Gần trưa, tàu ngầm U - 20 nổi lên trên mặt biển xanh biếc. Vị trí của nó cách bờ biển đông nam Airơlen khoảng 18 km.
Chiếc tàu ngầm này của Đức đã bắn chìm hai chiếc tàu thủy và một chiếc thuyền buồm của Anh, bây giờ nó đang tìm con mồi.
Tầu thủy! Một chiếc tầu thủy Anh! - Quan trắc viên bỗng nhiên kêu to lên.
Thuyền trưởng Oát dùng kính viễn vọng quan sát rồi lập tức ra lệnh:
- Lặn xuống! Độ sâu 13 mét. Hướng Tây Nam Tốc độ nhanh nhất. Chuẩn bị phóng ngư lôi!
1 giờ sau, tầu ngầm U- 20 đã chạy đến chỗ cách tàu thủy Anh chừng 800 mét và quyết định phương vị tấn công.
Chiếc tàu có tên Luxitania này là chiếc tàu lớn nhất và nhanh nhất của Anh chạy trên Đại Tây Dương. Nó dài độ 240m, tốc độ cao nhất là 40 km/giờ nhanh gấp đôi so với bất cứ tàu ngầm nào. Lúc này, phần lớn hành khách trên tàu vừa ăn trưa xong, đang đứng trên boong ngắm nhìn phong cảnh tuyệt vời của bờ biển Airơlen.
Cách đây 3 tháng, Oát đã nhận được lệnh của cấp trên báo cho biết kể từ ngày 18 tháng 2 năm 1915, nếu phát hiện được tàu buôn của những nước thù địch trong vùng biển của Anh và Airơlen đều có thể tấn công mà không cần cảnh cáo, tầu của nước trung lập cũng không ngoại lệ. Luxitania là tầu Anh, lại đi trong vùng biển đã tuyên bố, tất nhiên là phải tấn công.
“Nhắm đúng phần giữa mạn phải, chuẩn bị! Phóng!”
“Vèo” một tiếng quả ngư lôi được bắn ra khỏi ống lao thẳng về phía con tầu, để lại sau nó một dải bọt trắng xóa trên mặt biển.
“Oàng!” Một tiếng nổ dữ dội. Quả ngư lôi đánh trúng phía sau của mạn bên phải con tầu, làm nổ tung tầng trên. Một khối lửa lớn bùng lên. Mũi tầu chìm xuống. Xuồng cứu hộ rối rít thả xuống, dây chằng không giữ được thăng bằng nên một số xuồng vừa chạm mặt biển đã bị lật úp.
18 phút sau, chiếc tầu Luxitania đồ sộ mất hút trong sóng lớn của biển cả. Hơn 1.100 người thiệt mạng, trong đó có 128 người Mỹ.
Đây là một màn trong “chiến tranh tàu ngầm không hạn chế” của Đức.
Trước sự kháng nghị mạnh mẽ của Chính phủ Mỹ, Chính phủ Đức sợ Mỹ tham gia vào khối các nước Hiệp ước tuyên chiến với Đức, ngày 4 tháng 5 năm 1916, không thể không tuyên bố là đã ra lệnh cho hải quân “chưa cảnh cáo trước và chưa cứu được người ra” thì không được đánh chìm tàu buôn, nhưng khi tàu buôn này có ý định chạy trốn hoặc chống cự lại thì được phép hành động.
Từ đó, tàu ngầm Đức thay đổi phương pháp tấn công: Khi gặp tàu buôn, trước tiên nổ súng ra lệnh bắt dừng lại, cho phép người trên tàu xuống xuồng cứu hộ, rồi lên tàu cướp đoạt chiến lợi phẩm, sau đó đánh chìm tàu.
Căn cứ vào sự thay đổi này, hải quân Anh vạch một phương ăn bí mật để đối phó với tàu ngầm Đức.
Trên Đại Tây Dương mênh mông, một chiếc tàu chở hàng cũ kỹ men theo đường hàng hải mậu dịch, chạy chầm chậm.
Một thuỷ thủ kêu lên:
- Xem kìa, tàu ngầm Đức nổi lên rồi!
Thuyền trưởng nhìn một thoáng chiếc tàu ngầm đang nổi lên, ra lệnh:
- Tất cả vào vị trí, chú ý ẩn nấp!
Chiếc tầu ngầm lù lù nổi lên rất nhanh trên mặt biển. Mấy chàng lính thủy chui ra đi về phía bệ pháo trên bong tàu.
“Oàng” một tiếng, một quả đạn đại bác nổ ở phía trước chiếc tàu chở hàng.
Thuyền trưởng tiếp tục ra lệnh:
Cho tầu dừng! Sẵn sàng theo kế hoạch!
Khẩu lệnh vừa dứt, các thuyền viên đều tỏ ra vội vội vàng vàng, lăng xăng chạy tới chạy lui. Có người vội lao đến chỗ xuồng cứu hộ, có người như đang bận rộn việc gì đó bên mạn tàu.
Thuyền trưởng tàu ngầm thấy tàu hàng dừng lại, các nhân viên trên tầu đang hoảng hốt cuống quít, nghĩ rằng là chiếc tầu hàng chuẩn bị đầu hàng nên hoàn toàn không đề phòng gì, ra lệnh cho tàu ngầm tới sát tàu hàng.
Trong khi đó, 12 khẩu pháo giấu bên mạn tầu đều chĩa nòng vào chiếc tầu ngầm đang chạy đến. Thuyền trưởng giơ cao một chiếc lồng chim bên trong có con vẹt rất đẹp, đùa với người Đức, làm cho bọn này cười ha hả?
Khi chiếc tầu ngầm đi vào đúng tầm bắn, thuyền trưởng tàu hàng bỗng hô to một tiếng: “Bắn!”
“Ầm” một tiếng, lá chắn ngụy trang chung quanh các khẩu đại bác theo dây xích đổ ập xuống, những quả cầu lửa nối nhau bay về phía tàu ngầm, đồng thời một lá cờ của hải quân Hàng gia Anh được kéo lên đỉnh cột đài quan trắc.
Chiếc tầu ngầm chưa kịp nổ súng bắn trả, chưa kịp lặn xuống đã bị hỏa pháo dữ dội bắn chìm. Hóa ra chiếc tàu chở hàng cũ kỹ này là chiếc tầu săn tầu ngầm đã được ngụy trang. Mấy chiếc tàu ngầm của Đức đã bị nó tiêu diệt bằng cách này.
Một số tàu ngầm Đức bỗng nhiên mất tích, hải quân Đức cảm thấy rất lạ lùng, không rõ vì nguyên nhân gì. Họ đề nghị tung gián điệp vào các nước để thu thập tin tức tình báo.
Ít lâu sau, bí mật về tầu săn tầu ngầm của Anh bị một gián điệp tên là Xibéc dò ra.
Xibéc là gián điệp Đức chui vào được bộ phận kiểm tra bưu chính Canađa. Một hôm anh chàng mở một bì thư, tình cờ phát hiện trong thư có nhắc đến chuyện người anh của tác giả bức thư đang thực hiện một phương án bí mật có khả năng chấm dứt mối đe doạ của các tầu ngầm Đức. Xibéc biết đây là một tin tức hết sức cơ mật, liền tìm đến nhà người gửi thư với tư cách là kiểm tra viên của Chính phủ.
- Thưa phu nhân, anh của bà là sĩ quan của hải quân Anh phải không ạ?
- Vâng, sao ngài biết?
