Thế giới 5000 năm

 Kế Hoạch Sơliphen

 KẾ HOẠCH SƠLIPHEN

Kế hoạch tác chiến của quân Đức đã sớm được vạch ra từ năm 1905. Người vạch ra kế hoạch này là Sơliphen, Tổng tham mưu trưởng Đức thời bấy giờ, nên kế hoạch này cũng gọi là “kế hoạch Sơliphen”. Người kế nhiệm Sơliphen là Môncơ dựa vào kế hoạch này để bố trí chiến tranh.

“Kế hoạch Sơliphen” giả định kẻ thù chính của Đức ở phía Tây, do đó trọng điểm chiến lược đặt ở Tây Âu. Như vậy, trước hết ở tuyến phía Tây, phải dùng thủ đoạn đánh trước để áp đảo đối phương, tập trung tuyệt đại bộ phận binh lực, trong vòng 4 đến 6 tuần lễ vượt qua Bỉ đánh vào hậu phương quân Pháp, nhanh chóng đánh bại Pháp, cắt đứt liên hệ giữa Anh và đại lục châu Âu, sau đó quay sang phía Đông đối phó với Nga. Kế hoạch này dự tính sẽ giành được thắng lợi toàn cuộc trong vòng 3, 4 tháng.

Vì sao lại phải vượt qua Bỉ để đánh vào hậu phương quân Pháp? Đó là vì trên biên giới Pháp - Đức, Pháp từ lâu đã xây dựng một hệ thống pháo đài kiên cố nếu tấn công Pháp theo hướng đó chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng; còn Bỉ là một nước trung lập, lực lượng phòng vệ biên giới tương đối yếu, hơn nữa biên giới Bỉ - Pháp không được bố phòng, đột phá từ phía đó dễ dàng đạt hiệu quả.

Sáng sớm ngày 4 tháng 8 năm 1914, những đơn vị mũi nhọn của các tập đoàn quân 1 và 2 của Đức dưới sự chỉ huy của tướng Êmixi vượt qua biên giới Bỉ, đánh thẳng đến cứ điểm quan trọng Liegiơ để mở đường vào Pháp.

Vương quốc Bỉ từ khi thành lập chưa bao giờ đánh nhau, mãi đến năm 1913 mới có chế độ gọi lính. Toàn bộ quân đội của nhà vua có hơn 16 vạn người, trong đó 4 vạn dùng để phòng thủ cứ điểm quan trọng Liegiơ.

Chung quanh cứ điểm Liegiơ bố trí 12 pháo đài kiên cố. Các pháo đài đều xây bằng xi măng cốt thép, có tháp pháo thiết giáp, mỗi pháo đài có 400 khẩu súng từ súng máy đến đại bác cỡ 8 tấc Anh. Bao quanh mỗi pháo đài có hào sâu 30 thước Anh và đèn pha. Trong pháo đều có thể từ trên cao, bắn xuống.

Tướng Lơmăng chỉ huy được lệnh giữ vững cứ điểm quan trọng này, chờ quân tiếp viện Pháp đến.

Tướng Êmixi những tưởng quân Bỉ sẽ không cần đánh cũng phải hàng nên phái một sứ giả cầm cờ trắng đến đòi tướng Lơmăng đầu hàng:

- Nếu quý quân đội hạ vũ khí, để cho quân tôi đi qua cứ điểm một cách thuận lợi, tướng quân tôi bảo đảm giữ danh dự quân nhân cho ngài - Viên sứ giả nói một cách ngạo mạn.

Đại diện của tướng Lơmăng nói:

- Bỉ là một nước độc lập, các ngài làm như vậy đã công nhiên vi phạm công ước quốc tế

- Nếu các ngài từ chối không nghe, quân tôi bắt buộc phải pháo kích và tập kích đường không vào thành phố của các ngài!

- Căn cứ vào mệnh lệnh của nhà vua, chúng tôi sẽ giữ vững cứ điểm này.

Sau khi những đòi hỏi vô lý của chúng bị cự tuyệt, quân Đức lập tức nã đại bác vào pháo đài và thành phố cứ điểm. Ngày hôm sau, chúng lại cho máy bay dội xuống mười mấy quả bom. Tiếp đó, quân Đức như nước triều dâng, luân phiên xung phong tấn công vào pháo đài, nhưng đều bị hoả lực của đại bác và súng máy đánh lui. Xác quân Đức ngổn ngang trước hai pháo đài phía Đông. Chưa một pháo đài nào ở Liegiơ bị hạ.

Đêm hôm sau, tướng Luđenđop, phó tham mưu trưởng tập đoàn quân thứ 2 đích thân chỉ huy một lữ bộ binh, dùng chiến thuật đánh thọc sâu, từ phía Đông tấn công vào khoảng trống giữa hai pháo đài, và ngày 7 chiếm được Liegiơ. Nhưng các pháo đài chung quanh Liegiơ vẫn chiến đấu ngoan cường, ngăn cản bước tiến của quân Đức. Mãi đến ngày 10 tháng 8, quân Đức mới hạ được 2 pháo đài.

Để nhanh chóng vượt qua được Liegiơ, quân Đức quyết định điều một cỗ đại bác cỡ lớn bắn đạn trái phá để công thành, 10 pháo đài còn lại đã bị phá huỷ.

Bấy giờ, loại đại bác lớn nhất của khối các nước Hiệp ước là đại bác của hải quân Anh cỡ 13,5 tấc Anh. Nhưng đại bác của Đức chế tạo lớn đến 16,5 tấc Anh, nó có thể bắn đạn nặng 1 tấn và xa đến 9 dặm Anh. Đạn xuyên giáp của loại đại bác này có ngòi nổ chậm, chỉ sau khi xuyên thủng mục tiêu mới nổ theo giờ đã định nên uy lực của nó rất lớn.

“Oàng! Oàng! Oàng!”

Cùng với những tiếng nổ dữ dội, các pháo đài của Bỉ lần lượt biến thành đống gạch vụn. Đến ngày 16 tháng 8, pháo đài cuối cùng nơi bộ chỉ huy Liegiơ đóng cũng bị đạn xuyên giáp bắn tan, tướng Lơmăng chết ngất rồi bị bắt làm tù binh.

Sau khi đánh chiếm Liegiơ, quân Đức nhanh chóng thẳng tiến về phía Tây. 4 ngày sau quân Đức chiếm được Brucxen, thủ đô Bỉ; sau đó căn cứ vào “Kế hoạch Sơliphen”, Đức chia quân ra làm 5 đường, đánh vào miền Bắc nước Pháp.

Tướng Giốpphơrơ, Tổng tư lệnh quân Pháp, nhận được báo cáo đã vỗ tay reo to:

- Được, người Đức tấn công chúng ta từ phía Bắc, chúng ta xuất kích từ Đông Bắc, đánh cho chúng trở tay không kịp, nhân cơ hội này thu hồi các vùng Andát, Loren!

Andát và Loren nguyên là đất của Pháp cắt nhượng cho Đức sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Phổ- Pháp. Để đề phòng Đức tiếp tục mở rộng xâm lược, Pháp đã xây dựng ở vùng này một hệ thống pháo đài kiên cố. Theo “Kế hoạch Sơliphen”, tuyệt đại bộ phận quân Đức xâm nhập vào Pháp qua đường Bỉ, do đó ở khu vực này Đức chỉ để lại 2 tập đoàn quân.

