Thế giới 5000 năm

Nổi Sóng

NỔI SÓNG

Dòng sông lịch sử cuồn cuộn chảy, loài người đã tiến vào thế kỷ XX.
Từ săn bắt di chuyển khắp nơi tới trồng trọt chăn nuôi định cư một chỗ, từ thao tác thủ công đến cơ giới hóa, tự động hóa và điều khiển từ xa, loài người để chinh phục thiên nhiên, đã phải dãi gió dầm mưa, vượt mọi chông gai, tiến hành những cuộc cách mạng và tiến vọt liên tục về sức sản xuất.
Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XX, lịch sử đã phải chứng kiến hai cuộc đại chiến thế giới do chủ nghĩa đế quốc gây ra. Kỹ thuật tiên tiến được dùng làm vũ khí giết người, những công trình kiến trúc đồ sộ và tác phẩm nghệ thuật quý giá với công sức mồ hôi đóng góp của hàng triệu người bị huỷ hoại trong chốc lát. Chuyện đó rút cục là vì cái gì?
Chủ nghĩa đế quốc là chiến tranh.
Từ cuối thế kỷ XIX, khi con yêu ma đế quốc chủ nghĩa này ra đời tới nay, thế giới không bao giờ được yên ổn. Con quái vật tư bản chủ nghĩa lũng đoạn, thối nát, giẫy chết, đối nội thì đàn áp bóc lột quần chúng lao động, đối ngoại thì xâm lược và cướp bóc nhân dân thuộc địa, cộng thêm sự cắn xé tranh ăn giữa đế quốc với đế quốc, đã gây ra biết bao đau khổ nặng nề cho thế giới, nhân dân thế giới như phải sống trong đêm dài mịt mùng đen tối.
Canh chày khắc khoải, biết khi nào sáng?
Chủ nghĩa đế quốc là đêm trước của cách mạng vô sản. Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917 như tia chớp xé toang bầu trời, đem lại ánh sáng cho thế giới đen tối. Từ đó ánh bình minh chiếu rọi khắp toàn cầu, lịch sử loài người mở ra một kỷ nguyên mới.
Thời đại ngày nay, có thể nói là thời đại của chủ nghĩa đế quốc và cách mạng vô sản. Cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đã từ những đốm lửa tụ hội thành ngọn lửa to lớn thiêu cháy tất cả. Dĩ nhiên, mâu thuẫn trên thế giới thường rất phức tạp đan xen vào nhau. Có khi, mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc có thể trở nên gay gắt hơn, đó chính là nguyên nhân khiến chiến tranh thế giới lần thứ hai đã nổ ra trước tiên là giữa nước Đức với các nước Anh và Pháp. Do Liên Xô xã hội chủ nghĩa tham chiến, và nhân dân các nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo đã tham chiến, nên thế chiến thứ hai mang tính chất chống phát xít rõ rệt. Cuộc đại chiến đã làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc. Cách mạng nhân dân đã lần lượt giành được thắng lợi trong nhiều nước. Nhân dân khắp năm châu bốn biển, trào lưu cách mạng sục sôi cuồn cuộn, tương lai ngày càng sáng sủa. Tuy con đường khúc khuỷu quanh co, nhưng con quái vật đế quốc chủ nghĩa này dứt khoát có ngày sẽ bị tiêu diệt, loài người dứt khoát vào nhiều năm sau sẽ thực hiện được chủ nghĩa cộng sản một thế giới đại đồng không còn bóc lột và áp bức.
Lịch sử hiện đại thế giới đại thể bao gồm mấy giai đoạn như sau:
Từ cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 tới năm 1923, là những năm tháng bão táp cách mạng lan khắp toàn cầu: Nước Nga Xô viết mới ra đời đã chiến thắng sự xâm lược của nhiều nước đế quốc, được củng cố và lớn mạnh. Cuộc đấu tranh cách mạng của các nước trên thế giới sôi sục.
Từ năm 1924 đến năm 1928 là thời kỳ ổn định tương đối, cũng là thời kỳ tập hợp lực lượng cách mạng.
Từ năm 1929 đến năm 1939 là thời kỳ đại khủng hoảng kinh tế tư bản chủ nghĩa và thai nghén cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai. Bọn xâm lược phát xít ba nước Đức, Nhật, Italia, rục rịch hành động; tại châu Á, bùng nổ chiến tranh xâm lược Trung Quốc của Nhật Bản, tại châu Phi nổ ra chiến tranh Italia xâm lược Êtiôpia, tại châu Âu thì có đàn áp cách mạng Tây Ban Nha là hành động tội ác phát xít thôn tính Áo, Tiệp Khắc.
Từ năm 1939 đến năm 1945 là thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai, cũng là thời kỳ đấu tranh chống phát xít gian nan vất vả nhất. Nhân dân thế giới cuối cùng đã giành được thắng lợi, cuộc đấu tranh giải phóng của giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đã mở ra một cục diện mới mẻ. Biến đổi khôn lường của nửa thế kỷ, sáng tạo văn minh của nửa thế kỷ - bao gồm xây dựng công nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, văn học kỹ thuật, giáo dục y tế có thể nói một ngày tiến nghìn dặm, không một thời kỳ lịch sử nào trước kia có thể so sánh được. Trào lưu thời đại cuồn cuộn dâng lên. Trong đó có biết bao nhiêu chuyện xúc động lòng người, biết bao nhiêu sự kiện thăng trầm ly kỳ, biết bao nhiêu kỳ tích khiến người đời phải vô cùng kinh ngạc, thật là một bức tranh hoành tráng trên cõi đời rực rỡ muôn mầu. Giờ đây, chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn mấy bức trong cuộn tranh dài muôn trượng này!

