Thế giới 5000 năm

Người Cha Thổ Nhĩ Kỳ

NGƯỜI CHA THỔ NHĨ KỲ

Sau Đại chiến thế giới lần thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng nổ ra cách mạng và đã giành được độc lập dân tộc. Kêman Atatuyếc chính là lãnh tụ của cuộc cách mạng này. Ông vốn tên là Mustapha Kêman. Sau khi cách mạng thắng lợi, Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện việc thay đổi về họ. Nghị viện quốc dân nhất trí quyết định tặng cho Kêman họ Atatuyếc. “Ata” tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “cha”, “Atatuyếc” có nghĩa là “Người cha của Thổ Nhĩ Kỳ”
Nghị viện quốc dân nhất trí suy tôn ông là “Người cha” chính là để biểu dương công lao của ông trong việc kiến tạo nước cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ.
Kêman sinh năm 1881, cha ông là một quan chức thuế vụ nhỏ. Kêman chào đời ít lâu thì người cha qua đời, chỉ còn lại ông, người chị gái và bà mẹ, họ dựa vào nhau sinh sống. Bà mẹ tin thờ đạo Ixlam, mong muốn con trai sau này trở thành một àkhùn (người giải thích giáo lý, giảng giải kinh điển đạo Ixlam), hoặc quan tòa tôn giáo. Nhưng Kêman lại muốn trở thành một sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ, ông thi vào trường dự bị quân sự Salonica. Do ông bẩm tính thông minh, cần cù học tập, các giáo viên trong trường đều yêu mến ông. Thầy dậy toán không gọi tên gốc của ông là Mustapha, mà lại gọi ông là “Kêman”, Kêman trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là “chính nghĩa”.
Năm 18 tuổi, ông lại thi vào học viện quân sự Istambun.
Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy về danh nghĩa vẫn là Đế quốc Ôttôman, thực tế thì sớm đã trở thành nửa thuộc địa của các cường quốc phương Tây. Từ nhỏ Kêman đã cảm nhận được nỗi nhục dân tộc nặng nề, và ấp ủ lòng yêu nước yêu dân tộc mạnh mẽ. Một hôm, ông đang chăm chú đọc một cuốn sách dầy cộp trong ký túc xá học viện quân sự, bìa cuốn sách được bọc bằng giấy báo. Vì mải mê đọc, khi sĩ quan huấn luyện tới ngay bên cạnh, ông vẫn không hay biết.
- Anh đọc sách gì thế? Sĩ quan huấn luyện hỏi
- Dạ, chào thầy! - Kêman ngẩng đầu lên nhìn và lập tức đứng ngay dậy - Tôi đang xem. . . một cuốn tiểu thuyết nước ngoài.
Kêman nói xong gấp ngay sách lại, mời thầy giáo ngồi. Sĩ quan huấn luyện không chú ý tới quyển sách của ông, nói chuyện với ông về việc huấn luyện quân sự. Kêman tiện tay để cuốn sách xuống bên cạnh chiếc gối, trong lòng thấp thỏm hồi hộp. Hóa ra quyển “Mẫu quốc”, là cuốn sách do một đại văn hào Thổ Nhĩ Kỳ viết giới thiệu cách mạng châu Âu đã bị Xuntan Thổ Nhĩ Kỳ gán cho tội “khinh nhờn quân vương”, hạ lệnh thiêu huỷ. Tác giả cuốn sách đã bị đầy sang nước Anh, người nào đọc cuốn sách đó, bị trục xuất khỏi đất nước.
Kêman vì đọc nhiều sách tiến bộ, tư tưởng yêu nước phát triển thêm. Ông tham gia một nhóm cách mạng trong lớp học, còn làm một tờ báo viết tay, lưu hành trong hơn 1000 học sinh toàn trường. Phần lớn những bài báo đều do một mình Kêman viết. Ít lâu sau, ông tiếp xúc với người của đảng Thổ Nhĩ Kỳ trẻ tuổi, tham gia đấu tranh chống Xuntan.
Sau khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, Kêman được điều ra mặt trận. Sau này ông được phong chức tướng. Đại chiến kết thúc, Thổ Nhĩ Kỳ đi theo nước Đức nên cũng là nước bại trận, lãnh thổ bị các nước Anh, Pháp, Italia và Hy Lạp xâu xé. Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ mất nước.
“Độc lập hay là chết!” Để thực hiện độc lập dân tộc, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ thề chết triển khai phong trào phản kháng. Kêman từ bỏ chức tướng do Xuntan trao, với thân phận dân thường tham gia phong trào phản kháng. Ông kêu gọi nhân dân bảo vệ sự tôn nghiêm dân tộc bằng mọi giá, đồng thời tuyên bố rất kiên quyết “Nếu chúng ta không có vũ khí chiến đấu, chúng ta sẽ chiến đấu bằng răng và móng tay của mình”. Ông nhanh chóng trở thành người lãnh đạo của các tổ chức dân tộc.
Tháng 4 năm 1920, đứng trước sự xâm lược của các nước đế quốc và hành vi bán nước của chính quyền xuntan, người của đảng Kêman triệu tập Nghị viện quốc dân ở Ankara, thành lập Chính phủ lâm thời, và bắt tay và tổ chức quân đội chính quy. Chính phủ lâm thời đã được sự đồng tình và ủng hộ của giai cấp vô sản quốc tế. Nước Nga Xô viết do Lênin lãnh đạo đã ký Hiệp ước hữu nghị với Chính phủ Kêman, và chi viện cho rất nhiều thứ.
Tháng 8 năm 1921, quân đội Hy Lạp được sự ủng hộ của Anh đem 10 vạn quân tấn công Ankara. Quân quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ vừa thành lập, dù số lượng chưa bằng một nửa quân đội Hy Lạp, trang bị cũng rất kém, nhưng họ anh dũng thiện chiến, không sợ hy sinh, trong hơn 10 ngày đã đẩy lùi hàng trăm đợt tấn công của quân Hy Lạp. Trong chiến đấu, rất nhiều phụ nữ nông thôn Thổ Nhĩ Kỳ đánh xe bò chuyên chở đạn dược cho quân quốc dân. Khi xe bò tới sát hỏa tuyến, họ nhẩy xuống xe, bất chấp mưa bơm bão đạn, vác từng quả đạn pháo trên vai đưa tới chiến hào, rất nhiều chị còn cầm vũ khí cùng anh em binh lính kề vai chiến đấu.
Kêman ngày đêm liên tục đi tuần tra trận địa tiền duyên. Một lần, ông bị ngã ngựa gẫy xương sườn, anh em binh lính nâng ông dậy, muốn ông về hậu phương nghỉ ngơi. “Giờ phút này tôi không có quyền nghỉ ngơi!”- nói rồi ông lại gắng gượng leo lên ngựa, lấy tay chống một bên sườn, tiếp tục chỉ huy chiến đấu. Trải qua hơn một tháng anh dũng chiến đấu, quân quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng đã lấy ít thắng nhiều, đẩy quân xâm lược Hy Lạp xuống biển Êgiê, bắt sống được cả Tổng tư lệnh quân đội Hy Lạp. Tiếp đó, quân quốc dân Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Istanbun. Hoàng đế cuối cùng Thổ Nhĩ Kỳ, Xuntan Môhamét VI kéo theo vợ con, từ hậu cung lủi lên chiến hạm Anh trốn chạy.
Kêman và binh lính quốc dân tổ chức dạ hội mừng thắng lợi. Tiết mục cuối cùng dạ hội là thi vật. Kêman xưa nay rất mê môn vật. Tối hôm ấy ông đã thách vật với một “vua” đô vật trong quân lính, muốn đọ tài với ông ta. Cuộc tỉ thí bắt đầu, mọi người xúm xít vây quanh. “Vua” đô vật ôm chặt hai đùi Kêman ráng sức nâng bổng lên, xem ra sắp quật ông xuống đất. Nhưng rồi người lính này lại từ từ đặt ông xuống.
- Sao không quật ta xuống! Vì ta là sĩ quan chỉ huy phải không? Kêman bò dậy, cười hỏi.
- Ngài là người đứng đầu dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ, bẩy quốc gia không đánh đổ được ngài, tôi làm sao quật đổ ngài được!
“Vua” đô vật trả lời, khiến tất cả mọi người vỗ tay nhiệt liệt. Tiếng vỗ tay thể hiện binh lính yêu quý và tôn kính lãnh tụ của họ.
Tháng 10 năm 1922, Kêman lại triệu tập Nghị viện quốc dân ở Ankara. Hội nghị tuyên bố phế truất xuntan đã công khai theo giặc, ra tuyên cáo thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Kêman trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ đầu tiên nước Cộng hòa, Ankara là thủ đô nước Cộng hòa.
Ngày Kêman lên làm Tổng thống, một phóng viên hỏi ông:
- Ông đã cứu được vận mệnh tổ quốc, bây giờ ông định làm gì?
Kêman trả lời:
- Chiến tranh đã chấm dứt, người ta tưởng chúng tôi đã đạt được mục đích, kỳ thực đấy mới chỉ là bắt đầu. Công việc thật sự của chúng tôi bây giờ mới bắt đầu!
