Sự Hiền Hòa Của Sói

Chương 3

Maria Knox đang quan sát một hiện tượng mà lúc trước cô đã thấy nhiều lần: ảnh hưởng của em gái đối với một anh trai trẻ. Cô đã quen với điều này, kể từ lúc cô lên mười bốn và cô em mười hai, các cậu con trai đã vây quanh Susannah, và thay đổi thái độ sau khi gặp gỡ, trở nên thô lỗ, nhút nhát, lớn tiếng hoặc huênh hoang - tùy bản chất từng người. Bọn con trai phớt lờ Maria; họ không thích chơi với cái cô thô kệch và thích châm biếm này, và cũng không thích chép bài làm ở nhà của cô. Nhưng Susannah có dáng vẻ tươi tắn, và khi lớn lên thêm điều hiển nhiên là cô em đẹp hơn chị. Cô không bao giờ kiểu cách; cô tỏ ra khéo léo trong các trò chơi, nếu biết mình đẹp (dĩ nhiên là cô biết) thì cô vẫn tỏ ra khiêm tốn, thậm chí tỏ ra bực bội khi người ta chú ý đến cô vì vẻ đẹp. Vì các thành viên của một gia đình (và hẳn là của xã hội nữa) nhận lãnh vai trò cho riêng mình và rồi bị gò bó vào đó, thế nên Susannah trở thành đứa con cưng của họ: được nuông chiều nhưng cũng được chỉ dạy nhằm bảo vệ tránh chuyện thiệt thòi trong xã hội như nhà vệ sinh bị tắc hoặc việc nộp thuế.

Cùng lúc, Maria trở thành một nữ học giả thích tranh cãi, đọc rất nhiều sách từ những năm mới trưởng thành, chú tâm đến Chủ nghĩa Bành trướng, chiến tranh ở miền Nam và những đề tài thường được cho là không thích hợp với các cô gái trẻ. Trong vòng ba năm trở lại đây, cô đã tự đặt mua một số báo Canada và nước ngoài. Cô công khai ủng hộ Đảng Cải cách (nhưng ngầm thiên về Đảng Tự do[10]), ngưỡng mộ Tupper[11], và tranh luận với người cha về việc ông thích George Brown[12]. Tất cả những chuyện này hiện diện ở một thị trấn, nơi mà phụ nữ đọc một tờ báo bị xem là điều kỳ dị.

Nhưng Maria nhận ra rằng không có khác biệt nhiều về năng lực trí óc của Susannah và của chính cô. Trong khi Susannah tỏ ra giản đơn và vì thế được phép muốn làm gì thì làm tùy thích, thì có lẽ cô chị có khả năng biến mình thành một nhà trí thức. Và cô tỏ ra đủ khiêm tốn để nhìn nhận là nếu mình có ngoại hình khá hơn thì có lẽ hẳn đã biếng nhác hơn trong khi theo đuổi kiến thức. Chỉ có mấy khác biệt nhỏ như vậy mà quyết định chiều hướng của đời người.

Maria thường nêu lên những chủ đề trong trường đại học - cô đã hai mươi tuổi và bắt đầu nhận ra nếu không vào đại học ngay thì là điều đáng xấu hổ. Nhưng gia đình cô cho biết họ cần cô ở nhà, và chứng tỏ việc này bằng cách bắt cô tham gia vào tất cả sự việc trong nhà. Bà mẹ hỏi ý kiến cô về hầu hết mọi chuyện của gia đình, mà bà cho rằng mình không kham nổi. (Maria hỏi một cách hùng hồn: “Thế thì mẹ làm gì khi con còn nhỏ?”) Người cha cũng mang chuyện của mình ra hỏi con gái.

Đối với Susannah, cô này quàng hai cánh tay qua cổ chị và than van rằng mình không thể sống mà thiếu chị. Dĩ nhiên, có thể là Susannah thiếu can đảm để thoát ly khỏi Caulfield. Cô đã băn khoăn về điều này, nhưng cứ bận tâm mãi lại đâm ra ngã lòng, thế nên khi có nguy cơ phải suy nghĩ thì cô vớ lấy một tờ báo khác và gạt ý nghĩ sang một bên. Hơn nữa, nếu mùa thu này cô đi học đại học, cô hẳn đã không có mặt ở nhà để hỗ trợ gia đình trong thời gian thử thách này. Mẹ cô ra vẻ cứng cỏi, nhưng đôi mắt bà tỏ lộ lo lắng - ngoài mặt là về việc lo thu xếp cho hai người xa lạ ở nhờ trong nhà, nhưng trong lòng là về tên hung thủ giỏi trốn lánh trong vùng hoang vu.

Trong hai ngày, Maria đã tìm cách nói chuyện riêng với người cha để hỏi han về vụ việc, nhưng mãi đến tối nay cô mới có cơ hội. Cô tự tin là ông sẽ chia sẻ cảm nghĩ với mình, và tha thiết muốn thảo luận những giả thuyết của riêng mình. Nhưng sau khi hai nhân viên Công ty đã đi ngủ, gương mặt của ông hầu như xám hẳn đi vì mệt mỏi, tuy thường ngày vẫn không được hồng hào lắm. Đôi mắt ông lõm sâu, cánh mũi vươn cao hơn bao giờ.

Cô chỉ biết vòng hai cánh tay ôm lấy ông: “Pa-pa ạ, đừng lo, chẳng bao lâu vụ việc sẽ được xử lý xong xuôi rồi chỉ còn là hoài niệm.”

“Mamie, cha hy vọng là thế.”

Trong thâm tâm, Maria thích được gọi bằng cái tên này - một tên riêng từ thuở cô còn nhỏ mà tuyệt đối không ai khác được phép dùng.

“Họ sẽ lưu lại đây bao lâu?”

“Cha đoán cho đến khi nào họ thẩm vấn xong những người họ muốn thẩm vấn. Họ định chờ cho đến khi Francis Ross trở về.”

“Francis Ross à? Thật vậy sao?” Francis nhỏ hơn cô ba tuổi và vì thế cô vẫn nghĩ về anh ta như là một cậu bé lầm lì, đẹp trai, thích cười khúc khích về các cô gái ở trường trung học cấp ba. “À, họ không cần phải ở với chúng ta. Họ có thể đến nhà Scott. Con nghĩ Công ty họ chi trả được.”

“Cha tin chắc thế. Làm thế nào mẹ con và Susannah thích ứng với tình hình này?”

Maria ngập ngừng để suy nghĩ nghiêm túc: “Nếu không có khách thì Ma-man thích hơn.”

“À...”

“Còn Susannah thì ổn. Thay đổi nếp sống hàng ngày kể cũng hào hứng. Tuy rằng hôm nay con bắt gặp nó suýt kể cho anh Moody nghe chuyện về các chị họ của chúng con, và con gần nổi giận. Con không hiểu tại sao. Anh ấy không dính dáng gì đến chuyện này, phải không?” Ngừng một chốc, cô thêm, tuy cảm thấy xấu hổ một tí: “Con nghĩ nó muốn tạo ấn tượng đối với anh ấy. Nhưng nó không cần phải nỗ lực.”

Người cha mỉm cười: “Cha cũng nghĩ vậy. Chỉ có điều nó không có nhiều cơ hội được người ta trọng vọng.”

Maria cười: “Cha có ý gì? Theo con thấy thì nó chẳng có gì cho người ta trọng vọng.”