BẢO VỆ SARITSIN

Saritsin (nay là Vôngagrát) một thành phố hạ lưu sông Vônga, năm 1925 đổi tên thành Stalingrát.
Sở dĩ đổi thành tên này là để biểu dương công trạng Stalin đã giành được trong việc bảo vệ Saritsin năm 1918.
Để nhà nước Xô viết non trẻ có thời cơ nghỉ ngơi lấy sức, với sự kiên trì của Lênin, nước Nga Xô viết đã ký hoà ước Brét - Litốp với đế quốc Đức vào ngày 14 tháng 3 năm 1918. Do đó có thời gian củng cố chính quyền, điều chỉnh kinh tế, xây dựng Hồng quân. Nhưng đảng và Lênin hiểu rất rõ, thời cơ này không thể kéo dài lâu được. Giai cấp tư sản địa chủ bị lật đổ ở trong nước mưu đồ tìm mọi cách lật đổ chính quyền Xô viết. Chủ nghĩa đế quốc quốc tế lo sợ kinh nghiệm của Cách mạng tháng Mười sẽ lan tới nước mình, nguy hại đến nền thống trị của chúng. Các nước trong khối Hiệp ước Anh, Pháp càng tức giận trước việc Nhà nước Xô viết rút ra khỏi chiến tranh. Do đó, tất cả đã cấu kết với nhau, mưu toan “bóp chết ngay trong nôi chính quyền Xô viết non trẻ.
Đúng như vậy. Từ tháng 3 năm 1918, quân xâm lược của các nước Anh, Pháp, Mỹ, Nhật lần lượt xâm nhập lãnh thổ nước Nga. Tháng 6, đế quốc Đức cũng xé bỏ hòa ước, xâm nhập vào nội địa nước Nga.
Được sự giúp đỡ của đế quốc nước ngoài, một số tướng lĩnh thời Sa hoàng ráo riết tổ chức quân đội gây phản loạn chống cách mạng ở nhiều nơi.
Thế là 3/4 lãnh thổ nước Nga Xô viết bị quân thù xâm chiếm, chính quyền mới đứng trước nguy cơ chết yểu!
Vì phần lớn đất đai đã lọt vào tay quân địch, thủ đô mới dời về Matxcơva bị cách biệt với vùng sản xuất lương thực giầu có và các vùng cung cấp cơ bản nguyên liệu, nhiên liệu:
Khi ấy, nóng bỏng cấp thiết là vấn đề lương thực. Việc cung cấp lương thực cho thủ đô cực kỳ căng thẳng, công nhân mỗi ngày chỉ được lãnh 1/8 bảng bánh mì mà vẫn không thể bảo đảm cung cấp nổi, cung cấp cho tiền tuyến cũng chẳng khá hơn bao nhiêu. Với một tí chút lương thực như vậy, công nhân làm sao no bụng được để sản xuất? Làm sao binh lính đủ sức chống lại quân thù?
Vậy mà, chỉ một chút ít lương thực như vậy thôi cũng phải trông mong vào sự cung cấp của Saritsin, vì thành phố này khi ấy vẫn còn nằm trong tay chính quyền Xô viết. Nếu Saritsin thất thủ thì chẳng những Matxcơva mất nguồn lương thực mà quân thù còn có điều kiện liên kết được với nhau trực tiếp đe doạ an toàn của thủ đô. Do vậy, vấn đề lương thực gắn bó với vấn đề quân sự.
Hội đồng dân uỷ quyết định giao nhiệm vụ nặng nề bảo vệ Saritsin cho Stalin, bổ nhiệm ông làm người lãnh đạo lo liệu quản lý toàn bộ công việc lương thực miền nam nước Nga, kiêm Tổng chỉ huy chiến khu miền Nam.
Stalin đứng trước một nhiệm vụ cực kỳ gian nan vất vả. Saritsin tuy trong tay chính quyền Xô viết, nhưng bọn phú nông phản động ở đây thà để lương thực mục nát ngoài đồng, chứ không muốn mang bán cho chính quyền mới. Một số kẻ xấu trà trộn trong cơ quan lương thực lại ngầm cấu kết với bọn phú nông, hùa nhau phá rối. Một số con buôn đầu cơ tích trữ làm rối loạn thị trường: Cộng thêm đường sắt không được sửa chữa, toa xe thiếu thốn, quân bạch vệ liên tục tấn công phá hoại, nên dù có thu gom được phần nào lương thực, thì việc chuyên chở về Matxcơva cũng thật không dễ dàng.
Ngày 4 tháng 6 năm ấy, Stalin chỉ huy một đội ngũ gồm 450 công nhân Matxcơva tới Saritsin. Tới nơi, ông áp dụng những biện pháp hết sức kiên quyết, biên chế lại đội ngũ Hồng quân, thanh trừng một loạt những phần tử chống đối, thành lập bộ tư lệnh quân khu thống nhất, tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với quân đội, đồng thời thực hiện chế độ phân phối lương thực, hạn chế việc bán lậu lương thực, tấn công mạnh vào hoạt động đầu cơ phá hoại của bọn gian thương và phú nông.
Và thế là từng đoàn tầu hỏa chở đầy lương thực đã nhanh chóng từ Saritsin chạy về Matxcơva.
Trung tuần tháng 8, quân bạch vệ được sự ủng hộ của đế quốc Đức, tấn công Saritsin.
Chỉ huy đội quân bạch vệ này là một tư lệnh quân đoàn kỵ binh dưới trướng Kêrenski. Hắn có gần 6 vạn binh lính, hơn 600 súng máy, hơn 170 khẩu đại pháo, thêm 20 chiếc máy bay, một lực lượng tấn công khá mạnh.