“Công việc thật sự” mà Kêman nói, là tiến hành cải cách, chấn hưng Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tranh thủ mọi trường hợp để tuyên truyền cho giáo dục. Khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ đang dùng chữ Arập. Loại văn tự này khó đọc khó viết, không thích hợp với việc ghi chép ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy người mù chữ ở Thổ Nhĩ Kỳ rất nhiều. Kêman đã cùng các giáo viên, học giả nghiên cứu và xây dựng phương án cải cách chữ viết, sử dụng hệ thống chữ cái mới Latinh. Ông triệu tập hội nghị tuyên truyền chữ viết, yêu cầu giáo viên cả nước, các quan chức Chính phủ học thật nhanh loại văn tự mới. Mỗi người dân Thổ Nhĩ Kỳ, dù là nông dân hay công nhân khuân vác, thuỷ thủ, đều phải coi công việc này là nghĩa vụ dân tộc yêu nước. Ông không chỉ tuyên truyền, mà còn đích thân dạy các nghị sĩ, bộ trưởng học chữ cái mới. Ông đi thị sát toàn quốc, mang theo bảng đen, dạy mọi người học chữ cái mới tại công viên, quảng trường, nông thôn, bãi chăn nuôi. Mọi người vui vẻ gọi Kêman là “giáo viên số một”
Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời phong kiến, là một quốc gia nổi tiếng về chế độ một chồng nhiều vợ, phụ nữ không có chút quyền lực nào. Phụ nữ ra khỏi nhà phải đeo mạng che mặt, đi tầu xe phải ngồi nép vào một góc nhất định, không được đứng trước đám đông, không được tự do chuyện trò, càng không có quyền bầu cử và tham gia chính sự. Sau khi thành lập nước Cộng hòa, khoảng hơn 400 phụ nữ có học thức đã hội họp ở Istanbun, xây dựng dự thảo luật đổi mới đời sống gia đình. Hội nghị đã bầu ra uỷ ban tình nguyện gồm 8 người, lại mời bốn cố vấn nam giới giỏi kiến thức pháp luật hợp tác với họ. Chẳng bao lâu, những yêu sách của Uỷ ban tình nguyện và dự thảo luật họ đưa ra, đã được Nghị viện quốc dân phê chuẩn. Từ đó, chế độ một chồng nhiều vợ chính thức xóa bỏ, nam nữ kết hôn phải đăng ký. Đồng thời phế bỏ mạng che mặt, tổ chức hôn lễ kiểu mới, nam nữ ngồi chung tầu xe phụ nữ có quyền thừa kế tài sản, có quyền được hưởng thụ giáo dục học hành như nam giới. Do dự thảo luật này được thông qua, ít lâu sau ở trường đại học Istanbun đã có ba phụ nữ giành được các học vị về văn học luật học và địa lý học. Trong tòa án Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã có phụ nữ làm quan tư pháp và các chức vụ khác.
Nhưng cuộc cách mạng của Kêman rút cục vẫn chỉ là cách mạng mang tính chất tư sản. Trong quá trình cách mạng, người của đảng Kêman vừa lợi dụng công nông, vừa hạn chế và đàn áp công nông, đàn áp cả đảng Cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1939, sau khi Kêman chết, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ký hiệp ước “tương trợ” với hai nước Anh Pháp, dựa hẳn vào hai đế quốc này. Từ đó Thổ Nhĩ Kỳ dần dần trở thành thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

“THÁNH GANĐI”

Vào sáng tinh mơ một ngày tháng 3 năm 1839, một ông già hơn 60 tuổi, đầu trọc, mắt đeo kính, thân trên để trần, da đen nhẻm, đến trước cổng tu viện thành Amôdabat miền bắc Ấn Độ. Ông dẫn theo hơn 70 tín đồ, mặt hướng ra biển rộng tây nam, nâng cao gậy trúc trong tay, lớn tiếng hô:
- Chúng tôi thề…
- Chúng tôi thề… - Đoàn người đồng thanh hô theo.
- Chỉ khi nào nhà cầm quyền thực dân Anh sửa đổi luật độc quyền quản lý muối ăn, Ấn Độ giành được tự do, bằng không thì chúng tôi quyết không trở về đây nữa…
Ông già hướng dẫn mọi người tuyên thệ xong, thì bắt đầu “tiến quân vào muối ăn”
Ông già ấy là ai vậy? Ông là Môhađat Karamsan Ganđi, người lãnh đạo phong trào độc lập nổi tiếng của Ấn Độ, lãnh tụ Đảng Quốc đại Ấn Độ.
“Tiến quân vào muối ăn” là thế nào? Vốn là sau thế chiến thứ nhất, Ấn Độ vẫn còn là thuộc địa của đế quốc Anh. Nhà cầm quyền thực dân không những không cho Ấn Độ tự trị, mà còn ban bố những luật lệ hà khắc hơn, chẳng hạn như qui định họ có đặc quyền bắt bớ và bỏ tù không cần xét xử bất cứ người nào. Việc này đã gây ra sự chống đối mạnh mẽ của nhân dân toàn quốc Ấn Độ. Ganđi đã được học đại học ở Anh, từng làm luật sư ở Nam Phi, và đã nổi tiếng vì lãnh đạo kiều dân Ấn Độ ở ngoài chống lại sự phân biệt chủng tộc. Sau khi ông về Ấn Độ, đã đương nhiên được coi là lãnh tụ của phong trào dân tộc. Ganđi muốn Ấn Độ phải được độc lập, nhưng ông chủ trương chỉ sử dụng phương thức đấu tranh hòa bình để chống lại Anh, tiến hành “không hợp tác” và “phản kháng phi bạo lực” với bọn thực dân Anh. Vì vậy phương thức đấu tranh của ông còn được gọi là “phong trào bất hợp tác phi bạo lực”. Nội dung “bất hợp tác” bao gồm: Người Ấn Độ từ bỏ chức vụ và tước vị thực dân Anh đã trao cho; không tham dự bất cứ cuộc họp nào của chính quyền thực dân; không chấp nhận nền giáo dục của Anh, rút hết con cái ra khỏi trường nhà nước, tự lập ra các trường tư để thay thế, không mua hàng của Anh, tự kéo sợi dệt vải, dùng vải địa phương; người Ấn Độ không gửi tiền vào ngân hàng nước Anh, không mua công trái nước Anh.
Năm ấy, nhà cầm quyền thực dân Anh để tăng cường việc bóc lột nhân dân Ấn Độ, đã đặt ra “Luật chuyên doanh muối ăn”, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất muối ăn, tuỳ tiện nâng cao giá muối ăn và thuế muối, khiến nhân dân Ấn Độ cực kỳ bất mãn. Thế là Ganđi đã dẫn tín đồ “phong trào bất hợp tác phi bạo lực”, của ông đi bộ đến bờ biển lấy nước biển nấu muối để tẩy chay luật chuyên doanh muối ăn của nhà cầm quyền thực dân Anh. Đó chính là cuộc “tiến quân vào muối ăn”
Họ xuất phát từ Amôđapátơ, đi bộ, tới làng nào cũng triệu tập nhân dân họp, kêu gọi bà con tham gia “phong trào bất hợp tác bất bạo động”. Dọc đường đi, quần chúng nhân dân có người đến nghe tuyên truyền, có người thì xem cho vui, và cũng có người đến gia nhập đội ngũ của Ganđi. Phóng viên tin tức các nước chạy quanh đoàn người cố chụp lấy vài kiểu ảnh để đăng báo. Đoàn của Ganđi đã đi 24 ngày mới đến được làng Tanđi ven biển. Khi ấy, cả đoàn người đã có tới gần một nghìn. Tối hôm ấy, họ tuyệt thực cầu nguyện. Buổi sáng hôm sau, Ganđi dẫn đoàn tín đồ đến tắm gội ở bãi biển, sau đó lấy nước biển nấu muối.
Sớm tinh mơ hàng ngày, Ganđi dẫn đoàn tín đồ ra bãi biển lao động, bất chấp nắng gió, chẳng quản mệt nhọc, làm liên tục ba tuần lễ. Báo chí Ấn Độ đưa tin rộng rãi việc “tiến quân vào muối ăn” của Ganđi. Các vùng ven biển toàn Ấn Độ cũng đều triển khai công việc tự làm lấy muối ăn. Cũng vào lúc đó, khắp thành thị và nông thôn chỗ nào cũng tổ chức biểu tình tuần hành, bãi công, bãi khóa. Một cuộc đấu tranh chống nước Anh bùng lên trong toàn quốc.
