Thế giới 5000 năm

 Tiếng Đại Bác Trên Chiến Hạm “Rạng Đông”

 TIẾNG ĐẠI BÁC TRÊN CHIẾN HẠM “RẠNG ĐÔNG”

Trong cuộc khởi nghĩa vũ trang tháng 10 ở Pêtrôgrát chiến hạm “Rạng Đông” có vai trò rất lớn. Tiếng đại bác trên chiến hạm, “Rạng Đông” trở thành tiếng kèn tiến quân của những người khởi nghĩa tấn công vào Cung điện Mùa Đông, dinh luỹ cuối cùng của Chính phủ lâm thời, đồng thời tuyên bố thắng lợi của cuộc cách mạng XHCN tháng Mười Nga. Chiến hạm “Rạng Đông” là một trong những chiến hạm lớn nhất của nước Nga thời bấy giờ. Trên tàu có hơn 500 người, được trang bị rất nhiều đại bác cỡ 6 tấc Anh, hoả lực rất mạnh. Chiếc tàu chiến này vì sao lại có thể ngả sang phía những người Bônsêvích? Đó là cả một câu chuyện dài.

Thời kỳ cách mạng tháng 2, “Rạng Đông” đang bỏ neo cạnh một nhà máy ở Pêtrôgrát để sửa chữa. Lúc đó, công nhân nhà máy này cũng bãi công để chống lại Sa hoàng. Một hôm, có 3 người bị bắt bị áp giải lên chiến hạm, những người lính thuỷ trên tàu phẫn nộ về việc này.

Trước đây, anh lái tàu Blêsốp đã có tiếp xúc với Đảng Bônsêvích.

Sau khi bàn bạc với mấy người lái tàu khác, anh quyết định cứu ba người bị bắt này. Theo kế hoạch, đúng 9 giờ tối, khi toàn thể nhân viên trên tàu tập trung trên boong cầu kinh buổi tối, công nhân điện sẽ ngắt công tắc điện, mấy người bọn họ lợi dụng bóng tối đi cứu những người bị bắt.

Không ngờ, nửa giờ trước khi cầu nguyện bọn sĩ quan đã bao vây tất cả những nơi có người ở, sau đó một tốp hộ vệ dẫn 3 người bị bắt đi về phía cầu thang bên mạn tàu để lên bờ. Thấy tình thế khẩn cấp, họ liền chạy theo rồi xông vào cứu người. Viên sĩ quan đi bên cạnh hạm trưởng lập tức nổ súng, làm bị thương mấy người. Chắc hạm trưởng thấy thanh thế khởi nghĩa trong thành phố rất lớn, không dám trừng phạt họ ngay, hôm sau chỉ ra lệnh bắt toàn thể nhân viên cọ rửa tàu.

Chỉ trong ngày hôm đó, Pêtrôgrát có hơn sáu vạn binh lính ngả về phía những người khởi nghĩa, tình hình thủ đô đã có sự thay đổi cơ bản. Một đám đông binh lính và công nhân ùa vào nhà máy này: Blêsốp thừa cơ dẫn anh em lính thuỷ nhảy lên cầu tàu, cướp súng bắt hạm trưởng.

Sau khi thành lập, Chính phủ lâm thời cử một thượng uý làm hạm trưởng chiến hạm, và mật lệnh cho viên sĩ quan này chờ khi tàu chữa xong, lập tức cho ra khơi thử tàu để đề phòng thuỷ binh khởi nghĩa. Thời gian đó Blêsốp đã gia nhập Đảng Bônsêvích, sau lại được bầu làm Chủ tịch hội đồng quân hạm “Rạng Đông”- Thế là quyền lãnh đạo chiến hạm trên thực tế đã nằm trong tay những người Bônsêvích.

Ngày 5 tháng 11 (ngày 23 tháng 10 lịch Nga) tức là hai ngày trước khi thủ đô võ trang khởi nghĩa, Blêsốp theo lệnh đến Điện Smônưi, nơi Bộ chỉ huy khởi nghĩa đóng. Svéclốp hỏi Blêsốp cặn kẽ về tình hình trên chiến hạm, đặc biệt là tinh thần của thuỷ quân. Cuối cùng ông nói:

- Uỷ ban quân sự cách mạng giao cho tôi cử chính uỷ chiến hạm “Rạng Đông”. Tôi cho rằng anh, đồng chí Blêsốp, là người thích hợp nhất.

Blêsốp trả lời ngắn gọn:

- Quyết định của Đảng là mệnh lệnh đối với tôi. Tôi hoàn toàn phục tùng!

Svéclốp lập tức điền vào giấy ủy nhiệm làm chính uỷ rồi đưa cho Blêsốp.

Trưa hôm sau, tin tức từ thành phố truyền tới: kẻ địch đã ra tay trước, cho những học sinh sĩ quan đi đóng cửa cơ quan báo của Trung ương Đảng Bônsêvích. Điện Smônnưi đã cho xe thiết giáp đi giải tán, khởi nghĩa thực tế đã bắt đầu. Thủy quân reo hò ầm ĩ, đòi vào thành phố tham gia khởi nghĩa.

Blêsốp vội vàng tập hợp toàn thể nhân viên trên chiến hạm, ngăn việc họ vào thành phố, kêu gọi mọi người phục tùng kỷ luật cách mạng, đồng thời công bố mệnh lệnh của Uỷ ban quân sự cách mạng, yêu cầu mọi người làm tốt việc chuẩn bị trước khi chiến đấu.

Vừa lúc ấy, bỗng nhiên hạm trưởng bước lên boong tàu, nói với Blêsốp:

- Chiến hạm của tôi chỉ nghe theo lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu, tuyệt đối không cho phép chấp hành mệnh lệnh của các tổ chức khác.

Blêsốp cười nhạt, đưa giấy uỷ nhiệm của Uỷ ban quân sự cách mạng cho hạm trưởng.

Xem xong, hạm trưởng kêu lên:

- Chính uỷ gì? Trên quân hạm, không bố trí người ngoài cuộc!

Blêsốp nghiêm sắc mặt:

- Tôi, chính tôi là chính uỷ, đây là giấy uỷ nhiệm của tôi. Tôi cảnh cáo ông, thưa ông hạm trưởng, mọi mệnh lệnh của ông nếu chưa được sự đồng ý của tôi đều không có giá trị. Chiến hạm phải làm tốt việc chuẩn bị trước khi chiến đấu!