- Thưa phu nhân, - Xibéc lấy bức thư ra giọng rất nghiêm chỉnh - Trong thư, các vị đã tiết lộ bí mật quân sự!
- Ồ…
Xibéc không chờ bà này trả lời, tiếp tục cảnh cáo:
- Bà biết không? Điều này sẽ làm hại đến tiền đổ của anh bà!
- Thưa ngài, tôi xin ngài, không, tôi thành thật van ngài…
Xibéc thừa cơ gạn hỏi người đàn bà đó rất nhiều tình tiết tỉ mỉ. Hoá ra, tầu săn tầu ngầm của Anh phần lớn đều được ngụy trang thành tầu chở hàng hoặc tầu buồm, dựa vào số hiệu Q bí mật để phân biệt. Trên tàu có đại bác và ống phóng ngư lôi; tất cả nhân viên đều là thuyền viên hải quân. Một số tàu ngầm Đức vì không nhận ra được những tàu này cho nên đã bị đánh chìm.
Xibéc lập tức gửi tin tình báo quan trọng này về Béclin.
Từ đó đối với loại tầu khả nghi, tầu ngầm Đức không cảnh cáo trước mà phóng ngay ngư lôi, rồi bám sát để theo dõi xem nó bị thiệt hại ra sao, lần thứ hai nổi lên chỉ dùng đại bác bắn chìm tàu, như vậy có thể tiết kiệm được một quả ngư lôi.
Tàu săn tầu ngầm của Anh hết chiếc này đến chiếc khác bị đánh chìm. Thế là họ lại dùng chiến thuật mới…
Một chiếc tầu săn tầu ngầm ngụy trang như thường lệ men theo tuyến đường mậu dịch chạy về phía nước Anh. Bỗng một quả ngư lôi không biết từ đâu phóng tới nổ tung : làm hỏng vỏ tầu, con tầu bắt đầu chìm Các thủy thủ tranh nhau nhảy xuống các xuồng cứu hộ chèo thục mạng để tránh xa chiếc tàu. Lát sau, trên tàu không còn một bóng người.
Tàu chìm dần, nhưng có điều lạ là, tốc độ chìm càng ngày càng chậm, như có cái gì đỡ lấy nó. Tầu ngầm Đức co lẽ không chú ý đến điều này.
Té ra trong tàu ngụy trang Q- 5 đã chất đầy gỗ mềm khiến cho con tàu không chìm nhanh xuống được. Các pháo thủ nấp sau mạn thuyền vẫn nằm cạnh các khẩu đại bác được giấu kín. Mặc cho nước biển dâng cao, người bị bỏng lửa, họ vẫn không để lộ mục tiêu.
Dưới mặt biển sâu, tàu ngầm Đức vẫn lặng lẽ bám sát theo dõi, quan sát thấy còn mồi đang từ từ chìm xuống, cảm thấy không bị nguy hiểm gì nữa, nó cẩn thận nổi lên mặt nước. Nhưng khi viên hạm trưởng xuất hiện trên tháp chỉ huy, tàu ngụy trang Q-5 lập tức nã pháo dữ dội. Quả đạn thứ nhất đã bắn chết hạm trưởng. Cùng lúc ấy, tàu ngầm hứng trọn hơn 30 quả đạn đại bác, chìm xuống biển cả trong vòng một phút.
Mãi đến khi tàu ngầm chìm xuống đến đáy biển, tàu ngụy trang Q-5 sắp chìm mới kêu cứu với tàu chiến Anh gần đó. Một chiếc khu trục hạm nhanh chóng chạy về phía hiện trường kéo chiếc tầu săn tầu ngầm đã lập được kỳ công này về bến cảng…
Hải quân Đức đã nhận ra chiến tranh tàu ngầm về căn bản không thể phá vỡ được sự phong tỏa của hải quân: hùng mạnh của Anh, nên quyết định tìm cơ hội quyết chiến với hạm đội Anh. Thế là đã xảy ra trận đánh lớn nhất trên biển trong Đại chiến thế giới lan thứ 1: trận đại hải chiến Giútlen.
“Tàu địch Lútđô liên tiếp phát tin, nội dung đang dịch”
“5 tuần dương hạm chiến đấu đang di chuyển dọc theo bờ biển Giútlen, không ngừng phát tin, nhận định có những hoạt động quân sự khác thường”.
“Tàu địch Lútđô đã tiến vào eo biển Skagiêrác, hiện đang đi về phía Bắc hải”.
“Tàu địch Lútđô. . . đã vào Bắc Hải. . .”
Ngày 30 tháng 5 năm 1916, những tin mật báo quân sự liên tục được gửi đến Tư lệnh Hải quân Anh Gienlicô.
Gienlicô đọc các tài liệu địch, biết tàu Lutđô là kỳ hạm của hạm đội do Thượng tướng Hải quân Hippơ chỉ huy, trọng tải 26.000 tấn được trang bị đại bác cỡ 12 tấc Anh.
“Đại bác cỡ 15 tấc Anh của Bêátti đủ để đối phó với nó”. - Gienlicô đang cân nhắc. “Nhưng người Đức rất xảo quyệt. Hễ hạm đội hùng mạnh, của chúng ta xuất hiện thì nó chuồn. Phải đối phó với nó thế nào đây?
Viên tư lệnh Hải quân suy nghĩ một lát, quyết định cho trung tướng Bêátti chỉ huy một hạm đội tương đối yếu ra nghênh chiến tàu Đức, sau đợt pháo kích ngắn ngủi sẽ rút chạy về phía hạm đội chủ lực - đang mai phục trên biển ở cách xa đó, rồi đánh một trận tiêu diệt hạm đội Đức.
Gienlicô bảo viên sĩ quan phụ tá viết thành mệnh lệnh tác chiến, lệnh cho Bêátti lập tức chỉ huy 4 tàu chủ lực và 6 tuần dương hạm chiến đấu đi tiên phong, gấp rút chạy về phía mặt biển Tây Bắc bán đảo Giútlen. Bản thân ông sẽ đích thân chỉ huy 24 tàu chủ lực, 3 tuần dương hạm chiến đấu và một số tàu phụ trợ đi sau.
Không ngờ, sự xuất hiện của tàu Lútđô là mưu kế của Thượng tướng Hải quân Silơ, tư lệnh hạm đội vùng biển khơi của quân Đức. Phương án của ông ta là: dùng tàu Lútđô v.v… làm mồi nhử, nhử cho hải quân Anh xuất kích. Những chiến hạm này sau khi phản kích có tính chất tượng trưng sẽ rút lui, nhử hạm đội Anh vào tầm bắn của hạm đội lớn do Silơ đích thân chỉ huy, sau đó bao vây tiêu diệt.
Như vậy hạm đội của cả hai bên trên thực tế đều dùng phương án giống nhau.
Tàu Lútđô v.v.. sở dĩ liên tục phát tin và tiến dọc theo bờ biển cũng là làm theo lệnh của Silơ nhằm mục đích để cho hải quân Anh dễ dàng xác định phương vị ra nghênh chiến trước. Còn hạm đội lớn do ông chỉ huy thì chạy sau tàu Lútđô khoảng 80 km. Để đánh lừa hải quân Anh, đài vô tuyến điện quân cảng Đức tiếp tục dùng tín hiệu của kỳ hạm của Silơ để phát thanh, khiến đối phương tưởng chủ lực của hạm đội Đức vẫn đang còn trong cảng.
2 giờ chiều ngày 31 tháng 5, tiền, quân của hai hạm đội khổng lồ đều đã xuất hiện trên mặt biển Tây Bắc Giútlen, cách nhau chỉ hơn 50km, nhưng chẳng bên nào biết đối phương đang ở phía trước gần đó.