Ganđi vốn chỉ muốn qua việc “tiến quân vào muối ăn” giới hạn cuộc đấu tranh chống Anh trong phạm vi “phi bạo lực”. Nhưng bọn thực dân Anh đâu có “phi bạo lực”. Chúng bắt Ganđi và những người lãnh đạo của Đảng Quốc đại, ra lệnh xóa sổ Đảng Quốc đại. Rất nhiều tín đồ của Ganđi nghe nói nhà cầm quyền sẽ bắt họ, liền tuân theo tín điều “phi bạo lực” của Ganđi, tự nguyện đi vào nhà tù. Quần chúng công nông và học sinh cũng bị bắt hơn 6 vạn người: Nhưng quần chúng nhân dân không hề khuất phục. Ít lâu sau, các nơi lại nổ ra biểu tình tuần hành quy mô lớn hơn. Nhà cầm quyền điều động rất nhiều quân cảnh đi đàn áp, nổ súng vào đoàn biểu tình, quần chúng biểu tình đánh nhau với quân cảnh, và nhanh chóng chuyển thành đấu tranh vũ trang, có nơi còn thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Bão táp cách mạng bùng, khiến bọn cầm quyền thực dân Anh hoảng sợ. Và chúng lại muốn sử dụng chủ trương “phi bạo lực” của Ganđi để dập tắt ngọn lửa đấu tranh của nhân dân. Tháng 1 năm 1931, nhà cầm quyền thực dân thả Ganđi ra và thu hồi lệnh thủ tiêu Đảng Quốc đại. Ganđi ra tù, đã tiến hành hội đàm với Thống đốc Anh ở Ấn Độ. Hai bên đã ký kết một hiệp định. Ganđi đồng ý ngừng hẳn “phong trào bất hợp tác”- Nhà cầm quyền Anh thì đồng ý thả hết những chính trị phạm chủ trương “phi bạo lực”, cho phép nhân dân ven biển làm muối. Ấn Độ vẫn chưa được tự trị, vì thế những quy định này không đáp ứng được yêu cầu căn bản của nhân dân. Song Ganđi đã ký “Hiệp định ngừng chiến”, làn sóng cách mạng của nhân dân Ấn Độ tạm ngừng. Sau này, tuy Ganđi có phát động lại mấy đợt “bất hợp tác cá nhân”, nhưng đều không kết quả, bản thân ông cũng nhiều lần bị bắt, nhiều lần bị bỏ tù.
Là lãnh tụ của phong trào dân tộc, niềm tin giành lại độc lập cho Ấn Độ của Ganđi không bao giờ thay đổi. “Tiến quân vào muối ăn” chỉ là một trong rất nhiều hình thức đấu tranh giành lại độc lập của ông. Ngay từ năm 1919, khi bọn cầm quyền thực dân Anh ban bố “Luật Lorat” đàn áp nhân dân Ấn Độ, Ganđi đã phát động “phong trào bất hợp tác phi bạo lực” lần thứ nhất. Năm 1921, để tẩy chay hàng dệt của Anh bán phá giá ở Ấn Độ, ông đã phát động phong trào “dệt và dùng vải nội”. Hồi đó, Ganđi luôn mang theo bên mình một chiếc xe kéo sợi làm bằng gỗ, với đôi tay của mình, ông luôn luôn kéo sợi. Những lúc đi chu du toàn quốc cả khi sang hoặc họp ở nước Anh, ông cũng đem theo nó, lúc rỗi rãi lại mang ra kéo sợi. Để bầy tỏ quyết tâm giành độc lập cho dân tộc, ông bắt chước dáng vẻ nhà sư khổ hạnh cổ đại Ấn Độ, cạo trọc đầu, luôn để mình trần. Cách ăn mặc này giữ nguyên cho tới lúc ông từ trần.
Do nguyên nhân lịch sử, Ấn Độ có rất nhiều “dân hạ đẳng”, “những người không thể tiếp xúc”. Họ phải chịu mọi kỳ thị về chính trị, việc làm và tôn giáo. Vì chuyện này, Ganđi đã bỏ ra rất nhiều thời gian đi chu du khắp đất nước, tuyên truyền chủ trương “bình đẳng về chủng tính”, và kêu gọi tranh thủ giành lại quyền bầu cử cho “dân hạ đẳng”, thậm chí đã tuyệt thực vì vấn đề này. Người trụ trì chùa chiền các nơi trong cả nước đã rất xúc động, đã đua nhau mở rộng cửa chùa cho “dân hạ đẳng”.
Trên bán đảo Ấn Độ có rất nhiều dân tộc sinh sống. Do việc xúi bẩy khích bác của bọn cầm quyền thực dân và nhân tố lịch sử, giữa tín đồ Ấn Độ giáo, tín đồ Ixlam giáo thường xẩy ra mâu thuẫn, thậm chí dẫn đến đâm chém nhau. Ganđi nhiều lần kêu gọi tín đồ hai đạo giáo đoàn kết, xây dựng đại gia đình hòa hợp dân tộc. Vì chuyện này, ông đã đi bộ chu du dài ngày, tuyên truyền cho tầm quan trọng của sự hòa bình đoàn kết giữa hai đạo giáo. Tháng năm 1947, lãnh tụ muslin trên bán đảo Ấn Độ, Jinna, lãnh tụ Đảng Quốc đại Ấn Độ Nêru, Tổng đốc Anh ở Ấn Độ, Mônbatơn kế tiếp nhau ra tuyên bố, thành lập hai quốc gia trên bán đảo Ấn Độ. Pakistan có đạo Ixlam là chính (bao gồm hai nước Cộng hòa Pakistan và Bănglađet hiện nay) và Ấn Độ với Ấn Độ giáo là chính (tức là nước Cộng hòa Ấn Độ ngày nay). Ganđi đã ra tuyên bố, đề nghị Đảng Quốc đại Ấn Độ chấp nhận phương án này. Tháng 8 cùng năm, Pakistan và Liên bang Ấn Độ chính thức thành lập, nhân dân bán đảo Ấn Độ bắt đầu giành được tự do. Trong hội nghị xây dựng hiến pháp Liên bang Ấn Độ; để bầy tỏ lòng kính trọng cao cả đối với tinh thần đấu tranh trường kỳ của Ganđi, đã suy tôn ông là “Người dẫn đường, nhà triết học 30 năm qua, ngọn hải đăng của nền tự do Ấn Độ”. Mônbatơn thị gọi Ganđi là “Kiến trúc sư của nền tự do Ấn Độ”. Trước sự tôn vinh của mọi người, Ganđi vẫn giữ nguyên thái độ cẩn trọng và khiêm tốn… Ông tuyệt thực một ngày ở Cancutta, từ sáng đến tối ngồi kéo sợi với chiếc xa quay tay.
Nửa sau năm 1947, xung đột giữa tín đồ Ấn Độ giáo và tín đồ Ixlam giáo vẫn liên tiếp xẩy ra, và lại xuất hiện nhiều vụ đổ máu. Vì việc này, Ganđi đã nhiều lần tuyệt thực và cầu nguyện, kêu gọi hòa bình đoàn kết. Chiều ngày 30 tháng 1 năm 1948, trên đường tới nơi cầu nguyện, Ganđi đã bị một tín đồ Ấn Độ giáo bắn chết, hưởng thọ 79 tuổi.
Nhân dân Ấn Độ vô cùng thương tiếc vị lãnh tụ phong trào dân tộc thành kính của mình, tôn xưng Ganđi là “thánh”.

NGƯỜI SÁNG LẬP NƯỚC PAKISTAN

Ba nước miền nam Châu Á hiện nay: Ấn Độ, Pakistan và Banglađet, trước năm 1947 chung một quốc gia - Ấn Độ.
Tháng 2 năm ấy, Chính phủ Anh tuyên bố cho Ấn Độ hoàn toàn độc lập, đồng thời bổ nhiệm thiếu tướng hải quân Mônbatơn làm tổng đốc Ấn Độ. Đầu tháng 6, Mônbatơn công bố “Luật độc lập Ấn Độ”, căn cứ vào tín ngưỡng tôn giáo của cư dân Ấn Độ, chia thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan. Giữa tháng 8, nước Pakistan tuyên bố độc lập, trở thành nước tự trị trong khối Liên hiệp Anh; năm 1956, lại thành lập nước Cộng hòa Ixlam Pakistan.
Năm 1971, Ấn Độ và Pakistan xẩy ra chiến tranh, đông Pakistan cũ liền tách ra thành nước Banglađet. Năm sau, tây Pakistan cũng rút khỏi Liên hiệp Anh. Nguyên do tách rời ba nước này là như vậy.
Người làm tổng đốc đầu tiên nước tự trị Pakistan là Jinna, lãnh tụ của phong trào độc lập dân tộc. Chính là ông, người đã giành cả cuộc đời cho công cuộc kiến tạo một nước Pakixtan.
Giữa thế kỷ 19, tại rìa phía tây đồng bằng sông Ấn Độ nhìn thẳng ra biển Arập có một cảng cá - Carachi. Năm 1876, Mohamet Ali Jinna sinh ra tại đây. Cha Jinna là lái buôn da thuộc, có 7 người con, Jinna là trưởng. Ông lên 6 đi học ở địa phương, 10 tuổi chuyển đến học tiểu học ở Bombay, 11 tuổi lại trở về quê hương học trung học.
Từ nhỏ Jinna đã hiếu học, thường xuyên đọc sách tới tận đêm khuya, khi các em đã ngủ say, ông lấy tấm bìa cứng che ánh đèn dầu, một mình lặng lẽ đọc sách. Một hôm, có người bà con đẩy cửa bước vào, nói với ông:
- Miệt mài như cháu, sẽ rất có hại cho sức khoẻ đấy
Jinna vừa đọc sách vừa trả lời:
- Nếu cháu không chăm chỉ, sau này sẽ chẳng làm nên trò trống gì!
Năm 16 tuổi, Jinna tốt nghiệp trung học. Theo quy định của trường, ông có thể đến học đại học ở Bombay. Nhưng một người Anh làm nghề môi giới ở Carachi rất quí Jinna đã thuyết phục cha Jinna để Jinna đi Luân Đôn, học luật ở học viện luật sư Lincôn.