Nhìn sắc mặt của Blêsốp, lại nhìn vẻ mặt của các thuỷ quân tỏ ra coi thường mình, hạm trưởng đành cùng với mấy sĩ quan ngượng ngùng đi về khoang.

Khoảng nửa đêm, khi “Rạng Đông” đã hoàn thành việc chuẩn bị chiến đấu, thì điện Smônnưi gửi đến một mệnh lệnh: lập tức cho tàu chạy về cầu Nicôlai, khôi phục lại giao thông ở đó. Thì ra kẻ địch đã kéo chiếc cầu lớn này lên, mấy nghìn đội viên xích vệ và binh lính bị kẹt ở bờ bắc, không sang bao vây Cung điện Mùa Đông được.

Blêsốp ra lệnh thêm lửa gia nhiệt cho máy, sau đó đến khoang hạm trưởng nói với ông ta:

- Uỷ ban quân sự cách mạng lệnh cho chiến hạm “Rạng Đông” phải lập tức tới cầu Nicôlai.

Nét mặt hạm trưởng lộ vẻ kinh ngạc. Mãi một lúc sau ông ta mới rầu rĩ nói:

- Từ khi chiến tranh bắt đầu cho đến bây giờ, đoạn sông Nêva này chưa bao giờ được nạo vét, chiến hạm rất có thể bị mắc cạn. Nếu xảy ra chuyện gì tôi không gánh nổi trách nhiệm.

Blêsốp thấy hạm trưởng thoái thác liền quay về phòng họp sĩ quan, bảo với các sĩ quan rằng quân hạm phải lập tức nhổ neo. Nhưng không một sĩ quan nào trả lời.

Blêsốp bước nhanh ra cửa, rồi ngoái đầu lại nói một cách gay gắt với các sĩ quan:

- Các ông, không một ai được lên trên boong!

Nói xong, ông chỉ thị cho anh em thuỷ quân canh gác phòng họp, lấy nắp sắt đậy chặt cửa sổ mạn tàu để bọn họ khỏi lên tàu gây rối.

Vấn đề hoa tiêu không khó giải quyết song luồng lạch thì cần phải kiểm tra lại. Nhưng đêm tối mịt mùng như thế này làm sao kiểm tra đây?

Người lái chính xung phong nhận nhiệm vụ dò luồng bằng dụng cụ đo độ sâu thủ công. Ông thắt thêm chiếc dây lưng bên ngoài tấm áo choàng dạ, súng lục giắt ngang lưng, đèn pin đeo trước ngực, rồi xuống một chiếc thuyền con, chèo vào trong bóng tối của đêm đen.

Tiếng rưỡi sau, người lái chính quay về. Ông đưa bản sơ đồ cho Blêsốp, giọng phấn khởi:

- Chiến hạm hoàn toàn có thể vào được!

Blêsốp cầm sơ đồ đi tìm hạm trưởng, lần này ông ta vẫn từ chối ra lệnh cho khởi động tàu. Blêsốp quyết định cùng với người lái chính và các anh em khác chỉ huy chiến hạm lên đường.

3 giờ rưỡi sáng, tàu vào đến cầu Nicôlai. Chiếu đèn pha thì quả nhiên thấy cây cầu đã bị cất lên cao. Đám học sinh sĩ quan canh giữ chiếc cầu nghe trên quân hạm có tiếng kêu gọi binh lính ra hàng, vội vàng đánh bài chuồn. Công nhân điện trên tàu điều khiển bộ phận hạ cầu, mặt cầu lại được nối liền. Mấy nghìn đội viên xích vệ và binh lính vừa hoan hô vừa chạy lên mặt cầu lao về phía Cung điện Mùa Đông.

Ngày 7 tháng 11 (25 tháng Mười Nga), những người khởi nghĩa đã chiếm được các khu vực và đơn vị có ý nghĩa quyết định ở thủ đô. Khoảng 11 giờ, một liên lạc viên phóng mô tô đến chỗ chiến hạm đậu.

Anh lính thông tin hổn hển chạy lên cầu tàu nói với Blêsốp:

- Nhanh lên đồng chí chính uỷ Đồng chí Lênin yêu cầu đài vô tuyến trên tàu đồng chí phát thanh ngay. . .

Blêsốp nhận giấy xem, thấy trên giấy viết: “Thư gửi các công dân Nga”, nội dung: Chính phủ lâm thời đã bị lật đổ. Chính quyền Nhà nước đã chuyển vào tay Uỷ ban quân sự cách mạng, cơ quan của Xô Viết Pêtrôgrát.

Văn kiện lịch sử này lập tức được đài vô tuyến của chiến hạm “Rạng Đông” phát đi toàn thế giới.

Gần tối, nghe có tiếng súng máy và súng trường nổ ở Cung điện Mùa đông, nhưng chỉ một lát rồi im bặt.

Bỗng nhiên, một chiếc xuồng nhỏ chèo về phía chiến hạm “Rạng đông”. Người lính thông tin của Uỷ ban quân sự cách mạng lại đưa đến một mệnh lệnh: Đã gửi tối hậu thư cho các thành viên Chính phủ lâm thời đang chiếm cứ Cung điện Mùa Đông, nếu họ không chịu đầu hàng, cứ điểm Pêtécbua sẽ phát ánh đèn màu đỏ, đó là tín hiệu yêu cầu chiến hạm Rạng đông nổ súng báo cho các đạo quân biết cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông bắt đầu.

Blêsốp lập tức hạ lệnh cho các pháo thủ làm tốt mọi việc chuẩn bị, theo dõi chặt chẽ khoảng không trên cứ điểm Pêtécbua.

Thời gian trôi đi như quá chậm, Blêsốp chốc lại nhìn đồng hồ chốc lại nhìn bầu trời Pêtrôgrát. 8 giờ, 9 giờ, rồi 9 rưỡi vẫn chưa thấy xuất hiện ánh lửa đỏ trong đêm.

“Có ánh lửa, có ánh lửa!”- Nhiều người trên chiến hạm reo lên.

Blêsốp nhìn đồng hồ: 9 giờ 40 phút. Ông dõng dọc ra lệnh:

- Pháo mũi tàu, chuẩn bị. . .

Các pháo thủ đẩy đạn lên nòng.

Blêsốp không chút chần chừ, cánh táy dơ cao chém xuống, giọng uy nghiêm:

- Bắn!

“Oàng!”, một khối lửa cháy rừng rực lao vút lên bầu trời, khẩu đại pháo gầm lên một tiếng làm rung chuyển cả thân con tàu đồ sộ.