Mấy phút sau, quan sát viên trên chiếc tuần dương hạm hạng nhẹ của tiền quân hạm đội Anh do Bêátti chỉ huy kêu lên:
- Phía xa có hơi bốc lên khác thường!
Hạm trưởng sau khi liên lạc với trung tướng Bêátti và được ông đồng ý, lập tức cho tầu rời biên đội tiến lên phía trước để kiểm tra.
Lát sau, quan sát viên báo cáo:
- Phía trước là một chiếc tàu hàng của Đan Mạch!
Hạm trưởng vừa mới yên tâm thì quan sát viên báo cáo tiếp:
- Phát hiện một chiếc tàu địch!
Thì ra chiếc tuần dương hạm hạng nhẹ thuộc tiền quân của Đức cũng đã thấy chiếc tàu chở hàng của Đan Mạch, bèn quay mũi chạy về phía nó.
Cả hai chiếc tuần dương hạm đều nhận ra đối thủ của mình, vội vàng nhanh chóng tiếp cận.
2 giờ 52 phút, cả hai đều nổ súng nhưng đều không bắn trúng.
Bêátti được biết quân hạm đã gặp tàu Đức, chỉ huy các quân hạm sẵn sàng chiến đấu, rồi hạ lệnh:
- Các tuần dương hạm chiến đấu mở hết tốc lực tiến lên phía trước, tàu chủ lực bám theo sát. Giữ liên lạc chặt chẽ với hạm đội chủ lực!
Như vậy là 6 tuần dương hạm của Anh nghênh chiến 5 tuần dương hạm của Đức phía Anh mất ưu thế hai chọi một như dự tính.
Chiến hạm của Bêátti chạy về phía Đông với tốc độ 45 km/giờ. Chẳng mấy chốc, hạm đội của Hippơ đã nằm trong tầm nhìn. Theo kế hoạch của Silơ, Hippơ chỉ huy hạm đội lùi dần theo hướng hạm đội chủ lực của mình. Chiến hạm của Bêátti vẫn bám sát theo sau.
Khi còn cách nhau chừng 20 km, Hippơ hạ lệnh nổ súng. Tầu chiến của Bêátti bắn trả. Uy lực đại bác cỡ 12 tấc Anh của Đức không sánh được với đại bác cỡ 13,5 và 15 tấc Anh của Anh. Nhưng kỹ thuật bắn của hải quân Đức lại vượt xa hải quân Anh, kỳ hạm “Sư tử” của hải quân Anh mấy lần dính đạn của hải quân Đức.
4 giờ, một quả đại bác đã bắn trúng tháp pháo của tầu “Sư tử”, gây ra tiếng nổ dữ dội. Trên tháp pháo, trừ thiếu tá Havít sĩ quan chỉ huy, những người còn lại đều chết ngay tại trận. Đạn nổ sẽ làm cho các bao thuốc súng bén lửa bốc cháy và cả chiếc tàu sẽ tức khắc bị phá hủy tan tành, thiếu tá Havít mặc dầu đã bị mất cả hai chân vẫn gắng gượng qua ống truyền thanh hạ lệnh xả nước vào kho đạn, nhờ đó mà tàu “Sư tử” tránh được đại nạn.
Cùng lúc ấy, một loạt đạn của hải quân Đức đã xuyên thủng boong tàu dày 9 tấc Anh của chiến hạm “Hoàng hậu Mari” số 9, khiến chiếc tuần dương hạm trọng tải 26.000 tấn được trang bị đại bác cỡ 13,5 tấc Anh này trong khoảnh khắc chìm xuống biển cả, 1275 thuyền viên chỉ còn 9 người sống sót.
Sau đó mấy phút, chiến hạm “Bất khuất” trọng tải 21.000 tấn bị hai quả đạn đại bác cỡ lớn của tàu Đức bắn trúng. 30 giây sau là một tiếng nổ inh tai, đồ đạc trên tàu bay lả tả lên không trung. Chiến hạm “Bất Khuất” cùng với 1017 thuyền viên lập tức vùi thân dưới đáy biển.
- Những con tầu chết tiệt chúng làm ăn thế nào thế này? - Trên tầu chỉ huy, Bêátti giọng bồn chồn - Bỗng chốc mất toi hai chiếc! Lái sang trái, lao thẳng vào quân Đức!
Bêátti tin chắc 4 tàu chủ lực của ông có thể đuổi kịp nên đã hạ lệnh như vậy, và quả nhiên chẳng mấy chốc họ đã đuổi kịp.
Hippơ thấy hạm đội của Bêátti đuổi theo, liền mở hết tốc lực, chạy về phía hạm đội chủ lực của Silơ. Một lát sau, Bêátti phát hiện thấy hạm đội chủ lực của Đức lờ mờ xuất hiện trên mặt biển không xa lắm, liền quay mũi 1800, mở hết tốc lực tháo chạy về phía sau để được đại bác trên hạm đội chủ lực của mình che chở. Trong khi quay lui, hai bên tiến hành một trận pháo kích, kết quả 3 tàu chủ lực của Bêátti bị thương, 2 tuần dương hạm của Đức cũng bị thương nặng, trong đó có tầu Lútđô là còn có thể gắng gượng chạy.
Khoảng 6 giờ, hạm đội của Anh phát hiện ra trước phương vị của hạm đội chủ lực Đức. Tư lệnh hải quân Gienlicô quan sát la bàn rồi quả quyết hạ lệnh:
- Toàn bộ các chiến hạm chủ lực xếp theo đội hình hàng ngang, chuẩn bị nghênh chiến!
4 phút sau, 24 chiến hạm chủ lực của ông xếp thành đội hình tác chiến dài đến 1400 mét.
Silơ không biết hạm đội chủ lực của Anh đang ở vùng biển trước mặt, vẫn tiếp tục ra lệnh cho các chiến hạm nối nhau tiến lên. Khi phát hiện ra hạm đội Anh, hai bên hình thành thế trận tác chiến theo hình chữ T. Với thế trận này, hạm đội Anh có thể sử dụng tất cả đại bác để bắn phá, còn hạm. đội Đức bị hạn chế lớn về mặt phát huy uy lực hỏa pháo.
Sau 10 phút giao chiến, 3 chiến hạm của Đức đã bị thương nặng. Mũi tàu Lútđô chúi xuống dưới nước, đành để mặc cho nó chìm. Hippơ đổi sang một chiếc tàu chiến khác.
Silơ thấy thế trận bất lợi vội ra lệnh cho hạm đội đổi ngược hướng đi, lợi dụng sương mù để rút chạy. Trước đó các chiến hạm Đức tập trung hỏa pháo bắn vào chiến hạm “Vô địch” - kỳ hạm tiền phong của Gienlicô. Cùng với một loạt tiếng nổ như sấm rền, chiếc tàu chiến trọng tải hơn 17.000 tấn nứt toác làm đôi, mũi tàu và đuôi tàu tung lên trên không cao tới 30 mét, sau đó cùng với 1026 thuyền viên chìm vào biển cả.
Khoảng 7 giờ, Silơ quyết định rút lui từ phía sau hạm đội Anh.
Nhưng ông ta tính toán sai, kết quả lại gặp hạm đội lớn Anh, và một lần nữa lại cùng với hạm đội Anh làm thành thế trận hình chữ T rất bất lợi cho ông.
- Phóng đạn khói! Các khu trục hạm phóng ngư lôi! Silơ luôn mồm ra lệnh.
