Tây Sở Bá Vương Hạng Võ

Chương 14 (C)

Việc Hàn Tín bình định đất Tề đã xảy ra cùng một tháng với việc Lưu Bang bị thương tại Quảng Võ.  Hai tháng sau, tức vào tháng hai năm 203 Tr. CN, sau khi Lưu Bang lành vết thương thì liền trở lại tiền tuyến Quảng Võ.  Ngay lúc đó, Hàn Tín phái sứ giả đưa tới một phong thư.  Lưu Bang mở thư ra xem, thấy bên trong viết: "Dân nước Tề rất giả dối, và nhiều mưu mô, phản phúc vô thường, phía nam của Tề lại giáp ranh với nước Sở, e rằng sẽ xảy ra biến loạn, vậy xin cho phép tôi làm Giả Vương để trấn áp họ."

Trong thư của Hàn Tín bảo là người nước Tề khó cai trị, chẳng qua là một cái cớ, còn mục đích thân chính của ông ta là muốn làm Tề Vương.  Lưu Bang hiểu rất rõ mục đích này của Hàn Tín.  Ông không hài lòng việc Hàn Tín có thái độ nôn nóng muốn xưng vương, liền nổi giận to tiếng mắng:

- Ta bị vây ở Quảng Võ, ngày đêm trông ngươi đến cứu viện, thế mà ngươi lại mướn tự lập làm vương, đúng là một con người vô tình vô nghĩa!

Lúc bấy giờ Trương Lương và Trần Bình đều có mặt.  Họ thấy Lưu Bang nổi nóng trước mặt sứ giả của Hàn Tín, cảm thấy không hay, sợ thái độ đó sẽ lọt vào tai Hàn Tín, gây ra nhiều chuyện rắc rối không cần thiết, cho nên liền dùng chân khều nhẹ đầu bàn chân của Lưu Bang, rồi kề tai nói nhỏ với ông:

- Hiện nay chúng ta đang ở vào hoàn cảnh khó khăn, làm sao ngăn cấm Hàn Tín xưng vương cho được?  Vậy nhân cơ hội này nên đưa ông ta lên làm vương, đối xử tốt với ông ta, thì ít nhất cũng có thể làm cho ông ta đứng trung lập, bằng không thì sẽ có nhiều chuyện bất trắc.

Lưu Bang bừng hiểu ra, vội vàng thay đổi thái độ, nói:

- Người đại trượng phu bình định xong các chư hầu thì phải làm vương thật, chứ sao lại làm vương giả?

Người sứ giả thấy Lưu Bang đồng ý, tỏ ra rất vui mừng, liền trở về đất Tề để báo cáo với Hàn Tín.

Lưu Bang tuy ăn nói thô lỗ, thường mắng chửi người chung quanh và có thái độ vô lễ với bộ hạ, nhưng ông lại biết chú ý lắng nghe ý kiến của thần hạ, kịp thời sửa chữa những sai lầm của mình, nên tránh được sự lệch lạc về mặt sách lược.  Đối với việc Hàn Tín xin làm Vương Giả, với thực lực có sẵn trong tay, Hàn Tín hoàn toàn có thể tự mình xưng vương mà không cần phải thỉnh thị Lưu Bang.  Nhờ người chung quanh khuyên ngăn, nên Lưu Bang ý thức được điều đó, và đã thuận theo tình huống để tạo nên một tình cảm riêng tư.  Thực ra, ông hiểu được như vậy cũng là người sáng suốt đối với việc lung lạc Hàn Tín, và đoàn kết với lực lượng quan trọng này là điều không thể xem thường.

Sau khi sứ giả của Hàn Tín rời khỏi Quảng Võ không bao lâu, thì Lưu Bang liền phái Trương Lương mang ấn Vương đến Lâm Tri, tuyên bố chính thức phong Hàn Tín làm Tề Vương, đồng thời trưng dụng của ông ta một số binh mã đưa đến Quảng Võ để chống trả quân Sở.  Hàn Tín được phong vương hết sức vui mừng, nên với việc phái binh tất nhiên ông ta cũng rất bằng lòng.  Thế là Hàn Tín liền điểm một bộ phận binh mã của mình, đưa đi Quảng Võ để chi viện cho Hán quân, nhờ thế việc phòng bị tại núi Quảng Võ lại được tăng cường thêm một bậc.

Riêng Hạng Võ sau khi biết tin quân Sở bại trận tại Duy Thủy, Long Thả bị chết trận, thì nhận ra được  rằng lực  lượng của Hàn Tín không phải tầm thường. Đây là lần đầu tiên Hạng Võ cảm thấy sợ hãi và không thể xem thường.  Vì ông ta đang đóng quân tại Quảng Võ, buộc phải áp dụng một sách lược khác: lôi kéo.  Sau khi Lưu Bang phong Hàn Tín làm Tề Vương, thì Hạng Võ phái một nhà du thuyết giỏi là Võ Thiệp đến Lâm Tri để du thuyết Hàn Tín.

Võ Thiệp là người Hu Di, ăn nói giỏi, biết xoay sở, bản tính lại rất tinh khôn, Hạng Võ được người giới thiệu nên biết Võ Thiệp.  Ông lấy làm sung sướng có được một người như Võ Thiệp.  Ông đặt rất nhiều hy vọng vào Võ Thiệp, dặn dò kỹ lưỡng và hứa sau khi thành công sẽ phong thưởng trọng hậu.  Võ Thiệp cũng ngỏ ý sẽ dốc hết sức mình ra để làm tròn sứ mệnh.

