tây phương cũng như Thiền là tinh túy Đông phương; nó là con đẻ của nhân bản luận và duy lý luận Tây phương, và cả cuộc tìm kiếm lãng mạn thế kỷ mười chín những ám lực tránh khỏi duy lý luận. Trở lại xa hơn nữa, minh triết Hi Lạp và đức lý Do Thái là những người cha đỡ đầu tinh thần của cái lối nhận thức liệu pháp khoa học về con người này.
Nhưng bất chấp sự kiện rằng cả tâm phân học và Thiền đối trị với bản tính của con người và với một thực nghiệm đưa đến sự chuyển hóa của hắn, những dị biệt hình như nặng hơn những tương đồng này. Tâm phân học là một phương pháp khoa học, triệt để phi tôn giáo, Thiền là một lý thuyết và kỹ thuật để thành tựu “ngộ” một kinh nghiệm mà ở Tây phương người ta hẳn gọi là tôn giáo hay thần bí. Tâm phân học là một liệu pháp (therapy) cho bệnh tinh thần; Thiền là một con đường đến giải thoát tâm linh. Cuộc bàn luận về mối tương hệ giữa tâm phân học và Thiền liệu có đưa lại được kết quả gì ngoài lời tuyên bố rằng chả có tương hệ nào ngoại trừ sự dị biệt tự căn để và không thể khuất lấp được?
Thế nhưng những nhà tâm phân học hiển nhiên và càng ngày càng quan tâm đến Thiền. Căn nguồn của mối quan tâm này là gì? Ý nghĩa của nó là gì? Để đưa ra một câu trả lời cho những nghi vấn này là điều mà bài này nỗ lực làm. Bài không cố đưa ra một trình bày hệ thống về tư tưởng Thiền, một công việc vượt qua kiến thức và kinh nghiệm của tôi; nó cũng không cố đưa ra một trình bày đầy đủ về tâm phân học, điều ấy vượt quá phạm vi của bài. Tuy nhiên, tôi sẽ trong phần đầu của bài - trình bày sơ lược những phương diện tâm phân học có liên can trực tiếp đến mối tương hệ giữa tâm phân học và Thiền, và đồng thời, miêu tả những khái niệm căn bản của sự liên tục của phép phân tích của Freud mà đôi khi tôi đã gọi là “tâm tâm phân học nhân bản”. Tôi hi vọng bày tỏ bằng cách này tại sao việc nghiên cứu Thiền đã có ý nghĩa trọng yếu đối với tôi và như tôi tin cũng quan trọng cho tất cả những người học tâm phân học.