Jinna tư chất thông minh, khả năng tiếp thu giỏi, hai năm đã học hết chương trình. Học viện Luật sư Lincôn là một trong bốn trường đại học ở Luân Đôn có tư cách cấp bằng luật sư. Nhưng theo quy định, trường chỉ trao tư cách luật sư cho những người đã cư trú ở Anh bốn năm. Vì vậy, Jinna đành phải ở lại Luân Đôn hai năm nữa.
Năm 1896, Jinna được trao tư cách luật sư cao cấp, khi ấy ông mới 20 tuổi. Sau khi về Carachi, ông làm nghề luật sư, được một năm thì đến Bombay mở văn phòng luật sự.
Jinna có tài bào chữa phi thường. Một khi đã nắm đầy đủ sự việc vụ án, thì trong phiên tòa không ai có thể cãi nổi ông cả. Dù là quan tòa, ông cũng không chịu thua, hễ có cơ hội là phản bác gay gắt quan tòa. Một lần, quan tòa bị ông bác cho đến nỗi nổi nóng, phải gắt lên ngay trong phiên xét xử “Ông Jinna, xin ông nhớ cho, không phải ông đang nói chuyện với một thẩm phán loại ba đâu!” Jinna không hề chịu lép nói ngay: “Thưa quan chánh án, xin cho phép tôi nhắc nhở ngài, tôi cũng không phải là một luật sư loại ba đâu?” Một lần khác, quan tòa nói với ông với giọng khinh miệt: “Ông Jinna, hãy nói to hơn chút nữa, chúng tôi không nghe thấy lời ông”, Jinna trả miếng ngay: “Tôi là luật sư chứ không phải diễn viên!”. Lát sau, quan tòa lại nhắc lại như vậy, ông không chút khách khí nói: “Ngài hãy gạt đống sách trước mặt đi là nghe rõ lời tôi ngay thôi!”
Năm 1906 Jinna gia nhập Đảng Quốc đại, bắt đầu cuộc đời chính trị.
Cuối năm ấy, chính đảng đại diện cho lợi ích của quan lại, địa chủ và giai cấp tư sản trong số những tín đồ Ixlam giáo tầng lớp trên ở Ấn Độ, Liên minh muslin toàn Ấn Độ tuyên bố thành lập. “Liên minh” này chủ trương căn cứ vào sự khác nhau của tín ngưỡng tôn giáo, để phân chia đơn vị bầu cử, tiến hành bầu cử cơ quan lập pháp, đồng thời yêu cầu giành quyền đại biểu độc lập cho tín đồ đạo Ixlam trong cơ quan lập pháp.
Sau ba năm hoạt động, yêu cầu của “Liên minh” đã được đáp ứng một phần. Để xoa dịu sự phản kháng của nhân dân Ấn Độ, Chính phủ Anh đã thông qua Luật nghị viện Ấn Độ, thành lập Nghị viện lập pháp đế quốc, tăng thêm số ghế nghị sĩ. Jinna đã là luật sư nổi tiếng, được tín đồ đạo Ixlam Bombay bầu làm nghị sĩ Nghị viện lập pháp trung ương Ấn Độ.
Tình hình tôn giáo Ấn Độ vô cùng phức tạp. Cư dân đông Bănglađet chủ yếu là tín đồ đạo Ixlam, còn tín đồ Ấn Độ giáo thì phần đông ở tây Banglađet. Từ lâu nay giữa họ thường xuyên xảy ra va chạm tôn giáo quy mô lớn và thù ghét chém giết nhau. Để khơi thêm mối bất hòa giữa họ với nhau, làm suy yếu cuộc đấu tranh chống Anh của nhân dân Banglađet, năm 1905 tổng đốc Ấn Độ ban bố luật chia cắt Bănglađét năm 1905. Bộ luật này được tín đồ đạo Ixlam hoan nghênh. Nhưng đến cuối năm 1911, tổng đốc mới ở Ấn Độ lại tuyên bố xóa bỏ đạo luật trên, khiến cho tín đồ đạo Ixlam bất mãn, kích động tinh thần chống Anh.
Những người lãnh đạo “Liên minh” dự cảm thấy cuộc đấu tranh chính trị mới đòi hỏi tín đồ đạo Ixlam và tín đồ Ấn Độ giáo phải đoàn kết hợp tác, vì vậy đã triệu tập hội nghị vào năm 1912 và mời Jinna tham dự. Năm sau “Liên minh” thông qua điều lệ mới, nêu ra việc hợp tác với các tín đồ đạo khác để xây dựng chế độ tự trị hợp với Ấn Độ, Cũng trong năm ấy, Jinna đã gia nhập “Liên minh” khiến địa vị xã hội của ông nâng cao lên rất nhiều.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Jinna ra sức kêu gọi tín đồ đạo Ixlam và tín đồ Ấn Độ giáo đoàn kết hợp tác. Trong thư kêu gọi gửi cho tín đồ đạo Ixlam ông viết. “Lẽ nào chúng ta không thể chôn vùi những bất đồng của chúng ta, để tổ chức mặt trận liên hiệp hay sao? Như vậy bạn bè Ấn Độ giáo sẽ càng tôn trọng chúng ta, cảm thấy chúng ta càng có tư cách sát cánh cùng với họ!”
Tháng 9 năm 1920, tại đại hội của Đảng Quốc Đại, Ganđi nêu ra cương lĩnh “bất hợp tác” với nhà cầm quyền Anh.
Tháng 12 năm ấy, cương lĩnh này được thông qua Jinna không đồng ý cương lĩnh “bất hợp tác”, cho rằng đây là chủ nghĩa vô Chính phủ về chính trị, vì vậy năm sau ông ra khỏi Đảng Quốc đại.
Năm 1924, Jinna được bầu làm chủ tịch “Liên minh”. Nhưng cũng trong đại hội đó một lần nữa ông rất đau lòng nói rằng: “Nước ngoài thống trị Ấn Độ, và còn tiếp tục duy trì sự thống trị, chủ yếu là vì nhân dân Ấn Độ, nhất là tín đồ Ấn Độ giáo và tín đồ Ixlam giáo không thể đoàn kết nhất trí, thiếu sự tin cậy lẫn nhau”. Tôi có thể nói rằng, ngày tín đồ Ấn Độ giáo và tín đồ Ixlam giáo đoàn kết được với nhau cũng là ngày Ấn Độ có được chính quyền tự trị của mình.
Vì những lời kêu gọi của mình không bao giờ được hưởng ứng tích cực, vì thế từ năm 1930 Jinna sang làm luật sư ở Luân Đôn. Năm 1933, “Liên minh” cử người đến Luân Đôn, khuyên Jinna trở về Ấn Độ lãnh đạo “Liên minh”, và nói với ông: “Ông phải trở về, nhân dân cần ông, chỉ có ông mới cứu vãn được Liên minh muslin, làm cho nó có sức sống mới!” Từ đó, Jinna qua lại giữa nước Anh và Ấn Độ. Năm sau, ông được bầu làm chủ tịch vĩnh viễn của “Liên minh”
Năm 1935, nhà vua Anh phê chuẩn Luật Chính phủ Ấn Độ. Từ đó, Ấn Độ có 11 tỉnh bắt đầu được hưởng quyền tự trị. Jinna rất sung sướng, chấm dứt cuộc sống tại Luân Đôn, trở về Ấn Độ lãnh đạo “Liên minh”. Tiếp đó, Ấn Độ tổ chức tổng tuyển cử, Đảng Quốc đại giành được đa số phiếu. Nhưng người lãnh đạo Đảng Quốc đại kiên trì tổ chức nội các một đảng, từ chối hợp tác với “Liên minh”. Trong tình hình đó, Jinna thấy phải thành lập một quốc gia Ixlam độc lập. Tháng 5 năm 1940, trong hội nghị hàng năm của “Liên minh” dưới sự chủ trì của Jinna, đã thông qua “Nghị quyết Pakistan” nổi tiếng. Nghị quyết yêu cầu những tỉnh có đông đảo tín đồ Ixlam sinh sống tách ra khỏi Ấn Độ, thành lập một quốc gia Ixlam. Nghị quyết này được đại đa số tín đồ Ixlam ủng hộ. Jinna thành lãnh tụ được họ công nhận.
Jinna sau khi chuyển sang hướng xây dựng một quốc gia Ixlam độc lập một tổ chức tập đoàn muslin chống đối ông đã tiến hành đe dọa. Trong mấy ngày, điện báo, thư từ gửi cho ông lên tới hơn 50 lá, nội dung đều tuyên bố, sẽ giết hại ông. Tháng 7 năm 1943, tổ chức này cử một thành viên đến ám sát ông.
Thích khách sau khi đến Bombay, lấy tên giả đã đăng ký ở khách sạn. Liên tiếp trong mấy ngày, anh ta quan sát nơi Jinna ở, chọn thời gian hành động tốt nhất, sau đó đã mua một con dao rồi tới cửa hàng dao mài cho thật sắc.