Tiếng đại bác trên chiến hạm “Rạng đông” làm rung chuyển cả Pêtrôgrát, rung chuyển cả nước Nga, rung chuyển toàn thế giới.

Cùng với tiếng nổ dữ dội phát ra từ nòng đại bác trên chiến hạm “Rạng đông”, cuộc chiến đấu oanh liệt tấn công Cung điện Mùa Đông bắt đầu!


ĐÁNH CHIẾM CUNG ĐIỆN MÙA ĐÔNG

Cung điện Mùa Đông, tượng trưng của nền thống trị chuyên chế Sa hoàng nhiều đời, nằm bên bờ sông Nêva giữa trung tâm thành phố Pêtrôrát, là một công trình kiến trúc dài 200 mét, rộng 160 mét, cao 20 mét.

Cung điện Mùa Đông là một tòa cung điện nguy nga hùng vĩ. Trước cửa là 117 bậc thềm đá vân thạch, trong cung có 1050 đại sảnh và phòng với 1786 cửa và 170 cầu thang gác. Khắp nơi bày biện những bức tranh, bức tượng, những vũ khí cổ xưa hiếm thấy, những tấm thảm, những tấm dạ hoa và những đồ châu báu rất quí giá và xa hoa, vô số những đồ sứ, các loại đồng hồ, những bộ đồ ăn bằng bạc tinh xảo tuyệt đẹp.

Sau cách mạng tháng 2, Sa hoàng vĩnh viễn bị đuổi khỏi Cung điện Mùa Đông. Nhưng sau Sự biến tháng 7, một “Sa hoàng” khác Chính phủ lâm thời dọn vào đây. Phòng làm việc của Sa hoàng trước kia, bây giờ thành phòng làm việc của Kêrenski.

Đánh chiếm Cung điện Mùa Đông là một cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ, khó khăn. Cung điện, tây bắc sát sông Nêva, đông nam là một con kênh đào, tấn công vào từ hai mặt này rất khó. Trước mặt cung điện là một quảng trường rất rộng, ngoài bia kỷ niệm là một chiếc cột tròn trơ trọi ra, không có bất cứ một vật nào để ẩn nấp. Từ sáng sớm ngày 7 tháng 11, học sinh sĩ quan đã lấy hàng đống gỗ xếp thành những chướng ngại vật trên đường phố, bít toàn bộ lối ra vào Cung điện. Súng máy của địch bố trí sau các vật chướng ngại. Quân đội khởi nghĩa qua lối quảng trường sẽ nằm gọn trong lưới hỏa lực của chúng.

Bảo vệ Cung điện Mùa Đông có hơn 2000 người. Các thành viên của Chính phủ lâm thời trong Cung điện Mùa Đông cứ nghĩ rằng tường Cung điện vừa cao vừa dày, hết sức kiên cố, vũ khí đạn dược lại dự trữ được rất nhiều, họ có thể cố thủ chờ viện, cho nên đã từ chối không trả lời tối hậu thư của quân khởi nghĩa.

Chỉ có Kêrenski xảo quyệt biết là ngày diệt vong đã sắp đến, cho nên trước khi quân khởi nghĩa bao vây Cung điện, đã kiếm cớ phải đi đón viện binh, lên ô tô của Đại sứ quán Mỹ trốn khỏi Cung điện Mùa Đông.

Lênin ra lệnh cho nhóm Antônốp những người lãnh đạo quân khởi nghĩa bao vây Cung điện Mùa Đông: Trong đêm nay, phải chiếm được Cung điện Mùa Đông, bắt toàn bộ thành viên của Chính phủ lâm thời!

Sau tiếng pháo lệnh của chiến hạm “Rạng đông”, đại bác của pháo đài Pitơ Pan gầm vang. Đạn đại bác như những quả cầu lửa lao xuống Cung điện Mùa Đông.

Cả tòa Cung điện đồ sộ rung chuyển. Trong khoảnh khắc, đèn đuốc trong Cung hầu như tắt ngấm.

Antônốp, người lãnh đạo quân khởi nghĩa, đích thân dẫn đầu các chiến sĩ xông vào quảng trường, lao tới chướng ngại vật trên đường trước cửa Cung điện.

Các học sinh sĩ quan nấp sau các chướng ngại vật nổ súng liên tục, song tiếng đại bác ầm ầm và sự dũng cảm xung phong của các chiến sĩ khởi nghĩa làm cho bọn họ mất hết ý chí ngoan cố chống cự. Thấy những người khởi nghĩa xông tới trước các chiến luỹ, họ lũ lượt quăng súng, giơ tay xin hàng. Các chiến sĩ vượt qua các chướng ngại vật, lao như bay về phía trước. Trước cửa Cung điện là một khoảng trống, trấn giữ ở đó là một chiếc xe thiết giáp.

“Tằng tằng tằng tằng”, tháp pháo của xe thiết giáp xoay chuyển tứ phía, những khẩu súng máy liên tục nhả đạn.

Các chiến sĩ vội vàng nằm xuống, dùng súng máy và súng trường bắn trả. Nhưng đạn không xuyên qua được thép tấm, xe thiết giáp tiếp tục phun lửa.

Mọi người chưa biết phải đối phó lại như thế nào. Cuộc tiến công bị chặn đứng.

Bỗng nhiên, một anh lính thủy buộc mấy quả lựu đạn lại rồi bò về phía chiếc xe.

Cách xe chỉ còn 5, 6 mét nữa, cánh tay phải của anh bị trúng đạn, thõng xuống.

Các chiến sĩ hồi hộp theo dõi, thấy anh đang cố nén đau đớn rồi đột nhiên lăn đến cạnh xe rút ngòi nổ dùng tay trái nhét bó lựu đạn xuống dưới xe, đoạn nhào ra bên cạnh xe.

“Oàng!” một tiếng nổ, dữ dội từ chiếc xe vọt lên một cụm lửa. Tiếng súng máy và tiếng động cơ dừng bặt.

“Xông lên!”Các chiến sĩ hô vang, nhảy vọt lên, băng qua khoảng sân trống, lao nhanh đến bậc thềm đá vân thạch trước cửa cung điện.

Chắn ngay trước mặt họ là một cái cửa đồ sộ bằng đồng đóng chặt.

Mấy chục chiến sĩ cùng lúc bám các thanh đồng leo lên. Lát sau, chiếc cửa đồng nặng nề từ từ mở ra. Cả ngàn chiến sĩ vừa gào thét vừa ùa vào Cung điện Mùa Đông mà trước nay họ chưa bao giờ đặt chân đến.