Từng quả, từng quả ngư lôi liên tiếp lao trong biển cả kéo theo những con sóng tung bọt trắng xóa nhằm về phía hạm đội Anh, nhưng đều không trúng đích.
Lợi dụng hỏa mù, hạm đội của Silơ tháo chạy Hạm đội Anh đoán chắc tàu địch sẽ chạy về Đức, đã cho một số tàu đi trước phong tỏa đường rút.
11 giờ rưỡi đêm, giữa tiền quân của hạm đội Đức và hậu vệ của hạm đội Anh lại xẩy ra tao ngộ chiến. Hai bên hỗn chiến trong ánh sáng chói lòa của đạn pháo sáng, đèn pha và tàu bốc cháy.
Sau nửa đêm, tuần dương hạm “Thái tử đen” của Anh chạy về phía một chiếc tàu hình dáng lờ mờ mà nó tưởng là tàu bạn. Thực ra đó là một chiếc tàu chủ lực của Đức. Tàu chủ lực này phát hiện ra đối phương đã không trả lời được tín hiệu liên lạc bí mật, lập tức báo cho tàu bạn biết. Dưới ánh sáng của những chùm tia sáng dữ dội, 4 chiếc tàu chủ lực của Đức nổ súng tấn công, biến chiến hạm “Thái tử đen” thành một quả cầu lửa khổng lồ sau tiếng nổ vang động, trời đêm, chiến hạm “Thái tử đen” cùng với 862 thuyền viên biến mất trong biển cả. Trong đêm đen, 2 tàu chiến của Đức cũng mất tích trong một lần đụng nhau bất ngờ.
3 giờ rưỡi rạng sáng, những chiến hạm còn lại của Silơ về tới được quân cảng. Hạm đội Anh cũng rút lên phía Bắc.
Kết quả của trận hải chiến Giútlen là: Đức bị đánh chìm 1 chiến hạm lớn, 10 con hạm nhỏ, hơn 2.500 người bỏ mạng; Anh bị đánh chìm 3 chiến hạm lớn, 11 chiến hạm nhỏ, hơn 6000 người thiệt mạng. Tuy tổn thất của hạm đội Anh lớn hơn so với hạm đội Đức, nhưng vì hải quân Anh vẫn có ưu thế về số lượng, do đó vẫn giữ được quyền khống chế trên biển.
Khi người Đức dùng súng trái phá công thành cỡ lớn và bơm hơi độc để sát thương hàng loạt binh sĩ các nước trong khối Hiệp ước thì người Anh cũng nghiên cứu làm ra vũ khí bí mật của họ: “máy phá súng máy”.
Đây là một lô cốt thiết giáp có thể di động. Nó không sợ súng máy bắn, nó có thể vượt qua chiến hào, nó san bằng được những chướng ngại vật có lưới dây thép gai, đồng thời, nó có thể bắn về phía địch, yểm hộ cho bộ binh xung phong. Quả là một thứ vũ khí rất lợi hại để chọc thủng phòng tuyến địch.
“Máy phá súng máy” do một nhà công nghiệp tên là Tăng phát minh ra cho nên người Anh gọi nó là “tăng”.
Khi “tăng” được nghiên cứu chế tạo, nó không được các nhân vật quyền uy trong giới quân sự Anh coi trọng. Bộ trưởng Lục quân Anh cho rằng, nó là “thứ đồ chơi cơ giới hóa tuyệt vời”, nhưng giá trị thì rất có hạn. May mà có Bộ trưởng Hải quân Sớcxin ngấm ngầm tổ chức gây quỹ, sản xuất ra được một chiếc làm mẫu.
Đến tháng 8 năm 1916, Anh đã chế tạo được 48 chiếc xe tăng. Tư lệnh quân Anh Haigơ bất chấp sự phản đối của nhiều người, ra lệnh cho xe tăng tham gia chiến đấu.
Thực ra, những chiếc xe tăng này đang ở giai đoạn thí nghiệm, người lái phần lớn đều chưa qua huấn luyện chuyên môn. Kết quả, chỉ có 18 chiếc chạy được đến chiến trường, những chiếc khác đều bị hỏng dọc đường…
Cuối cùng, chỉ có độ 10 xe tăng ầm ầm xông sang phía trận địa quân Đức. Người Đức lần đầu tiên nhìn thấy con quái vật mình toàn sắt thép lao vào họ, súng máy bắn cũng không thủng nên sợ cuống cuồng, tới tấp tháo lui.
Lần đầu đánh bằng xe tăng đã giành được kết quả bất ngờ, một chiếc xe tăng đã đánh chiếm được một làng; một chiếc khác đã giành được một chiến hào, lại bắt được hơn 300 binh sĩ Đức làm tù binh.
Thắng lợi của xe tăng đã cổ vũ người Anh. Nhưng số lượng của nó rốt cuộc lại quá ít tốc độ cũng quá chậm, chỉ có 6 km/giờ, hơn nữa không làm sao vượt qua được vùng bùn lầy, vì vậy giá trị về chiến lược không lớn.
Mùa đông năm 1917, quân Đức điều động quân lính từ mặt trận Đức Nga tăng cường cho mặt trận phía Tây. Để tranh thủ thời cơ thuận lợi chọc thủng trận tuyến quân Đức, Tư lệnh quân Anh Haigơ quyết định mở một chiến dịch ở miền Bắc nước Pháp.
Khi thảo luận về kế hoạch tác chiến, thượng tá Phun ở Bộ Tổng tham mưu kiên quyết chủ trương dùng xe tăng chọc thủng phòng tuyến quân Đức.
Không ít tướng lĩnh nêu ra rất nhiều nghi vấn về vấn đề này.
“Tính cơ động của xe tăng chỉ được phát huy ở những chỗ đất khô ráo, tìm đâu ra chiến trường như vậy?”
“Quân Đức đào chiến hào đều rộng đến 4 mét, xe tăng làm thế nào vượt qua được?”
“Tập trung mấy trăm chiếc xe tăng ra tiền tuyến, liệu có thể bảo đảm không để lộ tin tức?”
Thượng tá Phun chỉ lên bản đồ, trình bày những điều ông đã suy nghĩ kỹ:
- Những vấn đề các vị nêu ra đều rất thực tế, nhưng tôi cũng đã có nghiên cứu từ lâu. Tôi cho rằng, chọn vùng thị trấn Cămplây ở miền Bắc nước Pháp để đột phá là thích hợp nhất đối với xe tăng. Phía nam và phía tây thị trấn này là một vùng đất cứng chỉ bị chia cắt bởi những con suối nhỏ và những giải đê hẹp.
Giữa hai con kênh gần đó, có độ 10 km đồng không mông quạnh. Với địa hình đó, xe tăng có thể phát huy tối đa tính cơ động của nó. Vùng này địch có 6 sư đoàn trong đó có 2 sư đóng ở giữa hai con kênh, dùng xe tăng để tiêu diệt chúng là tốt nhất.
Thấy mọi người gật gù tán thưởng, thượng tá Phun nói tiếp:
- Về vấn đề chiến hào và bảo mật, tôi nghĩ có thể giải quyết bằng nhiều biện pháp khác.
Cuối cùng mọi người quyết định chấp nhận phương án của thượng tá Phun, trong chiến dịch Cămplây, trước tiên sẽ dùng xe tăng để chọc thủng phòng tuyến quân Đức.