Hồng quân bảo vệ Saritsin chưa đầy 4 vạn, vũ khí cũng không nhiều bằng quân địch. Nhưng dưới sự chỉ huy của Stalin, Hồng quân đã cùng với công nhân và nhân dân thành phố kiên cường chiến đấu anh dũng giết giặc, khiến quân bạch vệ không làm gì được.
Họ đã lấy ít thắng nhiều, lấy yếu đánh mạnh như thế nào?
Hồng quân sử dụng những xe thiết giáp tả xung hữu đột đẩy lui nhiều đợt tấn công của quân địch, dùng hỏa lực áp đảo tiêu diệt rất nhiều địch.
Anh em công nhân lưng gài đạn, mình đeo súng, vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu. Những khẩu đại bác hỏng hóc vừa từ tiền tuyến kéo về nhà máy, nòng pháo còn nóng bỏng, anh em công nhân lập tức sửa chữa ngay.
Nhân dân vùng giáp mặt trận được tổ chức lại, đảm nhiệm những công việc nặng nề như đào chiến hào, vận chuyển đạn dược, cứu chữa thương binh.
Qua mười ngày anh dũng chiến đấu, quân địch buộc phải tháo lui.
Ngày 30 tháng 8, thành viên nhóm khủng bố trong đảng Xã hội Cách mạng đã hèn hạ nổ súng bắn bị thương Lênin. Ban chấp hành Trung ương toàn Nga phát đi lá thư gửi nhân dân về sự kiện Lênin bị ám sát, kêu gọi nhân dân cả nước chống lại hành động khủng bố bất nhân của kẻ thù cách mạng. Quân dân Saritsin nhiệt liệt hưởng ứng, kiên quyết đẩy lùi quân bạch vệ bằng hành động thực tế, làm theo lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương toàn Nga.
Mùa thu năm ấy, nước Đức nổ ra cách mạng, ít lâu sau nền thống trị chuyên chế của vua Đức bị lật đổ. Tư lệnh quân đoàn kỵ binh bạch vệ bị đánh bại dưới thành Saritsin, thấy đế quốc Đức đã thất thế, liền đi theo chủ mới - đế quốc Anh, Pháp.
Trung tuần tháng 11, tư lệnh quân đoàn kỵ binh bạch vệ liên kết với một tướng Nga phản động khác tấn công Saritsin lần thứ hai. Quân bạch vệ vây đánh Saritsin lần này có tất cả 12 sư kỵ binh và 8 sư bộ binh, binh lực lớn hơn lần trước nhiều. Về mặt trang bị vũ khí, chúng được đế quốc Anh, Pháp cung cấp đầy đủ.
Saritsin bị bao vây tứ phía, tình hình vô cùng nguy ngập!
Để cổ vũ tinh thần chiến đấu cho Hồng quân, Stalin hàng ngày mấy lần ra tiền tuyến, đích thân chỉ huy tác chiến.
Đạn pháo không đủ, Stalin ra lệnh cho nhà máy địa phương tức thời sản xuất.
Binh lính không đủ, Stalin động viên nhân dân toàn thành phố ra tiền tuyến. Trước sự chống trả của quân dân toàn thành phố, cuộc tấn công của quân bạch vệ một lần nữa bị đánh bại. Ít lâu sau, Hồng quân Saritsin chuyển sang phản công toàn diện, giành được thắng lợi cuối cùng.
Trong thời gian diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ Saritsin, hơn 2000 toa xe lương thực và thực phẩm được chở về Matxcơva, khiến cho tình trạng thiếu thốn lương thực ở thủ đô bớt căng thẳng. Âm mưu liên kết nhau tấn công Matxcơva của quận thù đã bị phá sản hoàn toàn.

“SÁNG KIẾN VĨ ĐẠI”

Từ mùa xuân năm 1919, Nhà nước Xô Viết lại phải đương đầu với thử thách nghiêm trọng của sự can thiệp vũ trang đế quốc nước ngoài.
Từng đoàn tầu quân sự hối hả chạy ra tiền tuyến. Vận tải đường sắt cực kỳ quan trọng!
Một hôm, chi bộ đảng một kho đầu máy thuộc chi cục đường sắt Matxcơva Kazan nhóm họp, thảo luận làm thế nào vận chuyển được thật nhanh chóng vật tư quân sự ra tiền tuyến, để chiến sĩ Hồng quân tiêu diệt được nhiều quân thù hơn.
Bí thư chi bộ nói:
- Hiện nay quân bạch vệ Côntrát được đế quốc Anh, Pháp ủng hộ giúp đỡ, đang tiến về phía sông Vônga, tình hình vô cùng nguy cấp. Trung ương Đảng kêu gọi chúng ta : Làm việc với tinh thần cách mạng, chúng ta phải hưởng ứng như thế nào? Tôi đề nghị, chiều thứ bẩy hết ca chúng ta không về, ở lại làm tăng thêm ca!
Đề nghị này được toàn thể đảng viên nhất trí tán thành.
Ngày 12 tháng 4 là thứ bẩy, sau khi tan ca, 13 đảng viên và hai quần chúng tích cực của chi bộ đã ở lại tiếp tục làm việc.
Lúc tám giờ, họ nghe nói, hai đoàn tàu phải ra tiền tuyến ngay, nhưng cung đường sắt không điều được đầu máy, hơn 2000 chiến sĩ Hồng quân chờ trên tàu vô cùng sốt ruột.
Họ bèn quyết định cấp tốc sửa ngay hai đầu máy, kịp thời đưa Hồng quân ra tiền tuyến.