Antônốp chỉ huy mọi người sục sạo khắp nơi.

Cung điện Mùa Đông quá lớn. Đám học sinh sĩ quan, đứa thì nấp sau lan can cầu thang tối om, đứa thì nấp sau các cột to, các bức tượng để bắn trả. Mỗi đại sảnh, mỗi căn phòng, mỗi hành lang, mỗi cầu thang đều biến thành chiến trường.

Sau một hồi quần nhau quyết liệt, địch ở tầng 1 và tầng 2 đã giải quyết xong. Antônốp dẫn một tốp xông thẳng lên tầng 3. Lúc này mọi người chỉ có một ý nghĩ: Bắt cho được Kêrenski và các bộ trưởng của Chính phủ phủ lâm thời.

Địch ở tầng 3 rất ít. Các chiến sĩ giải quyết rất nhanh.

Antônốp tay giơ cao súng lục, chân đạp tung từng cánh cửa, sục sạo tìm các thành viên Chính phủ lâm thời.

Ông sộc vào một căn phòng to, phát hiện trong đó có mấy bóng người, liền xông đến nhanh như tên bắn.

Mấy học sinh sĩ quan định nổ súng, Antônốp thét lên:

- Nộp súng đầu hàng!

- Nộp súng đầu hàng! - Các chiến sĩ theo sát Antônốp cùng quát theo.

Lũ học sinh sĩ quan sợ quá, quăng ngay súng xuống đất, lơ láo ngoái nhìn phía sau, rồi lùi dần từng bước.

Antônốp phát hiện sau lưng chúng là một cánh cửa, liền đẩy chúng ra, túm ngay lấy núm cửa.

Cửa bật mở, Antônốp và các chiến sĩ sộc vào.

Bên trong là một đám người ăn mặc sang trọng, mặt tái mét.

- Giơ tay lên! - Antônốp quát to - Nhân danh Uỷ ban quân sự cách mạng, tôi tuyến bố. Các ông đã bị bắt!

Những người này chính là phó Thủ tướng và các bộ trưởng của Chính phủ lâm thời. Ngoài Kêrenski, không thiếu một ai.

Phát hiện ra Kêrenski đã chạy trốn, mọi người giận dữ:

- Kêrenski trốn ở đâu? Nói mau! Nói mau!

- Giết phăng lũ khốn kiếp này đi, kẻo chúng lại chạy trốn!

- Đúng, mang bắn hết chúng đi!

Antônốp yêu cầu mọi người phục tùng mệnh lệnh, chấp hành kỷ luật, không được manh động. Ông lấy ra một tờ giấy viết mấy dòng, đưa cho anh lính truyền lệnh, nói:

Mang ngay đến điện Smônnưi, trực tiếp đưa cho đồng chí Lênin

Tin vui chiếm được Cung điện Mùa Đông truyền đến Điện Smônnưi. Lúc ấy đã là hơn 2 giờ sáng ngày 8 tháng 11 (26 tháng 10 lịch Nga) Lênin đã 2 đêm 1 ngày chưa chợp mắt. Nhận được báo cáo đã đánh chiếm được Cung điện Mùa đông, ông vẫn chưa được nghỉ. Ông tiếp tục làm việc cho tới rạng sáng để soạn thảo 2 văn kiện cực kỳ quan trọng.

9 giờ tối hôm ấy, Lênin tới dự hội nghị lần thứ 2 của Đại hội đại biểu Xô Viết.

Các đại biểu vỗ tay và hoan hô như sấm dậy để chào đón Lênin.

Câu đầu tiên Lênin nói: “Bây giờ là lúc chúng ta bắt tay xây dựng trật tự xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội thông qua “Sắc lệnh hòa bình” do Lênin khởi thảo, nêu ra việc kết thúc cuốc chiến tranh đế quốc.

Tiếp theo, Đại hội thông qua “Sắc lệnh ruộng đất”, cũng do Lênin đưa ra. Theo sắc lệnh này, chế độ sở hữu ruộng đất của địa chủ bị xoá bỏ; tất cả ruộng đất đều giao cho đông đảo nông dân lao động sử dụng mà không phải bồi thường.

Cuối cùng, Đại hội thành lập ra Chính phủ Xô viết với tên gọi Hội đồng dân uỷ. Lênin được bầu làm Chủ tịch Hội đồng. Stalin, Antônốp v.v. . . được bầu làm uỷ viên Hội đồng.

Như vậy là, Đại hội đã trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới:

- Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười đã thắng lợi!

Chính phủ công nông đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã ra đời!

THANH TOÁN TỔNG HÀNH DINH

Tuy khởi nghĩa vũ trang ở Pêtrôgrát đã giành được thắng lợi, nhưng Tổng hành dinh tức Bộ Tổng tư lệnh tối cao của quân Nga) đặt tại mặt trận Môgiliép vẫn nằm trong tay bạch vệ.

Thủ tướng Chính phủ lâm thời kiêm Tổng tư lệnh quân Nga Kêrenski sau khi lên ô tô Đại sứ quán Mỹ chạy trốn khỏi Cung điện Mùa Đông, đã tập hợp một số đơn vị quân đội định quay trở lại, song vì những hoạt động nổi loạn phối hợp với ông ta từ trong đánh ra của số học sinh sĩ quan thủ đô nhanh chóng bị dập tắt, khiến hy vọng quay về Pêtrôgrát của Kêrenski hoàn toàn tan vỡ.

Trên đường chạy trốn lần này, tay chân của Kêrenski định bắt giữ ông ta. Sợ quá vị Tổng tư lệnh tối cao phải cải trang trong một bộ váy áo phụ nữ để thoát thân. Kêrenski muốn chạy về Tổng hành dinh, nhưng việc này cũng không làm được, đành chỉ định người khác thay ông ta làm Tổng tư lệnh tối cao.

Thế là Đôkhunin lên kế nhiệm chức Tổng tư lệnh tối cao quân Nga tại Tổng hành dinh.

Đôkhunin nhờ vào chiến tranh mà thăng quan tiến chức vùn vụt. Năm 1914, khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bắt đầu, ông ta mới chỉ là một trung đoàn trưởng. Nhưng vì có tài nịnh nọt ton hót nên chỉ ít lâu sau đã được cử phụ trách quân nhu mặt trận Tây nam của quân Nga. Hai tháng trước, Đôkhunin được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Bộ Tổng tư lệnh tối cao.

