Năm 1917, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga bùng nổ và thắng lợi đã khép lại trang lịch sử cận đại thế giới, mở ra thời kỳ lịch sử thế giới hiện đại. Cách mạng Tháng mười đã lật đổ chủ nghĩa tư bản Nga, đưa giai cấp công nhân Nga lên cầm quyền, thiết lập Nhà nước Xôviết và năm 1922 thành lập Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết (Liên Xô) đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cao trào cách mạng dâng cao hầu khắp các nước Tây Âu những năm (1921-1924) rồi lại bùng lên những năm (1929-1933) do tai họa khủng khiếp từ cuộc khủng hoảng kinh tế mang lại.
Một lần nữa chiến tranh giữa các nước đế quốc lại dẫn nhân loại đến cuộc chém giết khủng khiếp đó là Chiến thế giới thứ hai năm (1939-1945). Chiến tranh kết thúc với sự thất bại và diệt vong của chủ nghĩa phát xít.
Sau năm 1945, nhân loại sống trong thế giới hai cực Ianta. Trên bình diện kinh tế khi Tây Âu và Nhật Bản đã hàn gắn xong vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế với tốc độ nhanh chóng, thần kỳ, nhất là vào những năm 60 của thế kỷ XX thì nền kinh tế tài chính thế giới đã có bốn trung tâm: Liên Xô, Tây Âu, Nhật Bản và Mỹ. Mối quan hệ giữa cuộc chạy đua giữa các siêu cường và bốn trung tâm kinh tế tài chính đã chi phối toàn bộ các mối quan hệ kinh tế, chính trị thế giới trong suốt thời kỳ dài bốn thập kỷ.
Sau khi Liên Xô và các nước chủ nghĩa xã hội Đông Âu tan rã, trật tự thế giới hai cực Ianta sụp đổ, thế giới vẫn tồn tại ba trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất, nhưng về quân sự, chính trị gần như mất cân bằng trong mối quan hệ quốc tế. Với tổng sản phẩm thu nhập quốc dân 1 vạn tỉ đô la/năm, với sức mạnh quân sự to lớn, Mỹ tự cho mình là siêu cường duy nhất có thể thực hiện chính sách đối ngoại buộc thế giới và các đồng minh phải khuất phục, buộc tất cả các nguồn lợi phải chảy về Mỹ.