Sau khi Võ Thiệp gặp được Hàn Tín, trước tiên ông nói về tình hình thiên hạ lúc bấy giờ, phân tách cái lợi cái hại rồi mới nói tiếp:

- Thiên hạ đau khổ vì cách cai trị tàn bạo của vương triều nhà Tần đã lâu, chính vì vậy hào kiệt trong thiên hạ mới cùng đứng lên để đánh Tần.  Nay bạo Tần đã bị tiêu diệt, mọi người tùy theo công lao lớn nhỏ đã được cắt đất phong hầu, ai nấy đều xưng vương, còn binh sĩ thì được nghỉ ngơi, thiên hạ đã được thái bình.  Nhưng, Hán Vương là người không biết an phận, dẫn binh tiến về phía đông, cướp đoạt đất đai cũa người khác, xâm phạm biên giới của người khác.  Ông ta đã thôn tính đất đai của ba vị vương được phong tại khu vực nhà Tần cũ, đồng thời, bêu đầu Tái Vương Tư Mã Hân để thị chúng.  Ông ta làm như vậy vẫn cảm thấy chưa thỏa mãn, nay lại xua quân tiến ra phía ngoài quan ải, tụ họp binh lực của các chư hầu, kéo về phía đông đánh Sở, có vẻ như muốn thôn tính cả thiên hạ, thật là người tham lam không biết đủ.  Tính mệnh của Hán Vương đã mấy lần nằm trong tay của Hạng Vương, nhưng Hạng Vương thấy tội nghiệp ông ta nên đã tha chết cho ông ta.  Nhưng, một khi ông ta thoát ra khỏi vòng nguy hiểm, thì lập tức phản bội minh ước, quay lại tấn công Hạng Vương.  Từ đó mà xét thì Hán Vương rõ ràng là người xảo trá, không biết gì là chữ Tín và chữ Nghĩa, không đáng cho chúng ta làm thân.  Giữa tướng quân với Hán Vương mặc dù có tình nghĩa thâm hậu, đã giúp ông ta xây dựng quân đội và không ngại cực khổ, nhưng rốt cuộc rồi e rằng vẫn không tránh khỏi bị ông ta hại ngầm!

Nói tới đây, Võ Thiệp cố ý dừng lại giây lát, liếc mắt nhìn sắc mặt của Hàn Tín.  Ông ta phát hiện Hàn Tín vẫn bình tĩnh như thường, không hề có thái độ gì trước những lời lẽ khiêu khích của ông ta, chừng như không hề nghe lọt vào tai.  Võ Thiệp nghĩ bụng: chắc là Hàn Tín vừa được Lưu Bang phong làm vương, nên cảm ơn lòng tốt của Lưu Bang, mới  không chịu tin Lưu Bang sẽ hại ngầm ông ta.  Thế là ông ta lại tìm cách khác để khuyến dụ, nói:

- Có lẽ tướng quân cũng hiểu, Hán Vương thích ban bố ân huệ bé nhỏ cho người xung quanh để lợi dụng họ.  Ông ta phong tướng quân làm Tề Vương, là vì hiện nay tướng quân đối với ông ta vẫn còn có chỗ dùng, nhưng một khi ông ta thấy tướng quân không còn dùng vào đâu được nữa, thì ông ta sẽ vứt bỏ tướng quân sang một bên.  Vậy, tướng quân cần phải học bài học của Phạm Lãi, sớm thấy bộ mặt thực của Hán Vương, mau mau rời xa ông ta, kẻo lại gặp cảnh hết thỏ rừng thì chó săn cũng bị làm thịt như Văn Chủng đại phu thời xưa vậy!

Mấy câu nói nhắc lại những sự kiện thời xưa của Võ Thiệp làm cho Hàn Tín không khỏi giật mình.  Ông ta nghĩ tới chuyện Việt Vương Câu Tiễn đúng là một người quên ơn phụ nghĩa, mưu sĩ Phạm Lãi đã đóng góp nhiều công lao cho ông ta, nhưng đến khi thành công thì cũng không thể để Phạm Lãi cũng được hưởng phú quý, buộc Phạm Lãi phải từ chức rời khỏi nước Việt.  Riêng Văn Chủng vì chậm một bước, nên cuối cùng đã bị ban chết.  Hán Vương chả lẽ lại là người giống như Câu Tiễn hay sao?

Võ Thiệp thấy Hàn Tín có vẻ suy nghĩ, liền nói thêm:

- Hiện nay Hán Vương sở dĩ bảo toàn tính mệnh của tướng quân, là vì còn Hạng Vương, cho nên ông ta cần phải dốc hết toàn lực để đối phó với Hạng Vương.  Giữa lúc hai người tương tranh, thì lực lượng của tướng quân trở nên rất quan trọng.  Nếu tướng quân nghiêng về phía tây thì Hán Vương thắng; tướng quân nghiêng về phía đông thì Hạng Vương nhất định sẽ giành được thiên hạ.  Một khi Hạng Vương sụp đổ thì người nối tiếp chắc chắn sẽ  là tướng quân.  Giữa tướng quân và Hạng Vương có mối tình cũ, vậy tại sao tướng quân không hòa giải với Hạng Vương?  Hạng Vương là người tính tình bộc trực, luôn biết trọng chữ Tín và chữ Nghĩa, không bao giờ nhớ mãi chuyện bất hòa đã qua.  Nếu tướng quân quay trở lại với Hạng Vương, thì Hạng Vương nhất định sẽ hoan nghênh tướng quân.  Tới chừng đó sẽ chia ba thiên hạ, chiếm đất xưng vương, không phải tốt sao?  Tướng quân tuyệt đối không nên bỏ lỡ cơ hội này!