“Mamie à, đúng là theo một khía cạnh nó được ngưỡng mộ, nhưng không được người ta quan tâm theo cách họ quan tâm đến con, pha một ít kính sợ.”

Ông nhìn con gái. Maria mỉm cười, cảm thấy đôi má nóng bừng. Cô thích ý nghĩ mình được quan tâm pha kính sợ.

“Cha không có ý tâng bốc con.”

“Đừng lo, con không cảm thấy được tâng bốc nếu so với Thác Niagara[13] hoặc Heights of Abraham[14].”

“À, khi nào mà cha không...”

Maria nhìn người cha bước lên thang lầu - bước chân cứng nhắc, có nghĩa là các khớp của ông vẫn còn đau nhức. Quả là khổ sở khi thấy ông đã già và biết rằng các cơn đau yếu ngày một nặng thêm, cho đến lúc ông suy sụp hẳn. Maria đã có cái nhìn khá tiêu cực về cuộc đời, có lẽ vì cô có một cô em đẹp. Người đã có sức thu hút thiếu chín chắn như tự bao giờ đối với anh Moody.

Maria quan tâm đến anh không phải vì chính mình. Hoàn toàn không phải thế. Nhưng, đôi lúc kể cũng tốt nếu cô còn có cơ hội.

༺༒༻

Tôi nhận ra rõ ràng rằng mình phải làm việc gì đấy. Sau khi Mackinley kiếu từ, tôi đi đi lại lại trong gian bếp cho đến khi Angus trở về, và tôi không cần phải nói cho anh biết rằng Francis vẫn chưa về nhà. Tôi nói với anh các cần câu vẫn còn ở nhà, và tôi đã giấu đi một cần. Bây giờ anh lộ vẻ bất an.

Tôi nói: “Anh phải đi tìm nó.”

“Chưa đến ba ngày. Nó không phải là đứa con nít.”

“Nó có thể bị tai nạn. Trời đang lạnh. Nó không mang theo tấm chăn nào.”

Angus suy nghĩ, rồi nói ngày mai anh sẽ đi Hồ Swallow. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm và ôm lấy anh, nhưng anh chỉ đáp lại bằng thái độ xơ cứng và không khoan nhượng. Anh chỉ chờ cho tôi buông anh ra, rồi quay đi như thể không có chuyện gì xảy ra.

Cuộc hôn nhân của chúng tôi vẫn tốt lành khi nào mà tôi không nghĩ về vấn đề ấy. Bây giờ thì tôi không rõ, tôi càng quan ngại về người khác thì họ lại càng không thích. Khi chỉ nghĩ đến mình thì tôi chỉ việc búng ngón tay, thế là các ông sẵn lòng làm theo bất kỳ việc gì tôi muốn. Rồi tôi cố trở thành người tốt hơn và hãy nhìn kết quả: chồng tôi quay người đi và không muốn nhìn vào mặt tôi. Hoặc có lẽ không có vấn đề gì, mà chỉ là do tuổi tác - khi người phụ nữ già đi thì mất sức thu hút và thuyết phục, thế nên họ không làm gì được.

Tôi nói: “Em đi với anh.”

“Đừng có ngốc.”

“Em không chịu nổi khi chờ đợi. Nếu có chuyện gì... xảy ra thì sao?”

Angus thở dài, hai bờ vai chùng xuống trông như ông cụ già. “Rhu[15] ơi...” Anh thì thào ngôn từ âu yếm ngày xưa, khiến cho tôi khẽ rung động. “Anh tin nó sẽ ổn thôi. Nó sẽ sớm trở về.”

Tôi gật đầu, cảm thấy xúc động vì ngôn từ có tình cảm. Thật ra, tôi bám víu lấy ngôn từ này như là sợi dây cứu hộ - dù rằng khi nghĩ lại, nếu tôi thật sự vẫn là người anh yêu mến, tại sao anh không nhìn đến tôi khi chuyện trò?

Khi ánh sáng lịm tắt, tôi cất bước đi dạo, hai túi của chiếc váy phồng lên. Ít nhất tôi nói với Angus như thế; không thể nào biết được anh tin tôi hay không. Vào giờ này trong ngày, mọi người ở Sông Dove đều ngồi dùng bữa, theo đúng giờ giấc như một đàn bò, thế nên không ai đi ra khỏi nhà. Không ai ngoại trừ tôi.

Cả ngày tôi đã nghĩ về việc này, rồi quyết định rằng buổi tối là thời gian thích hợp nhất. Tôi có thể đợi đến hừng đông, nhưng không muốn chần chừ thêm nữa. Nước sông chảy cuồn cuộn và dâng cao - đã có mưa ở phía bắc. Nhưng tảng đá nơi Doc Wade giã biệt cuộc đời vẫn khô - chỉ có cơn lũ mùa xuân mới làm ngập.

Nhưng dù vậy, có một dấu chân trên đấy. Một dấu sẫm màu và ướt. Ngay cả trong bóng tối nhá nhem tôi vẫn trông thấy được. Có lẽ cuối cùng thì Knox đã sắp xếp người canh gác - nhưng người này đã cảm thấy buồn chán và đi chèo thuyền. Thoạt đầu tôi không tin thế, nên tôi đi nhè nhẹ xuống dọc ngôi nhà gỗ để khuất dạng mà tránh khung cửa trước. Khung cảnh hoàn toàn im ắng. Có lẽ tôi chỉ tưởng tượng - tôi không còn trông thấy hòn đá. Tôi đã mang theo một con dao trong túi, mà bây giờ tôi cầm trên tay, nắm chặt hơn mức cần thiết. Tôi thực sự không nghĩ hung thủ sẽ quay trở lại - để làm gì? - nhưng tôi vẫn len lén đi tới, một tay vịn trên tường ngôi nhà, cho đến lúc tôi có thể nghe được âm thanh từ bên trong vọng ra qua khung cửa sổ. Tôi đứng đấy hồi lâu đến mức hai chân tê dại hẳn đi, và tôi không nghe tiếng động nào dù là tiếng muỗi kêu. Tôi bước đến cánh cửa lúc ấy vẫn còn đóng kín nhờ được cột dây kẽm, lấy ra cây kềm và cậy cái chốt. Bên trong tối lờ mờ nhưng tôi vẫn khép cánh cửa lại để phòng xa.

Ngôi nhà gỗ vẫn y nguyên theo những gì tôi còn nhớ, ngoại trừ là chiếc giường bây giờ trống trơn, vẫn còn có mùi khó chịu bốc lên từ tấm thảm và các tấm chăn đang được cuộn sát bức tường. Tôi thắc mắc ai sẽ giặt các tấm chăn này - hoặc chỉ việc mang đi đốt? Bà mẹ già của anh hẳn không muốn nhận các món này.

Tôi đi lên tầng trên. Có vẻ như Jammet ít khi lên đây - có những hộp và thùng chất lên nhau dựa chân tường, mọi thứ đều phủ bụi, cho thấy dấu chân những người đi lên ngày hôm qua, chân của họ chà xát những khoảnh nhỏ khi họ dừng lại và xem xét cái gì đấy. Tôi đặt cái đèn xuống và bắt đầu lục lọi trong chiếc hộp gần nhất chứa những bộ quần áo tốt nhất của anh - một áo choàng đen kiểu cổ và quần dài, mà tôi có thể nói quá nhỏ đối với anh. Liệu quần áo này là của anh khi còn nhỏ, hoặc của cha anh? Tôi lục lọi qua các thùng khác: có thêm quần áo, vài giấy tờ từ Công ty Vịnh Hudson, chủ yếu liên quan đến chế độ nghỉ hưu sau “một tai nạn xảy ra trong khi thi hành nhiệm vụ”.