Đôkhunin là người kiên quyết chủ trương tiến hành đến cùng cuộc chiến tranh đế quốc, cho nên được Kêrenski và các nước trong không Hiệp ước rất tin tưởng. Giờ đây, ông ta là người tiếp tục thực hiện ý đồ ấy.

Hội đồng dân uỷ mới được thành lập đánh điện chỉ thị cho ông ta kiến nghị với Bộ chỉ huy quân Đức, hai bên sẽ đình chỉ lập tức các hành động quân sự, tiến hành đàm phán hòa bình.

Đôkhunin xảo quyệt đã hoàn toàn không đếm xỉa gì đến chỉ thị này. Ông ta biết rõ, không Quốc hội nào trong các nước khối Hiệp ước thừa nhận chính quyền Xô viết, các quan chức ngoại giao của họ đều đã đến Môgiliép coi Tổng hành dinh là cơ quan chính quyền duy nhất hiện nay của nước Nga. Theo Đôkhunin, cái Chính quyền Xô viết này không quá hai tháng sẽ sụp đổ. Có điều, bây giờ ông ta không đủ sức tấn công lại chính quyền Xô viết, quân đội ở Môgiliép hiện chỉ có chưa đến một vạn người, cần phải có thời gian điều động quân đội mới có thể công khai chống lại Chính quyền mới. Cho nên Đôkhunin áp dụng đối sách mà ông ta cho là thông minh không đả động gì đến chỉ thị của Hội đồng dân uỷ.

Hội đồng dân uỷ cũng đã định ra phương châm đối phó với Tổng hành dinh.

3 giờ sáng, Lênin, Stalin và Uỷ viên quân sự Crưlencô tới phòng vô tuyến của Bộ Tổng tham mưu.

Lênin bảo điện báo viên đánh điện cho Tổng hành dinh, yêu cầu Đôkhunin trực tiếp nhận chỉ thị của Hội đồng dân uỷ.

Máy điện thoại báo hoạt động. Điện báo viên mắt chăm chú nhận băng giấy thu tín hiệu, mồm dịch:

“Tướng Đôkhunin, quyền Tổng tư lệnh tối cao đang ngủ. Tổng hành dinh đã nhận được một bức điện báo, tướng Đôkhunin yêu cầu có những bảo đảm cần thiết chứng tỏ tính chân chực của bức điện báo này.

Như vậy rõ ràng là đối phương phủ nhận giá trị quyền uy của chỉ thị của Hội đồng dân uỷ. Nghe xong Lênin nắm tay lại làm một động tác kiên quyết, đọc cho điện báo viên:

“Chúng tôi tuyên bố rõ, tướng Đôkhunin phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc kéo dài đàm phán hòa bình, một công việc vô cùng hệ trọng đối với quốc gia. Nếu vì việc kéo dài mà gây ra mất mùa, đói kém, tan rã và thất bại hoặc gây ra bạo loạn vô Chính phủ. Tổng hành dinh phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chúng tôi sẽ thông báo cho tất cả binh sĩ biết về điều này”.

Đối phương điện trả lời! “Điều này, chúng tôi nhất định sẽ báo cáo với tướng Đôkhunin”

Lênin ngả người về phía trước, nói tiếp:

“Bao giờ báo cáo? Bây giờ phải không? Chúng tôi chờ ở đây”.

Đối phương điện trả lời: “Tôi đi đánh thức tướng quân ngay”

Trong khi chờ đợi, Lênin đi đi lại lại mấy vòng trong gian phòng vô tuyến chật hẹp. Đột nhiên, ông dừng lại hỏi Stalin và Crưlencô với giọng trưng cầu ý kiến:

- Nếu ông ta cự tuyệt thi hành, ta sẽ kiên quyết chấp hành quyết định của Trung ương?

Stalin và Crưlencô gật đầu.

Yên lặng được một lát, băng giấy trên máy điện báo lại di động. Điện báo viên đọc: “Tôi là tướng Đôkhunin, quyền Tổng tư lệnh tối cao”

Lênin nói ngay:

- Xin nói để ông biết, chúng tôi là những Uỷ viên nhân dân của Chính phủ mới đang chờ ông phúc đáp chỉ thị.

Đối phương trả lời:

“Tôi muốn biết tình hình thực tế sau đây: Sau khi Hội đồng dân uỷ gửi Sắc lệnh hòa bình cho các nước tham chiến, đã nhận được trả lời chưa? Có phải định tiến hành đơn phương đàm phán đình chiến không? Đàm phán với ai? Chỉ đàm phán với Đức hay cũng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, hay đàm phán đình chiến toàn diện”

Lênin tức giận nói:

- Trong điện gửi cho ông đã nói rất rõ ràng, lập tức bắt đầu tiến hành đàm phán đình chiến với tất cả các nước tham chiến. Chúng tôi tuyệt đối không cho phép nêu ra trước bất cứ vấn đề gì để kéo dài công việc hệ trọng này của quốc gia. Chúng tôi kiên quyết yêu cầu ông lập tức cử đại diện quân sự đi đàm phán và mỗi giờ báo cáo với chúng tôi một lần về tiến trình đàm phán”.

Điện báo viên đọc điện trả lời của đối phương: “Tôi không thể dùng danh nghĩa của các ông để đi đàm phán. Chỉ có chính quyền trung ương được quân đội và toàn quốc ủng hộ mới có uy tín và ý nghĩa đối với kẻ địch, mới có thể khiến đàm phán có giá trị cần thiết, mới có thể làm cho đàm phán thu được kết quả”

Nghe xong, Lênin nắm chặt tay lại giọng phẫn nộ:

“Ông từ chối chấp hành mệnh lệnh của chúng tôi?”

Đối phương điện trả lời ngay: “Tôi đã trả lời rõ ràng rồi. Tôi nói lại một lần nữa, chỉ có Chính phủ trung ương mới có thể đem lại cho nước Nga một hòa ước mà nó cần”.

Sự việc đã hết sức rõ ràng, Đôkhunin hoàn toàn không thừa nhận hội đồng dân uỷ là Chính phủ hợp pháp!

Lênin nhìn về phía Stalin và Crưlencô với ánh mắt nghiêm nghị. Stalin nói ngay:

- Nói cho ông ta biết quyết định đi:

Lênin suy nghĩ một thoáng, rồi đọc cho điện báo viên:

“Vì ông không chấp hành mệnh lệnh của Chính phủ, chúng tôi được sự uỷ nhiệm của Hội đồng dân uỷ, nhân danh Chính phủ nước Cộng hoà Nga, bãi miễn chức vụ ông đang đảm nhiệm. Chúng tôi ra lệnh cho ông, trước khi Tổng tư lệnh tối cao mới hoặc người đại diện toàn quyền của ông ấy đến Tổng hành dinh tiếp quản công việc của ông, ông phải tiếp tục tiến hành công việc, nếu không sẽ bị xử theo quân pháp. Ông Crưlencô sẽ nhận nhiệm vụ Tổng Tư lệnh tối cao”.