Những lời du thuyết của Võ Thiệp có thể nói là hết sức tận tình, nhưng kết quả đã làm cho ông ta thất vọng.  Hàn Tín suy nghĩ một lúc lâu rồi khiêm tốn nói:

- Tôi rất cảm kích ý tốt của ngài, nhưng tôi không thể làm theo được.  Tôi từng là bộ hạ của Hạng Vương, nay lại theo về với Hán Vương, đối với hai người tôi biết rất rõ.  Hạng Vương dũng cảm hơn người, đối với thần hạ rất ôn hòa, nhưng ông ấy không biết dùng người.  Khi tôi còn ở trong quân Sở, chẳng qua chỉ giữ một chức Lang Trung bé nhỏ, suốt ngày cầm cây kích sắt để canh gác cung cấm, còn lời khuyên của tôi thì không được nghe theo, mưu kế của tôi thì không được dùng, trải qua một thời gian dài cũng không được thăng chức.  Chính vì thế nên tôi mới rời khỏi Hạng Vương, chạy sang đầu Hán Vương.  Hán Vương rất trọng thị tôi, cử tôi làm Thượng Tướng Quân, cai quản mấy vạn binh mã.  Ông ấy còn cởi áo của mình cho tôi mặc, còn chia thức ăn của mình cho tôi ăn, và luôn nghe theo mưu kế của tôi nên mới có được tình hình như ngày hôm nay.  Hán Vương là người tin dùng tôi như vậy, nếu tôi phản lại thì là bất nhân bất nghĩa, lòng trung thành của tôi đối với Hán Vương, cho đến chết tôi cũng không thay đổi, vậy xin ngài về bẩm lại với Hạng Vương, là tôi rất cảm tạ ý tốt của ông ấy.

Võ Thiệp thấy tình hình không có chuyển biến gì nên đành phải thất vọng ra về.

Hạng Võ ở núi Quảng Lăng sau khi nghe lời báo cáo của Võ Thiệp thì lấy làm không vui.  Ông nghĩ bụng: Hạng Võ ta là một bậc cái thế anh hùng, thế mà nay phái người đi liên lạc với nhà ngươi lại bị nhà ngươi xem thường, bị nhà ngươi lên mặt, quả thực là người không biết cái gì là hay, cái gì là dở.  Ta hà tất phải đi nài nỉ nhà ngươi, vậy nhà ngươi đừng có hối hận!

Võ Thiệp nhận biết tâm trạng của Hạng Võ, nói:

- Hàn Tín đối với Hán Vương có lòng trung thành như vậy là vì Hán Vương là người có ơn đối với ông ta.  Còn Đại Vương lúc mới khởi binh, Hàn Tín từng theo Đại Vương nhưng về sau lại bỏ Đại Vương theo quân Hán, cho nên ông ta có lẽ còn oán hận Đại Vương!

Câu nói đó làm cho Hạng Võ im lặng rất lâu. Trước đây, khi Hạng Võ và người chú của mình là Hạng Lương vượt qua sông Hoài, chuẩn bị khởi binh thì Hàn Tín mang gươm đến gia nhập, nhưng thời bấy giờ chú cháu họ Hạng chưa phát hiện được tài năng của Hàn Tín, khiến ông ta sống trong quân ngũ mà không có tiếng tăm gì.  Sau khi Hạng Lương chết trận tại Định Đào thì Hàn Tín trở thành bộ hạ của Hạng Võ, và Hạng Võ cũng chưa từng xem trọng ông ta, cho nên sau khi cắt đất phong hầu xong, thì Hàn Tín đã từ quân Sở chạy sang xin gia nhập quân Hán của Lưu Bang.  Nhớ lại những chuyện đã qua, Hạng Võ ít nhiều cũng thấy áy náy, thầm trách mình đã sai sót trong việc dùng người.  Nhưng, Hạng Võ là người không bao giờ chịu học bài học trong thực tế, càng không bao giờ chịu công khai thừa nhận những sai sót trước mặt mọi người, mà chỉ đem sự tự trách đó chôn chặt trong lòng, không bao giờ bộ lộ ra ngoài.  Sự uy nghiêm của Tây Sở Bá Vương là không thể thay đổi.  Ông phải trước sau như một, cho bề tôi thấy mình vĩnh viễn là chích xác, chỉ có bề tôi phụ ông, chứ ông không bao giờ phụ bề tôi cả!  Hạng Võ bèn nói với Võ Thiệp:

- Nếu Hàn Tín không chịu phản Hán quy Sở thì bất tất phải cưỡng ép.  Tôi muốn để cho ông ta thấy, dù ông ta không giúp tôi, thì tôi cũng có thể thắng Hán Vương, làm vua thiên hạ như thường!

Võ Thiệp đáp:

- Cuối cùng rồi Đại Vương sẽ là người chiến thắng trong thiên hạ, điều đó không còn chỉ phải nghi ngờ.  Tôi chỉ muốn nói lực lượng của Hàn Tín là không thể xem thường, mà cần phải cố hết sức để tranh thủ.

Hạng Võ hỏi:

- Tiên sinh còn có cách hay gì khác không?