Buổi trưa hôm hành động, thích khách đến chỗ ở của Jinna, chào người gác cổng, nói muốn gặp Jinna. Anh ta được đưa đến gặp thư ký, thư ký nói Jinna hiện đang rất bận. Nhưng thích khách chẳng hề để ý, cứ tự tiện đi vào phòng Jinna.
Đúng lúc ấy Jinna bước ra, gặp ngay thích khách, hắn vung tay đấm thẳng vào má trái Jinna. Jinna vội ngả người về phía sau. Thích khách liền rút dao đâm Jinna.
Jinna tuy bị đấm, nhưng vẫn giữ được thế thăng bằng. Ông thấy ánh dao vung ra, vội túm ngay lấy tay thích khách nên đã làm giảm bớt được sức mạnh của nhát dao đâm bổ xuống, mặc dù cằm dưới vẫn bị thương. Thích khách tiếp tục hành hung, tay Jinna bị liền mấy nhát dao. Mọi người nghe thấy tiếng động chạy đến, nhanh chóng giằnh được dao và túm lấy thích khách giải lên quan.
Dù bị tấn công như vậy, niềm tin của Jinna giành độc lập cho Pakistan vẫn không hề dao động. Ông dốc hết sức lực tiếp tục phấn đấu. Tháng 9 năm 1944, tại Bombay ông đã hội đàm với Ganđi về tương lai của Ấn Độ. Trong hội đàm, Ganđi kiên trì quan điểm Ấn Độ là một dân tộc, không thể chia cắt ra được, còn Jinna thì kiên trì cho rằng, tín đồ đạo Ixlam và tín đồ Ấn Độ giáo chia thành hai dân tộc khác nhau, Đảng Quốc đại nên đồng ý với việc thành lập nước Pakistan. Bên nào cũng giữ quan điểm của mình, đàm phán đã không thể thỏa thuận được.
Tháng 7 năm 1945, Chính phủ Anh thấy cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Ấn Độ mạnh thêm, quyết định nhượng bộ, cho Ấn Độ tự trị. Tình hình thật tốt đẹp. Nhưng một vấn đề bức xúc đặt ra phải giải quyết, tức là Ấn Độ sẽ thành lập quốc gia như thế nào. Đảng Quốc đại và thủ lĩnh Ganđi cho rằng, phải thành lập một nước Ấn Độ thống nhất do đảng của ông lãnh đạo, tín đồ đại Ixlam không được hưởng quyền tự quyết. Còn “Liên minh” và thủ lĩnh Jinna lại chủ trương, phải thành lập quốc gia Ixlam độc lập hai bên tranh chấp nhau, đàm phán lại thất bại.
Tới tháng 2 năm 1947, Chính phủ Anh lại tuyên bố tiếp cho Ấn Độ hoàn toàn độc lập. ít lâu sau, Tổng đốc mới ở Ấn Độ là Mônbatơn tuyên bố “Luật độc lập Ấn Độ”, thực hiện chia tách Ấn Độ và Pakistan. Như vậy mới giải quyết xong vấn đề khó khăn nhiều năm qua.
Dưới sự lãnh đạo của Jinna, “Liên minh” khẩn trương phê chuẩn phương án chia tách, bắt đầu tổ chức Chính phủ. Ngày 7 tháng 8 cùng năm, hội đồng lập hiến Pakistan được triệu tập. Jinna với tư cách Chủ tịch tuyên bố với các đại biểu dự họp:
- Các ông được tự do rồi! Các ông được tự do đến chùa chiền, đến nhà thờ Ixlam hoặc đến lễ bái ở bất cứ nơi nào trong đất nước Pakistan này! Dù các ông thuộc tôn giáo, đẳng cấp hoặc tín ngưỡng nào, đều không cản trở chúng ta đều là công dân cùng một quốc gia, hơn nữa là một nguyên tắc cơ bản bình đẳng công bằng đó là nguyên tắc cơ bản.
Ngày 14 tháng 8, tại nơi sinh của mình - Carachi, Jinna tuyên thệ nhậm chức tổng đốc đầu tiên xứ tự trị Pakistan. Phía trên đầu ông, phấp phới lá quốc kỳ Pakistan do ông và Thủ tướng thiết kế. 3/4 lá cờ mầu xanh, tiêu biểu cho đa số muslin, 1/4 mầu trắng tiêu biểu cho các dân tộc ít người.
Sau khi nước Pakistan thành lập, Jinna vẫn để một số người Anh ở lại Pakistan xây dựng quân đội, đảm nhiệm tỉnh trưởng và quan chức hành chính Chính phủ. Ông tôn trọng những người Anh này, nhưng cũng giữ vững sự tôn nghiêm của bản thân.
Cuối năm 1947, một thượng tướng hải quân Anh tuyên bố sẽ chính thức thăm Pakistan. Theo quy chế và truyền thống, tổng đốc sau khi tiếp tướng lĩnh Anh địa vị cao như vậy thì phải lên kỳ hạm của ông ta đáp lễ. Nhưng Jinna chỉ cử bí thư quân sự của mình đi thôi.
Cố vấn hải quân người Anh của Jinna khi biết chuyện này, đã giải thích cho ông về trình tự truyền thống là tổng đốc phải chính thức thăm đáp lễ vị thượng tướng hải quân, và muốn ông thu hồi lệnh chỉ cử bí thư quân sự đi đáp lễ:
- Jinna thản nhiên trả lời:
- Tôi khác với tổng đốc thực dân thế kỷ 18. Tôi bây giờ là tổng đốc một nước tự trị có chủ quyền năm 1947. Nếu tôi đi thăm thượng tướng hải quân với tư cách một nguyên thủ quốc gia thì không thích hợp chút nào. Nếu thượng tướng hải quân tổ chức họp mặt xã giao thì tôi sẽ vui vẻ tham dự ngay. Vì Jinna đã kiên quyết như vậy, nên chuyến thăm đáp lễ đã huỷ bỏ. Về sau phía Anh cũng buộc phải sửa đổi quy định do nhà vua Anh và bộ hải quân Anh đã công bố này.
Sau khi tách Ấn Độ và Pakistan, hàng ngày Jinna phải giải quyết mọi việc trong và ngoài nước, làm việc quá sức khiến ông mắc bệnh lao phổi.
Suốt 40 năm, Jinna ngày nào cũng làm việc 14 tiếng, mà chưa bao giờ ốm. Nhưng giờ đây ông buộc phải tạm thời gác công việc lại, rời Carachi đi nghỉ ngơi điều dưỡng. Một ngày tháng 9 năm 1948, ông ốm nặng phải đưa về Carachi và đã qua đời ngay đêm hôm đó.

NGƯỜI ANH HÙNG DÂN TỘC MARỐC

Ngày 31 tháng 5 năm 1947, con tầu “Kôtunba” chạy vào cảng Sait của Ai Cập. Tầu sau khi ăn than lấy nước sẽ đi Mácxây Pháp.
Trên tàu có một vị khách đặc biệt tên là Krim, ông được Chính phủ Pháp mời sang Pari tham dự lễ Quốc khánh Pháp 14 tháng 7. Krim là anh hùng dân tộc của Marốc ở Châu Phi, thất bại và bị bắt trong cuộc đấu tranh chống lại nền thống trị của thực dân Pháp và Tây Ban Nha, đã bị lưu đầy 21 năm trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Để lôi kéo ông, Chính phủ Pháp đặc biệt mời ông dự lễ Quốc khánh.
Marốc và mấy nước láng giềng Angêri, Tuynidi, trong lịch sử gọi chung là Magơrep. Khi ấy có một tổ chức chính trị cùng tên, tổ chức này lập một văn phòng đại diện ở Cairô thủ đô Ai Cập. Thành viên văn phòng này biết Krim đang ở trên tầu “Kôtunba”, liền bí mật lên tàu gặp Krim, khuyên ông ở lại Ai Cập tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Krim vui vẻ nhận lời. Được sự giúp đỡ của văn phòng đại diện MagơRif ở Cairô và Chính phủ Ai Cập, Krim bí mật rời khỏi tầu “Kôtuba”.
Năm 1882, Krim sinh ra tại một làng ở vùng núi Rút miền bắc Marốc. Cha ông là một Kađi (quan tòa Ixlam) của bộ lạc Uriagơlơ, cũng là thủ lĩnh bộ lạc. Người của bộ tộc này tính cách cương trực, cần cù chịu khó, giỏi việc chinh chiến, có ý thức dân tộc mạnh mẽ, điều đó đã ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành tính cách của Krim. Krim từ nhỏ được giáo dục rất tốt, ngoài tiếng mẹ đẻ, còn thông thạo tiếng Arập và tiếng Tây Ban Nha.
Năm 1905, Krim 23 tuổi đến Fes, thủ đô Marốc, vào học giáo luật Ixlam ở đại học Karavi, nghiên cứu văn hóa A Rập. Học sinh trường đại học này tư tưởng khá cấp tiến nên không khí chính trị trong trường rất sôi nổi: Sau bốn năm học, Krim không những đã giành được tư cách làm quan tòa, mà bắt đầu có tư tưởng dân chủ, đã vô cùng bất mãn đối với bọn thống trị thực dân Châu Âu.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Krim đến làm việc ở phòng sự vụ bản xứ và trường học bản xứ của thành phố Melila thuộc Tây Ban Nha ở ven bờ Địa trung hải, sau đó đến dậy học ở học viện Arập và kiêm nhiệm biên tập tiếng Arập của “Báo tin nhanh Rif”. Cho tới năm 1915 ông mới làm quan tòa Ixlam của thành phố Melila.