Vài món hé lộ cuộc đời của Jammet trước khi anh đến Sông Dove. Tôi cố không nghĩ nhiều đến vài món: ví dụ một cánh hoa bằng lụa ép, đã phai màu theo thời gian - biểu tượng cho tình yêu của một phụ nữ, hoặc biểu tượng anh định trao nhưng đã không trao? Tôi thắc mắc về người phụ nữ vô hình trong cuộc đời của anh. Và đây là một vật hiếm hoi - một tấm ảnh cho thấy Jammet lúc còn là trai trẻ, miệng nở nụ cười khiến người ta dễ cười theo. Cùng hiện diện trong tấm ảnh là vài người đàn ông mà tôi đoán là nhân viên tải hàng, tất cả đều mang khăn quàng cổ, mặc áo choàng có mũ trùm đầu, mắt hấp háy trong tia nắng, đứng xúm xít quanh một núi những thùng và ca nô, nhưng chỉ có anh là giữ nụ cười được lâu đến thế. Vào dịp nào đáng giá đến mức cần chụp ảnh? Có lẽ họ vừa phá một kỷ lục cho một chuyến tải hàng gian khổ. Người đi buôn lấy làm hãnh diện đối với mấy việc như thế.

Sau khi đã xem xét qua các chiếc hộp, tôi đẩy chúng ra xa khỏi chân tường. Tôi không chắc mình có thể tìm được gì ở đây, vì chỉ có bụi bặm và phân chuột, thêm những mảnh vỏ khô của ong vò vẽ.

Tôi bước xuống tầng dưới mà cảm thấy chán nản. Tôi không biết mình đi tìm cái gì, mà chỉ là cái gì đấy nhằm xác định Francis không có dính dáng trong vụ này, mà dĩ nhiên là tôi đã biết như thế. Tôi không thể mường tượng ra điều gì khác.

Tôi nhận ra rằng mình đang thở dốc khi xem qua các món thực phẩm của anh. Mùi thực phẩm lan tỏa cả ngôi nhà, còn tệ hại hơn là khi anh còn sống ở đây. Để tìm hiểu cặn kẽ hầu không bị dằn vặt trong đêm và phải trở về, tôi chọc bàn tay vào các hũ ngũ cốc và bột, và đấy là khi tôi tìm ra nó. Trong hũ bột, tay tôi chạm phải cái gì đấy khiến cho tôi giật tay lại và thốt lên một tiếng trước khi tôi dừng lại được, ném bột tứ tung khắp nơi. Đấy là một mẩu giấy được xé ra từ một miếng giấy to hơn, có những con số và chữ cái: “61HBKW”. Không có gì khác. Tôi không thể mường tượng ra thứ gì vô dụng hơn. Tại sao phải giấu một mẩu giấy trong một hũ bột nếu nó có hàng chữ vô nghĩa? Tôi đặt mẩu giấy vào trong túi mình rồi mới nghĩ ra rằng có thể nó rơi vào hũ bột do tình cờ. Nếu đúng thế, nó cũng có thể rơi vào bột ở bất kỳ nơi nào khác; ví dụ như trong kho chứa hàng của Scott. Dù cho nếu Jammet cố tình cất giấu, thì nó khó có thể giúp tôi xác định kẻ đã giết anh.

Cho đến lúc này tôi đã tránh khu vực chung quanh chiếc giường, và không muốn đặt tay lên. Đáng lẽ tôi nên mang găng tay, nhưng đấy là một món mà tôi đã không nghĩ ra. Tôi nhìn vào bên trong lò sưởi khi suy nghĩ về chuyện này. Thế rồi có cái gì đấy xảy ra khiến cho tôi gần ngất đi vì bị sốc: có tiếng gõ cửa.

Trong vài giây đồng hồ tôi hoàn toàn bất động, nhưng giả vờ mình không hiện diện ở đây là điều ngu xuẩn, với ánh sáng ngọn đèn bão đang chiếu qua cửa sổ mờ đục. Trong vài giây đồng hồ kế tiếp tôi cố nghĩ ra lý do chính đáng cho việc mình đang ở đây, nhưng vẫn chưa nghĩ được thì cánh cửa mở ra, và tôi đối diện với một người đàn ông mình chưa gặp trước đây bao giờ.

༺༒༻

Ít lâu sau tuổi trưởng thành, Donald phải nhìn nhận rằng mình khó nhìn rõ ở khoảng cách xa. Bất kỳ thứ gì xa khỏi tầm tay anh đều mờ nhòe; anh không thể thấy vật nhỏ, còn người thì trở nên vô danh. Anh không còn nhận ra bạn bè hoặc thậm chí người trong gia đình mình, và anh thôi ra dấu cho người ở khoảng cách xa vì không biết họ là ai. Anh kể cho bà mẹ về chuyện phiền toái này và được cấp một cặp kính gọng kẽm mang thiếu thoải mái. Đấy là phép lạ đầu tiên trong đời anh - cách thức mà cặp kính mang anh trở lại vào thế giới.

Phép lạ thứ hai diễn ra vào một buổi tối chẳng bao lâu sau đó. Đấy là tháng Mười một, vào một đêm trời trong khác thường, và anh đang trên đường đi bộ từ trường về nhà. Anh nhìn lên và đứng sững lại trong nỗi kinh ngạc, vầng trăng tròn treo thấp vành vạnh trước mắt anh, đổ bóng người anh dài trên mặt đường. Nhưng điều khiến cho anh há hốc miệng là vầng trăng trông thật sắc nét. Anh đã ngỡ (mà không nghĩ ngợi gì nhiều) rằng đối với mọi người thì vầng trăng phải là một đĩa tròn mờ đục. Nhưng ở đây nó rất sắc nét, hiện rõ mọi chi tiết - bề mặt nhăn nheo, lỗ chỗ, những bình nguyên sáng sủa và những hố sâu tăm tối. Tầm nhìn mới của anh không chỉ vươn đến phía bên kia đường, mà còn lan xa vô số dặm trong không gian. Ngừng thở, anh tháo cặp kính ra - vầng trăng trông mềm mại hơn, lớn hơn, có phần ở gần hơn. Khung cảnh chung quanh thu gần lại, thân mật hơn nhưng cũng có vẻ đe dọa hơn. Anh lại mang vào cặp kính, và khung cảnh đằng xa lại hiện lên rõ mồn một.

Đêm ấy, anh đi về nhà với nỗi sướng thỏa vô bờ. Anh cất tiếng cười vang khiến cho những người đi đường phải ngạc nhiên. Anh muốn hét với họ và nói cho họ biết khám phá của mình. Anh biết điều này không có ý nghĩ gì với họ, vốn đã có thị lực tốt từ lâu. Nhưng anh thấy tiếc cho họ, vì đã không biết đánh giá cao một món quà quý giá như thị lực đã được phục hồi sau khi bị tổn hại.

Từ lúc ấy, đã bao lần anh lấy lại niềm vui sướng tuyệt vời như thế? Sự thực là không có lần nào cả.