Võ Thiệp đáp:

- Tôi có quen một người Tề, tên gọi Khoái Thông.  Người này biết xem tướng số lại ăn nói giỏi, vậy có thể mời ông ta đi thử một lần nữa xem sao.

Hạng Võ gật đầu đồng ý.  Thế là Võ Thiệp lấy danh nghĩ của Hạng Võ để nhờ đến sự giúp đỡ của Khoái Thông.  Khoái Thông cũng có ý muốn ngăn cản Hàn Tín trợ giúp cho Hán.  Bèn lên tiếng hứa hẹn, quyết định dùng một phương thức đặc thù để tiến hành khuyên ngăn Hàn Tín.

Thế là Khoái  Thông đi ra mắt Hàn Tin, và tự giới thiệu:

- Tại hạ từng học thuật xem tướng và bằng long xem tướng cho ngài.

Hàn Tín hỏi Khoái Thông về thuật xem tướng, thấy ông ta rất tinh thông, bèn ra hiệu cho những người hầu cận lui ra ngoài hết, rồi nhờ ông ta xem tướng cho mình.  Khoái Thông nhìn kỹ Hàn Tín một lúc, nói:

- Mặt của ngài chẳng qua chỉ được phong hầu mà thôi, còn lưng của ngài thì thực quý hết chỗ nói!

Lời nói của Khoái Thông thật ra muốn ám chỉ, nếu quay lưng lại với Hán thì có thể trở thành đại phú quý.  Nhưng Hàn Tín không hiểu được ý đó, bèn hỏi tại sao thì Khoái Thông đáp:

- Khi thiên hạ bắt đầu khởi binh, mọi người đều quan tâm tới việc tiêu diệt triều đình nhà Tần, nay Sở - Hán tương tranh, bá tánh lớp chết lớp bị thương vô số kể, ai ai cũng mong mỏi có ngày chiến tranh chấm dứt, hiện giờ vận mệnh của hai vương họ Lưu và họ Hạng đang ở trong tay của ngài.  Nếu ngài giúp đỡ ai thì người đó sẽ thắng.  Vậy theo tôi chi bằng ngài nên chọn con đường lưỡng lợi, tức chia ba thiên hạ với Sở và Hán, đứng thành thế chân vạc để cùng tồn tại như nhau.  Dựa vào sự hiền minh và lực lượng quân sự có trong tay của ngài, nhất là ngài đang chiếm cả nước Tề rộng lớn, nếu lôi kéo được cả Yên lẫn Triệu, xua quân chiém giữ những vùng đất mà hai vương chưa chiếm, rồi theo nguyện vọng của bá tánh, ngăn cản sự tương tranh giữa Sở và Hán, thì mọi người trong thiên hạ đều đứng lên hưởng ứng, thử hỏi còn ai dám không theo? Cổ nhân có nói; trời đã cho mà không nhận thì sẽ bị tội; thời cơ đến mà không chụp thì sẽ bị tai ương.  Giờ đây trời đã cho ngài một thời cơ tốt, vậy mong ngài nên suy nghĩ kỹ!

Hàn Tín nói:

- Hán Vương đối đãi với tối rất trọng hậu, vậy tôi làm thế nào thấy lợi mà quên nghĩa cho được?

Khoái Thông lắc đầu, đáp:

- Ngài tự cho rằng giữa mình và Hán Vương rất thân mật với nhau, nên muốn giúp ông ta xây dựng sự nghiệp, lòng trung thành đó thật đáng khen, nhưng sẽ không có kết quả tốt đâu.  Nhớ lại trước kia Thường Sơn Vương Trương Nhĩ và ThànH An Quân Trần Dư thân như anh em, thề cùng sống chết, thế mà sau đó vì chuyện Trương Đông, Trần Trạch nên họ đã trở thành kẻ thù của nhau.  Thường Sơn Vương bội phản Hạng Vương chạy sang đầu nhà Hán Vương, thế là Hán Vương liền mượn quân đội trong tay của ông ta để tiến về phía đông, giết chết Thành An Quân.  Hai người họ từ bạn trở thành thù, là do lòng người thay đổi khó lường.  Tình cảm giữa ngài và Hán Vương vị tất sâu đậm bằng Trương Nhĩ và Trần Dư, nhưng sự việc giữa hai người nếu so với Trương Đông, Trần Trạch thì quan trọng hơn nhiều, cho nên ngài tin rằng Hán Vương sẽ không làm hại ngài, thì đó là một sự sai lầm to.  Tôi thật lo ngại cho ngài!

Hàn Tín nghe không lọt vào tai, nói:

- Thôi, ông đừng nói nữa, để tôi suy nghĩ thêm.

Sau mấy hôm, Khoái Thông lại đến du thuyết, ông ta một lần nữa nhấn mạnh là, một người biết nghe theo ý kiến hay của người khác, thì mới có thể dự kiến được những việc sắp xảy ra; người khi gặp chuyện biết suy tới nghĩ lui, thì mời có thể nắm được then chốt của sự thành bại.  Chỉ có người biết quyết định một cách kịp thời mới là người thông minh, chắc chắn không bao giờ bị thất bại trong mọi việc.  Cơ hội rất khó gặp, nhưng nó lại trôi qua rất nhanh.  Ông ta cố khuyên Hàn Tín nên quyết định dứt khoát, đừng suy tới nghĩ lui.  Nhưng Hàn Tín vẫn không chịu phản bội Lưu Bang.  Ông cho rằng công lao của mình đã đóng góp cho quân Hán rất lơn, vậy Hán Vương không bao giờ lại đoạt mất vùng đất của nước Tề do ông chiếm được.  Ngoài ra, đối với Hạng Võ đã có sự bất bình từ lâu, cho nên ông tin Hạng Võ sẽ không trọng dụng ông.