Bí thư chi bộ cởi áo khoác quẳng sang một bên, cùng mọi người tham gia khiêng. Mọi người hò nhau lao động, chuyển những vành đai bánh thép nặng sáu bẩy mươi kilô ra bãi sửa chữa, rồi chui xuống gầm đầu máy khẩn trương lắp ráp.
Mấy tiếng đồng hồ trôi qua, tất cả đều mồ hôi nhễ nhại, mặt mũi nhem nhuốc dầu mỡ, bụng đói réo òng ọc. Khi ấy mỗi ngày một người chỉ được ăn nửa bảng bánh mì, làm việc suốt một ngày rồi lại tăng ca, thật sự là bở hơi tai.
Nhưng mọi người đều thấy, mình đã hưởng ứng lời kêu gọi- “Làm việc với tinh thần cách mạng” của Trung ương Đảng bằng hành động thực tế. Những chiếc đầu máy được sửa gấp hôm nay, là một đòn giáng vào quân bạch vệ Côntrát, vì thế tinh thần phấn khởi, họ quên cả đói và mệt.Tới 12 giờ đêm, họ đã sửa chữa xong hai chiếc đầu máy. Lát sau, hai đoàn tàu rời khỏi ga, chạy ra tiền tuyến.
Bí thư chi bộ bỏ mũ ra vẫy chào và hát bài “Quốc tế ca”. Thế là, trên ga hai đoàn tàu đang chuyển bánh cũng vang lên tiếng hát trang nghiêm hùng tráng.
Đoàn tàu quân sự chạy đã xa. Không biết ai đã hô lên:
- Hỡi các đồng chí, chúng ta sửa thêm một đầu máy nữa, được không nào?
- Được! - Mọi người đồng thanh hưởng ứng, và họ lại làm việc. Tới lúc rạng đông, thì sửa xong chiếc đầu máy thứ ba.
Việc làm này lập tức lan nhanh trong chi cục đường sắt. Để học tập các đồng chí ở kho đầu máy, đại hội toàn thể đảng viên và quần chúng tích cực, trong chi cục đã ra nghị quyết: Thứ bẩy hàng tuần, toàn thể công nhân viên chức lao động không thù lao sáu tiếng, cho tới khi hoàn toàn chiến thắng quân Côntrát.
Báo Sự thật đưa ngay tin này.
Lênin sau khi đọc báo, đã tấm tắc khen: “Đây thật là một sáng kiến vĩ đại!”
Lênin còn viết báo và đọc báo cáo về việc làm này. Người nói, trong chế độ hiện tại của nước Nga cũng đã có một cái gì đó của chủ nghĩa cộng sản, đấy chính là lao động nghĩa vụ ngày thứ bẩy. Việc làm đó là bước mở đầu của một cuộc cách mạng khó khăn hơn, trọng đại hơn, sâu sắc hơn, có ý nghĩa quyết định hơn cả việc lật đổ giai cấp tư sản.
Rất nhiều nhà máy, cơ quan, trường học và làng xã hưởng ứng sáng kiến của chi cục đường sắt và lời kêu gọi của Lênin, dấy lên phong trào sôi động lao động nghĩa vụ ngày thứ bẩy.
Ngày Quốc tế lao động năm 1920 đã tới. Trung ương Đảng ra lời kêu gọi: Lấy ngày lễ của nhân dân lao động này làm ngày lao động nghĩa vụ thứ bẩy mang tính toàn quốc, thay thế cho việc diễu hành trên đường phố trước đây.
Hôm ấy, thời tiết rất đẹp, Lênin cũng đến quảng trường điện Cremli tham gia lao động nghĩa vụ.
Lênin đầu đội mũ thường, mặc chiếc áo cũ, cùng mọi người xếp hàng đến địa điểm lao động. Rất nhiều đá, gỗ và rác rưởi chất đống lại đấy, và khắp nơi đều có hố đạn pháo.
Lênin hỏi đội trưởng:
- Cho tôi biết phải làm những gì?
Đội trưởng nói:
- Thưa đồng chí Lênin, chúng ta được phân công khiêng gỗ.
Những cây gỗ rất dài, mỗi cây phải hai tới bốn người khiêng.
Đội trưởng khiêng cùng Lênin. Ông là quân nhân rất khỏe, toàn nhường Lênin khiêng bên đầu nhỏ. Lênin để ý thấy ngay, liền tranh khiêng đầu to. Thế là hai người tranh luận với nhau.
Lênin hỏi:
- Đồng chí đội trưởng, sao đồng chí cứ để tôi khiêng đầu nhẹ vậy?
Đội trưởng bảo:
- Thưa đồng chí Lênin, tôi mới 28 tuổi, còn đồng chí thì 50 rồi!
Lênin giọng dí dỏm bảo:
- Tôi nhiều tuổi hơn đồng chí, thì đồng chí đừng tranh với tôi nữa nhá!
Sau khi khuân hết những cây gỗ nhỏ, bắt đầu chuyển đến những cây gỗ dẻ to. Bây giờ phải 6 người dùng đòn để khiêng.
Một công nhân thấy Lênin người thấp nhỏ bèn nói:
Đồng chí Lênin, công việc này không cần đồng chí chúng tôi cũng làm được. Đồng chí còn phải làm những công việc quan trọng hơn.
Lênin nghiêm nghị nói:
- Bây giờ đây là công việc quan trọng nhất!
Lúc đó cùng lao động với Lênin đều là những chàng trai hơn 20 tuổi. Nhưng, Lênin chẳng khác gì họ, bước đi rất nhanh, động tác cũng rất mau lẹ, không hề thua kém đám thanh niên.
Sau lúc giải lao, Lênin lại cùng mọi người dùng cáng để chuyển đá và rác rưởi. Hôm ấy, Lênin đã lao động suốt bốn tiếng đồng hồ.