Donald nằm trên chiếc giường hẹp, thiếu thoải mái mà nhìn lên vầng trăng phía trên Caulfield. Anh tháo cặp kính ra rồi đặt lại trên mắt, để sống lại cảm giác xuất thần của sự khám phá. Anh nhớ chắc chắn mình đã nhìn thoáng qua cái gì đấy báo hiệu điềm gở, tuy không biết ý nghĩa là gì. Giờ đây, dường như nó không có ý nghĩa gì nhiều. Nhưng anh đã quen với việc nhìn sự vật từ khoảng cách xa, hầu nhìn được rõ nét. Có lẽ vì vậy mà anh hướng tới công việc với các con số, bị thu hút bởi tính giản, đơn thầm lặng của các con số này. Con số lúc nào vẫn chỉ là con số. Nếu các sự vật được quy về con số thì chúng có thể được sắp xếp có thứ tự và được cân đối. Hãy xem xét cộng đồng những gia đình người bản địa sống bên kia vực núi của Pháo đài Edgar và luôn gây đau đầu cho các nhà quản trị. Số người làm nghề tải hàng tăng nhanh chóng, càng lúc càng tạo thêm miệng ăn mà Công ty phải lo nuôi nấng. Đã có nhiều lời than phiền về lượng thực phẩm và dịch vụ y tế cung ứng cho họ, thế nên Donald phải lo xem xét những công việc mà phụ nữ làm được cho Pháo đài. Anh liệt kê mấy công việc giặt giũ, trồng rau, thuộc da, làm giày đi trên tuyết... và định tiền công cho mỗi việc, để chứng tỏ là Công ty đang hưởng lợi từ người bản địa ngang bằng người bản địa hưởng lợi từ Công ty. Anh lấy làm tự hào về thành tựu này, càng vui hơn khi có cơ hội làm quen với vợ và các con của Jacob - hai đứa con gái cứ nhìn chăm chăm người bạn da trắng của cha với đôi mắt nâu mở to. Những đứa trẻ này - với ánh mắt tin tưởng và những cái tên khó hiểu - được so sánh đối chiếu với các loại lông thú mà Công ty buôn bán, dù nói thật ra, ai cũng biết bên nào quan trọng hơn.

Khi lần đầu tiên đến Pháo đài Edgar, anh được người thủ kho tên Bell dẫn đi một vòng quanh thương điếm. Donald nhìn thấy những văn phòng, khu cư xá đông đúc, quầy giao dịch, ngôi làng người Da Đỏ bên kia vực núi (cách xa một khoảng thích hợp), nhà thờ xây bằng gỗ súc, nghĩa trang... và cuối cùng là phòng trữ lạnh khổng lồ nơi các tấm lông thú được chất lên nhau, sẵn sàng cho chuyến đi hào hùng đến London để Công ty thu tiền. Bell lén lút nhìn qua lại rồi mở một bành lông thú ra, và từng tấm da sống bóng loáng tuôn xuống nền nhà dơ bẩn.

Anh nói trong ngữ âm miền Edinburgh[16]: “Này, đây là những gì cốt yếu. Bao nhiêu đây sẽ có giá vài đồng guinea[17] ở London. Xem nào...” Anh lấy tay xoa một tấm da. “Đây là loài chồn marten[18]. Anh có thể thấy tại sao chúng ta không muốn họ bắn con thú - bẫy chỉ để lại một vết khó nhận ra, xem đây!”

Anh nắm chân của cái xác con vật vẫy vẫy về phía Donald. Cái đầu con vật vẫn còn dính vào tấm da - mặt nhỏ, nhọn với đôi mắt nhắm nghiền, như thể nó không muốn nhớ chuyện gì đã xảy ra cho nó.

Bell đặt cái xác xuống và chọc tay vào các tấm lông, nhanh chóng lôi ra từng tấm cho Donald xem như động tác của một nhà ảo thuật: “Các loại này ít giá trị hơn, của hải ly, chó sói, gấu; tuy có phần hữu dụng - để gói bên ngoài các loại lông khác. Hãy sờ xem lông nhám như thế nào...”

Tấm da sống bóng loáng gợn sóng trên tay Bell, các cẳng chân được gấp lại phía dưới tấm da. Donald nhận lấy tấm da và ngạc nhiên vì cảm giác trên bàn tay. Trước đó, anh đã cảm thấy ghê tởm về nhà kho chứa mấy xác chết thú rừng, nhưng khi lùa bàn tay vào giữa các lớp lông mát dịu, anh có cảm giác muốn đưa lên môi. Dĩ nhiên là anh kiềm chế, nhưng hiểu ra tại sao phụ nữ muốn có vật như thế quấn quanh cổ, và rồi chỉ khẽ nghiêng đầu là lớp lông quét trên gò má.

Bell vẫn cất tiếng giảng giải, hầu như là độc thoại: “Nhưng sản phẩm quý nhất... à, đây là chồn bạc - thứ này có giá cao như vàng.” Đôi mắt anh sáng rỡ trong ánh sáng tù mù.

Donald đưa tay muốn nắm lấy, và Bell gần như ngần ngại. Lớp lông có màu xám, trắng và đen, xen kẽ với nhau thành một lớp óng ánh như bạc, dày và mềm mại, trông như dòng nước chảy. Donald rút tay lại, trong khi Bell có vẻ như không muốn buông ra.

“Chỉ có một thứ quý hơn là chồn đen - cũng sống xa về miền bắc, nhưng rất hiếm. Bộ lông này có giá đến một trăm guinea ở London.”

Donald lắc đầu tỏ vẻ ngạc nhiên. Trong khi Bell bắt đầu đặt các tấm da vào cái khuôn gỗ rồi nhẹ nhàng đặt tấm da cáo trắng ở giữa, Donald cảm thấy ngượng nghịu như thể mình đang tham gia trò giải trí bí mật cho dù Bell cố giấu diếm.

Donald cố hướng tâm trí trở về thực tại. Anh muốn suy nghĩ về cuộc trao đổi với Jacob, để tổng kết các dữ kiện trước khi đi đến một giải pháp thông minh hầu giúp mọi việc được thông suốt, nhưng anh không có đủ dữ kiện. Một người đàn ông bị giết nhưng không ai biết tại sao, lại càng không biết ai là hung thủ. Nếu họ có thể dò xét cuộc đời của Jammet từ lúc lìa trần ngược về quá khứ, nếu có thể biết được mọi chi tiết về anh ấy, thì liệu họ sẽ phăng ra được sự thật không? Anh thấy đó là ý nghĩ vẩn vơ; anh không thể hình dung Công ty chịu bỏ ra nhiều ngày công và thời giờ để tìm ra. Nhất là đối với một nhà buôn hành nghề tự do.

Tâm trí anh lại hướng tới Susannah. Anh đã ngồi với cô ở tiền sảnh trong nhiều phút mà không có khoảng thời gian im lặng ngượng ngập; và có vẻ như cô thấy thú vị đối với anh, cô muốn kể với anh nhiều chuyện và muốn nghe anh chuyện trò. Anh đã quá lo âu nên không cảm thấy thoải mái, nhưng ở đây có điều gì đó gần như là hạnh phúc, dần hé lộ như chồi non sau mùa đông Canada. Anh gấp lại cặp kính, và vì không có bàn ngủ nên phải đặt nó lên sàn nhà kề bên mình, hy vọng sáng mai khi thức dậy sẽ không dẫm lên nó.