Cuộc du thuyết lần thứ hai cũng không đi tới kết quả.  Kế hoạch của Hạng Võ nhằm tranh thủ Hàn Tín xem như bị phá sản.  Việc Hàn Tín quyết tâm giúp Hán, đối với Hạng Võ là hết sức bất lợi.  Tình trạng chong mặt giữa hai bên tại núi Quảng Võ lại tăng thêm một sự khó khăn mới.

 

 

Chia đôi thiên hạ

 

Sau khi Hàn Tín không nghe lời du thuyết của Khoái Thông, liền phái người đến ngỏ ý với Lưu Bang, sẵn sàng phối hợp với quân Hán để tấn công quân Sở.  Tin tức này truyền ra, Lưu Bang cảm thấy hết sức vui mừng.  Ông biết Hàn Tín chẳng những là người trí dũng song toàn, mà trong tay còn có một đạo quân với số lượng đáng kể, nếu được sự giúp đỡ của Hàn Tín, thì còn lo gì không giành được thắng lợi.

Nghĩ tới đây, Lưu Bang không khỏi cảm kích Trương Lương và Trần Bình.  Việc lập Hàn Tín làm Tề Vương chính là chủ trương của hai người đó.  Có thể nói hai người này có kiến thức cao xa, có nhiều mưu kế tài tình.  Họ nói thật là đúng, hiện nay quân Hán đang ở vào tình thế bất lợi, vậy cần phải đối xử với Hàn Tín cho tốt.  Một quả ấn vương có gì đáng tiếc, mà vấn đều mấu chốt là tăng cường lực lượng cho quân Hán, để chiếm được ưu thế trong cuộc đấu tranh quyết liệt với quân Sở.

Từ việc phong vương cho Hàn Tín, Lưu Bang lại nghĩ tới Anh Bố.  Anh Bố từ tháng chạp năm rồi được Tùy Hà du thuyết, nên đã bỏ Sở về với Hán.  Hạng Võ tức giận sự bội phản của Anh Bố, nên đã phái Hạng Bá kéo quân vào Cửu Giang để thu gom số quân đội tản lạc của Anh Bố, và giết chết vợ con của ông ta.  Nay Anh Bố không còn vợ con, nhà cửa, chỉ một thân trơ trọi, lúc nào cũng căm thù Hạng Võ, quyết góp sức với Lưu Bang để rửa mối thù nhà.  Điều đó hoàn toàn đúng với sự mong muốn của Lưu Bang.  Nay để cho Anh Bố càng đem hết sức mình ra giúp Hán, Lưu Bang quyết định sẽ làm theo cách cư xử với Hàn Tín, ban cho Anh Bố một quả ấn vương.  Lúc Anh Bố ở Sở được phong làm Cửu Giang Vương, còn giờ đây thì được Lưu Bang phong làm Hoài Nam Vương, đóng đô tại Thọ Dương.  Sau khi được phong vương, Anh Bố đã hết sức cảm kích trước cái ơn của Lưu Bang, cho nên càng quyết tâm phục vụ cho quân Hán.  Lưu Bang biết thế chỉ mỉm cười, trong lòng rất đắc ý vì chính sách dùng người của mình thu được nhiều kết quả tốt.

Lưu Bang biết việc tranh thủ lòng người là điều hết sức quan trọng.  Ông thấy muốn đánh bại được Hạng Võ, chẳng những phải tăng cường binh lực, mà còn phải nâng cao sĩ khí của quân đội, để họ luôn luôn gắn bó với mình, hình thành một sức mạnh quần thể to lớn.  Cho nên sau khi lập Anh Bố làm Hoài Nam Vương được một tháng, vào tháng 8 năm 203 Tr. CN, Lưu Bang lại ban hành một mệnh lệnh rất  đắc nhân tâm: quân sĩ nếu bị vong trận, thì quan phủ ở các địa phương phải lo việc tang lễ, rồi đưa quan tài của họ về đến tận gia đình. Sau khi pháp lệnh đó được công bố thì toàn quân đều vui mừng nhảy múa, hoan hô.  Từ bấy lâu nay, binh sĩ chiến đấu ngoài chiến trường chỉ biêt đổ máu bán mạng của mình, còn thi thể thì không ai lo thu gom, người nhà không hề được an ủi, vợ con cha mẹ trông ngóng ngày đêm mà vẫn không biết thân nhân của mình chết sống ra sao.  Nay Hán Vương khai ân cho phép chôn cất người chết, đó là một sự an ủi to lớn đối với gia đình họ, cho nên mệnh lệnh đó đã trở thành một sự khích lệ mạnh mẽ đối với binh sĩ.  Hán Vương nhân nghĩa như vậy, thì thử hỏi còn ai sợ chết trong việc chinh chiến?  Trong nhất thời, tất cả tướng sĩ trong quân đội đều ngợi khen Lưu Bang là người anh minh, cho nên khắp đất nước đều hoan hô vạn tuế.