Thời trẻ trung của Krim cũng là lúc Marốc đang trong cảnh nguy vong đầy tai họa. Marốc bắc giáp Địa Trung Hải, tây giáp Đại Tây Dương chiếm vị trí quan trọng trong eo biển Gibranta, giao thông đường thuỷ thuận lợi, vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng, lại thêm tài nguyên khoáng sản giầu có. Cho nên từ đầu thế kỷ 15 đã trở thành đối tượng tranh giành của đám thực dân Châu Âu.
Tháng 3 năm 1912, Chính phủ Pháp cưỡng ép Suntan Marốc ký hiệp ước “Chế độ bảo hộ”. Tháng 11 cùng năm, Pháp lại ký “Hiệp định Madrit” với Tây Ban Nha, xâu xé Marốc. Theo hiệp định, vùng duyên hải dài hẹp phía bắc, khu vực miền tây nam cắt làm đất bảo hộ của Tây Ban Nha, 4/5 đất đai còn lại thuộc khu vực bảo hộ của Pháp.
Krim tận mắt thấy rõ nền thống trị thực dân tàn bạo, cảm thấy Tổ quốc lâm nguy từng giờ từng phút, phải kêu gọi nhân dân thức tỉnh. Thế là ông thường xuyên viết nhiều bài báo, ra sức phanh phui và lên án tội ác của bọn thực dân, kêu gọi nhân dân Marốc vùng lên đấu tranh. Vì vậy, bọn quan lại Tây Ban Nha ở Marốc ra lệnh truy nã ông, năm 1916 đã bắt bỏ tù ông.
Năm 1918, Krim được ra tù. Cuộc sống nhà tù không khuất phục được ông, ngược lại càng làm ông quyết tâm chiến đấu với nhà cầm quyền thực dân Tây Ban Nha. Năm sau, ông trở về quê Agiêđia. Khi đó, nhân dân quê hương dưới sự lãnh đạo của cha ông, đang anh dũng đấu tranh chống lại ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha. Thấy vậy, Krim vô cùng phấn khởi liền lao ngay vào dòng thác đấu tranh.
“Hiệp định Madrit” ký kết chưa đầy hai năm thì bùng nổ Thế chiến thứ nhất, Pháp và Tây Ban Nha không còn sức lực để cai trị có hiệu quả phần lớn lãnh thổ Marốc nữa. Nhất là ở vùng bảo hộ của Tây Ban Nha, do sự phản kháng của nhân dân địa phương, bọn cầm quyền thực dân không thể nào cai trị được. Đại chiến chấm dứt, Chính phủ Tây Ban Nha quyết định sử dụng biện pháp chinh phục cứng rắn đối với vùng này.
Theo “Hiệp định Mađrit”, thì vùng Rif quê hương của Krim, 1/3 đất đai cắt cho Tây Ban Nha , 1/3 cắt cho Pháp. Thực dân Tây Ban Nha lúc đầu mưu toan lôi kéo cha của Krim, vì bộ lạc Uriagơlơ do ông lãnh đạo rất có thế lực ở vùng này. Do bị từ chối, năm 1920 chúng liền cử tướng Sinvít thống lĩnh 2 vạn quân tấn công vùng Rif.
Cha con Krim đã kêu gọi nhân dân Uriagơlơ hăng hái vùng lên, anh dũng chiến đấu bảo vệ quê hương. Nhưng thật không may, cha của Krim ít lâu sau bị bọn thực dân Tây Ban Nha cho tay sai đầu độc chết. Lúc lâm chung, ông tha thiết nhắc nhở con: “Kiên quyết không được khuất phục trước người Tây Ban Nha”
Krim thông minh giỏi giang, lắm mưu nhiều kế, được hội nghị bộ lạc bầu làm thủ lĩnh quân sự. Mang nặng nợ nước thù nhà, Krim đảm nhiệm sứ mệnh chống trả bọn xâm lược. Ông kiên quyết nói với mọi người: “Mục đích của chúng ta nhất trí với mục đích của thế hệ cha chúng ta, tức là phải sẵn sàng tiến hành cuộc đấu tranh chống lại Tây Ban Nha!”
Nửa năm đầu năm 1921, tướng Sinvít ỷ thế ưu thế về quân sự, chiếm lĩnh một số cứ điểm quan trọng của Rif. Trong tháng 6, lại Chiếm làng Abara. Quân Tây Ban Nha tự cho mình binh hùng tướng mạnh đã mở vội tiệc ăn uống linh đình. Nhân lúc bọn địch đang say sưa chè chén Krim đích thân chỉ huy 300 dũng sĩ, xông vào chỗ chúng. Sau mấy giờ ác chiến, hơn 400 quân thực dân bị Krim tiêu diệt, bọn còn lại tháo chạy khỏi làng Abara.
Krim tranh thủ thời cơ, lợi dụng tinh thần chiến đấu đang hăng hái của các chiến sĩ, tập kích quân thực dân Tây Ban Nha. Trong tháng 7, khi hơn 2 vạn quân xâm lược của tướng Sinvít đến Anuvalơ cách làng Agiêđia khoảng 40 cây số, Krim chỉ huy quân khởi nghĩa tập kích quân thực dân khiến cho chúng phải ôm đầu tháo chạy tán loạn.
Đúng lúc các chiến sĩ chém giết quân địch, thì trong thành luỹ của quân thực dân Tây Ban Nha treo cờ trắng. Krim hạ lệnh cho cấp dưới tiến lên nhận cho đầu hàng. Nhưng khi người của Krim đến gần thì viên đạn tội ác của giặc bắn trúng ngực.
Vô cùng căm giận trước hành động bội tín bất nghĩa này, Krim chỉ huy quân khởi nghĩa xông thẳng vào trận địa quân thù. Kết quả, hơn 2 vạn quân thực dân Tây Ban Nha hầu như bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng Sinvít vừa xấu hổ vừa tức giận đã phải tự sát.
Trong trận chiến đấu này, quân của Krim đã thu được của Tây Ban Nha 129 khẩu đại bác, hơn 400 cỗ súng máy, hơn 2 vạn khẩu súng trường, thể hiện rõ sức chiến đấu hùng mạnh của họ.
Sau trận Anuvalơ, tàn quân của Sinvít bị quân khởi nghĩa Rif tiến đánh ở mọi nơi. Tháng 8, một tướng khác của quân thực dân là Nawalo cũng thành tù binh của Krim.
Thắng lợi to lớn chống quân thực dân Tây Ban Nha đã khiến Krim trở thành người anh hùng trong lòng nhân dân các bộ lạc Rif. Người đi theo ông ngày càng nhiều, ông từ thủ lính quân sự bộ lạc Uriagơlơ, trở thành thủ lĩnh quân sự chính trị toàn vùng Rif.
Thắng lợi đã cổ vũ Krim, ông nẩy ra ý nghĩ phải làm cho Rif vĩnh viễn thoát khỏi nền thống trị thực dân. Ông quyết định lợi dụng thời cơ quân thực dân Tây Ban Nha tạm thời không dám đến tấn công, thành lập nước Cộng hòa Rif thống nhất.
Krim bắt đầu làm mọi công việc. Ông kêu gọi các bộ lạc Rif đoàn kết lại, chấm dứt thù hằn chém giết, cùng nhau anh dũng chiến đấu để đuổi hết bọn chiếm đóng, giải phóng tổ quốc. Ông cử phái đoàn do người em trai ông dẫn đầu đi Châu Âu, để tìm kiếm sự ủng hộ cho Rif độc lập.
Đầu năm 1923, miền đông và miền trung Rif về cơ bản đã thực hiện thống nhất. Krim cho rằng, điều kiện thành lập nước Cộng hòa đã chím mùi. Ngày 1 tháng 2 ông triệu tập hội nghị có thủ lĩnh 12 bộ lạc Rif tham dự. Hội nghị đã thông qua “Lời thề dân tộc” (Còn gọi là “Hiến chương quốc gia”) do Krim soạn thảo tuyên bố Rif là nước Cộng hòa độc lập, tổ chức Chính phủ do Krim làm Aimir (người thống trị). Thủ đô nước Cộng hòa đặt tại Agiêdia.
Sau khi nước Cộng hòa Rif ra đời, rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Krim biết, muốn củng cố thành quả thắng lợi đã giành được phải cải cách tất cả các lĩnh vực chính trị, quân sự, tư pháp, kinh tế, giáo dục. Khi học đại học, đã tiếp xúc với tư tưởng và văn hóa phương Tây, đã hướng về chính thể cộng hòa lập hiến phương Tây, vì thế ông đã tuyên bố rõ ràng trong “Lời thề dân tộc” không công nhận bất cứ hiệp định nào xâm phạm đến chủ quyền của Marốc; Tây Ban Nha phải rút ra khỏi khu vực Rif không thuộc quyền thống trị của họ theo hiệp ước năm 1912; hoàn toàn công nhân nền độc lập của Cộng hòa Rif, thành lập Chính phủ cộng hòa lập hiến.