༺༒༻

Sau cơn sốc lúc đầu, tôi nhận ra rằng mình không gặp nguy hiểm tức thời. Người đàn ông đứng ở khung cửa ít nhất cũng đến sáu mươi tuổi, dáng vẻ như người thích sách vở, và điều quan trọng nhất là không mang vũ khí. Ông trông đạo mạo, với mái tóc bạc mềm mại được chải ngược vầng trán cao, khuôn mặt thanh mảnh, sống mũi nhọn. Thái độ của ông dưới mắt tôi có vẻ như tử tế. Thật ra, đối với một người ở tuổi này thì ông trông đẹp lão (tôi lấy làm lạ về từ ngữ này, nhưng đúng thế).

Tôi đã có thói quen đáng chê trách, ở đây là khi không còn có thể xét người qua ngữ âm được nữa, đấy là rà soát một số đặc tính của một người lạ. Mỗi khi gặp người mới quen, tôi liếc nhìn qua đôi khuy măng sét, giày, móng tay, và đại loại như thế, nhằm xác định vị thế trong cuộc đời và mức ổn định về tài chính. Người đàn ông này mặc chiếc một áo choàng lòe loẹt, được may cắt chỉnh tề nhưng đã cũ, và tuy ông trông đứng đắn, râu tóc cạo tề chỉnh, đôi giày lại mòn trông đáng hổ thẹn.

Trong khoảnh khắc cho tôi đi đến những kết luận này, tôi nhận thấy ông cũng đang đánh giá tôi theo cùng cách thức, vì thế có lẽ ông đã kết luận tôi là vợ của một nông dân khá giả. Tôi không thể nói liệu ông đi xa hơn hay không mà nghĩ rằng sắc đẹp của tôi đã tàn tạ.

“Xin lỗi...” Giọng ông nghe dễ chịu, có ngữ âm của người Mỹ. Tim tôi đập chậm lại.

“Ông làm cho tôi sợ chết khiếp.” Tôi nói một cách nghiêm chỉnh, nhận biết có bột trên áo tôi và có lẽ cũng ở trên tóc tôi. “Ông tìm Jammet phải không?”

“Không. Tôi nghe...” Ông chỉ về phía chiếc giường và các tấm chăn vấy máu: “Một chuyện kinh khủng... một cảnh thê lương khiếp đảm. Xin lỗi bà, tôi không được biết tên bà.”

Ông mỉm cười một cách trang trọng, và tôi thấy mình có cảm tình với ông. Tôi không đánh giá cao cử chỉ đẹp, đặc biệt khi có người hạch hỏi sự hiện diện của tôi ở hiện trường vụ án.

“Tôi là Bà Ross. Láng giềng của anh ấy. Tôi đến để sắp xếp đồ đạc.” Tôi mỉm cười trong nỗi nuối tiếc, cho thấy công việc là không dễ chịu chút nào. Đấy là tôi tưởng tượng, hoặc ông nhanh nhẩu khi nghe nói đến đồ đạc của Jammet?

“À, Bà Ross, tôi xin lỗi đã làm phiền bà. Tên tôi là Thomas Sturrock, ở Toronto. Tôi làm luật sư.”

Ông chìa bàn tay ra, và tôi bắt lấy. Ông cúi đầu.

“Ông đến đây để xem xét gia sản của anh ấy phải không?” Theo kinh nghiệm của tôi, luật sư không ngẫu nhiên xuất hiện, tìm kiếm quanh quất trong đêm tối, tay chân lấm bẩn. Họ cũng không có khuy măng sét sờn và giày thủng lỗ.

“Không. Tôi không có công việc gì ở đây.”

Chân thật. Không phải đặc tính biểu trưng của luật sư.

“Đây là một việc cá nhân. Tôi không rõ mình phải tiếp xúc với ai trong hoàn cảnh này, nhưng, bà biết không, Monsieur[19] Jammet sở hữu một vật có tầm quan trọng đối với một nghiên cứu của tôi. Anh ấy đã định gửi nó cho tôi.”

Ông ngưng lại, thăm dò phản ứng của tôi, trong khi tôi cảm thấy thích thú. Sau khi đã lục lọi căn nhà khắp nơi, tôi không thể nghĩ ra có cái gì khiến cho bất kỳ ai chú tâm đến, đặc biệt đối với một người đàn ông như thế này. Nếu Jammet có vật nào như thế thì anh ấy hẳn đã bán nó rồi.

Ông thêm: “Nó không có giá trị, mà chỉ là mối quan tâm hàn lâm.”

Tôi tiếp tục im lặng.

Với một nụ cười khiêm tốn, ông nói: “Tôi nghĩ cần thành thật với bà. Bà không có cách nào biết được tôi nói thật hay không, nên tôi sẽ kể hết cho bà. Monsieur Jammet có một mẫu xương hoặc ngà, lớn ngần này...” Ông chỉ vào lòng bàn tay: “Với dấu khắc trên đó. Vật này có thể quan trọng về mặt khảo cổ học.”

“Ông nói ông là luật sư...?”

“Luật sư là theo nghề nghiệp. Còn khảo cổ học là mối quan tâm.”

Ông dang rộng hai bàn tay. Tôi hoang mang, nhưng ông trông chân thành: “Tôi phải thú nhận là mình không quen thân với anh ấy, tuy rằng tôi lấy làm tiếc cho cái chết của anh. Tôi được nghe rằng vụ việc xảy ra... bất ngờ.”

Tôi nghĩ “bất ngờ” là một cách diễn tả.

“Có vẻ như tôi quá tham lam khi đi tìm vật ấy ngay sau khi anh qua đời, nhưng tôi thực sự tin nó có tầm quan trọng. Nhìn nó thì không thấy gì, nên nếu người ta vì không thấy mà vứt bỏ nó thì thật là tiếc. Vậy thì bà đã biết - tại sao tôi đến đây.”

Ông có cách nhìn tôi làm cho tôi an tâm - cởi mở và thiếu tự tin về mình. Ngay cả nếu ông nói dối, tôi vẫn không thể nghĩ ra ông làm hại tôi ra sao.

Tôi bắt đầu: “À, Ông Sturrock, tôi không...”

Tôi chợt im bặt, vì vừa nghe một cái gì đấy - tiếng sỏi kêu lạo xạo trên con đường mòn phía sau ngôi nhà. Lập tức tôi nắm lấy cây đèn bão trên lò sưởi.

“Ông Sturrock, tôi sẽ giúp ông, nếu ông giúp tôi và làm theo lời tôi nói. Đi ra ngoài ẩn mình trong bụi rậm gần bờ sông. Đừng nói gì. Nếu ông làm thế và không bị phát hiện, tôi sẽ nói cho ông những gì tôi biết.”

Ông há hốc miệng vì ngạc nhiên, nhưng rồi quày quả đi với tốc độ đầy ấn tượng đối với tuổi tác của ông: một giây đồng hồ sau khi tôi nói, ông đã đến ngạch cửa. Tôi thổi tắt ngọn đèn bão và khép cánh cửa, vặn sợi dây kẽm để giữ chặt nó rồi lẻn ra khu vườn rậm rạp của Jammet. Tôi thầm cảm ơn Jammet vì anh không lấy làm hãnh diện về thuật trồng hoa cảnh; khu vườn của anh có thể che giấu cả chục người như tôi.

Tôi cố hòa mình vào trong lùm bụi, nhận ra rằng một bàn chân tôi đang chìm xuống cái gì đấy mềm và ướt. Tiếng bước chân đến gần thêm, rồi ánh sáng một ngọn đèn bão trong tay của một bóng người.

Tôi kinh hãi tột cùng: đấy là chồng tôi.