Sau khi mệnh lệnh đó được ban bố không bao lâu, thì Lưu Bang lại làm một công việc đắc nhân tâm khác.  Ông ra lệnh thăng chức cho Châu Xương đang làm Trung úy chưởng quản quân cánh vệ tại Kinh Sử lên làm Ngự Sử Đại Phu, tức người chịu trách nhiệm giám sát quan viên tối cao.  Châu Xương là anh em của Châu Hà, một vị tướng đã bị quân Sở bắt sống hồi tháng 6 năm 204 Tr. CN khi thành Huỳnh Dương bị đánh chiếm.  Sau đó hơn một năm Châu Hà vẫn một mực không chịu đầu hàng mặc dù Hạng Võ lấy miếng mồi phong hầu để câu nhử, nên đã bị Hạng Võ giết chết bằng cách bỏ vào chảo nước sôi.  Câu chuyện thề chết không chịu đầu hàng Hạng Võ của Châu Hà, đã trở thành một sự truyền tụng tốt đẹp trong quân Hán.  Lưu Bang cũng ra sức đề cao khí tiết của Châu Hà, và xem Châu hà là người mẫu mực trong tướng sĩ của quân Hán.  Giờ đây Lưu Bang lại thăng chức Châu Xương, làm cho thanh thế của Châu Hà càng được đề cao, đồng thời, cũng làm cho các tướng sĩ thấy được Hán Vương là người trọng khí tiết, chỉ cần trung thành với Hán Vương dù sau khi chết vẫn được nhiều danh dự, nhất là thân tộc cũng sẽ nhận được nhiều điều có lợi.

Việc tranh thủ nhân tâm của Lưu Bang đã có ảnh hưởng rất sâu rộng.  Tháng 8 năm đó, dân tộc thiểu số Bắc Mạch cũng đến giúp Hán.  Dân tộc Bắc Mạch ở xa tận vùng đông bắc, thuộc người Hàn, rất dũng cảm thiện chiến, lại giỏi cưỡi ngựa.  Lần này họ mang theo một đội kỵ binh mạnh mẽ, ngoài ra, lại còn có một số binh lính của nước Yên. Sau khi đội binh mã này kéo đến, binh lực của Lưu Bang lại được tăng cường.

Như vậy, trong thời gian giằng co giữa Sở và Hán, mặc dù đôi bên có thắng có bại, tình thế vẫn cho thấy quân Hán càng ngày càng có lợi thế, nói một cách khác, quân Hán đã dần dần chuyển từ yếu sang mạnh.  Tại cánh phía bắc, Hàn Tín đã đánh bại được nước Ngụy, tiêu diệt được nước Triệu, hàng phục được nước Yên, chiếm lĩnh được nước Tề.  Tại cánh phía nam, Anh Bố đã phản Sở đầu Hán, và được Lưu Bang phong làm Hoài Nam Vương.  Riêng ở hậu phương của nước Sở, thì Bành Việt đã liên tục phá rối, mang đến cho Hạng Võ nhiều sự lo lắng.  Trong khi đó thì Lưu Bang đã tiến hành hàng loạt những việc làm nhằm thu phục nhân tâm, tăng cường sĩ khí.  Do vậy, trong khoảng thời gian giằng co lâu dài, trên thực tế Hạng Võ đã bị yếu đi, còn Lưu Bang thì được mạnh lên.

Sự chuyển biến có hại đó, mới ban đầu Hạng Võ chưa thấy rõ.  Ông ta vẫn cố tình cho rằng Hán Vương không đáng sợ, quân Hán chỉ là tàn binh bại tướng dưới tay mình.  Hạng Võ có lý do của ông ta: kể từ khi Sở - Hán tương tranh cho tới nay, đôi bên giao chiến đến mấy chục lần, gần như quân Sở mỗi lần giao chiến là mỗi lần đắc thắng, còn quân Hán thì gần như cứ đánh nhau là bị bại trận.  Trận đánh tại Bành Thành, năm mươi sáu vạn đại quân của Hán đã bị Hạng Võ đánh tan tác, còn những trận tranh giành Huỳnh Dương, Thành Cao, thì Lưu Bang đã nhiều lần bị thảm bại.  Đến khi quân Hán lui về giữ Quảng Võ, thi luôn luôn ẩn núp trong doanh luỹ, không đủ sức giao phong với quân Sở.  Vì nếu kéo ra đánh nhau, chắc chắn quân Hán sẽ bị quân Sở đánh bại.

Về sau, Hạng Võ biết tin Lưu Bang đã tăng cường viện binh tại Quảng Võ, ông ta mới bắt đầu hơi lo sợ, nhưng vẫn không hề thật sự quan tâm.  Trong giai đoạn này, lại có nhiều tin tức truyền đến làm cho Hạng Võ thấy được đó là những tín hiệu bất thường.

Việc khuấy rối của Bành Việt làm cho Hạng Võ nhức đầu hơn hết.  Ông ta áp dụng sách lược cứ quân Sở tới thì ông ta rút lui, mà khi quân Sở rút lui thì ông ta lại khuấy phá.  Nếu quân Sở dẫn  đại binh kéo tới đánh ông ta, thì ông ta lại rút trở về vùng căn cứ địa cũ, chờ cho quân Sở kéo đi ông ta lại xuất đầu lộ diện.  Chính vì thế, kinh đô của Bá Vương có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.  Riêng đường vận lương ở hậu phương thì bị Bành Việt cắt đứt, kho lương thực bị ông ta đốt, tài vật bị ông ta cướp đi, làm cho việc cung cấp hậu cần của quân Sở càng ngày càng khó khăn.  Hạng Võ luôn có mặt tại Huỳnh Dương, Thành Cao, vẫn thường được tướng sĩ đóng giữ Bành Thành đưa tin cấp báo.  Chính vì vậy nên việc tác chiến của Hạng Võ ở mặt trận phía tây thường bị chi phối, khiến ông ta không thể dồn hết tâm trí của mình cho việc đối phó với Lưu Bang, thậm chí trong giấc chiêm bao mà vẫn luôn nhớ tới vấn đề an ninh ở hậu phương.

