Thiền và Tâm Phân Học

I. CUỘC KHỦNG HOẢNG TÂM LINH HIỆN THỜI VÀ VAI TRÒ CỦA TÂM PHÂN HỌC

Như một bước tiến đến chủ đề của chúng ta, chúng ta phải xét đến cuộc khủng hoảng tâm linh mà người Tây phương đang chịu đựng trong thời đại lịch sử chủ yếu này, và vai trò của tâm phân học trong cuộc khủng hoảng này.

Trong khi đa số những người sống bên Tây phương không cảm thấy một cách hữu thức như thể rằng họ đang sống trong một khủng hoảng của văn hóa Tây phương (có lẽ chưa từng bao giờ đa số những người trong một hoàn cảnh nguy ngập tận căn để mà lại ý thức được cuộc khủng hoảng), thế nhưng ít ra các quan sát viên khó tính cũng đồng ý với nhau về sự hiện hữu và bản chất của cuộc khủng hoảng này. Đó là cuộc khủng hoảng mà người ta đã mô tả là “phiền muộn”, “bực dọc”, “bệnh thế kỷ”, “sự tê liệt hóa đời sống, sự máy móc hóa con người, sự ly cách khỏi chính mình, khỏi đồng loại và khỏi thiên nhiên”. Con nguời đã theo duy lý luận đến cái điểm mà duy lý luận đã biến thành phi lý luận tuyệt đối. Kể từ Descartes, người ta không ngớt chia sẻ tư tưởng khỏi tình cảm; chỉ tư tưởng được coi là hữu lý - tình cảm, tự bản tính, vốn phi lý; cái con người tôi, đã bị chẻ ra thành một trí năng, cấu thành cái ngã của tôi, và nó phải kiểm soát tôi cũng như nó phải kiểm soát thiên nhiên. Lấy trí năng kiểm soát thiên nhiên, và sự sản xuất càng ngày càng nhiều đồ vật, trở nên những mục tiêu tối thượng của đời sống. Trong tiến trình này con người đã tự biến mình thành một vật, đời sống đã bị lệ thuộc vào tài sản, “là” bị chi phối bởi “có”. Trong khi những căn để của văn hóa Tây phương, cả Hi Lạp lẫn Do Thái, coi mục tiêu của cuộc đời là toàn thiện con người, con người hiện đại lo toàn thiện đồ vật, và cách để làm chúng. Người Tây phương vì ở trong một trạng thái bị ám ảnh bởi cái cố tật không sao thể nghiệm được tình cảm, cho nên hắn âu lo, chán nản, tuyệt vọng. Hắn vẫn hưởng ứng bằng miệng những mục tiêu hạnh phúc, chủ nghĩa cá nhân, sáng kiến - nhưng thực ra hắn không có mục đích. Cứ hỏi hắn xem hắn sống vì cái gì, cái gì là mục tiêu của tất cả những nỗ lực của hắn - hẳn là hắn lúng túng. Có người có thể nói họ sống vì gia đình, người khác, “để vui chơi”, lại có người, để làm tiền, nhưng trên thực tế chả ai biết mình sống để làm gì; họ không có mục đích, ngoại trừ cái ao ước tránh sự bất an và cô độc.

Thật vậy, chức vụ giáo hội ngày nay cao hơn bất cứ lúc nào trước đây, sách về tôn giáo trở thành những sách bán chạy nhất, và nhiều người nói về Thượng Đế hơn bất cứ lúc nào trước đây. Thế nhưng cái thứ biểu lộ tôn giáo này chỉ che đậy một thái độ phi tôn giáo và duy vật sâu xa, và phải hiểu nó là một phản ứng ý thức hệ - gây ra bởi sự bất an và chủ nghĩa thủ cựu - lại cái xu hướng của thế kỷ mười chín, mà Nietzselic biểu thị bằng câu danh tiếng của ông “Thượng Đế đã chết”. Như một thái độ tôn giáo chân chính, nó không có thực chất.

Sự lìa bỏ các ý niệm hữu thần vào thế kỷ mười chín thì nhìn từ một khía cạnh - không phải là thành tích nhỏ. Con người phóng mình vào khách thể tính. Trái đất không còn là trung tâm vũ trụ; con người mất đi cái vai trò chính của cái tạo vật được Thượng Đế dành cho thống trị tất cả các tạo vật khác. Nghiên cứu những động năng ẩn khuất của con người với một khách quan tính mới. Freud nhận thức ra rằng cái đức tin nơi một Thượng Đế toàn năng toàn trí, bắt nguồn nơi sự bất lực của kiếp nhân sinh và trong cái nỗ lực của con người để đương đầu với sự bất lực của mình bằng đức tin vào một đấng cha mẹ cứu giúp tượng trưng bởi Thượng Đế trên trời. Ông thấy rằng chỉ con người mới tự cứu được mình; giáo lý của những vị thầy vĩ đại, sự giúp đỡ từ ái của cha mẹ, bạn bè, và những người thân yêu có thể giúp hắn - nhưng chỉ giúp được hắn dám chấp nhận sự thách thức của cuộc hiện sinh và phản ứng lại nó bằng tất cả sức mạnh và tấm lòng mình.

Con người từ bỏ cái ảo ảnh về một đấng cha Thượng Đế như một bậc cứu giúp từ ái - nhưng hắn cũng từ bỏ luôn cả những mục tiêu chân chính của tất cả các tôn giáo nhân bản: vượt qua những giới hạn của một cái ngã tự cao, thành tựu tình thương, khách quan tính, và khiêm tốn và tôn kính đời sống để cho mục tiêu của đời sống là chính việc sống, và con người trở thành cái mà hắn tiềm tàng. Đó là những mục tiêu của các tôn giáo lớn Tây phương, cũng như là những mục tiêu của các tôn giáo lớn Đông phương. Tuy nhiên, Đông phương không mang nặng cái khái niệm một đấng cha cứu thế siêu việt trong ấy các tôn giáo nhất thần biểu lộ những hoài mong của họ. Lão giáo và Phật giáo có một ý thức và thực tại tính cao hơn các tôn giáo Tây phương. Họ thấy được con người một cách hiện thực và khách quan, không có ai ngoài những bậc “giác ngộ” để chỉ đạo hắn, và có khả năng để được chỉ đạo bởi vì mỗi người có trong mình cái khả năng để thức tỉnh và giác ngộ. Đó đích là lý do tại sao mà tư tưởng tôn giáo Đông phương, Lão giáo và Phật giáo - và sự phối hợp của chúng trong Thiền tông - nắm giữ tầm quan trọng như vậy đối với Tây phương ngày nay. Thiền giúp con người tìm ra giải đáp cho câu hỏi về hiện hữu mình, một câu đáp mà thiết yếu là cùng câu đáp đưa ra bởi truyền thống Do Thái Kitô, thế nhưng nó không nghịch lại cái lý tính, thực tại tính, và độc lập tính là những thành tích quý báu của con người hiện đại. Một cách nghịch lý, tư tưởng tôn giáo Đông phương hóa ra lại thích hợp với tư tưởng duy lý Tây phương hơn lẽ chính tư tưởng tôn giáo Tây phương.