Cuộc “chiến đấu” đặc biệt tiến hành qua máy thu phát điện báo chỉ mới kết thúc một giai đoạn. Lênin nhẹ nhõm vươn vai giụi giụi cặp mắt vằn những tia máu đỏ.

Stalin:

- Cần thông báo cho toàn thể binh sĩ biết tình hình cuộc đàm phán với ông ta.

Lênin:

- Đúng, phải như vậy, hơn nữa phải thông qua vô tuyến thông báo cho toàn thể binh sĩ biết, để các trung đoàn ở trận địa tiền duyên trực tiếp tiến hành đàm phán đình chiến với địch!

Crưlencô:

- Tôi lập tức đưa người đi thanh toán Tổng hành dinh.

Lênin gật gật đầu:

- Đúng, phải tiến hành ngay. - Ông nói tiếp với giọng nghiêm chỉnh - Đồng chí Crưlencô, tướng lĩnh nào dám không thừa nhận đồng chí là Tổng tư lệnh tối cao thì cách chức ngay!

Ngày 23 tháng 11, đoàn tàu riêng của Tổng tư lệnh tối cao mới Crưlencô rời Pêtrôgrát chạy về phía Môgiliép. Đi theo ông có hai đội bộ binh và một đội lính thủy.

Khi đoàn tầu đến Pốtscốp, Crưlencô dùng điện thoại lệnh cho Tư lệnh mặt trận phía Bắc đến gặp ông. Viên Tổng tư lệnh này từ chối. Ông gửi lệnh bằng văn bản, ông ta vẫn thoái thác không đến. Crưlencô kiên quyết ra lệnh cách chức ông ta.

Sau đó Crưlencô lại gặp một trường hợp nghiêm trọng hơn: Tư lệnh tập đoàn quân thứ 5 không những từ chối gặp Crưlencô mà còn đánh điện mật cho Đôkhunin ở Tổng hành dinh. Crưlencô đã cho bắt ông ta ngay.

Đôkhunin được tin Crưlencô sắp đến nhận chức vụ thay mình vội vàng tập hợp quân lính bảo vệ Tổng hành dinh. Nhưng số quân huy động được ít đến thảm hại, hơn nữa lại không đáng tin cậy.

Điều khiến cho Đôkhunin sửng sốt hơn là các Xô viết đại biểu binh sĩ ở đây đều đã bị những người Bônsêvích nắm. Nó đã được tổ chức thành Uỷ ban quân sự cách mạng, bắt đầu giám sát và đôn đốc mọi hoạt động trong Tổng hành dinh. Đôkhunin muốn ra khỏi cổng cũng không ra được, thậm chí bị cả cần vụ của mình theo dõi, giám sát.

Sau đó mấy ngày, đại diện của Uỷ ban quân sự cách mạng tới phòng làm việc của Đôkhunin, tuyên bố bãi miễn chức vụ ông ta và đem đi giam lỏng.

Rạng sáng hôm sau, Crưlencô tới Môgiliép. Các binh sĩ đi cùng với ông đầu đội mũ da lông, mặc quân phục màu đen, vai khoác súng, hùng dũng tiến vào Tổng hành dinh. Đại diện binh sĩ trong Tổng hành dinh mang Đôkhunin giao nộp cho Crưlencô. Crưlencô ra lệnh áp giải ông ta ra tầu.

Tin Đôkhunin bị giải đi lan truyền rất nhanh. Binh sĩ trong Tổng hành dinh chạy ùa ra sân ga, vây lấy toa xe có Đôkhunin la hét:

- Đánh chết thằng cha chống lại chính quyền xô viết này đi!

Bắn nó đi! Xử tử nó ngay ở đây đi!

Crưlencô phải cam đoan với mọi người, rằng chính quyền Xô viết nhất định sẽ căn cứ vào tội lỗi của y mà trừng trị, lúc đó mới làm cho mọi người dần dần trật tự trở lại. Nhưng nhiều người vẫn còn nấp sau ga không chịu rời đi.

Đúng lúc ấy, Đôkhunin đột nhiên xuất hiện ở cửa sổ toa xe, hình như muốn biện bạch điều gì. Ngờ đâu nhìn thấy mặt y, binh sĩ lại nổi giận. Họ phẫn nộ ùa lên toa xe, lôi Đôkhunin xuống rồi xúm vào đánh.

Crưlencô và các binh sĩ đi áp giải cố sức can ngăn nhưng chẳng ăn thua gì. Chỉ lát sau, Đôkhunin đã bị đánh chết.

Tổng hành dinh đã bị thanh toán. Bộ máy quân sự quan trọng nhất của Chính phủ lâm thời không còn tồn tại nữa.

Hòn đá cản đường đã bị hất sang một bên, đoàn đại biểu của Chính phủ Xô viết và Chính phủ Đức bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán đình chiến.

HOÀ ƯỚC BRÉTI - LITỐP

Tiếng súng đại bác trên chiến hạm “Rạng đông” vừa dứt, Đại hội đại biểu Xô viết đã thông qua “Sắc lệnh hoà bình” do Lênin đưa ra, đề nghị các nước tham gia Đại chiến thế giới lần thứ 1 lập tức thực hiện một nền hòa bình không cắt đất, không bồi thường.

Anh, Pháp và các nước trong khối Hiệp ước kiên quyết cự tuyệt đề nghị hòa bình này. Họ muốn lôi kéo nước Nga tiếp tục chiến tranh. Làm như vậy, vừa có thể dùng nước Nga kiềm chế một bộ phận quân Đức ở phía Đông, lại có thể làm cho chính quyền Xô viết mới ra đời bị huỷ diệt trong chiến tranh với Đức.

Trong tình hình đó, Lênin và Đảng Bônsêvích quyết định lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước đế quốc tiến hành đàm phán hòa bình riêng với Đức.

Đức lại đồng ý đàm phán hoà bình mục đích của Đức là, một mặt có thể thoát khỏi tình thế phải tác chiến trên hai mặt trận, tập trung binh lực để đối phó với các nước Anh, Pháp, mặt khác có thể buộc chính quyền Xô viết phải chấp nhận một hòa ước nhục nhã và do đó Đức kiếm được lợi.