Đầu năm 1924, thực dân Tây Ban Nha từ chính quốc điều động quân đội phát động cuộc tấn công mới từ hai hướng đông, tây vào Rif. Để gây chia rẽ giữa những người Marốc với nhau, chúng đã xúi giục chúa phong kiến lớn Rayisuri tấn công vào Rif.
Krim đích thân chỉ huy quân khởi nghĩa Rif chiến đấu ở tuyến phía đông, trước hết tiêu diệt quân của Rayisusi, sau đó tập trung binh lực, triển khai du kích chiến đấu cơ động linh hoạt đánh trả quân thực dân Tây Ban Nha. Sau mấy tháng chiến đấu, đã tiêu diệt hơn 30.000 quân địch, quân Tây Ban Nha bại trận đành phải rút về vùng ven biển.
Krim đã sớm biết, cùng một lúc phải đương đầu với bọn thống trị Tây Ban Nha và Pháp là không thể làm được. Để tránh sự tấn công của địch từ nhiều phía, lúc đầu ông đã tỏ ra hữu hảo với Pháp, cùng nhà cầm quyền Pháp phân định ranh giới giữa Rif và khu thuộc Pháp. Bọn thực dân Pháp cáo già vẫn muốn làm ông chài túm lấy cả trai lẫn cò, nhưng khi thấy thắng lợi của Krim đã đe doạ tới nền thống trị thực dân của mình, thì lo rằng Krim có thể “quấy đảo” thuộc địa của mình, càng lo lắng nhân dân Marốc ở vùng thuộc Pháp sẽ theo Rif, nổi lên làm cách mạng, chôn vùi nền thống trị thực dân, vì vậy đã quyết định bóp chết nước Cộng hòa Rif từ trong nôi.
Mùa hè năm 1924, thực dân Pháp tiến đánh thung lũng sông Urêha vựa lúa của Rif mưu toan làm chết đói nhân dân Rif. Vậy là, việc quyết chiến với thực dân Pháp, phải đối đầu với sự xâm lược của Pháp là không thể tránh được. Krim gửi thư cho tổng đốc Pháp ở Marốc, với lời lẽ đanh thép: “Chúng tôi chỉ đòi hỏi được hưởng quyền lợi như nước Pháp: quyền tự chủ của nhân dân các nước!”. Tháng 4 năm sau, ông điều quân chủ lực xuống tuyến phía Nam, phản kích quân Pháp. Sau mấy tháng chiến đấu quyết liệt, nhân dân Rif đã chiếm được nhiều cứ điểm quan trọng của quân Pháp, và tiến thẳng vào thủ đô Fes.
Quân Pháp thất bại khiến Chính phủ Pháp lo sợ. Để xoay chuyển tình thế, Chính phủ Pháp bãi nhiệm viên tổng đốc đã có thâm niên 13 năm ở Marốc bổ nhiệm thống chế Pêtanh đã từng là tổng tư lệnh quân Pháp, làm tổng tư lệnh quân viễn chinh Marốc, đồng thời tăng thêm 16 vạn quân chính quy, trang bị máy bay, chiến xa và đại bác, điên cuồng tiến đánh Rif.
Nhà cầm quyền Pháp dự tính, chỉ dựa vào lực lượng quân sự ấy, vẫn khó có thể chiến thắng được nhân dân Rif anh dũng ngoan cường. Vì thế tháng 7 năm ấy đã cấu kết với Tây Ban Nha, thành lập “Uỷ ban Pháp - Tây Ban Nha”, thống nhất hành động quân sự, cùng xua quân đàn áp nhân dân Rif.
Tháng 9, quân Tây Ban Nha phối hợp với hạm đội Pháp, đổ bộ lên Huxêma rồi đánh thẳng vào Agiêđia, thủ đô của cộng hòa Rif. Ở tuyến phía nam, 30 vạn quân Pháp mở cuộc tấn công toàn diện vào Rif. Quân khởi nghĩa của Krim anh dũng chiến đấu, nhưng vì ít không địch nổi nhiều cuối cùng đã phải rút lui. Cuối tháng 5 năm 1926, quân Pháp chiếm được bộ tư lệnh của Krim đặt tại Tensíp. Một tháng sau, Krim và gia đình bị nhà cầm quyền Pháp đầy đi đảo Rêuyniông ở Ấn Độ Dương.
21 năm sau, nhà cầm quyền Pháp cho rằng ý chí phản kháng của Krim đã nhụt đi trong cuộc sống lưu đầy lâu dài. Để vỗ về, Chính phủ Pháp đã mời ông tới Pari tham dự lễ quốc khánh. Nào ngờ Krim vẫn còn rất kiên cường, đã tham gia cuộc đấu tranh giành độc lập ở Ai Cập.
Năm 1956, Marốc đã được độc lập, ít lâu sau lần lượt thu hồi đất bảo hộ ở miền bắc do Tây Ban Nha chiếm đóng, và vùng bảo hộ miền nam do Pháp chiếm đóng. Năm 1958, Chính phủ Marốc đã trao tặng Krim danh hiệu vẻ vang anh hùng dân tộc.

THAKIN CÔĐÔ KHƠMANH

Đối với nhân dân Mianma, ngày 28 tháng 11 năm 1885, là một ngày nhục nhã. Hôm ấy, vua Tibô và hoàng hậu bị quân Anh áp giải ra bến tàu kinh đô Manđalay đưa sang Ấn Độ.
Tibô là con trai đức vua Minđôn. Từ khi lên ngôi năm 1878, ông luôn luôn chủ trương chống lại thực dân Anh, thu phục giang sơn. Tháng 10 năm 1885, thực dân Anh gửi thông điệp cuối cùng cho Tibô, đòi ông chấp nhận để Anh cử Trưởng quan đến Manđalay, đồng thời để nước Anh giám sát công việc ngoại giao của Mianma. Tibô kiên quyết từ chối, thế là quân đội Anh ồ ạt đem quân xâm chiếm. Tibô đích thân chỉ huy chống lại, rút cục không chống nổi và bị bắt. Bây giờ, ông bị đầy đi một hải đảo.
Nhân dân Mandalay thấy đức vua của mình lâm vào cảnh ngộ ấy, đều vô cùng căm giận và đau lòng, nhất là nghĩ tới cảnh đất nước nguy vong, lại càng vô cùng đau đớn. Gần bến tàu, rất nhiều người tự động tập hợp lại để tiễn đưa Tibô và Hoàng hậu.
Trong đám đông ấy, có một thiếu niên 10 tuổi nước mắt lã chã. Sau khi Tibô bị giải lên tàu, cậu đã không kìm nổi nỗi đau đớn, quay trở về điện thờ Phật ở chùa nơi cậu đang học hành, quỳ xuồng trước tượng vàng Phật tổ Thích ca Mâu ni cầu nguyện:
- Đệ tử bất hạnh, đã sinh ra vào thời loạn lạc như thế này. Chỉ mong Phật tổ phù hộ đệ tử kiếp sau không còn phải lầm lạc vào dân tộc bị nô dịch nữa!
Chàng thiếu niên ấy, sau đã trở thành Thakin Côđô Khơmanh nhà thơ yêu nước Mianma.
Thakin Côđô Khơmanh vốn tên là ULun. Khi ông sinh ra (1876) thì nước Anh đã hai lần gây chiến tranh xâm lược Mianma, chiếm được Mianma, lấy Rangun làm thủ đô, cho Tổng đốc Anh - Ấn sang cai trị. ULun từ nhỏ đi học chùa, rất quan tâm vận mệnh Tổ quốc, bây giờ thấy đất nước bị Anh xâm chiếm, không thể yên tâm học hành nữa, anh quyết tâm thôi học, ra ngoài xã hội tìm biện pháp giải cứu nỗi khổ đau của Tổ quốc.
Năm 19 tuổi, cha ULun qua đời. Để nuôi mẹ, anh đến làm thợ sắp chữ ở một nhà máy in Rangun. Vì có trình độ văn hóa khá, ít lâu sau anh được chuyển làm nhân viên hiệu đính, đồng thời sáng tác kịch bản. Sau khi nhà máy in đóng cửa, anh lần lượt làm việc ở “Thời báo Rangun”, “Thời báo Mianma” và sáng tác nhiều thơ văn.
Nước Anh chiếm đóng Mianma đã giải tán lực lượng vũ trang của Mianma, không cho phép người Mianma sử dụng vũ khí, ngay cả kích thước con dao dùng trong nhà cũng qui định. Bọn thực dân Anh sử dụng biện pháp thâm độc “lấy Ấn Độ trị Mianma”, biến Mianma thành một tỉnh của Ấn Độ, thuê lính Ấn Độ đàn áp nhân dân Mianma, còn cướp đoạt rất nhiều tài nguyên của Mianma, lũng đoạn khoáng sản và rừng rú, coi Mianma là vựa lúa của nước Anh. Nhân dân Mianma rơi vào cảnh nước sôi lửa bỏng, nên cuối cùng đã triển khai cuộc đấu tranh chống lại nền thống trị thực dân Anh.
Năm 1911, một số thanh niên trí thức đã sáng lập “Báo Mặt trời” bắt đầu tuyên truyền độc lập tự do. Mônglun nhanh chóng tham gia công việc biên tập của toà báo này. Tại đây, ông càng có nhiều dịp tiếp xúc với sự vật mới và tư tưởng mới, càng kích thích tư tưởng yêu nước đã tiềm ẩn từ thời thơ ấu.