Mới đầu, kế hoạch của Pháp triển khai thuận lợi, không mấy ngày đã đánh vào được Andát và Loren. Họ lại trở về vùng đất đã mất hơn 40 năm trước; cảm thấy rất vui mừng vì may mắn. Nhưng họ không biết rằng, quân Đức rút lui là theo kế hoạch. Sau khi đã dụ được địch vào sâu, quân Đức tổ chức phản công. Quân Pháp chống lại không nổi, toàn tuyến bị tan vỡ.

Tin tức thất bại liên tiếp báo về tướng Giốpphơrơ:

“Tập đoàn quân thứ 1 của Đức tấn công vào quân viễn chinh Anh từ Mônsơ đến cứu viện, sau một ngày một đêm chiến đấu quyết liệt, quân Anh ít không địch nổi quân địch đông hơn đã thất bại rút lui.”

“Các tập đoàn quân thứ 3, thứ 4 của ta giáp chiến với các tập đoàn quân thứ 8, thứ 4 của Đức ở rừng Actoa, qua 3 ngày huyết chiến, quân ta không chống đỡ nổi, đã rút về phía Nam!”

“Báo cáo khẩn cấp: Đội tiền tiêu của quân Đức đã tiến cách Pari 15 km về phía Đông Bắc!”

Trong 10 ngày quân Đức vượt qua Bỉ và biên giới Pháp, 350 vạn quân của hai bên Đức, Pháp đã tàn sát lẫn nhau; hàng ngàn, hàng vạn binh lính đã thiệt mạng trong các cuộc chiến đấu, 5 tập đoàn quân Đức xâm nhập vào đất Pháp đang đánh thẳng vào trái tim Của Pháp. Tình thế Pari nguy cấp. Ngày 3 tháng 9, Chính phủ Pháp dời về Boócđô.

Tổng Tham mưu trưởng quân Đức Môncơ hí hửng tưởng rằng “Kế hoạch Sơliphen” có thể thực hiện ngay, vội vã muốn đánh tan quân Pháp trên toàn tuyến, hạ lệnh chia quân thành mấy ngả tấn công quân Pháp; lại điều 2 quân đoàn sang tuyến phía Đông đối phó với Nga. Như vậy là thay đổi “Kế hoạch Sơliphen”, khiến cho lực lượng tấn công của cánh trái quân Đức từ 16 quân đoàn giảm xuống còn 11 quân đoàn, số lượng ít hơn quân Pháp.

Trên thực tế, quân Pháp tuy tạm thời thất bại nhưng lại bảo toàn được chủ lực Tướng Giốpphơrơ phát hiện binh lực quân Đức bị phân tán, lập túc bố trí lại binh lực, điều quân đội sang cánh trái. Thế là quân Đức lại bị quân Pháp uy hiếp tấn công từ hai phía.

Từ ngày 5 đến ngày 9 tháng 9, quân Đức và quân pháp triển khai chiến đấu quyết liệt ở vùng sông Mácnơ, phía Đông Pari. Trên trận tuyến dài 200km, khói lửa mịt mù, một triệu rưởi con người tàn sát lẫn nhau. Kết quả quân Đức thua rút về phía Bắc, từ đó hình thành cục diện cầm cự giữa hai bên.

Trận đánh lớn ở sông Mácnơ đập tan chiến thuật đánh chớp nhoáng của quân Đức, làm phá sản kế hoạch chiến lược Sơliphen- Môncơ.

Chiến dịch kết thúc, Môncơ tâu với Đức hoàng: “Thưa bệ hạ, chúng ta đã thua trận!” Ngày 14 tháng 9, Môncơ bị Đức hoàng cách chức.

CHIẾN DỊCH TANNENBÉC

Kế hoạch quân sự của Nga được Pháp giúp đỡ vạch ra. Theo kế hoạch này, nếu Đức tấn công Pháp ở tuyến phía Tây trước thì ở tuyến phía Đông, Nga tiến quân đồng thời vào Đông Phổ và Galixi của Áo để buộc Đức phân tán binh lực, phải đánh trên cả hai mặt trận Đông và Tây.

Quả nhiên, quân Đức hành động ở tuyến phía Tây trước, ồ ạt xâm lược Bỉ, đánh thẳng vào Pháp. Thế là Pháp hối thúc Nga tấn công ngay Đông Phổ.

Tướng Gixenxki, Tổng Tham mưu trưởng quân Nga, đã cam kết với Pháp là chỉ hai tuần sau khi động viên, 80 vạn quân Nga sẽ sẵn sàng chiến đấu. Đến trung tuần tháng 8 năm 1918, quả nhiên 56 vạn quân Nga đã chuẩn bị sẵn sàng.

Tướng Gixenxki phiên chế số quân này thành 2 tập đoàn quân, tập đoàn quân thứ 1 do Râynincănphơ chỉ huy, tập đoàn quân thứ 2 do Sămsơnốp cầm đầu, và ra lệnh cho họ lập tức tấn công vào Đông Phổ.

Đức vốn tưởng rằng Nga chuẩn bị chưa xong, không thể tấn công ngay vào Đông Phổ, nên cứ làm theo “Kế hoạch Sơliphen” tập trung đại bộ phận binh lực ở tuyến phía Tây, còn tuyến phía Đông chỉ bố trí một tập đoàn quân - tập đoàn quân thứ 8. Như vậy, Đức tạm thời không cách gì ngăn chặn được cuộc tấn công của hai tập đoàn quân Nga, đành rút lui về phía Tây, quân Nga giành được một số thắng lợi.

Nhưng quân Nga thiếu lương thực, thiếu nguồn tiếp tế và phương tiện vận chuyển. Vào Đông Phổ được ít lâu, quân lính vừa đói, vừa mệt không đủ sức tiếp tục chiến đấu: Đặc biệt là hai tập đoàn quân phối hợp rất kém, 2 cánh quân đã bị cô lập với nhau. Thượng tá Hốpman thuộc tập đoàn quân thứ 8 của Đức là người đầu tiên phát hiện ra những nhược điểm này của quân Nga. Ông ta thảo ngay một kế hoạch tác chiến, đề nghị lập tức tấn công cánh trái tập đoàn quân thứ 2 của Nga do Sămsơnốp chỉ huy.

- Liệu tập đoàn quân thứ 1 của Râynincănphơ kịp đến cứu viện không? Nếu quân cứu viện đến chúng ta làm thế nào để chống lại với ưu thế binh lực của họ? Tham mưu trưởng xem xong kế hoạch tác chiến hỏi với vẻ lo ngại.

- Chắc là không? - Hốpman giọng kiên quyết- Râynincămphơ chắc chắn sẽ không đến cứu viện!

- Ông có căn cứ gì? Hai vị tướng ấy là hai kẻ thù của nhau, 10 năm trước họ đã thâm thù với nhau - Hốpman giọng châm biếm - Đó là vào thời kỳ chiến tranh Nga Nhật hồi đầu năm 1905, ở sân ga Thẩm Dương Trung Quốc, tôi đã tận mắt chứng kiến Sămsơnốp cãi nhau với Râynincămphơ vì trong một trận đánh ông này đã không chi viện cho ông ta. Sămsơnốp đã chửi té tát đối phương, hai người sau lại còn đánh nhau trước mặt mọi người? Cho nên tôi đoán chắc, lần này Râynincămphơ sẽ từ chối chi viện cho Sămsơnốp.

Trong khi hai người đang trò chyện, một sĩ quan tham mưu đưa đến một báo cáo:

- Đây là điện báo của quân Nga, lính thông tin của ta vừa mới bắt được, trong điện có nói đến tình hình điều động quân Nga. Nhưng họ lại dùng mã công khai để đánh đi.