Trước khi mở cuộc tiến công, hơn 800 chiếc xe tăng đã được cất giấu trong rừng rậm gần sát phía sau phòng tuyến quân Anh. Chúng được nguỵ trang bằng cách quét lên những mảng mầu vằn vện. Ngoài các sĩ quan ra, những người khác chẳng ai biết gì về những chuyện liên quan đến xe tăng.
6 giờ sáng ngày 20 tháng 11, trời còn mờ mờ, máy bay quân Anh đã gầm rú trên bầu trời trận địa, cốt để át đi tiếng ầm ì của xe tăng sắp xuất kích, không cho địch phát hiện ra tiếng động lạ thường dưới mặt đất.
20 phút sau đó, động cơ của 324 chiếc xe tăng cùng một lúc rú lên. Đàn quái vật theo vệt đường được đánh dấu bằng dây hồi đêm ầm ầm xông lên phía trước, xích xe chuyển động nhanh chóng đưa những thân xe nặng nề đến trận địa tiền duyên của quân Đức. Chướng ngại vật nhằng nhịt dây thép gai phút chốc bị xe tăng đè dí xuống.
Phía trước là những con hào rộng đến mấy mét, rõ ràng quân Đức có ý định dùng nó để ngăn chặn xe tăng.
Thượng tá Phun đã chuẩn bị từ trước. Những bó gỗ dài buộc chặt bằng dây xích chất trên các xe tăng trong khoảng khắc đã lấp đầy chiến hào: Xe tăng tiếp tục tiến lên. Cũng không ít xe bị đổ nghiêng nằm chết dí dưới chiến hào.
Xe tăng vừa tiến vừa bắn. Quân Đức nã pháo lung tung, phần lớn bắn không trúng; súng máy xối xả nhả đạn song chẳng có tác dụng gì.
Quân Đức bị một trận tập kích hoàn toàn bất ngờ. Những đơn vị tiền tiêu, nếu không bị Pháo xe tăng bắn chết, bắn bị thương thì đầu hàng, tháo chạy.
Gần tối, quân Anh đã tiến sâu vào trận địa quân Đức 6 km, 7.500 binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh; phía Anh, 65 xe tăng bị hỏa pháo quân Đức phá hủy, 114 chiếc hỏng máy hoặc rơi vào chiến hào. Dẫu sao, trận đánh bằng xe tăng này đã giành được không ít thắng lợi.
Trước việc quân Anh dùng xe tăng với quy mô lớn giành được chiến thắng trong chiến dịch Cămplây, Bộ chỉ huy tối cao Đức rất kinh hoàng, vội vã điều viện binh đến để giành lại trận địa đã lọt vào tay quân Anh.
Tư lệnh Haigơ tuy đã dùng xe tăng chọc thủng được phòng tuyến địch, thu thắng lợi bước đầu trong chiến dịch, nhưng ông không có nhiều quân hậu bị để giữ những khu vực đã chiếm được. Quân Đức được bổ sung viện binh, ngày 30 tháng 11 phản kích, giành lại được một số nơi bị xe tăng quân Anh đánh chiếm. Mấy ngày sau, quân Anh buộc phải rút lui.
Kế đó là những ngày bão tuyết đã cản trở mọi hoạt động quân sự của cả 2 bên. Kết quả, số người hai bên Đức, Anh bị tổn thất trong chiến dịch này đại thể tương đương nhau: mỗi bên thương vong hơn 4 vạn người.
Chiến dịch Cămplây không làm cho người Anh kiếm được lợi lộc gì, nhưng cả hai bên đối địch đều phải thừa nhận: sử dụng “máy phá súng máy” - xe tăng - với số lượng thích đáng có thể làm thay đổi một tình thế chiến đấu nào đó.
Trong Đại chiến thế giới lần thứ I, Nga cùng với Anh, Pháp nằm trong khối các nước Hiệp ước.
Trị vì nước Nga lúc bấy giờ là Sa hoàng Nicôlai II, một ông vua đầy dã tâm, quen thói tàn bạo. Năm 1905, ông hạ lệnh bắn giết những người công nhân Pêtécbua xuống đường biểu tình, gây sự căm phẫn trong nhân dân, dẫn đến cách mạng bùng nổ. Sau đó, ông giải tán Quốc hội, làm cho cả nước rơi vào tình trạng khủng bố. Ông còn cưỡng chiếm Lữ Thuận, Đại Liên của Trung Quốc, tham gia cuộc xâm lược Trung Quốc của Liên quân tám nước, rồi thừa cơ xâm chiếm Đông Bắc Trung Quốc. Chính vì vậy, mọi người gọi ông là “Nicôlai đẫm máu”.
Bây giờ, Nicôlai II đã gần 60 tuổi, nhưng vẫn làm Tổng tư lệnh quân Nga.
Nicôlai II kéo nước Nga vào cuộc Đại chiến thế giới này là có sự tính toán. Ông muốn tiêu diệt thế lực của Đức, đế quốc Áo- Hung và Thổ Nhĩ Kỳ, xác lập địa vị của mình ở khu vực Bancăng, đoạt lấy Côngxtăngtinốp và chiếm eo biển thông từ Biển Đen Địa Trung Hải để hạm đội của ông có thể tự do ra vào Địa Trung Hải. Mặt khác, ông muốn thông qua chiến tranh, chuyển hướng cuộc đấu tranh của nhân dân trong nước, đàn áp phong trào cách mạng trong nước, để củng cố địa vị thống trị của mình.
Bất ngờ cho Nicôlal II là chiến tranh không những không đạt được mục đích mở rộng lãnh thổ, củng cố địa vị thống trị của ông mà ngược lại, làm cho kinh tế của Nga sa vào tình trạng vô cùng hỗn loạn, chính quyền càng thêm lung lay.
Sa hoàng trưng tập 1,4 triệu trai tráng đưa ra tiền tuyến đánh nhau, khiến cho sức lao động ở nông thôn mất đi một nửa. Ruộng đồng bị bỏ hoang, lương thực thiếu trầm trọng, giá thóc lúa lên vọt.
Chiến tranh liên tiếp nhiều năm gây nên sự hỗn loạn cực độ về giao thông vận tải. Hàng tấn, hàng tấn lương thực không vận chuyển đi được, mục nát vì chất đống ở các bến xe bến tầu, trong khi người dân thành thị không có thóc gạo mà ăn, binh lính ngoài tiền phương cũng phải chịu đói. Vũ khí, đạn dược không vận chuyển được ra tiền tuyến, đến nỗi có những đơn vị 3 người lính dùng chung một khẩu súng, một số binh lính phải buộc lưỡi lê vào đầu gậy để xung phong, thậm chí dùng tay không để bẻ đứt lưới dây thép gai của địch. Đến mùa đông năm 1916 binh lính đào ngũ lên đến trên 1 triệu người.
Trong tình hình như vậy, quân Nga liên tiếp bị thua trận, vùng ven biển Bantích và một phần Bạch Nga bị quân Đức chiếm đóng. Hàng loạt cư dân tha phương cầu thực, đời sống khốn khổ vô cùng. Đông đảo quần chúng nhân dân không chịu đựng nổi ách thống trị phản động của Sa hoàng, đòi hỏi phải thay đổi hiện trạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích, công nhân dấy lên làn sóng bãi công, liên tiếp biểu tình thị uy. Họ phẫn nộ hô to: “Đả đảo chiến tranh” “Đả đảo chính trị chuyên chế” “Đả đảo Sa hoàng!” Nông dân cũng đứng lên hành động, chống nộp địa tô, đốt phá trang viên, đuổi địa chủ đi. Tất cả những điều đó báo trước một trận bão táp cách mạng sắp sửa nổ ra.