Thực dân Anh, mang đến Mianma “văn minh” phương Tây - Một số phần tử trí thức lớp trên, nhất là những trí thức được tiếp thu nền giáo dục văn hóa nước ngoài đã mù quáng chạy theo loại “văn minh” này, vất bỏ truyền thống tốt đẹp vốn có của dân tộc, ngay cả cách gọi truyền thống “U”, “Cô” “Mao” đặt trước tên mình cũng bỏ luôn, thay vào đó là (ngài, ông) và lấy làm hãnh diện về chuyện đó. Trước thói rởm đời này, Mônglun nghĩ nếu cứ để kéo dài sẽ làm mất đi lòng tự tôn dân tộc, nên đã cố ý dùng bút danh “Mister Maomai” viết một cuốn sách có tên “Chuyện ông Tây”. Cuốn sách đã mỉa mai châm biếm những ông tây giả, nhiệt tình ca ngợi lịch sử cổ kính và văn hóa huy hoàng của Mianma, gửi gắm tình cảm tha thiết đối với Tổ quốc lầm than.
“Nhớ xưa kia, triều đại Ava
Đất nước phồn vinh dân no ấm.
Quét sạch thối nát hết hắc ám
Uy danh lừng lẫy cõi Nam Cham
Nhìn thời nay, cứ luôn luôn nhớ tới
Quá khứ như nước chảy chẳng bao giờ trở lại.
Cuồn cuộn trôi xuôi
Nỗi buồn day dứt lòng ai!”
Cuốn sách sau khi xuất bản, được nhân dân Mianma nhiệt liệt hoan nghênh, làm chấn động tầng lớp “mister”. Cùng năm ấy, cũng với bút danh “Mister Maomai” ông xuất bản cuốn “Con công” phanh phui và mỉa mai bọn thống trị thực dân Anh, cổ vũ nhiệt tình yêu nước của nhân dân.
Tháng 9 năm 1920, tổ chức chính trị đầu tiên của Mianma “Tổng hội các đoàn thể Mianma” ra đời. Tôn chỉ của tổ chức này, là đòi nước Anh thực hiện ở Mianma một chế độ chính trị như ở Ấn Độ, để người Mianma tham gia công việc Chính phủ, xây dựng công nghiệp dân tộc Mianma. Do ảnh hưởng của tổ chức này, ít lâu sau học sinh đại học Rangun tiến hành bãi khóa, chống lại luật đại học bất hợp lý. Cuộc đấu tranh nhanh chóng lan tới trường trung học các nơi, thầy trò đều náo nức đòi hỏi học văn hóa dân tộc như văn học và lịch sử Mianma, ngay sau đó Học viện quốc dân Pahan ra đời tại Rangun.
ULun nhiệt tình ủng hộ hành vi yêu nước này, ông kiên quyết thôi việc ở “Báo Mặt trời”, đến làm giáo sư văn học và lịch sử Mianma ở học viện Pahan, đồng thời biên soạn một số sách giáo khoa.
Trong tình hình phong trào độc lập dân tộc Mianma lên cao, năm 1923 nhà cầm quyền thực dân Anh đã có một số nhượng bộ, thực hiện cái gọi là “chế độ chính quyền hai đầu mối”, tức là ngoài chính quyền trung ương do Chính phủ Ấn Độ quản lý ra, chính quyền địa. phương do Chính phủ Mianma quản lý. Nhượng bộ này đã mê hoặc được một số người trong “Tổng hội các đoàn thể Mianma”, khiến cho tổ chức này chia rẽ. Học viện quốc dân Pahan cũng bị đóng cửa. Ulun đành phải trở lại với công việc biên tập. Đúng vào lúc ấy, hoàng tử Uên nước Anh đến thăm Mianma, Chính quyền thực dân Mianma muốn lấy lòng hoàng tử, đã đặc biệt cử bộ trưởng nội vu đi gặp ULun, muốn ông làm thơ ca ngợi hoàng tử và trả thù lao 1000 đồng vàng, ngoài ra còn phong hàm huân tước và chức giáo sư đại học cho ông.
Nhưng tiền và vinh dự không mua chuộc được tấm lòng của ULun. Ông nói thẳng với bộ trưởng nội vụ rằng: “Tôi thà chết đói chứ không muốn nhận 1000 đồng tiền thưởng của các ông. Dù lưỡi tôi có mọc cỏ, cũng quyết không làm thơ ca ngợi cháu của Victoria, con trai của hoàng đế Gióocgiơ.
Mặc dù sống trong cảnh nghèo, ULun vẫn dốc hết tâm tư sức lực cho phong trào độc lập dân tộc của Mianma. Khi học sinh đại học Rangun lại tổ chức bãi khóa phản đối thực dân Anh, ông đã sáng tác bài “Bãi khóa “ để ủng hộ.
Bài thơ viết:
Cốt nhục tình thâm không bao giờ đứt đoạn
Rút dao chém nước nước vẫn cứ dâng trào
Lúc khó khăn trông cậy vào bạn bè thân hữu
Như khi vua tôi chưa hoạn nạn khổ đau.
Thầy cần mẫn vạch đường chỉ lối
Trò ngoan cường, vận nước biết lo âu.
Vùng đấu tranh chẳng biết đã bao người
Ta cũng quyết nơi tuyến đầu phía trước!
Dân tộc bị áp bức đòi hỏi độc lập giải phóng, và trào lưu phát triển lịch sử. Dù quá trình, có quanh co nhưng xu thế chung vẫn tiến lên. Năm 1935, một tổ chức chính trị mới do trí thức tư sản Mianma xây dựng. “Hiệp hội người Mianma chúng ta” (Đảng Thakin được thành lập. Trong tiếng Mianma, “Thakin” là tên gọi cao quý, có nghĩa là “chủ nhân”, Đảng này lấy tên đó để thể hiện tinh thần chống Anh. Đảng chủ trương chống nền thống trị thực dân, tổ chức phong trào yêu nước, tôn trọng văn hóa dân tộc, đề xướng tiêu dùng hàng nội.
Mônglun coi tổ chức này là niềm hy vọng của dân tộc Mianma nên đã kiên quyết đứng về phía họ. Do uy tín của ông, sau khi ông công khai tuyên bố tham gia tổ chức này, lập tức được bầu làm chủ tịch danh dự. Từ đó, cũng như tất cả những người của đảng Thakin, ông lấy chữ Thakin đặt trước tên mình nên có tên là Thakin Côđô Khơmanh.
Thakin Côđô Khơmanh sau khi gia nhập “Hiệp hội người Mianma chúng ta” hăng hái tham gia đấu tranh cứu nước giành độc lập cho dân tộc. Ý chí ngày càng kiên định, thái độ ngày càng rõ ràng, tình cảm trong thơ ông ngày càng mạnh mẽ quyết liệt. Năm 1936, học sinh đại học Rangun lại tổ chức bãi khóa, trong cuộc đấu tranh xuất hiện nhiều lãnh tụ học sinh, và trở thành lực lượng trung kiên của “Hiệp hội người Mianma chúng ta”. Ông cảm thấy vô cùng sung sướng, cho rằng đây là niềm hi vọng của Mianma, hứng khởi sáng tác một bài thơ nhan đề “Đại học Thakin” trong đó có đoạn.
“Việc cũ qua đi không trở lại,
Ngày nay đã là phương trời mới.
Sừng sững chốn nhân gian,
Mianma uy danh lừng lẫy
Cha ông để lại cho ta một âu vàng
Trời Mianma rộng lớn mênh mang
Ta đang sống trên mảnh đất tổ tiên gửi lại.
Quyết không để nước ngoài chiếm cứ mảy may!”
Thế chiến thứ hai bùng nổ, tháng 4 năm 1942 quân Nhật xâm chiếm Mianma. Lãnh tụ phong trào độc lập Mianma khi ấy, là tướng Aung San ảo tưởng liên kết với Nhật Bản, để chống Anh, giành độc lập cho Mianma. Nhà cầm quyền Nhật Bản sau khi chiếm đóng Mianma, vờ vĩnh tuyên bố đồng ý Mianma “độc lập”, Aung San được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng. Thakin Côđô Khơmanh thì cho rằng, dựa vào phát xít Nhật không thể khiến Tổ quốc độc lập được. Ông đã khuyên tướng Aung San: “Ông không thể đuổi các vị bồ tát các ông đã mời về đi khỏi đây hay sao? Về sau, trước sự thực nghiệt ngã, Aung San nhận ra sự giả dối và xảo trá của đế quốc Nhật, cuối cùng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh chống Nhật. Sau khi giải phóng được Mianma, Aung San đã được bầu làm Thủ tướng Chính phủ lâm thời.
Tháng 7 năm 1947, Aung San và bẩy người lãnh đạo Chính phủ đã bị đám thích khách phản động tay sai của bọn thực dân Anh, sai hung thủ giết chết. Hay tin, Thakin Côđô đã làm một bài thơ dài có tên “Nghĩa trang liệt sĩ” để tỏ lòng thương tiếc. Ngày 4 tháng l năm 1948, Mianma đã được độc lập và thành lập Liên bang Mianma (năm 1974 đổi thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Mianma).