Tham mưu trưởng rất ngạc nhiên:

- Dùng mã công khai? - Xem xong, ông nói với vẻ hoài nghi - Liệu có thể là âm mưu của người Nga?

Các sĩ quan cao cấp khác cũng ngờ vực. Điện báo điều động quân đội mà lại dùng mã công khai đánh đi, một sai lầm sơ đẳng về quân sự, làm sao người Nga có thể sơ xuất tới nước ấy?

Hốpman cãi lại:

- Tôi cho đây không phải là âm mưu của họ, thậm chí cũng không phải là sơ xuất của họ. Họ có thể làm như vậy. Theo tôi được biết, dã chiến quân của Nga không dùng mật mã, hơn nữa căn bản không có nhân viên mật mã, vì họ đã không nghĩ đến việc cần huấn luyện loại nhân viên này.

Là chuyên gia về vấn đề Nga trong Bộ Tổng tham mưu, Hốpman nói và đọc tiếng Nga rất thạo, nhiều năm nay tích luỹ được khá phong phú những hiểu biết về nước Nga. Qua sự phân tích, giới thiệu của Hốpman, mọi người cho rằng nên căn cứ vào bức điện báo đã bắt được để có những hành động cần thiết.

Tập đoàn quân thứ 8 Đức dùng một sư đoàn để kiềm chế 24 sư của tập đoàn quân thứ 1 của Râynincămphơ, còn đại bộ phận binh lực nhanh chóng vận động đến hai sườn của tập đoàn quân thứ 2 của Nga do Sămsơnốp chỉ huy. Tiếp theo là dùng những đợt quân nhỏ để nhử quân của Sămsơnốp.

Những đơn vị nhỏ của quân Đức bị quân Nga đánh bại rất nhanh, sau đó rút lui. Sămsơnốp cho rằng tập đoàn quân thứ 8 của Đức đã tan rã trên toàn tuyến, bèn theo chỉ thị của Tổng tham mưu trưởng cứ hạ lệnh truy kích mà không đếm xỉa gì đến sự mệt mỏi của binh lính.

Trong lúc truy kích đến gần khu vực phục kích của quân Đức, Sămsơnốp nhận được báo các trinh sát của kỵ binh nói quân Đức xuất hiện ở hai sườn, rất có thể đồng thời tập kích quân Nga.

Sămsơnốp giật mình, vội điện cho tướng Gixenxki xin cho phép tạm dừng truy kích để tránh bị quân Đức giáp công.

Gixenxki ở lì tại Bộ chỉ huy cách mặt trận 300, 400 km, căn bản không hiểu biết tình cảnh thực tế của quân lính. Ông nhận định quân Đức đang tiếp tục rút lui, coi đề nghị của Sămsơnốp như một biểu hiện hèn nhát, vẫn ra lệnh cho cấp dưới của ông tiếp tục truy kích.

Đêm 26 tháng 8, quân Đức bắt đầu tấn công tập đoàn quân thứ 2 của Nga đang Tây tiến. Mệt mỏi và đói khát, quân Nga bị bất ngờ tấn công đâm hoảng loạn rút lui, có mấy đại đội rơi xuống hồ chết đuối.

Rạng sáng ngày 27, quân Đức tấn công mãnh liệt vào gần Tannenbéc. Sămsơnốp liên tục đánh điện yêu cầu Gixenxki và tập đoàn quân thứ 1 của Râynincămphơ nhanh chóng đến cứu viện. Quả nhiên, không ngoài dự đoán của Hốpman, chẳng những Gixenxki không đếm xỉa đến lời thỉnh cầu của ông mà Râynincămphơ đang ở trên đất Đông Phổ cũng không đến cứu viện.

Trước sự tấn công mãnh liệt của quân Đức, quân Nga vừa đói vừa mệt, tinh thần xuống thấp, tháo chạy toán loạn. Kết quả, hơn 9 vạn người bị bắt làm tù binh, 3 vạn người chết trận và mất tích, 500 khẩu đại bác bị bắn hỏng hoặc rơi vào tay quân Đức, tập đoàn quân thứ 2 tan rã trong khoảnh khắc. Sămsơnốp một mình chạy vào rừng, dùng súng tự sát.

Đến lúc ấy, Gixenxki mới quan tâm đến số phận của Sămsơnốp. Ông ta ra lệnh cho. Râynincămphơ đi cứu viện cho tập đoàn quân thứ 2 đã không còn tồn tại nữa.

Râynincămphơ vừa nhận được lệnh thì tập đoàn quân thứ 8 của Đức đã ồ ạt tiến đánh. Râynincămphơ quay đầu tháo chạy, kết quả số phận chẳng khác tập đoàn quân thứ 2: thương vong 145.000 lính trong khi thương vong của quân Đức chết có 1 vạn người. Đến đây, quân Đức coi như thanh toán, xong tất cả quân Nga trong biên giới Đông Phổ. Râynincămphơ bỏ rơi tập đoàn quân thứ 1 của mình trốn ngay về Nga và bị cách chức.

Thượng tá Hốpman, vì có công nên được thăng lên thiếu tướng và làm Tổng thai mưu trưởng mặt trận phía Đông của quân Đức. Ông ta đề nghị, chiến dịch này giành được thắng lợi cuối cùng ở Tannenbéc cho nên dùng địa danh này để đặt tên cho chiến dịch. Vì thế trong lịch sử chiến tranh nó được gọi là chiến dịch Tannenbéc.

Với chiến dịch Tannenbéc, quân Nga đã bị quân Đức đánh bại, ở đầu Bắc của tuyến phía Đông, nhưng trong chiến dịch Galixi ở Tây Nam tuyến phía Đông, quân Nga lại thắng quân Áo. Quân Áo phản công nhiều lần nhưng đều thất bại. Đến cuối năm 1914, ở tuyến phía Đông cũng giống như ở tuyến phía Tây, hai bên hình thành cục diện giằng co.

CHIẾN TRANH HƠI NGẠT

Quân Đức nã đại bác vào Ipun vùng Tây Bỉ đã kéo dài suốt 3 ngày. Những viên đạn trái phá nặng một tấn bay từ nòng súng đại bác có đường kính 16 tấc Anh hầu như đã phá huỷ tan tành cái thị trấn nhỏ nằm trên biên giới Bỉ - Pháp. Nhưng những công sự ngầm của liên quân Pháp - Anh xây dựng ở đây rất kiên cố, quân Đức vẫn chưa xông được vào trận địa của đối phương. Hoàng hôn, trận pháo kích tạm ngưng, trận địa yên lặng như tờ, sự yên lặng của chết chóc.

Một người lính của liên quân chỉ đám khói xuất hiện trên trận địa quân Đức hỏi:

 - Trò gì thế nhỉ?

 - Hay là bên ấy cháy?

 - Không, không giống - người lính nọ nhíu mắt nhìn một lát nói - xem kìa, nó màu vàng xanh, không giống lửa cháy.

Nhiều anh lính thò đầu ra, chăm chú nhìn đám khói kỳ lạ.

 - Xem kìa, nó bay về phía này!

Đúng thế, đám khói màu vàng xanh ấy theo gió đang từ từ bay về phía trận địa của liên quân, nó chỉ cao bằng người, là là theo mặt đất, trong phút chốc đã bay tới trận địa liên quân.

 - Chao ôi! Cái mùi gì… - Một người lính hít hít thứ khói lạ, nói chưa hết câu đã cảm thấy tức thở, nói không ra hơi.

Gần như cùng lúc ấy, mắt mũi, cổ họng của đám lính đều thấy đau rát như bị bỏng bởi một chất axít gì đó, rồi bắt đầu nghẹt thở; nhiều người ngã gục xuống đất, có người kêu lên the thé rồi chạy về phía sau.