Phía Đức đưa ra những điều kiện gì?

Điều kiện rất khắc nghiệt. Nga phải cắt nhượng 15 vạn km2 lãnh thổ, thêm vào đó là khoản bồi thường 3 tỷ rúp.

Ký vào một hòa ước như vậy tất nhiên là vô cùng nhục nhã.

Nhưng Lênin chủ trương ký!

Đã khắc nghiệt lại nhục nhã, vậy tại sao Lênin lại chủ trương ký?

Theo nhận định của Lênin, qua hơn ba năm chiến tranh đế quốc, nền kinh tế quốc dân của Nga đã bị phá hoại nghiêm trọng, đông đảo quần chúng tha thiết mong muốn hoà bình; vả lại, trong tình thế lương thực vô cùng thiếu thốn, binh sĩ mệt mỏi không thể chịu đựng được nữa, trang bị quân sự lại rất kém, nhất thời không có cách gì đẩy lùi được cuộc tấn công của quân Đức. Nếu cứ tiếp tục đánh, chính quyền Xô viết mới ra đời rất có thể sẽ bị tiêu diệt. Để chính quyền mới có thời gian khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân, xây dựng một quân đội mới, phải tạm thời lùi bước. Cho nên, dù kẻ địch đưa ra những điều kiện nghiệt ngã như vậy cũng phải chấp nhận.

Nhưng đại đa số uỷ viên Trung ương Đảng phản đối chủ trương của Lênin, không đồng ý ký một hòa ước như vậy.

Người thay mặt Chính phủ Xô viết đàm phán với Đức là Uỷ viên nhân dân Ngoại giao Tơrốtsky. Lênin đã chỉ thị trước cho ông, nếu phía Đức đưa ra tối hậu thư thì nên ký hòa ước. Vậy ông ta đã làm như thế nào?

Ngày thứ hai sau khi phía Đức đưa ra tối hậu thư, Tơrốtsky tuyên bố với Đức: Chính phủ Xô viết quyết định rút ra khỏi chiến tranh, tiếp tục cho quân đội phục viên, nhưng không ký hòa ước! Tuyên bố xong, ông liền dẫn các thành viên của đoàn đại biểu quay về thủ đô.

Như vậy có khác gì là báo cho phía Đức biết phía Nga từ chối ký hòa ước.

Chính phủ Đức thẹn quá hóa khùng, tuyên bố ngay: Tám ngày nữa, sẽ khôi phục hành động quân sự đối với Chính phủ Xô viết.

Trong 8 ngày ấy, Lênin lo lắng biết bao! Ông tìm cách thuyết phục các vị uỷ viên Trung ương phản đối việc ký hòa ước, nói cho họ biết rằng xét bản chất của chủ nghĩa đế quốc Đức và các triệu chứng trước mắt thì việc Chính phủ Đức khôi phục các hành động quân sự không phải chỉ là nói miệng. Một khi họ khai chiến lại tình thế sẽ khó cứu vãn. Nếu báo ngay cho phía Đức biết chúng ta muốn khôi phục đàm phán, ký hòa ước, thì vẫn còn kịp cứu vãn được tình hình.

Trung ương Đảng liên tục thảo luận vấn đề này, nhưng đa số ủy viên Trung ương vẫn không đồng ý với chủ trương của Lênin, có người còn cho rằng Chính phủ Đức đang hù doạ, không cần phải đếm xỉa đến.

Hai giờ trước khi Chính phủ Đức tuyên bố khôi phục hành động quân sự, các uỷ viên Trung ương Đảng lại biểu quyết một lần nữa. Kết quả, phương án của Lênin về việc nối lại đàm phán và ký hòa ước với Đức lại bị phủ quyết một lần nữa vì thiếu một phiếu.

Đúng như Lênin đã dự đoán, đúng 12 giờ trưa hôm ấy, quân Đức phát động tấn công trên toàn tuyến vào quân Nga, phòng tuyến của quân Nga nhanh chóng bị chọc thủng, hàng loạt binh sĩ vứt bỏ vũ khí, rút lui, tan rã.

Thực tế khốc liệt ấy làm cho một số uỷ viên Trung ương chợt tỉnh. Khuya đêm hôm ấy, Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua đề án mới của Lênin với đa số hơn 1 phiếu: Lập tức đánh điện cho Chính phủ Đức, đồng ý ký hòa ước theo tất cả các điều kiện họ đã đưa ra.

Quân đội Đức có ngừng tiến công không? Không! Họ vẫn tiếp tục cuộc xâm lược?

Rõ ràng là Chính phủ Đức đang cố tình dây dưa trả lời để họ chiếm thêm nhiều đất của Nga.

Quân Đức ngày đêm áp sát, tưởng đâu như sắp xộc vào tới thủ đô Pêtrôgrát. Chính quyền Xô viết mới ra đời sẽ nguy trong sớm tối. Trước tình thế đó, Lênin ra lời kêu gọi: “Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa lâm nguy!”

Lời kêu gọi của Lênin lập tức được phân phát đi khắp các nơi ở thủ đô. Dân chúng sục sôi hưởng ứng, người có vũ khí nhanh chóng tổ chức nhau lại, người không có vũ khí lũ lượt kéo đến điện Smônnưi lĩnh vũ khí.

Chính vào giờ phút nguy cấp đó xảy ra một chuyện: cả một sư đoàn lính chuẩn bị đến điện Smônnưi trả vũ khí để phục viên về nhà. Thì ra họ mới từ mặt trận trở về, đang định làm theo lời tuyên bố của Tơrốtsky với phía Đức.

Trên quảng trường, một chiếc ô tô đang phóng rất nhanh bỗng nhiên dừng lại trước những binh sĩ đi đầu của sư đoàn này. Một công nhân trẻ nhảy xuống xe, đưa cho vị chính uỷ sư đoàn một bó truyền đơn, và nói to: “Pháp lệnh của Hội đồng dân uỷ! Lời kêu gọi của Lênin”.

Viên Chính uỷ nhận xong truyền đơn, vừa đi vừa xem rồi nói với viên Tư lệnh mấy câu gì đó.

Bỗng nhiên, viên Tư lệnh ra lệnh: “Toàn sư dừng tại chỗ!”

Sư đoàn lập tức Chỉnh tề đội ngũ. Viên Tư lệnh lớn tiếng tuyên bố. “Tổ Quốc xã hội chủ nghĩa đang lâm nguy!” Đọc  xong lời kêu gọi của Lênin, ông hỏi: “Các đồng chí, bây giờ chúng ta có còn phục viên không?”