Anh giơ ngọn đèn bão lên, mở cánh cửa và đi vào trong. Tôi chờ một hồi lâu, cảm thấy lạnh hơn, giày thấm sũng nước, tự hỏi khi nào Sturrock sẽ chán nản mà bước ra để nói chuyện với anh thay vì với một phụ nữ điên rồ. Rồi Angus lại đi ra, khép cánh cửa lại sau lưng. Anh không nhìn quanh quất mà biến mất trên con đường mòn, rồi chẳng bao lâu ánh sáng ngọn đèn của anh cũng mất hút khỏi tầm mắt.

Bây giờ trời đã khá tối. Tôi đứng dậy một cách cứng nhắc, các khớp xương kêu lạch cạch, và kéo chân khỏi vũng bùn. Đôi bít tất sũng nước. Tôi tìm hộp diêm và với ít khó khăn đốt lại ngọn đèn bão.

Tôi cất tiếng kêu: “Ông Sturrock.” Một ít lâu sau, ông bước ra vùng ánh sáng của ngọn đèn, gạt những chiếc lá khỏi áo choàng luộm thuộm.

Ông mỉm cười với tôi: “À, quả là một cuộc phiêu lưu. Ông ấy là ai mà chúng ta phải lẩn trốn?”

“Tôi không biết. Trời tối quá nên không thấy rõ. Ông Sturrock, tôi xin lỗi vì hành vi của tôi, ông hẳn nghĩ tôi là con người kỳ quặc. Tôi sẽ chân thực với ông, vì ông đã chân thực với tôi, và hẳn là chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau.”

Tôi mở cánh cửa trong khi trả lời, và mùi hương ấy lại đập vào tôi. Nếu Sturrock không nhận ra, chồng tôi đã giấu mùi hương ấy rất giỏi.

Khi người vợ ra đi vào lúc chập tối và trở về lúc đêm khuya với một người đàn ông thì ít có ông chồng nào tỏ ra hòa nhã như Angus. Đấy là một trong những lý do mà tôi chịu cưới anh. Thoạt đầu, đấy là do anh tin tưởng nơi tôi; bây giờ thì tôi không biết, có lẽ anh không còn tin tôi có mãnh lực khơi dậy tình cảm thiếu trong sáng, hoặc đơn giản là anh không màng đến. Hiếm có người hoàn toàn xa lạ ở Sông Dove; thường thường họ là lý do để ăn mừng, nhưng Angus chỉ nhìn lên và trầm tĩnh gật đầu. Nhưng rồi, có lẽ anh đã trông thấy ông ấy ở ngôi nhà gỗ.

Sturrock nói ít về cá nhân mình, nhưng trong khi dùng bữa tôi tạo dựng một hình ảnh. Hình ảnh của một người mang giày thủng lỗ và thích hút loại thuốc lá thơm. Một người ăn món thịt heo và khoai tây như thể cả tuần chưa được bữa ăn ngon. Một người có dáng vẻ tinh tế và thông minh, và có lẽ cũng thất vọng. Và một vẻ gì khác - tham vọng. Vì ông rất khao khát tìm được mảnh xương ấy, cho dù nó là cái gì chăng nữa.

Chúng tôi kể cho ông nghe về Francis. Người ta đều biết những trường hợp con trẻ đi lạc trong rừng. Chẳng đặng đừng mà chúng tôi nói đến trường hợp các cô gái nhà Seton. Cũng như mọi người sống dọc theo Biên giới, ông biết các cô này. Sturrock chỉ ra những khác biệt giữa các cô gái nhà Seton và Francis. Tôi công nhận Francis không giống như một đứa con gái yếu đuối, nhưng phải nói rằng như thế vẫn chưa làm tôi yên tâm lắm.

Đôi lúc, bạn nhìn đến rừng cây theo cách khác nhau. Có lúc đấy đơn thuần là những cây cho gỗ xây nhà và củi đốt, che lấp mặt đất trơ trụi, và bạn lấy làm vui về điều này. Nhưng cũng có lúc, như tối nay, đấy là một khoảng tối mênh mông mà bạn không thể nhìn đến chốn tận cùng; nó không chỉ có chiều dài và chiều rộng khiến cho bạn đi lạc trong đó, mà còn có chiều sâu vô tận, hoặc một cái gì đấy hoàn toàn khác.

Và có lúc, bạn thấy mình nhìn qua anh chồng và băn khoăn: đấy có phải là người đàn ông cởi mở mà bạn nghĩ mình thấu hiểu - người trụ cột, người bạn trên đường đời, người kể chuyện vô vị nhưng vẫn làm bạn cười - hoặc liệu anh có những chiều sâu mà bạn chưa từng thấy? Liệu anh ấy không làm được việc gì?

༺༒༻

Trong đêm, nhiệt độ hạ thấp. Tuyết rơi nhẹ đón chào Donald khi anh chà lớp băng đóng phía sau kính cửa sổ và nhìn ra ngoài. Anh thắc mắc Jacob đã ngủ trong nhà kho hay không. Jacob quen chịu lạnh. Mùa đông rồi - mùa đông đầu tiên của Donald trên đất nước - trời không lạnh lắm, nhưng anh vẫn bị sốc. Cái lạnh buổi sáng thấu xương chỉ là màn khởi đầu.

Knox đã thu xếp cho một người địa phương đi theo Mackinley để truy tìm thương nhân người Pháp. Một người tầm thường để Mackinley không phải chia sẻ vinh quang với anh này... Rồi Donald thấy ý nghĩ như thế là nghiệt ngã. Trong thời gian này, càng ngày anh càng có ý nghĩ nghiệt ngã. Trước khi rời Scotland, anh không nghĩ sẽ như thế - mảnh đất rộng cô đơn có vẻ như hứa hẹn sự thuần khiết, nơi khí hậu khắc nghiệt và cuộc sống giản đơn tạo lòng can đảm cho con người và gột rửa những lầm lỗi vụn vặt. Nhưng không hẳn thế - hoặc có lẽ chính anh có lỗi, không tự gột rửa được. Có lẽ trước tiên là do anh không có đủ tố chất đạo đức.

Sau khi Mackinley đã ra đi, lầm lì và cáu giận, Donald kéo dài thời gian với cốc cà phê để mong gặp Susannah. Dĩ nhiên đó cũng là niềm vui khi ngồi bên chiếc bàn phủ vải trắng và chiêm ngưỡng những bức họa trên tường, được một phụ nữ da trắng phục vụ - dù đó là phụ nữ Ireland - và đăm chiêu nhìn ngọn lửa mà không phải chịu đựng trò đùa cợt nhắm đến mình. Cuối cùng, lòng kiên nhẫn của anh được tưởng thưởng: hai cô gái bước vào và ngồi xuống.

Maria nói: “À, anh Moody, thế là anh đang bảo vệ cho chúng tôi an toàn trong khi những người khác truy tìm các nghi can.”

Quả là khác thường khi trong một câu nói Maria có thể khiến anh có cảm tưởng mình là kẻ hèn nhát. Anh cố không ra vẻ tự bào chữa ra mình: “Chúng tôi đang chờ Francis Ross. Nếu anh ấy không trở về hôm nay thì chúng tôi sẽ đi tìm.”

Susannah nhíu mày nhìn anh một cách duyên dáng: “Anh không nghĩ anh ấy làm chuyện đó chứ?”

“Tôi không biết gì về anh ấy. Cô nghĩ sao?”

“Tôi nghĩ anh ấy là đứa con trai mười bảy tuổi. Khá đẹp trai.” Với câu nói này, Maria tinh nghịch nhìn anh.