Lúc đầu Nicôlai II bảo thủ cố chấp, tỏ vẻ dửng dưng trước những triệu chứng có thể dẫn đến sự sụp đổ của vương triều. Khi nghị trưởng Quốc hội cảnh cáo rằng “phản loạn” đang cuốn trôi cả nước Nga thì Nicôlai II ở tiền tuyến viết thư cho Hoàng hậu nói: “Cái anh nghị trưởng bụng phệ này lại viết cho trẫm những lời nhảm nhí, thậm chí trẫm không muốn trả lời”
Nhưng trước tình thế cách mạng ngày càng lên cao và những sự thất bại liên tiếp ngoài mặt trận cuối cùng Sa hoàng cũng cảm thấy tình hình không ổn, phải nghĩ cách giải cứu nguy cơ.
Dùng cách gì đây? Sa hoàng suy tính rất lâu, quyết định rút khỏi khối Anh - Pháp, giảng hòa riêng rẽ với Đức, đồng thời giải tán Quốc hội. Như vậy có thể rút binh lính ra để đàn áp cách mạng trong nước.
Hoàng hậu đã từng cấu kết với Bộ trưởng Quốc phòng để bán tin tức tình báo quân sự. Bà cũng có quan hệ họ hàng với người Đức, nên đã nhiều lần thúc giục Sa hoàng giảng hòa với Đức. Tất nhiên, việc này phải làm hết sức bí mật, song dù bí mật đến đâu tin tức vẫn lọt ra ngoài.
Các đại biểu của giai cấp tư sản trong Quốc hội nghe được tin này bèn tụ tập nhau lại bàn đối sách.
- Thưa các ngài, hoàng thượng quyết chí giảng hoà riêng với Đức, hơn nữa lại muốn giải tán Quốc hội, đây là một đòn đả kích nặng nề đối với chúng ta!
Tất cả chúng ta đều dựa vào đơn đặt hàng quân sự mà sống, nếu đình chiến thì sự tổn thất này ai bù đắp vào đây? Vả lại, giảng hòa với Đức rồi, trong nước chắc gì sẽ thái bình vô sự”:
- Đúng vậy, đánh cũng thế hoà cũng thế công nhân thế nào cũng sẽ nổi lên làm loạn, chi bằng cứ đánh đến cùng để khỏi ảnh hưởng đến lợi nhuận của chúng ta.
- Quan chức ngoại giao hai nước Anh, Pháp cũng nghe phong thanh về quyết sách của Hoàng thượng. Họ tỏ ý, nếu Hoàng thượng khăng khăng làm như vậy, họ sẽ dùng biện pháp trừng phạt cần thiết đối với Nga, và hy vọng chúng ta dùng mọi cách ngăn chặn lại”.
Bàn bạc hồi lâu, một đại biểu đề nghị:
- Bây giờ xem ra, muốn ngăn chặn Hoàng thượng giảng hòa với Đức chỉ có thể dùng biện pháp cương quyết, yêu cầu Hoàng thượng thoái vị.
- Ý ngài nói là làm đảo chính? - Các đại biểu hỏi lại, mặc dầu họ đã hiểu hết ý nhau.
- Vâng, làm một cuộc đảo chính cung đình, bắt Hoàng thượng nhường ngôi cho một người phù hợp với lợi ích của chúng ta và các nước Anh, Pháp lên nắm chính quyền!
Đề nghị này được sự nhất trí tán thành của các đại biểu. Đối với họ, việc thay đổi Sa hoàng vừa có thể bảo đam tiếp tục tiến hành chiến tranh, lại vừa có thể đánh lừa nhân dân không gây rắc rối với Chính phủ nữa, quả là một cách làm hay, chỉ một mũi tên mà trúng hai đích.
Âm mưu bí mật, họ định thực hiện là nhân khi Sa hoàng đi thị sát tình hình sẽ chặn xe của ông lại và bắt ông phải ký chiếu thoái vị, lập một Sa hoàng mới. Kế hoạch đảo chính này được các quan chức ngoại giao Anh, Pháp ủng hộ.
Nhưng trước khi âm mưu của giai cấp tư sản được thực hiện thì Đảng Bônsêvích và đông đảo quần chúng nhân dân đã đứng lên lật đổ ách thống trị phản động của Sa hoàng!
Ngày 8 tháng 3 năm 1917 (ngày 23 tháng 2 lịch Nga) là ngày phụ nữ quốc tế, thành ủy Pêtrôgrát tức Pêtécbua, đổi tên sau khi Đại chiến thế giới lần thứ 1 bùng nô) kêu gọi phụ nữ toàn thành phố xuống đường biểu tình thị uy, phản đối đói rét, phản đối chiến tranh, phản đối chế độ Sa hoàng. Ngày hôm sau, 20 vạn người đã bãi công. Đảng Bônsêvích quyết định biến nó thành tổng bãi công và từ bãi công chính trị chuyển thành khởi nghĩa.
Ngày 11 tháng 3, giờ khởi nghĩa đã đến. Đội ngũ từ các ngả đường, bất chấp rét mướt tập hợp về địa điểm được chỉ định. Người ta băng qua mặt bằng rắn chắc của sông Nêva để đến quảng trường.
Khi đang chỉnh đốn lại hàng ngũ, bỗng nhiên nghe thấy tiếng súng máy vang lên từ trên một tòa lầu cao gần đó. Liền sau đó, rất nhiều người đã ngã xuống trên mặt tuyết trắng xóa. Thì ra trước đó một hôm, Sa hoàng đã ra lệnh khẩn cấp cho tư lệnh quân khu thủ đô: “Chặn đứng ngay mọi sự rối loạn ở kinh đô, và lập tức điều từ mặt trận về một lực lượng lớn quân đội, mưu toan diễn lại tấm thảm kịch năm 1905.
Hành động tàn sát dã man của quân đội Sa hoàng càng làm cho Chính phủ Sa hoàng sụp đổ nhanh hơn. Quần chúng khởi nghĩa tước vũ khí của quân cảnh xông vào Cung điện Mùa đông, các nhà tù, trại lính và các cơ quan Chính phủ.
Cùng ngày, Trung ương Đảng Bônsêvích ra tuyến bố kêu gọi tiếp tục tiến hành đấu tranh vũ trang chống chính phủ Sa hoàng, thành lập Chính phủ lâm thời.
Ngày 12 tháng 3, khởi nghĩa lôi cuốn toàn thành phố. Công nhân xông vào chiếm các các kho súng ống đạn dược, bắt giữ các đại thần và tướng lĩnh của sa hoàng. Đến tối, hơn 6 vạn vệ binh đã ngả về phía những người khởi nghĩa.
Hoàng hậu núp trong Cung điện Mùa Đông cuống cuồng thu thập các đồ châu báu, gấp rút chạy trốn. Trước khi đi, bà ta bảo người hầu đánh cho Sa hoàng một bức điện khẩn: “Trong thành đang dấy lên một phong trào lưu manh, bọn con trai, con gái chạy nháo nhào, la hét... tóm lại chúng muốn tìm sự kích thích. Mong phái nhanh người về kinh dẹp loạn…”
Nhận được bức điện khẩn trên, Sa hoàng Nicôlai II cử ngay một viên tướng đưa quân đội về Pêtrôgrát đối phó. Nhưng tại ngoại ô kinh đô, đơn vị quân đội này lại liên hoan vui mừng với binh lính địa phương, thấy vậy viên tướng này sợ quá chạy trốn ngay.