NHIỆM VỤ CỦA ĐOÀN THANH NIÊN

Vào giờ phút quan trọng khi cuộc chiến tranh trong nước sắp giành được thắng lợi cuối cùng, đại hội đại biểu lần thứ ba của đoàn Thanh niên cộng sản Nga khai mạc ở Matxcơva.
Các đại biểu đến từ tiền tuyến Ucraina xa xôi cũng đến phòng họp đúng trước hai tiếng đồng hồ. Hôm nay đồng chí Lênin đến nói chuyện với đại hội, dứt khoát không được đến muộn!
Trên diễn đàn người ta chen chúc nhau. Dọc lối đi cũng dầy đặc người như nêm cối, nhiều người ngồi cả lên bệ cửa sổ. Thế mà vẫn còn rất nhiều người cố chen lên phía trước, vì ai cũng muốn gần diễn đàn hơn.
Phòng họp vô cùng ồn ào. Các đại biểu sôi nổi bàn luận về báo cáo của Lêmn sắp phát biểu.
- Chắc là về tình hình quốc tế?
- Không phải đâu, dứt khoát là về thời cuộc hiện nay…
- Thế thì có khác gì nhau đâu? Lênin nhất định sẽ lên án tất cả bọn đế quốc và những kẻ phản bội chủ nghĩa xã hội!
- Chắc chắn như vậy rồi! Có điều, người sẽ nói nhiều hơn về việc làm thế nào tiêu diệt nhanh thằng chó đẻ Vranghen…
Bỗng trong đoàn chủ tịch có người hô to: “Trật tự!” Tiếng ồn ào ngừng bặt. Các đại biểu nghiêm chỉnh đứng ngay tại chỗ, cùng giương to mắt nhìn về phía góc phải diễn đàn. Lênin cuối cùng đã xuất hiện. Người nhanh nhẹn bước tới, phía bục chuyện, ngay cả đồng chí bảo vệ cũng theo không kịp. Các đại biểu bất giác hô lớn: “Lênin! Lênin!”.
Tiếng hoan hô nồng nhiệt kéo dài mãi. Lênin len qua đám người đông nghịt, tiến về phía bàn đoàn chủ tịch. Người vừa cởi áo khoác ngoài vừa gật đầu chào mọi người. Người để áo khoác lên bàn, lấy từ trong túi áo ra bản dàn ý bài nói, cầm đồng hồ trên tay, chuẩn bị nói chuyện.
Tiếng hoan hô ngày càng nồng nhiệt hơn. Chủ tịch diễu hành ra sức rung chuông, nhưng tiếng chuông hầu như quá nhỏ nghe không thấy. Chủ tịch điều hành nhoài người ra hỏi:
- Đồng chí Vơlađimia Ilích, tuyên bố với hội nghị đồng chí nói vấn đề gì ạ? Về tình hình quốc tế, hay là thời cuộc trong nước?
- Không, không. Lênin lắc đầu nói - Tôi muốn nói về nhiệm vụ của Đoàn thanh niên cộng sản. Nhưng không cần tuyên bố, đúng, đúng, không cần đâu…
Lênin nhìn khắp lượt phòng họp, khẽ vẫy vẫy tay. Chờ tất cả mọi người im lặng, Lênin bắt đầu nói:
- Thưa các đồng chí! Hôm nay tôi trình bày vấn đề nhiệm vụ cơ bản của Đoàn thanh niên cộng sản là gì…
Các đại biểu đưa mắt nhìn nhau. Về nhiệm vụ của Đoàn thanh niên cộng sản, họ dường như đã biết rất rõ: Phải tiêu diệt bọn tư sản! Cơrasnốp đổ rồi, Côntrát, Đênikin đổ rồi, địa chủ Ba Lan đổ rồi, chỉ còn lại một tên Vranghen. Đúng rồi, đồng chí Lênin nhất định nói về Vranghen.
Lênin đi lại trên diễn đàn. Người bỗng đứng lại, đưa tay phải ra phía trước, cất cao giọng:
- Phải đặc biệt nhấn mạnh vấn đề này, vì xét về về một ý nghĩa nào đó, có thể nói tới nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chính là do thanh niên gánh vác… Nếu căn cứ theo quan điểm đó mà xem xét nhiệm vụ của thanh niên tôi phải nói rằng, nhiệm vụ của thanh niên nói chung, nhất là nhiệm vụ của Đoàn thanh niên cộng sản và tất cả các tổ chức thanh niên khác, có thể gói gọn trong một từ học tập!
“Học tập!” Các đại biểu đều sững sờ. Đại hội đại biểu được triệu tập khi vẫn còn cuộc chiến đấu ác liệt với Vranghen, vậy mà Lênin lại kêu gọi họ học tập, hơn nữa khi nói đến hai chữ “học tập”, giọng Lênin đặc biệt vang vọng và rất hùng hồn. Thế là vì sao? Chủ đề mới này thật sự bất ngờ đối với mọi người!
Lênin dường như đã nhận ra vẻ mặt ngỡ ngàng của các đại biểu. Người hơi ngả người về phía trước, điềm đạm nói tiếp:
- Rõ ràng, đây chỉ là từ, nó chưa giải đáp được những vấn đề chủ yếu và quan trọng nhất là: học cái gì và học như thế nào. . . Tôi nói rằng lời giải đáp đầu tiên và cũng có vẻ tự nhiên nhất, là Đoàn thanh niên và tất cả thanh niên muốn đi theo chủ nghĩa cộng sản, đều phải học chủ nghĩa cộng sản…
Vậy thì học chủ nghĩa cộng sản như thế nào? Lênin nói tới những kẻ mọt sách và những nhà khoác lác, họ cho rằng nghiên cứu chủ nghĩa cộng sản chỉ dừng lại ở những thứ trong sách vở, Lênin đã ra sức diễu cợt họ.
Tiếp đó, Lênin đã phân tích phải học tập những gì, phải vứt bỏ và chọn lọc những gì. Người phân tích kỹ càng những nhận thức mơ hồ về vấn đề này, đưa ra nhiều luận cứ dùng nhiều cách diễn đạt để nhấn mạnh một tư tưởng chủ yếu: Người ta chỉ có thể trở thành người cộng sản khi biết làm giầu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra.
Lời nói của Lênin đơn giản và đầy sức thuyết phục.
Giọng nói của Lênin tràn đầy nhiệt tình chiến thắng hết thẩy và đặt ra nhiều yêu cầu nghiêm khắc đối với thanh niên.
Trong hội trường có người lặng lẽ chuyển một mảnh giấy lên diễn đàn. Lênin đón lấy mở ra xem. Tuy nhiên, người vẫn tiếp tục diễn thuyết. Để trình bày đầy đủ tầm quan trọng của việc học tập kiến thức, người giơ tay phải lên, cất cao giọng. Tôi xin nêu một thí dụ thực tế. Các đồng chí đều biết, sau nhiệm vụ quân sự nhiệm vụ bảo vệ nước cộng hòa, giờ đây chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ kinh tế… Nếu không khôi phục công nghiệp và nông nghiệp, thì không thể xây dựng được xã hội cộng sản. Phải khôi phục công nghiệp và nông nghiệp trên cơ sở khoa học hiện đại mới nhất… Cơ sở ấy chính là điện khí hóa!... Các đồng chí hiểu rất rõ, người không biết chữ không thể xây dựng được xã hội cộng sản. Phải khôi phục công nghiệp và nông nghiệp trên cơ sở khoa học hiện đại mới nhất… Cơ sở ấy chính là điện khí hóa!... Các đồng chí hiểu rất rõ, người mù chữ không thể thực hiện được điện khí hóa, mà chỉ biết chữ không thôi cũng chưa đủ. Chỉ hiểu thế nào là điện khí hóa cũng không đủ, còn phải hiểu làm thế nào về kỹ thuật đưa điện vào công nông nghiệp, ứng dụng vào các ngành khác nhau của công nông nghiệp. . . Mỗi thanh niên phải hiểu rằng, chỉ có tiếp nhận nền giáo dục hiện đại họ mới xây dựng được xã hội cộng sản, và nếu họ không có nền học vấn đó thì chủ nghĩa cộng sản chẳng qua vẫn chỉ là nguyện một vọng mà thôi.
Nói tới đây, Lênin đưa tay ra, kêu gọi thanh niên bằng những lời đầy nhiệt tình:
- Các đồng chí phải là những người đầu tiên xây dựng xã hội cộng sản trong số hàng triệu thanh niên đó!
Liên kết thúc bài nói chuyện trong tiếng vỗ tay như sấm. Người bỏ tờ đề cương nói chuyện vào túi áo, bắt đầu đọc mảnh giấy trên bàn, vừa viết bằng bút chì, vừa trả lời thắc mắc của mọi người…
Khi bài “Quốc tế ca” hùng tráng vừa dứt, Lênin cầm lấy áo khoác đi ra phía cửa. Anh em thanh niên vây chặt lấy người, và nêu ra rất nhiều câu hỏi mới. Cuối cùng mọi người chào Lênin ở chỗ cửa ra vào. Lênin bước lên ô tô, vẫy tay tỏ ý chân thành cảm tạ mọi người.
Ôtô đã đi vào đường rẽ, trước cửa phòng họp vẫn còn rất nhiều thanh niên mặc quần áo cũ kỹ đứng tần ngần. Những lời nói rất xúc động của Lênin, còn vương vấn đọng lại mãi trong lòng họ.

THÀNH LẬP QUỐC TẾ CỘNG SẢN

Đảng Cộng sản Áo nhận được giấy mời của Lênin, đề nghị họ cử một đại biểu đến Matxcơva tham dự đại hội đại biểu những người Cộng sản quốc tế. Đảng Cộng sản Áo quyết định cử Chủ tịch đảng Gơluber đi dự hội nghị.
Ngày 10 tháng 2 năm 1919, Gơluber lên đường từ Viên. Khi ấy, đường đi từ Viên đến Matxcơva rất nguy hiểm, nhiều trở ngại, sự cố bất ngờ xẩy ra thường xuyên. Dọc đường, Gơluber đã phải ngồi ở tất cả các chỗ như bậc lên xuống toa xe, nóc toa, đầu nối giữa toa; tiếp đó ngồi cả ở toa chở gia súc; cuối cùng thì ngay cả toa chở gia súc cũng không được ngồi nữa, đành phải cuốc bộ.
Hồi ấy, nội chiến ở Nga vẫn chưa chấm dứt. Sau khi vào lãnh thổ nước Nga, còn phải luồn qua hai tuyến phong tỏa của quân bạch vệ mới tới được Matxcơva. Một lần, Gơluber đi qua một làng do đám phỉ Petliura chiếm cứ, bị bọn phỉ phát hiện. Ông tháo chạy thục mạng, một toán đuổi riết, Gơluber chạy lên một sườn núi, cởi áo bông trùm lấy đầu rồi lăn người xuống một khe suối, mới thoát được sự truy đuổi của giặc. Ông bị thương khắp người, quần áo rách bươm và ông phải đóng giả một người lính quần áo rách rưới vừa mới được Hồng quân thả ra. Ông khâu giấy mời của Lênin và giấy chứng nhận đại biểu của Đảng Cộng sản Áo vào trong áo, bất chấp cái giá lạnh âm hai mươi mấy độ, tiếp tục đi tới Matxcơva.