Toàn sư đoàn đồng thanh hô: “Ra tiền tuyến!” Cả sư đoàn giữ nguyên đội ngũ, hùng dũng hiên ngang hành quân về phía ga…

Theo lời hiệu triệu của Lênin, một đạo Hồng quân hoàn toàn mới mẻ nhanh chóng được tổ chức. Họ anh dũng đánh trả lại bọn xâm lược Đức. Cuộc tấn công của quân Đức vào thủ đô bị chặn đứng. Từ đó, ngày 23 tháng 2, ngày mà Hồng quân đánh trả quân đội đế quốc chủ nghĩa Đức, được lấy làm Ngày Hồng quân.

Năm ngày sau, Chính phủ Đức mới trả lời điện của Chính phủ Xô viết. Bức điện trả lời nêu ra những điều kiện càng khắc nghiệt hơn, không những đòi mở rộng diện tích lãnh thổ cắt nhượng mà còn tăng số tiền bồi thường lên đến 6 tỷ rúp! Đồng thời còn ra hạn trong vòng 48 tiếng đồng hồ, Chính phủ Xô viết phải trả lời.

Trong nội bộ Trung ương Đảng lại diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt. Có một số Uỷ viên Trung ương kiên quyết phản đối việc chấp nhận những điều kiện khắc nghiệt như vậy, đề nghị nhất quyết tử chiến với chúng.

Lênin cũng không thể chịu đựng được nữa. Ông xúc động nói:

“Tôi cũng không thể chờ đợi được nữa, một giây cũng không thể chờ đợi nữa! Do sai lầm của chúng ta, người Đức đưa ra cho chúng ta những điều kiện càng khắc nghiệt hơn, càng nhục nhã hơn. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng phải lập tức chấp nhận. Không còn sự lựa chọn nào khác! Bất cứ sự lựa chọn nào khác đều có nghĩa là tuyên án tử hình đối với chính quyền Xô viết!”

Lênin nhìn thấy rõ cách mạng sắp bị đưa lên đoạn đầu đài, giọng càng kiên quyết:

“Đây hoàn toàn là một bước lùi cần thiết! Nếu tiếp tục cách mạng theo kiểu bàn suông như thế này, tôi còn rút ra khỏi Chính phủ và Ban chấp hành Trung ương Đảng! Nhưng tôi sẽ kêu gọi Đảng, Đảng sẽ ủng hộ tôi!”

Lời của Lênin cảm hóa sâu sắc đa số uỷ viên Trung ương. Cuối cùng, Trung ương thông qua phương án của Lênin, ký hòa ước theo những điều kiện của phía Đức nêu ra.

Ngày 14 tháng 3 năm 1918, Đại hội đại biểu Xô viết phê chuẩn hòa ước ký với Đức. Đó là hòa ước Brét- Litốp.

Việc ký hòa ước Brét- Litốp tạo điều kiện cho Nhà nước Xô viết có thời gian củng cố Chính quyền, điều chỉnh kinh tế, xây dựng Hồng quân, chuẩn bị những công việc cần thiết để giành thắng lợi trong nội chiến và đập tan cuộc vũ trang can thiệp của các nước đế quốc.

Sau khi ký kết hòa ước Brét- Litốp, Bộ Thống soái tối cao Đức cho rằng, Nga đã rút khỏi chiến tranh, quân đội Đức - Áo chiếm ưu thế so với quân đội Anh- Pháp, do đó quyết định lợi dụng thời cơ, đánh bại quân đội Anh- Pháp, kết thúc chiến tranh vào mùa hè năm 1918.

Một tuần sau khi hòa ước chính thức ký kết, quân Đức bắt đầu tấn công mặt trận phía Tây. Binh lực đưa vào đó đến 200 sư đoàn, nhưng vẫn không đạt được mục đích tiêu diệt quân Anh Pháp.

Lúc này, quân Mỹ lần đầu tiên tham chiến cùng với các nước Hiệp ước, quân Anh Pháp cũng được bổ sung. Trung tuần tháng 7, quân Đức phát động cuộc tấn công qui mô lớn cuối cùng. Nhưng giao tranh mới được hai ngày, quân Đức đã thất bại. Từ đó, quyền chủ động chiến tranh chuyển sang phía Anh, Pháp.

Tháng 9, quân các nước Hiệp ước xuất kích trên toàn tuyến. Phòng tuyến quân Đức nhiều lần bị chọc thủng. Cuối tháng 10 đầu tháng 11, các nước Đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ và đế quốc Áo- Hung lần lượt đầu hàng. Cách mạng Đức cũng bùng nổ ở Đức. Ngày 9 tháng 11, dưới sự lãnh đạo của Lipnếch và Rôsa Lúcxămbua, công nhân và binh sĩ Béclin tổ chức bãi công và vũ trang khởi nghĩa. Đức hoàng Vinhem II buộc phải tuyên bố thoái vị, chạy trốn sang Hà Lan. Ngày 11 tháng 11, Đức chính thức đầu hàng. Đại chiến thế giới lần thứ 1 kết thúc.

Ngay hôm sau ngày ký hiệp định đình chiến, Chính phủ Xô viết tuyên bố hủy bỏ hòa ước bất bình đẳng Brét- Litốp.

Đại chiến thế giới lần thứ 1 diễn ra suốt 4 năm 3 tháng, l,5 tỷ người bị cuốn vào vòng xoáy của chiến tranh, chiếm trên 3/4 dân số thế giới lúc bấy giờ. Hơn 70 triệu người bị đưa ra chiến trường, chết và bị thương hơn 30 triệu người, số người chết vì đói và vì các tai họa khác do chiến tranh gây ra cũng độ 10 triệu. Tổn thất về kinh tế của các nước giao chiến tổng cộng ước 270 tỷ đô la.

Đây là tai họa lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại do chủ nghĩa đế quốc gây ra.

Kết quả của chiến tranh làm cho hệ thống tư bản chủ nghĩa thế giới bắt đầu suy yếu Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc chủ nghĩa không được giải quyết, ngược lại đã dẫn tới cách mạng. Dưới ảnh hưởng của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga, trên thế giới dấy lên một phong trào cách mạng của công nông và cao trào giải phóng dân tộc. Từ đây, bắt đầu thời kỳ khủng hoảng kinh tế của thế giới tư bản chủ nghĩa, lịch sử thế giới cũng bước vào một thời kỳ mới - thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản.