LÊ NIN TẠ THẾ
Từ cuối năm 1921, Lênin sức khỏe ngày một suy giảm. Người bị đau đầu ghê gớm, có khi suốt đêm mất ngủ. Những đồng chí cùng làm việc với người đều biết, đó là vì Lênin mệt mỏi kéo dài, nhất là dùng trí óc quá mức.
Bác sĩ buộc phải can thiệp:
- Thưa đồng chí Lênin, đồng chí không thể tiếp tục làm việc như thế này được nữa, dù thế nào cũng phải nghỉ ngơi một thời gian.
Lênin chỉ vào một đống lớn văn kiện trên bàn, cười:
- Đồng chí xem, việc nhiều thế này, đợi ít ngày nữa nhé!
Mấy tháng sau, Lênin đang ốm cũng vẫn tham dự đại hội đại biểu lần thứ 11 của đảng và còn đọc báo cáo. Đây là lần cuối cùng Lênin tham dự đại hội đại biểu Đảng.
Tháng 5 năm 1922, trước sự kiên quyết của bác sĩ và Trung ương Đảng, Lênin buộc phải đến nghỉ ngơi tại làng Gorkơ ở ngoại ô Matxcơva. Mấy ngày sau, bệnh xơ vữa động mạch của người trở nên nghiêm trọng, cánh tay phải và chân phải không còn cử động được nữa, nói năng cũng đã có phần khó khăn. Được các bác sĩ tận tình cứu chữa, tới khoảng tháng sáu, bẩy, bệnh tình của người có chuyển biến tốt. Để ông yên tâm dưỡng bệnh, bác sĩ quy định ông không được phép đọc văn kiện, sách báo, và cũng không được thảo luận chính trị với các đồng chí khác.
Một hôm, Lênin nói đùa với Stalin khi đến thăm mình:
- Trời ơi, thế này thì sống làm sao nổi! Tôi vừa không được đọc sách báo văn kiện, cũng không được bàn luận chính trị với người khác! Thậm chí tôi còn phải hết sức tránh xa từng trang giấy trên bàn, vì tôi sợ nó là báo, đọc nó lại vi phạm kỷ luật!
Stalin cười ngất:
- Nhưng các ông bác sĩ cũng thật buồn cười, những nhà cách mạng gặp nhau làm sao lại không bàn luận chính trị kia chứ!
Sau một thời gian, bác sĩ không cưỡng lại được trước yêu cầu tha thiết của Lênin đành phải đồng ý để ông trở về điện Cremli làm việc, nhưng quy định mỗi tuần chỉ làm việc năm ngày, mỗi ngày chỉ được làm việc 5 tiếng.
Theo quy định của bác sĩ, Lênin hàng ngày bắt đầu làm việc vào 11 giờ sáng, nhưng cứ 9 giờ rưỡi Lênin đã đến văn phòng rồi. Người bí thư vừa thấy Lênin đã chau mày, nói:
- Đồng chí Lênin, bây giờ mới có 9 giờ rưỡi thôi ạ!
Lênin nheo mắt, cười vui vẻ:
- Đúng, chưa tới 11 giờ. Nhưng, tôi đến không phải để làm việc, mà chỉ xem báo chí thôi.
Ngày 20 tháng 11, Lênin đọc diễn văn trong hội nghị toàn thể Xô viết Matxcơva. Chẳng ai ngờ, đây là lần đọc diễn văn cuối cùng của ông! Trình bày xong thì ông đã kiệt sức.
Không đầy một tháng, bệnh tật lại làm khổ Lênin, ông bị liệt nửa người bên phải.
Phục vụ người khác là niềm tin suốt đời Lênin. Trong thời gian bị các bác sĩ thường xuyên đến kiểm tra khám chữa bệnh, ông luôn luôn phải cởi áo ra rồi lại mặc áo, nhưng quyết không để bác sĩ phải giúp mình. Khi không ngồi dậy được ông miễn cưỡng phải nhờ tới hộ lý, nhưng chỉ cho phép một người. Dù đã như vậy, ông vẫn ráng hết sức dùng cánh tay trái làm mọi việc trong sinh hoạt, không muốn phiền đến người khác.
Lênin biết, sức khỏe ngày một tồi đi, phải lợi dụng từng giây phút còn lại. Nửa người bên phải đã bị liệt, không cầm được bút, đành phải dùng cách nói, để cho thư ký ghi lại. Có khi đau đầu quá, để khỏi dừng lại giữa chừng, Lênin đã đắp lên trán một mảnh vải sa thấm nước lạnh. Với nghị lực kiên cường, ông đã đọc cho người thư ký viết được nhiều bài về công việc tổng kết mấy năm sau thắng lợi cách mạng tháng Mười và những vấn đề cơ bản cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bài cuối cùng là “Thà ít, nhưng phải tốt”.
Sau ba tháng, Lênin lại ốm lần thứ ba. Lần này, bệnh tật đã cướp đi khả năng nói của ông.
Tất cả đều lo lắng cho bệnh tình của Lênin. Trung ương Đảng và Chính phủ Xô viết đã mời những bác sĩ giỏi nhất ở trong và ngoài nước đến chữa bệnh cho Người. Họ đều ráng hết sức cứu chữa cho vị lãnh tụ được mọi người kính yêu nhất.
Tới mùa hè năm 1923, dường như xuất hiện kỳ tích: Bệnh tình Lênin đã chuyển biến tốt. Ông không mất ngủ nữa, khi có người dìu, ông đã có thể tập tễnh đi lại được. Mùa thu, ông đã bắt đầu tập để hồi phục dần dần khả năng nói.
Một ngày tháng 10, Lênin chống ba-toong, đi đến nhà để xe, chẳng nghe lời khuyên can của mọi người, bảo lái xe đưa ông về Matxcơva. Người đến văn phòng của mình ở điện Cremli, nhìn thật kỹ mọi thứ trong căn phòng, giọng đứt quãng nói với những người đứng quanh:
- Khỏi bệnh tôi lại trở về đây làm việc”.
Khả năng nói của Lênin dần dần hồi phục. Người đã xem được báo, chỉ vào những bài quan trọng bảo người khác đọc cho mình nghe ai cũng nghĩ, ngày Lênin trở lại công tác sắp tới rồi.
Nhưng mong ước của tất cả mọi người đã không thực hiện được. Bệnh tình Lênin đột ngột xấu đi, và không có cơ xoay chuyển gì được nữa.
Sáng sớm ngày 21 tháng 1 năm 1924, Lênin cảm thấy vô cùng khó chịu, không muốn ăn uống gì. Những người chung quanh cố gắng nài nỉ, ông mới gắng gượng ăn được một chút. Lúc chiều tối, ông cố gắng ăn thêm chút nữa, nhưng bác sĩ thấy Lênin thở rất khó nhọc loạn nhịp.
Lúc 6 giờ, Lênin đã mất hết tri giác hô hấp ngày càng rối loạn thân nhiệt nhanh chóng tăng lên. Gần 7 giờ, thì người thầy cách mạng vĩ đại này đã qua đời do sung huyết não khiến cho cơ quan hô hấp tê liệt.
Lênin là người sáng lập Đảng Bônsêvích, là người xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới, là lãnh tụ vĩ đại nhất của phong trào Cộng sản quốc tế sau Mác và Ăngghen. Người tạ thế là một tổn thất lớn lao của nhân dân Liên Xô và nhân dân lao động toàn thế giới.
Ngày 26 tháng 1, Đại hội đại biểu Xô viết cử hành lễ truy điệu tại Nhà hát lớn Matxcơva. Tổng Bí thư Stalin thay mặt toàn đảng trang trọng tuyên thệ với Lênin:
- Đồng chí Lênin khi vĩnh biệt chúng ta, dặn dò chúng ta phải trân trọng danh hiệu vĩ đại của người đảng viên, và giữ gìn sự trong sạch của danh hiệu vĩ đại này. Thưa đồng chí Lênin, chúng tôi xin thề: Chúng tôi nhất định thực hiện vẻ vang di chúc của Người.
- Đồng chí Lênin khi vĩnh biệt chúng ta, dặn dò chúng ta phải bảo vệ sự thống nhất của đảng chúng ta như bảo vệ con ngươi của mắt mình. Thưa đồng chí Lênin, chúng tôi xin thề: Chúng tôi nhất định thực hiện vẻ vang di chúc của Người!...
- Đồng chí Lênin khi vĩnh biệt chúng ta, dặn dò chúng ta phải bảo vệ và củng cố chuyên chính vô sản. Thưa đồng chí Lênin, chúng tôi xin thề: Chúng tôi nhất định ráng hết sức thực hiện vẻ vang di chúc này của Người!...
- Đồng chí Lênin khi vĩnh biệt chúng ta, dặn dò chúng ta phải ra sức củng cố liên minh công nông. Thưa đồng chí Lênin, chúng tôi xin thề: Chúng tôi nhất định thực hiện vẻ vang di chúc của Người!...
Ngày 27 tháng 1, linh cữu mang thi hài Lênin đưa tới Hồng trường. Bốn giờ chiều, đại bác hành lễ nổ vang, tiếng còi kéo dài, linh cữu Lênin từ từ đưa vào trong lăng. Nhân dân Liên Xô và giai cấp vô sản toàn thế giới ngừng làm việc 5 phút, lặng lẽ mặc niệm lãnh tụ vĩ đại và người thầy của mình.
Lênin đã qua đời, nhưng nhân dân Liên Xô đoàn kết chặt chẽ dưới ngọn cờ chủ nghĩa nghĩa Lênin tiếp tục tiến tới. Chỉ trong mấy tuần, cả nước đã có hơn 20 vạn công nhân gia nhập Đảng Bônsêvích trong “Phong trào kết nạp đảng viên kỷ niệm Lênin”.
NƯỚC ĐỨC GIÓ MƯA CHAO ĐẢO
Nửa cuối năm 1918, nước Đức đã dứt khoát bại trận trong thế chiến thứ nhất, Vinhem II rơi vào bước đường cùng. Khắp nơi người ta hô to: “Đả đảo chiến tranh!” “Đả đảo Vinhem II!”
Nước Đức lâm vào cảnh gió mưa chao đảo, cách mạng không tránh khỏi bùng nổ. Ngày 3 tháng 11, 8 vạn lính thủy ở Cảng Kirel khởi nghĩa đầu tiên. Họ tắt máy thả neo, từ chối ra khơi tác chiến với nước khối Hiệp ước. Bọn sĩ quan phản động bắt giam, bắn chết thủy thủ, khiến thủy thủ vô cùng căm phẫn. Họ cầm vũ khí, chống lại bọn sĩ quan phản động, cướp lấy hạm tầu. Tin tức truyền đi, công nhân Kirel phát động tổng bãi công, ủng hộ hành động của thủy thủ, và nhanh chóng kiểm soát toàn thành phố, thành lập Xô viết công nhân binh lính.
Cuộc cách mạng tháng 11 của Đức bắt đầu!
Ngày 9 tháng 11, toàn thành Béclin sôi động. Hàng nghìn hàng vạn quần chúng vũ trang, hô vang khẩu hiệu, ồ ạt đổ về quảng trường Hoàng cung. Vua Đức Vinhhem II tuyên bố thoái vị, và hốt hoảng trốn sang Hà Lan.
Trong tiếng reo mừng của muôn người, một lá cờ đỏ tươi từ từ kéo lên trên nóc Hoàng cung.
- Bắt đầu từ hôm nay, nước Đức đã là một nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa tự do rồi! - người lãnh đạo khởi nghĩa Các Lípnếch trịnh trọng tuyên bố tại Hoàng cung. Ông cực lực lên án chính sách chiến tranh của chính quyền phản động Đức, kêu gọi nhân dân noi gương cách mạng tháng Mười, thành lập ngay chính quyền Xô viết, và hô lớn:
- Nước Đức phải do nhân dân Đức quản lý!”
Tiếp đó Rôda Lucxembua lên diễn thuyết. Những lời nói xúc động lòng người của bà làm rung động trái tim mọi người, trên quảng trường liên tục vang lên tiếng hô khẩu hiệu và tiếng hoan hô.
Diễn thuyết xong, Lípnếch và Lucxembua dẫn đầu quần chúng từ quảng trường Hoàng cung tiến vào các phố lớn, tiến hành cuộc diễu hành thị uy bừng bừng khí thế.
Các Lípnếch là lãnh tụ cách mạng được nhân dân Đức yêu mến, ông sinh ra trong một gia đình cách mạng ở thành phố Laixich. Năm 1871 cha ông, Vinhem Lípnếch tham gia cách mạng cùng Mác, Ăngghen, Năm 1907, chàng thanh niên Các Lipnếch vì cho xuất bản cuốn sách chống chủ nghĩa quân quốc của mình nên đã bị nhà cầm quyền phản động bỏ tù một năm rưỡi với tội danh “phản quốc”. Nhân dân lao động Béclin triển khai cuộc đấu tranh ủng hộ Lipnếch, trong cuộc tổng tuyển cử đã bầu “người tù” này làm nghị sĩ Quốc hội. Việc này khiến là bọn phản động không thể không tính toán, đành phải thả ông.
Mùa hè năm 1914, Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Đảng Xã hội Dân chủ của các nước tham chiến công khai ủng hộ giai cấp tư sản, ủng hộ cuồng nhiệt Chính phủ nước mình tiến hành chiến tranh đế quốc. Tháng 12 năm ấy, Quốc hội Đức biểu quyết đề án kinh phí chiến tranh. Trong 110 nghị sĩ Quốc hội của Đảng Xã hội Dân chủ, có 109 người bỏ phiếu tán thành. Duy chỉ có Lipnếch bước lên diễn đàn bằng một giọng đanh thép, ông vạch rõ: “Quân thù ở ngay bên trong!” Ông kêu gọi công nhân và binh lính Đức quay nòng súng về phía Chính phủ, biến chiến tranh đế quốc thành nội chiến cách mạng để giành lấy chủ nghĩa xã hội. Cuối cùng ông kiên quyết bỏ phiếu chống. Chủ tịch Quốc hội sợ hãi trước lá phiếu trang trọng này. Ông ta vô cùng tức giận cấm lưu giữ phát ngôn của Lipnếch trong biên bản tốc ký của nhà nước. Nhưng, tiếng nói chính nghĩa thì không thể phong tỏa được. Rôda Lucxembua và mọi người đã bí mật in bài phát biểu của Lipnếch thành truyền đơn, tán phát trong quần chúng công nhân.
Nhà cầm quyền phản động vô cùng căm giận Lípnếch, đã áp giải ông ra tiền tuyến làm khổ sai quân sự, nhưng Lípnếch không hề sợ hãi. Đầu năm 1916, ông lại cùng những người phái tả như Lucxembua, Giétkin tổ chức “Đội Spatak”. Ngày l- 5, 10 vạn công nhân Béclin mít tinh ở quảng trường Pơtsđam, Lipnếch và Lucxembua tìm cách vượt qua sự ngăn cản của quân cảnh phản động sau khi tham dự biểu tình, và đã diễn thuyết rất hùng hồn. Kết quả ông bị bắt ngay tại chỗ. Mãi tới ngày 9 tháng 11, Béclin vũ trang khởi nghĩa, ông mới được cứu ra khỏi nhà tù. Ra khỏi tù ông liền cùng Lucxembua lãnh đạo ngay cuộc vũ trang khởi nghĩa này.
Lipnếch và Luxembua tuyên bố nước Đức là “Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa tự do” trên ban công Hoàng cung thì người cầm đầu phái hữu đảng Xã hội Dân chủ Đức, là Êbéc cấu kết với giai cấp tư sản, tiếp nhận quyền lực từ trong tay hoàng thân Bađen, tuyên bố thành lập “Nước cộng hòa Đức tự do”, và thành lập Chính phủ lâm thời tư sản.
Vào giờ phút then chốt đó của cách mạng, Đảng Cộng sản Đức tuyên bố thành lập. Lipnếch và Lucxembua đảm nhiệm công việc lãnh đạo, và sáng lập “Báo Cờ đỏ”, đấu tranh không khoan nhượng với bọn Êbéc.
“Toàn bộ chính quyền phải thuộc về Xô viết!” Đó là khẩu hiệu chiến đấu của Đảng Cộng sản Đức.
“ Phải do nghị viện quốc dân quyết định tất cả!” Êbéc đưa ra khẩu hiệu thực hiện chuyên chính tư sản.
Cuộc chiến đấu quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng đã bắt đầu. Tháng 1 năm 1919, Lípnếch và Lucxembua lãnh đạo công nhân Béclin vũ trang khởi nghĩa. Nhưng công việc chuẩn bị khởi nghĩa không đầy đủ, và lực lượng quân thù lại lớn mạnh. Tên phản bội trong đảng Xã hội Dân chủ Nôskơ làm “bộ trưởng quốc phòng” Chính phủ lâm thời. Hắn điều số lớn quân đội phản động đến tấn công Béclin. Công nhân đã kiên cường chiến đấu, anh dũng chống lại, nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, quân đội phản cách mạng đánh vào Béclin, công nhân đã đổ máu khắp đường phố.
Cơ quan đặc vụ của Chính phủ lâm thời treo giải 10 vạn mác để mua thủ cấp của Lipnếch và Lucxămbua. Nôskơ được mệnh danh “Con chó khát máu” đích thân chỉ huy quân cảnh triển khai lục soát bắt bớ khắp thành phố.
Ngày 15 tháng 1, do tên phản bội tố giác, Lípnếch và Lucxembua đã bị bắt ngay tại hầm bí mật nơi họ đang ẩn náu, và bị giam ở khách sạn Êđen, sào huyệt bí mật của phe phản động.
Bọn Êbéc không dám công khai giết hại hai lãnh tụ cách mạng này, và đã bầy đặt ra một vụ mưu sát cực kỳ bỉ ổi. Đêm hôm đó, quân thù đã đánh đập Lipnếch thương tích đầy người rồi giải ông về nhà giam. Đến nửa đường, bọn sĩ quan áp giải lấy cớ xe hỏng, bắt ông đi bộ. Lipnếch khắp người máu me, vất vả xuống xe. Ông đã đứng không vững nữa rồi.
- Đi đi nhanh lên! - Tên sĩ quan thúc giục
Lipnếch vừa bước được mấy bước, tên sĩ quan đã bắn ông từ phía sau lưng, Lipnếch ngã vật ngay xuống. Sau đó, bọn Êbéc phao tin nói rằng, vì ông muốn chạy trốn, nên đã bị bắn chết.
Đêm hôm ấy, quân thù cũng giết Lucxembua, rồi vứt xác bà xuống sông đào Lanđơvin. Mãi tới ngày 31 tháng 5, người ta mới tìm thấy thi thể Lucxembua. Ngày 13 tháng 6, hàng nghìn hàng vạn công nhân Đức với nỗi đau thương căm giận đã chôn cất liệt sĩ tại nghĩa trang Fơriđơxi ở Béclin. Nơi đây đã yên nghỉ người bạn chiến đấu thân thiết Lípnếch của bà, Lipnếch và 32 công nhân bị hại khác.
Lênin được tin hai nhà cách mạng bị giết hại, trong “Lá thư gửi công nhân Âu Mỹ”, đã viết với tình cảm vô cùng đau thương:
“Thật sự không thể tìm được từ ngữ nào để hình dung nổi sự bỉ ổi và nhục nhã trong âm mưu giết người này của những người được gọi là chủ nghĩa xã hội… Máu của những chiến sĩ Quốc tế ưu tú của vô sản thế giới, máu của những lãnh tụ đời đời bất diệt của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế, nhất định sẽ làm cho ngày càng đông đảo quần chúng công nhân tiến hành cuộc đấu tranh sống mái với kẻ thù. Cuộc đấu tranh này nhất định sẽ giành được thắng lợi”.
Cuộc thảm sát của Chính phủ lâm thời Êbéc ở Béclin đã gây ra sự phản kháng của công nhân toàn quốc. Ngày 3 tháng 3, công nhân Béclin lại một lần nữa tổ chức tổng bãi công Ngày 13 tháng 4, đảng Cộng sản Đức lại thành lập nước Cộng hòa Xô Viết ở Bavie. Vì cuộc đấu tranh anh dũng của giai cấp công nhân, nước Cộng hòa Bavie mãi tới hạ tuần tháng 4 mới bị đàn áp.
Cuộc Cách mạng tháng 11 năm 1918 ở Đức tuy thất bại, nhưng nó đã lật đổ chế độ chuyên chế quân chủ phong kiến, vạch trần bộ mặt phản cách mạng của đảng Xã hội Dân chủ, khai sinh ra đảng Cộng sản Đức, và đã có ý nghĩa lịch sử trọng đại.
Sau khi đàn áp Cách mạng tháng 11, Êbéc tuyên bố nước Đức là nước Cộng hòa liên bang và lên làm Tổng thống. Êbéc chết, tên tội phạm chiến tranh Hinđenbua kế nhiệm Tổng thống. Được sự nâng đỡ của phần tử quân quốc chủ nghĩa già đời này, nước Đức đẩy nhanh việc tăng cường quân đội chuẩn bị chiến tranh, và nhanh chóng đưa Hítle lên cầm quyền, khiến nước Đức đi vào con đường phát xít.
HỘI NGHỊ CHIA NHAU ĂN CƯỚP
Ngày 7 tháng 11 năm 1918, một chiếc ô tô kéo cờ trắng vượt qua trận địa giữa quân đội hai nước Đức, Pháp chạy về phía tây. Trong xe là phái đoàn Đức do đại thần ngoại giao cầm đầu. Họ đến Tổng hành dinh quân đội Đồng minh để xin đàm phàn hòa bình.
Sáng sớm ngày hôm sau, ô tô đến nhà ga Râytông trong khu rừng Cômpienhơ phía đông bắc Pari. Lúc đó, đoàn tầu chở Thống chế Phốc Tổng tư lệnh liên quân cũng vừa vặn dừng tại đây. Đại thần ngoại giao Đức lập tức bước lên toa tầu gặp Thống chế.
Kính chào Thống chế! Đại thần ngoại giao Đức bước tới định bắt tay.
- Thưa các ông, các ông đến làm gì vậy? Phốc vẫn ngồi nguyên, chỉ quay người lại và thái độ rất ngạo mạn.
Đại thần ngoại giao đành rụt tay lại, đứng tại chỗ nói:
- Chúng tôi muốn được nghe về điều kiện đình chiến của ngài…
Không để đại thần ngoại giao nói hết, Phốc nói tuột ra ngay:
- Chúng tôi muốn đánh tiếp!
Đại thần ngoại giao vô cùng lúng túng, đành phải trình bày với Phốc, nước Đức không thể nào đánh tiếp được nữa và yêu cầu lập tức đình chiến.
Phốc đứng bật dậy, lấy ra một tờ giấy và nói:
- Đây là điều kiện thoả thuận, trong ba ngày các ông phải ký vào!
Đại thần ngoại giao cầm xem tờ giấy, hoảng sợ đờ người ra. Ông ta cảm thấy điều kiện đình chiến vô cùng ngặt nghèo. Trong đó viết:
Trong 14 ngày, rút quân Đức ra khỏi lãnh thổ Pháp, Bỉ, Lucxembua đã chiếm trong cuộc chiến tranh này, và vùng Andát - Loren đã chiếm trong chiến tranh Phổ Pháp.
Trong một tuần phải giao cho Liên quân vùng lãnh thổ nước Đức phía Tây sông Ranh và 30 cây số vuông lãnh thổ nước Đức phía đông sông Ranh.
Giao nộp 234 tầu tuần dương, tầu chiến đấu, tầu khu trục và tầu ngầm, toàn bộ máy bay không quân, 5000 khẩu đại bác và khối lượng lớn súng đạn khác.
Trong hai tuần, giao nộp 5000 đầu máy xe lửa tính năng hoàn hảo, 15 vạn toa xe, 5000 xe tải…
Đây chẳng phải về cơ bản đã vét sạch gia sản của nước Đức rồi sao? Nhưng khi ấy nước Đức đang thai nghén một cuộc cách mạng nếu tiếp tục đánh nhau thực sự không thể được. 5 giờ sáng ngày 11, hai đại diện nước Đức đã lên tầu hỏa ký kết, thế chiến thứ nhất đã hoàn toàn chấm dứt vào ngày hôm ấy.
Chiến tranh chấm dứt, tiếp đó bắt đầu một trò bê bối chia nhau của cướp được - hội nghị hòa bình Pari khai mạc.
Ngày 18 tháng 1 năm 1919, Hội nghị hòa bình chính thức khai mạc tại đại sảnh cung Vécxay. Cung Vécxay vốn là hành cung của đế vương phong kiến Pháp. Bố trí tất cả công việc ở địa điểm này, là một ý tưởng có dụng ý sâu xa. Số là vào ngày 18 tháng 1 năm 1871, 48 năm trước, quốc vương nước Phổ bước vào cung Vécxay nước Pháp với tư thế ngạo mạn của người chiến thắng và tại đại sảnh này tuyên bố mình là Hoàng đế của đế quốc Đức. Giờ đây, cũng chính tại đây tiến hành sự trừng phạt mang tính chất trả thù đối với nước Đức. Trong lễ khai mạc, tổng thống Pháp vô cùng sung sướng nói: “Vào ngày này 48 năm trước, đế quốc Đức đã ra đời tại đại sảnh này, vì nó sinh ra đã bất nghĩa, thì đương nhiên, cũng sẽ chết trong nhục nhã!”
Hội nghị hòa bình kéo dài nửa năm, có 27 quốc gia, cộng hơn 1000 đại biểu tham dự. Nhưng, được có mặt ở tất cả các cuộc họp chỉ có đại biểu năm nước Anh, Mỹ, Pháp, Ý, Nhật, đóng vai trò chúa tể thì là ba nước Mỹ, Anh, Pháp, có thể nói nước lớn chiếm lấy tất cả. Chương trình nghị sự chủ yếu có ba mục như sau:
Thứ nhất, bí mật bóp chết nước Nga Xô Viết non trẻ. Theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Uynsơn, Hội nghị hòa bình quyết định thực hiện bao vây kinh tế đối với nước Nga Xô viết. Đồng thời, còn quyết định giữ nguyên cái gọi là “vành đai phòng dịch” mà quân đội Đức lập ra ở phòng tuyến phía đông. Hội nghị đã phê chuẩn kế hoạch can thiệp vũ trang chống Liên Xô, vạch rõ phạm vi hành động của các nước tại Nga. Vì thế, Hội nghị hòa bình Pari, thực tế là ban tham mưu quân sự vũ trang can thiệp Nga Xô.
Thứ hai, tổ chức ra Liên minh quốc tế (hay còn gọi là Hội Quốc liên). Tổng thống Mỹ Uynsơn ra sức chủ trương thành lập “Liên minh quốc tế”, để chống lại Quốc tế cộng sản do Lênin sáng lập. Hội nghị hòa bình đã thông qua nghị quyết này. Từ đây, Liên minh quốc tế trở thành ngọn cờ trắng lớn phản cách mạng, chỉ huy phe phái phản động các nước tiến hành đàn áp đẫm máu nhân dân cách mạng. Đồng thời, thông qua Liên minh quốc tế để “uỷ nhiệm” các nước đế quốc Anh, Pháp, Nhật, Bỉ cai trị các thuộc địa cũ của Đức, trên thực tế là phân chia lại các thuộc địa. Còn Mỹ thông qua “nguyên tắc bình đẳng” được hưởng quyền lợi tương đương.
Thứ ba, xử lý ngặt nghèo và bắt chẹt nước Đức. Đây là phần chia chác cụ thể các của cướp được giữa các đế quốc Anh, Pháp, Mỹ, Italia, Nhật, tranh cãi gay gắt nhất. Lúc thì Ý tuyên bố rút khỏi hội nghị, lúc thì Nhật Bản lại muốn chiếm vịnh Giao Châu (vùng Thanh Đảo) của Trung Quốc. Sau mấy tháng mặc cả ráo riết, cuối cùng cũng đã thỏa thuận: Nước Pháp thu lại vùng Andát- Loren, Xarơ mỏ than lớn nhất nước Đức là sở hữu của Pháp. 1/8 lãnh thổ nước Đức bị đem chia cho các nước Pháp, Bỉ, Ba Lan, Tiệp, Đan Mạch. Nước Đức còn phải giải thể bộ tổng tham mưu, cấm sản xuất các loại vũ khí như máy bay quân sự, trọng pháo, xe tăng và tầu ngầm, chỉ được giữ lại 10 vạn lục quân, không được đóng quân trong vòng 50 kilômét phía đông sông Ranh, phía tây sông Ranh do Liên quân chiếm đóng (thời hạn 15 năm). Đồng thời, còn phải nộp một khoản tiền bồi thường lớn cho nhiều nước như Pháp, Anh . . . theo tính toán sau này, tất cả là 132 tỷ mác Đức. Trên thực tế đây là sự cướp đoạt trắng trợn của các nước đế quốc Anh, Mỹ, Pháp đối với nhân dân nước bại trận.
Ngày 7 tháng 5, đại biểu của Đức được triệu tập đến phòng họp. Thủ tướng Pháp Clêmăngsô chỉ vào bản dự thảo hiệp ước phân chia của ăn cướp đã được soạn thảo xong, và nói:
- Thời gian thanh toán đến rồi, bây giờ giao cho các ông văn bản hòa bình này.
- Hội nghị quyết định đại biểu Đức không được khiếu nại trước ở hội nghị. Nhưng người Đức sau khi thấy sự bắt chẹt ngặt nghèo như vậy, vẫn cứ đứng lên trả lời thẳng thừng:
- Bắt chúng tôi thừa nhận là kẻ duy nhất gây ra tai họa chiến tranh, nếu như bản thân tôi thừa nhận là kẻ duy nhất, thì đây là sự dối trá.
- Thực tế là muốn chỉ trích những nước chiến thắng như Anh, Pháp cũng phải gánh chịu tội phạm chiến tranh. Nhưng, vì các nước Anh, Pháp cứ một mực đe doạ dùng vũ lực, đại biểu Đức rút cục cũng buộc phải ký vào hòa ước.
Ngày 28 tháng 6 là ngày họp cuối cùng, cũng là ngày các nước chiến thắng ký vào hòa ước. Trung Quốc cũng là nước thắng trận, nhưng ngày hôm ấy phái đoàn Trung Quốc không dự họp, từ chối ký hòa ước.
Vì sao vậy? Số là trong Hoà ước Vécxay có một điều khoản về trung Quốc mà theo đó phần lãnh thổ vịnh Giao Châu Sơn Đông bị Đức xâm chiếm trước chiến tranh, cùng với đường sắt, khoáng sản tại đây, tất cả đều thuộc sở hữu của Nhật Bản.
Lý ra Trung Quốc phải được thu hồi những quyền lợi đó, sao lại để rơi vào tay Nhật Bản được? Vậy mà Chính phủ Bắc Dương ở Bắc Kinh lại sẵn sàng thừa nhận điều ước nhục nhã này. Nhân dân Trung Quốc không thể chịu nổi nữa ở trong nước đã bùng nổ phong trào “Ngũ Tứ” rầm rộ. Ở Pari công nhân người Hoa và lưu học sinh Trung Quốc, cũng hăng hái tổ chức hành động kháng nghị quy mô lớn.
Phái đoàn Trung Quốc được nhân dân cả nước ủng hộ đã nêu ra hai đề án với hội nghị hòa bình: xóa bỏ đặc quyền của đế quốc tại Trung Quốc, xoá bỏ “hai mươi mốt điều” mà Nhật Bản cưỡng bức Trung Quốc thừa nhận, thu hồi quyền lợi của mình ở Sơn Đông. Nhưng đã bị Chủ tịch hội nghị hòa bình, Thủ tướng Pháp Clêmăngxô từ chối. Tiếp đó, phái đoàn Trung Quốc lại đề nghị, đưa hai nội dung này vào phụ lục, cũng bị đại biểu các nước Anh, Mỹ, Pháp, Italia từ chối. Phái đoàn Trung Quốc đã thất bại trong Hội nghị hòa bình.
Ngày ký đã sắp đến, Chính phủ quân phiệt Bắc Dương bán nước ra lệnh cho phái đoàn Trung Quốc ký vào hòa ước. Làm thế nào bây giờ?
Sáng sớm ngày 27 tháng 6, trên đường phố Pari xuất hiện một đoàn biểu tình, rầm rộ kéo tới nơi ở của sứ đoàn các nước, người nào cũng tóc đen da vàng, mắt đen. - Họ đều là người Trung Quốc con cháu Viêm Hoàng.
- “Trả Thanh Đảo cho chúng tôi!” Tẩy chay hội nghị hòa bình Pari. “Từ chối ký vào hòa ước!” - Những tiếng thét phẫn nộ vang dội trời xanh.
Đại biểu rất nhiều nước đều thấy sợ hãi. Họ không ngờ nhân dân Trung Quốc lại có chí khí như vậy, lòng yêu nước lớn như vậy.
Tổng thống Mỹ Uynsơn quay đầu nhìn đại biểu Nhật Bản, khẽ hỏi:
- Ông xem, đại biểu Trung Quốc liệu có ký không?”
- Hầy hầy! - Đại biểu Nhật Bản cười gượng vuốt ria, ánh mắt dữ tợn nói:
- Chúng tôi đã có “Hai mươi mốt điều”. Tổng thống Trung Quốc tiền nhiệm Viên Thế Khải đã “vui vẻ đồng ý”, cựu Thủ tướng Trung Quốc Đoàn Kỳ Thụy cũng đã tỏ ý chấp thuận. Bây giờ bộ ngoại giao của họ đã lại tán thành, đại biểu Trung Quốc liệu có không ký được chăng? Hà hà, Sơn Đông đã là của chúng tôi rồi!
Sự thực cũng đúng như vậy, Nhật Bản đã đưa quân đến vịnh Giao Châu.
Nhưng, đế quốc Nhật mừng quá sớm! Ngày 26 tháng 8, cũng chính là ngày ký kết, công nhân người Hoa và lưu học sinh Trung Quốc ở Pari đã tụ tập đông đảo ở bên ngoài chỗ ở của phái đoàn Trung Quốc.
- Không được ký! - Đám người đồng thanh hô lớn.
- Kẻ nào ký là đồ bán nước - Đám người lại đồng thanh hô lớn.
Một thanh niên hơn 20 tuổi nhẩy phắt lên bậc thềm, giơ cao hai tay gào lên:
- Nếu đại biểu Trung Quốc ký, sẽ bị đánh chết ngay! Chúng tôi đã bàn bạc rồi, sẵn sàng đổi ba mạng của mình lấy một mạng của họ! - Tiếp đó, anh móc trong túi áo ra một tờ giấy đã có rất nhiều chữ ký và nói: - Đây là chữ ký của 15 người chúng tôi.
Phái đoàn Trung Quốc vốn có tất cả 5 người. 15 thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết này sẵn sàng lấy máu và đầu của mình để đổi lấy quyền lợi và danh dự cho hàng trăm triệu nhân dân Tổ quốc mình.
Phái đoàn Trung Quốc cuối cùng đã đưa ra một bản tuyên bố: “Vấn đề Sơn Đông không giải quyết, chúng tôi quyết không ký vào hòa ước!”
Hội nghị Pari chia nhau của ăn cướp của đế quốc đã lặng lẽ kết thúc trong tiếng hô lên án của nhân dân chính nghĩa toàn thế giới. Đây quyết không phải hội nghị hòa bình, mà chẳng qua chỉ là một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi giữa hai cuộc chiến tranh đế quốc mà thôi.
MỘT TRĂM BA MƯƠI BA NGÀY
Chiều tối ngày 22 tháng 3 năm 1919, đúng vào lúc đại biểu các nước tham dự hội nghị hòa bình tranh cãi nhau đã mệt mỏi kiệt sức, một tin tức “dữ” đã truyền tới Vecxay: Hunggari nổ ra cách mạng và đã thành lập nước Cộng hòa Xô viết Chính quyền Xô viết mới thành lập còn tuyên bố, sẽ cùng nước Cộng hòa Nga xô viết và tất cả quần chúng công nông toàn thế giới tiến hành đấu tranh chống đế quốc!
Tin này khiến cho Vecxay trầm mặc lập tức sôi động hẳn lên. Hoảng hốt, sợ hãi và căm giận bao trùm lấy cung Vecxay. Nguyên thủ các nước trong khối Hiệp ước tham dự hội nghị hòa bình Pari đều cảm thấy tầm nghiêm trọng của sự việc. Ngay đêm hôm ấy, họ đã tụ tập lại nghiên cứu đối sách ứng cứu.
- Tất cả đều dự liệu từ trước nhưng đâu có ngờ xẩy ra sớm như vậy!
- Chúng ta đang đứng trước mối nguy hiểm thật sự, xem ra tuyệt đối không thể có hòa bình nữa rồi!
- Làm thế nào bây giờ? Theo tôi, ngoài phong tỏa ra chẳng có cách nào khác.
- Phong tỏa chẳng được ích gì, chi bằng đưa quân đến đàn áp!
- Không thể làm bừa như vậy được, rất có thể sẽ làm nhân dân các nước nổi giận, gây ra cách mạng mới…
Nguyên thủ các nước trong khối hiệp ước sau một hồi bí mật bàn tính âm mưu và sách lược, cuối cùng quyết định trước hết cử sứ đoàn “hòa bình” đứng đầu là tướng Smít đến Buđapét, đàm phán với Chính phủ xô viết Hunggari, tìm hiểu cho rõ tình hình sau đó mới đưa ra quyết sách.
Sáng sớm ngày 4 tháng 4, đoàn sứ giả “hòa bình” do Smít dẫn đầu đã đến Buđapét.
Buđapét vào tháng 4 là dịp đông qua xuân tới, nơi nơi đều tưng bừng sức sống. Trên đường phố, đội cảnh vệ đỏ đã thay thế cho hiến binh và cảnh sát. Trong nhà máy, công nhân làm lãnh đạo, xí nghiệp quốc doanh thực hiện chế độ làm việc tám tiếng, và nâng lương rộng khắp. Hàng nghìn hàng vạn công nhân lao động chuyển vào ở những ngôi nhà vốn của tư sản. Thành luỹ pháo đài của chúa phong kiến được cải tạo xây dựng thành nhà điều dưỡng và nơi nghĩ ngơi của nhân dân lao động…
Nước Cộng hòa Xô viết Hungari đã được thành lập như thế nào? Hunggari vốn nằm dưới quyền cai trị của đế quốc Áo- Hung. Do ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga, rất nhiều nơi trong đế quốc đã nổ ra cách mạng, lật đổ nền thống trị của Vương triều Hapsbua. Đế quốc Áo-Hung tan rã. Hunggari, Tiệp Khắc, Áo, Ba Lan đều thành lập quốc gia độc lập. Hunggari sau khi độc lập, tổ chức ra Chính phủ liên hiệp của giai cấp tư sản và đảng Xã hội Dân chủ đứng đầu là Carôli Mikhai. Carôli sau khi cầm quyền, không những đã không thay đổi tình cảnh khốn khổ của quần chúng công nông, mà lại đàn áp quần chúng, gây ra bất mãn của nhân dân.
Tháng 11 năm 1918, đảng Cộng sản Hunggari ra đời. Người lãnh đạo đảng là Kun Bêla đã từng tham gia cách mạng vô sản Nga, nhiều lần gặp Lênin. Khẩu hiệu cách mạng do đảng Cộng sản Hungari đề ra là “Xóa bỏ vũ trang của giai cấp tư sản, thành lập chính quyền Xô viết”- Carôli đã bắt 40 người lãnh đạo đảng Cộng sản trong đó có Kun Bêla, khám xét và đập phá tòa soạn “Báo đỏ” cơ quan của đảng Cộng sản. Hành động bạo ngược của Carôli gây nên sự phẫn nộ cho đông đảo công nhân và binh lính. Họ liên tục tổ chức mít tinh, đòi thả người lãnh đạo của đảng Cộng sản, yêu cầu thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Các nước đế quốc trong khối Hiệp ước thấy chính quyền Carôli đã rệu rã. Hunggari rất có thể đi theo con đường cách mạng tháng Mười Nga, ngày 20 tháng 3 đã gửi thông điệp cuối cùng cho Hunggari, yêu cầu Hunggari cắt nhượng 2/3 lãnh thổ cho một số nước láng giềng, mưu đồ dựa vào đó để bóp chết cách mạng Hunggari.
Carôli nhận được thông điệp cuối cùng, không biết xoay xở ra sao, đành phải từ chức, giao chính quyền cho đảng Xa hội Dân chủ. Nhưng, những người của đảng Xã hội Dân chủ thấy đông đảo quần chúng đã đi theo đảng Cộng sản rồi, bản thân đã bị cô lập. Họ cũng không nắm được lực lượng vũ trang để có thể đàn áp được đảng Cộng sản. Trong tình thế bất đắc dĩ, họ buộc phải nhanh chóng đàm phán với Kun Bêla, người lãnh Đảng Cộng sản đang bị giam trong tù. Kết quả đàm phán, quyết định hai đảng hợp nhất, thành lập chính quyền Xô Viết.
Tin tức truyền đi, công nhân và binh lính Buđapét xông ra đường phố chiếm lĩnh ngay pháo đài, nhà ga, cầu, cục bưu điện và tòa nhà Chính phủ, giải tán quân cảnh vũ trang. Ngày 21 tháng 3, triệu tập Xô viết đại biểu công nhân Buđapét, tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xô viết Hunggari. Mọi người liên hoan mừng thắng lợi suốt đêm, và kéo dài mấy ngày mấy đêm liền.
Đứng trước tất cả những biến đổi trọng đại này, các nước đế quốc càng kinh hoàng và sợ hãi hơn. Phái đoàn của Smít sau khi đến Hunggari, trước tiên làm ra vẻ “hòa bình” để tiến hành đàm phán. Nhưng trong đàm phán, vẫn cứ khăng khăng đòi Hunggari cắt phần lớn lãnh thổ cho các nước trong khối Hiệp ước. Chính quyền Xô viết đương nhiên từ chối đòi hỏi vô lý này. Smít đàm phán tới giữa chừng thì bỏ hội nghị và rời khỏi Buđapét.
Sau khi các nước Hiệp ước phá hoại đàm phán hòa bình, liền bắt đầu can thiệp vũ trang. Ngày 16 tháng 4, nước tư bản láng giềng với Hunggari là Rumani đầu tiên phát động tấn công vũ trang, tiếp đó 15 vạn quân các nước như Pháp kéo tới Hunggari. Nước Cộng hòa Xô viết Hunggari vô cùng nguy ngập!
Ngày 1 tháng 5, nhân dân lao động Buđapét nồng nhiệt chúc mừng ngày hội tự do đầu tiên của mình. 9 giờ sáng, từng đoàn người nườm nượp đổ về công viên thành phố. Công viên và những nơi vui chơi và công trình kiến trúc dường như khoác lên mình quần áo mới mầu đỏ, khắp nơi đều vui vẻ từng bừng.
Rất nhiều cán bộ tuyên truyền của đảng Cộng sản động viên đã cổ vũ mọi người trong công viên, trên đường phố và trước các tòa nhà đồ sộ, kêu gọi mọi người đấu tranh chống lại sự cạn thiệp vũ trang của đế quốc.
Ngày hôm sau, chính quyền Xô viết phát lệnh động viên. Quần chúng công nhân Puđapét cầm lấy vũ khí, như giòng thác cuồn cuộn dưới ngọn cờ cách mạng của chiến tranh vệ quốc. Mấy ngày đầu tháng 5, đã có hơn 10 vạn người tham gia Hồng quân, một số nhà máy còn thành lập sư đoàn độc lập.
Mấy hôm sau, Hồng quân mới thành lập ra tiền tuyến, nhanh chóng giành được thắng lợi. Ngày 30 tháng 5, trên một chiến tuyến rộng 250 cây số, Hồng quân phát động phản công toàn tuyến, nhanh chóng thu hồi nhiều vùng đất đã bị mất. Thắng lợi của Hồng quân đã thúc dục Slôvac tuyên bố thành lập nước Cộng hòa xô viết Slôvac vào ngày 6 tháng 6.
Đúng vào giờ phút Hồng quân liên tiếp giành thắng lợi, thì Chủ tịch hòa hội Pari - Thủ tướng Pháp Clêmăngsô ngày 13 tháng 6 đột nhiên gửi công hàm cho Hunggari yêu cầu Hồng quân ở chiến tuyến phía bắc lập tức ngừng tấn công, và rút về vị trí cũ, điều kiện trao đổi là các nước khối Hiệp ước sẽ nhượng cho phần ven bờ sông Tisa mà quân Rumani đã chiếm lĩnh. Nếu không đồng ý, sẽ tuyên chiến chính thức với Hunggari. Kun Bêla nhận được công hàm, liền đàm phán với các nước Hiệp ước.
Lênin sau khi biết tình hình này, lập tức điện cho Kun Bêla: “Đồng chí đàm phán với các nước Hiệp ước dĩ nhiên là đúng cần, phải tiến hành đàm phán, và phải lợi dụng mọi khả năng đình chiến hay hòa bình cho dù là tạm thời, để nhân dân được nghỉ ngơi. Nhưng một phút cũng không thể tin vào các nước Hiệp ước. Họ đang lừa dối các đồng chí, họ chỉ cốt giành lấy thời gian, để bóp chết các đồng chí và chúng tôi có hiệu quả hơn thôi”.
Lời của Lênin hoàn toàn đúng. Nhưng Kun Bêla mặc dù không có được bất cứ một bảo đảm nào, đã bất chấp sự phản đối quyết liệt của người lãnh đạo khác, chấp nhận công hàm của Clêmăngsô, ra lệnh cho Hồng quân rút khỏi tiền tuyến. Quả nhiên, quân Rumani đã không thực hiện lời hứa trả lại vùng ven bờ sông Tisa. Đất đai nhân dân Hunggari đổi bằng máu đã mất toi vào tay quân thù, đây là một đòn rất nặng nề giáng vào tinh thần nhân dân. Công nhân đường sắt bãi công, phú nông thừa cơ làm loạn, nông dân thất vọng vì không được chia ruộng đất, cũng dần dần xa rời giai cấp công nhân. Cánh hữu trong đảng Xã hội Dân chủ thấy thời cơ đã đến, bèn cấu kết ngay với quân thù ráo riết thực hiện âm mưu. Sau đó, nội bộ Hồng quân cũng xẩy ra hoạt động phản bội, quân đội bắt đầu tan rã.
Ngày 1 tháng 8 năm 1919, quân đội Rumani tiến sâu vào chỉ còn cách Buđapét ba bốn chục cây số, Chính phủ cách mạng buộc phải từ chức. Nước Cộng hòa xô viết Hungnari chỉ tồn tại được 133 ngày đã bị lật đổ.
PHONG TRÀO “1-3”
Ngày 22 tháng 1 năm 1919, quốc vương Triều Tiên đã bị phế truất là Lý Hi bỗng nhiên lăn ra chết.
Vị quốc vương này đã trải qua một đoạn đời sóng gió! Từ năm 1905 sau khi Nhật Bản tuyên bố Triều Tiên là “nước bảo hộ” của họ, thì Lý Hi luôn luôn cảm thấy đây là điều sỉ nhục vô cùng lớn đối với mình. Tháng 6 năm 1907, nhiều quốc gia đã tổ chức “Hội nghị hòa bình vạn quốc lần thứ hai tại Lahay, Hà Lan. Lý Hi lập tức cử sứ thần đến Lahay yêu cầu các nước công nhận Triều Tiên độc lập, xóa bỏ “bảo hộ” của Nhật Bản. Đế quốc Nhật quyết tâm tiêu diệt Triều Tiên, dứt khoát không để có một sự phản kháng nào, bèn lập tức dùng vũ lực bắt giam Lý Hi, cưỡng bức ông thoái vị. Sau đó, vào tháng 8 năm 1910 chính thức thôn tính Triều Tiên. Tuy nhiên, trăm họ Triều Tiên vẫn một lòng tưởng nhớ đến đất nước và nhà vua cũ của mình. Đế quốc Nhật rất lo lắng sợ hãi, đã cho người bỏ thạch tín vào chè, đầu độc chết Lý Hi. Để che mắt thế gian, tổng đốc Nhật ở Triều Tiên đăng cáo phó, nói rằng Lý Hi chết vì xuất huyết não, và chuẩn bị lễ “quốc tang” cho ông vào ngày 3 tháng 3.
Lý Hi bị đầu độc chết, đã gây ra làn sóng phản đối rất lớn trong nhân dân Triều Tiên. Họ chuẩn bị phát động một phong trào độc lập dân tộc quy mô lớn vào ngày “quốc tang”.
Khi đó, một đại biểu của giai cấp tư sản tên là Tôn Bỉnh Hi, đã liên kết được 35 người, nhân danh “Đại biểu dân tộc Triều Tiên” thảo ra một “Bản tuyên ngôn độc lập, kêu gọi Hòa hội Paris, Tổng thống Mỹ Uynsơn và Chính phủ Nhật Bản, yêu cầu trả lại độc lập cho Triều Tiên, đồng thời quyết định ngày 1 tháng 3 sẽ tiến hành tuần hành thị uy hòa bình quy mô lớn ở Xơun.
Đến ngày 1 tháng 3, hàng nghìn hàng vạn người Triều Tiên tụ tập ở Công viên Tha Tung, nhất trí đòi khôi phục nền độc lập của Tổ quốc, tinh thần hăng hái lên cao tột đỉnh. Nhưng, những người đã tự xưng là “đại biểu dân tộc Triều Tiên” lại sợ hãi. Họ không dám tham dự biểu tình của quần chúng, lẳng lặng kéo đến họp ở một khách sạn rồi, đọc “Bản tuyên ngôn độc lập” của mình. Để chứng tỏ yêu sách này là “hòa bình”, họ còn từ khách sạn gọi điện thoại đến bộ chỉ huy cảnh sát của dinh tổng đốc Nhật Bản ở Triều Tiên, báo cáo rằng: “Phái đoàn độc lập chúng tôi đang ở đây”. Chỉ một lát sau, cảnh sát Nhật Bản đã xông vào khách sạn bắt hết cả bọn họ.
Tuy nhiên, ở công viên Tha Tung, tình hình lại khác hẳn.
“Vùng lên, hỡi hai mươi triệu đồng bào,
Vùng lên, cầm lấy gươm, súng đi
Chiến đấu với quân thù bằng cả bầu nhiệt huyết,
Trả lại tự do cho ta, mang lại vinh quang cho Tổ quốc. . .”
Từ sáng tinh mơ, mấy nghìn học sinh Xơun đã cất cao tiếng hát bài ca quang phục hùng tráng, đổ về công viên Tha Tung như thác lũ, tham dự cuộc mít tinh khổng lồ của quần chúng các giới liên hiệp lại chống đế quốc Nhật Bản xâm chiếm Triều Tiên. Những người tham dự mít tinh tinh thần hừng hực, tiếng hô vang trời. Sau khi đọc “Tuyên ngôn độc lập”, hơn 80 vạn quần chúng và học sinh Xơun đổ ra đường phố, tiến hành cuộc diễu hành thị uy.
- Nước Triều Tiên là của người Triều Tiên!
- Tổng đốc Nhật Bản và quân đội Nhật Bản cút đi!
- Triều Tiên độc lập muôn năm!
Quần chúng phẫn nộ hô vang khẩu hiệu, xông vào trụ sở cảnh sát Nhật Bản và đội hiến binh Nhật. Cuộc diễu hành biến thành một cuộc khởi nghĩa quy mô lớn. Tổng đốc Nhật Bản hốt hoảng, cấp tốc họp bàn đối sách. Sau đó, từng đoàn cảnh sát và hiến binh Nhật vung gươm lao vào đám quần chúng biểu tình tay không tấc sắt. Một cuộc chém giết đẫm máu bắt đầu!
Triều Tiên độc lập muôn năm! - Một nữ sinh còn rất trẻ, tay cầm quốc kỳ Triều Tiên, đi đầu đoàn người biểu tình hô to.
- Không được hô khẩu hiệu, vứt ngay lá cờ đi! Một tên sen đầm Nhật cầm gươm chỉ thẳng vào em nữ sinh quát lên.
- Triều Tiên độc lập muôn năm! - Em nữ sinh hô càng to hơn, lá quốc kỳ trong tay giơ cao hơn trước.
Chỉ thấy “soạt” một tiếng, tay phải em đã bị chặt đứt.
- Độc lập muôn năm! - Em vẫn hô khẩu hiệu và gương cao lá cờ bằng tay trái. Quân thù dã man chặt đứt luôn cánh tay trái em. Em vẫn hiên ngang bất khuất, mãi tới khi lưỡi gươm quân giặc đâm vào ngực em, em vẫn hô to “Độc lập muôn năm!”
“Nước Triều Tiên là của người Triều Tiên!” “Quân đội Nhật Bản cút đi!” Một người ngã xuống, hàng ngàn người đứng lên. Đoàn biểu tình tiếp tục tiến bước, rầm rộ hiên ngang xông thẳng vào đám quân xâm lược.
Máu đào của học sinh, công nhân, nông dân, thị dân trong đoàn người biểu tình nhuộm đỏ đường phố Xơun, cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân ngày càng quyết liệt. Ngọn lửa khởi nghĩa yêu nước “1- 3” từ Xơun lan tới Bình Nhưỡng. Tinh thần quần chúng nhân dân Bình Nhưỡng bốc cao, không gì ngăn nổi. Họ lấy gạch đá làm vũ khí chiến đấu anh dũng với quân cảnh Nhật Bản gươm giáo đầy tay. Sau trung tuần tháng 3, làn sóng đấu tranh nhanh chóng thúc đẩy các thành phố lớn nhỏ và nông thôn rộng lớn trong cả nước, chưa đầy hai tháng, toàn quốc bùng nổ hơn ba nghìn cuộc tuần hành và bạo động, số người tham gia lên tới hơn 2 triệu. Mọi người dùng gậy gộc, liềm hái làm vũ khí, tấn công dinh thự, công sở của Nhật ở khắp mọi nơi, phá hoại giao thông đường sắt, xử tử quan lại Nhật Bản và bè lữ tay sai, trừng trị địa chủ ác bá thông đồng với giặc. Cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên đã có ảnh hưởng mạnh mẽ tới cả thế giới. Trung Quốc và nhiều nước khác lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh yêu nước chống đế quốc của họ.
Phong trào “1 - 3” sở dĩ gây được thanh thế to lớn như vậy, hoàn toàn do nền thống trị tàn bạo của bọn xâm lược Nhật Bản gây ra. Nhật Bản sau khi thôn tính Triều Tiên, nhà máy xí nghiệp bị giải thể rất nhiều, công nhân thất nghiệp hàng loạt, ruộng đất canh tác bị chúng cướp, khiến rất nhiều nông dân lang thang khắp nơi, và trốn vào rừng sâu heo hút. Bọn thống trị Nhật Bản không cho học sinh Triều Tiên học hành và sử dụng tiếng mẹ đẻ, thậm chí coi tiếng Triều Tiên là “tiếng nước ngoài”. Sợ nhân dân Triều Tiên vùng lên chống lại, chúng quản lý cả dao thái rau thái thịt dùng trong công việc bếp núc, bắt mấy nhà dùng chung một con dao, lại còn dùng xích khóa vào bàn áp bức dã man càng kích động sự phản kháng mãnh liệt, thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga đã cổ vũ ý chí cách mạng của nhân dân Triều Tiên. Sự kiện quốc vương Lý Hi bị đầu độc chết trở thành ngòi lửa để nhân dân Triều Tiên khởi nghĩa chống Nhật Bản.
Sau khi khởi nghĩa “1- 3” bùng nổ, Nhật Bản ra lệnh giới nghiêm toàn cõi Triều Tiên và điều động quân Nhật, tại Triều Tiên phối hợp với cảnh sát, hiến binh tiến hành đàn áp chém giết vô cùng dã man đối với nhân dân Triều Tiên. Tại Xơun, bọn xâm lược Nhật trói những người bị bắt vào giá thập tự, vung gươm chém loạn xạ, thậm chí còn tổ chức những cuộc “thi” giết người! Theo con số đã cắt xén của phía chính quyền Nhật, những người bị giết hại trong cuộc khởi nghĩa “1- 3” là gần tám nghìn người, bị thương trên 16000. Ngoài ra, còn rất nhiều người bị bỏ tù và bị hành hạ cho tới chết. Đồng thời, bọn thống trị Nhật Bản còn sử dụng một thủ đoạn đê hèn bỉ ổi, mua chuộc phe thân Nhật, bọn bán nước, làm phân hóa tan rã từ bên trong phong trào độc lập dân tộc của nhân dân Triều Tiên. Tới cuối năm 1919, phong trào “1- 3” làm rung chuyển non sông 3000 dặm đã bị thất bại vì sự thỏa hiệp, dao động của giai cấp tư sản và sự đàn áp tàn bạo của đế quốc Nhật Bản.
Phong trào “1- 3” tuy thất bại, nhưng cuộc đấu tranh của nhân dân Triều Tiên đã tiến vào một giai đoạn mới. Một số người trong giai cấp tư sản, dựa vào sự giúp đỡ của Mỹ, trốn đến “tô giới” của đế quốc Anh, Mỹ ở Thượng Hải Trung Quốc, tổ chức ra một “Chính phủ lưu vong. Lý Thừa Vãn làm “đại tổng thống lâm thời”, cuối cùng sa đọa thành người đại diện cho đế quốc Mỹ xâm lược Triều Tiên. Còn đông đảo giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân Triều Tiên, được sự cổ vũ của cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười, kiên trì đấu tranh vũ trang cách mạng, dưới sự lãnh đạo của người chiến sĩ cộng sản tuyệt vời Kim Nhật Thành, bước lên con đường chiến đấu thắng lợi vẻ vang.