 - Hơi độc! Chú ý! - Một sĩ quan vừa định ra lệnh đã ngã xuống chết lăn quay.

Trận địa liên quân lập tức rối loạn, chẳng ai biết phải làm gì bây giờ.

Đám khói màu vàng xanh, ấy chính là một thứ hơi độc do quân Đức tung ra - khí Clo (Cl). Nó nặng gấp 1,5 lần không khí. Người hít phải thứ khí này sẽ mất hết năng lực hoạt động vì bị ngạt thở.

Đó là ngày 22 tháng 4 năm 1915, cũng là ngày quân Đức dự định mở chiến dịch Ipun trên tuyến phía Tây. Trước khi tấn công, quân Đức lợi dụng ban đêm, cho đặt 150 thùng hơi độc trên một chiến tuyến dài 6 km, cả thảy là 6000 hộp.

Hoàng hôn hôm ấy vừa đúng hướng gió có lợi, quân Đức thả hơi độc ra: trong 5 phút.

180 tấn hơi độc, ép xuống trận địa liên quân, kết quả 15.000 người trúng độc, trong đó 5000 người chết.

Hơi độc bắt đầu tan. Quân Đức đầu chụp mũ phòng độc xông sang trận địa liên quân. Cả một phòng tuyến dài 10 km không người phòng thủ rơi vào tay quân Đức. Khuya đêm ấy, liên quân phải dùng xe vận tải cấp tốc chở viện quân đến mới bít lại được lỗ hổng.

Làm thế nào đề phòng được loại hơi độc này Liên quân vội đem những chiếc mặt nạ phòng độc đã được chuẩn bị phát cho quân lính. Nhưng vì không biết thành phần hóa học của loại hơi độc này nên việc phòng độc không hiệu quả.

Liên quân quyết định phái một gián điệp Pháp tên là Lysit đến hậu phương quân Đức để điều tra bí mật của loại vũ khí giết người này.

Lysit cải trang thành một người Đức đi du lịch chào hàng. Anh ta chú ý đến những đoàn xe chở dầu chạy về hướng Đông Bắc, bèn theo đến thành phố Hauxen gần sát Bỉ.

Hauxen là trung tâm sản xuất vũ khí đạn dược của Đức, nhà máy quân giới qui mô khổng lồ Crúp đặt ở đây. Lysit đoán hơi độc rất có thể sản xuất ở đây, nên hay lân la ra vào quán rượu có công nhân nhà máy này thường lui tới.

Mấy hôm sau, Lysit làm quen được với một người gác cổng già cô đơn của nhà máy. Anh ta tỏ ra rất hào phóng, đãi bia ông già hết chai này đến chai khác, nên đã giành được thiện cảm của đối phương.

Một buổi tối nọ, lão già gác cổng sau khi nốc no bia, vỗ vai Lysít nói một cách bí mật:

 - Này ông bạn, ông nghe nói đến chuyện dùng đại bác bắn đạn hơi độc chưa?

Lysít giật thót tim, nhưng vẫn cố ý cười ha hả:

 - Ông bạn già của tôi ơi, đừng có đùa, làm gì có chuyện ấy, bạn uống say rồi.

 - Ông bạn ơi, có thật mà, chuyện thật 100%. Nhà vua còn sắp đến xem thí nghiệm đấy!

Lysit vẫn vừa cười vừa nói:

 - Tôi thì tôi nhất định không tin, nếu ông làm cho tôi tin được, tôi chịu…

Ông già có vẻ sốt ruột:

 - Ông chịu gì nào?

 - Chịu mất với ông 2000 mác.

 - Thật không?

Lysit vỗ vỗ vai đối phương:

 - Tất nhiên là thật rồi, nói thế thôi chứ làm sao mà ông thấy được!

 - Tôi nhất định phải vớ được 2000 mác này, ông có gan đi xem không?

Lysit giả bộ lắc đầu:

 - Như vậy không phải là quá nguy hiểm sao?

 - Không, không nguy hiểm chút nào, mọi việc tôi sẽ thu xếp. Nhưng mà ông không thể quên món tiền cược này.

 - Yên chí, quân tử nhất ngôn mà.

Đến ngày hẹn, Lysít theo lão gác cổng đến nấp ở một chỗ gần nơi thí nghiệm.

Một lát sau, Lysit nhìn từ xa thấy đoàn xe của Đức hoàng và một số quan chức cao cấp chạy tới.

Một khẩu đại bác hải quân rất to và một khẩu đại bác dã chiến cỡ 3 tấc Anh đặt trên bãi thực nghiệm. Trên sườn đồi cách đó 1,5 km có một đàn cừu đang ăn cỏ, xem chừng đó là mục tiêu pháo kích. Một người dáng sĩ quan đang kính cẩn giới thiệu cái gì đó với Đức hoàng. Một chốc sau, các nhân viên rút lui, viên sĩ quan ra lệnh, khẩu đại bác dã chiến rùng mình, một quả đạn phóng ra. Lysit chú ý, tiếng đạn nổ nghe nhỏ, hoàn toàn không giống tiếng nổ bình thường.

Sau đó mấy giây, khẩu đại bác hải quân cũng lên tiếng. Điều lạ lùng là đạn không bắn vào đàn cừu. Sau mỗi lần đạn nổ, một đám hơi như mây màu vàng xanh từ từ bốc lên, bay về phía đàn cừu. Nó giống như sương mù là là di động, bao phủ đàn cừu. Đám sương mù tan, đàn cừu đều chết hết.

Lysit căng thẳng mắt mở to, bụng tính kế làm thế nào lấy được một ít chất đó để cung cấp cho hóa nghiệm. Anh chợt nhanh trí giả vờ buồn rầu nói với lão gác cổng:

 - Thế là ông thắng rồi! - Lysit vừa nói vừa rút ra 2000 mác đưa cho lão.

 - Tiền về anh, nhưng ông phải kiếm cho tôi một mảnh đạn đó để tôi làm kỷ niệm, được như thế khoản này cũng coi như không bị thu mất trắng.

Lão gác cổng hoan hỉ nhận tiền, giọng vui vẻ:

 - Dễ thôi, tôi sẽ nhặt một mảnh to cho ông!

Mấy ngày sau đó, mảnh vỡ của trái đạn hơi độc đã được đặt trong phòng thí nghiệm ở Pari.

Một nhà khoa học nổi tiếng đã phân tích các thành phần hóa học của hơi độc. Những mặt nạ phòng độc làm trước kia, không có tác dụng vì hơi độc thấm được qua các mũi lỗ kim khâu quá rộng, đi vào đường hô hấp của người mang mặt nạ. Kết quả, binh lính mang mặt nạ dễ bị ngạt thở hơn những người không mang.

Ít lâu sau, quân Đức sử dụng những quả đạn hơi độc kiểu mới trên qui mô lớn, thay cho những hộp hơi độc lắp cố định. Loại đạn pháo này có thể trực tiếp bắn vào phòng tuyến liên quân mà không phụ thuộc vào hướng gió. Trong đạn pháo chứa hơi độc thể lỏng, khi nổ biến thành thể khí.

Mãi đến tháng 11 năm 1915, trong một trận tập kích liên quân bắt được 12 tù binh Đức mang mặt nạ phòng độc, mới phỏng theo đó làm ra những chiếc mặt nạ phòng độc tương đối có hiệu quả.

Thế là người Đức lại nghiên cứu chế ra một loại hơi độc mới. Nó không có màu sắc, khi tung ra đối phương không có cách gì nhận ra, nó nặng gấp 3,5 lần không khí, hiệu quả sát thương gấp 10 lần khí Clo.

Ăn miếng trả miếng, phía liên quân cũng chế tạo đạn pháo hơi độc của mình. Loại đạn này có chứa thêm chất độc cực mạnh, có thể làm cho da thịt của kẻ địch thối rữa.

Năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, đạn pháo của quân Đức bắn đều có 50% hơi độc. Trong cuộc chiến tranh hơi độc tàn ác, vô nhân đạo mà hai bên tiến hành này, nạn nhân nhiều nhất tất nhiên là binh lính. Khoảng hơn 1.000.000 binh lính đã bị trúng độc, trong đó 1/10 tử vong.

CUỘC PHIÊU LƯU TRÊN BÁN ĐẢO GALIPÔLI

Tháng 11 năm 1914, đế quốc Ôttôman Thổ Nhĩ Kỳ tham gia khối các nước Đồng minh. Như vậy là các nước Đức, đế quốc Áo. Hung có thêm một “chiến hữu”.

Một phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ ở đầu Đông bán đảo Bancăng giáp với phía Nam nước Nga.

Tháng 1 năm 1915, Tổng tư lệnh quân Nga yêu cầu Anh đưa quân tấn công Thổ Nhĩ Kỳ. Lý do của ông ta rất xác đáng: trước đây 5 tháng, để giảm bớt sức ép cho Anh và Pháp ở tuyến phía Tây, quân Nga đã dùng mấy chục vạn quân tiến công Đức ở tuyến phía Đông; bây giờ đến lượt Anh đáp lại sự ủng hộ của Nga, còn dùng hải quân hay lục quân để tấn công Thổ Nhĩ Kỳ thì Nga không quan tâm.

Bộ trưởng Hải quân Anh Sớcxin chủ trương ủng hộ lại Nga, tấn công Thổ Nhĩ Kỳ trước để khống chế eo biển Đacđanen, cắt đứt liên lạc giữa Đức, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đề nghị của Tổng Tư lệnh quân Nga, Bộ Hải quân Anh quyết định tiến hành hành động quân sự này và yêu cầu hải quân Pháp hiệp đồng tác chiến.

Ngày 19 tháng 2, hạm đội liên hợp gồm 18 tàu chiến của Anh, 4 tàu chiến của Pháp và một số tầu phụ trợ tiến vào cửa eo biển Đacđanen. Chỉ huy hạm đội này là thượng tướng hải quân Anh Kađen. Ông chuẩn bị đổ bổ lên bán đảo Galipôli ở eo biển phía châu Âu.

Bán đảo Galipôli dài 90 km, rộng từ 6 đến 20 km, hoang vu, nhiều núi, chỉ có một con đường cái chạy dọc suốt cả đảo. Những mỏm núi và dốc đứng nhận ra eo biển Đacđanen giúp cho Thổ Nhĩ Kỳ có được một trận địa phòng ngự rất tốt, những hạm đội liên hợp được trang bị bằng đại bác cỡ 15 tấc Anh bắn phá dữ dội, nhanh chóng đã làm cho các pháo đài vòng ngoài của quân Thổ Nhĩ Kỳ phải câm miệng. Hạm đội lập tức cho đột kích lên bãi biển. Trong khi quân đột kích đang leo lên vách núi cạnh eo biển Đacđanen, thì bị lưới lửa tập kích. Hóa ra, Thổ Nhĩ Kỳ có trận địa phòng ngự vững chắc ẩn giấu sau vách núi cheo leo. Hạm đội trước đó không nghĩ đến việc cho người đi trinh sát, nên lúc này chỉ biết vãi đạn bừa bãi vào trận địa Thổ Nhĩ Kỳ, chẳng thu được chiến quả gì. Đến ngày 3 tháng 3, quân đổ bộ bị đánh lui.

Thượng tướng hải quân Kađen trước đó đinh ninh rằng, chỉ cần hạm đội của ông xuất hiện ở cửa eo biển Đacđanen là ý chí chiến đấu của quân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiêu tan, và vì vậy ông đã không vạch ra kế hoạch tác chiến cụ thể. Kết cục thất bại của hành động quân sự phiêu lưu này, khiến Kađen rất buồn.

Từ bài học xương máu đó, Kađen quyết định thay đổi phương thức chỉ huy cuộc tấn công lần thứ 2. Lần này, ông dự định cho tàu chiến cỡ lớn chạy vào eo biển Đacđanen rồi theo đường thủy, bắn phá các cụm pháo bố trí ở phía bờ bán đảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Bỗng nhiên Kađen lăn ra ốm, phải tạm thời trao quyền chỉ huy lại cho Thượng tướng hải quân Đlôbếch.

Trước tiên, Đlôbếch cho quét, sạch thủy lôi Thổ Nhĩ Kỳ thả trong eo biển. Ngày 18 tháng 3, sau khi xác nhận trong eo biển không còn thủy lôi nữa, ông mới hạ lệnh cho quân hạm tiến vào.

Tất cả các quân hạm đều an toàn vượt qua bãi thuỷ lôi ở ngoài tiến vào eo biển Đacđanen. Con đường thủy này dài không quá 60 km, theo báo cáo của trinh sát trong nửa ngày, hỏa lực của các chiến hạm đã phá hủy đại bộ phận pháo bố trí trên bờ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi các quân hạm quay lại tiếp tục tìm mục tiêu bắn phá thì tàu rà mìn lại rà một lần nữa ở những khu vực nguy hiểm. Bỗng nhiên oàng một tiếng chiếc tầu chiến của Pháp rung lên, trên boong tàu phụt lên một cột khói cao và một ngọn lửa. Thân tàu vẫn lao về phía trước, nhưng rất nhanh chóng lật úp và chìm xuống. Hạm trưởng và hơn 600 sĩ quan binh lính chìm xác dưới đáy biển.

Tướng Đlôbếch đưa kính viễn vọng lên quan sát cảnh tượng bất ngờ mà không sao hiểu nổi.

- Sao lại thế này? Pháo bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang bắn!

Ông lẩm bẩm nguyền rủa mấy câu rồi lập tức ra lệnh:

- Chú ý! Các tàu tiếp tục pháo kích trận địa quân địch!

Oàng! Oàng! Oàng! Những quả lửa cầu nối đuôi nhau từ trên quân hạm bay về phía trận địa quân Thổ Nhĩ Kỳ. Đến 4 giờ chiều, pháo bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ hầu như đã bị phá hủy toàn bộ.

Bỗng nhiên, những tiếng nổ dữ dội liên tiếp vang lên. Cùng với tiếng nổ, 3 quân hạm Anh chìm ngay xuống đáy biển.

Đlôbếch mặt tái đi, hét toáng lên:

- Thủy lôi, thì ra là thủy lôi! Bọn Thổ Nhĩ Kỳ xảo quyệt! Lũ gỡ mìn chết tiệt!

Đlôbếch sợ hạm đội sẽ thiệt hại lớn hơn bèn hạ lệnh cho tất cả các quân hạm rút khỏi eo biển Đacđanen. Nhưng trên đường quay về thêm 3 chiếc quân hạm Anh trúng thủy lôi, bị thương nặng vẫn cố ỳ ạch chạy về căn cứ.

Hóa ra, sau khi tàu phá mìn của hạm đội Anh - Pháp rà đi rà lại khu vực bố trí thủy lôi, một chiếc tàu nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ đã lén thả một loạt thủy lôi mới đúng vào chỗ hạm đội liên hợp vừa mới đi qua, chuyện này Đlôbếch hoàn toàn không biết gì nên đã bị thiệt hại lớn.

Hai lần tấn công bằng đường biển đều không giành được thắng lợi, Anh quyết định cử tướng Hamintơn chỉ huy chiến dịch ở bán đảo Galipôli. Dưới quyền ông là những quân lính mới được tập hợp lại gồm khoảng 78.000 người, trong đó đại bộ phận là quân Ôxtrâylia và Niu Dilân, có thêm một sư đoàn quân Pháp và một đơn vị quân đội Ấn Độ.

Khi nhận lệnh ở Luân Đôn Hamintơn hoàn toàn không biết một tý gì về tình hình bán đảo Galipôli. Tất cả tài liệu trong tay ông ta chỉ có một cuốn sách viết về huấn luyện lục quân của Thổ Nhĩ Kỳ, một tấm bản đồ khu vực tác chiến không đầy đủ, một cuốn hướng dẫn du lịch thủ đô Côngxtantinốp (nay là Ixtambun) vừa mới mua ở hiệu sách về.

Ông ta thậm chí cũng không biết trên bán đảo có nước ngọt hay không. Đề phòng chuyện đó xảy ra, Hamintơn lệnh cho binh lính ra chợ, ra phố mua các thùng phuy rỗng, các túi da và các đồ đựng nước. Ông cho tập hợp bộ đội trên một hòn đảo phía Tây nam bán đảo Galipôli, ngày 23 tháng 4 dùng chiến hạm chở quân vượt biển. Hai ngày sau, quân Hamintơn đổ bộ lên bán đảo Galipôli, bắt đầu cuộc tấn công phiêu lưu.

Phòng thủ bán đảo Galipôli là tập đoàn quân số 5 của Thổ Nhĩ Kỳ. Chỉ huy đội quân 84.000 người này là một viên tướng Đức. Tranh thủ lúc hạm đội liên hợp Anh - Pháp rút khỏi eo Đacđanen, tên tướng này tổ chức lại trận địa phòng thủ, bố trí mấy sư đoàn chốt ở những địa điểm mà đối phương có khả năng đổ bộ.

Hamintơn không có sự tính toán chu đáo về kế hoạch đổ bộ, chỉ vạch ra một cách chung chung là địa điểm độ bộ nằm trong phạm vi 20 dặm Anh hai mé đầu phía nam bán đảo, còn việc lựa chọn trận địa cụ thể, do sĩ quan chỉ huy tại hiện trường quyết định.

Các sĩ quan chỉ huy của Ôxtrâylia, Niu Dilân tin chắc đổ bộ vào ban đêm có thể giảm nguy hiểm tới mức thấp nhất nên chủ trương lợi dụng đêm tối đổ quân lên bờ. Một chiếc tầu đổ bộ vốn là một chiếc tầu chở than được sửa chữa lại, chở 2000 quân từ từ cập vào bờ. Đột nhiên, đại bác của Thổ Nhĩ Kỳ khai hỏa. Mũi tầu xô vào bãi cát bị két cứng, nước ở đây lại rất sâu không lội được. Rất nhiều binh lính chưa kịp nhảy lên bờ đã bị đại bác địch bắn chết hoặc chìm xuống đáy biển.

Ngày hôm sau, 16.000 quân Ôxtrâylia và Niu Dilân cũng đổ bộ được lên bờ, nhưng đành nằm chết dí dưới chân dốc và lưng đồi trước hỏa lực mãnh liệt của quân Thổ. Mất bốn năm ngày, hai bên cứ cầm cự với nhau như vậy, không bên nào đuổi được bên nào.

Ngày 1 tháng 5, tập đoàn quân số 5 của Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc phản công vào trận địa bãi biển. Qua 3 ngày kịch chiến, quân của Hamintơn tử thương mất 1/3, nhưng tập đoàn quân số 5 của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vẫn chỉ khống chế được các cao điểm, không sao đuổi nổi cánh quân của Ôxtrâylia và Niu Dilân đã đổ bộ được lên.

Đến cuối tháng 5, trên bãi chiến trường nhỏ hẹp này đã ngổn ngang 8000 xác chết của cả hai bên, không khí ở đây ngập ngụa mùi hôi thối. Do sự hối thúc của các nhân viên y tế, chỉ huy của quân Ôxtrâylia và Niu Dilân thỏa thuận với quân Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên ngừng chiến 9 tiếng đồng hồ để chôn cất người chết.

Đến giờ quy định, tất cả những người tham gia chôn cất người chết đều đeo băng trắng, lặng lẽ đào những rãnh sâu. Lúc đầu mọi người còn tranh thủ lén lút quan sát chiến hào của đối phương, nhưng chỉ lát sau hai bên đã dùng tiếng Anh và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ để nói chuyện với nhau; có người lại còn biếu nhau thuốc lá và trao đổi với nhau những đồ lặt vặt.

Hết thời gian ngừng bắn. Hai bên bắt tay nhau, chào chia tay, ai về chiến hào người ấy, ít phút sau đó, chiến trường lại vang lên tiếng súng nổ tới tấp.

Đầu tháng 8, Anh lại gửi đến 10 vạn quân, đổ bộ lên vịnh Supra ở Tây Bắc bán đảo Galipôli. Quân Thổ Nhĩ Kỳ không trụ nổi trước sức tấn công của binh lực hùng mạnh Anh, từ trận địa bãi biển rút lui về cao điểm chờ viện binh. Quân Anh sau khi chiếm được giải đất rộng 17 km sâu 4 km, cũng không tiếp tục tiến sâu thêm nữa. Kết quả là tập đoàn quân thứ 5 của Thổ Nhĩ Kỳ có thời gian điều quân tiếp viện tới.

Khi quân Anh một lần nữa mở cuộc tấn công lên cao điểm, họ phải đối mặt với quân Thổ Nhĩ Kỳ đã được tăng cường. Thế nhưng Hamintơn chủ quan tưởng rằng khu vực này đối phương đã rút lui vì không còn lực lượng. Kết quả, quân Anh lại gặp phải số phận thảm hại như đã gặp ở mỏm Nam bán đảo. Ít lâu sau, Hamintơn bị truất quyền chỉ huy.

Tháng 11, bầu trời trên bán đảo Galipôli lúc nào cũng ầm ầm tiếng sấm. Những cơn mưa như trút nước kéo dài suốt 24 giờ liền, tiếp đó là những trận bão tuyết, mặt đất tuyết phủ dày đến 2 thước Anh. Quân lính Ôxtrâylia, Niu Dilân ở mỏm Nam bán đảo kéo nhau núp trong các hang động và các đường hầm ngầm dưới đất; còn quân Anh trên vịnh Sufra hầu như không nơi ẩn náu. Mưa to biến các lạch nước và khe suối thành những dòng nước xiết gào thét cuốn đi hàng tấn bùn nhão. Bộ chỉ huy quân Anh không có sự chuẩn bị để đối phó với khí hậu ác liệt này. Áo quần không đủ ấm, chết đuối đã đành, nhiều binh lính còn bị chết rét trong chiến hào, hơn 5000 người bị cái lạnh làm nứt nẻ da thịt.

Bộ Lục quân Anh đến lúc này mới từ bỏ ý định phiên lưu trên bán đảo Galipôli, hạ lệnh bắt đầu rút lui từ ngày 19 tháng 12.

Thời gian rút lui mất vừa tròn 20 ngày. Trên đường rút lui, họ phải rải những túi cát để đối phương không nghe thấy tiếng bước chân. Cuộc tấn công lên bán đảo Galipôli thất bại nhưng cuộc rút lui lại thành công. Quân Anh đã rút hết ra khỏi bán đảo rồi mà quân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cứ như chui trong trống, tiếp tục vãi đạn, nã đại bác vào chiến hào quân Anh lúc ấy trống trơn không có lấy một người.

Năm 1915, khoảng 50 vạn binh lính các nước khối Hiệp ước tham gia vào cuộc phiêu lưu quân sự này, số thương vong chiếm trên một nửa. Quân số của Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến cũng tới 50 vạn, một nửa bị thương vong. Tuy số thương vong hai bên gần ngang nhau, nhưng chủ lực của quân phòng thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tiêu diệt.

Do thất bại trong chiến dịch ở bán đảo Galipôli, Bộ trưởng Hải quân Anh Sớcxin, người chủ trương cuộc phiêu lưu này đã bị đưa ra khỏi nội các. Mãi đến năm 1917, ông mới lấy lại được sự tín nhiệm và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân một lần nữa.

“CỖ MÁY XAY THỊT VÉCĐOONG”

Tướng Pháp Giốpphơrơ bực bội suốt cả ngày vì một bản báo cáo quân sự.

Ông xem lại một lần nữa phần kiến nghị trong báo cáo rồi quẳng nó sang một bên. “Hừ! Tăng cường phòng thủ Vécđoong, thật là vớ vẩn!”

Đây là bản báo cáo của Đoàn đại biểu Hội đồng Lục quân viết sau khi thăm Vécđoong. Báo cáo nói, nhiều dấu hiệu chứng tỏ quân Đức sẽ tấn công mạnh cứ điểm quan trọng Vécđoong, mà lực lượng phòng thủ ở đây thì rất yếu. Báo cáo kiến nghị Bộ Lục quân có biện pháp tăng cường.

Giốpphơrơ hoàn toàn không đồng ý với quan điểm trong báo cáo. Là Tổng tư lệnh quân đội Pháp, ông có thể không cần đếm xỉa đến bản báo cáo này, nhưng nó lại do ông Bộ trưởng Lục quân đích thân phê chuyển và yêu cầu Giốphơrơ cho ý kiến. Giôphơrơ bứt rứt cả ngày, cuối cùng bảo viên sĩ quan phụ tá mời Tổng tham mưu trưởng đến bàn.

Giốpphơrơ cầm bản báo cáo lên, phẫn nộ nói:

- Quân nhân dưới quyền chỉ huy của tôi lại dám vượt cấp đem lời oán thán và kháng nghị gửi lên Chính phủ, cố ý làm rối loạn kỷ luật của lục quân, thật chẳng ra thể thống gì!

Cái này. . . à. . . vâng, việc trực tiếp báo cáo với ngài Bộ trưởng tình hình ở tiền tuyến quả là khí không phải. Nhưng thưa ngài Tổng tư lệnh, chúng ta rút khỏi cứ điểm quan trọng nhiều pháo thế, phải chăng. . .

Giốpphơrơ thô bạo cắt ngang lời đối phương:

- “Phải chăng”, “phải chăng” cái gì? Đứng về mục đích quân sự mà xét, cứ điểm Vécđoong đã hoàn toàn vô dụng! Trong tay người Đức có đại bác 16,5 tấc Anh, cứ điểm quan trọng Liegiơ thất thủ là bằng chứng rõ ràng. Cố thủ cứ điểm đã lỗi thời từ lâu rồi. Phải dùng công sự dã chiến thọc sâu vào để thay thế!

- Nhưng nếu Vécđoong mất thì Pari sẽ bị uy hiếp nghiêm trọng.

Giốpphơrơ cười với vẻ khinh miệt:

Người Đức đã từng đến cách Pari 15 km còn bị chúng ta đánh lui. Vécđoong cách Pari hơn 200 km thì sợ gì!

- Nhưng Vécđoong là cứ điểm quan trọng nổi tiếng của nước Pháp, để mất nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần quân đội.

- Điều tôi thú vị nhất là chiến dịch Xommơ sắp mở màn Xommơ đánh thắng thì tự nhiên Vécđoong sẽ được giải quyết. Vả lại chẳng phải ở Vécđoong còn tới 4 sư, 10 vạn người sao?

- Vâng, nhưng đại bác đã chuyển đi, còn không đến 300 cỗ.

-Phải tập trung lực lượng đánh thắng trận Xommơ này. Quân ở Vécđoong có thể giữ 4 sư, còn đại bác có thể phải chuyển đi thêm mấy chục khẩu nữa.

- Thế trả lời như thế nào với ngài Bộ trưởng ạ?

Giốphơrơ suy nghĩ một lát, nhét báo cáo vào ngăn kéo, cười nói:

- Thế này vậy, ta chưa vội trả lời.

Thông tin và kiến nghị mà báo cáo quân sự cung cấp rất chính xác. Tháng 1 năm 1916, trong khi đại bác ở Vécđoong đang được di chuyển khỏi tháp pháo thì quân Đức đã bắt đầu thi hành kế hoạch hành động mang mã hiệu “Nơi hành quyết”, chuẩn bị bao vây tấn công Vécđoong.

Người vạch ra kế hoạch này là tham mưu trưởng mới của quân Đức Phankenhan, người thay thế Môncơ. Mục tiêu chiến lược của ông này là tấn công vào một căn cứ quân sự quan trọng mà Pháp không thể từ bỏ, bắt Pháp phải dốc vào đó toàn bộ binh lực, sau đó ông ta sẽ cho tiêu diệt, “làm cho Pháp chảy hết máu”, tan rã về quân sự, từ đó buộc phải đầu hàng.

Cứ điểm quân sự mà Phankenhan quyết định chọn chính là Vécđoong mà tướng Giơpphơrơ coi thường!

Để chuẩn bị cho cuộc tấn công này, Phankenhan hạ lệnh huy động toàn bộ đại bác ở mặt trận Nga, bán đảo Bancăng và của nhà máy quân giới Crúp về tập trung chung quanh mục tiêu tấn công. Trên một chiến tuyến chỉ dài 12 km, bố trí 1000 cỗ đại bác, trận địa tiền duyên còn có hơn 500 khẩu súng phóng bom. Lực lượng tấn công có 10 sư 27 vạn người, tức là gần gấp 3 lần quân Pháp phòng thủ Vécđoong.

7 giờ 15 phút sáng sớm ngày 21 tháng 2, cuộc tấn công của quân Đức bắt đầu.

Sau loạt pháo hiệu bắn lên không trung, pháo bầy của Đức tập trung dội vào pháo đài Vécđoong với tốc độ 10 vạn phát một giờ. 13 cỗ đại bác công thành cỡ 16,5 tấc Anh gầm lên rung trời chuyển đất, phóng đi những viên đạn nặng cả tấn vào những công trình, kiên cố nhất trong cứ điểm. Súng phóng bom bắn đi những trái bom chứa trên 100 cân Anh thuốc nổ và mảnh vụn kim loại, phá huỷ hoàn toàn từng đoạn, từng đoạn hệ thống chiến hào của quân Pháp. Pháo cao tốc cỡ 5,2 tấc Anh, bắn bom bi với tốc độ của đạn súng trường, làm cho quân Pháp chưa kịp tránh đã toi mạng. Ngoài ra, quân Đức còn dùng cả súng phun lửa.

Sau 12 giờ đánh phá dữ dội, hệ thống chiến hào nằm trong vùng tam giác gần cứ điểm Vécđoong bị phá huỷ hoàn toàn, rừng bị cháy trụi, đỉnh núi bị san bằng, cả phòng tuyến quân Pháp chìm trong khói lửa mịt mù.

“Xung phong!”, trận pháo kích vừa ngừng, 6 sư đoàn bộ binh Đức gào thét, từ trên chiến tuyến chỉ rộng 10 km xông vào phòng tuyến quân Pháp.

Trận địa quân Pháp chỉ còn là một bể lửa, nhưng binh sĩ vẫn anh dũng chống cự. Sau hai ngày kịch chiến, quân Đức bắt được hơn một vạn tù binh, 65 cỗ đại bác, phòng tuyến chủ yếu của Pháp đã bị chọc thủng.

Báo cáo khẩn cấp quân Đức tấn công Vécđoong, ngay đêm hôm ấy được đưa đến Bộ Tổng tư lệnh quân Pháp.

Viên sĩ quan phụ tá nói ngắn gọn với người mang tin đến:

- Tướng Giốphơrơ đã đi ngủ, không thể đánh thức ngài dậy.

- Nhưng đây là quân báo khẩn cấp Vécđoong sắp thất thủ phải báo cáo ngay với Tổng tư lệnh. Người nọ sốt ruột nói.

Viên sĩ quan phụ tá nhún vai:

- Không được, 10 giờ tối. Tổng tư lệnh đang ngủ, không ai được phép quấy rầy ngài!

Tinh mơ hôm sau, Giốphơrơ mới được biết tin quân Đức đại tấn công Vécđoong. Lại một ngày nữa qua đi, ông ta mới ra lệnh cho Tổng tham mưu trưởng:

- Xem ra, Vécđoong không thể để mất vào tay người Đức. Ông hãy lập tức đến đó truyền lệnh của tôi: Bằng mọi giá phải tử thủ trận địa, nếu không sẽ ảnh hưởng đến cả cục diện chiến tranh!

Ngày 25 tháng 2, Giốpphơrơ quyết định cử tướng Pêtanh làm tư lệnh khu vực Vécđoong và đưa thêm rất nhiều viện binh đến.

Đêm hôm ấy, Pêtanh đến Vécđoong. Ngay ngày hôm ấy, pháo đài Đômông ở đông bắc cứ điểm Vécđoong đã bị quân Đức chiếm. Pháo đài này, trước đây có một sư đoàn khinh bộ binh cố thủ, đã bị 12 vạn quả đại bác của Đức bắn cho tan tác. Một chi đội tuần tra 9 người của quân Đức, trong mưa gió và khói đạn mịt mù, không bắn lấy một viên đạn đã chiếm được pháo đài kiên cố này. Vécđoong đứng trước nguy cơ bị bao vây.

Pêtanh thấy tình hình nguy cấp, lập tức vạch ra cho quân lính ở tiền tuyến một tuyến đốc chiến, ra nghiêm lệnh phải bằng mọi cách chặn đứng cuộc tấn công của quân Đức, không được lùi quá tuyến ấy.

Vấn đề quan trọng nhất còn lại là làm thế nào bảo đảm cho viện binh và súng ống đạn dược đến được nhanh chóng, nếu không thì không có cách gì giữ được Vécđoong.

Pêtanh triệu tập các sĩ quan chỉ huy lại hỏi:

- Bây giờ còn mấy tuyến giao thông có thể thông với hậu phương?

- Ngoài một con đường phụ thông đến Tây Nam có thể còn tạm đi được, toàn bộ các tuyến đường khác đều bị đại bác Đức cắt đứt. Một viên sĩ quan phụ trách hậu cầu chau mày nói.

- Dọc theo con đường này còn có một tuyến đường sắt hẹp chạy một chiều. Một sĩ quan chỉ huy khác nói thêm: Thường ngày vẫn dùng nó để vận chuyển tiếp tế quân phòng vệ, nhưng lượng vận tải, rất nhỏ, hơn nữa cũng đã bị quân Đức phá hoại nghiêm trọng.

Pêtanh tỏ ra quan tâm đến tuyến đường này, vội hỏi:

- Đường rộng bao nhiêu?

- 6 mét

- Mặt đường thế nào? Chịu nổi xe tải hạng nặng không?

- Mặt đường không tốt lắm, còn phải xem có bao nhiêu xe chạy qua.

Pêtanh cầm cuốn sổ lên, dùng bút chì hí hoáy tính toán một lát, rồi nói:

- Theo tình hình trước mắt, chúng ta phải tập trung được 20 vạn quân trong vòng 1 tuần lễ mới có thể ngang bằng với binh lực của Đức. Tương ứng với việc này; chúng ta cần có hơn 2 vạn tấn súng ống đạn dược - Ông ta lại hý hoáy tính toán, sau đó nói tiếp - Muốn vận chuyển một lực lượng quân đội và súng ống đạn dược như thế này, chúng ta phải bảo đảm mỗi ngày đêm có 6000 xe đến đây. Như vậy bình quân cứ 14 giây có một chiếc xe đi qua con đường này.

Các sĩ quan chỉ huy nghe xong đều ngơ ngác nhìn nhau, không ai nói một lời.

Pêtanh bỗng vụt đứng dậy, giọng rất nghiêm túc:

- Bây giờ tôi ra lệnh: Lập tức tổ chức ngay một Đội sửa đường gấp vận Động dân chúng ven đường giúp đỡ lát và mở rộng mặt đường. Kể từ ngày 27, phải bảo đảm cho xe chạy an toàn trên con đường này 24 giờ / 24 giờ. Vécđoong giữ được hay không là do việc này. Khẩu hiệu của chúng ta: “Quyết không cho quân Đức đi qua Vécđoong!”.

Mệnh lệnh của Pêtanh được chấp hành triệt để. Ròng rã 7 ngày, xe vun vút phóng trên con đường này như nước chảy, 19 vạn viện binh và 25.000 tấn súng ống đạn dược đã được nhanh chóng chuyển đến Vécđoong nhờ con đường mà việc vận tải từ hậu phương đến Vécđoong được bảo đảm nên người Pháp gọi đó là “con đường của Chúa”.

Lực lượng quân sự hai bên dần dần đi đến chỗ cân bằng, cao trào tấn công lần thứ nhất dịu dần. Quân Đức tuy có giành được một số tiến triển nhưng còn cách rất xa so với yêu cầu của kế hoạch hành động “Nơi hành quyết” của Phakenhan. Cuối tháng 4, vì có công bảo vệ Vécđoong, Pêtanh được thăng chức làm Tư lệnh Phương diện quân.

Sau đó, quân Đức lại phát động hai cao trào tấn công và chiếm được một pháo đài khác của Vêcđoong, nhưng vẫn chưa hạ được cứ điểm quan trọng này.

Mùa thu, quân Pháp bắt đầu phản công, thu hồi lại được hai pháo đài bị mất và phần lớn đất đai đã lọt vào tay quân Đức. Ngày 18 tháng 12, chiến dịch Vécđoong kết thúc.

Trong chiến dịch quy mô to lớn này, phía quân Đức dốc vào cả thảy 46 sư đoàn; toàn bộ 70 sư đoàn của quân Pháp có 66 sư đã lần lượt tham gia chiến đấu. Trong cuộc tàn sát đẫm máu ở Vécđoong, hai bên thương vong hơn 70 vạn người, vì lẽ đó Vécđoong được mệnh danh là “cỗ máy xay thịt Vécđoong”. Chiến sự còn chưa kết thúc, Đức hoàng đã hiểu ra kế hoạch Phankenhan không chỉ “làm cho máu nước Pháp chảy hết” mà cũng làm nước Đức chảy hết máu, cho nên hoàng đế đã phê chuẩn việc xin từ chức của Tổng tham mưu trưởng Phankenhan.