Một vấn đề khác nữa là Hàn Tín.  Võ Thiệp đi du thuyết thất bại, Hàn Tín đã quyết tâm đứng về phía Hán để đánh Sở.  Trước đây mấy hôm, Hạng Võ lại được báo cho biết, Khoái Thông là người từng đi khuyên Hàn Tín giữ trung lập, vì sợ Hàn Tín hại mình, nên ông ta đã giả điên, đi lang thang ngoài phố, lấy nghề bói toán để mưu sinh qua ngày.  Hạng Võ chưa từng gặp Khoái Thông, cho nên khi nghe được tin tức này không khỏi cảm thấy thương hại.  Sở dĩ Khoái Thông lâm vào tình trạng như thế, là hoàn toàn do việc đi khuyên dụ Hàn Tín giúp cho Sở, như vậy chả lẽ Hạng Võ không có trách nhiệm hay sao?  Điều làm cho Hạng Võ khổ tâm nhất, là việc du thuyết không có kết quả gì, mà trái lại Khoái Thông còn gặp cảnh ngộ như thế, vậy mà Sở Vương lại không thể che chở được cho ông ta.  Với tính hay thương người, Hạng Võ cảm thấy rất không an tâm.  Ông ta dự định sau khi đánh bại được Hán Vương, bình định được thiên hạ, nhất định sẽ báo đáp những người từng giúp đỡ cho mình.

Ngày hôm đó, Hạng Võ đang ngồi trong doanh trướng và cảm thấy bực dọc trước tình hình càng ngày càng bất lợi, bỗng có một binh sĩ vào báo:

- Bẩm Đại Vương, có sứ giả của Hán đến xin ra mắt.

Sứ giả là một người trung niên, tự giới thiệu họ Hầu, phụng mệnh Hán Vương đến để bàn việc với Hạng Võ.  Hạng Võ mời ông ta ngồi, sau khi ra hiệu cho những người hầu đi ra ngoài hết, mới hỏi:

- Hán Vương có gì cần nói?

Hầu Sinh đáp:

- Hán Vương kể từ ngày rời xa Thái Công và phu nhân, đến nay đã ngoài hai năm.  Hán Vương ngày đêm mong nhớ và rất là đau khổ.  Đại Vương là người trọng tình nghĩa, vậy có thể nghĩ tới nỗi khổ của Hán Vương đối với tình cha con, chồng vợ, để cho phép Thái Công và phu nhân trở về với Hán Vương hay không?

Hạng Võ nghe xong chưa vội trả lời.  Lưu Thái Công và Lữ Trĩ do quân Sở bắt sống được tại trận đánh Bành Thành.  Ông từng muốn giết chết họ cho hả cơn giận trong lòng, nhưng về sau thấy giữ họ để kềm chế Lưu Bang thì có lợi hơn, nên đã giam họ trong quân ngũ để làm con tin.  Hạng Võ suy bụng ta ra bụng người, cho rằng con người ai cũng có tình cảm, cha là người tôn trưởng, vợ là người nội trợ, vậy Hán Vương không đau khổ sao được.  Nhưng có điều làm cho Hạng Võ không hiểu được là, tại sao Lưu Bang lại có lòng dạ sắt đá, thấy cha già của mình sắp bị nấu thành cháo, thế mà còn xin cho ông ta một chén canh để húp!  Từ đó trở đi, Hạng Võ thấy con bài chủ trong tay mình không còn giá trị nữa, chỉ tiếp tục giam họ trong ngục, chứ chưa có ý định giải quyết ra sao.  Trong những ngày gần đây, Hạng Võ do đang bận tâm đến chuyện đánh nhau nên đã quên mất họ.  Ông ta biết nếu tiếp tục giam họ cũng không có ích lợi gì, nhưng thả họ thì lại không cam tâm.

Hầu Sinh thấy Hạng Võ chưa trả lời dứt khoát, bèn dựa vào bản tánh tự cao và kiêu ngạo của Hạng Võ để tâng bốc ông ta, tạo điều kiện có lợi cho mình. Sau khi khen ngợi Hạng Võ đủ điều, ông ta nói tiếp:

- Hạng Vương là bậc anh hùng nổi tiếng trong thiên hạ, không ai không biết, hào kiệt đều kính nể, kẻ cả chính thần đây, vậy xin Đại Vương nên giữ gìn danh dự của mình, đừng để cho thiên hạ cười chê.  Hai quân giao tranh với nhau thì nên giành thắng bại ngoài chiến trường, chứ không nên bắt người thân tộc của nhau để lấy đó làm hả cơn giận - tới đây ông lại khiêu khích Hạng Võ - tại hạ nghe nói, trong quân Hán đang có lời đồn đại như thế này: Hán Vương là một bậc anh hùng chân chính, còn Đại Vương chỉ là một thất phu thảo mãng, dù là người dũng cảm thiện chiến, nhưng cuối cùng vẫn không thể thắng được quân Hán, nếu không phải vậy thì Đại Vương bắt giam cha già và vợ yếu của Hán Vương để làm gì?