Sa hoàng đoán biết tình hình nghiêm trọng, nên sau khi cho quân đội đi ứng phó với tình hình, ông đích thân đi tầu riêng về Pêtrôgrát. Nhưng giữa đường, công nhân đường sắt cố ý bẻ ghi cho đoàn tàu chạy vào tuyến đường dữ trữ, cụt đường Sa hoàng đành đổi sang xe ngựa chạy trốn.
Tin khởi nghĩa ở Pêtrôgrát thắng lợi lan nhanh tới ngoài mặt trận và các thành phố khác, công nhân và đông đảo binh lính các nơi nhiệt liệt hưởng ứng. Và thế là vương triều Rômanốp thống trị nhân dân Nga suốt 300 năm cuối cùng đã kết thúc; Nicôlai II trở thành vị Hoàng đế cuối cùng trong lịch sử nước Nga. Vị Hoàng đế cuối cùng này vì những tội ác tày trời đã bị hành quyết sau khi cách mạng tháng Mười dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích giành được thắng lợi.
Cuộc cách mạng lật đổ Sa hoàng xẩy ra vào tháng 2 theo lịch Nga, cho nên, trong lịch sử gọi là “Cách mạng tháng 2”.
Ngày cách mạng thắng lợi, thủ đô thành lập Xô viết đại biểu công nông binh. Đây là bộ máy chuyên chính của công nông.
Điều đáng căm giận là một số người nắm quyền lãnh đạo tổ chức này đã quay lưng lại với Đảng Bốnsêvlch, thỏa hiệp với giai cấp tư sản, tổ chức ra một Chính phủ lâm thời. Sau khi thành lập, Chính phủ mới này liền tuyên bố phải tiến hành đến cùng cuộc đại chiến thế giới.
Sa hoàng đã không còn tồn tại, nhưng nhân dân lao động Nga lại sa vào thảm họa mới. Đảng Bônsêvích lại phải đứng trước nhiệm vụ chiến đấu gian khổ.
Để trốn tránh sự hãm hại của Chính phủ Sa hoàng, lãnh tụ của đảng Bônsêvích Lênin đã phải sống lưu vong suốt 15 năm ở Đức, Pháp, Ba Lan và Thụy Sĩ. Trong những năm tháng dài dằng dặc ấy, Lênin ra sức tiến hành công tác nghiên cứu lý luận và thông qua các con đường bí mật giữ liên hệ mật thiết với các nhà cách mạng trong nước để lãnh đạo cách mạng Nga. Đang ở Thụy Sĩ, được tin về cuộc cách mạng tháng 2 Nga, ông bèn tìm cách quay về Tổ quốc.
Tối ngày 16 tháng 4, Lênin về đến Pêtrôgrát. Hôm sau, trong báo cáo đọc tại hội nghị Đảng Bônsêvích, Lênin vạch rõ nhiệm vụ trước mắt của cách mạng là chuyển chính quyền từ tay giai cấp tư sản sang tay giai cấp vô sản và nông dân nghèo khổ. Ông còn chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh mà Chính phủ lâm thời đang theo đuổi vẫn là chiến tranh đế quốc chủ nghĩa; muốn thoát khỏi cuộc chiến tranh này, chỉ có tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản. Dưới sự lãnh đạo của Lênin, những người Bônsêvích lại bắt đầu tiến hành một cuộc chiến đấu mới.
Ngày 1 tháng 7 (18 tháng 6 lịch Nga), 20 vạn quân Nga tiến về Lômbécgôia bị quân Đức chiếm đóng.
Đơn vị mũi nhọn là lữ đoàn kỵ binh Cô dắc - tinh nhuệ nhất. Quân Nga vừa ra quân đã chiến thắng giòn giã, nhanh chóng bắt được 17.000 tù binh, mấy ngày sau lạ bắt được hơn 1 vạn nữa.
Nhưng quân Đức, Áo được quân hậu bị chi viện, từ tuần thứ 2 trở đi, dùng pháo dã chiến phản công trên một chiến tuyến rộng lớn. Kết quả, toàn tuyến quân Nga tan vỡ tháo lui, cuộc tấn công của Nga hoàn toàn thất bại, trong 10 ngày ngắn ngủi thương vong trên 6 vạn người!
Đó là lần tấn công quy mô lớn cuối cùng của quân Nga đối với quân Đức trong cuộc Đại chiến thế giới lần thứ 1.
Chủ trương phát động cuộc tấn công này là Bộ trưởng Lục, Hải quân của Chính phủ lâm thời, Kêrenski. Kêrenski là kẻ tử thù của những người Bônsêvích. Tính toán của ông ta là: nếu tấn công thắng lợi, danh tiếng ông sẽ được nâng cao gấp bội; nếu tiến công thất bại, ông sẽ đổ tội cho những người Bônsêvích, vì họ đã kích động binh lính phản chiến đến nỗi gây ra thất bại.
Bây giờ, cuộc tấn công quả nhiên đã thất bại. Thế là Kêrenski bèn giở thủ đoạn mới: mượn cớ cần bổ sung binh lính cho mặt trận, ra lệnh điều ra tiền tuyến một số quân đóng ở thủ đô mà ông ta cho là không đáng tin cậy.
Thế là binh lính ở thủ đô không chịu được nữa.
Chiều ngày 16 tháng 7, 2 người lính đột nhiên xông vào chỗ thành uỷ Bônsêvích Pêtrôgrát họp, tuyên bố với Chủ tịch đoàn:
- Chúng tôi là đại biểu của trung đoàn súng máy số 1 thủ đô. Trung đoàn chúng tôi quyết định tối nay phát động khởi nghĩa lật đổ Chính phủ lâm thời, và đã cử đại biểu đi liên lạc với các nhà máy, các ban chỉ huy trung đoàn. Mong Trung ương Đảng và Thành uỷ lập tức tổ chức đội ngũ lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang.
Người tiếp hai đại biểu này là Stalin. Ông là uỷ viên Trung ương Đảng, phụ trách chỉ đạo công tác của thành uỷ Pêtrôgrát và lãnh đạo “Báo Sự thật”, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng. Ông sáng suốt ý thức được rằng, quân đội và các tỉnh ngoài đều chưa chuẩn bị xong việc chi viện cho khởi nghĩa ở thủ đô, nếu vội vã phát động khởi nghĩa nhất định sẽ bị Chính phủ lâm thời đàn áp đẫm máu. Do đó, ông đã giải thích cho hai đại biểu này và hy vọng các đảng viên trong trung đoàn sẽ hành động theo quyết định của Trung ương Đảng, không nên liều lĩnh phát động khởi nghĩa.
Không ngờ hai đại biểu này đã không nghe lời khuyên của Stalin, lại còn giận dữ nói:
- Đánh đổ Chính phủ lâm thời là quyết nghị của toàn trung đoàn, chúng tôi quyết không vi phạm nó! Nói xong, họ hậm hực rời hội trường Stalin biết tình thế diễn biến sẽ rất nghiêm trọng. Đúng lúc này, Lênin lại phải tạm thời xa thủ đô để chữa bệnh, không thể xin chỉ thị ngay được. Do đó, Stalin liền cử người báo gấp cho uỷ viên Trung ương Đảng Svéclốp biết tình hình, đồng thời cũng cho người đi báo cáo với Lênin.
Qua sự giải thích, thuyết phục về nhiều mặt, các binh lính chuẩn bị phát động khởi nghĩa coi như đã tiếp thu ý kiến của Trung ương Đảng: Ngày hôm sau chỉ tổ chức một cuộc diễu hành hòa bình với qui mô lớn.