Hướng mắt xuống mặt bàn, Susannah nói: “Anh ấy dễ mến. Nhút nhát. Không có nhiều bạn.”

Maria khịt mũi, ra điệu bộ mỉa mai. Donald nghĩ bất kỳ anh trai trẻ nào cũng phải nhút nhát và ngượng ngập trước tính chua cay của Maria và vẻ đẹp của Susannah.

Maria thêm: “Chúng tôi không quen biết anh ấy lắm. Tôi không rõ ai là bạn thân với anh ấy. Chỉ có điều là anh ấy luôn có vẻ như con gái. Anh không đi săn hoặc làm những việc mà đa số những anh con trai làm.”

“Những anh con trai khác làm gì?” Donald cố gắng tách rời giữa hiện tại và tuổi mười bảy của mình, lúc ấy anh không đi săn và chắc chắn sẽ bị các cô này gọi là giống như con gái.

“À, anh biết không, họ đi chung với nhau, quậy phá, say xỉn... Mấy chuyện điên rồ như vậy.”

“Cô nghĩ người không làm mấy chuyện đó thì không phạm tội giết người hay sao?”

“Không...” Maria ra vẻ đăm chiêu một khoảnh khắc. “Có vẻ như lúc nào anh ấy cũng ủ rũ và... à, như là có cái gì đó đang diễn ra dưới bề mặt.”

Nét mặt sáng lên, Susannah nói: “Tôi nhớ rồi, có một lần. Tôi nghĩ lúc anh ấy mười bốn tuổi, và một đứa con trai khác, có phải đó là George Pretty...? Không, không, đó là Matthew Fox. Hoặc là...” Cô bỏ lửng câu nói, nhíu mày. Chị cô nhìn qua em gái.

“À, Matthew, hay ai đó, cố quay cóp bài làm của anh ấy rồi khoe khoang về việc này, anh biết không, cố tình cho mấy đứa bạn thấy... rồi thình lình Francis nhận ra và nổi lên một cơn giận dữ kinh hãi. Tôi chưa từng thấy ai nổi giận như vậy, nhưng anh ấy là như thế đó - mặt anh trắng bệch, trong khi bình thường da anh có màu đồng, anh biết không...? Hừm, dù sao đi nữa, anh ấy xông đến đánh Matthew như thể muốn giết chết anh này. Anh ấy cơ hồ như nổi điên; ông Clarke và một anh khác phải kéo anh ra. Trông thật là đáng sợ.”

Cô nhìn qua Donald, đôi mắt nâu mở to: “Đã từ lâu tôi không nghĩ đến chuyện này. Anh có giả định...?”

“Đây không phải là tấn công trong cơn điên cuồng, có phải vậy không hả anh Moody?” Maria vẫn giữ vẻ điềm tĩnh trong khi Susannah trở nên kích xúc.

“Chúng tôi không thể loại ra bất kỳ việc gì.”

“Ông Mackinley nghĩ hung thủ là một nhà buôn người Pháp, phải không? Chính vì vậy mà ông ấy truy lùng ông kia. Hoặc có lẽ ông ấy chỉ muốn kết tội nhà buôn người Pháp, ở Công ty, họ không thích các nhà buôn hành nghề tự do, phải không hả anh Moody?”

“Dĩ nhiên là Công ty muốn bảo vệ lợi ích của mình, nhưng cũng có lợi nếu người đặt bẫy nhận được giá cố định khi mang da đến bán; Công ty phải chăm lo đời sống cho nhiều người, trong khi người đặt bẫy biết cần đi đâu và cuộc sống của họ thì... ổn định. Khi có cạnh tranh thì giá cả lên xuống, và các nhà buôn hành nghề tự do không chăm lo cho gia đình họ. Đó là điều khác biệt giữa... trật tự và rối loạn.” Donald nghe giọng điệu kẻ cả trong câu nói của mình và thầm ngượng ngùng.

“Nhưng các nhà buôn hành nghề tự do trả giá cao hơn so với Công ty, thế nên người đặt bẫy có quyền nhận giá này, phải không? Rồi sau đó anh ấy có thể chăm lo cho gia đình mình.”

“Dĩ nhiên là anh ấy được quyền làm thế. Nhưng rồi anh ấy phải chịu rủi ro là nhà buôn hành nghề tự do đó có thể không có mặt năm sau - anh ấy không thể dựa vào người kia theo cách anh dựa vào Công ty.”

Maria vẫn khăng khăng: “Nhưng Công ty khuyến khích người Da Đỏ làm ăn với họ chịu lệ thuộc vào rượu và giữ độc quyền bán rượu để họ luôn quay lại, đúng vậy không?”

Donald cảm thấy máu dồn lên cổ nóng bừng. Giọng anh nghe có vẻ khá tức giận: “Công ty không khuyến khích chuyện gì như vậy. Người đặt bẫy muốn làm gì tùy thích, họ không bị ép buộc làm gì cả.”

Susannah quay qua cô chị: “Đó là lời kết án kinh khủng. Hơn nữa, không phải là lỗi của anh Moody nếu có chuyện này.”

Maria nhún vai, tỏ vẻ không được thuyết phục.

Donald bước ra ngoài, để không khí làm nguội mặt mình. Anh sẽ cố tìm gặp một mình Susannah sau - không thể nào trò chuyện với sự hiện diện của cái cô Maria khó chịu. Anh châm lửa dọc tẩu để trấn tĩnh, và thấy Jacob trong nhà kho, đang nói chuyện với con ngựa của anh ta trong thứ ngôn ngữ vô nghĩa.

“Chào anh Moody.”

“Chào. Anh ngủ ngon không?”

Jacob lộ vẻ khó hiểu, như anh vẫn thường lộ vẻ như vậy đối với câu hỏi này. Anh đã ngủ - còn chuyện gì khác để nói nữa? Anh cũng nằm thao thức, nghĩ về người bị hại và cái chết của người chiến binh mà anh đã thấy ở quê nhà, trên chiếc giường của ông này. Tuy thế, anh gật đầu để làm cho Donald vui.

“Jacob, anh có thích làm việc cho Công ty không?”

Lại thêm một câu hỏi kỳ khôi.

“Có.”

“Anh không thích làm việc cho người khác - như là nhà buôn hành nghề tự do - phải không?”

Jacob nhún vai: “Bây giờ thì không - với gia đình tôi. Khi đi vắng, tôi biết họ an lành và không bị bỏ đói. Còn hàng hóa của Công ty thì rẻ - rẻ hơn nhiều so với bên ngoài.”

“Thế thì làm việc cho Công ty là tốt, phải không?”

“Tôi nghĩ vậy. Mà này, anh muốn đi hả?”

Donald cười lớn, lắc đầu, rồi tự hỏi tại sao chính mình chưa từng mang ý nghĩ này. Bởi vì anh không có chỗ nào khác?

Có lẽ cũng không có chỗ nào khác cho Jacob - cha anh là một nhân viên Công ty, người tải hàng, và Jacob bắt đầu làm việc lúc mười bốn tuổi. Cha anh qua đời sớm. Bây giờ anh thắc mắc có phải ông ấy bị tai nạn hay không, nhưng giống như nhiều khía cạnh khác trong đời Jacob, anh không thể tìm ra cơ hội thuận tiện để hỏi.