Đang đi chợt có một đám người từ phía sau đuổi tới vây lấy ông. Ông bị giải đến một ban chỉ huy. “Chuyến này thì nguy rồi!” Gơluber nghĩ thầm, dứt khoát bị bạch vệ bắt rồi.
Trong một căn phòng tối tăm, một sĩ quan bắt đầu xét hỏi, và cho lục soát quần áo ông. Gơluber vô cùng căng thẳng, tim đập thình thịch. Đúng lúc đó, dưới ánh đèn dầu tù mù, Gơluber chợt nhìn thấy trên mũ của viên sĩ quan có một ngôi sao đỏ nhỏ!
- Các ông là… - Gơluber ngạc nhiên hỏi.
- Chúng tôi là Hồng quân. - Viên sĩ quan trả lời.
- Vậy thì hay quá! Tôi đến Matxcơva dự hội nghị quốc tế do Lênin triệu tập. - Gơluber nói rồi, xé quân phục, lấy ra giấy mời của Lênin và giấy chứng nhận đại biểu. Giấy chứng nhận đại biểu là một mảnh vải chỉ to bằng viên than, chữ viết trên vải bằng bút chì hóa học. Những người có mặt đều rất kinh ngạc, lập tức tỏ ý xin lỗi Gơluber ngay.
Sáng sớm hôm sau, viên sĩ quan chỉ huy xét hỏi ông chính là một sư đoàn trưởng Hồng quân đã đích thân đưa ông đến tận ga, bố trí ông vào toa tầu hạng nhất, còn đưa cho ông một túi thức ăn, và nhờ ông gửi tới Lênin lời thăm hỏi thân thiết nhất.
Thế là, qua hơn 20 ngày gian khổ lặn lội, Gơluber đã đến Matxcơva vào ngày 3 tháng 3.
Đi trên đường phố Matxcơva, Gơluber vô cùng xúc động. Hội nghị ông tham dự lần này, là một cuộc hội nghị có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Thế chiến thứ nhất kéo dài 4 năm, là một thử thách gay gắt đối với phong trào cộng sản quốc tế. Lãnh tụ các đảng Xã hội dân chủ Quốc tế thứ hai, sớm đã phản bội giai cấp công nhân. Họ ngang nhiên ủng hộ cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa, thậm chí còn kêu gọi nhân dân bảo vệ “tổ quốc” của giai cấp tư sản, làm bia đỡ đạn cho giai cấp tư sản. Ngay từ năm 1914, Lênin đã sắc sảo nêu ra “Quốc tế thứ hai đã chết, đã bị chủ nghĩa cơ hội chinh phục!” Khi ấy Lênin đã chủ trương thành lập Quốc tế cộng sản, sau đó lại kiện trì cố gắng không biết mệt mỏi để thành lập Quốc tế cộng sản.
Giờ đây, cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất đã kết thúc, Quốc tế thứ hai đã phá sản hoàn toàn, dưới ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, châu Âu, châu Á và nhiều khu vực đã nổ ra bão táp cách mạng, rất nhiều nước đã thành lập Đảng Cộng sản. Điều kiện thành lập Quốc tế thứ ba đã chín mùi. Gơluber đang được Đảng Cộng sản Áo uỷ thác đến tham dự đại hội thành lập Quốc tế cộng sản.
Gơluber tới điện Cremli. Đồng chí đón tiếp bảo ông, hội nghị đã khai mạc chính thức vào ngày 2 tháng 3, Lênin đọc diễn văn khai mạc. Bây giờ các đại biểu đang phát biểu trong đại hội.
Gơluber bước vào phòng họp, khiến cả hội trường chú ý. Mấy hôm trước mọi người được thông báo, đại biểu Đảng Cộng sản Áo đã hy sinh trên đường. Ông bất ngờ xuất hiện, khiến các đại biểu rất đỗi vui mừng và kinh ngạc.
Gơluber bước lên đoàn chủ tịch, Lênin đứng dậy, sung sướng giang rộng tay ôm hôn ông.
- Đồng chí Gơluber, chúng tôi mời đồng chí phát biểu ngay. - Lênin giọng hồ hởi.
- Bộ dạng tôi thế này thì làm sao phát biểu trước mọi người được?
- Chính thế này mới hay.
Lênin tuyên bố với các đại biểu, đại biểu Áo mà mọi người tưởng rằng đã hy sinh, vừa mới đến, bây giờ để đồng chí ấy phát biểu. Gơluber báo cáo tình hình phong trào công nhân Áo, tình hình đảng viên Cộng sản Áo đã tiến hành đấu tranh kịch liệt với Đảng Xã hội Dân chủ, kẻ đã bán mình cho giai cấp tư sản như thế nào. Báo cáo của ông được các đại biểu nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh.
- Tốt lắm, đồng chí Gơluber! - Lênin nắm chặt tay Gơluber.
- Sau đó, Lênin đích thân bố trí chỗ ăn ở cho ông. Buổi tối, Lênin giới thiệu với ông tình hình mấy cuộc họp trước. Tại mấy cuộc họp trước, đoàn đại biểu Nga đề nghị thành lập ngay Quốc tế cộng sản, bản thân Lênin cũng ủng hộ đề nghị này. Nhưng cá biệt đại biểu cho rằng, không cần vội vàng thành lập Quốc tế cộng sản. Lênin trưng cầu ý kiến Gơluber. Gơluber nói, Đảng Cộng sản Áo sau khi nhận lời mời, đã khẳng định đại hội đại biểu lần này chính là đại hội thành lập Quốc tế cộng sản. Vì thế, ông hoàn toàn ủng hộ đề nghị của đại biểu Nga.