Sáng hôm sau, Lênin ôm bệnh quay về thủ đô. Người tỏ ý hoàn toàn đồng ý với quyết định của Trung ương Đảng, biến việc phát động khởi nghĩa thành biểu tình thị uy hòa bình.
Từ sáng sớm, hàng nghìn, hàng vạn công nhân và binh lính đổ xuống đường. Họ giương cao cờ xí và các biểu ngữ “Hòa bình!” “Bánh mì!” “Tự do!”, bắt đầu diễu hành một cách trật tự. Tham gia biểu tình thị uy có đến 50 vạn người.
Hai giờ chiều. Khi đoàn biểu tình đi qua một ngã tư đông người thì bỗng nhiên có tiếng súng nổ. Lúc đầu chỉ có một tiếng, liền sau đó là tiếng súng bắn liên hồi.
Nhoáng một lát, cả loạt người ngã gục xuống mặt đường, đoàn người đang đi trong trật tự bỗng náo loạn.
Trong tiếng kêu thảm thương của mọi người, những tên lính bộ binh lăm lăm tay súng và những tên lính kỵ binh giơ cao kiếm sắc hùng hổ xông vào đám quần chúng tay không tấc sắt. Trong khoảnh khắc, đường phố ngập đỏ máu tươi của công nhân và binh lính.
Cùng lúc đó, quân đội của Chính phủ xuất hiện ở các nơi, tiến hành tàn sát đẫm máu những người biểu tình.
Thì ra Kêrenski đã sớm điều từ tiền tuyến về mấy trung đoàn trung thành với Chính phủ, kết hợp thêm với đám học sinh trường võ bị thủ đô để gây sự kiện đổ máu này một cách có kế hoạch, có chuẩn bị.
Hôm ấy, trên các đường phố lớn của Pêtrôgrát, số người bị đánh chết, đánh bị thương có hơn 400 công nhân và binh lính!
Để tránh đổ máu thêm và bảo toàn lực lượng cách mạng, ngay tối hôm xẩy ra sự việc, Trung ương Đảng đã kêu gọi quần chúng biểu tình trở về nhà máy và doanh trại.
Nhưng Kêrenski chưa dừng lại ở đây. Ông ta mưu toan nhân cơ hội này tiêu diệt luôn những người Bônsêvích. Đảng Bônsêvích lâm vào tình cảnh rất hiểm nghèo, chỉ có thể chuyển vào hoạt động bí mật.
Quả nhiên, Chính phủ lâm thời công khai đàn áp lực lượng cách mạng. Tòa báo của Đảng Bônsêvích bị phá tan và đóng cửa. Các đội xích vệ của công nhân bị tước khí giới, những binh lính có tinh thần cách mạng bị hãm hại, nhiều trung đoàn, sư đoàn bị giải tán.
Nhưng người mà kẻ thù sợ nhất và cũng căm ghét nhất là Lênin, bởi vì chúng biết các chủ trương “Hoàn toàn không tín nhiệm Chính phủ mới”, “Đặc biệt nghi ngờ Kêrenski”, “Vũ trang cho giai cấp công nhân” đều do Lênin đề ra. Do đó muốn đánh gục Đảng Bônsêvích, trước tiên phải bắt Lênin. Nhưng như vậy phải tìm ra một cái cớ.
Thế là chúng bịa ra nào Lênin là “gián điệp của Đức”, đã nhận của Đức rất nhiều tiền, nào Lênin đến Pêtrôgrát để tổ chức phiến loạn vũ trang. . . Các báo chí đăng tải toàn những bài loại này.
Có cớ đó rồi, ngày 20 tháng 7, Chính phủ lâm thời phát lệnh bắt Lênin.
Đêm hôm đó, một xe tải to chở đầy binh lính Chính phủ phóng đến trước cửa nhà Lênin. Vừa xông vào nhà, tên sĩ quan chỉa súng lục vào bà vợ Lênin hỏi:
- “Lênin có ở nhà không? Chúng tôi được lệnh khám xét!”.
Bà vợ Lênin lạnh lùng đáp:
- “Ông ấy không có ở nhà”.
Thì ra trước khi kẻ địch phát lệnh bắt, Lênin đã bí mật dời chỗ ở.
Tên sĩ quan ra lệnh cho bọn lính mở tủ quần áo, lôi các ngăn kéo, lật ngược ghế xôpha, xáo tung mọi thứ để khám xét. Nhưng cũng chẳng tìm được thứ gì mà chúng cần cả.
Tên sĩ quan hầm hầm giận dữ rút một lá thư trong chồng thư ra xem.
Lá thư này từ một làng quê xa gửi đến, trong đó viết: “Đồng chí Lênin, chỉ có đồng chí mới cứu vãn được nước Nga, chúng tôi nhất định đi theo đồng chí. . .”
Tên sĩ quan thất vọng quẳng lá thư xuống. Hắn lại quay sang vặn hỏi bà vợ Lênin, tất nhiên cũng chẳng thu được gì. Ngượng quá hoá khùng, hắn ra lệnh cho bọn lính dẫn bà đi.
Tuy không bắt được Lênin, nhưng chúng dự đoán Lênin chưa thể rời khỏi thủ đô nhanh như vậy được, chắc ông ta đang ẩn náu ở một nơi nào đó trong thành phố. Do đó, ngay khuya hôm đó, chúng ra lệnh: Tất cả những người gác cổng nhà ở thủ đô, sáng sớm hôm sau đều phải đứng trước cổng kiểm tra người ra: Phàm là người không quen biết nhất luật không cho ra, phải báo ngay với nhà chức trách để cử người đến nhận mặt. Chúng tưởng làm như vậy là có thể bắt được Lênin.
Quả thật Lênin chưa rời khỏi thủ đô. Tối hôm ấy, Người ở trong nhà một công nhân.
Sáng hôm sau, nhìn qua cửa sổ, Lênin thấy 2 người gác cổng vẻ căng thẳng đang đứng trước cổng lớn, biết ngay là việc gì đang xảy ra.
Đi ra hay ở lại trong nhà? Lênin quyết định cứ đi ra bởi vì còn rất nhiều việc phải làm. Thế là ông tay cầm một chiếc ô, ung dung ra cổng rồi đi thẳng về phía người gác cổng.
Hai người gác cổng thấy một người lạ từ trong nhà đi ra, muốn gọi hỏi, nhưng thấy ông ta đi đứng bình tĩnh, tự nhiên thế kia, ai mà tin được đó là người đang có lệnh truy nã!
Hai người nhìn đi nhìn lại Lênin, càng nhìn càng khẳng định ông này không giống với người Chính phủ thông báo truy nã. Họ nháy mắt ra hiệu cho nhau, tin tưởng để Lênin đi ngang qua ngay bên cạnh họ.
Hôm ấy, Lênin phải mấy lần thay đổi chỗ ở. Vài ngày sau, Người bình yên rời khỏi thủ đô.
Ngày 27 tháng 7, Kêrenski leo lên ghế Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Hải, Lục quân. Từ đó, khủng bố trắng bao trùm khắp nước.
Những sự kiện trọng đại xảy ra trong tháng 7, trong lịch sử nước Nga gọi là “Sự biến tháng 7”. “Sự biến tháng 7” đánh dấu cách mạng Nga không còn có thể đi theo con đường phát triển hoà bình nữa. Giờ đây, điều được nêu trong chương trình nghị sự của Đảng Bônsêvích là vấn đề khởi nghĩa vũ trang, lật đổ Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản, thành lập chính quyền của giai cấp vô sản.