Thế là tinh thần binh sĩ bắt đầu hoang mang. Hán quân kể từ ngày giao tranh với Sở vẫn thường bị thất bại, trong lòng binh sĩ của quân Hán vẫn có tâm lý sợ sệt quân Sở. Đặc biệt là Tây Sở Bá Vương Hạng Võ, khi nhắc tới thì ai nấy đều sợ hãi. Có một số binh sĩ già từng đánh nhau tại Bành Thành hai năm trước, đã chứng kiến Hạng Võ chỉ có trong tay ba vạn binh mã, lại vừa từ chiến trường ở đất Tề kéo trở về, thế mà họ đã đánh tan năm mươi vạn đại quân của Hán một cách tài tình, suýt nữa đã bắt sông được Hán Vương. Các binh sĩ già đều là những người may mắn thoát chết hoặc bị bắt làm tù binh, cho nên họ đã từng chứng kiến sức mạnh ghê hồn của Hạng Võ, cảm thấy giao chiến với ông ta là khó giành được thắng lợi. Tỏng những ngày quân Sở và quân Hán chong mặt nhau tại núi Quảng Võ, thì họ còn cảm tháy tương đối yê ổn. Thứ nhất, là do quân Hán đã dựa vào địa hình hiểm yếu để hạ trại, được thiên nhiên che chở. Thứ hai, là có Hán Vương và các mưu thần tìm cách đối phó. Trong lòng họ hết sức khâm phục trí mưu của Hán Vương, và xem Hán vương là cây trụ chống về mặt tinh thần của họ. Nay Hán Vương bị thương nặng, tình trạng không rõ thế nào, vậy thử hỏi họ không hoang mang sao được? Nếu Hán Vương có bề gì, chẳng phải họ giống như một con rồng không có đầu hay sao? Nếu có một ngày như vậy, thì quân Hán sẽ không cần đánh cũng tự tan rã, và bản thân họ tất nhiên sẽ gặp cảnh ngộ vô cùng nguy khốn.
Sĩ khí là yếu tố quan trọng nhất để tạo nên sức chiến đấu của quân đội. Sĩ khí bị tụt giảm, tâm trạng lúc nào cũng lo âu, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến mọi việc trong quân ngũ. Các binh sĩ bắt đầu thiếu nhiệt tình đối với việc cố thủ phòng ngự. Những binh sĩ canh gác ban đêm cầm giáo dài ngủ gục, ban ngày binh sĩ không có chuyện gì làm, cứ tụ năm tụ ba thì thầm bàn tán.
Một người tế nhị như Trương Lương đã nhận thấy sự diễn biến đó trong quân đội. Ông nghĩ rằng mọi việc tuy chưa phải đến mức thật nghiêm trọng, nhưng nếu không kịp thời ổn định tinh thần quân đội, ngăn chặn tình trạng có hại đó lan rộng ra, thì sẽ tạo nên một sự tổn thất không lường cho quân Hán. Là một mưu thần được Hán Vương tín nhiệm và quí trọng, ông không thể ngồi yên để nhìn thế cuộc.
Thế là Trương Lương đến yết kiến Lưu Bang. Lưu Bang đang ngồi tựa lưng vào một chiếc mền, nhắm mắt nghỉ ngơi. Sắc mặt của ông vì sự đau đớn nên già hẳn đi. Hai thị nữ đứng hầu bên cạnh, trong tay đang bưng một chén thuốc chữa trị vết thương. Trương Lương sau khi bước vào trướng, thấy tình hình đó thì không làm cho Lưu Bang giật mình, nhưng Lưu Bang đã mở mắt ra, khẽ gật đầu cho phép ông ta ngồi.
Trương Lương thấy Lưu Bang có vẻ rất đau đớn, đoán biết vết thương không phải nhẹ, cho nên ông cũng không lên tiếng hỏi gì, mà đỡ lấy chén thuốc từ trong tay của người thị nữ, kê lên sát miệng Lưu Bang, nói nhỏ:
- Bẩn Hán Vương, xin dùng thuốc kẻo nguội mất!
Lưu Bang nhìn Trương Lương, gượng cười biết ơn, rồi uống hết chén thuốc.
Một chốc sau, Trương Lương nói:
- Thần có lời này không biết nên nói ra chăng?
Lưu Bang đáp:
- Cứ nói đi
- Thần xin Hán Vương ráng đứng dậy - Trương Lương đưa mắt nhìn sắc mặt Lưu Bang nói tiếp - mặc áo giáp vào để đi thị sát và ủy lạo binh sĩ một chốc.
Lưu Bang có vẻ tức giận:
- Cái gì? Bảo ta đi thị sát quân đội ư? Chả lẽ tướng quân không biết ta đang bị thương nặng sao? Tại sao tướng quân lại có ý nghĩ đó?
Trương Lương tươi cười, đáp:
- Xin Hán Vương chớ nôn nóng, đó là vì thần nghĩ đến Hán Vương và quân Hán của chúng ta. Sau khi Hán Vương bị thương, trong quân đội có rất nhiều lời đồn đại, binh sĩ tỏ ý hoang mang, tinh thần sụt giảm. Việc Hán Vương đi thị sát quân đội sẽ làm cho tinh thần họ được bình tĩnh trở lại, chặn đứng không để cho quân Sở nhân cơ hội này mở cuộc tấn công. Thần biết Hán Vương bị thương rất đau đớn, nhưng tinh thần của quân đội lại càng quan trọng hơn!
Sau đó, ông đã đem tình hình quân đội nói tỉ mỉ cho Hán Vương nghe.
Lưu Bang không nói gì cả. Ông cảm ơn Trương Lương đã kịp thời thông báo tình trạng trong quân ngũ cho ông biết, và nhận thấy việc đi thị sát của mình là rất cần thiết. Lưu Bang cố chịu đau bước xuống giường, khoác khôi giáp vào và được Trương Lương đưa đến các đơn vị quân đội. Ông cố gắng làm ra vẻ tự nhiên, mỉm cười khi gặp các binh sĩ và an ủi những binh sĩ đang bị bệnh. Bọn binh sĩ thấy Hán Vương đến thăm họ, đi đứng bình thường thì hết sức vững bụng, tinh thần ý chí của họ đều ổn định trở lại.
Nhưng, Lưu Bang không còn chịu đựng nổi nữa. Ông mang thương tích đi đến các đơn vị quân đội để thị sát là một nghị lực phi thường. Khi trở lại giường nằm thì sắc mặt của ông đã tái xanh, trên trán lấm tấm mồ hôi, cả người như mất hết sức lực, mệt mỏi nhắm nghiền đôi mắt lại nằm thiếp đi, trông như đã vào một thế giới khác.
Hoàng hôn ngày hôm sau, Lưu Bang sau khi phân phối mọi việc tại Quảng Võ, bèn cùng mấy người thân tín chuyển đến Thành Cao. Ông chuẩn bị đến đấy nghỉ ngơi một thời gian. Việc ra đi của ông hết sức bí mật, chỉ có những người thân cận nhất mới biết, cho nene không xảy ra điều gì đáng ngại.
Nơi đóng binh của quân Hán vẫn yên tịnh như bình thường. Các binh sĩ đều dựa vào nhiệm vụ của mình để canh phòng, làm những công việc cần thiết, và cũng không có dấu hiệu gì chứng tỏ quân Sở sẽ mở cuộc tấn công, hoặc sẽ rút quân. Quân Sở vẫn phái người ra chửi mắng, để khiêu chiến, nhưng quân Hán vẫn không có phản ứng gì, tình hình đó cứ lặp đi lặp lại hằng ngày, giống như làm việc theo lệ. Thời gian kéo dài ra, quân Sở cũng cảm thấy mất ứng thú với việc nghi binh, mất nhiệt tình, ngay cả tiếng mắng chửi để khiêu chiến cũng không còn hùng hồn như trước. Vì họ biết dù có kêu la bể cổ họng đi nữa, quân Hán cũng không ra ứng chiến bao giờ, vậy hà tất phải to tiếng cho mệt? Sĩ khí vốn rất cao trong quân Sở, dần dần cũng bị tụt giảm. Sống yên ổn lâu ngày không đánh nhau, họ trở nên chểnh mảng, tiêu cực, biếng nhác. Tình hình đó cũng giống như một con bệnh đang bám chặt lấy cơ thể của quân Sở làm yếu đi sức chiến đấu của họ.
Niềm tin có khả năng quyết chiến với quân Hán của Hạng Võ nay đã mất. Ông ta đã cố gắng hết sức mình, nhưng vẫn không thể kéo quân Hán từ trong doanh trại của họ bước ra chiến đấu. Như vậy, dù Hạng Võ có tài năng tới đâu cũng khong thể phát huy. Tình hình giằng co kéo dài đó làm cho ông ta cảm thấy rất khó chịu, thế nhưng không cũng không cam tâm rút quân. Vì nếu làm như vậy, chẳng phải chứng minh là Hạng Võ bất tài hay sao? Ông ta cũng có ý nghĩ đi đường vòng để tấn công quân Hán, nhưng nếu làm như vậy, chẳng những phải đi một lộ trình rất xa, mà vạn nhất bị quân Hán chiếm lấy những địa thế hiểm yếu để đánh trả, thì hậu quả rất khó lường. Có thể nói Hạng Võ đang lâm vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Ngày hôm đó, Hạng Võ thấy buồn, nên đã bước ra sát bờ vực, bỗng trông thấy trong doanh trại của quân Hán ở phía bên kia có một đội người ngựa kéo tới. Số binh sĩ đóng quân của họ đua nhau ra nghênh đón, tiếng nói cười huyên náo cả một khu núi. Hạng Võ lấy làm lạ, bèn hỏi những tướng sĩ đứng bên cạnh, nhưng mọi người đều lắc đầu, không biết ra sao cả. Hạng Võ không khỏi thầm nghĩ: chả lẽ quân Hán lại có viện binh tới tăng cường hay sao? Họ từ đâu được điều động tới vậy?
Để nắm chắc tình hình, Hạng Võ liền phái mấy binh sĩ đi thám thính, đồng thời, ra lệnh cho quân đội của mình chú ý đề phòng hơn, để tránh những sự việc xảy ra bất ngờ. Bản thân Hạng Võ cũng cho rời lều trướng của ông ra phía trước nhất, để tiện việc nghe ngóng và quan sát sự động tĩnh của quân Hán.
Ngày hôm đó, có một tên hiệu úy từ hậu phương tận Bành Thành vừa vận chuyển lương thảo tới. Sau khi chất vào kho xong, anh ta tới ra mắt Hạng Võ, và hỏi:
- Đại Vương có biết tin Hán Vương đã rời khỏi Quảng Võ không?
Hạng Võ dường như không tin ở lỗ tai của mình, ngạc nhiên hỏi:
- Nhà ngươi nói cái gì/ Hán Vương không còn ở Quảng Võ ư?
Người hiệu uý đáp:
- Xem ra Đại Vương vẫn không biết tin tức chi cả. Hán Vương đã rời khỏi Quảng Võ lâu rồi. Hạ thần nghe được tin này từ một lái buôn trên đường đi. Ông ta mới vừa từ Quan Trung đến để mua bán Đơn Sa.
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất nước Trung Quốc, đã đề cao chính sách trọng nông ức thương, khuyến khích nông nghiệp và hạn chế việc mua bán. Nhưng, theo đà phát triển của nền kinh tế phong kiến địa chủ, công thương nghiệp cũng đã nhanh chóng phồn vinh lên. Đặc biệt là sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất tiền tệ, thống nhất đơn vị cân đong đo đếm, đã giúp cho việc mua bán trở nên dễ dàng hơn, nhất là sau khi thống nhất chánh quyền, dẹp bỏ những trạm canh gác, khiến bốn biển trở thành một nhà, cho nên rất nhiều đại thương gia chở hàng hóa đi bán khắp mọi nơi trong đất nước. Do đó, những người thương gia chính là những người biết nhiều tin tức nhất. Mấy năm nay, mặc dù chiến loạn không dứt, nhưng sự hoạt động của những lái buôn cũng không bị ảnh hưởng nhiều, có người thậm chí còn nhân lúc có giặc đã phát tài to. Người Quan Đông đã vào Quan Trung và vùng đất Ba Thục để chuyên chở Đơn Sa về bán kiếm lời. Đất Ba là nơi sản xuất Đơn Sa, khi chở tới Quan Đông thì bán rất lời.
Nhưng, điều mà Hạng Võ quan tâm không phải là chuyện làm ăn của các lái buôn, mà chính là tin tức có liên quan về Lưu Bang. Ông ta nôn nóng hỏi người hiệu úy:
- Người lái buôn đó nói thế nào?
Người hiệu úy đáp:
- Người lái buôn nói Hán Vương sau khi bị thương tại núi Quảng Võ, liền đến Thành Cao để tịnh dưỡng. Sau khi vết thương lành, bèn đi về phía tây và đến Lịch Dương. Tại đó, ông ta thết tiệc chiêu đãi phụ lão để mua chuộc lòng người, lại có chặt đầu Tái Vương Tư Mã Hân treo lên một ngọn sào cao dựng ngoài chợ Lịch Dương. Lịch Dương là cố đô của Tái Vương, sau khi bị bại ở Thành Cao, Tái Vương đã tự tử chết trên sông Phiếm Thủy. Lưu Bang làm như vậy là để đề cao võ công của quân Hán, và cũng để xóa bỏ ảnh hưởng của Tái Vương tại Lịch Dương, và cũng để tiến hành và uy hiếp, răn đe. Người lái buôn này cho biết, bá tánh tại Lịch Dương sau khi biết tin Tái Vương chết, thì đối với Sở đã mất lòng tin, và nghiêng về Hán Vương. Rất nhiều tráng đinh đã gia nhập quân Hán. Hán Vương ở lại Lịch Dương bốn hôm, động viên rất nhiều binh sĩ, nghe đâu hiện nay ông ta đã trở lại Quảng Võ rồi.
Hạng Võ nghe xong như vừa tỉnh cơn mơ, nói:
- Thảo nào trong những ngày này quân Hán không thấy động tịnh chi cả. Thì ra Hán Vương đã lén trở về Quan Trung để chiêu binh mãi mã. Ta thật là sơ ý, những tin tức như thế mà lại hoàn toàn không biết!
Ngay lúc đó, số thám tử được Hạng Võ phái đi cũng trở về, báo cáo với Hạng Võ:
- Hán Vương vừa mới từ Quan Trung trở về, huy động không ít binh sĩ tại vùng Quan Trung, kéo đến tăng viện cho Quảng Võ. Quảng Võ lại được tăng cường quân số, việc phòng bị càng củng cố vững chắc hơn. Vết thương của Hán Vương nay đã lành, ông ta khoẻ mạnh như xưa. Việc ông ta rời khỏi Quảng Võ rất ít người biết, sau khi trở về thì đi thị sát khắp các đơn vị quân đội, lại mở tiệc khoản đãi binh sĩ, khiến tinh thần của quân Hán được tăng cao, sĩ khí đang phấn chấn.
Nét mặt của Hạng Võ sa sầm. Hành động của Lưu Bang quả thật đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng của Hạng Võ. Điều đáng buồn là quân Sở đã phí phạm rất nhiều thời gian tại Quảng Võ, đến nay thì tinh thần binh sĩ đang sa sút chán chường, ý cí chiến đấu không còn như xưa, trong khi việc cung cấp lương thảo thì lại ngày càng khó khăn. Quân Hán trái lại trong cuộc chong mặt giằng co này, đã âm thầm tăng cường quân lực, điều chỉnh tinh thần và dũng khí, khiến Quảng Võ thực sự trở thành một phòng tuyến không thể phá vỡ được. Hạng Võ lúc đó không thể không thừa nhận Lưu Bang quả thật là người có mưu lược hơn hẳn người khác. Con người này thật quá tinh ranh, gian xảo, đã khôn ngoan tăng cường cho mình một số quân lực mà không ai hay biết. Tất nhiên khi Hạng Võ thừa nhận những điều đó, không phải ông đã đánh giá Lưu Bang quá cao. Dưới mắt của ông, Lưu Bang vĩnh viễn là một bại tướng. Ông không xem Lưu Bang ra gì, mà còn miệt thị nữa là khác. Ông nghĩ: dựa vào bản lãnh cao cường, từng chiến thắng không biết bao nhiêu trận của Hạng Võ ta, thì tên Lưu Bang tầm thường kia nào có đáng gì! Cái tài của Lưu Bang chẳng qua là hơn những người tầm thường. Nhưng nếu so sánh với Hạng Võ ta, thì còn thua xa kia mà!
Suy nghĩ đến đây, tinh thần của Hạng Võ lại phấn chấn lên. Nhưng ông ta vẫn chưa thể có một trận quyết chiến cuối cùng với Lưu Bang. Vì cho dù quân Hán đã tăng cường quân lực, nhưng họ vẫn tiếp tục giữ nguyên sách lược cũ: đóng kín doanh lũy, phòng thủ chặt chẽ, mặc tình cho quân Sở khiêu chiến họ vẫn không thèm để ý.
Hạng Võ cảm thấy hết sức lúng túnc, nếu liều lĩnh mở cuộc tấn công thì không được, vì quân Hán sẽ dựa vào địa thế hiểm yếu và phòng tuyến kiên cố của họ để phòng thủ thì rất khó đánh chiếm. Nguồn bổ sung quân số của quân Hán không bao giờ cạn, lương thực lại đầy đủ, nhất là thời gian kéo dài chỉ có lợi cho quân Hán, và càng ngày càng bất lợi cho quân Sở. Hạng Võ không cam tâm rút lui, vì ông ta sợ bị quân Hán mở cuộc truy kích.
Đứng trên bờ vực tại núi Quảng Võ, vị anh hùng cái thế Hạng Võ lần đầu tiên cảm thấy việc dụng binh đánh nhau với kẻ thù thật là khó, và cũng cảm thấy tương lai của quân Sở rất mờ mịt.
Tháng 6 vừa qua, Lưu Bang dùng phương thức đột kích đoạt lấy ấn soái và binh phù của Hàn Tín, một mặt vì ông sợ xảy ra chuyện bất ngờ, mặt khác cũng chứng tỏ sự bất mãn của Lưu Bang đối với Hàn Tín. Trong tình hình Huỳnh Dương, Thành Cao lâm vào cảnh nguy cấp, mà Hàn Tín không có hành động tác chiến tích cực để phối hợp với chiến trường chính, dù quân đội của ông ta đã kéo tới Tiểu Tu Vò mà vẫn án binh bất động, khiến cho Lưu Bang có ý nghĩ: Hàn Tín không làm tròn trách nhiệm của một vị tướng, và không biết chừng ông ta có một sự tính toán riêng tư nào đó. Hành động đột kích ở Tiểu Tu Vò của Lưu Bang, là một tiếng chuông cảnh báo với Hàn Tín, đồng thời, cũng là thể hiện sự khống chế của Lưu Bang đối với Hàn Tín.
Việc Lưu Bang phái Hàn Tín kéo quân về phía đông để đánh nước Tề, chứng tỏ ông là người có một nhãn quan chiến lược. Tề Vương lúc bấy giờ là Điền Quảng, con trai của Điền Vinh, được người chú là Điền Hoành lợi dụng lúc Sở và Hán đang giằng co tại Huỳnh Dương, xua quân khôi phục các thành ấp của nước Tề, và đưa Điền Quảng lên làm vương, còn Điền Hoành thì tự làm tướng quốc, nhưng tất cả những đại quyền ở trong nước đều nằm trong tay của Điền Hoành. Tề Vương Điền Quảng trước khi bùng nổ cuộc đại chiến tại Bành Thành đã dựa vào Lưu Bang, sau khi Lưu Bang bị thất bại ở Bành Thành thì ông ta lại giảng hòa với Hạng Võ, và dựa vào nước Sở. Việc Lưu Bang chinh phục nước Tề, thứ nhất là nhằm làm suy yếu thế lực của nước Sở; thứ hai là vì nước Tề nằm ở phía bắc nước Sở, khi Hán chiếm cứ được đất Tề thì óc thể từ phía đông bắc tạo thành thế bao vây chiến lược đối với Sở; thứ ba là sau khi các nước Yên, Triệu bị đánh chiếm xong, lại đánh chiếm cả nước Tề, thì có thể trưng dụng binh sĩ và lương thảo ở những nơi đó để tiếp tế cho chiến trường chính là Huỳnh Dương và Thành Cao.
Hàn Tín ý thức được Lưu Bang có sự bất mãn đối với mình. Để xóa bỏ sự nghi ngờ đó giữa họ, Hàn Tín quyết tâm làm tròn trach nhiệm qua việc xua quân đánh chiếm nước Tề. Nhưng, khi Hàn Tín chưa vuột qua Bình Nguyên Tân, thì bỗng nghe tin Hán Vương đã phái Lệ Thực Kỳ đi thuyết phục được nước Tề.
Sự việc là như thế này: khi Lưu Bang chuẩn bị bỏ rơi Thành Cao kéo về trú quân tại huyện Củng và Lạc Dương để chống Sở, thì Lệ Thực Kỳ kiến nghị nên chiếm lại Huỳnh Dương, để dựa vào kho lương thực tại Ngao Thương, cố thủ căn cứ quan trọng là Thành Cao. Đồng thời, ông cũng đề xuất các nước Yên, Triệu ở phía bắc đã được bình định xong, chỉ riêng có nước Tề là chưa đánh chiếm được. Họ Điền là một họ lớn mạnh, nước Tề lại có một địa hình hiểm yếu, phía đông dựa vào biển cả, phía tây có núi Thái Sơn, lại có sông Tế Thủy, Hoàng Hà, tạo nên thế hiểm yếu thiên nhiên, dễ thủ khó công. Phía nam nước Tề lại tiệp giáp với nước Sở, cho nên họ có thể được sự tương trợ của nước Sở. Hơn nữa, người Tề thường gian trá, mặt dù có mười vạn đại binh cũng chưa chắc có thể đánh chiếm được trong vòng một năm. Cho nên Lệ Thực Kỳ kiến nghị, đối với Tề cần phải áp dụng chính sách dụ hàng, và thông qua cách du thuyết để khiến họ quy phục. Nếu được Lưu Bang cho phép, thì ông ta sẽ đi sứ nước Tề để làm chuyện đó.
Lưu Bang cho rằng ý kiến của Lệ Thực Kỳ rất hay, cho nên vào tháng 8 đã phái Lệ Thực Kỳ đi sứ nước Tề.
Sau khi Lệ Thực Kỳ đến nước Tề, liền nói với Tề vương Điền Quảng:
- Đại Vương biết thiên hạ sẽ thuộc vào tay ai hay không?
Tề Vương đáp:
- Không biết. Thế còn cao kiến của tiên sinh ra sao?
Lệ Thực Kỳ liền nói thẳng:
- Nên quy Hán - và ông đã nói rõ lý do của mình - sau khi Hán Vương kéo quân vào Hàm Dương trước, nếu căn cứ từ giao kết trước kia, thì Hán Vương sẽ được làm Quan Trung Vương, thế nhưng Hạng Vương lại không tôn trọng lời giao kết, đuổi Hán Vương ra khỏi Hàm Dương và phong đất ở Hán Trung. Sau đó, Hạng Vương lại giết Nghĩa Đế, đó là một hành động mất lễ nghĩa, mất nhân tâm, Hán Vương động viên binh sĩ vùng Thục Hán, rồi lại bình định được đất Tam Tần, và phong hầu, phong đất cho tướng và dân thành đầu hàng, cùng hưởng lợi chung với thiên hạ, nên hào kiệt anh tài đều qui phục. Trong khi đó thì Hạng Vương đã hành động hoàn toàn trái ngược. Ông ta đã hủy bỏ lời giao ước của Nghĩa Đế, rồi lại giết chết Nghĩa Đế, đó là đại bất nghĩa. Đối với bộ hạ ông ta không biết thương yêu, ông ta không nhớ công mà chỉ nhớ mãi lỗi lầm của bộ hạ. Bộ hạ chiến thắng không được ban thưởng, đánh thành chiếm đất không được phong tước, mà chỉ chiếu cố đến bà con gia tộc, khiến phần lớn những người hiền tài thán oán, không ai muốn đem sức mình đóng góp với ông ta. Dựa vào đó mà xét, thì Hán Vương cuối cùng nhất định sẽ giành được thắng lợi.
Lời nói của Lệ Thực Kỳ làm cho Tề Vương bị xúc động mạnh. Tề Vương lo ngại trong lòng: nay ta đã quy phục Sở, nhưng Hạng Vương chỉ biết lo cho những người bà con thân tộc, vậy biết đâu sau này ông ta sẽ xa rời ta, thậm chí nghi kỵ ta nữa?
Lệ Thực Kỳ thấy Tề Vương Điền Quảng đã nghe theo mình, trong lòng không khỏi mừng thầm, lại uốn ba tấc lưỡi nói thao thao về tình hình giữa Hán và Sở ai chiếm ưu thế hơn. Ông ta nói:
- Hán Vương huy động binh lực ở Thục Hán, bình định được đất Tam Tần, vượt sông Hoàng Hà, đánh chiếm nước Ngụy, kéo binh tới Tinh Hình, giết Trần Dư, đều là những việc mà người tầm thường không thể làm được. Chính nhờ cái phước trời trợ giúp, đến nay Hán Vương đã chiếm được Ngao Thương, giữ được Thành Cao, chặn được con đường Thái Hành, đồn quân tại Bạch Mã Tân, khiến quân Sở không thể nào tiến về phía tây. Nước Tề nếu chịu đầu Hán sớm, thì nhất định sẽ được bảo toàn, bằng không thì chuyện nguy vong sẽ tới trước mắt.
Sự phân tích nói trên của Lệ Thực Kỳ đã thuyết phục đuộc Điền Quảng một cách triệt để. Ông ta bằng lòng sẽ phản Sở đầu Hán. Trước đó nước Tề nghe nói đại quân của Hàn Tín đang tiến về phía đông, liền tập trung binh lực trên toàn quốc, rêu rao đó là một đạo quân đông đến hai chục vạn, tiến hành việc bố phòng tại Lịch Hạ, chuẩn bị quyết chiến với Hàn Tín. Sau khi nghe Lệ Thực Kỳ phân tích, nhà vua bằng lòng đầu Hán, liền phái sứ giả đi yết kiến Lưu Bang, đồng thời, xóa bỏ việc bố phòng tại Lịch Hạ. Tề Vương Điền Quảng ngờ rằng chiến tranh không còn nữa, nên ngày ngày đã cùng Lệ Thực Kỳ bày tiệc vui chơi, ngồi yên chờ hồi âm của Lưu Bang.
Trong khi đó thì đại quân của Hàn Tín đang áp sát nước Tề. Khi Hàn Tín biết tin nước Tề đã đầu Hán thì cảm thấy việc tiến quân của mình không còn ý nghĩa gì nữa, nên sửa soạn triệt thoái. Nhưng biện sĩ Khoái Triệt đã ngăn lại, Khoái Triệt nói:
- Tướng quân phụg chiếu đi đánh nước Tề, trong khi đó thì Hán Vương cũng phái sứ giả đi dụ hàng, nhưng chưa xuống lệnh đình chỉ tiến quân, vậy tại sao ngài tự ý làm như thế? Hơn nữa, Lệ Thực Kỳ chẳng qua là một văn sĩ, dựa vào ba tất lưỡi của mình để dụ hàng hơn bảy mươi thành ấp của nước Tề, còn tướng quân có trong tay mấy vạn binh mã, thế mà hơn một năm đã qua chỉ chiếm được ngoài năm mươi thành của nước Triệu, tướng quana làm tướng đã nhiều năm, chả lẽ công lao lại không bằng một nho sinh hay sao?
Hàn Tín cảm thấy lời nói của Khoái Triệt rất có lý, cho nên nghĩ rằng đại công chiếm Tề không thể để cho một nho sinh cướp đi, vì như vậy không phải chứng tỏ một vị tướng chỉ huy hàng vạn binh mã lại quá bất tài hay sao? Thế là ông ta tiếp nhận ý kiến của Khoái Triệt, vượt qua sông Hoàng Hà tiếp tục tiến về phía đông.
Tháng 10, Hàn Tín tiêu diệt quân Tề tại Lịch Hà, và thừa thắng đánh thẳng tới kinh đô của nước Tề là Lâm Tri. Tề Vương Điền Quảng nghĩ rằng mình đã đầu Hán, và đã xóa bỏ việc phòng thủ đối với quân Hán, nhưng nay không ngờ Hán cho thuyết khách đến trước, rồi đại quân kéo theo sau. Ông ta hối hận vì mình đã trúng kế gian, vô cùng bực tức, nên xuống lệnh giết Lệ Thực Kỳ bằng cách bỏ vào chảo nước sôi. Lệ Thực Kỳ có tài biện luận hơn ai hết, nhưng nay dù ông ta có giải thích thế nào cũng không thể giải thích được, rốt cục đành chịu chết một cách oan uổng. Sau khi Điền Quảng giết chết Lệ Thực Kỳ, thấy Lâm Tri khó bảo vệ được, liền rút lui về Cao Mật, rồi phái người đi cầu viện với Hạng Võ. Sau khi Hàn Tín chiếm được Lâm Tri, lại tiếp tục tiến về phía đông để truy kích Điền Quảng, và đã tới được vùng đất Cao Mật.
Việc Tề Vương Điền Quảng xin cứu viện gần như xảy ra cùng một lúc với việc Thành Cao bị thất thủ. Lúc bấy giờ, Hạng Võ đang đánh nhau với Bành Việt, Lưu Quán, Lưu Giả tại đất Ngụy, mặc dù ông ta đã đoạt được những thành ấp bị Bành Việt đánh chiếm trước đây, nhưng sự thất thủ Thành Cao ở phía tây và sự cầu viện của nước Tề ở phía bắc làm cho ông ta cảm thấy hết sức bối rối. Hạng Võ nghĩ rằng nước Tề đã quy phục Sở, vậy không thể không cứu nước Tề. Hơn nữa, nếu để quân Hán chiếm được nước Tề, thì sẽ trực tiếp uy hiếp đến sự an toàn của nước Sở ở phía đông bắc, cho nên ông cần phải phát binh đi cứu viện. Hạng Võ vốn muốn tự mình chỉ huy đạo quân cứu viện nước Tề, nhưng suy nghĩ thấy việc đoạt lại Thành Cao ở mặt trận phía tây là quan trọng hơn, nên quyết định tự mình xua quân trở về phía tây, và phái đại tướng Long Thả dẫn hai chục vạn quân đi cứu viện cho nước Tề.
Long Thả là danh tướng của nước Sở, trước đây không bao lâu từng đánh bại Cửu Giang Vương Anh Bố, tiến chiếm vùng đất Thọ Xuân. Ông ta cùng với Á tướng Châu Lam, Mạt tướng Hạng Quán dẫn hai chục vạn quân đi cứu Tề, và đã nhanh chóng tới được Cao Mật. Quân chi viện và quân Tề của Điền Quảng đông khoảng năm vạn người, họ kết hợp nhau chuẩn bị phản kích Hàn Tín. Hàn Tín hay tin Long Thả kéo quân tới cứu Tề, liền điều đọng binh mã của Tào Sâm, Quán Anh đông khoảng từ năm đến mười vạn người bố trí tại bờ tây sông Duy Thủy. Như vậy, trận quyết chiến giữa liên quân Sở - Tề với quân Hán đã diến ra tại hai bên bờ sông này.
Xét lực lượng của đôi bên lúc bấy giờ, thì liên quân Sở - Tề rõ ràng chiếm ưu thế hơn, chẳng những số lượng đông hơn, mà quân đội của Long Thả hầu hết là kỵ binh Lâu Phiên, dũng cảm thiện chiến, cơ động nhanh nhẹn. Dựa vào đó, Long Thả không khỏi kiêu hãnh tin rằng chắc chắn sẽ đánh thắng được Hàn Tin. Ông ta chủ trương sử dụng chiến thuật tấn công, chỉ một trận đánh thôi là có thể tiêu diệt được Hàn Tín. Nhưng một tướng lĩnh dưới tay của ông ta lại chủ trương áp dụng chính sách phòng ngự. Tướng này nói với Long Thả:
- Quân Hán là một đạo quân viễn chinh truy kích tới đây, tinh thần binh sĩ đang lên cao, thế lực của họ khó chống đỡ nổi, liên quân Tề - Sở tác chiến gần quê nhà của mình, tâm trạng của binh sĩ thường lo ngại cho gia đình, nên rất dễ bị thất bại. Chính vì thế liên quân tuy đông, nhưng thực lực chưa chắc hơn hẳn quân Hán. Chính vì vậy, tốt nhất nên cố thủ trong doanh lũy, chờ thời cơ tốt sẽ hành động. Nhất là để cho Tề Vương phái người đi chiêu dụ bá tánh ở các thành ấp đã bị thất thủ, người Tề tại những nơi đó thấy Tề Vương vẫn còn, lại thấy quân Sở kéo tới cứu viện, nhất định sẽ đứng lên chống lại quân Hán và theo về với nước Tề. Quân Hán từ một phương xa mấy nghìn dặm kéo tới nước Tề, vậy một khi bá tánh ở các thành ấp của nước Tề đứng lên chống lại quân Hán, thì quân Hán sẽ không có nơi tiếp tế lương thảo. Như vậy, chúng ta không cần tác chiến quân Hán cũng sẽ đầu hàng.
Long Thả không nghĩ như vậy, ông ta nói:
- Ta biết con người của Hàn Tín, cho nên rất dễ đối phó với ông ta. Hơn nữa, ta phụng mệnh Hạng Vương đến đây để cứu Tề, nếu không tác chiến mà quân Hán đầu hàng, thì ta còn có công lao gì nữa? Nếu ta giao chiến với quân Hán và thắng được Hàn Tín, thì không biết chừng ta sẽ được phong thưởng một nửa đất đai của nước Tề, vậy tại sao ta lại ngưng cuộc chiến đấu chứ?
Bộ tướng thấy không còn cách nào thuyết phục được Long Thả, nên không nói nữa. Long Thả ra lệnh cho quân đội của mình cùng quyết chiến với quân Hán.
Với một con người giỏi mưu lược như Hàn Tín, rất xem trọng trận đánh này. Ông ta biết liên quân có quân số đông hơn, còn quân Hán thì ít hơn, cho nên không thể dùng sức mạnh đánh nhau với họ, mà phải dùng chính sách chia cắt họ ra để tiêu diệt từng bộ phận. Trước khi bùng nổ cuộc quyết chiến, một hôm nhân đêm khuya trời tối, Hàn Tín ra lệnh cho binh sĩ chuẩn bị cấp tốc một vạn bao cát, và dùng những bao cát đó chặn kín thượng du của con sông Duy Thủy, rồi sau đó dẫn một nữa quân Hán nhân lúc mực nước trên sông đang cạn, lội bộ vượt qua sông Duy Thủy, mở cuộc tấn công vào liên quân Sở - Tề. Long Thả thấy quân Hán kéo sang tấn công, liền cho quân chặn đánh, đôi bên mới bắt đầu giao tranh, thì quân Hán giả vờ bị thua và rút lui. Long Thả thấy thế vui mừng nói với các tướng:
- Ta đoán biết Hàn Tín là người nhu nhược, không chịu nổi trận đánh của ta, thì hôm nay mọi việc diễn ra quả đúng như vậy!
Thế là ông xua quân lội bộ qua sông để truy kích. Hàn Tín đứng trên bờ thấy quân Sở lội bộ qua sông, chờ họ ra đến giữa sông thì xuống lệnh cho binh sĩ tháo bỏ những bao cát chặn trên đầu nguồn, tức thì nước sông ào ạt tràn xuống, cắt đứt quân của Long Thả ra thành hai bộ phận, một ở bờ phía đông, và một ở bờ phía tây. Trong khi đó thì chủ lực của chúng đang kẹt lại ở bờ phía đông, không thể tiếp tục qua sông được. Hàn Tín lập tức mở cuộc phản kích mãnh liệt, và đã đánh bại hoàn toàn số quân Sở đã ở bờ phía tây. Long Thả bị Tào Sâm chém đầu, Á tướng Châu Lam bị Quán Anh bắt sống. Thế là quân Sở ở bờ tây hoàn toàn bị tiêu diệt. Trong khi đó thì liên quân Tề Sở còn ở bờ phía đông hay tin quân Sở bị đại bại, đã ùn ùn bỏ chạy. Hàn Tín cấp tốc vượt qua sông Duy Thủy truy kích chém giết quân Tề Sở đang bỏ chạy. Hàn Tín xua quân truy đuổi tới Thành Dương thì bắt sống được Tề Vương Điền Quảng và giết chết tại chỗ. Tướng quốc của nước Tề là Điền Quang cũng bị bắt sống. Còn tướng của nước Tề là Điền Ký thì bị chém chết.
Tướng quốc của nước Tề là Điền Hoành ở tại Doanh Hạ nghe tin Tề Vương Điền Quảng bị quân Hán giết chết, liền tự lên ngôi làm Tề Vương, xua quân đón đánh quân Hán do Quán Anh đang kéo tới. Kết quả, quân của Điền Hoành bị thất bại phải bỏ chạy sang đất Lương đầu hàng Bành Việt. Đến đây thì toàn bộ đất Tề đã bị Hàn Tín bình định.
Hàn Tín với một binh lực yếu kém hơn, chỉ trong vòng mấy tháng đã đánh bại được nước Tề, và đã tiêu diệt liên quân Tề Sở tại Duy Thủy, làm cho tiếng tăm của ông vang lừng và quân đội của ông đã trở thành một lực lượng lớn mạnh, ngay đến Hạng Võ cũng phải nhìn Hàn Tín với đôi mắt khác. Bình tâm mà xét, thì trước khi xảy ra trận đánh tại Duy Thủy, Hạng Võ hoàn toàn không xem Hàn Tín ra gì. Khi ông ta phái đại tướng Long Thả dẫn quân đi cứu viện nước Tề, thì ông ta tuyệt đối tin tưởng Long Thả không bao giờ thất bại. Vì ông biết tướng Long Thả là một viên tướng rất dũng cảm, nhất là quân chủ lực của tướng Long Thả hầu hết đều là kỵ binh Lâu Phiên rất dũng cảm và thiện chiến. Ông hy vọng là sẽ nhận được tin thắng lợi tại đất Tề. Thế nhưng nay thì ông đã hoàn toàn thất vọng, vì tin tức mà ông ta nhận được là quân Sở bị thảm bại, còn tướng Long Thả đã bị giết chết. Hạng Võ hết sức kinh hoàng. Để tránh việc quân Hàn Tín lại tạo ra những sự uy hiếp mới cho quân Sở, Hạng Võ liền chuẩn bị một phương thức đối phó mới với đạo quân có sức phá hoại lớn lao này. Trong khi đó thì Lưu Bang, một người vốn có thừa thông minh đã thấy ngay cơ hội đó, cũng liền tìm đủ cách để lôi kéo Hàn Tín về với mình. Thế là giữa Sở và Hán liền bùng nổ một trận chiến tranh đoạt nhân tài xoay quanh Hàn Tín.