Lý do Donald trở nên bất an là vì Maria đúng lý khi nói Công ty luôn muốn giữ thế độc quyền - nhưng họ có lý do khi sợ bị cạnh tranh. Do chán ngán hàng thế kỷ chịu sự độc quyền trong những vùng hoang dã, một số nhà buôn lông thú độc lập - chủ yếu là người Pháp và người Mỹ - đang cố phá thế độc quyền của Công ty. Đã có những nhóm đối thủ nhỏ, nhưng Công ty đều trấn áp hoặc dập tắt tất cả bọn họ. Nhưng liên minh mới này, có tên Công ty Bắc Mỹ, khiến cho các nhà quản trị lo lắng. Nhờ có nhiều túi tiền rủng rỉnh tài trợ, họ phớt lờ các quy định (ý nói là các quy định của Công ty). Các nhà buôn trả giá cao cho người đặt bẫy và bắt những người này cam kết sẽ không bán sản phẩm cho Công ty nữa. Có lẽ họ vừa hối lộ vừa đe dọa - hơn là có lẽ, bởi vì chính Công ty cũng làm theo cả hai cách. Vì thế mà cả nền mậu dịch và lợi nhuận đều sụt giảm.

Nhiều lần Mackinley đã thảo luận căng thẳng với Donald về bản chất xảo quyệt của các nhà buôn hành nghề tự do, và sự cần thiết phải trói buộc dân bản địa vào Công ty bằng rượu, súng đạn và thực phẩm. Đấy là chuyện khiến cho máu dồn lên mặt của Donald - lời kết án của Maria là khá chính xác. Nhưng nó không tệ hại hơn so với những gì người Mỹ đang làm. Đáng lẽ anh phải kể cho Maria nghe về ngôi làng người Da Đỏ nhờ có Pháo đài mà có thực phẩm và sự bảo vệ. Đáng lẽ anh phải kể cho cô nghe về vợ và hai con của Jacob với đôi mắt toát lên niềm tin tưởng, nhưng, như mọi khi, anh không nghĩ ra những chuyện này vào thời điểm thích hợp.

Chính trong một cuộc trao đổi với Mackinley mà Donald nghĩ ra: có lẽ vấn nạn giảm lợi nhuận bắt nguồn từ một nguyên nhân cơ bản hơn là từ lòng tham của người Mỹ. Việc đặt bẫy bắt thú rừng đã diễn ra hơn hai trăm năm, và đã gây tổn hại. Khi Công ty thiết lập những thương điếm đầu tiên, thú rừng sinh sống sung túc trong các vùng chung quanh, nhưng lòng tham về lợi nhuận càng ngày càng đẩy thú rừng vào chốn hoang dã hơn. Từ khi tham quan nhà kho lông thú cùng với Bell, Donald chưa từng thấy con chồn bạc thứ hai, và cũng chưa từng thấy chồn đen. Không ai mang đến đây bán.

Donald thúc ngựa chạy cho kịp với Jacob. Họ đang phi qua một vùng rừng cây nơi mà những chiếc lá cuối cùng đã đổi màu sáng sủa hơn, với lớp băng giá đóng ngoài mặt. Nếu Susannah không màng đến phương cách của Công ty, tại sao anh lại băn khoăn? Dù gì chăng nữa, trong vấn đề này thì trật tự vẫn tốt hơn là rối loạn. Đây là điều mà anh cần nhớ.

Họ để cho hai con ngựa gặm cỏ bên bờ sông rồi bước đến ngôi nhà gỗ. Donald có cảm giác nhẹ nhõm khi thấy ngôi nhà bây giờ đã trống. Anh đã cố không tỏ vẻ ngượng ngập khi đối diện với thi hài, nhưng đấy là kinh nghiệm mà anh không vội lặp lại. Trong khoảnh cỏ chung quanh ngôi nhà, Jacob cúi xuống để quan sát. Ngay cả Donald cũng nhận ra những dấu chân lộn xộn.

Jacob chỉ tay xuống nền đất dưới bụi rậm: “Đây là từ đêm qua. Xem này, có ai đó ẩn nấp ở đây.”

“Có thể là mấy đứa con trai trong làng không?”

Jacob chỉ ra rằng dường như có các loại dấu chân khác nhau.

“Nhìn xem, đây là... giày ủng của đàn ông; dưới kia là dấu chân có hình thù khác - vậy thì có hai người. Người có chân to hơn đi đến đây trước. Nhưng người sau cùng rời khỏi nơi đây thì có dấu chân này - nhỏ hơn, có lẽ là một đứa trẻ... hoặc một phụ nữ.”

“Một phụ nữ hả? Anh có chắc đó không phải là dấu chân từ hôm qua chứ? Đó có thể là người phụ nữ lo thu gom thi hài không?”

Jacob lắc đầu.

Donald cảm nhận niềm vui chiến thắng khi khám phá ngăn kệ đựng bột bị lệch ra từ khoảng trống phía dưới, nhưng chính Jacob là người tìm thấy chỗ cất giấu dưới vài hòn đá. Bí ẩn về gia sản của Jammet được giải đáp - trong một cái thùng lót lớp chì có ba khẩu súng trường Mỹ, một ít đồng tiền vàng và một xấp đô la Mỹ được gói trong vải dầu. Jacob thốt lên một tiếng kinh ngạc. Donald suy tính phải làm gì với các thứ này, và quyết định giấu về chỗ cũ cho đến khi họ có thể quay lại với một chiếc xe cút kít. Họ xếp đặt lại các hòn đá rồi Jacob lấy lá cây rải lên để chỗ cất giấu trông như tự nhiên. Một ý nghĩ nghi kỵ thoáng qua trong đầu và anh tự trách mình vì nghi Jacob có thể dấy lên lòng tham đối với gia sản này, vốn cao hơn khoản tiền anh này kiếm được trong mười năm. Donald nhận ra rằng mình không thể suy đoán từ vẻ mặt của Jacob như anh tin mình suy đoán được từ người da trắng. Anh mong Jacob không nhận biết anh thiếu tin tưởng qua nét mặt của mình.

 

[10] Đảng Cải cách và Đảng Tự do: hai trong số ba đảng lớn ở Canada thời bấy giờ, đảng thứ ba là Đảng Bảo thủ.

[11] Tupper: Sir Charles Tupper (1821-1915), thủ tướng thứ sáu của Canada chỉ trong hai tháng năm 1896.

[12] George Brown (1818-1880): nhà báo và chính khách người Canada, thành lập và làm tổng biên tập tờ báo nổi tiếng Globe, nghị viên liên bang Canada, thượng nghị sĩ.

[13] Niagara: thác hùng vĩ nằm giữa miền tây Bang New York của Mỹ và miền đông-nam tỉnh Ontario của Canada, là một phần của biên giới Mỹ-Canada, thu hút nhiều khách du lịch.

[14] Heights of Abraham: Đỉnh núi Abraham, thắng cảnh du lịch ở Matlock Bath, Derbyshire, Anh quốc, gồm những hang động và quặng mỏ cho du khách tham quan, có tuyến cáp treo.

[15] Rhu: tên thân mật của Bà Ross.

[16] Edinburgh: thủ đô của nước Scotland.

[17] Guinea: đồng tiền vàng vào thời này, có giá trị hơn 1 bảng Anh chút ít.

[18] Chồn marten: tên chỉ chung một số loài chồn nhỏ thuộc chi Martes, có thân thuôn dài, chân ngắn, bộ lông rất được ưa chuộng.

[19] Monsieur: tiếng Pháp trong nguyên bản, có nghĩa là “Ông” gọi theo cách trịnh trọng.