Câu nói của Hầu Sinh làm cho Hạng Võ nổi nóng, sắc mặt đỏ lên, vỗ mạnh tay xuống bàn, quát:

- Hán Vương là anh hùng cái nỗi gì?  Ông ta có thắng được ta một trận nào không?  Nhà ngươi trở về nói lại với Hán Vương, ta cho ông ta chọn ngày giờ, địa điểm để cùng quyết đấu với ta, xem ai cao ai thấp cho biết!

Hầu Sinh thầm tức cười trong lòng, nhưng sau đó liền nói thêm:

- Ai cao ai thấp là việc không thể tự phong, mà cần phải chứng thật ở ngoài chiến trường.  Đại Vương nếu muốn quyết đấu, thì tôi trở về sẽ thưa lại với Hán Vương. Nhưng nếu Đại Vương không bằng lòng thả Thái Công và phu nhân thì có lẽ Hán Vương sẽ khó chấp thuận.

Hạng Võ nói:

- Chuyện đó thì có khó khăn gì, ta sẽ thả họ ra ngay!

Hầu Sinh đa tạ Hạng Võ liên tiếp, rồi vui vẻ trở về doanh trại của quân Hán.  Trong vòng tháng 9, Hạng Võ quả nhiên thực hiện lời hứa của mình, thả Lưu Thái Công và Lữ Trĩ trở về doanh trại của quân Hán.

Nhưng, Lưu Bang vẫn không chịu quyết đấu với Hạng Võ, trái lại, ông còn tăng cường thêm việc phòng ngự để tiếp tục giữ vững tình hình chong mặt giữa đôi bên.  Ông biết làm như thế sẽ rất có lợi cho quân Hán, còn đối với quân Sở thì sẽ là một sự mệt mỏi và tiêu hao vô cùng to lớn.  Chỉ cần kéo dài, thì đến ngày nào đó quân Hán sẽ không tốn một tên lính, một mũi tên, cũng có thể khiến cho Hạng Võ phải tự rút quân, và từ đó một tình thế mới sẽ mở ra.

Sự phán đoán của Lưu Bang thật là chính xác, những khó khăn ngày càng nhiều đã làm cho Hạng Võ không còn có thể tiếp tục giữ tình hình giằng co chong mặt như thế nữa.  Nhằm thoát ra khỏi tình trạng bí lối này, Hạng Võ phái người đi ngỏ ý với Lưu Bang, hy vọng sẽ ký kết minh ước với quân Hán, lấy Hồng Câu làm ranh giới để chia đôi thiên hạ.  Vũng đất ở phía tây Hồng Câu thuộc Hán, vùng đất ở phía đông Hồng Câu thuộc Sở, Sở và Hán sẽ hòa hảo với nhau, không ai xâm phạm ai.

Hồng Câu là một con kênh đào thời cổ, đại để nó được đào hồi năm Ngụy Huệ Vương thứ 10 (tức năm 360 Tr. CN).  Con kênh này bắt đầu từ Huỳnh Dương thuộc Hà Nam chạy thẳng lên đến sông Hoàng Hà ở phía bắc.  Trước tiên nó chảy đến phía bắc huyện Trung Mậu ở phía đông, rồi từ phía đông lại chảy đến phía bắc Khai Phong, sau đó chuyển xuống phía nam và chảy đến phía đông của huyện Thông Hứa, phía tây của huyện sông Dĩnh Thủy.  Nó nối liền những con sông chính như sông Tế Thủy, Bộc Thủy, Biện Thủy, Tuy Thủy, Nhữ Thủy, sông Tứ, sông Hà, hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy.  Việc Hán và Sở lấy Hồng Câu làm ranh giới để chia đôi thiên hạ, đối với Lưu Bang mà nói là một thắng lợi lớn, vì nó đánh dấu tình trạng Sở mạnh Hán yếu đã bị đảo ngược.  So sánh lực lượng giữa đôi bên đã có sự chuyển hóa.  Đối với Hạng Võ mà nói, đó là một sự lựa chọn bất đắc dĩ, buộc phải thừa nhận lực lượng của quân Hán mạnh hơn mình, và bằng lòng thỏa hiệp một cách khổ  tâm.  Từ ngày khởi binh cho tới nay, mặc dù Hạng Võ cũng gặp nhiều lần thất bại và trở lực, nhưng chưa có sự thất bại nào đau thương như sự thất bại ngày hôm nay.

Giữa một ngày gió thu hiu hắt, Hạng Võ cho tập hoọp đội ngũ của mình để chuẩn bị rời khỏi mặt trận phía tây, rút trở về phía đông.  Trên đường đi, Hạng Võ cảm thấy hết sức bối rối.  Tất nhiên là ông ta không cam tâm rút quân, nhưng thử hỏi còn có biện phsap nào khác hơn được?  Suy tới  nghĩ lui, ông ta cảm thấy khi ký kết hòa ước xong thì đôi bên không còn đánh nhau nữa đó cũng là một việc tốt, vì chiến tranh tới đây là nên kết thúc.  Nhưng ông ta không hề nghĩ tới tự nghìn xưa, hòa ước bao giờ cũng không đáng tin cậy, một tờ hoà ước viết bằng giấy trắng mực đen, vẫn thường bị lưỡi gươm đẫm máu đâm toạc.