Tại phiên họp ngày 4 tháng 3, Gơluber một lần nữa lên phát biểu ý kiến. Ông trình bầy cặn kẽ lý do phải thành lập ngay Quốc tế cộng sản. Cả hội trường vỗ tay như sấm, tỏ ý tán thành đề án này, sau đó tiến hành bỏ phiếu biểu quyết. Kết quả biểu quyết, đề án được nhất trí thông qua, toàn thể hội trường sôi động vui vẻ. Các đại biểu cất cao giọng hát “Quốc tế ca”.
Chính tại phiên họp ngày hôm ấy, Lênin vui vẻ bước lên diễn đàn đọc báo cáo về nền dân chủ tư sản và nền chuyên chính vô sản. Sau khi điểm lại chặng đường chiến đấu của giai cấp vô sản, Lênin vung mạnh cánh tay nói: Thái độ thọc gậy bánh xe của Đảng Xã hội Dân chủ tư sản không ngăn nổi dòng thác cách mạng đang cuồn cuộn tiến lên. Giờ đây, giai cấp vô sản phải tìm ra hình thức thực tế thực hiện nền thống trị của mình. Hình thức ấy chính là chế độ Xô viết thi hành chuyên chính vô sản.
Người còn nói:
- Dù cho giai cấp tư sản vẫn còn hoành hành ngang ngược, vẫn còn giết hại hàng nghìn hàng vạn công nhân, nhưng thắng lợi thuộc về chúng ta, thắng lợi của cách mạng cộng sản thế giới là chắc chắn!
Gơluber thấy, khi Lênin phát biểu, đôi mắt sáng long lanh, tỏ ra rất phấn khởi. Từ năm 1918, sau khi người bị bọn phản cách mạng bắn bị thương, sức khỏe Lênin không được như trước, các đồng chí muốn Lênin ngồi xuống nói, nhưng người vẫn đứng, tay vững mạnh, giọng nói sang sảng vang vọng khắp hội trường.
Tôi hôm ấy, Gơluber cùng mấy đại biểu khác tham gia công việc soạn thảo tuyên ngôn của đại hội. Lênin cũng đến cùng mọi người cân nhắc từng câu từng chữ trong tuyên ngôn. Làm việc suốt từ 10 giờ tối tới 6 giờ sáng hôm sau, Lênin quên cả mệt mỏi, ngồi nghe mọi người đọc từng câu từng đoạn tuyên ngôn nhiều lần tranh luận về cách dùng từ của câu này câu kia. Cuối cùng, sau khi ngay cả về phong cách tuyên ngôn cũng đã được thể hiện đầy đủ, Lênin mới vui vẻ tạm biệt mọi người.
Ngày 6 tháng 3, đại hội đã thông qua bản tuyên ngôn gửi tới giai cấp vô sản quốc tế Tuyên ngôn kêu gọi giai cấp công nhân các nước kiên quyết đấu tranh để thực hiện chuyên chính vô sản, để giành lấy chính quyền. Tiếp đó, đại hội bầu ra Ban chấp hành và Đoàn chủ tịch Quốc tế cộng sản, hoàn thành chương trình nghị sự Lênin tuyên bố bế mạc đại hội.
Sau khi Quốc tế cộng sản thành lập, để quần chúng phân rõ ranh giới với quốc tế thứ hai, còn gọi là “Quốc tế thứ ba”.
Dưới sự chỉ đạo của Quốc tế cộng sản, cuộc đấu tranh cách mạng của vô sản toàn thế giới phát triển rầm rộ. Tháng 3 năm 1919, công nhân Hunggari võ trang khởi nghĩa, đã một thời thành lập nước Cộng hòa Xô viết Hungari. Tháng 4, nhân dân Bavie nước Đức khởi nghĩa, cũng đã một thời thành lập chính quyền Xô viết. Tháng 5, Trung Quốc bùng nổ phong trào yêu nước chống đế quốc “Ngũ Tứ” rầm rộ. Tiếp đó, Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ cách mạng, lật đổ đế chế phong kiến. Toàn thể địa cầu sôi sục hẳn lên.
Dưới sự hướng dẫn của Quốc tế cộng sản, những người cách mạng ở các nước được tổ chức lại thành lập các tổ chức Cộng sản. Đảng Cộng sản Mỹ thành lập năm 1919; Đảng Cộng sản các nước Tây Ban Nha, Pháp, Anh thành lập năm 1920; Đảng Cộng sản Ý và Trung Quốc thành lập năm 1921…
Từ năm 1919, Quốc tế cộng sản đã triệu tập tất cả 7 lần đại hội đại biểu. Đại hội lần thứ 7 triệu tập vào năm 1935 đã vạch trần toàn diện âm mưu gây ra đại chiến thế giới mới của phát xít Đức, kêu gọi nhân dân toàn thế giới đoàn kết lại chống chiến tranh. Đại hội nêu khẩu hiệu “Chủ nghĩa phát xít chính là chiến tranh”. Chỉ rõ kẻ thù chung cho nhân dân thế giới.
Năm 1943, do hoàn cảnh chiến tranh, đặc biệt do sự trưởng thành của Đảng Cộng sản các nước, phong trào cộng sản quốc tế không cần thiết và cũng không thể do một “trung tâm” độc nhất lãnh đạo. Ngày l5 tháng 5 Ban chấp hành Quốc tế cộng sản ra nghị quyết, tuyên bố Quốc tế cộng sản chính thức giải thể tổ chức quốc tế này. Cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các nước do Đảng Cộng sản các nước lãnh đạo tùy theo tình hình cụ thể của từng nước. Từ đó, phong trào Cộng sản quốc tế tiến vào một giai đoạn mới.